Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển VHNT thời kỳ mới
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển VHNT thời kỳ mới

1. Dự báo tình hình
Bên cạnh những thành tựu, thời cơ và thuận lợi, văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển rất nhanh, tiếp tục làm thay đổi phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành các sản phẩm văn học, nghệ thuật; vừa thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài vừa tạo ra sự xâm nhập, thẩm thấu thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, độc hại của sản phẩm văn học, nghệ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cơ chế kinh tế thị trường ngày càng tác động mạnh mẽ hơn đến đời sống văn học, nghệ thuật; một mặt tạo điều kiện tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật; mặt khác - mặt tiêu cực, làm gia tăng xu hướng thương mại hóa, hạ thấp tiêu chuẩn giá trị thẩm mỹ, nhân văn của các tác phẩm, sản phẩm văn học, nghệ thuật. Các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một số văn nghệ sĩ và những mâu thuẫn xã hội tác động không thuận đến việc giữ vững định hướng phát triển văn học, nghệ thuật và tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Nguy cơ thiếu hụt đội ngũ kế cận; nguy cơ đứt gãy dòng mạch truyền thống và xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc trong sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn và thụ hưởng giá trị văn học, nghệ thuật ngày càng gia tăng.
2. Phương hướng
2.1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ đường lối, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam - “Lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” - trong giai đoạn mới; nhất là các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; Phát biểu chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021) và tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tháng 7-2023) nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.2. Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế đầy đủ, đồng bộ theo hướng tạo nguồn lực, động lực để phát triển văn học, nghệ thuật; để đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển tài năng, nhân cách, bản lĩnh cống hiến cho đất nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các văn nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài có tinh thần yêu nước, mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước. Phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn học, nghệ thuật; nhiều tác phẩm xứng tầm với sự nghiệp đổi mới của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.3. Thiết lập môi trường dân chủ, nhân văn, tôn trọng đặc trưng sáng tạo, thực thi quyền tác giả; bảo đảm tự do trong sáng tạo, phê bình văn học, nghệ thuật. Vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Phát huy sức mạnh, ưu thế đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật; triển khai có trọng tâm, trọng điểm các sản phẩm, dịch vụ văn học, nghệ thuật trong công nghiệp văn hóa. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân ở các vùng, miền, dân tộc, tôn giáo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia.
2.4. Đẩy mạnh giao lưu, hội nhập quốc tế về văn học, nghệ thuật; xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn học, nghệ thuật quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn học, nghệ thuật của thế giới; đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên đối với các sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ. Tăng cường quản lý và phát huy vai trò của các loại hình truyền thông, thông tin, công nghệ số trên Internet. Tiếp tục nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc sự thật trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
3. Nhiệm vụ, giải pháp
3.1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cấp ủy các cấp cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật. Xác định rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. 
3.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu hoặc chưa đồng bộ; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa thành các chương trình, đề án sát thực tiễn. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về lĩnh vực này, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bản lĩnh, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo; có chính sách thu hút người học trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Rà soát, điều chỉnh chính sách cổ phần hóa, sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng bộ với các quy định hiện hành, phù hợp yêu cầu phát triển và tính đặc thù trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Tăng cường nguồn lực cho phát triển văn học, nghệ thuật một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn lực khác đầu tư cho văn học, nghệ thuật; đảm bảo hài hòa giữa “diện” và “điểm”, tránh dàn trải, lãng phí. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. 
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật; xây dựng hạ tầng trọng điểm quốc gia, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn học, nghệ thuật của nhân dân. Đầu tư sáng tạo, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quan tâm, khuyến khích sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi; hỗ trợ đặc biệt cho phát triển văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng giàu bản sắc, lành mạnh, phong phú, đa dạng, phục vụ cơ bản nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực. 
Tiếp tục duy trì chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tạo cho văn học, nghệ thuật; tăng nguồn quỹ hỗ trợ sáng tác. Quan tâm chính sách và thực hiện nghiêm túc, khách quan việc tôn vinh, tặng thưởng, hỗ trợ, động viên văn nghệ sĩ tài năng. Có giải pháp khả thi hỗ trợ cho văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, người hoạt động văn học, nghệ thuật không hưởng lương, đặc biệt đối với việc truyền dạy, khôi phục và bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Thực hiện cơ chế kịp thời, thuận lợi cho đặt hàng sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật cao.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, nhằm phát huy ưu thế đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật, khai thác những tiềm năng, giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực và có tỉ trọng ngày càng tăng đối với kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Sử dụng tổng hợp chính sách pháp lý và chính sách kinh tế, thúc đẩy thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển đồng bộ, bền vững và lành mạnh.
Thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động văn học, nghệ thuật; thẩm định nghiêm túc các tác phẩm, công trình và chương trình văn học, nghệ thuật, nhất là các chương trình phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, các loại hình truyền thông mới. Cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ với các hội văn học, nghệ thuật, phát huy hiệu quả vai trò các cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực, hệ thống thông tin đại chúng, ưu thế của các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao. 
Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về quyền tác giả, các quyền liên quan. Xây dựng các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong dịch vụ văn hóa, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Xử lý nghiêm minh các biểu hiện sai trái, đi ngược lại với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Định hướng tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ nhằm hình thành nên ý thức thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh, tiên tiến để mỗi cá nhân có khả năng tốt nhất khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo. Xây dựng các chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong các trường học.
3.3. Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Phát huy vai trò nền tảng, chủ đạo của lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; nghiên cứu thấu đáo tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông, đồng thời tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa lý luận văn nghệ thế giới phù hợp với thực tiễn nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đào tạo các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ, xây dựng đội ngũ chuyên gia ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Xây dựng chính sách tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Xây dựng cơ chế hợp lý để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. 
Xây dựng, củng cố các diễn đàn học thuật, nâng cao tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, bình đẳng, nghiêm túc về mọi vấn đề, nhằm nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính dân chủ, tính nhân văn và tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình; nâng cao năng lực dự báo, cung cấp các luận cứ khoa học để tư vấn giúp các cơ quan chức năng kịp thời định hướng, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch. Nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức hội những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tư vấn cho Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược, quan trọng và cả phức tạp, nhạy cảm trong đời sống văn học, nghệ thuật.
3.4. Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Liên hiệp hội và các hội văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ vừa có bản lĩnh, tài năng, vừa có tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo văn nghệ; có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Cải cách mạnh mẽ chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, hỗ trợ, đặt hàng, tôn vinh, khen thưởng đối với các tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng, nhất là tài năng trẻ; chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn học, nghệ thuật. Xây dựng chiến lược đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tạo bước đột phá phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn mới.
3.5. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp hội và các hội văn học, nghệ thuật đảm bảo tính thống nhất chung trong cả nước, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các hội theo hướng chuẩn hóa và trẻ hóa lực lượng; vừa chăm lo phát huy sự cống hiến của những người có tuổi nghề cao, có tầm ảnh hưởng, vừa phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật trẻ. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong, sự dấn thân và lòng dũng cảm, vinh dự, tự hào, tự tôn dân tộc của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn học, nghệ thuật.
Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương trong việc tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ; xây dựng và phát triển hội viên một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, có sự tiếp nối thế hệ bền vững. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội và các hội văn học, nghệ thuật Trung ương, địa phương. Tăng cường phản biện xã hội một cách khoa học, tích cực, làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội hoạt động; chuyển dần việc tổ chức một số hoạt động nghệ thuật như liên hoan, hội thi, hội diễn... cho các hội chuyên ngành có khả năng và điều kiện đảm nhận.
3.6. Tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng giàu bản sắc, lành mạnh, phong phú, đa dạng; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng của nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị cần quan tâm đầu tư phát triển và đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ quần chúng. Có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Phát huy vai trò, tác dụng của các thiết chế văn hóa sẵn có và xây dựng thêm trên cơ sở hợp lý, hiệu quả. Thường xuyên đổi mới việc tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan... Duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, văn nghệ dân gian, các đội văn nghệ tuyên truyền, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, hệ thống thông tin đại chúng phục vụ văn nghệ. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc; không để mai một giá trị tác phẩm, loại hình văn học, nghệ thuật cả vật thể và phi vật thể. Phát huy vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian.
3.7. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; xây dựng văn học, nghệ thuật thực sự trở thành một trong những trụ cột của ngoại giao văn hóa.
Lấy nội lực nền văn học, nghệ thuật dân tộc làm căn bản; tăng cường tính chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; tổ chức lựa chọn và thẩm định chặt chẽ các tác phẩm đưa vào Việt Nam và các tác phẩm quảng bá ra nước ngoài. 
Xây dựng chương trình dịch thuật quốc gia về văn học, nghệ thuật. Phát triển đội ngũ dịch giả văn học, nghệ thuật đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác quốc tế đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực, tham gia phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam.
3.8. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Phát huy tích cực hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin đại chúng, ưu thế của các nền tảng mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trong công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao.
                              

  PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 265
 Hôm nay: 2084
 Tổng số truy cập: 9244251
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa