Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nghị quyết 23-NQ/TW hiện hữu sinh động trong đời sống văn học nghệ thuật xứ Thanh
Nghị quyết 23-NQ/TW hiện hữu sinh động trong đời sống văn học nghệ thuật xứ Thanh

Sau đề cương văn hóa năm 1943, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng là sách lược lãnh đạo nền văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị/ BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII ngày 16-8-2008, nhằm tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là quyết định quan trọng lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác văn hóa trong đó văn học nghệ thuật (VHNT) là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập. VHNT là lĩnh vực hết sức quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người và là một trong những động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc, chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội; Cần phải có các chính sách hợp lí vừa để tôn trọng quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, vừa có tác dụng khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ - người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng cần phải phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao trách nhiệm với cộng đồng... Sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc. Căn cứ những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 10 của Tỉnh uỷ Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị;  Đảng đoàn Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa đã tập trung xây dựng chương trình hoạt động thực hiện đưa Nghị quyết 23-NQ/TW vào đời sống một cách thiết thực và sinh động.
Nghị quyết 23 Bộ Chính trị khóa VIII ra đời không chỉ tạo ra động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh về số lượng mà còn về chất lượng.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm Đảng Đoàn Hội VHNT Thanh Hóa đã triển khai thực hiện rất nhiều các hoạt động cả về giáo dục chính trị, tư tưởng cả về hoạt động sáng tác để nhanh chóng đưa nội dung và tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị vào đời sống, đặc biệt là đến với văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như: 1. Tổ chức các lớp tập huấn nghiên cứu về Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa VIII do Nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam quán triệt; 2. Cử các đồng chí lãnh đạo Trưởng - Phó Ban Chuyên ngành, các văn nghệ sĩ có uy tín chuyên môn dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận VHNT do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức. Nhiều văn nghệ sĩ được cấp các chứng chỉ về lý luận, phê bình VHNT qua các chương trình đào tạo; 3. Quán triệt Nghị quyết 182/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XIX quy định về Giải thưởng VHNT hàng năm và Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông 5 năm xét 1 lần thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa với văn nghệ sĩ...
Bên cạnh các hoạt động mang tính chất định hướng tư tưởng thì Đảng Đoàn Hội VHNT Thanh Hóa cũng tích cực tổ chức các hoạt động nâng cao chuyên môn như: 1. Tổ chức 15 lớp bồi dưỡng năng khiếu các cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số, mời các nhà văn có uy tín ở Trung ương hướng dẫn; 2. Tổ chức 10 Trại sáng tác VHNT tại địa phương và các Hội Chuyên ngành Trung ương với hàng trăm văn nghệ sĩ tham gia; 3. Tổ chức các chuyến thâm nhập thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở một số hội bạn, các địa phương trong tỉnh và trên cả nước; 4. Tổ chức các cuộc thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và các cuộc thi do Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức: Truyện ngắn, Ký, Thơ, Ca khúc, Ảnh, Mỹ thuật… qua các giải thưởng của các cuộc thi lựa chọn những cá nhân đạt giải thưởng xét kết nạp hội viên. Năm 2009, toàn Hội có 305 người thì đến năm 2020 đã kết nạp thêm được 75 hội viên mới nâng tổng số hội viên lên 480 văn nghệ sĩ trên cả 11 ban chuyên ngành. Nhìn chung hội viên mới được xét kết nạp từ năm 2008 đến nay đều được đào tạo cơ bản tại các trường đại học, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt có một số hội viên trưởng thành ở lực lượng vũ trang: Công an, quân đội, bộ đội biên phòng tỉnh. Trước năm 2008 có 64 hội viên được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú; Từ sau năm 2008 đến nay số Hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là 39 người; Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là 07 người và Nghệ nhân ưu tú là 02 người.
Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII còn là nguồn cổ vũ, động viên khuyến khích văn nghệ sĩ xứ Thanh nỗ lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương ngày một đổi mới và phát triển.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với văn nghệ sĩ tỉnh nhà những năm cuối của thế kỷ XX, mặc dù kinh tế tỉnh nhà mới phát triển, song Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã dành sự quan tâm, ưu ái đối với giới văn nghệ sĩ bằng các chính sách mới. Dành kinh phí cho việc đầu tư sáng tác VHNT và cho 2 hệ thống Giải thưởng VHNT hàng năm của Hội VHNT Thanh Hóa, Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông 5 năm của tỉnh. Với các giá trị Giải thưởng hàng năm của Hội VHNT Thanh Hóa (Giải A: 2 triệu; Giải B: 1 triệu; Giải C: 5 trăm; Giải khuyến kích: 3 trăm). Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông 5 năm của UBND tỉnh Thanh Hóa (Giải A: 5 triệu; Giải B: 3 triệu; Giải C: 2 triệu; Giải khuyến kích: 1 triệu) 
Khi có Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xây dựng Chương trình hành động số 10 thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Nghị quyết số 182/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và thế giới thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thể dục - thể thao; Giải về khoa học và công nghệ; Văn học - Nghệ thuật, báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó Giải thưởng VHNT hàng năm của Hội VHNT Thanh Hóa, Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông do UBND tỉnh 5 năm trao 1 lần. Với các giá trị Giải thưởng VHNT hàng năm (Giải A: 10 triệu; Giải B: 6 triệu; Giải C: 4 triệu; Giải khuyến khích: 2 triệu). Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông 5 năm thực hiện từ năm 2021 (giai đoạn 2016-2020): (Giải Đặc biệt: 100 triệu; Giải A: 60 triệu; Giải B: 40 triệu; Giải C: 20 triệu; Giải Khuyến khích: 10 triệu). Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Chương trình hành động số 10 thực hiện Nghị quyết 23 của Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thực sự trở thành nguồn động viên, khích lệ giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà hăng say lao động sáng tạo và từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng cao. Qua tám năm xét giải thưởng VHNT hàng năm, chúng ta đã có 25 tác phẩm đạt giải A, 88 tác phẩm đạt giải B, 124 tác phẩm đạt giải C và 50 tác phẩm đạt giải Khuyến khích. Đáng mừng hơn là chất lượng và số lượng giải có nhiều chuyển biến rất tích cực. Nếu như năm 2012 xét cả 11 Ban Chuyên ngành chúng ta chỉ có một tác phẩm đạt giải A thì đến năm 2019 chúng ta đã có 7 tác phẩm. Qua đó, có thể khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết 23-NQ/TW, cũng như Chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy Thanh Hóa đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật xứ Thanh. Nhìn lại sau gần 10 năm thực hiện, giờ đây VHTN Thanh Hóa đã có những bước chuyển mình tích cực cả về tư tưởng cả về nội dung cũng như chất lượng và số lượng hoạt động của hội viên Hội VHNT Thanh Hóa. Với những cố gắng bền bỉ và tinh thần làm việc trách nhiệm Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016, đây vừa là sự ghi nhận vừa là nguồn cổ vũ động viên và khích lệ tinh thần đối với văn nghệ sĩ xứ Thanh trong lao động sáng tạo VHNT.
Bên cạnh những việc đã làm được thì trong một số ít trường hợp chúng ta còn chưa thực sự quyết liệt trong hành động, chưa thực sự thẳng thắn trong đánh giá và có biểu hiện thiếu khách quan trong nhận định. Ví dụ như: Điều lệ của Hội VHNT Thanh Hóa quy định: Những công dân từ 18 đến 65 tuổi đang sinh sống ở Thanh Hóa có quá trình hoạt động VHNT, có tác phẩm được đông đảo công chúng và người cùng ngành thừa nhận, có đủ tư cách đạo đức tốt, tán thành Điều lệ của Hội được 02 hội viên giới thiệu thì được Ban Chấp hành xét kết nạp hội viên. Các trường hợp đặc biệt đã quá 65 tuổi, đang tích cực hoạt động có những sáng tác, nghiên cứu xuất sắc thì được Ban Chấp hành quyết định. Điều lệ quy định đã ra về độ tuổi, về tiêu chuẩn cụ thể để làm căn cứ cho các Ban Chuyên ngành làm thước đo xét đề nghị kết nạp hội viên mới. Song hiện tại vẫn còn tình trạng “nhìn nhau”, “nể nang”, thậm chí “liên kết tác động gây áp lực cho Lãnh đạo Ban, cho Ban Chấp hành xét những trường hợp hội viên ngoài 65 tuổi, không có thành tích xuất sắc trở thành hội viên”. Vô hình trung, số hội viên này không những không tăng thêm sức mạnh cho Hội mà ngược lại. Do vậy việc xét kết nạp hội viên mới cần chú trọng hơn nữa về tiêu chí xét. Hay như việc xét Giải thưởng VHNT hàng năm, nhìn chung qua các kỳ xét, trao giải thưởng tính khách quan trong việc xem xét, đánh giá chất lượng tác phẩm được chú trọng, thành viên các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo đều tôn trọng quy chế, do đó chất lượng Giải thưởng VHNT hàng năm được nâng cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có biểu hiện “nể nang”. Do vậy nên chăng trong Hội đồng Sơ khảo các Ban Chuyên ngành có đặc thù giống nhau: Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh; Múa, Âm nhạc… Mỗi Ban nên có một thành viên của Ban tương tự tham gia Hội đồng để khi xét công tâm, khách quan và chất lượng tốt… Để Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị thực sự đi vào đời sống, thấm vào tư tưởng thì những tồn tại hạn chế nói trên dù ít dù nhiều vẫn cần phải khẩn trương và nghiêm túc khắc phục, có như vậy mọi hoạt động của Hội mới thực chất.
Có thể khẳng định rằng Nghị quyết 23 Bộ Chính trị khóa VIII là động lực thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng, chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh; cũng như số lượng, chất lượng các tác phẩm đạt Giải thưởng VHNT hàng năm từ đó góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Để tiếp tục đưa Nghị quyết 23 vào thực tiễn cuộc sống một cách sâu rộng và có hiệu quả hơn nữa, Đảng Đoàn Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và đội ngũ văn nghệ sỹ về những nội dung cơ bản Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nỗ lực hơn nữa trong việc tham mưu cho tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa Nghị quyết và các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác văn học, nghệ thuật. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu thiết thực. Thường xuyên tuyên tuyền, giáo dục nâng cao ý thức cách mạng, đấu tranh có hiệu quả chống những quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và sự xâm nhập của các tác phẩm văn hóa độc hại, có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW và Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư. Quan tâm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quê hương, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, coi đây là lực lượng kế cận, nòng cốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà trong tương lai.
                                

N.V.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 131
 Hôm nay: 2476
 Tổng số truy cập: 7667213
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa