PHẠM ĐÌNH ÂN
Nhà thơ Huy Trụ (Trịnh Huy Trụ), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1950 tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng tham gia quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông về thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) làm ở báo Văn hóa - Thông tin tỉnh nhà và sau đó làm Trưởng ban đại diện một số cơ quan báo ở Trung ương đặt tại địa phương. Hiện nay ông là Trưởng đại diện Thời báo Văn học Nghệ thuật tại Thanh Hóa. Ông đã có 11 tập thơ, trong đó in chung tập đầu tiên năm 1972, một tập Thơ lục bát (2007), một tập Thơ chọn lọc (2010) và sách thơ mới nhất Buồn vui con chữ (2023). Ông đạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhì (không có giải Nhất) Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1993), giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ lục bát báo Giáo dục và Thời đại (1996-1998), giải Nhì thơ Thanh Hóa (1990-1995).
Bài viết này căn cứ vào hai tập Thơ chọn lọc và Buồn vui con chữ của Huy Trụ.
Văn nghệ sĩ nào cũng có ít hoặc nhiều tác phẩm sáng tác hoặc nghiên cứu về quê hương của mình. Tuy nhiên, cũng có người sáng tác rất ít về nơi mình sinh ra hoặc cư trú lâu dài vì những lý do riêng thuộc điều kiện khách quan hoặc chủ quan. Khác hẳn thế, Huy Trụ lại là một nhà thơ toàn tâm toàn sức chỉ làm thơ về Bồng Thượng, về thành phố Thanh Hóa và cả tỉnh nhà. Ông có viết về Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Trường Sa, Huế... nhưng gom lại chỉ mươi lăm bài trong tổng số trên hai trăm bài thơ.
Nhiều sự việc, thi ảnh tại quê hương có nói đi nói lại, ấy thế mà bài nào cũng có chỗ đứng riêng. Các địa danh từ làng đến các cấp cao hơn như huyện, thành phố, tỉnh... cùng con người như bố, mẹ, vợ, con, cháu... đều có ở dăm bảy hoặc hàng chục, mấy chục bài thơ nhưng ít trường hợp giống nhau.
Những hình ảnh như làng quê và con người nơi ông sinh ra đến thành Tây Đô, sông Mã, Hàm Rồng, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Nông Cống... thành phố Thanh Hóa và toàn bộ xứ Thanh, đủ loang phủ và đậm nét trong thơ Huy Trụ. Thấm sâu vào đó là con người ông, gia đình và tình yêu của ông. Nhà thơ đã viết: “Em biết đâu chính quê hương xứ sở/ Đã cho tôi hồn vía những câu thơ”. Ít chia sẻ trực tiếp ra bên ngoài, Huy Trụ say mê viết về nơi ông đã sống, đang sống nhưng thơ ông vẫn có sức lan tỏa rộng rãi đến nhiều bạn đọc, nói được nỗi lòng của họ.
1. Giọng điệu thơ
Thơ Huy Trụ sâu đằm ân nghĩa, thiết tha và dìu dặt. Thơ ông luôn luôn giao kết yêu thương, nhắn nhủ. Ấy là “Tình đời” ngọt lành. Tác giả có đau xót về mặt trái của con người và xã hội nhưng không nhiều. Thơ ông có nhiều xúc cảm hồn nhiên, trong trẻo, chân thành, tập trung hướng về cái đẹp, cái thiện, mong muốn được san sẻ những điều như là chân lý vĩnh hằng của đời sống. Sự phản biện xã hội - con người ở thơ ông ẩn vào nỗi niềm về “sự đời”, tức là cái chung, cái phổ quát chứ không sa đà vào các hiện tượng riêng lẻ, hoặc đau buồn, nặng nề. Những dòng thơ sau đây rất hiếm trong thơ Huy Trụ: “Giá em có phép xoay vần/ xoay cho mưa thuận nắng nhuần trên tay/ Xoay cho nát lũ mọt ngày/ Đã ăn ruỗng đất, nát cây một thời”. Hoặc: “Ngước mắt nhìn lên bao số phận/ Xoay trần chưa đủ miếng cơm rau/ Đời người chớp mắt trong mưa bão/ Ngoảnh lại, mây dăng đã kín đầu”.
Viết về chiến tranh, Huy Trụ chỉ nói đến mặt trận Hàm Rồng xứ Thanh quê hương mà không nhắc lại mười năm quân ngũ đã thuộc về quá khứ. Có đôi ba lần tác giả đau xót nhắc đến người anh ruột liệt sĩ Trịnh Hồng Vũ hi sinh tại chính mặt trận quê hương.
Thơ ông có phần mộc mạc nhưng cũng nhiều mượt mà. Tác giả đã khiến bạn đọc cùng thương yêu làng quê gắn với tuổi thơ của ông: “Để tôi có cuộc đời/ Ở giữa làng Bồng Thượng/ Con gái biết đi cày/ Con trai toàn đội nón...”. Làng quê ông ở ven sông Mã, “nơi một câu nói nửa rừng nửa biển”. Tác giả vinh hạnh gọi đó là “miền riêng tôi” - tên một tập thơ của ông.
Có một điều ngẫu nhiêu thú vị, làng Bồng Thượng bên cạnh sông Mã chỉ có một nhà thơ, mà khi nhà thơ về thành phố tỉnh lỵ cư trú, thì đó lại là nơi sông Mã chảy qua. Người con của quê nhà đã có thơ: “Bờ đê cỏ mượt xanh rì/ Con sông Mã nước trôi đi lững lờ/ Cánh diều, gió hát vu vơ/ Vầng trăng ai thả vàng bờ ánh trăng”. Sông Mã - Hàm Rồng là địa danh nổi tiếng về lịch sử cách mạng. Ở trên đã nói rằng thơ Huy Trụ đậm đà nỗi niềm giao kết yêu thương, nhắn nhủ thì những câu thơ nêu sau đây đã minh chứng, ngoài tình yêu thương còn là trách nhiệm công dân: “Biết mấy thăng trầm mới có một Lam Sơn/ Một núi Nưa, một Hàm Rồng cháu con về họp mặt/ Tên tuổi cha ông còn hừng trên đá khắc/ Như ánh mắt nhìn có lửa bên trong…”; “Nhớ công đức bao người đã tạo dựng niềm vui/ Vắt trí tuệ để nước cường, dân thịnh/ Để có một Nghi Sơn đầu tàu vươn ra biển lớn/ Đón hơn ba triệu người lừng lững bến tương lai/ Đâu phải xứ Thanh thiếu vắng những nhân tài/ Hay thiếu ruộng, thiếu rừng, thiếu biển/ Hãy nắm chặt tay nhau, cái bắt tay thật lòng: ĐỒNG CHÍ/ Mùa xuân sẽ về... Hương, sắc tỏa muôn nơi...”.
Thơ Huy Trụ nói nhiều đến cuộc sống gia đình yên ấm với vợ và các con. Riêng mẹ và cha, thơ ông da diết ân nghĩa. Đây là mẹ: “Mẹ như chiếc lá đầu cành/ Bao nhiêu gió đập vẫn lành che con”. Và đây là cha: “Nhớ điều thiên hạ hay quên/ Quên điều thiên hạ hay phiền hay lo”.
Trong thơ về tình đời của Huy Trụ, rất đáng chú ý là tình yêu nam - nữ. Có vẻ như ở ngoài đời nhà thơ không có người đẹp thật thân thiết nào khác ngoài vợ mình, ông chưa có một mối tình nào xảy ra từ trước. Thơ tình, thơ xuân của ông hầu như chỉ nói đến vợ - chị Kim Cúc. Ở chỗ này, chỗ nọ có bóng dáng người con gái nào đó, ông cũng yêu đến mức như sông cạn trời sập nhưng khó xác định là ai, chỉ thấy đó là người trong thơ và quanh quẩn vẫn là người vợ ông rất yêu quý. Thơ Huy Trụ cho thấy ông vì có vợ mà ra thơ và làm thơ nhiều khi chỉ để tặng vợ. Tình yêu đối với phụ nữ của nhà thơ chính là tình yêu - hạnh phúc. Tác giả không nói đến tình yêu trẻ trung chưa cưới xin, ngoại trừ có hình ảnh cô bé làng Bồng Thượng xửa xưa... Huy Trụ có một số câu thơ táo bạo, mãnh liệt, đã góp phần làm nên thương hiệu của tác giả: “Trót yêu, đào huyệt chôn mình mà yêu”; “Đã yêu, yêu đến chết người”; “Yêu thì yêu đến sập trời mà yêu”; “Rút ruột mà yêu đến trắng tay”. Huy Trụ trông vẻ hiền lành, luôn luôn cười vui rủ rỉ, làm sao lại có những phát ngôn cực đoan đến vậy? Chắc là thơ làm (cho ông) chứ không phải ông làm thơ. Tuy ghi rõ lời đề tặng Kim Cúc chỉ có ở mấy bài, nhưng thật ra rất nhiều bài ông viết về vợ, viết cho vợ. Một bài ghi “tặng Kim Cúc”, có một khổ thơ, chuẩn giọng tha thiết ân tình, dìu dặt: “Anh vẫn thấy mình như thuở đang trai/ Vẫn thấy em như thời thanh niên óng ả/ Ba gian nhà đầy tiếng chim tiếng lá/ Và những nụ đào e ấp nở tan sương”. Hoặc: “Mới hay, dẫu chỉ một ngày/ không em, nửa trái đất này chung chiêng”. Đỉnh cao của thơ Huy Trụ viết về tình yêu - hạnh phúc là bài lục bát “Cuối ngày” (Thơ lục bát, Nxb Văn học, 2007). “Cuối ngày” ở đây còn có thể hiểu là cuối mùa, năm cùng tháng tận hoặc cuối đời. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh ẩn dụ: một người phụ nữ bần thần ngồi đong đếm sự đời, đếm đong bước chân, sự lở bồi dâu bể. Mạch thơ đang lãng đãng chợt có câu: “Nuôi anh đi nát con đường/ Câu thơ chắt giữa đêm suông một mình”. Bài thơ chuẩn bị kết thúc thì hiện ra hình ảnh một người là “em” một đời gian khó, tận tụy vì “anh”. Rồi bài thơ ngắn được kết thúc ngay bằng một câu lục bát như “sét đánh”: “Đa mang nào phải đa tình/ Đã yêu, đào huyệt chôn mình, mà yêu...”. Đến đây, bài thơ lộ ra hoàn toàn là thơ tình thuộc hôn nhân - một bài thơ về tình nghĩa vợ chồng nói riêng và hạnh phúc nói chung.
Một trong những sắc thái về tình đời trong thơ Huy Trụ, cũng là nơi biểu hiện giọng điệu thơ của ông, là chùm bài “Xuân”. Nhà thơ không nói đến tết mà chỉ ca ngợi xuân - mùa xuân của thế gian, mùa xuân của đời người. Lọc ra những bài có chữ “xuân” thấy khoảng gần hai mươi bài. Xin mời bạn đọc lướt qua một số nhan đề: Mùa xuân sẽ về; Lộc xuân; Chút xuân; Tìm xuân; Khúc tự xuân; Biết xuân; Định nghĩa xuân; Giọt rượu đêm xuân; Tơ xuân; Nghĩa xuân,... Nếu nêu thêm những trường hợp nói đến mùa xuân ít nhiều ẩn trong bài thơ thì khoảng dăm bảy bài nữa. Khác người là ở chỗ đó, bởi khi có tác giả viết đến chục bài về Đà Lạt, cũng bằng ấy bài về miền Trung, Tam Đảo... thì Huy Trụ lại rất say mê với mùa xuân. Mùa xuân trong thơ Huy Trụ không chỉ là lát cắt, cái mốc của năm tháng thiên nhiên mà chính là cái mốc của đời người, cái mốc của năng lực cảm nhận về bản thân và thế giới ngoại cảnh. “Xuân về cái lá cũng xinh/ Cái hương thì lạ, cái tình thì say”. Dù có chút buồn, dù thấy mỗi xuân qua tóc lại bạc thêm nhưng niềm vui hân hoan, niềm mong đợi ở phía trước, sự sẻ chia, đồng cảm với cộng đồng xã hội vẫn là những ý tưởng nổi bật, đôi khi là triết lý có ích. Dễ thấy như ở bài “Nghĩa xuân”: “Ngày sinh ra tự đêm sâu/ Người sinh ra tự nỗi đau, nhọc nhằn/ Nỗi buồn sinh được thi nhân/ Tình yêu sinh được sắc xuân bốn mùa” và: “Bàn tay khép lại, mở ra/ Đã nghe giọt giọt sương là là bay/ Thấy trăng mọc giữa ban ngày/ Thấy thuyền bơi giữa ngọn cây ngô đồng”.
Mùa xuân giúp người ta xích gần lại nhau hơn. Bởi thế mà chữ “nhau” lặp lại rất nhiều. Chữ “nhau” không có ở bất cứ nhan đề nào, nhưng trong bài thì xuất hiện trên ba mươi lần của khoảng gần năm mươi bài thơ, ví dụ như: Có nhau; tìm nhau; sang nhau; trong nhau; cho nhau; trao nhau,… Có câu lục bát hai lần chữ “nhau”: “Thương nhau e ấp mầm chồi/ Dìu nhau vượt quãng nắng sôi mưa dầm”. Sự trùng lặp này dễ khiến bạn đọc cho rằng đó là nhược điểm. Nhận xét như vậy có thể không oan? Nhưng từ đó, lại có thể suy ra rằng, giọng điệu thơ ân tình, thiết tha và dìu dặt của thơ Huy Trụ đã điều khiển nhà thơ mà tác giả không tự biết. Thơ Huy Trụ trôi chảy, mượt mà, giàu tình đời san sẻ, nhắn nhủ thì chữ “nhau” ấy chính là ngôn ngữ gốc chỉ mối quan hệ là cần thiết, khó tránh. Sự lặp lại với tần số cao như thế là một chỉ dấu nghệ thuật mà nhiều tác giả đã sử dụng. Vương Trọng còn cho biết trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã viết từ “nỗi” đến 56 lần.
2. Cả đời chắp nối câu thơ
Huy Trụ có hẳn một bộ phận sáng tác thơ giãi bày tâm sự về thơ. Trước tiên ông đề cao vai trò, vị thế “Ngôi chùa” văn chương trong bài thơ có phụ đề “Kính tặng Hội Nhà văn Việt Nam”. Bài thơ như sau:
Giữa dòng trong, đục ngổn ngang
Bao nhiêu phẩm giá bày sàng bán, mua
Trong tôi còn một Ngôi Chùa
Linh thiêng từ thuở... đến giờ, vẫn thiêng!
Ngôi Chùa những bút, cùng nghiên
Mỗi câu, chữ vắt kiệt lên cuộc đời
Cái danh đâu chỉ mà chơi
Càng không thể để tiếng cười điêu toa...
Chả chi cũng gọi là nhà
Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng
Muôn đời con cháu ước mong
Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra...
Nhà thơ tôn thờ văn chương, cũng đồng nghĩa với việc kính quý tổ chức hội đoàn văn chương mà chính ông đang là một thành viên. Tình thơ của ông hòa kết vào tình đời, trong đó là tình quê, tình yêu, tình bạn: “Câu thơ viết đứng viết ngồi/ Ngổn ngang con chữ xác phơi trắng đầu” (bài thơ Gieo và gặt, tặng Kim Cúc). Thêm nữa, Huy Trụ cũng viết tặng vợ các nhà thơ đồng nghiệp: “Câu thơ đói rạc đói dài/ Theo anh từ thuở đương trai đến giờ (...) Những ai gặp vận sang giàu/ Đem lòng trắc ẩn một câu thơ buồn.../ Câu thơ dập xóa một mình/ Em ngồi chắp lại, hiện hình câu thơ/ Bao phen anh bị đắm đò/ Câu thơ lại vớt lên bờ, tìm em...”. Tiếng thơ vang vọng ở mọi nơi, chữ “thơ” có mặt ở rất nhiều bài thơ. Thơ đối với ông là niềm yêu thương, hy vọng, là nơi gửi gắm niềm tin tươi đẹp. Làm thơ là một nghề khó nhọc, gian khổ, nhưng cao quý, hạnh phúc, vui thú: “Câu thơ như hững như hờ/ Mà day dứt đến bơ phờ ruột gan”; “Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Nhà thơ định nghĩa thơ theo cách riêng của một nghệ sĩ: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lã rót tràn mời nhau”; “Thơ là quả chín treo cành/ Lại là lá đắng chữa lành vết thương”. Có rất nhiều dòng thơ có chữ “thơ”, “câu thơ” như vậy rải khắp trăm trang thơ của Huy Trụ. Ngoài mấy dẫn chứng trên đây, xin nêu thêm một số câu tiêu biểu: “Đôi chân đo đếm dại khờ/ Cả đời nuôi sống câu thơ chưa thành”; “Đời người một tấm áo khâu/ Khâu chằng vá đụp những câu thơ buồn”; “Cát bụi bay về trời/ Vàng son rơi xuống đất/ Tất cả là bất chợt/ Để ta còn câu thơ”.
Nhà thơ không bỏ qua trách nhiệm cá nhân - xã hội của mình. Khi nhớ về người cha yêu kính, Huy Trụ bày tỏ: “Câu thơ con giá một lần được chui xuống mộ/ Cha gạch bớt đi rỗng tuếch những ngôn từ”. Thơ gửi nhà báo, nhà văn đồng hương Xuân Ba, ông viết: “Cứ mỗi lần cầm cây bút trên tay/ Trước trang giấy đối mặt cùng thực tại/ Mỗi chữ viết ra nửa khôn, nửa dại/ Nửa giống mình, nửa giống như ai...”; “Thương mẹ nghèo ta viết lúa, viết khoai/ Ta quên viết những điều mẹ nghĩ...”; “Ở ngọn bút chứa bao điều giản dị/ Con chữ chồng lên con chữ trốn, tìm...”.
Những dẫn chứng trên đây cho thấy việc sử dụng hai chữ từ “thơ”, “câu thơ” của Huy Trụ cũng bị trùng lặp. Nhưng, nếu trùng lặp về từ “nhau” là vô tình, thì “thơ”, “câu thơ” lại là cố ý. Đôi khi tác giả dùng những chữ ấy cũng là do thuận ý, thuận bút khi đưa đẩy làm duyên. Điều đó có thể chấp nhận được do ngôn ngữ thơ của Huy Trụ thuộc loại buông, mềm, giãi bày.
3. Một góc cá tính nghệ thuật
Huy Trụ có ý thức nghiêm túc về viết thơ lục bát. Ông đã đạt được thành công nhất định. Tạng con người, nghiệp thơ, cá tính thơ của Huy Trụ phù hợp với giọng điệu thơ của ông, nói khác đi là giọng điệu ân tình, thắm thiết và dìu dặt của tác giả bén duyên một cách tự nhiên với thể loại thơ cổ truyền này.
Nhiều tác giả viết lục bát hay, nhịp điệu đều chằn chặn, ngôn từ óng ánh, câu chữ, thi ảnh có liên hệ ẩn dụ bất ngờ, tạo được ảo giác... Huy Trụ lại khác. Ông viết thành thật có khi đến mức chân mộc, ít ẩn dụ hoặc ảo hóa. Chính vì vậy mà ông có cái riêng, không giống ai.
Một là thơ định nghĩa, định danh, như ở những sáng tác nói về thơ, nghiệp thơ, nhà thơ (đã nêu ở trên). Làm như vậy, thơ Huy Trụ có khả năng đi sâu vào tâm khảm độc giả.
Hai là thơ đúc kết kinh nghiệm sống, hướng về phía danh ngôn, thật thú vị: “Chẳng cần ghế thấp, ghế cao/ Khi nằm xuống cỏ, ghế nào cũng xanh”; “Bạc tiền có thể đua tranh/ Nghĩa nhân đừng để ai giành bán mua...”; “Yêu phải thật, ghét phải đùa/ Ớt cay thành mật, khế chua thành đường”; “Đời có bốn, chỉ nhận ba/ Cái mình thực có mới là bền lâu”.
Ba là chất dân gian thắm đượm. Nhiều câu thơ tác giả được hòa lẫn vào ca dao, tục ngữ cổ truyền: “Trời sinh nắng, đất sinh hoa/ Ai sinh dan díu cho ta với mình”. “Một điều nói mấy ai tin/ Người dưng, đói mấy được nhìn cũng no”. “Đất bao nhiêu tuổi đất già/ Mưa bao nhiêu tuổi gọi là mưa xuân”. “Trước non tơ, chẳng thấy già/ Trước trăng mười sáu, lá đa cũng tròn...”.
Bốn là cách nói lạ hóa, nghịch lý về thi ảnh thơ lục bát mà một số tác giả đã làm, xuất hiện chỉ mười lăm, hai mươi năm qua. Huy Trụ viết: “Anh về đổ nắng ra phơi/ Đổ trăng ra đếm, đổ trời ra đong”; “Đầu ngày chẻ tóc ra phơi/ Nửa trong lại đục, nửa vui lại buồn”; “Nửa đời buộc nắng cho thơ/ Buộc trăng cho gió, buộc đò cho sông/ Buộc hương cho những cánh đồng/ Buộc em cho sợi tơ hồng ngổn ngang...”. Dừng lại ở đấy thôi, cũng được. Nhưng đến mức này là luẩn quẩn: “Tay mình dại, mắt mình khôn/ Dại khôn dồn lại, để còn mình ta/ Cộng thêm bốn, trừ đi ba/ Nhân lên tất cả... chia ra cuộc đời!”. Nhìn chung, cách nói trên hầu hết chỉ mang tính thời thượng, không thực chất, nghiêng về giải trí, đáp ứng được sự thích thú của người đọc bình thường, không phải người đọc có trình độ chuyên nghiệp.
Năm là xu hướng rút đúc xúc cảm về một sự việc, con người, hiện tượng... xã hội, hoặc riêng tư bằng các đơn vị thơ (bài hoặc câu, riêng câu đã được nói đến ở phần trên). Về loại thơ này, Huy Trụ thành công ở câu hơn ở bài. Đối với đơn vị bài, nếu thiếu tứ, bài thơ dễ sa vào đơn điệu.
*
Thơ Huy Trụ đã ổn định ý tưởng và giọng điệu, có vẻ như đang khép lại một giai đoạn rộn ràng, rạng rỡ. Thơ Huy Trụ sẽ mở ra thế nào đây với những sáng tạo mới ở những tháng năm hiện tại và sắp tới, đấy là nỗi mong chờ, đón đợi của bạn đọc yêu thơ ông.
Thơ của mỗi tác giả giống như một vườn hoa của riêng họ. Người viết bài này khi đọc Huy Trụ, chợt thấy một “nhánh hoa” là lạ, cứ muốn ngắm và ngẫm ngợi mãi: “Ai dứt thu đi từng chiếc lá/ Mảnh trời hư ảo bóng mây trôi/ Em như nét vẽ, người chưa xóa/ Tôi ngắm mà đau cả tiếng cười”. Rồi gặp vài ba bài thơ có tứ, muốn dừng lại lâu lâu, trước tiên là bài “Cuối ngày” đã nói ở trên. Và đây, “Có một người” là bài thơ rẽ sang một ngả hiếm hoi của thơ Huy Trụ. Tác giả nói đến cảnh trong khi người ta chen lấn nhau trước cửa Phật, khói hương nghi ngút, thì “Có một người lặng lẽ khép đôi tay/ Trong xô đẩy, đứng nép mình, nhường lối/ Khi chiếc mũ vải mềm anh đội/ Tôi sững sờ nhìn thấy một ngôi sao...”. Khổ kết này của bài thơ có thể làm cho độc giả “sững sờ biết đến một bài thơ”. Tiếp tục, bài “Vườn em” rất ngắn, nói đến quan hệ nhục cảm cụ thể mà đẹp đẽ, tinh tế quá, ngỡ như không thể có trong thơ Huy Trụ - một lối thơ vốn thiên về thổ lộ xúc cảm chân thật, rõ ràng, ít ẩn dụ: “Gom hết ngày đông vào vạt áo/ Thả hết nắng hồng xuống gót son/ Mùa xuân nhu nhú mơn man gió/ Đồi mơ men ủ, búp căng tròn...”. “Anh nấp vườn em, rung trái cấm.../ Đào mai tròn mắt, đợi giao thừa/ Nâng chén, đất trời nghiêng ngả múa/ Mắt đằm trong mắt, mặc thoi đưa...”.
Đoạn kết trên đây là mấy điều tâm sự “nghĩ sao nói vậy” về nghề thơ, mong được tác giả và độc giả vui lòng tham khảo.
Mùa thu 2024
P.Đ.Â