Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Tản mạn duyên thơ với xứ Thanh và chuyện chấm thi thơ
Tản mạn duyên thơ với xứ Thanh và chuyện chấm thi thơ

1. Tôi tự nhận mình là người có duyên với xứ Thanh. Duyên Tình và Duyên Thơ. Duyên Tình thì khởi muộn, chóng đứt, chỉ còn lại một vài kỷ niệm: Phà Cổ Tế vầng trăng chợt sáng/ Khi cơn giông không đuổi kịp hai người/ Thời gian trôi, làng Bèo không giạt/ Bên tre, bên đồng vẫn ngõ ấy thôi! Còn Duyên Thơ sớm sủa, phong phú và xem chừng bền chặt. Phải tính từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn là đứa trẻ bé tý, chưa biết chữ, qua lời truyền miệng của người làng mà tôi đã thuộc lòng một bài thơ viết về xứ Thanh. Đó là bài thơ "Ai đi về Thanh” mà tác giả là một Thiếu sinh quân, quê xứ Nghệ sáng tác để bày tỏ lòng biết ơn mảnh đất và con người xứ Thanh đã cưu mang mình: Ai đi về Thanh/ Nơi đồng lúa xanh xanh/ Nơi núi lèn biêng biếc/ Nơi thôn xóm xinh xinh.  Ai đi về Thanh/ Ai về bên Khe Nước Lạnh/ Ai qua Nông Cống/ Ai tới chợ Đà/ Niềm vui em gửi làm quà mẹ em. Nửa đêm lên đường/ Đùm cơm nếp bên hông/ Mẹ chạy theo hớt hải/ Bao giờ con trở lại?/ Chủ nhật sao nào thấy con sang/ Bao giờ độc lập vinh quang/ Các con có nhớ xóm làng này không?… Đất và người xứ Thanh bắt đầu thấm vào tôi từ đó.  
Lớn lên tôi đi học, qua dần từng lớp, từng cấp. Trời cho tôi cái tính thích thơ, thấy thơ là đọc, là thuộc, thơ trong Văn Tuyển (sách giáo khoa) thì thuộc hết mọi bài sau khi sách đến tay mình một vài tuần, nghĩa là trước khi được thầy giảng bài đó rất lâu. Thơ trong tập, trong báo, nói chung là sách báo mượn, tôi cũng thuộc bằng hết những bài đã đọc trước khi trả sách, báo lại cho chủ. Nhờ thế mà khá sớm tôi nhận biết được nền thơ nước nhà, và điều muốn nói ở đây, biết được các nhà thơ xứ Thanh, điển hình như Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hữu Loan… là người tiên phong, có công lớn trong việc phát triển thể thơ tự do mới manh nha trong thời kỳ thơ mới thành thể thơ phổ biến trong nền thơ kháng chiến về sau.
Tôi tốt nghiệp Tổng hợp Toán, nhập ngũ để làm kỹ thuật mật mã và làm… thơ! Trong lễ tổng kết cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969, tôi được gặp nhiều “tân khoa” xứ Thanh” như Văn Đắc, Mã Giang Lân, Vương Anh. Cuộc thi đó toàn miền Bắc có 20 người trúng giải, xứ Thanh có đến 3 người, cũng phần nào nói lên “bản lĩnh thơ” vùng này. Và với tôi, cuộc thi đó đã tạo bước ngoặt cho bản thân tôi rẽ sang đường văn chương, về học khóa 5 lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn rồi trở thành Biên tập viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong 35 năm công tác, tôi là bạn của hầu hết các nhà thơ xứ Thanh và giới thiệu tác phẩm của họ lên trang báo, như Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Bao, Định Hải, Nguyễn Duy, Mã Giang Lân, Vương Anh, Văn Đắc, Anh Chi, Đào Phụng, Huy Trụ, Trịnh Minh Châu, Mạnh Lê, Lâm Bằng, Lê Văn Sự, Vũ Thị Khương, Nguyễn Thị Hồng Vân, Trịnh Thanh Sơn, Trần Cao Sơn, Đỗ Xuân Thanh, Mai Linh, Đinh Ngọc Diệp, Trịnh Ngọc Dự…
Không chỉ các nhà thơ nổi tiếng, quen tên của xứ Thanh để lại ấn tượng trong tôi, mà có khi một cộng tác viên chỉ duy nhất một lần gửi thơ về tạp chí, tôi chưa từng gặp mặt, thế mà bốn mươi năm không hề quên được. Khoảng đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi biên tập thơ, tôi nhận được bản thảo viết tay của một người lính gửi về tòa soạn. Chắc vì thiếu giấy, nên trình bày khá chật chội, rất không “chuyên nghiệp”. Thế nhưng khi đọc xong, tôi thật sự kinh ngạc về chất lượng của bài thơ. Tôi đã biên tập và đăng ngay vào tạp chí, và về sau đã chọn in trong Tuyển tập thơ hay 50 năm của tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản năm 2007. Với tôi, đó là bài thơ hay nhất của nước ta viết về người mẹ liệt sỹ. Theo trí nhớ, tôi chép lại để các bạn cùng thưởng thức, bài thơ đầu đề là “Mẹ”: Các con mẹ hy sinh ở Mặt trận phía Tây/ Máu mẹ thấm đầm đìa đất miền rừng xa ngái/ Chiều chiều dõi mắt về phương ấy/ Lòng mẹ chiều nào cũng có mặt trời rơi. Mẹ còng lưng đối xứng với chân trời/ Bóng mẹ in lên bờ vùng, bờ thửa/ Chiều chiều bóng núi sà sát cửa/ Bóng mẹ nhập vào bóng núi rừng xa. Thương trẻ là nỗi đau thân già/ Đầu mẹ đêm đêm có rễ xuyên, mưa xói/ Lòng mẹ rộng quá biển trời biên giới/ Mái tóc bạc đêm đêm gối tới chỗ các con nằm. Cuối bài thơ ghi tác giả Chu Linh. Hơn bốn mươi năm tôi không biết Chu Linh là ai, ở đâu, tại sao làm thơ hay thế mà không có bài nào khác? Gần đây tôi đăng bài thơ và đem câu hỏi đó lên mạng Facebook và được nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trả lời: “Chu Linh tên thật là Nguyễn Văn Thắng, quê ở Thọ Xuân,Thanh Hóa, học xong lớp 9 thì nhập ngũ vào Đoàn 559, sau chiến đấu ở chiến trường K, là Thiếu úy, vì làm mất súng nên bị kỷ luật về quê, xin việc không đâu nhận, viết thuê khi có người cần, mò cua, bắt ốc kiếm sống và đã mất sớm”. Tôi thấy tiếc cho một tài năng thơ xứ Thanh. Nếu như anh được công tác tại một cơ quan văn nghệ, tin chắc thi đàn Việt Nam còn thêm những bài thơ hay!
2. Đây là lần thứ tư tôi được xứ Thanh mời làm thành viên Ban Chung khảo cuộc thi thơ. Ban Tổ chức cuộc thi bảo do tín nhiệm, tôi lại nghĩ do Duyên Thơ. Thành viên Sơ khảo hay Chung  khảo là người chấm thi thơ, nói gọn là chấm thơ. Người chấm thơ cần có những gì nhỉ? Trước hết, về chuyên môn, phải là người hiểu thơ, sành thơ… nên hầu hết họ là các nhà thơ hoặc nhà phê bình, nghiên cứu thơ. Nếu như là các nhà thơ từng kinh qua công tác biên tập thơ, từng phê bình giới thiệu thơ thì việc chấm thơ càng thuận tiện. Về phẩm chất, người chấm thơ cần khách quan, công tâm. Để hỗ trợ cho tính khách quan, tên các tác giả dự thi nên được mã hóa, một kiểu “rọc phách” mà thí sinh ta quen dùng. 
Có người hỏi rằng công việc cụ thể của Ủy viên Ban Chung khảo là gì? Với những người khác thì tôi không rõ, với tôi thì như sau. Thông thường Ban Chung khảo nhận về khoảng dăm chục bài thơ từ Ban Sơ khảo, và thời gian để thẩm định khoảng một vài tuần. Trước hết, tôi đọc số thơ đó với tư cách của một bạn đọc thưởng thức thơ, nên có thể nằm đọc. Sau vài buổi, đọc qua vài lần tôi đã hình dung sơ bộ về chất lượng chung của cuộc thi, và về cảm tính phân biệt được sự chênh lệch giá trị của các bài. Đến buổi tiếp theo, thường là buổi sáng khi mình minh mẫn nhất trong ngày, thì bắt đầu đọc số thơ ấy với tư cách người biên tập, nhà phê bình nên ngồi nghiêm chỉnh bên bàn làm việc. Đọc chậm từng bài, dùng bút đánh dấu những câu hay, ý hay bằng dấu cộng (+), những câu mòn, cũ, ý kém bằng dấu trừ (-). Cũng phải mất vài buổi mới đọc xong, đánh dấu xong tất cả các bài. Buổi tiếp theo đọc lại một lượt tất cả các bài đã đánh dấu, chú ý mật độ các dấu cộng, trừ đã đánh, rồi loại đi một nửa số bài được coi là yếu. Buổi tiếp theo đọc lại những bài đã sơ chọn, và tiếp tục loại đi khoảng một nửa, còn lại khoảng mươi bài, xấp xỉ số bài được trao giải mà Ban Tổ chức cuộc thi đã quy định. Buổi tiếp theo, tự mình đọc lại những bài đó, cân nhắc rồi xếp thứ tự từ trên xuống dưới theo chất lượng.
Lưu ý rằng kết quả sắp xếp này mới chỉ là một ý kiến của một thành viên, nhưng nếu đã chuẩn bị chu đáo thì khi trao đổi, thậm chí tranh luận với các thành viên khác, mình có ngay ví dụ cụ thể về hay, dở của các tác phẩm qua các dấu cộng, trừ, nên ý kiến của mình dễ thuyết phục ủy viên khác.
Có điều này nữa mà tôi muốn bộc lộ. Từ trẻ đến già tôi đã tham dự nhiều cuộc thi thơ và càng nhiều hơn những cuộc chấm thi thơ. Khi nào tôi cũng “dị ứng” với cái gọi là Giải Khuyến khích! Khuyến khích cái gì nhỉ? Đáng giải nào thì xếp vào giải ấy chứ sao lại khuyến khích? Tôi thấy rằng giải thưởng về văn học, nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng ở nước ta là giải về tinh thần là chính, vật chất không đáng là bao, thì sao còn dùng hai chữ “khuyến khích” tội nghiệp, để cho đến nỗi có người được nhận giải mà tủi thân phải giấu bằng khen đi? Vậy nên những cuộc thi nào mà bản thân tôi có thể quyết định được tên các giải, thì chỉ phân ba loại giải là Nhất, Nhì, Ba mà thôi. Và khi tôi chỉ là một thành viên Chung khảo thì hết sức ủng hộ việc dùng giải Tư thay cho giải Khuyến khích như trong cuộc thi này.
Ban Chung khảo cuộc thi thơ “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021 trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh gồm nhà thơ Bằng Việt (Trưởng ban), Trần Đăng Khoa, Vương Trọng là hai Ủy viên. Chúng tôi thống nhất nhận định rằng, cuộc thi này đã thành công tốt đẹp, nhiều bài có chất lượng tốt, nhất là với quy mô cuộc thi của một tỉnh, về một đề tài cụ thể và đối tượng người dự thi dành cho người viết không chuyên là chính.
Bài thơ được cả ba vị giám khảo đánh giá cao nhất là bài "Khúc tưởng niệm” của tác giả Nguyễn Thanh Xuyết. Bài thơ nói về một cựu chiến binh, thời chiến tranh đã lăn lộn cùng đồng đội ở chiến trường ác liệt, hòa bình về quê hương sinh sống, có dịp lại lên trận địa Hàm Rồng xưa, ngồi trên cỏ mà tưởng nhớ những người con gái của xứ Thanh từng chiến đấu, hy sinh ở nơi này. Cảm xúc chân thành, liền mạch, đưa bài thơ đi bằng những câu chữ tự nhiên, chắt lọc và rất thơ. Tôi thích ngay từ khổ thơ mở đầu:
Hình như các chị vừa rời khỏi nơi này
Những ngấn lệ còn vương trên mắt cỏ
Những lọn mây thiếu nữ
Vừa bay về quàng vai núi Ngọc, núi Rồng.
Rồi hồi tưởng và tưởng tượng đã dắt anh về gặp trận địa ngày ấy, các nữ chiến sĩ đã hiện lên đầy thiện cảm với những câu thơ vừa cụ thể, vừa tinh tế:
Thương các chị xuân thì vừa tỏa bóng
Đôi vạt xanh ướt đẫm cả trưa hè.
Và:
Phút giây thiêng người hóa thành bất tử 
Máu trinh nguyên nhuộm đỏ đất đai này
Các chị mãi thanh xuân mười tám tuổi
Có bao nhiêu mây trắng tụ về đây…
Nhưng hai câu thơ hay nhất bài, hay nhất cuộc thi, và xuất sắc viết về sự ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh của người lính, nếu được chọn để thả lên trời trong ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu thì hoàn toàn xứng đáng:
Thương đồng đội tuổi hai mươi về đất
Nhặt bao nhiêu cũng không đủ hình hài!
Trong 13 liệt sỹ hy sinh ở Truông Bồn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, có bảy liệt sỹ bị bom tung mất xác, tôi đã từng thổn thức: Tìm đâu được thịt xương đà tan biến, để phân chia riêng biệt từng người/ Nhớ đinh ninh đồng đội chết chẳng rời, đành gom lại chung nằm một mộ. Nay gặp hai câu thơ này tôi lặng người đi, không phải nghĩ về thơ, mà nghĩ về chiến tranh và sự hy sinh của đồng đội.
Bài thơ được đánh giá cao thứ hai là "Mang trong mình sông Mã. Tôi đi” của tác giả Lê Hòa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thích bài thơ này từ tên bài. 
Sông Mã đã ngấm vào, nhập vào người xứ Thanh đi xa:
Trong máu tôi có một dòng sông Mã
Qua núi đồi, ghềnh thác chênh vênh
Chảy xuống tim thành xa lộ
Chảy xuyên đêm thành chân trời.
Hai câu sau thật táo bạo, táo bạo có lý, cho người đọc nhiều nghĩ suy và tưởng tượng. Rồi liên tiếp những khổ thơ hay: Mang trong mình sông Mã vàng trăng/ Đêm mùa đông ủ trong nùn rơm đỏ lựng/ Ngày phố phường chật chội/ Lại về quê cho khói quấn quanh mình. Và: Mang trong mình sông Mã. Tôi xanh/ Như đọt rau khoai giữa đồng năm đói/ Sau tháng ngày sạt lở/ Lại về sông nghe gió gọi con đường.
Một thế mạnh nữa của bài thơ này là tác giả dùng thủ pháp gợi mở, dành cho người đọc suy nghĩ và tưởng tượng, dành cho nhà giáo, nhà phê bình nhiều điều để nói, để viết, để phân tích cho người nghe, người đọc.
Bài thơ thứ ba được Ban Chung khảo đánh giá cao là “Sông mẹ, sông cha” của tác giả Đăng Sương. Những người chấm thi có đôi chút lăn tăn là những bài giải cao nói về sông hơi nhiều, nhưng rồi tự trấn tĩnh rằng chọn thơ hay là chính, hơn nữa Hàm Rồng, sông Mã, sông Chu chẳng phải là niềm tự hào của người xứ Thanh sao? Nói mẹ sông Chu để dẫn về những người mẹ: Mẹ đã qua những cơn nắng trắng đầu/ Những mùa lũ lúa gồng mình ngậm sữa/ Chiều nuốt hết bóng mẹ ngồi bậu cửa/ Mắt trông chừng trước ngõ ngóng tin anh.
Nói “Sông Mã căng đầy/ Sông Mã bao dung/ Ôi, con sông mang tính khí của cha/ Chảy mạch lạc giữa lở bồi mạnh mẽ!” là để dẫn đến người:
Cha xuôi ngược cùng trai làng dẹp giặc
Hết Thượng Lào lại Nậm Rốm, Lũng Lô...
Ai nào biết lòng cha như ngói vỡ
Mỗi khi hay khoai sắn lại mất mùa.
Khi biên tập cũng như khi chấm thi thơ, gặp bài hay, câu hay là tôi có cảm giác sung sướng như chính mình sáng tác ra nó! Thú thật, với ba bài thơ trên đây, nếu Ban Tổ chức không nói cuộc thi này dành cả cho người không chuyên, mới vào Hội… thì tôi nghĩ rằng đó là tác phẩm của những nhà thơ đã có nhiều thành tựu về thi ca.
 Trong ba bài thơ được xếp giải Ba, bài “Nắng Cửu Chân” của tác giả An Thư được Ban Chung khảo bàn tán nhiều hơn. Tác giả này có hai bài đều viết về lịch sử. Điểm mạnh của tác giả là biết tránh sự thường tình trong thơ, không nói điều gì mà ai cũng biết, ai cũng có thể nói được. Cả hai bài đều ca ngợi quyền tự chủ, độc lập của dân tộc, tác giả góp thêm một giọng nói làm cho thơ dự thi thêm đa dạng: Nắng rùng rùng từ thăm thẳm hồng hoang/ Xua đêm trường ngàn năm tan tác về ải Bắc/ Thuần huyết Cửu Chân rơi suốt trường thiên ướt đầm thớ đất/ Lưu thủy vạn năm đỏ thẫm hải đồ.
Người đọc muốn lĩnh hội được ý nghĩa bài thơ cần có ít nhiều kiến thức về lịch sử và phải ngẫm nghĩ. Tuy nhiên, tác giả cũng cần cảnh giác kẻo thái quá sẽ đi vào bí hiểm, gây khó hiểu. Các bài giải Ba nữa là: "Phụ nữ là em" của tác giả Lê Gái; "Một thoáng Lam Kinh" của tác giả Hoàng Quốc Cảnh. 
  Các bạn sẽ đọc những bài được giải tiếp theo là giải Tư: "Lời cỏ may" của tác giả Vũ Tuyết Nhung; "Sông Mã hồn quê" của tác giả Trịnh Vĩnh Đức; "Anh" của tác giả Lê Đáng; "Thăm nghĩa trang trận đầu đánh Mỹ" của tác giả Lê Xuân Giang.
Do quy định của Ban Tổ chức cuộc thi chỉ chọn 10 giải tất cả, nên người chấm thi cầm lòng phải để ra ngoài giải một số bài yêu thích như: Dệt chiếu (Mai Thị Hạnh Lê); Gọi về đủ vía (Phạm Thị Kim Khánh); Tiếng chiêng (Bùi Xuân Tứ); Xin thế chỗ em! (Đinh Ngọc Diệp), Viết cho những ngày đại dịch (Phong Lan), Với xứ Thanh (Bùi Việt Phương), Sông cầu Sâng (Hoàng Thụy Anh)... 
 Thêm một cuộc thi thơ nữa đã kết thúc, nhưng Duyên Thơ của tôi với xứ Thanh chắc còn đầy đặn.
                            

Xuân Nhâm Dần, 2022
                                 V.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 192
 Hôm nay: 5815
 Tổng số truy cập: 12838512
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa