BÙI HỮU THƯỢC
Tôi và nhà văn Lê Giang Ky (bút danh Giang Ky, Kiên Ly) biết nhau từ năm 1976, ngày anh em còn đi học trung cấp Sư phạm. Suốt hơn 40 năm long đong vì cơm áo gạo tiền tôi ít gặp anh. Rất mừng và bất ngờ khi về hưu tôi và anh lại được gần nhau, cùng sinh hoạt ở Ban Văn xuôi của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Ban mà tôi đã theo sinh hoạt hơn mười năm. Nơi đây tôi cảm nhận vừa xa, vừa gần. Gần vì trong Ban mỗi người đều rất chân thật, nhiệt thành; xa vì cuộc sống văn chương của tôi mờ nhạt trôi nổi như mây mỏng, còn mỗi người ở đây đều cần mẫn, lặng lẽ như con ong tìm mật, luôn tìm kiếm, góp nhặt những chấm màu cuộc sống để ghép nên những trang văn có lửa. Từ khi hai anh em sinh hoạt cùng ban, tuy đã là cán bộ cao cấp nhưng anh xem tôi như cùng trang lứa, nên có nhiều đồng cảm.
Hôm nay cầm trên tay tập truyện ngắn “Quà tặng” gồm 13 truyện ngắn của anh vừa xuất bản năm 2022, trước khi anh mất không lâu, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Những câu chuyện anh kể trong tập truyện hiện lên như những bức tranh sống động, và hình ảnh gần gũi, quen thuộc hàng ngày của anh lại ùa về trong tôi.
Anh sinh trên đất làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vùng đất có nghề truyền thống chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ và làm nhà cổ đẹp nổi tiếng cả nước. Anh có năng khiếu thơ văn, toán và cả hội họa... Chính vì vậy anh là cây bút xuất sắc từ thời sinh viên trên tờ thông tin của các trường Sư phạm. Tốt nghiệp Sư phạm anh đi dạy toán cấp II bảy năm. Theo đuổi mơ ước từ nhỏ trở thành nhà văn, năm 1986 anh thi đậu vào khoa Văn - Đại học Sư phạm Vinh vào nhóm điểm cao nhất. Khi đó, anh là đối tượng Đảng lại là giáo viên, nên trường xếp anh vào học khoa Triết học (chính trị), cơ cấu anh làm lớp trưởng mà không xếp cho anh học khoa Văn theo nguyện vọng. Bạn bè thầm khen anh: văn võ song toàn. Học đại học xong, lại có nhiều tài lẻ, năm 1992 anh được huyện Hoằng Hóa xin về làm cán bộ phòng Văn hóa Thông tin, rồi năm 1995 anh có quyết định làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Hoằng Hóa. Năm 1997 anh được Tỉnh ủy Thanh Hóa điều động làm Phó Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đến năm 2011 anh được đề bạt làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bảy năm sau (2018) anh nghỉ chế độ hưu, với thành tích tiêu biểu như Huân chương lao động hạng Ba và rất nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương của các cấp, các ngành. Nghỉ hưu cũng là lúc anh cảm thấy có thời gian cầm bút và trả nợ duyên văn chương của mình. Anh viết nhiều và đam mê viết, cái tên Lê Giang Ky trong mỗi truyện ngắn đã trở nên quen thuộc với người đọc và bạn bè văn chương trong tỉnh và cả nước. Anh có lần tâm sự với tôi: “Ngày trước mình viết một báo cáo dài vài chục trang trong buổi tối đã xong, bây giờ viết một truyện ngắn vài trang cả tuần chưa xong, có viết văn mới biết nỗi cực nhọc và áp lực của người cầm bút. Vợ mình thấy mình mất ngủ mỗi khi viết truyện, nên bà ấy cấm mình không được viết nhiều”. Có anh, tôi cảm thấy mình như gần với công việc, giảm khoảng cách với mọi người.
Đọc truyện ngắn “Quà tặng” anh viết xoay quanh những món quà của học sinh, phụ huynh và người thân tặng cho các cô giáo trong trường Trung học cơ sở Đa Phú nhân ngày Nhà giáo Việt Nam thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Trong truyện mỗi quà tặng là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một thân phận... với những nỗi niềm riêng. Người đọc như xem một bức tranh thời hiện tại, được anh khắc họa nhiều mảng sinh động qua thân phận các nhân vật, đan xen tốt - xấu, cao thượng - thấp hèn gợi cảm giác day dứt. Thông qua “Quà tặng” anh đã khẳng định truyền thống tốt đẹp, tôn quý của nghề trồng người. Bên cạnh đó, người đọc nhận ra nhân cách, phẩm giá cao quý của các thầy cô giáo như cô giáo Lài; của những người lao động chân chính chịu nhiều lam lũ như vợ chồng anh Kha - cô giáo Thoan; học sinh ngoan như Thân, và hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội với những hi sinh thầm lặng, sẵn sàng quên mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Nhưng qua “Quà tặng” cũng phơi bày nhiều hệ lụy, những thói xấu, bệnh thể hiện hình thức, thói hợm hĩnh, a dua đua đòi, và những mưu đồ, toan tính trong cuộc sống. “Quà tặng” không chỉ thể hiện góc nhìn về những hoạt động ở nhà trường, trong ngành giáo dục trong bối cảnh xã hội mở cửa phát triển kinh tế, mà còn giúp người đọc hiểu về giá trị lòng biết ơn, biết thêm nhiều cách ứng xử tinh tế của văn hóa cho và nhận trong gia đình, xã hội. Tác giả khẳng định món quà là chiếc cầu nối yêu thương ân nghĩa, nhưng cũng cho ta biết có lúc nó là hàng rào ngăn cách lòng người, là công cụ đen tối, là mầm mống làm chao đảo, lu mờ nhân phẩm, nhấn chìm cuộc sống của cả người tặng và người nhận. Trong truyện những món quà chỉ là phần nổi, còn diễn biến tâm lý trong lòng của người tặng, người nhận mà tác giả khai thác mới là tảng băng chìm chứa đựng sóng ngầm thêu dệt nên cốt truyện, gợi bao suy tư trong người đọc.
Bên cạnh truyện ngắn “Qùa tặng”, tôi cũng rất ấn tượng với truyện ngắn “Sự trả thù nhân đức” của nhà văn Lê Giang Ky. Ở truyện ngắn này, tác giả lại phác họa một đường hầm tối khá dài của thời cuộc khốn khó cùng cực của hậu chiến tranh. Đường hầm đã đưa đẩy cuộc đời của hai người bạn cùng xóm, cùng tuổi Thiên và Khoa, ngày thơ ấu cùng bú chung bầu sữa đến bờ vực hận thù. Sự tham lam vô độ, vô nhân tính, khi Thiên đã dùng thủ đoạn du nhập từ viễn xứ, cộng ma lực đồng tiền cướp người yêu xinh đẹp, trong trắng thời thanh xuân của Khoa, và cố tình vùi dập Khoa cùng gia đình trong ô nhục đã đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Khoa vì nghèo, mất người yêu và bị quy kết ăn cắp phải bỏ gia đình ra đi biệt xứ trong bi phẫn. Ba mươi năm chìm nổi Khoa tìm về nhằm trả hận, nhưng nhìn cảnh kẻ cướp người yêu mình, vùi dập bôi bẩn phẩm giá gia đình và bản thân mình năm xưa, giờ bê tha, bệnh tật, cơ hàn. Khoa không nỡ xuống tay với kẻ khánh kiệt, bần cùng, anh đã âm thầm giang tay cứu giúp Thiên. Truyện ngắn đưa người đọc qua nhiều lớp tầng éo le, uẩn khúc giằng xé tâm lý đến mức ngột ngạt, tưởng như không lối thoát, nhưng cái kết lại rất có hậu thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp. Ở truyện ngắn này, tác giả đã thể hiện nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tinh tế, khẳng định nhân phẩm tốt đẹp và cao thượng như viên ngọc quý dù có bị cát bụi phong trần vùi lấp nó vẫn trường tồn và giữ nguyên giá trị. Qua câu chuyện càng khẳng định người cầm bút giàu lòng trắc ẩn, giàu kinh nghiệm sống và nhân sinh quan trong sáng,
Nhà văn Giang Ky với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên lĩnh vực trồng người, đã khai thác sâu những góc khuất của cuộc sống với nhiều tình tiết của những mảnh đời cùng cực; có lúc không khí trong truyện bị dồn nén đến tột độ tạo sự giằng xé lương tâm, từ đó buộc người đọc phải so sánh và lựa chọn tìm ra giá trị cuộc sống. Anh viết “Quà tặng”, “Sự trả thù nhân đức” cũng như nhiều truyện ngắn khác đều thấm đẫm nhân tình thế thái. Anh đã chọn lọc những tình tiết khá điển hình của con người trong xã hội để xây dựng nhân vật. Truyện ngắn của Giang Ky luôn sử dụng câu từ chân chất, giản dị, trong sáng, bố cục các truyện thường chặt chẽ, mạch lạc, toát lên vẻ đẹp dung dị, khẳng định văn phong của anh, của một người cầm bút từng trải.
Một số truyện ngắn khác của nhà văn Lê Giang Ky như Điều phải nói, Chiều muộn, Hợi thiết kế, Giúp việc thời a còng… anh viết chắc, không trùng lặp, lột tả đặc điểm của mỗi nhân vật qua từng tình tiết; mỗi truyện đều mang tính triết lý nhân sinh, hướng đến giáo dục hình thành nhân cách cho mọi tầng lớp từ trẻ đến già, từ người lao động đến trí thức. Những truyện ngắn mà tôi yêu thích phải kể đến: Nhà thờ họ, Chiếc giò lụa tết, Nợ đời… và đặc biệt tập truyện ngắn Điều phải nói được nhiều bạn đọc đón nhận, đã đạt giải B giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2015 (năm đó không có giải A).
Là một giáo viên toán, một cán bộ Tuyên giáo, hàng chục năm đứng trên bục giảng và với tình yêu văn học từ rất sớm, Lê Giang Ky không chỉ nhìn cuộc sống bằng con mắt nhạy cảm của người cầm bút, mà còn bao quát bằng con mắt tinh tường, bằng tâm huyết, trách nhiệm của người trồng người. Truyện của anh đậm tính nhân văn, luôn mang đến cho độc giả cách tiếp cận cuộc sống đa chiều, hướng con người đến những giá trị cao đẹp; trên hết là lòng vị tha, tình yêu thương, tính trung thực, dám chịu trách nhiệm trước cuộc sống, nâng niu những giá trị tốt đẹp, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác để xã hội ngày càng phát triển hơn. Đọc truyện ngắn Giang Ky như được hội ngộ lòng tin, hội ngộ phẩm giá trong sáng của con người. Mỗi truyện của anh thường kết có hậu, thể hiện những ước mong, hoài bão của anh.
Thời gian trôi thật nhanh. Cũng đã tròn một năm ngày nhà văn Giang Ky về cõi vĩnh hằng (10-7-2023 - 10-7-2024). Nhà văn Giang Ky với hai tập truyện ngắn “Điều phải nói” và “Quà tặng” gồm 25 truyện ngắn và rất nhiều tác phẩm đang nằm trên dạng bản thảo, dù chưa phải là nhiều nhưng tôi cảm phục những gì anh đã viết và tiếc nuối cho những trăn trở còn dang dở trong anh. Tôi biết Giang Ky ra đi còn nợ cuộc đời, anh mang theo chưa kịp tặng người ở lại một số tác phẩm mang nặng tình người - tình đời khi anh đang nung nấu, ấp ủ.
Xin viết vài dòng cho đỡ nhớ anh, một con người tài hoa, nhiệt tình, năng động, thủy chung, đầy trách nhiệm. Anh mãi là dòng sông xanh mát êm đềm, miệt mài chảy, âm thầm bồi đắp phù sa...
9-6-2024
B.H.T