Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Tu bổ, phục hồi khu Di tích lịch sử Lam Kinh - Những bài học quý
Tu bổ, phục hồi khu Di tích lịch sử Lam Kinh - Những bài học quý

Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được Nhà nước ta công nhận di tích quốc gia năm 1962, đến ngày 27 tháng 9 năm 2012 được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Vốn đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên cùng với sự tàn phá vô ý thức hoặc có ý thức của con người, khu di tích đã trở thành hoang phế. Việc phục dựng khu di tích lịch sử Lam Kinh là một công việc kiểu như “mò kim đáy bể”, nhưng chúng ta đã làm được và làm có kết quả tốt. Nhìn nhận lại quá trình quy hoạch, tu bổ khu di tích lịch sử Lam Kinh, chúng ta càng thấy những đóng góp quan trọng và những bài học to lớn của tỉnh Thanh Hóa dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự quan tâm của các Bộ ngành Trung ương đối với quá trình ấy.
Tính đến nay, Nhà nước đã đầu tư hoàn thành các dự án với tổng mức trên ba trăm tỷ đồng; bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 47 ha đất để bổ sung đầy đủ cho khu vực vành đai I và hệ thống hồ của di tích. Sau khi dịch chuyển đường 15A ra bên ngoài, khu di tích đã có mốc giới quản lý, hình thành hàng rào bảo vệ vành đai I trên thực địa. Từ khi đầu tư như vậy, lễ hội hàng năm đã thu hút hàng vạn người tham dự. Đồng thời, lượng khách đến tham quan tăng rất nhanh, tính trung bình từ 40.000 lượt người năm 2004 đã tăng lên 200.000 lượt người năm 2017. Việc đầu tư của nhà nước đã có tác động thu hút được gần 13 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa bổ sung vào đầu tư cho di tích. Lam Kinh đã trở thành điểm đến không thể thiếu mỗi khi du khách đến tham quan Thanh Hóa.
Hơn hai thập kỷ đầu tư tu bổ, phục hồi khu di tích lịch sử Lam Kinh, chúng ta có thể rút ra những bài học sau đây:
Thứ nhất, xác định cơ cấu dự án chính xác  
Năm 1961, trong lúc đang khó khăn trăm bề, Bộ Văn hóa và tỉnh Thanh Hóa đã cho xây dựng nhà che bia Vĩnh Lăng hai tầng mái. Hình ảnh công trình này ngày nay đã ăn sâu vào tiềm thức của du khách và có thể nói đã trở thành biểu tượng kiến trúc của khu di tích. Những năm sau đó, một số hạng mục như lăng Lê Thái Tổ, lăng Lê Thánh Tông, bệ rồng Chính điện cũng được tu bổ và không còn cảnh hoang tàn nữa. Song song với việc bảo vệ, chống xuống cấp công trình, việc khảo cổ học, sưu tầm di vật còn lại trên mặt đất cũng được đẩy mạnh nên đã tập hợp và nhận biết nhiều tư liệu quý giá phục vụ cho công cuộc tu bổ, phát huy giá trị di tích.
Ngày 22 tháng 10 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt dự án tổng thể Tu bổ, tôn tạo, phục hồi Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Dự án tổng thể đã đưa ra định hướng các nhóm dự án và không xác định tổng mức đầu tư, bao gồm:
Nhóm Bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ. Nhóm dự án này yêu cầu dựa trên kết quả khảo cổ và lịch sử kiến trúc, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình đã bị phá hủy; xây dựng một số hạng mục để bảo vệ di tích và tu bổ các hạng mục công trình đã xuống cấp như nhà che bia, chống lún bia và mộ…
Nhóm Cải tạo, xây dựng khu phục vụ quản lý và các hoạt động tưởng niệm. Nhóm này yêu cầu xây dựng nhà khách, nhà quản lý, nhà trưng bày và một số hạng mục phục vụ lễ hội truyền thống đồng thời tính đến phương án đưa đường 15A ra ngoài khu di tích.
Nhóm Phục hồi rừng Lam Sơn, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái.
Trên cơ sở đó, thời kỳ đầu là Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và sau này là tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ, đã lập nhiều dự án thành phần để triển khai thực hiện. Trong đó các dự án khảo cổ học được chú trọng đi trước một bước. Sau khi nhiều hạng mục tu bổ các lăng và nhà bia hoàn thành, cùng với cầu Bạch được thi công xong, hình hài khu di tích đã dần được phục hồi trên thực địa. Từ đó, sức hấp dẫn của khu di tích cũng dần được nâng lên. Nhiều người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đã chú ý đến thăm và tìm hiểu về di tích. Nhận thấy cần phải xác lập được định hướng không gian để tu bổ và phát huy tác dụng của di tích, ngày 19 tháng 6 năm 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 2016/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể Tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh. 
Căn cứ quy hoạch được duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã lần đầu tiên xác lập được giới hạn vành đai I và II trên thực địa, thu hồi được toàn bộ đất rừng Lam Sơn đã cho mượn để canh tác, giải phóng mặt bằng hơn 47 ha đất tôn tạo hồ và di chuyển hàng chục hộ dân ra ngoài. Cũng từ đó, các hạng mục kiến trúc ở khu trung tâm như các Tòa miếu, Nghi Môn, Chính điện… được triển khai khảo cổ học, lập dự án và lần lượt được đầu tư phục dựng.
Có thể khẳng định rằng việc xác lập các nhóm dự án như Quyết định 609/QĐ-TTg đã tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy công tác khảo cổ và nghiên cứu khoa học đi trước, làm cơ sở để lập các dự án tu bổ, xác lập quyền quản lý, phát huy tác dụng di tích và nhiều dự án liên quan khác.          
Thứ hai, quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh cùng quá trình thực hiện đầu tư cẩn trọng, tạo sự đồng thuận cao
Như trên đã nói, ở Lam Kinh không còn kiến trúc nhà gỗ mái ngói thời Lê; trên đất nước ta, công trình kiến trúc loại này cũng không còn đáng kể. Đặc biệt, các kiến trúc gỗ của cung đình thời Lê thì hầu như không còn để nghiên cứu, học tập. Vì vậy, trong Quyết định 609/QĐ-TTg, Chính phủ yêu cầu “phục hồi, tôn tạo các hạng mục đã bị phá hủy, bảo đảm cấu trúc theo kiến trúc cổ thời Lê và độ bền vững lâu dài”. Đây vừa là yêu cầu, vừa là định hướng, tạo cơ sở rất quan trọng cho quá trình lập dự án và triển khai tu bổ sau này.
Các công trình trong khu Chính điện thể hiện mọi sự tinh túy của kiến trúc cung đình thời Lê, việc phục dựng những kiến trúc loại này là nhiệm vụ khó nhất trong các nhiệm vụ tu bổ ở khu di tích này. Xác định như vậy nên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã thảo luận, nêu quyết tâm thực hiện bằng được và đã thống nhất với Bộ cho làm thí điểm Tòa miếu số 5 trước để rút kinh nghiệm. Tòa miếu số 5 là tòa chính trong hệ thống 9 Tòa miếu xếp thành hình vòng cung ôm lấy phía sau tòa Chính điện. Tòa miếu này có kết cấu khung gỗ, nhà 4 mái 4 đao, mái lợp ngói, nền lát gạch bát mạch chéo, tường gạch.
Căn cứ tài liệu khảo cổ về nền móng còn sót lại, UBND tỉnh đã cho lập mô hình bằng gỗ tỷ lệ 1/50 của Tòa miếu số 5 để xin ý kiến các nhà khoa học khảo cổ, khoa học kiến trúc cũng như các chuyên gia am hiểu về kiến trúc thời Lê. Khi triển khai thi công thực tế, tỉnh cũng tổ chức một tổ cố vấn khoa học giúp xem xét chất lượng đục chạm, chất lượng thi công các cấu kiện, nhất là cấu kiện gỗ. Bên cạnh đó, phương án thiết kế được thông qua hội đồng khoa học Bộ và địa phương đã tạo ra sự đồng thuận cao trong giới chuyên môn và những người quan tâm đến di tích. Với cách làm cẩn trọng như vậy, việc phục dựng Tòa miếu số 5 đã được thực thi có chất lượng tốt. Từ đó, các Tòa miếu 3,4,6,7 và Nghi Môn có cơ sở để triển khai phục dựng tiếp và đã thành công. 
Công trình kiến trúc lớn nhất là Chính điện được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho làm hội thảo khoa học trước. Từ kết quả đó, lập phương án thiết kế tu bổ, xin ý kiến các nhà khoa học Trung ương và địa phương trước khi lập dự án đầu tư. Cách làm như vậy đã thu hút được nhiều ý kiến giá trị, tạo được sự đồng thuận rất cao. Công trình này được phỏng dựng theo hình thức kiến trúc thời Lê và phương pháp thực hiện cũng được triển khai cẩn trọng như ở các tòa miếu. Có thể nói, toàn bộ công trình kiến trúc quan trọng ở khu Chính điện đã được phục dựng đúng vị trí, đúng kích thước, đúng kiểu dáng kiến trúc thời Lê. Nhờ có hình ảnh bệ rồng cổ của Chính điện còn lừng lững, một số chân tảng cổ còn nằm nguyên vị trí, một số đoạn kết cấu mương thoát nước cổ còn nguyên vẹn, một đoạn nền móng cổ được trưng bày tại chỗ trong tòa Chính điện và nhiều chi tiết kiến trúc cổ khác, du khách được so sánh kiến trúc cổ với kiến trúc tu bổ, cảm nhận được sự linh thiêng của công trình tâm linh và sự tài tình của người xưa trong việc chọn đất, tạo thế cho từng ngôi nhà. Khu Chính điện, toàn bộ các công trình kiến trúc cũng như rừng Lam Sơn ngày càng hấp dẫn du khách mỗi khi về thăm khu di tích này. 
Thứ ba, đầu tư đến đâu phát huy giá trị ngay đến đó
Ngay khi đầu tư phần khung Tòa miếu số 5, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho lập dự án nội thất đồ thờ. Từ đó, nhà nước đã đầu tư một số hạng mục đồ thờ thiết yếu để tòa miếu được phát huy tác dụng ngay, du khách đến tham quan và dâng hương đã cảm nhận được giá trị của di tích nên nhiều người đã cung tiến bằng hiện vật hoặc bằng tiền, nội thất đồ thờ tòa miếu vì vậy mà khá đồng bộ, trang nghiêm.
Quá trình gia công các cấu kiện gỗ tại chân công trình cũng có tác động rất lớn đến du khách và những người quan tâm. Họ được chứng kiến quá trình thi công từ đầu đến khi các mảng chạm khắc được hình thành, niềm tin vào quá trình tu bổ được nâng lên, niềm vui được chứng kiến quá trình lắp dựng và hoàn thiện ngày một tăng. Còn nhớ, khi chúng tôi kiểm tra và yêu cầu sàm đóng một bộ vì gỗ dưới đất để hội đồng chuyên môn cho ý kiến, nhiều du khách đã thích thú ghi hình. Việc thi công một công trình kiến trúc gỗ có đường kính cột lên đến hơn 60cm ở tòa miếu và gần 1m ở Chính điện luôn là rất mới lạ đối với nhiều du khách. Thi công các bức chạm trổ bằng gỗ luôn hấp dẫn mọi người nhờ tính nghệ thuật cao của những mảng điêu khắc. Việc tham quan, hiểu cách làm của nhà nước cũng góp phần quan trọng tạo thêm sự đồng thuận của người dân Thanh Hóa và du khách đối với quá trình tu bổ, phục hồi Lam Kinh.
Còn nhớ thời kỳ từ 2003 về trước, sự tranh cãi có nên tu bổ kiến trúc gỗ khu Chính điện tại vị trí nguyên gốc hay để nguyên vết tích nền móng đã đưa đến một đề xuất xây dựng khu Chính điện theo lối cổ nhưng tách ra vị trí khác trong khu rừng Lam Sơn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã kiên định cùng Bộ Văn hóa nên đề xuất ấy không được chấp nhận. Nếu đề xuất xây dựng khu Chính điện mới được chấp nhận, chắc chắn các công trình này sẽ chỉ là kiến trúc thời nay, không có giá trị gì về lịch sử cũng không mang lại ý nghĩa thành kính của hậu thế với tiền nhân. Trong trường hợp ấy, sức thu hút khách đến Lam Kinh sẽ chẳng có gì đáng kể. Từ khi có các tòa miếu và nhất là từ khi công trình Chính điện thi công xong, các lễ hội luôn hấp dẫn bởi sự lộng lẫy và linh thiêng của kiến trúc thời Lê ngay chính tại nền móng cổ, lễ hội hàng năm ước tính hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trong tỉnh ta và nhiều tỉnh thành lân cận đã về dự. Những năm tỉnh không tổ chức và giao cho Sở Văn hóa tổ chức lễ hội cũng không làm lượng người về dự giảm đi. Trái lại, năm sau bao giờ cũng thu hút đông khách dự lễ hội hơn năm trước.
Các công trình di tích ở Lam Kinh bao gồm rất nhiều hạng mục khác nhau. Từ kiến trúc khung gỗ như các Tòa miếu, Chính điện đến kiến trúc gạch đá như Giếng cổ, sông Ngọc, Sân Rồng hoặc kiến trúc hỗn hợp như nhà che bia, v.v... Tất cả đều được thực hiện tu bổ theo một quy trình như đã trình bày trên. Do vậy, có thể nhìn nhận chất lượng tu bổ khá tốt và làm bài học để triển khai tu bổ các di tích lớn trong tỉnh như đền Bà Triệu, đền Đồng Cổ…
Diện mạo các kiến trúc chính của khu thành điện Lam Kinh đã khá đầy đủ, một số kiến trúc vòng ngoài như lăng, nhà bia... đã được phục dựng hầu hết. Để các kiến trúc này bền lâu, phát huy giá trị tốt chúng tôi đề nghị cần có các biện pháp sau đây:
Cần có biện pháp bảo trì thường xuyên, hiệu quả
Công trình kiến trúc gỗ ở Lam Kinh đều là công trình mái dốc, lợp ngói, cửa có ngạch và có nhiều chi tiết kết cấu tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Tất cả chúng đều đặt trong tổng thể khu rừng Lam Sơn có mật độ cây khá dày. Do vậy, trong lòng nhà luôn có sự tương đồng với môi trường bên ngoài. Mỗi khi trời mưa, nhất là khi mưa dầm dề, hoặc những trận mưa lớn và kéo dài đột biến như năm 2017, những trận bão lũ khó lường của tự nhiên trong nhiều năm qua làm cho trong lòng nhà luôn có độ ẩm rất lớn, kết cấu nhanh bị hư hao, xuống cấp. Đất Lam Kinh phù hợp cho mối sinh sôi nên khi làm nền nhà người ta đều rải thuốc chống mối, nhưng không có loại thuốc nào tồn tại vĩnh viễn trong lòng đất ẩm, tất cả chúng chỉ có tác dụng ngăn mối xâm thực công trình trong một số năm nhất định và tùy thuộc vào độ thấm nước của nền nhà. 
Có thể nói rằng, không có bất cứ loại gỗ, ngói nào có thể bền lâu trong môi trường như vậy nếu không có sự chăm sóc thường xuyên của con người. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế của các công trình, nhất là các kiến trúc ít tường bao che, về độ ẩm, độ bền của cấu kiện, tác động cơ học của con người đến cấu kiện, sự xô lệch do gió mưa bão lũ và tình hình co ngót vật liệu cũng như các vấn đề khác. Từ đó cần thường xuyên có kế hoạch lau chùi, chống mối, chống mọt, thay thế những chi tiết mục mại, nứt vỡ, chặt bỏ những cành cây vướng vào mái ngói, không để xảy ra hàng loạt hỏng hóc rồi mới vội vàng đi sửa chữa. 
Các cấu kiện ở đây thường rất lớn so với nhiều công trình cổ khác, chỉ cần thay một viên ngói, một viên gạch lát ở đây cũng phải đặt hàng từ nhiều ngày và không thể tìm trên thị trường, thay một cấu kiện gỗ vừa cần gỗ nhiều vừa rất khó lắp dựng vì các cấu kiện xung quanh đều to và nặng. Vì vậy, việc bảo trì công trình kiến trúc gỗ, mái ngói ở Lam Kinh luôn cần một khoản kinh phí không nhỏ. Ban quản lý di tích cần phải chủ động lập kế hoạch để công việc không bị ngưng trệ. Các cụ ta có câu “của bền tại người”, nếu chúng ta chăm chút thường xuyên thì công trình sẽ được khắc phục hư hỏng kịp thời, không có chuyện  “cái sảy nảy cái ung”.
Chú trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy nổ
Rừng Lam Sơn mang lại không gian thành kính cho khu thành điện nhưng ẩn chứa rủi ro về cháy nổ rất cao. Việc thường xuyên được đón nhiều du khách đến tham quan mang lại sự hấp dẫn của di tích nhưng cũng tạo ra áp lực về phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, sự thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu trách nhiệm của con người cũng là những rủi ro rất lớn, việc cháy đền Trung Túc Vương Lê Lai năm 2013 là một bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ. 
Những công trình kiến trúc gỗ cần phải được thường xuyên kiểm tra những mầm mống tiềm ẩn của cháy nổ như việc thắp hương, đèn, nến và dây dẫn điện dọc kết cấu, thậm chí việc đốt vàng mã khi hạ lễ cũng phải được quy định nghiêm ngặt và kiểm tra thường xuyên để không có mầm mống gây cháy nổ nào không được kiểm soát hiệu quả. Diện tích rừng Lam Sơn bao phủ xung quanh các kiến trúc gỗ với tỷ trọng áp đảo. Trong đó, phần rừng xung quanh khu thành điện có nhiều tầng cây bụi, rậm rạp và dễ cháy. Do đó, phần rừng trong khu thành điện phải sớm loại bỏ cây bụi tạp, làm lộ các công trình cổ cho du khách tiếp cận dễ dàng và an toàn, sạch sẽ. Cần phải sớm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước cho rừng, định kỳ kiểm tra sự vận hành để đảm bảo chắc chắn rằng khi có sự cố cháy nổ, đã có ngay một nguồn nước phân bố đều các khu vực trực tiếp cần nước. Phần rừng xung quanh các công trình kết cấu gỗ cần được phân lô thửa hợp lý để thường xuyên phát hiện những mầm mống gây cháy nổ và xử lý ngay từ đầu.
Lam Kinh độc đáo ở chỗ có không gian thiên tạo và nhân tạo hài hòa làm một và tạo ra một cảnh sắc rất thú vị, công tác tu bổ, phục hồi khu di tích lịch sử Lam Kinh đã tạo nên nhiều kinh nghiệm quý cho chúng ta và đóng góp rất lớn vào sự thú vị ấy. Lam Kinh còn nhiều hạng mục kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật khác chưa được phục dựng như tả vu, hữu vu, cầu gỗ qua sông Ngọc, Tường Thành, đền Bà Hàng Dầu, v.v... Nhu cầu ấy cần một khoảng thời gian và kinh phí không nhỏ. Với cách làm như thời gian vừa qua, Thanh Hóa có thể huy động được vốn từ nhiều nguồn, tu bổ, phục dựng được các hạng mục còn lại để có thể phát huy giá trị đầy đủ của khu di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, công tác bảo vệ, tu sửa, bảo trì, phòng chống cháy nổ được quan tâm chu đáo, chắc chắn các công trình kiến trúc và cảnh sắc của khu di tích sẽ càng thêm hấp dẫn, góp phần phục vụ ngày một tốt hơn khách tham quan và mọi người đến tìm hiểu di tích.
                                                                                           

L.H.C


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 3203
 Tổng số truy cập: 7477935
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa