Tôi biết nhà thơ Lê Quang Sinh hơn 20 năm bắt đầu từ bài thơ “Xin làng trồng lại cây đa” được giải Nhì, Cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 2000. Nhưng phải 7 năm sau thì mới diện kiến khi ông từ Sài Gòn ra Hà Nội làm Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam. Tính Sinh vui vẻ, xởi lởi và cười tươi, cười duyên, dễ gần dễ mến. Sinh cùng năm, chỉ chênh vài tháng nên có lúc chúng tôi xưng hô bỗ bã mày và tao, còn lúc thân mật nhất thì ai cũng muốn làm anh, còn người kia là em, xưng anh và gọi chú mày.
Một ngày đầu năm dương lịch, nhà thơ Lê Quang Sinh điện thoại cho tôi bảo: “Anh đang ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) thành phố New York nè, chỗ tòa tháp đôi bị khủng bố năm 2001 ấy. Chú mày thèm không?”. Tôi ngỡ ngàng thốt lên: “Ối! Chà… chà. Chúc mừng chú mày. Anh thèm quá đi mất”. “Anh đứng bên Đài tưởng niệm Quốc gia 11.9 vừa làm xong bài thơ tại đây, đọc cho chú mày nghe nhé?”. Không chờ tôi đồng ý hay không, Sinh đọc luôn bài thơ dài: “Lần thứ ba trong ngày tôi tới đây/ Nơi hơn hai mươi hai năm về trước/ Tòa tháp đôi đổ sụp/ Đất và trời New York khác gì nhau/ Lửa cháy vào lửa để không đâu/ Người cháy thành than hận thù khét lẹt/ Có tiếng chim lạc nhau thao thiết/ Bao nhiêu năm vẫn không cuối không đầu…”. Chờ cho bài thơ dài dằng dặc kết thúc, tôi hỏi ngay: “Tiếng Anh một chữ cắn đôi, chú mày không biết. Ai dẫn chú sang tận xứ sở của Nữ thần Tự do?”. Sinh cười lớn bảo: “Dĩ nhiên là anh đi một mình. Anh bây giờ khác trước rồi nhé. Chú thích đi Mỹ chơi, anh sẽ dẫn đi. Muốn sang Canada chỗ bác Nguyễn Tiến Lộc, chú Nguyễn Đức Tùng, anh cũng dẫn chú đi luôn”. Oách thật! Chả bù cho chuyến đi châu Âu hơn mười năm trước, cứ lơ nga lơ ngơ như bò đội nón.
Bẵng đi hơn một tuần, nhà thơ Lê Quang Sinh lại điện thoại cho tôi khoe: “Anh đang đứng bên bờ sông Potomac phía Washington, D.C. Chú mày thèm không?” “Ôi! Thèm!”. Potomac là dòng sông mà Tố Hữu viết trong bài thơ “Emily, con” sau sự kiện anh Norman Morrison tự thiêu chống chiến tranh Việt Nam năm 1965. Sinh bảo: “Anh mới làm xong bài thơ. Anh đọc cho chú mày nghe nhé?” và cũng chẳng chờ tôi hưởng ứng hay không, Sinh cất lời du dương: “Năm mươi tám năm sau/ Ngày anh tự biến mình thành lửa/ Tôi mới đưa vợ con đến được nơi này/ Mưa và gió lạnh!/ Còn điều gì cồn sóng giữa trưa nay/ Dòng thời gian cuồn cuộn chảy trên cây/ Đồi Capitol cỏ có khác gì hơn ngày trước/ Morrison, Morison.../ Tôi gọi tên anh mà dốc trời lộn ngược!/ Nước Mỹ chẳng có anh nước Mỹ vẫn giàu/ Nước Mỹ thiếu anh nước Mỹ thừa chết chóc!/ Hỡi dòng sông Potomac/ Sao Morrison lại chọn lửa nơi này?...”. Sinh đọc xong, tôi hỏi ngay: “Ai dẫn chú đến Washington, D.C để mà ra bờ sông Potomac tức cảnh làm thơ?”. Sinh lại cười lớn: “Anh không đi một mình, mà dẫn vợ anh theo. Chú mày thích sang trời Tây thì anh sẽ làm quan hướng đạo”. Ôi trời! Lê Quang Sinh đi khắp nước Mỹ, sang tận Mehico và Canada… Sinh không còn là Sinh của hơn mười năm trước đi châu Âu “Lơ ngơ như nhà thơ xuất ngoại” nữa.
*
Hơn 10 năm trước, chúng tôi đi châu Âu gọi là đi thực tế sáng tác cho oai, chứ thực ra là đi du lịch. Chúng tôi hội quân ở Ba Lan. Nhà văn Hoàng Minh Tường đi trước theo ngả nước Nga, chơi ở đó một tuần rồi đi tàu hỏa từ Moskva sang Warszawa. Còn tôi và nhà thơ Lê Quang Sinh thì bay từ Nội Bài sang sau. Đi Lào, đi Campuchia và thập thò mấy chục cây số qua biên giới Trung Quốc thì có, nhưng sang châu Âu là lần đầu tiên. Tôi lo lắng bảo Lê Quang Sinh: “Anh ba lần học tiếng Anh A, hai lần học tiếng Anh B, nhưng bây giờ chỉ lõm bõm vài câu chào hỏi có khi lạc ở sân bay mà không biết hỏi đường”. Sinh cười hề hề bảo: “Cùng lắm thì như ông Bảo Ninh trước khi đi Nhật, nhờ người viết cho một câu tiếng Anh: “Giúp tôi chỉ đường đến cửa máy bay về Việt Nam”, thì có người giúp ngay. Chú mày đừng lo”. Tôi hỏi lại: “Có chuyện ông Bảo Ninh thế thật hay là đùa?”. “Ơ. Chú mày không biết à?”. Hỏi xong, Sinh kể một thôi một hồi:
Ông Bảo Ninh sang Nhật lĩnh giải thưởng Nikkei Asia Prizes, lúc máy bay xuống Tokyo thì có người đón. Lúc về, bạn đưa đến sân bay check in xong, dẫn đến cửa an ninh rồi bạn quay về. Vậy mà ở nhà chờ bay, ổng cứ loay hoay không biết tìm đâu ra cửa lên máy bay về Việt Nam. Toát hết cả mồ hôi, bỗng nhà văn của “Nỗi buồn chiến tranh” nổi tiếng chợt nhớ tới tờ giấy viết câu tiếng Anh nhờ chỉ đường trong túi comple, mới móc ra nhờ vả một người Nhật ngồi bên cạnh. Ông người Nhật đọc xong, xem vé, biết sắp đến giờ máy bay cất cánh, bèn túm tay ông Bảo Ninh và vali kéo đi. Đi như chạy. Chạy vã mồ hôi. Vừa kịp, ông Bảo Ninh là người cuối cùng lên máy bay...
Chả biết Lê Quang Sinh nghe nhà văn Bảo Ninh kể hay nghe lại, nhưng ông cứ chủ quan cho rằng đến như Bảo Ninh không biết một tiếng ngoại ngữ mà vẫn đi được nước ngoài thì không có lý gì ông biết tiếng Lào, tiếng Khmer mà lại không đi được.
Để chắc ăn không bị lạc ở sân bay, nhà thơ Lê Quang Sinh viết thư cho con trai đang làm tiến sĩ ở Boston - bang Massachusetts - Mỹ soạn cho ông vài chục câu tiếng Anh phòng sẵn khi bất trắc và sử dụng ở sân bay, ở khách sạn, ở siêu thị, quán ăn. Đại khái là: “Làm ơn chỉ đường cho tôi đến cửa máy bay đi Paris?”; “Tôi bị lạc, làm ơn giúp tôi đến đại sứ quán Việt Nam ở Rome?”; “Làm ơn đưa cho tôi phiếu tính tiền ăn?”; “Cái này giá bao nhiêu?”…
Nhưng, toàn bộ tài liệu con trai chuẩn bị cho bố đi châu Âu, Lê Quang Sinh không dùng đến, vì ông quên béng. Xuống sân bay Frankfurt lúc 6h30 sáng, nhưng chúng tôi phải chờ đến 2h chiều mới lên máy bay đi Warsaw. Lúc làm thủ tục, chìa giấy tờ ra, họ nói không hiểu nổi. Cuối cùng, một nhân viên dắt chúng tôi đến cửa khác làm thủ tục. Chả hiểu sao. Về sau mới biết đi máy bay của hãng Lufthansa thì phải đến quầy Lufthansa check in. Xong, nhân viên hướng dẫn chúng tôi ra cửa an ninh lên máy bay. Họ nói gì cũng không hiểu, mặt cứ thộn ra. Cô nhân viên hãng lắc đầu cười mỉm, bấm điện thoại gọi đi đâu đó, rồi quay lại chỉ vào cái ghế, bảo chúng tôi: “Sit here please”, Sinh nghe xong vội vã kéo vali đi nhanh ra cửa. Cũng may, tôi còn nghe được mấy từ này, túm áo Sinh lại: “Nó bảo: làm ơn ngồi xuống đây. Sao mày cứ xồng xộc đi?”. “Thì ai mà biết được. Tao có giỏi tiếng Anh như mày đâu”. Sinh trêu cái thằng cũng dốt tiếng Anh là tôi, cười rất to chữa thẹn, rồi hỏi: “Nhưng, sắp đến giờ bay rồi, sao còn ngồi ở đây?”. “Nó bảo ngồi thì cứ ngồi. Chắc có ý gì đấy. Trông đồ, tao đi vệ sinh cái”. Sinh nghe lời ngồi nem nép xuống ghế cùng với hai cái vali to đùng. Nhân viên hãng Lufthansa vẫn làm việc tất bật rộn ràng với hành khách. Lúc tôi quay lại thì không thấy Sinh đâu, hai vali cũng biệt tích. Nháo nhác tìm quanh không thấy, hỏi nhân viên hãng bằng một câu tiếng Anh ú ớ: “Làm ơn cho tao hỏi thằng bạn cùng đi với tao đâu rồi?”. Cô nhân viên hãng Lufthansa xinh đẹp chắc cũng chẳng nghe rõ tôi nói tiếng Anh bồi lởm khởm, nhưng cũng lờ mờ hiểu, cô chỉ ra ngoài cửa. Tôi chạy ra, thấy Sinh đang ngồi chễm chệ trên cái xe 4 bánh không mui màu vàng cùng với hai chiếc vali. Tôi gọi Sinh và quát: “Sao mày đi mà không gọi tao?”. “Ai biết được. Nó bảo đi thì đi. Với lại tao nghĩ: Mày giỏi tiếng Anh thì đi sau tí, cũng gặp nhau ở máy bay”. Điên cả tiết! Lại đem trình dốt tiếng Anh của tôi ra giỡn. Tôi bảo: “Vâng! Cho nên tôi mới không bị người ta đem xe dành cho người tàn tật rước đến cửa an ninh”. Sinh chột dạ: “Xe người tàn tật thật à?”. “Thì mày xem”. Sinh ngó đi nhìn lại. Quả thật là xe dành cho người tàn tật, in kí hiệu hẳn hoi. Chúng tôi không phải người tàn tật sinh học, nhưng là tàn tật ngoại ngữ. Tự nhiên hai thằng phá lên cười. Cô nhân viên lái xe trẻ trung chả hiểu chúng tôi cười gì, vừa lái xe vừa quay lại hỏi: “What?”. Tôi bảo: “Disabled vehicle… disabled vehicle” (Xe tàn tật… xe tàn tật). Cô lái xe người Đức hiểu ra ngữ cảnh của chúng tôi, cũng phá lên cười. Ú ớ. Lơ ngơ lại được xe chở ra cửa an ninh lên máy bay, mà đường đi có vẻ dài nửa cây số khỏi phải đi bộ. Ngượng ngùng nhưng mà mừng, AQ thế là cùng.
*
Con gái Lê Quang Sinh đã 9 năm học đại học, học thạc sĩ, và đang đi làm ở Marseille - Pháp. Nó xin nghỉ việc lên Paris đón bố và bác về thành phố cảng phía Đông Nam nước Pháp, rồi đưa đi tham quan Công quốc Monaco.
Đồ đạc để lại khách sạn, chúng tôi vác người không đến Monaco trong ngày, rồi mua vé tàu hỏa trở lại thành phố Marseille. Tôi bảo nhà thơ Lê Quang Sinh và con gái ông: “Còn hai tiếng đồng hồ nữa, tàu mới chạy. Hay là mấy bố con chú cháu mua vé về Nice chơi, rồi đón tàu ở đó về Marseille?”. Con gái Sinh hùa theo: “Bác Minh nói phải đấy bố ạ. Từ đây về Nice chỉ 13 cây số”. Lê Quang Sinh cũng hớn hở thuận theo. Sở dĩ tôi muốn dừng lại ở Nice chơi là vì đọc báo biết nó là một thành phố có bãi biển đẹp thơ mộng dưới chân dãy núi Alps, bên bờ Địa Trung Hải thuộc vùng Đông Nam nước Pháp. Đang là mùa hè, khách du lịch đổ đến tham quan, biết đâu lại gặp được người quen nơi đất khách quê người thì cũng biết cái sự thú vị biết nhường nào. Vả lại, chúng tôi mua vé cả tuyến, không lên ga đầu tiên mà lên từ ga thứ hai thì cũng chẳng phiền hà gì.
Vậy là chúng tôi mua vé kịp đi chuyến tàu hỏa sắp chạy về Nice. Xuống Nice thì chỉ vài chục phút tính cả thời gian chờ đợi lên tàu. Đi bộ ngắm nhìn phố cổ được vài trăm mét thì Lê Quang Sinh kêu mỏi chân đúng lúc một chiếc xe bus dừng lại bến. Con gái Sinh bảo: “Bố và bác lên xe này đi”. Sinh vội vã định lên xe, thì con gái bảo: “Để con quẹt thẻ đã”. Con bé quẹt vào hộp thẻ vuông có màn hình cảm ứng trong xe bus ngay lối lên. Chen vai thích cánh. Người da trắng, người da đen, người da vàng, kẻ bám người đu đến nghẹt thở. Mùi mồ hôi lẫn nước hoa giữa chiều hè tháng 7 nóng nực rất khó thở. Đi được một trạm, tôi bảo hai bố con Sinh: “Xuống thôi. Không ngờ nước Pháp mà xe bus lại khốn khổ hơn Hà Nội”. Con gái Sinh bảo: “Dạo này, dân Bắc Phi tràn sang đầy đường Marseille và Nice, bác ạ. Chứ mấy lần trước cháu và các bạn đến đây chơi, cũng thưa vắng khách lắm”.
Lúc đứng bên quầy bán đồ giải khát ở vỉa hè mua mấy chai coca cola uống, Sinh móc túi trả tiền, bỗng kêu thất thanh: “Tao mất ví rồi”. Tôi và con gái sững người. Sinh móc túi quần, túi ngực, túi đằng sau, chỉ thấy trống rỗng, miệng cứ lẩm bẩm: “Mất ở đâu nhỉ? Mất ở đâu nhỉ?”. Tôi bảo: “Trước khi lên tàu ở Monaco, tao còn thấy cái ví phồng to trong ngực áo mày.” Con gái Sinh bảo: “Thôi, đúng rồi. Bố mất ví lúc chen nhau ở xe bus. Con nhìn mấy thằng tóc xoăn da đen bặm trợn là con nghi lắm. Cố né xa không dám đứng gần”. “Sao mày không bảo bố?”. Sinh quát con gái. Tôi bảo: “Đã sơ ý đánh mất ví còn quát con. Thế thẻ căn cước, visa mày có bỏ trong ví không?”. Sinh cười nhoẻn: “Không! May mà con bé này dặn bố để ở khách sạn”. Con gái Sinh hỏi: “Bố để bao nhiêu tiền trong ví?”. “Chả để đồng nào. Có bao nhiêu bố đưa con cầm hết rồi mà”. Con gái Sinh thở phào. Tôi cũng thở phào: “Cái ví rỗng cũ sờn mất, mà cũng kêu hốt hoảng”. Cả ba chúng tôi cùng cười, rồi đi bộ ra bãi biển hóng gió Địa Trung Hải.
Biển xanh. Gió mát. Bãi cát vàng. Vô số những viên sỏi nhẵn thín dải trên bãi cát hình vòng cung và cũng rất đông người tắm biển nằm phơi nắng. Có nàng còn thả rông ngực nằm ngửa đón ánh nắng nhuộm cho da nâu. Chúng tôi mê mải chụp ảnh và ngắm trời nhìn biển, nhìn vẻ đẹp trẻ trung ngọc ngà của tạo hóa dưới nắng chiều bãi biển Địa Trung Hải, rồi quay lại phố phường thụ hưởng mỹ thuật kiến trúc cổ. Bất chợt tôi nhìn đồng hồ thì chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ tàu cao hỏa dừng ở Nice. Con gái Sinh bảo: “Không kịp đi xe bus đâu bố ơi”. Cũng chẳng thấy cái xe taxi nào mà vẫy, chỉ còn biết… chạy. Chạy. Chân guồng, miệng thở, và trống ngực đập to hơn trống làng. Đang chạy, bất chợt mắt sáng lóe lên, Sinh dừng lại và cúi xuống. Hóa ra, ông nhà thơ nhìn thấy cái ví cũ sờn của mình bị vứt lăn lóc cạnh thùng rác ngay bến xe bus chúng tôi lên lúc ban đầu. Tôi hét lên: “Vứt mẹ nó đi. Về nước tao mua cho cái ví da cá sấu. Chạy nhanh lên, tàu sắp vào ga rồi”.
Vào trong ga, trình vé ra tàu thì tàu đang sầm sập chạy đến gần ở đường sắt bên kia. Lại chạy. Con gái Sinh chạy trước xuống hầm đi bộ, tôi cũng chạy theo, lại còn biết quay đầu kêu Lê Quang Sinh: “Chạy xuống hầm theo tao”. Chả biết Sinh có nghe thấy không, ông không theo mà… chạy băng qua đường tàu sang bên kia. Khi con gái Sinh và tôi vừa ngóc đầu lên khỏi hầm đi bộ thì đã thấy một ông cảnh sát to như con gấu, đeo khẩu súng ngắn ngang hông, giữ nhà thơ Lê Quang Sinh lại. Ông đang nói gì đó, mà Sinh không hiểu mặt cứ nghệt ra.
Tàu vào ga, dừng lại vài phút cho khách xuống và lên. Chúng tôi không lên được tàu về Marseille vì Lê Quang Sinh đang bị giữ lại. Con tàu hỏa lại vụt đi trong nỗi lo lắng và chán nản của chúng tôi. Con gái Sinh ca cẩm: “Chả hiểu sao bố lại chạy tắt ngang đường tàu?”. Sinh cứ nghệt mặt không nói được câu nào. Con gái Sinh kể lại với hai chúng tôi những điều viên cảnh sát nói, rằng: “Ông ấy vi phạm luật an toàn giao thông, chạy băng qua đường sắt khi tàu đang vào ga, mà không có tàu vào ga cũng không được đi hay chạy qua đường sắt, muốn sang thì phải qua đường hầm đi bộ…”. Lê Quang Sinh không có khái niệm hầm đi bộ, ông chưa nhìn thấy hầm đi bộ bao giờ. Bởi vì lúc ấy, chả cứ gì Sinh “gà mờ’ mà cả Hà Nội mới có cái hầm đi bộ dưới lòng đất ở Ngã Tư Sở. Cái điều này, thì tôi có vẻ hiểu biết khá hơn Sinh. Vì trước đó, người ta thi công đường Nguyễn Xiển cạnh nhà tôi, cứ thấy xe múc múc đất thành hầm, rồi đổ bê tông. Chả biết họ làm gì, lạ quá, hỏi mấy anh thi công, mới biết họ làm đường hầm đi bộ qua bên kia. Lúc khánh thành, tôi đi bộ dưới hầm còn xe vẫn chạy phía trên đầu. Chưa hoàn hồn vì lỡ chuyến tàu, thì viên cảnh sát đưa Sinh vào trong ga gặp sếp để giải quyết. Chúng tôi lục tục theo sau. Chả biết viên cảnh sát nói gì với một người đàn ông còn to hơn con gấu, mà mặt ông ta đanh lại, nhìn soi mói, cứ như chúng tôi vừa trên sao Hỏa xuống. Ông ta, nghiêm nét mặt lại nói, dĩ nhiên là con gái Sinh lại phiên dịch: “Ông ấy bảo rằng, bố bị phạt giam 24 tiếng đồng hồ, vì vi phạm an toàn giao thông”.
Lúc thường ngày, nhà thơ Lê Quang Sinh cười duyên, nói năng hoạt bát, nhưng lúc đó ông tái mét mặt. Tôi lo lắng. Sinh mà bị giam 24 tiếng thì vật vạ ở Nice. Vali, quần áo, đồ đạc để lại ở Marseille, ăn làm sao, ngủ làm sao, tiếp tế đồ ăn cho Lê Quang Sinh thế nào? Con gái Sinh cũng lo lắng ra mặt. Chả hiểu sao lúc ấy, tôi thông minh đột xuất, bảo con gái Sinh: “Cháu nói với ông ấy là bác và bố cháu là nhà văn, nhà thơ sang Pháp để đi thực tế sáng tác. Nhà thơ thì có lúc lơ ngơ như người bay trên không trung. Mải nghĩ ngợi về đất nước và con người nước Pháp đẹp quá. Thấy tàu đến gần sợ trễ quên hết tất cả nên ra nông nỗi này”. Viên sếp nghe xong, tự nhiên bật cười: “Mày bảo bố mày là nhà thơ, thì có thuộc bài thơ nào nổi tiếng của nước Pháp không?”. Con gái Sinh dịch lại, làm chúng tôi ngớ người. Đột xuất quá, làm sao nhớ được. Tiếng là nhà thơ, nhưng không thể thuộc thơ của mọi nền văn học, Lê Quang Sinh chỉ thuộc thơ Đường và thơ Nga, thuộc nhất là thơ Puskin và Lermontov. Đúng lúc đó tôi chợt nhớ: “Ơgien Pôchiê”. Ông đọc đi. Sinh hỏi lại: “Ơgien Pôchiê là cái gì?”. “Là ông nhà thơ sáng tác phần lời Quốc tế ca. Chú mày không thuộc à?”. “À… Bài này thì ai mà chả thuộc. Hôm kết nạp Đảng cả chi bộ Bảo tàng Văn học còn hát theo anh”. Thế rồi Sinh hắng giọng đọc, đọc mà như hát: “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian/ Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn… Đấu tranh này là trận cuối cùng/ Kết đoàn lại để ngày mai/ Lanh-téc-na-xi-ông-na-lơ/ Sẽ là xã hội tương lai…”. Giọng Sinh to, vang một góc nhà ga khiến nhiều người đứng lại nghe, có nhiều người cao hứng đi đến cùng hòa âm. Cao hứng Sinh đọc tiếp đoạn 2, đoạn 3…, viên sếp cảnh sát ga Nice mắt lim dim, chân nện đế giày xuống nền gạch hoa, miệng lẩm bẩm đọc theo, đọc hết cả 6 đoạn bài thơ Quốc tế ca cùng Lê Quang Sinh. Kết thúc đọc thơ, mọi người vây xung quanh đều ồ lên, rồi vỗ tay. Viên cảnh sát trưởng hình như là người rất yêu thơ, và rất có thể ông ta cũng biết làm thơ, hoặc kiểm tra xem cái ông đang đứng trước mình có phải nhà thơ không.
Thế là thơ của Lê Quang Sinh cất lên ở nhà ga Nice: “Cảm ơn em dưới gốc đa ngày ấy đã trao quà/ Một cuốn sổ tay đôi câu thơ đề tặng/ Lời thì xa xôi ánh mắt đầy hoang vắng/ Đã bao lần cố gỡ lại bầm thêm/ Sông Mã ơi tạc giữa trời xanh/ Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng…”. Đoạn thơ này Sinh đọc trích trong Trường ca “Xin làng trồng lại cây đa”. Ngạc nhiên quá! Có lẽ cả đời sáng tác, trong mơ cũng chưa bao giờ Lê Quang Sinh nghĩ rằng mình đứng đọc thơ từ lo lắng đến dõng dạc ở sảnh nhà ga xe lửa của thành phố lớn thứ 5 nước Pháp?
Mọi sự thay đổi hoàn toàn ngay sau đó. Viên sếp cảnh sát ga Nice cười vui vẻ bắt tay Lê Quang Sinh, bắt tay tôi, rồi nói những gì đó với con gái Sinh mà nó cười tươi. Con bé bảo chúng tôi lỡ chuyến rồi nên phải mua vé lại về Marseille, đành mất thêm một khoản tiền cho cái sự dại dột chạy băng qua đường ray tàu. Mừng quá! Viên sếp cảnh sát ga Nice trước lúc rời đi còn tặng con gái Sinh một tờ báo, rồi chỉ trỏ vào trang trong, sau đó bắt tay chúng tôi và giật giật rất mạnh.
Phải sau hai giờ đồng hồ nữa vạ vật ở Nice, chúng tôi mới lên được tàu. Trên đường về thành phố cảng Marseille, Lê Quang Sinh cứ day dứt mãi về chuyện làm lỡ chuyến, rồi lại bồn chồn mà vui vì không bị muỗi đốt ở đồn cảnh sát Pháp. Cuối cùng ông mới hỏi cặn kẽ những gì viên cảnh sát nói mà con gái chưa phiên dịch hết. Thì ra, viên sếp cảnh sát là cháu gọi nhà thơ Eugène Pottier là cụ. Mọi băn khoăn của Sinh và cả tôi nữa bỗng nhiên vỡ òa. Eugène Pottier là nhà thơ của dân nghèo và công nhân. Trong “Tuần lễ tháng 5 đẫm máu” năm 1871 của Công xã Paris, nhà hoạt động xã hội Eugène Pottier đã sáng tác bài thơ L’Internationale (Quốc tế), và 7 năm sau được nhạc sĩ Pierre Degeyter phổ nhạc, gọi là Quốc tế ca. Viên sếp cảnh sát ấy thấy một nhà thơ nước ngoài, lại thuộc thơ của cụ mình sáng tác từ cuối thế kỉ XIX nên không phạt cũng chẳng có gì khó hiểu.
Lúc xuống ga tàu thì đã hơn 10 giờ đêm, lên xe bus về khách sạn, con gái Sinh bảo bố: “Bố cẩn thận, lại mất ví đấy”. Mệt quá mà vẫn bật cười. Tôi hỏi Sinh: “Anh hỏi thật: Chú mày vứt cái ví rỗng cũ sờn rách đi, hay bị kẻ cắp thành Nice móc?”. Nhà thơ Lê Quang Sinh lặng đi một lát, không trả lời câu hỏi của tôi, bảo: “Zê zô ngoại ngữ ra nước ngoài như người đần. Lần này về nước, anh phải đi học lại tiếng Anh. Chú mày đi học cùng không?”. Tôi bảo Lê Quang Sinh: “Chú mày zê zô ngoại ngữ nhưng chú mày đẻ ra thạc sĩ của Pháp, tiến sĩ của Mỹ. Thích thì học, chứ có gì đáng phải mặc cảm”.
Nhà văn lứa chúng tôi trở về trước, thời trẻ ra chiến trường, lúc trở về tuổi cũng lớn, học ngoại ngữ cứ vào tai nọ lại ra tai kia. Ít người giỏi ngoại ngữ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi Mỹ như đi chợ, nhà thơ Hồ Anh Thái nghề ngoại giao đi khắp năm châu. Không biết ngoại ngữ là một thiệt thòi cả lúc ngoài đời, cả khi sáng tác, đôi khi mất tự tin là điều có thật.
*
Về nước, tôi không đi học tiếng Anh cùng Lê Quang Sinh mà học thầy Uông Triều là nhà văn ở tòa soạn, cùng các học trò là nhà văn Khuất Quang Thụy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Mạnh Hùng. Ròng rã một năm, mỗi tuần một buổi chiều. Trình tiếng Anh của mấy ông nhà văn kia nâng hẳn lên, nói chuyện với người nước ngoài cứ nhoay nhoáy. Riêng tôi thì vẫn cứ ù ù cạc cạc như cái hồi lên xe dành cho người khuyết tật của hãng Lufthansa ở sân bay Frankfurt. Còn nhà thơ Lê Quang Sinh thì đến trung tâm học tiếng Anh buổi tối. Chả biết trình độ cỡ nào, nhưng bây giờ cứ một mình, hoặc dẫn vợ đi thăm con đang làm tiến sĩ ở Boston - Massachusetts - Mỹ. Hứng lên, ông bay sang Canada, sang Mehico, bay sang Nam Phi chiêm ngưỡng Mũi Hảo Vọng, và lại còn ôm ấp làm thơ bằng tiếng Anh để con trai in ở Mỹ đấy. Bây giờ thì Lê Quang Sinh “ranh ma” như thương gia xuất ngoại rồi, không còn cái thuở lơ ngơ như nhà thơ đi nước ngoài hơn mười năm trước nữa.
SƯƠNG NGUYỆT MINH