Âm hưởng sử thi trong trường ca hiện đại Việt Nam
Trong dòng chảy của thi ca cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay có hàng trăm trường ca được công bố phổ biến rộng rãi trên văn đàn. Có tài liệu (chưa kiểm chứng) thống kê, nước ta hiện nay có hơn một nghìn trường ca. Nói như thế để thấy rằng, chưa bao giờ thể loại trường ca trong văn học hiện đại Việt Nam bung nở như thế. Đó là một thành tựu rực rỡ hơn cả mong đợi. Nhiều trường ca nổi tiếng ngay từ khi ra đời, đi sâu vào công chúng, được đón nhận tích cực, mở ra miền đất mới đầy cảm hứng sáng tạo và cảm hứng phê bình nghiên cứu lý luận văn học. Nhắc tới trường ca, hầu như ta nhớ ngay đến: “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn; “Theo chân Bác” của Tố Hữu; “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm; “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo; “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo; “Trường ca Sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu; “Sông núi trên vai” của Anh Ngọc; “Những vùng rừng không dân” của Phạm Tiến Duật; “Đường tới Thành phố” của Hữu Thỉnh; “Sông Mê Kông bốn mặt” của Anh Ngọc… Sau các trường ca vừa liệt kê một chút có trường ca “Những người lính của làng” của Nguyễn Quang Thiều; “Mạch đất hồn trống đồng”, “Tiếng dương cầm Đại tướng”, “Ba mươi tháng tư” của Nguyễn Minh Khiêm; “Phồn sinh” của Nguyễn Linh Khiếu; “Gọi nhau qua vách núi” của Thy Hoàng; “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương…
Có nhiều góc nhìn tạo nên thành công vang dội của mảng trường ca. Góc nhìn về tư tưởng, chủ đề, đề tài. Góc nhìn về nội dung. Góc nhìn về nghệ thuật. Chỉ riêng góc nhìn về nghệ thuật cũng có nhiều hướng tiếp cận, nhiều cách khai thác về sự thành công. Thành công về tái hiện lại bối cảnh lịch sử bi tráng, hào hùng, oanh liệt của dân tộc. Thành công về xây dựng, khắc họa nhân vật, tuyến nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của thời đại, thời cuộc. Thành công về phát triển loại thể trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Thành công về ngôn ngữ trường ca… Trong bài viết này tôi chỉ tập trung vào một khía cạnh nhỏ: “Âm hưởng sử thi trong trường ca hiện đại Việt Nam” mà thôi.
Điều đầu tiên phải khẳng định, âm hưởng sử thi không tách rời, không đứng riêng, không độc lập với bối cảnh lịch sử, không khí thời đại, tính dân tộc, hình ảnh, nhân vật, tuyến nhân vật hay nhịp điệu, giọng điệu, ngôn ngữ thi ca. Âm hưởng sử thi thẩm thấu, hòa quyện, chung đúc, luyện lọc, cộng hưởng tất cả các yếu tố tích cực ấy mà thành. Nó có chiều cao của tư tưởng, có chiều sâu của tư duy, có chiều rộng của ngôn ngữ, có hồn thiêng sông núi, có nhạc điệu của con tim, có tinh túy của trí tuệ, có rung ngân của lịch sử, có sự hào sảng, khoáng đạt của tâm hồn. Nó là điểm hội tụ tự nhiên nhất giữa không khí thời đại, truyền thống văn hóa lịch sử quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc với tâm thế, nội lực, sức sống, tri thức và xúc cảm tâm hồn cao đẹp của tác giả mà thành. Đọc trường ca có lúc ta thấy như thác sôi lũ cuốn, có lúc ta thấy như núi cao sông rộng, có lúc ta thấy như giông lốc sóng lừng, có lúc ta thấy như hang sâu động thẳm; có lúc rộn rã như trống giục, có lúc vang động nhạc luống, có lúc vút lên như tiếng tù và. Chính âm hưởng sử thi đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu ấy, sự cuốn hút thôi miên ma mị ấy đối với trường ca.
Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu (có người gọi là bài thơ dài, có người gọi là trường ca) rất rõ âm hưởng sử thi. Hồn thơ say sưa, bay bổng. Nhịp thơ cuồn cuộn. Hình ảnh thơ lồng lộng. Mạch thơ tuôn trào. Ta bị cuốn theo cái âm hưởng của thơ đầy chất sử thi hùng tráng: “Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng/ Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà.../ Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng…”. Đậm chất sử thi nhất là hình ảnh Bác Hồ. Bằng niềm kính yêu Hồ Chủ tịch vô hạn, Người là tượng trưng cho sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là linh hồn, là bộ óc phi thường của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi huy hoàng, Tố Hữu đã tạo nên một hình ảnh, một hình tượng, một biểu tượng cao đẹp. Bác Hồ hiện lên qua ký ức của nhà thơ giản dị mà vĩ đại, gần gũi mà lung linh vời vợi, chân thực mà huyền diệu: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người”. Bác là hình tượng đẹp nhất cho sự kết tinh của niềm tin, của ý chí, của nghị lực, là tinh hoa của mọi thời đại, là ngôi sao sáng, là mặt trời chiếu rọi. Ngay từ bài thơ “Sáng tháng năm”, hình ảnh Bác Hồ trong sáng tác của Tố Hữu đã manh nha âm hưởng sử thi. Không ai không nhớ một hình ảnh Hồ Chủ tịch tuyệt đẹp “Bác ngồi đó ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông thanh thản một vùng trời”; “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/ Người ngồi đó, với cây chì đỏ/ Vạch đường đi, từng phút, từng giờ…”. Cái mạch âm hưởng sử thi ấy chi phối mãnh liệt trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu. Ngay cả khi viết trường ca “Theo chân Bác”, lúc Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng, giai điệu ấy, âm hưởng ấy vẫn không bị cái đau thương, cái mất mát làm trầm lắng. Nó vẫn có cao trào, vẫn thể hiện hào khí, câu thơ vẫn khoáng đạt vỗ cánh bay lên: “…/ Nguyễn Ái Quốc. Ôi cái tên tha thiết/ Của đời ta. Người ở phương nào?/ Gió ơi gió, ơi chim có biết/ Một người tù cất cánh bay cao?”.
Cái âm hưởng hào sảng, cái phong vị vừa tình ca vừa tráng ca, vừa cổ xưa vừa hiện đại hiện lên đậm nét trong trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn. Chỉ một đoạn Thu Bồn tái hiện lại cảnh Hùng, Rin, hai chiến sĩ cách mạng bị bọn giặc bắt đưa ra pháp trường xử bắn nhưng ta cảm nhận được thiên nhiên Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên, phong tục tập quán Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên, bản chất, cách nghĩ, cách cảm, cách sống, cốt cách của người Tây Nguyên. Đó là một Tây Nguyên kiêu hãnh, tự hào, ngẩng cao đầu, lạc quan, sẵn sàng hy sinh cho buôn làng, cho tình yêu, cho quê hương, đất nước. Không chỉ có vậy, ta còn thấy cả hình bóng chàng Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ, thấy cả chàng Sinh Nhã, một nhân vật bất tử của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. “Gió ơi! Ta muốn hòa vào trận gió/ Vuốt ve những sợi khói lam chiều/ Ta sẽ thổi lên những đồi nắng lửa/ Hớn hở mặt người cây lúa thân yêu..” (Bài ca chim Chơ-rao), đây không phải tâm trạng của người đi đến pháp trường. Đây là tâm trạng của người đi đến đài vinh quang. Đây không phải là tâm trạng của người đón nhận cái chết. Đây là tâm thế của người viết nên bản anh hùng ca chiến thắng. Người Tây Nguyên kiêu hùng thế, kiêu hãnh thế. Và đó là kết tinh những phẩm chất cao đẹp nhất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Âm hưởng sử thi đó được nhân lên, được vun đắp, được khẳng định, được ngời sáng trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc, sức mạnh của dân tộc Việt Nam được khái quát: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…/ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/ Ôi đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Không gian, thời gian, tầm nhìn, tâm trạng, ký ức được mở rộng, được nâng cao, được khắc sâu đến vô tận. Biên độ xúc cảm, biên độ ngôn ngữ thơ không còn biên giới vùng miền, không còn biên giới văn hóa, không còn biên giới lịch sử. Nghìn xưa trộn nghìn sau. Hiện thực trộn tưởng tượng. Cổ tích trộn huyền thoại. Mạch thơ, hồn thơ dắt ta đi hết nốt thăng này đến nốt thăng khác, hết cung bậc này đến cung bậc khác. Rồi ta nhập ta vào công cuộc kiến tạo, giữ nước vĩ đại một cách tự nhiên nhất: “Đất nước/ Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy! Đất nước/ Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!/ Đất nước/ Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy!/ Đất nước/ Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!/ Đất nước/ Đất nước không thể trôi được!/ Máu xương, mồ mả tổ tiên đã trôi đi/ Những dòng họ đã trôi đi/ Nhưng hôm nay không thể nào trôi được!/ Đất nước/ Đang gầm lên trong sóng gió ngất trời”.
Trong trường ca “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo, âm hưởng sử thi lại được thăng hoa, phun trào theo một mạch vỉa thi ca hoàn toàn khác. Lạc Long Quân - Âu Cơ - Người mẹ Việt Nam - Người mẹ trữ tình thiêng liêng nghìn năm trong tâm khảm người Việt đã chọn một vùng đất hội tụ năng lượng siêu phàm, siêu nhiên để sinh con Lạc cháu Hồng, sinh ra đất nước. Đó là vùng đất huyền bí quyền uy thần thánh. Chính vì thế, suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước bền bỉ, dân tộc con Lạc cháu Hồng lúc nào cũng thể hiện tình yêu thần thánh, sức mạnh thần thánh, sự chiến đấu thần thánh, sự hy sinh thần thánh. Điều tất yếu là những chiến thắng, chiến công cũng rất thần thánh. Có lẽ Trần Mạnh Hảo phải mang tâm thế, trí tuệ, tâm hồn, và tình yêu của thần thánh mới viết được những câu thơ mang hơi thở thần thánh thế này: “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/ Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ Chọn vùng tâm bão để sinh con/ Cái dải đất sông hóa rồng chín khúc/ Hai đầu xòe những mũi đất - mũi lao/ Núi mang dáng ngựa phi voi phục/ Bảo ngủ rừng sâu đợi giặc vào/ Cái dải đất giống như nàng Tiên múa/ Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong/ Lịch sử thành văn trên mình ngựa/ Con trẻ mà mang áo giáp đồng/ Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu/ Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra/ Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo/ Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?…”. Đó là đất nước của thần thánh. Những con người của đất nước mang hình tia chớp ấy là những con người thần thánh. Và tất yếu nó mang sức mạnh thần thánh. Những con người thần thánh ấy đã làm nên lịch sử thần thánh: “Lịch sử căm giận nghìn năm, căm giận trăm năm/ Đất nước mang hình con rồng, con phượng, con lân/ Con rồng đã quẫy/ Con rồng đã bay/ Con ngựa sắt thét ra lửa/ Trẻ con lập tức ăn ba vạc cơm/ Ngựa sắt hí lên đòi ăn cỏ/ Con rùa tìm thanh kiếm dưới hồ sâu/ Rừng lau thành rừng đuốc/ Cho trẻ con tập trận trên mình trâu/ Tất cả ao hồ hóa thành trống trận…”.
Khi thể hiện về hào khí non sông đất nước, Thanh Thảo cũng bắt đầu bằng hình ảnh “Mẹ”. Nhưng trước khi nói về mẹ, ba chương, 31 khúc trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo gần như cùng một chất giọng, cùng một nhịp phách, cùng một cách diễn đạt tâm tình, giản dị, mộc mạc, chân chất kể tả với một tiết tấu chậm, đều đều. Ít khi ta được nghe những hợp âm, những cao độ, trường độ có tần suất lớn, đột biến. Thơ ít thăng hoa bay bổng. Chỉ khi chạm đến hình ảnh người “Mẹ” non sông đất nước, nhịp thơ, hồn thơ mới vỗ cánh bay lên, mới bắt đầu có cao trào: “Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết/ Thời khai mở những mạch ngầm khát vọng/ Những dòng sông tuôn chảy hết mình/ Người ăn ở thủy chung trên đất nước/ Đi dưới trời xanh mãi mãi lạ lùng…”.
Có một điều gần như trùng hợp là, ở tất cả mọi trường ca của mọi tác giả, cứ khi nào nói đến nhân dân, nói đến đất nước, nói đến Tổ quốc, nói đến các anh hùng dân tộc là khi ấy thăng hoa, khi ấy hồn thơ, ý thơ, mạch thơ như có cánh bay lên, như có lửa rực cháy, như có mặt trời tỏa sáng, như có sóng tuôn trào, như có địa chấn.
Với trường ca “Đường tới thành phố”, khi nói về đất nước, nhà thơ Hữu Thỉnh thoát hẳn giọng điệu u trầm. Mạch thơ, ý thơ, ngôn ngữ thơ mạnh mẽ, ào ạt, như giông lốc: “Đất nước đổ ra đường/ Tiềm lực lớn những binh đoàn chiến lược/ Binh đoàn hướng Đông, binh đoàn hướng Nam, hướng Bắc/ Lướt qua đồn dân vệ, bảo an/ Lướt qua các chi khu, căn cứ/ Biển đang lắc những hồi chuông đoàn tụ/ Phù sa nào rượi mát súng và xe...”.
“Trường ca Sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu (1980) và Trường ca “Những người lính của làng” của Nguyễn Quang Thiều (1996) tuy được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau nhưng có một điểm chung, đó là cùng nói về những người lính, cùng nói về những anh bộ đội Cụ Hồ. Hai tác giả cùng tái hiện lại hào khí anh hùng của quân đội ta chống lại kẻ thù bảo vệ độc lập Tổ quốc. Có lẽ vì thế nên hai trường ca, hai dòng chảy tư duy, hai miền xúc cảm, hai bút pháp sáng tác khác nhau nhưng đều tiệm cận vào âm hưởng sử thi. Bằng niềm tự hào của mình, qua “Những người lính của làng” Nguyễn Đức Mậu khẳng định: “Đây cuộc hành quân hùng vĩ nhất/ Đi từ phương Bắc tới phương Nam/ Bánh xe lăn suốt hai vùng đất/ Một dải Trường Sơn gió thổi tràn/ Bánh xe lăn suốt vòng đêm rộng/ Sức người chuyển núi vượt thời gian/ Đội ngũ dập dồn vào trận lớn/ Sài Gòn xanh áo lá Trường Sơn…”. Một cuộc hành quân của cả một dân tộc đi đến Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một cuộc hành quân gian khổ, khốc liệt đi qua bom đạn giặc, đi qua thép gai: “Dây thép gai chia xóm, chia làng/ Mọc trên đồi cao/ Mọc trên triền cát/ Mọc đất phương Nam/ Đau lòng đất Bắc”. Dân tộc ấy vẫn không hề nao núng: “Lớp cha anh góp mặt ở Sư đoàn/ Những người lính tuổi quân nhiều nhất/ Từng đứng gác mưa rừng Việt Bắc/ Từng xa nhà nhớ mẹ, thương em/ Từng bịt lỗ châu mai, chèn bánh pháo/ Người hy sinh thắp lửa soi đường…”. Đó là âm hưởng bi tráng, hùng tráng, kiên trung, bất khuất, âm hưởng của một cuộc hành quân vĩ đại.
Không ai sáng tạo ra âm hưởng sử thi. Không ai là tác giả của âm hưởng sử thi. Nói cách khác, âm hưởng sử thi không có tác giả. Không ai độc quyền về nó. Không ai truyền bá được nó. Nó không có nguyên mẫu, không khuôn đúc. Âm hưởng sử thi không được định dạng. Một tác phẩm dù được gọi là mang âm hưởng sử thi thì không phải chương nào dòng nào cũng mang âm hưởng sử thi. Nó chỉ được âm vang trong từng phần, từng đoạn. Phần nào, đoạn nào tác giả thăng hoa nhất, nhập hồn được cao nhất, sâu nhất, nhuần nhuyễn nhất với thời đại, thời cuộc, lịch sử, văn hóa, đất nước, dân tộc với niềm tự hào, sự hưng phấn, phấn khích cao nhất đẩy được hồn thơ lên cao trào thì chỗ ấy âm hưởng sử thi thường xuất hiện. Hầu hết các trường ca lớn đều mang âm hưởng sử thi. Điều kỳ lạ có trường hợp gần như trùng nhau. Đó là trường hợp trong các trường ca của nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những phần nói về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, của Trần Mạnh Hảo và của Thanh Thảo đều bắt đầu từ mẹ, lên cao trào từ mẹ, thăng hoa bởi mẹ, hội tụ ở mẹ. Hình như âm hưởng sử thi có chung một người mẹ. Người “Mẹ” đó chính là Tổ quốc, quê hương, dân tộc, lịch sử, văn hóa, truyền thống, thời đại, thời cuộc, những sự kiện trọng đại, những anh hùng dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Ai cũng được bú bầu vú người mẹ vĩ đại, người mẹ muôn thuở ấy nhưng không phải cứ viết về Tổ quốc, dân tộc, thời đại, thời cuộc, viết về các anh hùng dân tộc là tác phẩm có được âm hưởng sử thi.
Cũng cách vận hành mạch thơ mạnh mẽ đầy căng chất lính, cũng cách khai mở xúc cảm khi tái hiện về cuộc chiến khốc liệt như thế, những câu thơ của Nguyễn Quang Thiều hừng hực than, hừng hực lửa, nhanh mạnh như mũi tên từ dây cung bật ra, như cánh chim bất chợt vụt ra: “Đồng đội tôi bỗng vụt lên mặt đất/ Chúng tôi đứng bên nhau theo dáng cây rừng/ Chúng tôi bỏ mũ ra/ Chúng tôi giật băng trên đầu ra/ Tóc chúng tôi một màu vàng đất cháy…” (Những người lính của làng). Hình ảnh thơ, tiết tấu thơ, cấu trúc câu thơ, nhịp thơ khỏe khoắn, nhanh, gọn, dứt khoát, lạc quan, đầy chất lãng mạn: “Gió, gió ơi!/ Từ bốn phương trời/ Hãy thổi đến quả đồi khô khét cháy/ Hãy thổi mạnh cuộn lên như lốc xoáy/ Cho tóc chúng tôi bay như thể lá rừng…” (Những người lính của làng). Nhưng những đoạn có sức lôi cuốn như thế chưa nhiều.
Nguyễn Linh Khiếu rất thăng hoa khi viết trường ca “Phồn sinh”, trường ca dài hàng nghìn câu. Ông cũng nói nhiều đến đàn ông, nói nhiều đến đàn bà, nói nhiều đến cái đẹp, đến sinh nở. Hình ảnh mẹ, em, nàng… được tác giả điệp từ, điệp ngữ trùng điệp, liên hoàn… nhưng hình như giữa hồn tác giả và ngôn ngữ, giữa trường ca và hiện thực, giữa ngôn ngữ ngồn ngộn đa tầng đa lớp với lịch sử, với văn hóa chưa cộng hưởng được với nhau, chưa va đập vào nhau, chưa nhuần nhuyễn trong nhau nên cái hào khí chưa bật lên, cái vang vọng chưa bật lên. Ông sáng tạo cho mình một thi pháp, tôi tạm gọi là “lặp nhân”, “lặp mở”. Có nghĩa là, cứ mỗi chữ, mỗi ngữ đầu câu được lặp đi lặp lại đến mươi lần, vài chục lần, có khi cả trang, từ đó mở ra, nhân những câu thơ ra. Bằng cách nhân bản thơ thế này, nhân bản tư duy thế này, tác giả có được rất nhiều trang viết nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều tri thức, tiết kiệm được rất nhiều năng lượng chữ. Chẳng hạn, chỉ cần bắt đầu bằng: “ta biết”, “đó là”, “suốt đời”, “người đàn bà”, “trong những”… thế là hàng dãy câu thơ trong cái khuôn ấy được sinh ra. Ví dụ: “Lời ru xua tan mọi sương mù/ Lời ru xua tan mọi nghèo đói/ Lời ru xua đuổi mọi quân thù/ Lời ru xua đuổi mọi cường quyền/ Lời ru xua tan mọi bạo ngược/ Lời ru xua đuổi mọi tội ác/ Lời ru xua đuổi mọi hận thù/ Lời ru đó là một tiếng gọi” (Phồn sinh - Nguyễn Linh Khiếu).
Trường ca “Gọi nhau qua vách núi” của Thy Hoàng là ký ức của người lính về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nó có đầy đủ các yếu tố: Thời đại, thời cuộc, lịch sử, khát vọng giải phóng, hàng triệu người ra trận… nhưng rất khó tìm được một đoạn trong trường ca thể hiện được sự hào sảng, hào hùng, thăng hoa. Từ đầu đến kết thúc trường ca “Gọi nhau qua vách núi” là một chất thơ tâm tình, tự sự, đều đều. Ngay cả những đoạn nói về lịch sử, nói về khốc liệt ông cũng không đẩy cảm xúc đến cao trào. Thơ nặng về diễn đạt; “Năm 1954 - Vĩ tuyến 17/ Mỗi chúng tôi đều bị cưa ngang/ Chiếc thắt lưng vẫn thắt bình thường đột nhiên cứ làm mình ghê rợn/ Đến một sáng mai ra/ Nửa dưới hoặc trên thân xác sẽ không còn!/ Tiếng tiểu liên cười khành khạch trong đêm/ Những đồng chí, đồng bào bị giết/ Cái chết không phải động từ cũng chẳng phải tính từ/ Không, không, không! Không thể gì nói được…”. Cái chất này, cái tạng này chi phối toàn bộ trường ca “Gọi nhau qua vách núi”.
Trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương cũng chuyển động theo vết xe ấy. Mười chín chương trong trường ca cùng một phễu rót, cùng một gam màu. Trường ca như một dòng sông dài mà từ đầu nguồn đến cuối nguồn ta không gặp một con thác, một ghềnh đá xoáy xiết. Mười chín chương là mười chín khúc thủ thỉ: “Thủ thỉ với con diều tre trận mưa đá đêm qua làm sã cánh/ Thủ thỉ với bóng cò trong ca dao mới dạt vào tránh bão/ Thủ thỉ với chiếc sào phơi bện rễ cây rừng/ Thủ thỉ với cây mít còm nhựa ứa rưng rưng/ Đâu biết có bà vẫn lần theo canh chừng gai góc/ Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa...”.
Âm hưởng sử thi là một khái niệm lỏng. Nó co giãn theo mạch xúc cảm. Cao độ, trường độ của xúc cảm khác nhau tạo ra các cung bậc khác nhau của âm hưởng sử thi. Cùng với các mệnh ngữ “Chủ nghĩa yêu nước”, “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “Nhân vật điển hình”, “Tính nhân văn, nhân ái, nhân hậu trong văn học”… Âm hưởng sử thi là một khái niệm nằm trong phạm trù cơ bản của mỹ học Mác - Lê nin. Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, trong dòng chảy của văn thơ cách mạng Việt Nam, nhiều trường ca đã ra đời. Mảng trường ca hiện đại này mở ra nhiều mạch vỉa mới về văn học, về thi pháp, về nghiên cứu phê bình lý luận. Nhiều cái đẹp được nó tạo ra. Nhiều giá trị về nội dung, nghệ thuật, học thuật được nó tạo ra một cách riêng biệt, độc đáo. Âm hưởng sử thi là một trong những cái đẹp mỹ học độc đáo ấy.
4-11-2023
NGUYỄN MINH KHIÊM