Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Khuynh hướng sử thi trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu
Khuynh hướng sử thi trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu

Văn học luôn luôn gắn bó chặt chẽ đồng thời phản ánh hiện thực cuộc sống và những vấn đề của lịch sử, của thời đại. Đó là một sứ mệnh, một thiên chức. Lịch sử dân tộc và lịch sử văn học Việt Nam luôn song hành. Đặc biệt giai đoạn chống Pháp, mặc dù chưa phản ánh đúng với tầm vóc lịch sử dân tộc nhưng nền văn học của ta đã có những đóng góp đáng kể “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của nền văn nghệ chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Lê Duẩn). Phản ánh và phục vụ cho cuộc chiến đấu và chiến thắng đó, văn học có khuynh hướng sử thi là điều dễ hiểu. Nhiều tác phẩm đã ghi lại các sự tích anh hùng và các nhân vật anh hùng của nhân dân ta.
Nói văn học có khuynh hướng sử thi là nói văn học phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và mang tính toàn dân. Nhân vật trung tâm của văn học có khuynh hướng sử thi là nhân vật anh hùng, thường là những con người đại diện cho giai cấp, cho dân tộc với tính cách dường như kết tinh đầy đủ cho những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Xu hướng chung của các tác giả thường ca ngợi, khẳng định các nhân vật anh hùng không phải nhân danh cá nhân mà là nhân danh cộng đồng.
Trước hết, với Tố Hữu, là cái nhìn và sự khái quát lịch sử dân tộc trong chiều sâu tâm tưởng và cảm nhận của người từng trải, từng gắn bó với những gian khổ, hy sinh, mất mát và những chiến công hiển hách chói lọi. Cảm xúc vui buồn, quá khứ và hiện tại, riêng và chung… hòa quyện trong hình tượng thơ mà Tố Hữu đã từng viết, từng ngợi ca. Đó là chuyện của bé Lượm đi làm liên lạc; là những bà bủ, bà bầm, bà mẹ Việt Bắc; là người con gái Bắc Giang đi phá đường quan; là anh chiến sĩ trên đèo Nhe, anh bộ đội lên Tây Bắc… Tất cả đều đã góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng có lẽ, phải đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, thắng lợi thuộc về nhân dân ta, thì cảm xúc của nhà thơ dâng trào mãnh liệt trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (5-1954).
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là một bài thơ khỏe, cuồn cuộn sức sống với những âm hưởng hùng tráng, sảng khoái, chủ động, tung hoành trên nhiều cung bậc. Bài thơ gần 100 câu, quy mô tương đối lớn. Nhìn tổng quát, bài thơ gồm 3 phần lớn: phần I (4 đoạn đầu) ghi lại niềm vui chung, cảm nghĩ chung khi nhận được tin chiến thắng; phần II (4 đoạn giữa) miêu tả trực tiếp chiến dịch; phần III (2 đoạn kết) nói đến ảnh hưởng của chiến thắng. Trong bài thơ có những đoạn viết theo lối thơ 4 tiếng, 5 tiếng, 7 tiếng tương đối ổn định, có những câu lục bát nhuần nhị quen thuộc. Nhưng nhìn chung, đây là một bài thơ tự do, dòng ngắn nhất là 3 tiếng, mà dòng dài nhất đến 13 tiếng, số lượng dòng trong từng đoạn, từng phần thay đổi tuỳ theo nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Điều mà người đọc khá ngạc nhiên là nhà thơ Tố Hữu đã viết bằng mệnh lệnh trái tim, bằng sự nhạy cảm với sự kiện nóng bỏng của thời đại. Cho nên, cách mở đầu bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên cũng thật độc đáo:
Tin về nửa đêm
Hỏa tốc, hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng.
Bốn câu thơ này vừa tượng hình, vừa tượng thanh. Tác giả không dùng tiếng vó ngựa trên đường mà dùng ngôn ngữ “Hỏa tốc, hỏa tốc” giúp ta hiểu thêm, ngựa đang nhận sức mạnh niềm vui lịch sử của dân tộc, để “bay lên dốc”. Nhưng sức mạnh ngựa bay ấy, khi “đuốc chạy sáng rừng”, người hạnh phúc được nhận tin chiến thắng đầu tiên, đấy là bà con dân tộc ở Điện Biên đã từng gắn bó cùng chiến sĩ như cá với nước. Và tin chiến thắng Điện Biên đã trở thành cánh chim vô hình bay tới muôn phương:
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên được diễn đạt theo lối tự sự, gây dấu ấn cho người đọc không phải là nhạc thơ hay sự luyến láy của câu chữ mà tạo dấu ấn cho người đọc một sức nặng lớn về cuộc chiến đấu trực diện của người chiến sĩ ở chiến hào.
Chiến trận ác liệt và cam go phải đổi bằng “Máu trộn bùn non” nhưng nhờ người lính tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nên họ “Gan không núng/ Chí không mòn”. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện bao tấm gương anh hùng làm rạng danh non sông đất nước như: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên anh hùng thể hiện ở những hành động cực kỳ dũng cảm. Nhà thơ lấy chất liệu từ những tấm gương tiêu biểu như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót… nhưng không dừng lại ở một cái tên riêng nào. Nhà thơ Tố Hữu đã ghi danh tên tuổi họ vào bức tượng thơ:
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Những anh hùng hy sinh cả tuổi xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân bởi họ đã được hun đúc bằng truyền thống yêu nước bốn ngàn năm lịch sử. Chiến sĩ Điện Biên là hàng ngàn anh bộ đội, vệ quốc quân tại cứ điểm Điện Biên Phủ đang đối mặt với kẻ thù, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chiến sĩ Điện Biên là những đoàn dân công “mòn đêm vận tải”… Họ đã có một niềm tin mãnh liệt từ “Những bàn tay xẻ núi, lăn bom”, “Mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”, từ “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”. Cả nước hành quân thần tốc về Điện Biên để không ngừng tiếp sức cho các chiến sĩ ở mặt trận đang phải chịu cảnh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Một cuộc hành quân bền bỉ 9 năm ròng, với đường lối chiến lược quân sự “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Diễn tả cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, lại là “trận chung kết” lịch sử, Tố Hữu không né tránh những mất mát, hy sinh. Đó là cái giá bằng máu mà chúng ta đã phải trả để có được chiến thắng. Bằng rất nhiều hình ảnh: “Máu trộn bùn non; Nát thân nhắm mắt; Xương tan thịt nát…” - mọi lực lượng đều có tổn thất. Đúng là chúng ta đã phải dập tắt lửa chiến tranh xâm lược bằng máu cuộc đời mình chứ không còn cách nào khác. Để rồi:
Nghe trưa nay tháng 5 mùng 7
Trên đầu bay thác lửa hờn căm!
Trông: bốn mặt, luỹ hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Bằng một cách nhìn trực giác nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ Tố Hữu giống như một nhà nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc lịch sử đặc biệt này. Bức ảnh tương phản 2 màu sắc rõ rệt: kẻ chiến bại, tất cả đều kéo cờ trắng xin hàng; người chiến thắng giơ cao cờ đỏ sao vàng. Nhà thơ đã khéo lựa chọn từ ngữ “lố nhố” khiến người đọc hiểu hơn về sự thất bại đau đớn, cay cú tột đỉnh của kẻ thù. Nhịp điệu đoạn thơ nhanh, mạnh, hào sảng, diễn tả đúng cái hào khí chiến thắng của “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Cả bài thơ có tới ba câu thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” tạo thành một điệp khúc, nhưng chỉ có câu này là được đặt đúng vị trí của nó nhất, có giá trị biểu cảm cao nhất. Tuy nhiên, đọc thơ Tố Hữu ta không hề thấy cảm giác bi luỵ, rùng rợn. Tác giả miêu tả sự hy sinh nhằm nêu bật ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường, tinh thần dám xả thân và những hy sinh to lớn để đem về chiến thắng. Đó cũng là cách ghi nhớ công ơn - Đời đời nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ để:
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên được viết bằng lời thơ giản dị, tạo nên sự gần gũi với người đọc. Chúng ta tưởng như Tố Hữu đã “hóa thân” cùng chiến sĩ, cắm lá cờ thơ lên nóc hầm Đờ Cát. Bài thơ mang tầm tư tưởng lớn, thoát ra ngoài tiếng nói riêng mình, trở thành tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, minh chứng cho toàn thế giới biết rằng: Việt Nam - một nước nhỏ bé đã đánh bại một đế quốc lớn.
Cấu trúc của bài thơ được nối liền mạch bằng người và cảnh khác nhau, nhưng nó là tiếng kèn chiến thắng, mang niềm vui bất tận đến muôn người. Trong tiếng kèn vang dội núi sông đó hiện lên hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già dân tộc và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy tài ba bằng chiến lược quân sự “đánh chắc, thắng chắc” khiến cho đối phương không kịp trở tay “Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp”, để cả đất nước vỡ òa trong hạnh phúc:
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Đặc trưng của một hình tượng nghệ thuật là tính cụ thể và khái quát hóa. Hình tượng thơ trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên có xu hướng khái quát hóa chiếm ưu thế hơn. Đó là sự khái quát về những gian khổ hy sinh, khái quát về tinh thần yêu nước và phẩm chất anh hùng của chiến sĩ Điện Biên, của cả dân tộc. Bài thơ còn là sự khái quát về tầm vóc thời đại và sức lan tỏa của chiến thắng Điện Biên: “Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta…”.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là sự thành công của một vốn sống và tài năng nghệ thuật được tích lũy và thử thách trong những ngày kháng chiến. Và trên hết vẫn là tấm lòng luôn rung cảm chân thành với hiện thực đời sống, với mỗi con người và mỗi sự kiện của đất nước. Là một bài ca về đất nước, về nhân dân trong thời kỳ chống Pháp xâm lược, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên vừa đậm đà tính dân tộc (cả nội dung và hình thức) vừa sang sảng không khí hào hùng của dân tộc ngày chiến thắng. Có thể nói, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là một tác phẩm viết rất kịp thời, đầy cảm hứng sử thi, cũng là tác phẩm văn học có chất lượng nhất trong số ít tác phẩm viết về Điện Biên Phủ thời bấy giờ. Tố Hữu nhạy bén đi thẳng vào một đề tài thời sự, viết một cách tự nhiên, thoải mái, vừa sôi nổi, vừa súc tích, kết hợp được hồn thơ trữ tình vốn có với bút pháp chính luận và tạo hình đặc sắc.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là sự cảm nhận sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc. Đó là sự cảm nhận của người từng trải, của người trong cuộc. Vì vậy nhiều khổ thơ, hình ảnh thơ, giọng điệu thơ của Tố Hữu tạo được sự đồng cảm với tâm hồn người đọc. Tiếng thơ, tiếng nói tâm hồn của người nghệ sĩ bắt gặp “điệu của muôn người” cất lên thành tiếng ca chung, thành âm hưởng chung. Tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu hòa cùng tiếng hát trữ tình công dân đã góp phần lý giải tại sao thơ Tố Hữu có khả năng chuyển tải những nội dung chính trị xã hội thành tiếng lòng ngọt ngào, đằm thắm của trách nhiệm công dân. Trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên có các tầng lớp nhân dân góp mặt trong sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Cho nên chất anh hùng ca tập thể trong đội ngũ trùng điệp của nhân dân chính là niềm cảm hứng vô tận cho thi hứng Tố Hữu, là đặc trưng nổi bật của khuynh hướng sử thi trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
                             

  LÊ XUÂN SOAN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 152
 Hôm nay: 3805
 Tổng số truy cập: 8830762
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa