Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Mạnh Lê - Hồn thơ mang thổ âm sông
Mạnh Lê - Hồn thơ mang thổ âm sông

Nhà thơ Mạnh Lê(*) (1953-2008) tên thật là Lê Văn Mạnh, người làng Trà Đông, tên nôm là Kẻ Chè, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn, “trên thềm sông cổ”:
Tôi có niềm vui chờ một đêm trăng
Tôi có lời yêu để nơi bến đậu
Sông Mã quê cha, sông Chu quê mẹ
Tôi cắm con sào giữa ngã ba sông
            (Một thời tôi)
Trong lời tựa tập thơ “Một cuộc đời sông” của Mạnh Lê, NXB Văn học ấn hành năm 1997, nhà thơ Nguyễn Bao, người xứ Thanh từng nhận xét: “Hóa ra con sông Mã lắm thác ghềnh nhưng cũng đầy thơ mộng, đã gợi mở bất tận những tứ thơ bay bổng cho các thế hệ thi sĩ Thanh Hóa tiếp nối nhau, bồi đắp cho đậm đặc thêm sắc thái riêng của vùng thơ. Đến lượt mình, Mạnh Lê biết hòa vào văn mạch của những người đi trước và đẩy cảm xúc theo kịp nhịp sống sôi động mới, vừa phản ánh được những gì gân guốc, dữ dội, vừa điểm tô thêm nét tươi tắn, trữ tình của mạch đời và dòng chảy con sông…”.
Tiếp nối mạch nguồn ấy, biết được sự liên tục của dòng chảy con sông, của mạch chảy đời người, Mạnh Lê nhận ra điều ông gọi là “những ràng buộc”: “Tôi chịu ơn những sợi dây ràng buộc/ Người mất người còn sau cuộc chiến tranh” (Những sợi dây ràng buộc). Không phải ngẫu nhiên mà hai trong số các tập thơ của ông có tên là “Từ ai đến tôi”, và “Tôi và ai nữa”! Nó là những câu hỏi tưởng bâng quơ mà xoáy vào tim gan mọi người, là nỗi trăn trở, day dứt: “Ngày lại ngày với tôi còn ai nữa/ Cùng tôi đi tiếp cuộc hành trình”. Đã đành không thể quên được vị trí, bổn phận của mình trong sự nghiệp của dân tộc, sự vận động của cuộc sống, ông coi mình là một thành tố trong cộng đồng, không bàng quan trước mọi biến động:
Tôi cất tiếng chào đời vào một đêm hút sâu
Tiếng vang lên trời, tiếng rơi xuống đất
Cái tín hiệu bắt đầu sự sống vang động 
                đồng thời hai cõi âm dương
Cha tôi là thợ đúc đồng người như thỏi đồng hun
Mẹ là gái lạch sông người như bát nước
Nóng lạnh ấy gặp nhau hòa tan cơn khát…
            (Từ ai đến tôi)
Thơ ông bộc lộ tính triết lý nhân sinh: có sinh và có tử, duy vật và duy tâm, trường tồn và mai một… luôn ám ảnh bởi nét đẹp, cái may mắn lẫn rủi ro từ những câu chuyện cổ tích… ông sớm nhận ra quy luật nghiệt ngã:
Thao thức hồn tôi tiếng chày giã đất và
                tiếng kèn đám ma… 
                    (Từ ai đến tôi)
Gắn bó với quê hương, tuổi thơ ông lớn lên trong tiếng chày giã đất của làng nghề làm khuôn đúc đồng, trong tiếng gió đưa hương lúa và nhịp thở của dòng sông. Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung của ông là nơi có nghề đúc đồng nổi tiếng cả nước, nơi ấy để lại cho ta “chuông Trấn Vũ, Tháp Bảo Thiên, Vạc Minh Đỉnh, Tượng chùa Quan Thánh, cùng trống đồng sông Hồng, sông Cửu Long, sông Mã, sông Lam”, và vui nhất có một đêm bên thềm dòng sông cổ: “Thợ làng nghề gặp Bác/ Bác Hồ đi cùng các vua Hùng/ Đánh thức từng ngọn núi, dòng sông”, cái đêm “cháu con xin dâng lên núi sông một chân dung đẹp nhất”: một suối hồng rực rỡ, suối đồng đã chảy vào khuôn đất! “Mặt trời lên như say/ Xóm thợ nhận một dáng hình đẹp nhất/ Tượng đồng Hồ Chí Minh!”.
Mạnh Lê thủy chung và bền bỉ với đất đai, sông nước quê mình, ông lắng từng cơn mưa nguồn chớp bể, tiếng cuốc kêu rút ruột, tiếng cá quẫy trăng tàn, ngắm “bóng cò chiều lặn, xoãi cánh gọi mưa”. Quê hương gắn bó với ông từ những gì gần gũi nhất, đáy giếng góc vườn, là:
Lá trầu vàng trên cao mẹ không hái được
Em hái trầu rửa trầu bên giếng nước
Hương trầu cay mắt mẹ cũng cay
            (Gương trăng)
Bãi sông bến nước bồi đắp nên điều nhân nghĩa, là trầm tích đạo lý ở đời, qua mùa phù sa tới mùa nước kiệt, có cái đã trở thành tập tục, tập quán, “lá lành đùm lá rách” lưu truyền đến muôn đời sau. Từ lễ cúng nước đầu xuân “Em thay mẹ mang chai ra đầu sông lấy nước/ Bát nước cầu mong được đặt lên bàn thờ tổ tiên” để nhớ ơn con nước đầu nguồn. Trong thơ ông còn có nấm mộ cỏ: mộ cô gái chết trôi được làng chài vớt lên giữa đêm mưa gió. Người làng mang tới nén nhang, quả trứng: 
Tháng bảy qua kỳ mưa giăng
Mộ cỏ có thêm những bộ quần áo bằng giấy màu ngũ sắc
và: 
Đã hai mươi năm
Làng chưa gặp thân nhân tới đây nhận mộ
Cả làng tôi thành những thân nhân… 
Có những vật dụng gần gũi như “ông bình vôi” của mẹ đã truyền qua bao kiếp người, nó là: 
Củ hành khổng lồ thời gian không bóc vỏ được
Chỉ ruột bình là trắng tinh trong như sữa mẹ
Những giọt vôi thấm vào trầu, miếng trầu đỏ trên môi người. Lúc mẹ ra đi chỉ dặn con cháu chôn ông bình vôi dưới gốc đa đầu làng… Quê hương còn là “Cái ổ rạ cha nằm ngày nhắm mắt…/ Lửa nùn rơm mẹ ủ suốt canh dài” (Rơm rạ của đời người), là tượng thần ăn mày: “Làng tôi thờ tượng thần ăn mày/ Xin để rồi cho, trả lại vay” (Tượng thần ăn mày). Thơ Mạnh Lê là tiếng nói từ một vùng nông thôn “gốc”, nó luôn ổn định trong mọi biến động của lịch sử, qua hai cuộc chiến tranh cứu nước, là nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng quê, gìn giữ những giá trị nhân văn, trường tồn. Ông lên án cái thói gặp thời mà quên gốc rễ, quên quê hương bản quán của mình: 
Có đời người tựa dòng trôi gặp biển
Vội quay lưng ngoảnh mặt với sông nhà
            (Sông quê)
Khi bước vào con đường sáng tạo văn chương, Mạnh Lê đã có được cái vốn văn hóa nhất định, là cơ sở giúp nâng cao nhận thức của ông trước cuộc sống, đẩy cảm xúc thăng hoa, nên thơ ông thường được khai thác một cách tối ưu cả nội dung đề tài lẫn hình thức thể hiện. Mạnh Lê đắm chìm trong âm hưởng dân ca, dân vũ, tiếng hò “dô tả dô tà” cực nhọc của trai đò dọc sông Mã, sông Chu… Âm điệu quê hương đậm đặc trong thơ ông vừa gân guốc vừa đằm thắm, vâm váp và tươi khỏe. Ông là một trong không nhiều nhà thơ đưa được cái hồn nhiên, ăm ắp tình người tình đất, về văn hóa dân gian! Là người thơ có nhiều quan sát, sẻ chia về nông thôn, ông đi đến tận cùng bản ngã, chiều sâu vỉa đất để nhận ra thổ âm và luôn nghĩ tới sự hiện diện của mình trong vận động của đời sống xã hội: 
Đôi mắt ấy nhìn lâu ướm hỏi
Cuộc đời này ai biết có ta chưa? 
Con người lao động và khung cảnh nông thôn hiện lên trong thơ Mạnh Lê thật đẹp và khỏe khoắn:
Tiếng cuốc, cuốc bao bình minh gió giật
Cha tôi phanh trần cuốc ruộng trước hoàng hôn
        (Tiếng cuốc)
Nhưng cũng hiện lên một nông thôn đầy lo toan phấp phỏng, không dễ dàng gì qua bao nắng mưa lũ lụt:
Bão tan nước rút đồng khô cạn
Chớp mắt nhìn ra đã tháng mười
Mưa lũ mùa này không cứu nổi
Đồng ta còn đất với ta thôi
hay:
Mắt lại nhìn ra nơi góc ruộng
Một bầy cu gáy gật gù nhau
Vợ ta lầm lũi vung tay cuốc
Hẹn với lời chim đến vụ sau…
        (Tiếng chim cu gáy)
Người thơ ấy không chỉ là người thơ cần mẫn như con cò mò lặn trên cánh đồng tìm kiếm những câu thơ tinh chất ở vùng thổ âm sông, thơ ông hàm súc mà nặng chất suy tư, những triết lý sâu sắc, trăn trở trước mọi cảnh vật, con người: 
Giờ thì cha không cần phải bận tâm chuyện bất công ở đời
                            sao mãi chưa hết
Cha sẽ đi tìm đảo vàng có con chim phượng
Cha tôi không cần vàng, chỉ mong điều mơ ước tốt lành có thực ở trần gian…
                (Từ ai đến tôi)
Có thể nói Mạnh Lê là nhà thơ viết về nông thôn nổi bật của xứ Thanh, những tác phẩm thơ, những tập trường ca và những giải thưởng ông giành được đã đưa tên tuổi ông lên hàng đầu các nhà thơ xứ Thanh trong thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. “Chặng đường thơ phía trước đang cuốn hút ông mạnh mẽ bởi cuộc sống đang đổi mới từng ngày, ánh sáng và bóng tối đan cài trong niềm vui lẫn nhức nhối đời thường”, cơn bạo bệnh đột ngột đã đưa ông đi lúc nhà thơ đang dồi dào bút lực, trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp!
                                                                                           T.N.D


(*): Nhà thơ Mạnh Lê: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Ông đã xuất bản 7 tập thơ, 3 tập trường ca. Giải thưởng cuộc thi Thơ Tuần báo Văn nghệ cho bài thơ “Dô tả dô tà” năm 1995 và Tặng thưởng của Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Một cuộc đời sông”.
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 3908
 Tổng số truy cập: 7551729
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa