Trần Tất Tiến - Người ra đi nhưng thơ còn mãi
Nhà thơ Trất Tất Tiến sinh ra tại miền đất Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Nơi có sóng biển hàng ngày vẫn vỗ vào nỗi nhớ, làm thức dậy bao ước mơ của chàng trai Trần Tất Tiến yêu văn học nghệ thuật đến khát khao cháy bỏng. Qua năm tháng học tập trên con đường sự nghiệp, Trần Tất Tiến là kỹ sư lâm nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa. Đặc biệt anh còn là một nhà thơ xứ Thanh được nhiều người yêu mến. Anh đã xuất bản 8 tập thơ, dự kiến sẽ xuất bản tiếp 4 tập thơ tiếp theo và cuối cùng sẽ cho ra mắt bạn đọc Tuyển tập thơ Trần Tất Tiến. Hành trình thơ của anh thật đáng quý. Anh là Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, là cộng tác viên tích cực, tâm huyết của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Có lẽ vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, con người ta sẽ dành cho nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng anh lại bung tỏa sức viết mãnh liệt, để kết đọng cho đời nhiều tập thơ có giá trị.
Nhớ về kỷ niệm những sáng tác của anh, trong đó có tập thơ “Lan man cánh buồm” Trần Tất Tiến tặng, tôi lại nhớ đến những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX, anh đã có nhiều bài thơ đăng trên báo Văn hóa thông tin thời bấy giờ. Đến nay anh đã có thâm niên làm thơ mấy chục năm. Tính cả thêm tác phẩm còn ở dạng bản thảo tổng cộng anh có hơn 12 tập thơ, điều đó đủ để khẳng định anh là nhà thơ chính hiệu. Nhưng điều cốt lõi mà tôi bắt đầu khám phá, thơ anh mang đậm chất thi sĩ của một người biết chắt lọc ngôn từ, viết bằng bản năng sáng tạo có chất riêng và lạ.
Thơ Trần Tất Tiến quan tâm nhiều đến đời sống thực tại, mang đậm triết lý nhân sinh. Anh đã giải mã những con người đi qua số phận vui buồn qua bức tranh hiện thực đầy biến động để rồi đem về một hồn thơ trong trẻo, dư ba, khiến người đọc thích thú, bởi tính triết luận được hiểu sâu từ một trí tuệ cảm quan sâu sắc trong đời sống đương đại.
Tôi xem Trần Tất Tiến là một người kiệm lời nhưng sâu sắc và rất tình cảm. Có lẽ trong cuộc đời quản lý của một kỹ sư lâm nghiệp làm Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm rồi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã ảnh hưởng đến thơ anh chăng? Tôi không nghĩ như vậy, bởi đọc thơ Trần Tất Tiến, khi anh chưa là thi sĩ, anh đã là một người thơ. Như vậy, thơ anh theo tôi hiểu đã có trong tiềm thức, tiềm tàng ở anh ngay từ thời kỳ học sinh phổ thông và thời sinh viên đại học, nên mới có sự dấn thân, sáng ngời chữ nghĩa như thế. Dường như, trong con mắt thơ của mọi người, anh đã hội nhập với dòng thơ đương đại không chậm phút nào. Điều tôi muốn nói, anh đã bước tới ngôi nhà thi ca bằng một nhãn quan có sự cách tân tìm tòi cái mới để tạo dựng cho mình một cá tính thơ riêng. Chà! người thế ấy thì phong vận thơ cứ tự nhiên mà đến như của trời cho. Anh viết thơ như cái nghiệp trả nợ cho đời. Thơ anh có giọng điệu riêng, thủ thỉ như với chính mình, vừa quyến rũ, vừa rạng ngời nét nghĩa, tạo nên thi cách Trần Tất Tiến, không lẫn với “bóng chữ” của cây đa, cây đề nào trong làng thơ đất Việt.
Tập thơ “Lan man cánh buồm” càng đọc tôi càng yêu hơn, vì ở các tập thơ anh gần đây đã có bước chuyển về thi pháp. Đúng như cách hiểu của tôi ở trên, anh như con tằm nhả tơ cho thơ ngày càng óng mượt. Với 51 bài thơ trong tập là 51 lát cắt mở ra những trang mới cho đời, cho cuộc sống phồn sinh hiện hữu.
Nếu như trong tập thơ “Giấc mơ lá đỏ” ra sát liền kề với tập thơ hiện nay có không gian thi ca khá rộng, để lại cho đời với bao điều suy ngẫm thì đến tập thơ “Lan man cánh buồm” là một tâm sự ngổn ngang giăng mắc nhiều suy tư về thế sự, về quan niệm sống, về cách nhìn của quá khứ và tương lai được nâng cao hơn. Bên cạnh, chất lãng mạn đem theo chiều sâu cảm xúc, khi anh viết về thiên nhiên, đất nước, tình yêu con người cũng dạt dào thi hứng. Mỗi bài mỗi vẻ, không đại ngôn nhưng cô đọng, tất cả đều toát lên những ý tưởng lớn lao mà cuộc sống khát vọng đang tìm đến.
Với tôi, khi nghiên cứu về thơ, thường đặt thi pháp học để soi chiếu, tìm ra điểm sáng thẩm mĩ. Ta biết thế giới nghệ thuật trong thơ là một phạm trù triết học, khi khai thác có thể đi từ cái chung đến cái riêng và ngược lại. Và tất yếu phải lấy ngôn ngữ, giọng điệu, hình tượng nghệ thuật, làm công cụ để tìm kiếm vẻ đẹp trong thơ. Các thao tác tư duy thơ, để khái quát được chủ đề và tư tưởng chủ đề phải luôn được coi trọng, kể cả tìm các biện pháp nghệ thuật khám phá các lớp nghĩa trong thơ làm thước đo giá trị thẩm mĩ. Từ cơ sở ấy, đặt thơ Trần Tất Tiến trong không gian nghệ thuật để tiếp cận, khám phá, mới thấy thơ anh không dễ đọc, mà phải đọc nhiều lần mới tìm ra “vị ngọt”, “vị đắng” của nó, mới tìm được tư tưởng tình cảm chứa đựng nhân bản hướng người đọc vào trường thẩm mĩ.
Mở đầu tập thơ với thi phẩm “Giấc mơ hoàng hôn”, hình như anh có ý lấy hình ảnh hoàng hôn để nói về thời gian, nói về những suy nghĩ của mùa, của cuộc sống quanh ta mà anh đã từng bắt gặp, đi qua. “Ta vẫn gặp giấc mơ của mùa đi theo gió…/ Ta vẫn gặp giấc mơ lên trang sách của ngày… Nhưng có một điều ta không bao giờ quên/ Giấc mơ nào cũng hiện hữu khuôn mặt đêm/ Áp lên khuôn mặt ngày tình tự” (Giấc mơ hoàng hôn). Có lẽ, ở cái tuổi về chiều, qua bao sự chiêm nghiệm, anh muốn đưa ra một thông điệp: Dù bất cứ tuổi nào, làm bất cứ việc gì trong lĩnh vực nào cũng phải hướng về cái chân, thiện, mĩ. Vì thế khát vọng là định tính mà anh luôn vươn tới: “Em bình minh nắng hạ/ lại giao duyên trong buổi chiều về/ Để hóa thân muôn vàn tình yêu tuổi trẻ/ thít chặt vào giấc mộng mỗi hoàng hôn”.
Cách sử dụng cặp ý đối lập để hóa thân vào đam mê tuổi trẻ vẫn là thủ pháp mà trước đây các nhà thơ mới thường sử dụng. Song, ở Trần Tất Tiến không lùi xa trước cảnh sống hỗn tạp thời thế, mà anh đưa ra quan niệm: Giấc mơ nào hướng tới tình yêu đẹp chân chính là thước đo cho mỗi người hướng tới tương lai.
Thơ Trần Tất Tiến sáng tạo không nằm trong phạm vi hẹp mà còn chứa tạo trong phạm vi rộng dài, bởi tư duy thơ hiện đại. Nhiều bài anh viết được thấu cảm bằng tâm thức, bằng cái nhìn nhân văn da diết. Bài thơ “Lời hứa của con đường” đã dẫn nhà thơ đi rất xa để khai quật tìm ra những góc khuất của bóng tối mà con người luôn tìm những điều giả dối trốn chạy.
Có phải chăng? Trong lòng anh luôn trăn trở về một cái gì đó rất xa xôi, mông lung đến ngỡ ngàng, nên một số bài thơ anh viết có âm dương đan cài, có hữu cực và vô cực, có vận động của biến thiên tạo hóa, có quy luật sinh hạn của loài người. Không phải ngẫu nhiên mà anh viết bài thơ “Lan man cánh buồm”; “Tia sáng hình mây biển”; “Đọc thơ người đã khuất”… Phải có một cái gì đó trong tâm tưởng, một ý niệm cao siêu, hiểu thấu đáo quy luật trong phạm trù triết học, anh mới có những bài thơ mang tính biểu cảm như thế! Trước thiên nhiên vũ trụ, thế giới của siêu nhiên, anh thả vào thơ một tuyên ngôn giản dị. “Nếu ta biết coi thân này là giả tạm/ Chỉ cần hai thước cỏ ven sông/ Đón mặt trời và một cánh buồm giong” (Lan man cánh buồm). Cái cách mà anh biểu lộ, hiện rõ tính cách của một nhà thơ có lòng tự trọng cao, sẵn sàng đón nhận “một cõi đi về” trong tư thế tri nhân của một thức giả trước mọi vận động quy luật đời sống. Ánh sáng và gió lộng, luôn tạo nghĩa để thơ anh chuyển động hướng về nghệ thuật tạo sinh. Và thế rồi những sắc màu, những “Tia sáng hình mây biển” vẫn là món quà triệu năm đem lại cho ta “nuôi sống muôn loài”. Vì thế Trần Tất Tiến “Cứ mỗi lần trước biển mỗi bình minh/ ta nhận thấy con người may mắn quá/ Được thiên nhiên ban tặng món quà/ Những tia sáng mặt trời hình mây biển/ Xin cảm tạ người thiên nhiên bao la”. Trước thiên nhiên anh độc thoại với thơ, có cả những dòng thơ nói với người đã khuất. Bằng những triết lý sâu xa qua cách độc thoại nội tâm, tự hỏi và trả lời, anh đã sử dụng ngôn ngữ thơ với giọng điệu nhẹ nhàng nhưng rất thấm, rất thành công, làm cho đối tượng được miêu tả phải tự vấn lương tâm: “Ông tự hỏi/ Sao khuôn mặt thanh lịch vậy/ Mà tâm hồn nhỏ nhen, đố kị liên tài/ Vắng bóng lòng nhân ái/ Không đọc nổi những câu thơ giả dối/ Nhà thơ già giở trang sách người xưa/ Thấy khuôn mặt họ/ Hiện theo số phận/ Những kiếp người trong hồn thơ đau đáu một thi nhân” (Đọc thơ người đã khuất). Một trong cách nói xưa để hiểu gần, làm rõ ý ích kỷ hẹp hòi của bao kẻ tài năng thơ có hạn mà luôn nói chuyện chữ nghĩa, âu cũng là một cách nói hàm ngôn đầy thi vị trong thơ Trần Tất Tiến. Cái duyên thơ anh đem đến cho bạn đọc, luôn đặt quan điểm nhân văn lên hàng đầu, vì thế mà thơ anh sáng lên một tấm lòng tinh khôi, gần gũi và tri âm với bạn đọc. Khi viết về cảnh quê, tình quê, bạn bè, anh sử dụng ngôn ngữ mượt mà, uyển chuyển, kể cả hình ảnh, nhịp điệu để trở về nguồn cội bằng tâm thức, bằng cái nhìn tư duy hiện đại. Bài thơ “Nói chuyện với nhà thơ” là một bức tranh đượm màu thế sự, mang tính triết lý sâu sắc: “Chiều đông nói chuyện đồng quê, mấy quả táo xanh chấm ớt, thế là đủ để anh diễn thuyết…”, Trần Tất Tiến không quên ám chỉ chuyện đời và luôn coi trọng câu nói của nhà thơ Goeth người Đức: “Mọi lý thuyết là màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi”. Anh thường tâm sự, nhà thơ phải đi từ thực tế, không hão huyền, mỗi câu thơ viết phải có giá trị thực tiễn, giúp ích cho đời, cho xã hội và ngược lại nếu nô lệ vật chất đánh đắm trí tuệ, sẽ vô tình rơi vào vực thẳm. “Chỉ có một điều/ Đang từ đỉnh cao văn chương/ Anh đột ngột nói về đồng tiền/ Với niềm khát khao nô lệ/ Những nếp nhăn biến mất/ Nụ cười lấp lóa ánh ngân/ Và chiều ấy anh đã vô tình/ Đưa người nghe rơi xuống chân thác/ Hãy khoan nói về điều cao siêu/ Hãy nhìn chiếc áo sờn anh mặc/ Không thể trách anh/ Không thể trách ai khác/ Chỉ còn một cách trách trời chiều” - (Trò chuyện với nhà thơ). Thơ Trần Tất Tiến còn có độ cao siêu triết lý, lồng ghép với những ý niệm tưởng như vô lý mà lại có lí đến tận cùng. Bài thơ “Ngày xuân lan man chuyện lão” của anh với gần một trăm câu thơ là một tự sự được hiểu như một trường ca thu nhỏ. Ở đó có việc đời, việc xã hội, những điều răn dạy đã trải dài qua nhiều sự việc, có tính đúc kết giàu tính nhân văn. Có những điều đã phủ lên lớp bụi thời gian, mà đọc lên vẫn mới. Đó là suy nghĩ của “Người già thảnh thơi đọc sách” vẫn không quên chia sẻ những niềm riêng. Đó là những câu chuyện ứng xử với đời nhưng vẫn không quên nhân tình thế thái, đến những vận động của các hiện tượng xã hội xoay vần.
Trần Tất Tiến là người giỏi tiếng Anh. Anh chịu khó đọc sách. Anh coi sự đọc là phép màu để nâng cánh tri thức, để tầm hiểu biết của anh thêm mở rộng. Thơ cũng vậy, nhiều bài thơ anh viết, giàu suy tưởng, chiêm nghiệm cao. Hình như tất cả đều bắt nguồn từ những chuyến công tác trong và ngoài nước, nên thơ anh cứ lặng lẽ âm thầm ngấm vào lòng người đọc bằng những men say của chất thơ trữ tình sâu lắng. Ngoài những bài “Đọc sách”, “Số không”, “Chuyện vặt”… thuộc loại hình thơ tự sự, ta còn bắt gặp anh là người viết thơ trữ tình có nét rất duyên trong trường thơ mà anh sáng tác. Đây cũng là thế mạnh của anh. Với bài thơ “Mùa đi”, tôi xem nó như một khúc ca dạt dào thi tứ. “Tôi viết bài thơ mùa đi, khi mùa xuân mới bắt đầu bật nhựa, tiết lộc căng mình nhú trên kẽ lá, bời bời đêm sương phủ mặt non tơ”. Trần Tất Tiến đã sử dụng nhiều tính từ trong ngôn ngữ miêu tả trong thơ như: “náo nức”, “tinh khôi”, “mãnh liệt”, “non tơ”, “khát khao”… để diễn đạt cái ý, cái tình thật lôi cuốn.
Mùa xuân nào con người cỏ cây không náo nức
Không huy hoàng một bứt phá tinh khôi
Những cái khát khao của hạt mầm đang chờ tách vỏ
Là mãnh liệt sống còn hơn cả mọi sinh linh.
Trong cách miêu tả, bao giờ anh cũng sử dụng hình tượng ngôn ngữ đặc tả. Có khi là một âm thanh chuyển động với hình ảnh đàn chim bay về theo hai hướng Bắc Nam, báo hiệu khi thời tiết chuyển mùa. Và trong cái khoảnh khắc ấy, anh không quên tả về loài chim hồng hạc, dù bay về đâu vẫn nhớ về cố thổ đất phương Nam. Đó là một sáng tạo làm cho thơ anh có phong cách rất riêng.
Đến mùa thu ta lại nghe tiếng hạc
Bay về Nam hưởng nắng ấm nồng nàn
Những chú chim di cư mùa mùa xuôi ngược
Đã cảm nhận chân lý sinh tồn.
Tiếp nối những đoạn thơ sau và kết, tôi có nhận định, nhà thơ Trần Tất Tiến đã khai thác đề tài mang tính thời sự hiện nay, đó là việc đề cập đến sinh thái môi trường. Một đề tài mà các nhà văn, nhà thơ hiện nay rất quan tâm thể hiện trong tác phẩm của mình. Thực tế, nhiều công trình đắp đập ngăn sông, đi ngược lại sự thuận thiên của dòng chảy thì “cá còn đâu sống để quay về”. Trần Tất Tiến đã đặt vào thơ những vần thơ khá đắt trong đặc tả. “Rồi một ngày kia thác vượt vũ môn/ Để cá hóa rồng ngẩn ngơ cổ tích/ Những loài di cư không thể nào hiểu được/ Rằng sông kia không còn chỗ quay về” (Mùa đi).
Trong hành trình thơ ca, Trần Tất Tiến đã dành nhiều bài viết về thiên nhiên, vườn quê. Tôi rất thích bài thơ “Sắc lá vườn quê” trong tập. Đọc lên ta có cảm giác như thơ mới của các thi nhân như: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ… nhưng nghiên cứu kỹ thì thơ anh đã chạm vào thiên nhiên “Lá vườn quê” với kỹ năng miêu tả rất riêng, mang chất thơ Trần Tất Tiến hoàn toàn không ảnh hưởng.
Sáng xuân nay ta gặp sắc lá vườn
Nơi biếc xanh nơi nõn nà búp nụ
Những kẽ lá tách mầm cành sương tụ
Long lanh soi ánh mặt trời.
(Sắc lá vườn quê)
Với bốn câu thơ mở đầu của bài mà đã toát lên bức tranh non tơ của cây vườn xanh lá. Giọng điệu thơ trữ tình, mới vẽ vài nét mà đã bừng sắc đượm hơi xuân. Đặc biệt cách sử dụng từ khá đắt. “Nơi biếc xanh, nơi nõn nà búp nụ”. Chứng tỏ nhà thơ quan sát rất tinh tế, nên đã có những câu thơ lấp lánh gợi hình. Những tính từ đặc tả “biếc xanh”, “nõn nà” của búp nụ tụ sương được tách mầm từ kẽ lá long lanh dưới ánh mặt trời, quả là rất tuyệt, đậm nét “thi trung hữu họa”. Và chiếc lá ấy được “Gió trinh nguyên ve vẩy nét xuân thì” để rồi “Nay ta về cùng mảnh vườn xưa ấy/ Thấy nhụy đời rạo rực cánh thơ bay”. Thực sự là những câu thơ tài hoa, đã tạo nên dấu ấn thi pháp trong cách thức sử dụng ngôn từ của Trần Tất Tiến rất đáng trân trọng.
Trong dạng thơ trữ tình, anh không quên có những bài thơ viết về chủ đề tình yêu. Đây là một dạng thức mà trong nghề làm thơ từ cổ chí kim ai cũng sẽ có những bài thơ tình ghi dấu ấn của mình. Trần Tất Tiến là người không ngoại lệ. Với anh, thơ tình anh có cả hàng trăm bài. Ngoài những phút giao cảm cùng thơ, anh còn có cả những khoảng lặng để nhớ về dĩ vãng. Phải chăng, thơ tình đã làm nên ngọn lửa để anh có được những vần thơ cháy bỏng thăng hoa: “Ngón non tơ vê ngực trần hoang cỏ/ Rơi vào đêm hun hút gió eo bờ/ Mỗi lần mơ về nơi xa vắng ấy/ Lại nhập nhòa áo trắng nét mi cong/ Cho ta xin đêm nay lần cuối/ Dĩ vãng trôi về hoa tím rực đời sông”. Thơ tình của Trần Tất tiến thường mượn sự vật thiên nhiên để ngụ tình. Bài thơ “Cỏ non 3” đi vào lòng người thật đáng yêu: “Ai năn nỉ mấy cỏ buông lời ước vọng/ Chút riêng mình phơi nhúm cọng mưa xuân/ Thân cỏ thế một đời em dâng tận/ Rồi lại chìm trong mặt bích nõn nường”. Trần Tất Tiến có nhiều phút giây xuất thần, chỉ nhìn em có đôi mắt mi cong quyến rũ, anh có ngay một tứ thơ hay đến ngỡ ngàng: “Tả về em, anh tả nét mi cong/ Trời phú cho em hàng mi cong vút tận/ Để mỗi chiều sau hoàng hôn hút đợi/ Anh đợi chờ mi cong ấy gọi tên... Rồi mỗi sáng ngày, mi ấy, cong thêm/ Như ngọn lá đâm rách chiều ngột nắng/ Chỉ có mi cong đem gió chiều đến lạ/ Gửi lại hồn ta, chớp mi nét không nhòa” (Hàng Mi).
Ngoài thơ tình là thế mạnh của Trần Tất Tiến, anh còn một mảng thơ đấu tranh với hiện tượng tiêu cực rất diệu nghệ. Từ cái tâm thổn thức, trách nhiệm với đất nước, muốn đất nước ngày càng phát triển, Trần Tất Tiến có nhiều bài thơ hay, đọc lên không thể bỏ qua. Bài thơ “Đêm rừng sâu” (phần 2) là bài kết của tập thơ đã vọng lên tiếng chuông cảnh tỉnh của anh về thái độ sống vô trách nhiệm của con người đối với môi trường. Họ phá rừng, phá thiên nhiên, phá tất cả những gì mà bao đời ông cha gây dựng. Chính trong “đêm rừng” sâu ấy, nhà thơ mới thấu hiểu: “Những doanh nhân ngồi đâu cùng bàn chuyện kiếm tiền/ Dù họ đã có rất nhiều tiền, tiêu mấy đời không hết/ Lòng ham muốn giàu sang, khiến con người kiệt sức/ Tranh giành nhau và giành giật với thiên nhiên, và để lại những khoảng trống của đất”. Đọc bài thơ này tôi càng trân quý với trách nhiệm của nhà thơ hơn lúc nào hết. Thơ viết về đề tài sinh thái, Trần Tất Tiến với sáng tạo nghệ thuật, xứng đáng là nhà thơ xứ Thanh tiêu biểu trong việc bảo vệ môi trường, một cây bút viết có chiều sâu, đem lại sắc thái biểu cảm chinh phục người đọc hết sức lớn lao. Yếu tố này, được đánh giá thế giới quan tinh nhạy của anh với thơ ca trong việc bám sát hiện thực đời sống, đã đem đến những thành công nhất định.
Về thể loại thơ, Trần Tất Tiến mạnh ở thơ tự do hơn so với thơ lục bát. Tuy nhiên, với cách sử dụng âm vần nhuần nhuyễn, ngôn từ trong sáng, tìm được tứ hay, anh đã có một số bài thơ lục bát khá. Bài thơ gửi thi sĩ Văn Đắc vừa có tứ hay ngôn từ giản dị, hiện lên một tấm lòng với bạn thơ ấm áp, bay bổng:
“Thi nhân bay bổng một thời/ Câu thơ tung tẩy với đời mây trôi/ Giá mà còn tuổi đôi mươi/ Thơ ông cởi yếm đất trời đêm không/ Bây giờ sóng lặng gió trong/ Dòng sông thì vẫn dòng sông Cát Lầm/ Đường xa hun hút cố nhân/ Non cao quăng gánh đi tìm Cỏ Thi/ Sông xanh tận đáy xuân thì/ Biển xanh ăm ắp đương kỳ nước gieo/ Câu thơ lướt sóng ngọn triều/ Cho em lặn ngụp mấy chiều tương tư” (Thơ gửi nhà thơ). Có những lúc niềm thi hứng nổi lên, anh đã có bài thơ “Vui một tý” mang âm hưởng ca dao: “Ngày xuân nâng chén rượu đào/ Men say lan tỏa ngấm vào hương xuân/ Tóc xanh đã bạc mấy phần/ Mặc đời xì xụp canh cần cá khoai/ Mời em chén rượu ngang mày”.
Có thể nói tập thơ “Lan man cánh buồm”, nhiều bài thơ mang tính tự sự kết hợp trữ tình. Trong cấu trúc thơ mang tính hiện đại. Nhìn từ góc độ thi pháp, Trần Tất Tiến đã mang đến một giọng điệu thơ mới mẻ, gợi nhiều hơn tả. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên. Nhưng trong cái tự nhiên ấy đã diễn ra nhiều cái lạ thường. Đằng sau những con đường kết nối, giữa thực và mộng, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa động và tĩnh, giữa có và không là sự bổ sung của bề sâu tính triết lý. Hơn nữa, tính biểu cảm, tính thẩm mĩ thông qua trực giác nghệ thuật gợi được bao điều ở tính tư tưởng. Càng đọc càng thấy hơi thở đời sống luôn chạm vào mạch cảm xúc ở nhiều cung đoạn thơ khác nhau. Chủ đề thơ được anh sử dụng đa dạng, phong phú, không thấy dấu vết của sự dễ dãi mà thấy một thái độ lao động có trách nhiệm. Nhà thơ Trần Tất Tiến xứng đáng là cây viết được trân trọng trong làng thơ hay xứ Thanh.
Hôm nay nhận được tin anh đã ra đi, trong bài viết này, tôi muốn gửi tới anh thay cho nén tâm nhang, cầu mong anh siêu thoát, và mong nhà thơ Trần Tất Tiến ở chốn cõi hạc vẫn làm bạn với thơ, với cuộc sống trần thế mà cả đời anh luôn ấp ủ gửi trao. Vĩnh biệt anh!
TRỊNH VĨNH ĐỨC