Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nghề báo cho tôi những giá trị cao quý
Nghề báo cho tôi những giá trị cao quý

Cứ mỗi dịp tháng sáu về, một dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo bởi những bông hoa, lời chúc tốt đẹp từ bạn bè, độc giả và những người yêu quý nghề báo, nhà báo. Những tình cảm yêu mến ấy luôn là động lực mạnh mẽ để những người làm báo nỗ lực hơn trong công việc, song cũng là lời nhắc nhở để mỗi nhà báo, phóng viên thẳng thắn nhìn rõ hơn những góc khuất của nghề, đấu tranh và vững lòng hơn trước những cám dỗ, hư vinh, sống xứng đáng với nghề mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan, ban, ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng suy nghĩ đôi điều về nghề: Nghề báo cũng như nhiều nghề nghiệp khác, là đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội và được trả công xứng đáng. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp, nghề báo dường như được ưu ái hơn để đôi khi được vinh danh là một nghề cao quý.
Nghề báo là nghề đặc thù, đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề… Có lẽ chỉ có người trong nghề hoặc đã tham gia với trách nhiệm của nghề mới thấy hết nỗi vất vả của phóng viên, nhà báo. Thông thường, trước mỗi chuyến đi, nhà báo đều có những dự định nhưng đôi khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi phóng viên, nhà báo đã hẹn trước cơ quan, đơn vị, cơ sở cả tuần, nhưng khi đến nơi vì nhiều lý do khác nhau, những người làm nghề lại chẳng thể gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải dừng. Rồi khi tham gia đoàn công tác, hay dự sự kiện nào đó, lúc mọi người được nghỉ ngơi thì cũng là lúc phóng viên, nhà báo phải bắt tay vào viết, để kịp truyền tin, bài ảnh về tòa soạn lên trang. Vì thế, vinh quang và vất vả luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Phía sau mỗi tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả nước mắt của những người làm báo.
Với bất cứ nghề nghiệp nào trong xã hội, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đạo đức và trách nhiệm của báo chí lại càng được chú trọng hơn, bởi sự tác động rất lớn của thông tin báo chí đến đời sống xã hội. Nói cách khác, cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào, công việc của những người làm báo đã tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự lao động chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chỉ có sự “đam mê”, “bản lĩnh” và trách nhiệm mới có thể giúp đội ngũ những người làm báo vững tin vào con đường mình đã chọn và cống hiến.
Có lẽ chưa bao giờ, câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo lại được nhắc tới nhiều như hiện nay. Không phải vì chỉ có nghề báo mới gắn liền với “trách nhiệm xã hội”. Bên cạnh niềm vui, người viết báo còn nhắc nhở nhau hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị, làm tròn trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi nhà báo… Trong thực tế, vẫn có một bộ phận người hoạt động, hoặc mang danh báo chí đã bị cuốn theo những biến đổi tiêu cực của đời sống xã hội, mờ nhạt trong việc thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, dần đánh mất đi lòng tin của người dân đối với báo chí. Vấn đề nhà báo cần có “tâm” và “tầm” trong việc lựa chọn thông tin gì để lan tỏa tới công chúng. Vậy nên nhà báo cần có bản lĩnh và hiểu biết để phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, hay - dở… trong việc lựa chọn đề tài, trong cách tiếp cận và phản ánh; cũng như luôn đặt lợi ích cộng đồng, quốc gia lên trên hết để khơi nguồn thông tin và định hướng dư luận là vô cùng quan trọng.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào làm báo, tôi cùng các anh chị em đồng nghiệp như Lê Dậu, Phạm Công Thắng, Đào Nguyên Lan, Vũ Đình Thường, Tuyết Nhung,… rong ruổi trên khắp các cung đường, đến các vùng quê, từ miền xuôi đến miền sơn cước. Tôi thực sự có nhiều trải nghiệp với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Với những chuyến đi xuyên rừng, trèo đèo, lội suối để viết về đề tài kiểm lâm và nạn phá rừng trên địa bàn các xã Thanh Lâm, Thanh Quân và Thanh Sơn huyện Như Xuân; đến với những thôn, bản cao nhất, xa nhất của huyện Quan Sơn… có khi cuốc bộ, hoặc đạp xe cả ngày để lấy thông tin, tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây trong việc trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Khi tác phẩm báo chí của mình phản ảnh đúng bản chất sự việc, bao cảm xúc vỡ òa, khi đứa con tinh thần của mình, với sự nỗ lực, cố gắng nay được ghi nhận. Đó cũng chính là động lực để mỗi phóng viên không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn hết, đó còn là lời nhắc nhớ về trách nhiệm với nghề, với xã hội, với bạn đọc, chịu trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra. Đó là trách nhiệm phải làm tốt vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, biết yêu cái lành mạnh, biết ghét, lên án và đấu tranh với cái xấu xa, tiêu cực.
Hơn thế, nghề báo đã cho tôi thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng tuổi trẻ. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để chia sẻ, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả hiểm nguy. Những mảnh đất tôi đặt chân đến, những con người tôi gặp, những câu chuyện tôi nghe là những mảnh ghép đa màu của cuộc sống, là bài học chứa đựng biết bao đạo lý nhân sinh để chính tôi nghiền ngẫm, đúc rút bài học trong cuộc sống mỗi ngày.
Thường nhà báo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao là những nhà báo có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tốt. Hơn 40 năm trong nghề làm báo, tôi đã trải qua không ít khó khăn và thử thách, với nhiều cương vị, ở đôi ba tờ báo khác nhau, tôi tự hào và nhớ nhất khoảnh khắc gặp gỡ cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tại Văn phòng Trung ương Đảng để thực hiện bài phỏng vấn về “Đất và người xứ Thanh”. Tôi xúc động nhớ lại, trước khi làm việc, Tổng Bí thư ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình tôi, lúc nào ông cũng vui vẻ, với nụ cười hiền trên khuôn mặt đầy nhân hậu. Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tác phong sâu sát, gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, ông đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức đường lối đổi mới của Đảng. 
Bài báo phỏng vấn đồng chí Tổng Bí thư đã thành công, được đồng chí ghi nhận, khen ngợi và đánh giá cao; để lại trong tôi những thiết tha khi nhớ về ông. Thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ lại được cảm xúc của mình, bởi mỗi câu viết của tôi với những lời trao gửi của Tổng Bí thư về: “Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, có nhiều tiềm năng và lợi thế,… phải phấn đấu để trở thành tỉnh kiểu mẫu, như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn”. Tất cả đều là những kỷ niệm, những câu được viết bằng sự trăn trở suy nghĩ và tin yêu, kính trọng.
Ngoài nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Văn phòng báo Kinh doanh và Pháp luật (nay là Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị) hết sức chú trọng các hoạt động vì cộng đồng. Các hoạt động có ý nghĩa của chúng tôi đã tạo được hiệu ứng xã hội sâu rộng. Nổi bật đó là chuyến đi thiện nguyện của tôi và các đồng nghiệp văn phòng đến điểm trường bản Giá, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa; động viên, chia sẻ với các thầy, cô giáo điểm trường bản Giá, Câu lạc bộ Hạt Vừng và hệ thống S69 đã phối hợp với văn phòng tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại Thanh Hóa tổ chức chương trình thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”, thăm và tặng quà cho 83 em học sinh và 300 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ nhà trường xây dựng lại 5 phòng học, sửa chữa khu nhà đang bị dột nát xuống cấp trầm trọng của giáo viên.
Xúc động trước tình cảm của CLB S69 và văn phòng đại diện tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, bà Phạm Thị Lượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chia sẻ: “Hôm nay, Trường Tiểu học Thanh Xuân (tại điểm trường bản Giá xa xôi, nghèo khó nhất của xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) vinh dự được đón nhận tấm lòng hảo tâm của CLB Thiện nguyện Hạt Vừng và TVV hệ thống S69 cùng văn phòng đại diện tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại Thanh Hóa đến trao quà bằng tiền là 300 triệu đồng cùng nhiều hiện vật có ý nghĩa thiết thực. Món quà này không những giúp các em học sinh nghèo vùng cao và nhà trường giảm bớt khó khăn, an tâm học tập mà còn tạo không khí học tập sôi nổi trong học sinh toàn trường, khơi dậy cho các em học sinh lòng yêu thương con người, bạn bè và nhân rộng hơn nữa những tấm gương tiêu biểu vượt khó, vươn lên trong học tập và trong cuộc sống…”. Thầy giáo Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với đoàn thiện nguyện đã quan tâm giúp đỡ nhà trường: “Đây là món quà đầy ý nghĩa đã được CLB S69 và văn phòng đại diện tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại Thanh Hóa trao tặng cho thầy trò chúng tôi. Nhà trường sẽ tiến hành sửa sang trường lớp, nâng cấp phòng học, nhà ở cho giáo viên. Từ nay công việc đi tìm con chữ của thầy trò chúng tôi sẽ không còn gian nan nhiều nữa”.
Cũng từ những chuyến đi thiện nguyện ấy, thầy Viên vẫn giữ liên lạc, nhắn tin, gọi điện thăm hỏi, động viên tôi trong công việc, thỉnh thoảng lại được nghe câu “Anh khỏe không, lâu rồi anh có lên huyện công tác không” - nghe ấm áp trong lòng.
Đó là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục guồng quay công việc, nỗ lực hơn nữa để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm đặc biệt, thậm chí cả những thử thách để tôi tự khám phá, vượt qua những giới hạn của bản thân. Tự hào với nghề, những người làm báo chúng tôi luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn giữ gìn “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.
Cần nói thêm rằng, bước vào kỷ nguyên số, nơi thông tin bùng nổ như hiện nay thực sự đem lại nhiều hữu ích, tiện lợi. Kiến thức được tìm thấy dễ dàng. Thông tin cập nhật nhanh chóng. Nhưng cùng với nó, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra. Tin giả, tin thiếu kiểm chứng hay nhiễu loạn thông tin cũng là đáng lo… Mặt khác, sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các nhà báo phải cạnh tranh, cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền. Muốn thế, người làm báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, đi sâu vào cuộc sống, lăn lộn trong thực tiễn để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình. Trên cơ sở đó thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng. Thiết nghĩ, khoa học công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, nhưng cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo.
Báo chí cách mạng Việt Nam đang chạm mốc 100 năm. Nhớ về ký ức tuổi hoa niên một thời học Văn khoa, và chặng đường hơn 40 năm dấn thân nghề báo, cũng là cách để tìm tòi chiếc vé thông hành trở về tuổi hoa niên. Trải nghiệm được - mất, buồn - vui, và xin cảm ơn cuộc đời đã đem đến cho tôi những trải nghiệm trong hành trình với những ký ức xanh tươi, là hành trang tôi mang theo để còn có thể đi tiếp về phía cuối con đường làm báo…
Chuyện nghề và những kỷ niệm sẽ khó kể hết được, chỉ biết rằng, những người làm báo chúng tôi luôn vinh dự, tự hào, sẵn sàng dấn thân với nghề bằng tình yêu mãnh liệt, bằng khát khao cống hiến để mang đến thật nhiều tác phẩm báo chí hay, có giá trị, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
                                                                               

     TRIỀU NGUYỆT


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 108
 Hôm nay: 6392
 Tổng số truy cập: 8942009
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa