Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Hình ảnh người lính Biên phòng qua chùm bút ký của Nguyễn Xuân Thủy
Hình ảnh người lính Biên phòng qua chùm bút ký của Nguyễn Xuân Thủy

Năm 2023 Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” hướng tới Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng. Thực tiễn những năm qua, khá hiếm cuộc thi dành cho lực lượng vũ trang này, vì vậy, cuộc thi được khởi lên ở xứ Thanh thiết thực và thật giàu ý nghĩa. Sau một năm vào cuộc sôi nổi, với những chuyến đi thực tế bổ ích, cuộc thi đã tới đích. Hơn một trăm tác phẩm từ vòng sơ khảo để có hơn hai mươi tác phẩm vào chung khảo và 10 tác phẩm đạt giải, cho thấy mối quan tâm và tình yêu dành cho người lính biên phòng luôn nồng nàn, ủ kỹ trong lòng người viết và công chúng.
Phẩm chất “xông xáo” vào thực tiễn dường như là “thuộc tính” làm nghề của những cây bút được lựa chọn vào ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Nguyễn Xuân Thủy từng là lính Trường Sa. Có lẽ luôn dành sẵn tình cảm đặc biệt cho người lính đồn trú nơi biên cương xa xôi nên khi biết Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh kết hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền”, anh đã nhập cuộc ngay và không bỏ sót chuyến đi thực tế nào đến những trạm, đồn biên phòng heo hút nhất của miền Tây Thanh Hóa. Cuộc chinh phục miền biên viễn xứ Thanh đã cho anh chùm bút ký 6 bài, và 3 bài trong đó đã đạt giải Nhất (chùm bài “Những ngôi sao” Mường Lát, gồm 3 bài: “Binh pháp” vùng biên, Những người cha, Nơi góc trời biên giới). Anh đã viết đầy xúc động: “Suốt dải biên giới hơn hai trăm cây số của tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh những người lính biên phòng ở vùng biên luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân với những phẩm chất cao quý của anh bộ đội Cụ Hồ”. Tác giả đã có cơ hội “nghe tận tai, thấy tận mắt, sờ tận tay những gì mà người lính biên phòng nơi đây đang kiến tạo những giá trị mới của người lính thời bình”. Qua ngòi bút của anh những người lính biên phòng đã bước vào tác phẩm, trở thành nhân vật văn học, lan tỏa hình ảnh đẹp đẽ về những người lính trấn ải biên cương với những cống hiến và hy sinh thầm lặng. 
Lính biên phòng xưa gọi là “lính thú” (“đóng thú” là đóng quân canh phòng vùng biên ải, phòng giữ biên cương). Văn học xưa không nhiều tác phẩm viết về người lính, nhưng ca dao lại dành khá nhiều sự thương cảm cho anh “lính thú”:   
- Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa… 
- Cảm thương chú lính nhỏ
Đầu đội nón gỗ
Trấn thủ xa nhà
Vợ con không có, mẹ già ai trông?
Và hé lộ cuộc sống của họ: 
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng…
        (Ca dao)
Hóa ra, thử thách bản lĩnh, nghị lực của “lính thú” không ở chiến trường ác liệt mà chính là cuộc sống nơi rừng sâu núi thẳm, heo hút, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Hoàn cảnh cô đơn gần như bị cách li với xã hội chính là thử thách khắc nghiệt nhất. Biên ải nước ta chủ yếu ở rừng sâu núi thẳm, xa dân, đi lại khó khăn, đi lính mà như đi đày, bị sung vào “lính thú” luôn là nỗi ám ảnh sợ hãi, đến nỗi đấng nam nhi phải “nước mắt như mưa”. Không phải ngẫu nhiên ca dao dành nhiều sự thương cảm cho những chiến binh thầm lặng này.
“Lính thú” bây giờ không chỉ mang tên gọi mới, lính “biên phòng” mà nhiệm vụ của họ cũng khác xưa rất nhiều, ngoài nhiệm vụ “bảo vệ đường biên giới quốc gia, dấu hiệu mốc quốc giới; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới”, còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác, như: ngăn chặn “vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú bất hợp pháp, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu”(*). Khái quát thì như vậy, song, trên thực tế, người lính biên phòng phải kiêm rất nhiều “vai”, thực thi muôn vàn công việc: canh giữ biên cương, chống phản động, chống buôn lậu, buôn người, buôn ma túy, xóa mù chữ, cán bộ y tế, cán bộ nông nghiệp, cha đỡ đầu, chống cháy rừng, giúp dân chạy lũ, v.v…, đủ hết, dân cần gì, thực tiễn đòi hỏi gì có ngay bộ đội biên phòng. Thì còn ai vào đấy, bộ đội biên phòng như “phật bà nghìn mắt nghìn tay”. 
Thanh Hóa có hơn 100km ven biển, lại có hơn 200km đường biên với nước bạn Lào. Đặc biệt nhất là 200km đường biên chạy qua 5 huyện xa xôi nhất của miền Tây Thanh Hóa này rất hiểm trở: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân. Thử hình dung, đường ô tô chạy từ thành phố Thanh Hóa lên Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn chỉ 197km nhưng nó quanh co đến nỗi thời gian đi phải gấp ba lần đến Hà Nội. Đấy là con đường đã trải nhựa phẳng lỳ, cách đây mươi năm, thời gian chinh phục cung đường ấy phải tính bằng ngày, vì đường vừa hẹp vừa xấu.
Chùm bút ký nóng hổi thực tiễn của Nguyễn Xuân Thủy đã giúp người đọc đi từ ngạc nhiên đến thán phục trước những cống hiến và hy sinh lớn lao của các chiến sỹ quân hàm xanh. Họ chính là những anh hùng thầm lặng. 
Trước hết hãy hình dung vị trí của các đồn biên phòng qua những cung đường đến nơi đồn trú: “Chúng tôi rời trụ sở, Đội công tác chạy xe theo con đường gồ ghề vồng lên võng xuống quanh các sườn núi như trò chơi mạo hiểm. Mặt trời hằn học ném xuống những tia nắng cuối ngày. Mặt đất đáp trả bằng hơi nóng hừng hực bốc lên từ bụi đỏ. Đồi núi như bị sục tung lên...”; “Hắn mà không mưa thì đi dễ hơn, vì mưa thì bùn dính lắm. Nhưng cũng đừng nắng to quá. Nắng to quá thì như đi trong bụi. Bánh xe hắn nghiền đất nhuyễn như bột, lốp xe sục trong bụi như đi trong nước…” (Nơi góc trời biên giới). Cũng vẫn những con đường ấy, vào mùa mưa phải cho những chiếc Minsk lên vai khênh qua suối vì nếu dắt thì xe trôi mất. Chủ nhân của các đồn biên phòng là những anh lính ở khắp miền Thanh Hóa đam mê mạo hiểm. Với những nhiệm vụ linh hoạt như hiện nay, lính biên phòng hầu như không được đóng quân ổn định mà liên tục điều chuyển. Họ hầu như đã tự xác định đấy là đặc thù của lính biên phòng, họ làm cho ta ngạc nhiên bởi sự bình thản đón nhận mọi khó khăn, thử thách. Ví như chuyện của Thiếu tá Nguyễn Đình Cường chẳng hạn: “Về đơn vị vừa quen với công tác thì lại chuyển, lại đi học, lại về đơn vị mới, quay đi quay lại đã thấy mình quá tuổi lập gia đình từ lúc nào…”. Cường vốn là quân của Đồn Biên phòng Tén Tằn, sau khi đi học nghiệp vụ lại lộn xuống đồn biển, ở Sầm Sơn hai năm mới về rừng, đóng ở Pù Nhi, sau đó lại “được” điều tút hút vào Đầm Giơi (Cà Mau). Rồi cũng nên duyên với cô giáo cắm bản, nhưng lại rơi vào cảnh “mẹ già ai trông” khi “bố anh ở Thạch Thành qua đời, ở nhà còn một mình mẹ anh, tuổi cao không có người chăm sóc …”. Thế mà vượt qua hết, nhiệm vụ thì vẫn không lơ là chút nào, “khắp một dải các bản Pù Nhi đều đã in dấu chân anh Cường, những cái tên mà tôi phải hỏi đi hỏi lại để ghi cho chính xác thì với anh đã trở nên quen thuộc nằm lòng”. Họ đâu có thời gian để than thở, mà cũng chả biết thở than với ai. Khi đã xác định trách nhiệm rồi thì chỉ tìm cách vượt qua thôi. Vì vậy, họ đón nhận mọi khó khăn, mọi nhiệm vụ một cách bình thản và giản dị. Con người ta khi đã vượt qua quá nhiều thử thách sẽ rèn cho họ độ “lì”, giống như thép đã được “tôi”. Nhìn vẻ ngoài khó nhận ra nhưng khi tìm hiểu dễ bị “choáng” trước nghị lực kiên cường của họ. Nguyễn Xuân Thủy thì hình dung họ là “bình rượu ủ các vị thuốc bắc lâu năm, khi phong kín thì cũ kỹ, nhưng khi mở nắp bình thì ngào ngạt, hương đằm nhẹ pha trộn ngũ thập vị, một sự pha trộn, lắng đọng của những đắng ngọt dư âm cuộc đời”. Họ kể những câu chuyện khiến người nghe giật mình nhưng với họ, “những câu chuyện về vùng biên như một thứ thức nhắm đặc sản với khách phương xa”. Bữa tối chuẩn bị thì có báo cháy rừng, thế là lập tức buông đũa, vừa cắt cử người đi huy động dân vừa khẩn trương tiếp cận đám cháy. “Cháy rừng cũng là nỗi lo lắng lớn của các chiến sỹ biên phòng dọc tuyến biên giới miền Trung mùa khô. Có khi cháy từ bên kia biên giới cháy sang. Lửa đùng đùng tấn công, sẵn sàng vượt biên chứ chẳng cần đâu là mốc biên giới” (Nơi góc trời biên giới). Việc chống ma túy hiện nay cũng không đơn giản chút nào. Tội phạm ma túy luôn tìm muôn ngàn kế đối phó với lực lượng biên phòng, “từ rút phần xốp của ấm cách nhiệt ra thay bằng ma túy đến lấy ma túy làm bánh, nhân bọc đất ở ngoài, cho ma túy vào ống điếu, thậm chí tuồn ma túy vào bao cao su nhét vào trong hậu môn…”. Tuy nhiên, việc giúp dân xây dựng cuộc sống nơi vùng biên ải cần đến sự kiên trì, tận tâm nhất: “Từ những hành động trực quan nho nhỏ để dân ngộ ra mà làm theo, mà thay đổi từng chút một, từng người một, từng nhà một. Cán bộ không chỉ dạy bằng mồm mà dạy bằng tay, hướng dẫn, động viên, khuyến khích”. Công sức của các anh đã biến chủ trương của Đảng thành thực tiễn này: “Bản Ón mười năm trước tìm một chiếc bát ăn cơm còn khó, nay mọi gia đình nhà cửa sạch sẽ, bát đũa đủ đầy” (Nơi góc trời biên giới). 
Đi đến tận nơi, gặp từng người, Nguyễn Xuân Thủy nhận thấy bộ đội biên phòng ở đây đã tìm ra nhiều cách thức để giúp dân và hoàn thành nhiệm vụ. Tác giả gọi một cách thú vị là “binh pháp vùng biên” và không khó để nhận ra cơ sở để xây dựng “binh pháp” ấy chính là “lấy dân làm gốc” cho mọi mục tiêu, hoạch định, cốt lõi của binh pháp ấy chính là “gần dân, bám dân và thương dân” để sẵn sàng hy sinh vì dân. Các chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” được phát động từ lực lượng biên phòng có lẽ là câu chuyện xúc động nhất về “những người cha” biên phòng. Dám “làm cha mẹ” những đứa trẻ mồ côi, những hoàn cảnh bĩ cực là cả vấn đề không đơn giản. Những đứa trẻ không chỉ cần miếng ăn mà còn cần cả tình cảm ấm áp của tình thương, tình thân. Để các em trông ngóng mỗi khi “cha” đi công tác, vui sướng mỗi khi “cha” trở về là cả hành trình thương yêu của những trái tim nhân hậu. Đã có nhiều cha nuôi ở vùng biên ải này: “Ngoài hai cậu con trai năm tuổi và hai tuổi của mình thì Phương còn đến hơn hai mươi người con nữa. Là hơn hai mươi trẻ em Đồn Biên phòng Pù Nhi nhận đỡ đầu”. “Mỗi sự giúp đỡ như một cái dắt tay qua khúc gập ghềnh, như cái ủn mông khi đang bước lên con dốc… những mầm non thơ bấy ấy cần những cánh tay chìa ra. Phương bảo, anh rất mong sau này các cháu được bộ đội biên phòng và quân đội hỗ trợ sẽ có một tương lai tốt để vùng biên cương bớt đi những mảnh đời cơ cực” (Những người cha). Câu chuyện về các “ông bố” như: Đại úy Nguyễn Văn Phương ở Đồn Biên phòng Pù Nhi, Thiếu tá Đinh Anh Tuấn ở Đồn Biên phòng Trung Lý và Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng ở Đồn Biên phòng Tam Chung làm người đọc rơi nước mắt vì xúc động và thán phục trước tấm lòng của các anh. Tác giả bài ký viết giản dị: “Đi khắp dải biên cương của các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa, không khó để bắt gặp trong những câu chuyện về những người cha biên phòng. Sự tận tâm, tận hiến của họ vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu công tác nhưng cũng là nhu cầu tự thân của mình” (Những người cha). Bên cạnh cùng dân “chăm sóc” các cột mốc biên giới “luôn sạch sẽ, nghiêm ngắn”, các chiến sỹ biên phòng nơi đây đã và đang gìn giữ, chăm sóc mối quan hệ quân - dân luôn bền chặt, ấm áp. Tác giả bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Họ đã đến với đồng bào, đến với con em các dân tộc, đối đãi với họ như chính những người thân của mình. Trên mỗi đồn biên phòng, câu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” đã được thực hành bằng mỗi lời nói, mỗi việc làm và bằng cả cuộc đời của mỗi chiến sỹ”. 
Các anh chính là những ngôi sao xanh “luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân”. Qua cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và đặc biệt là chùm bút ký của Nguyễn Xuân Thủy, người đọc có cơ hội hiểu sâu sắc hơn những cống hiến và sự hy sinh thầm lặng của một lực lượng đặc biệt, người lính biên phòng. Người đọc như được cùng chung cảm xúc mến yêu, ngưỡng mộ và tự hào về những người lính mang quân hàm xanh trong những dòng văn trữ tình này: “Tôi ngước lên bầu trời đêm và chợt nhận ra đã lâu lắm tôi mới có dịp ngắm bầu trời đầy sao. Những vì sao được nhìn rõ nhất, gợi suy tưởng về nó nhất không ở đâu hơn vùng biên giới. Trong vô vàn những vì sao kia, có ngôi sao xanh của người chiến sỹ biên phòng đang nhấp nháy như con mắt thức”.
                              

HỎA DIỆU THÚY

(*) Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng về Quy định Nhiệm vụ và Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 272
 Hôm nay: 2779
 Tổng số truy cập: 9244946
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa