Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Lão ngư viết văn
Lão ngư viết văn

Năm 1986, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài bút ký “Đảng viên làng tôi” của tác giả Nguyễn Văn Đệ. Bài bút ký nêu lên cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một bên là anh Thuấn, người đảng viên, người cán bộ xã liêm khiết, trung thực, thương dân và một bên là những cán bộ ban chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Thắng, đứng đầu là chủ nhiệm hợp tác xã. 
Quyết Thắng là một hợp tác xã lớn của xã Ngư Lộc, một xã vùng biển, người dân đa phần sống bằng nghề biển. Nhưng ban chủ nhiệm này đã hùa nhau tham ô, bớt xén tiền bạc công sức của dân. Người dân kêu la, oán hận nhiều; các đoàn về thanh tra, kiểm tra nhiều lần mà vẫn không phát hiện được gì. Tệ nạn ăn chặn, hống hách với dân vì thế ngày càng nặng nề. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thuấn được bà con và Đảng ủy cử ra làm Trưởng ban kiểm tra Quyết Thắng. Ban đầu, anh Thuấn cùng đoàn kiểm tra cũng thấy bất lực với sổ sách rất sạch sẽ, rành mạch, hợp lý, hợp pháp, không tìm được manh mối tham ô. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đem các giấy chứng nhận, biên lai nhận tiền đến hỏi từng người dân lao động, họ mới tá hỏa ra là biên lai nhận tiền thì nhiều mà sự thực họ nhận được số tiền rất ít. Rồi bà con phát hiện rất nhiều thủ đoạn gian dối tham ô của chủ nhiệm. Lập tức trưởng đoàn kiểm tra Thuấn bị trả thù quyết liệt. Nhưng có những người đảng viên ra tay ủng hộ, có nhân dân tin tưởng giúp sức; những người tham ô, lũng đoạn hợp tác xã đã bị lột trần. Những người đảng viên của hợp tác xã một thời gian bị “ngủ yên” nay bật dậy đi tiên phong cùng với bà con, người lao động xây dựng hợp tác xã trở thành điểm sáng.
Tiếp đó một thời gian Đài Tiếng nói Việt Nam lại đọc bài bút ký “Bài ca giữa vụ cá”, phát thanh viên còn nhấn mạnh đây là bài bút ký được giải cao trong cuộc thi viết bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài bút ký mô tả những lần ra khơi đánh cá của trưởng tàu Lê Văn Nhu, người rất giỏi về kỹ thuật đánh bắt của hợp tác xã nghề cá Đông Hải. Bài bút ký với giọng đọc hấp dẫn cứ găm vào đầu tôi một trận vây bắt đánh cá gúng. Cá gúng là loài cá quý, đắt tiền, “một con cá gúng bằng một thúng cá đối” kia mà. Hãy đọc một đoạn nguyên văn sau đây: 
“... Tiếng lệnh của người chỉ huy đánh bắt phát ra nhanh gọn và sắc như một lưỡi dao. Chúng tôi chỉ chờ có thế. Tất cả đều chồm người dậy; thằng Tích thả người xuống nước một cách mau lẹ; và cũng mau lẹ nhưng nhẹ nhàng, tôi ném cái phao số một cho thằng Tích, nó đón lấy rất gọn rồi ôm phao bơi ra xa.
Chúng tôi bổ lưới trong một trạng thái hồi hộp và phấn chấn. Do đã được chuẩn bị chu đáo, những tấm lưới do tôi tung xuống nước rất nhanh; đường phao nổi lềnh bềnh như một cái gờ mỗi lúc một kéo dài ra hình vòng cung, đường chì thì cứ lặn hút xuống đáy đại dương và bám chặt vào bùn làm cho vàng lưới trở thành một bức tường sừng sững trong lòng biển xanh biếc. Tia cá đang đi đột nhiên đụng phải bức tường lưới liền quay trở lại. Nhưng làm sao chúng có thể thoát được, hai đầu lưới đã khép chặt lại rồi... và hành động đúng đó đã làm cho vàng lưới của chúng tôi chật ních cá. Sau một hồi bơi nhảy quyết liệt, những con cá gúng hung hăng đã tỏ ra bất lực và đã bị khuất phục trước tấm lưới vững như thành; từng lớp cá đè lên nhau giương vi, giương gai lên và chúc mõm vào nhau, miệng sùi bọt trắng. Cá nằm trong vàng lưới quá nhiều, nhiều đến nỗi ông Nhu hoảng lên, sợ dồn chặt quá sẽ vỡ mất lưới...”. Bài bút ký mô tả trận đánh bắt cá như trận đánh của bộ đội ta ở chiến trường. Từng cung bậc hồi hộp và chỉ huy khéo léo, tài tình, sự đồng lòng, ăn ý của những thuyền viên như sự phối hợp nhịp nhàng của các pháo thủ trên một mâm pháo và cái kết thật hỷ xả, mãn nguyện.
Thật ra tôi chỉ được nghe những bài văn của Nguyễn Văn Đệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam chứ chưa biết mặt, biết người. Mãi đến khi Tòa soạn báo Thanh Hóa họp cộng tác viên (khi ấy tôi là thư ký tòa soạn), cố tình mời kỳ được Nguyễn Văn Đệ để anh cộng tác viết bài cho báo, tôi mới nhìn thấy anh.
Người như vậy mà cũng viết được những trang văn hay. Đó là ý nghĩ đầu tiên của tôi khi lần đầu gặp anh. Anh bắt tay tôi và nhe hai hàm răng cười rất tươi. Đó là hai hàm răng tổ mã, đã thưa lại còn vàng đen xin xỉn ấy, na ná như răng Thị Nở, tóc dựng đứng hình như không bao giờ chải. Hai hố mắt him him còn đọng hai cục ken màu xanh nhạt. Khi anh nắm tay tôi, tôi có cảm tưởng như bàn tay của hộ pháp, chắc và thô; bàn tay của người kéo chài lưới chứ không phải bàn tay của người cầm bút. Thật quả là lão ngư dân viết văn.
Tôi hỏi “Anh Đệ từng ra khơi đánh cá?”. Đệ cười rất hồn nhiên và nói “Tôi sinh ra ở làng Diêm Phố tức là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Làng tôi sát bờ biển, dân sống bằng nghề biển. Từ nhỏ tôi đã theo cha ra biển đánh cá. Tôi biết mùa nào là mùa cá trích; mùa nào cá nục, cá đối, cá gúng; mùa nào đánh moi. Nhìn nước biển, nhìn trời tôi biết thời tiết nắng mưa, bão tố. 
Tôi đi đánh giặc ở Quảng Trị, Khe Sanh, Đường Chín. Hết giặc tôi về làm ngư dân sống chết với biển”. 
“Khi nào thì đi biển, khi nào thì viết văn?”, tôi hỏi. “Khi ấy tôi không nghĩ là mình viết văn cũng không nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Tình thế hợp tác xã của chúng tôi lúc ấy bê bối quá, cán bộ thì tham lam, dân thì đói khổ; thấy sao tôi viết vậy. Viết rồi gửi cho đài Tiếng nói Việt Nam, cho các báo họ đăng và khen hay, họ trao giải thưởng. Rồi nhiều người có chức có quyền ở Hà Nội, ở tỉnh gợi ý cho tôi đi học trường viết văn Nguyễn Du”. Đệ cứ ruột tượng như thế.
Đệ trải lòng: “Việc tôi đi học trường viết văn Nguyễn Du cũng gặp nhiều cái khó. Cái khó thứ nhất là trường tuyển sinh những người trong biên chế nhà nước; còn tôi chỉ là anh bộ đội phục viên, xã viên hợp tác xã đánh cá”, rồi Đệ cười hề hề “Nhưng tôi luôn được bề trên phù hộ, các anh lãnh đạo tỉnh nhét tôi vào danh sách cán bộ của Nhà xuất bản và từ Nhà xuất bản giới thiệu tôi ra trường, thế là hợp lý, hợp pháp. Nhưng cái khó thứ hai lại ập đến, đi học nhưng không có tiền. Tôi bàn với vợ bán căn nhà vợ chồng tôi đang ở. Thế là bán. Vợ con tôi về nhà mẹ đẻ, tôi cắp tiền ra trường học viết văn...”. Nói rồi Đệ cười khoái trá như mình vừa đạt được một chiến công. Rồi Đệ lại hề hề: “Học xong, có bao nhiêu cơ quan báo chí, Đài Tiếng nói Việt Nam  nhận tôi về làm phóng viên, biên tập viên nhưng tôi như con cá không thể rời nước, rời nước là chết. Tôi xin về Hội Văn nghệ tỉnh Thanh Hóa sống và viết cho quê hương, cho biển cả Ngư Lộc”.
Đưa vợ con lên sống trong 20 mét vuông nhà cấp bốn của Hội Văn nghệ tỉnh, Nguyễn Văn Đệ vung bút khai thác các tầng “quặng” gần như “độc quyền” về làng biển xứ Thanh và miền Bắc này chưa có cây bút nào theo kịp Nguyễn Văn Đệ. Cứ như Đệ sinh ra ở làng biển thì phải quăng quật với biển; phải ăn sóng nói gió cùng biển, phải trả nợ cho biển bằng máu xương và trí tuệ của mình. Đệ là một cây bút của biển, là một ngư dân đen trùi trũi như một lực điền nhưng không phải để đi cày và đánh cá. Anh cày trên những trang giấy trắng, “cày” để cho ra những trang viết bội thu về biển. Đệ cày thật lực để cho ra các sản phẩm: Bài ca giữa vụ cá (1986), Đảng viên làng tôi (1988), Một chuyến đi biển (1996), Tiền chùa (1992), Điều thằng Lương không nói thật - Giải chính thức cuộc thi viết cho tuổi học trò (2001), Mặt biển xanh - Giải A - Giải thưởng VHNT hàng năm tỉnh Thanh Hóa (2005), Khúc sông chảy xiết - Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh (2013), Tiểu thuyết “Hồn biển” (2019), Tiểu thuyết “Nỗi niềm” - Giải A - Giải thưởng VHNT hàng năm tỉnh Thanh Hóa và một số tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi của các hội chuyên ngành Trung ương. Đó là tên những tác phẩm, cũng là tên những “mùa cá” lớn mà nhà văn Nguyễn Văn Đệ gặt hái, phơi phóng trong những năm cầm bút. 
Vào những năm 1991, tôi đọc tập truyện ký “Vàng dưới biển xanh” của Nguyễn Văn Đệ mà đến nay hơn ba mươi năm, những nhân vật trong tác phẩm vẫn còn như đang nhảy múa trong đầu tôi. Anh xây dựng lâu đài văn học trong các tập truyện ký không phải bằng những vật liệu xi măng, cát mà bằng hình tượng phong phú, đa dạng của người ở biển, nắng và gió biển. Biển có hồn thật, biển lành cho ta tôm cá để sống. Biển ác, biển giận dữ bắt con người, hàng trăm người chết nằm lặng sâu dưới đáy không toàn thây bằng những trận bão biển kinh hoàng.
Người ta bảo tôi viết một bài báo về Nguyễn Văn Đệ và cái văn của anh. Tôi đọc suốt một tuần lễ mấy cuốn tiểu thuyết của Đệ. Người tôi gầy rộc đi, mệt mỏi định vứt cuốn sách rồi thôi. Nhưng sau một giấc ngủ say, những nhân vật của Đệ cứ ngọ nguậy trong đầu tôi. Tôi lại mê mải đọc những trang ruột gan của Đệ. Cái được thì nhiều, cái dở, cái lục cục lục cạc cũng không ít nhưng nó là khúc ruột của người viết kia mà. Tôi đọc đến cuốn “Tâm cơn bão biển” thì không thể dừng lại, nó cứ dẫn dắt tôi vượt qua hết “cơn bão” này đến “cơn bão” khác. Mới biết người dân sống bằng nghề biển đã chết vì nghề biển, vì phong ba bão táp nhiều quá. Có lần đến hơn bốn mươi sinh mạng chìm dưới đáy biển không về và hầu như không có năm nào không có người nằm lại dưới đáy biển. Thế mà, vì cuộc sống mưu sinh, vì nghiệp đời đã định, lớp này ngã xuống rồi lớp khác lại vẫn ra khơi. 
Nguyễn Văn Đệ mô tả cơn bão số 7 có đến bốn mươi người chết. Một vàng lưới về bến không phải là cá mà là những xác chết đã tan rữa không thể nhận ra ai nữa. Người ta cứ để ở bờ biển để người thân ra nhận xác. Cái xác của Thư được người bạn là Lâm nhận ra vì chính Lâm đã ném cái chai bia hôm đi nhậu say với Thư làm gãy mất một chiếc răng. Cái hàm răng khuyết một chiếc ở hàm dưới này chính là Thư rồi. Người ta nhận ra cái xác của thằng Dật vì một bàn tay của Dật có bốn ngón; xác của Dật bốn ngón đã tả tơi, nhưng cái bàn tay ấy vẫn còn nên mẹ nó vẫn nhận ra. 
Mấy chục trang cuối của cuốn tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển” là một câu chuyện bi hài. Một lão ngư to cao, bặm trợn tên là Nghệ và một xóm “đợi” của nhiều chục người đàn bà. Những người đàn bà không lấy được chồng và những người đàn bà có số phận không may tụ lại trong những căn lều rách nát. Nghệ đã đem lòng thương từng người, từng người một; Nghệ đã cho những thân phận ấy được quyền làm mẹ và Nghệ chịu trách nhiệm với những thân phận ấy. Anh bán nhà, sắm tàu đánh cá cốt để có thu nhập cao mà chu cấp cho lũ trẻ và những người anh đã yêu thương. Khí phách và can trường làm người của anh khác hẳn những cán bộ có chức trọng quyền cao, thích gái đẹp nhưng khi những cô gái ấy có chửa, có sự cố thì những kẻ hèn ấy lại chối bỏ trách nhiệm, chối bỏ tư cách làm cha để chọn cái ghế. 
Nghệ là nạn nhân trong cơn bão khủng khiếp ấy. Xác anh tàn tạ không ai nhận ra, chỉ có một người con gái xóm Đợi nhận ra anh. Cô ra bờ biển lật từng cái xác, đến một cái xác đã trương phình, mặt mũi biến dạng, cô vạch cái quần đùi của Nghệ. Đây rồi, đây chính là Nghệ của em, tối hôm trước khi ra biển anh đã ân ái với em, xong cuộc em đã thắt lại cái rút quần bằng dây đay cho anh; cái nút thắt “cổ cày” của em còn nguyên đây rồi. “Anh Nghệ của em đây rồi! ới anh Nghệ ơi sao anh bỏ lại chúng em mà đi anh Nghệ ơi!”. Mọi người khóc nấc lên nghẹn ngào, biển chiều gào lên ầm ả. Đây là cái kết của cuốn tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”. 
Những tác phẩm của Nguyễn Văn Đệ chỉ xoay quanh làng biển và nghề biển. Lão ngư dân thô ráp ấy được sinh ra ở biển và sống chết với biển bằng cây bút của mình; một mình ông một chiếu, một mình ông một mâm, cái mâm cỗ biển vô cùng phong phú, ngồn ngộn vật liệu để ông tha hồ xây những lâu đài văn chương văn học. Những nhân vật của ông cũng chỉ rặt là người dân biển thô ráp, khổ ải, sóng gió, chịu thương chịu khó. Những người đàn bà trong tiểu thuyết của ông cũng không ai xinh đẹp, không ai giàu có nhưng giàu lòng thương người, ai cũng sống có nhân có nghĩa. Cái nhân nghĩa ấy từ trong lòng ông, từ ngòi bút của ông mà thành. Con người thô ráp, luộm thuộm của ông là cái vẻ bề ngoài cha mẹ ông cho. Thực tế Nguyễn Văn Đệ là nhà văn đa tài, đa cảm, đa tình. Cái tài của ông gửi vào các nhân vật trong tác phẩm đã lôi cuốn, thôi miên người đọc. Ông thật hạnh phúc khi có một người vợ hiền luôn bên cạnh, lo cho ông từng li từng tí để ông rảnh tay mà viết, mà đọc, mà đi. Sự thành công của ông có mấy chục phần là công lao của người vợ tảo tần.
Viết xong cuốn tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển” thì ông lăn ra ốm. Ông bị đột quỵ méo mồm trợn mắt, không có người vợ đảm đang ở bên cạnh thì ông đã đi rồi.
Hôm đến thăm ông, nhìn thấy vợ ông đang dìu ông từng bước. Ông cười bắt tay tôi và nói “Thoát chết rồi, đi lại được rồi nhưng miệng vẫn còn méo, nói vẫn còn ngọng líu ngọng lô”. 
- Còn viết nữa không? 
- Còn nợ biển nhiều lắm. Trong túi còn nhiều gạch đá, xi măng, cốt thép... nhưng để xây một lâu đài văn học lúc này thì không thể nói trước được.
- Khỏi bệnh là may rồi. Ông đã sống cả đời hết mình với quê biển mặn chát của ông rồi, bây giờ nghỉ ngơi chút đi. Mong ông được thanh thản bên vợ con, cháu, chắt vui vẻ chém gió, đàm đạo và yêu. 
                              

 Tháng 7-2023
                                      TRẦN ĐÀM
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 320
 Hôm nay: 3699
 Tổng số truy cập: 9245866
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa