Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   VĂN HỌC NGHỆ THUẬT XỨ THANH MẠCH NGUỒN CHẢY MÃI
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT XỨ THANH MẠCH NGUỒN CHẢY MÃI

Xứ Thanh vốn là miền đất sơn kỳ thủy tú, từ miền sơn cước đến đồng bằng, biển đảo, đâu đâu cũng gặp những cảnh sắc hữu tình làm say đắm lòng người. Không những thế, xứ Thanh còn là một vùng đất cổ, được bồi đắp bởi những địa tầng văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng. Những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa ấy đã tạc nên một xứ Thanh với dáng vóc “thanh kỳ khả ái”, với chiều sâu cốt cách, tâm hồn. Vẻ diễm lệ của non nước xứ Thanh, tình người ấm áp ở xứ sở này, cùng chiều sâu lịch sử văn hóa của một vùng “địa linh nhân kiệt” đã thu hút, níu chân biết bao tao nhân mặc khách. Bởi thế, từ xa xưa, xứ Thanh đã nổi tiếng là vùng đất của thi ca, nhạc họa, tạo nền móng để văn học nghệ thuật xứ Thanh phát triển, tỏa sáng qua các thời kỳ. 
Xứ Thanh từng là “mái nhà cổ tích” của loài người, với những di chỉ như núi Đọ, hang Con Moong, Mái Đá Điều, Đa Bút, Hoa Lộc…, là nơi phát lộ nền văn minh Đông Sơn, nền văn minh rực rỡ nhất của người Việt cổ. Hàng chục vạn năm kể từ khi loài người xuất hiện, với hành trình tiến hóa và phát triển, đã hình thành nên các tộc người, các làng bản, ghi dấu ấn bằng những di sản vật chất và tinh thần vô giá. Nền văn học nghệ thuật xứ Thanh theo tiến trình phát triển của con người trên xứ sở, từ hình thức truyền tụng dân gian sang sáng tác bằng ngôn ngữ bác học, đã tạo được một nền tảng sâu dày. Từ thời “đẻ đất đẻ nước”, con người bước ra khỏi hồng hoang, trải qua những cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt, tạo dựng cương thổ, và chiến đấu với những thế lực bên ngoài xâm lấn bờ cõi giang sơn, xây dựng nền văn hiến và khẳng định quyền tự chủ, để cho đến hôm nay, chúng ta có một xứ Thanh rạng rỡ sử vàng. Trên dòng lịch sử ấy có những ánh sáng lấp lánh của văn học nghệ thuật, nuôi dưỡng đời sống tinh thần và làm nên những di sản văn hóa để lại cho muôn đời sau. Văn học nghệ thuật trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, phản ánh gương mặt lịch sử qua các thời kỳ. Xứ Thanh là một trong những cái nôi sinh ra loài người, văn học nghệ thuật xứ Thanh có gốc rễ sâu dày, song hành cùng sự phát triển của con người trên xứ sở qua các địa tầng văn hóa, và đã cùng quê hương, đất nước trải từ chiến tranh đến hòa bình, từ sơ khai nguyên thủy đến đương đại.
Là hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa, tôi luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được thừa hưởng, kế tục truyền thống văn nghệ giàu bản sắc của quê hương. Với bề dày 50 năm xây dựng và phát triển, Hội VHNT Thanh Hóa đã thực sự là mái nhà chung của các thế hệ hội viên, là nơi tạo nguồn sức mạnh để những người làm văn học nghệ thuật tỉnh nhà nỗ lực lao động cống hiến, được tự do, thăng hoa trong sáng tạo. Thế hệ đi trước đã đặt nền móng, lát những viên gạch đầu tiên để văn nghệ Thanh Hóa có được một sự dày dặn, bề thế về số lượng tác giả, tác phẩm, để lớp trẻ có quyền tự hào về cha anh của mình. 
Trong đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh, nhiều người đã phải trải qua những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, đã phải chứng kiến những đau thương mất mát của quê hương, đất nước. Các bác, các anh chị vừa cầm súng vừa cầm bút, vẽ tranh, viết nhạc, đàn hát… ngay trên chiến hào, giữa những làn bom đạn của quân thù. Truyền thống năm mươi năm của văn nghệ xứ Thanh được xây đắp nên từ những năm tháng gian lao đó, từ những con người dạ sắt gan vàng đó. Các bác, các anh chị là gương soi để thế hệ trẻ học tập, noi theo; là điểm tựa niềm tin để những người trẻ phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng.
Chiến tranh đã là quá khứ. Quê hương đất nước sau khi trải qua những gian khó thời hậu chiến, đã vươn lên đổi mới và phát triển từng ngày. Tôi thuộc thế hệ may mắn được sống trong thời kỳ đất nước hòa bình xây dựng, với cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đây là một thuận lợi để giới văn nghệ sĩ nói chung, và văn nghệ sĩ trẻ nói riêng có điều kiện, thời gian chăm lo sáng tác, để các xuất bản phẩm ngày càng đẹp hơn, các công trình nghệ thuật được sáng tạo một cách công phu hơn.
Văn học nghệ thuật xứ Thanh đang phát triển trong bối cảnh quê hương, đất nước có nhiều đổi thay mạnh mẽ, và cũng có tác động nhiều chiều từ thế giới bên ngoài. Chúng ta “mở cửa” để tiếp nhận văn minh, tiến bộ của nhân loại, nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự dị biệt về văn hóa, về quan điểm chính trị, và cả sự quấy nhiễu của các thế lực thiếu thiện chí do có toan tính riêng, những thế lực thù địch, bất mãn chính trị. 
Trước những tác động của đời sống xã hội trong nước và thế giới, văn học nghệ thuật cần tiếp tục làm tốt vai trò là “những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “vạn biến” của đời sống xã hội hôm nay, những người làm văn nghệ hôm nay cần giữ cái “bất biến”, đó là kiên định tư tưởng lập trường cách mạng, vững vàng bản lĩnh chính trị, lấy nền tảng văn hóa và những giá trị đạo đức làm hệ quy chiếu, để tiếp nối sự nghiệp văn học nghệ thuật của quê hương, đất nước một cách xứng đáng. Đời sống hôm nay sẽ là chất liệu phong phú, tạo cảm hứng sáng tác cho mỗi văn nghệ sĩ. Nhưng xã hội cũng ẩn chứa nhiều phức tạp, bất ổn, nhiễu loạn thông tin, tạo ra nhiều thách thức cho văn nghệ sĩ khi xác định cho mình hệ quy chiếu chuẩn để định hướng tư tưởng trong lao động sáng tạo. Và tôi tự thấy rằng, mình cần phải trang bị nhiều hơn vốn sống, nhãn quan chính trị để luôn tỉnh táo trong nhận định và sáng tác, để mỗi tác phẩm ra đời đều tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, phục vụ có hiệu quả lợi ích dân sinh, lợi ích quốc gia dân tộc.
Phát huy truyền thống 50 năm văn học nghệ thuật Thanh Hóa, ngay lúc này đây, những người sáng tác trẻ cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành những “người cầm súng” trên mặt trận văn hóa tư tưởng trong thời đại mới, bằng cách nắm bắt một cách nhanh nhất những vận động không ngừng của thời đại, để chuyển tải đến công chúng những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, kịp thời động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân đang đóng góp sức lực và trí tuệ vì sự đổi mới và phát triển của quê hương, đất nước, góp phần đấu tranh chống cái xấu, cái ác, chống kẻ thù làm phương hại đến hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Mong rằng, với những nỗ lực đóng góp ấy, mạch nguồn văn học nghệ thuật tỉnh nhà sẽ được tiếp nối không ngừng và tạo nên những giá trị mới. Dòng chảy văn học nghệ thuật xứ Thanh sẽ luôn lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời trong mọi thời đại.
                                

MAI HƯƠNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 259
 Hôm nay: 2423
 Tổng số truy cập: 8938040
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa