Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Trọng Miễn - Nhà nghiên cứu văn học dân gian nhiệt thành
Trọng Miễn - Nhà nghiên cứu văn học dân gian nhiệt thành

Trọng Miễn vừa là bút danh và cũng là tên thường gọi của ông, ông họ Nguyễn. Nguyễn Trọng Miễn sinh năm 1945, đi vào cõi xa xăm tháng 4 năm 2021. Quê ông ở Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa một vùng trú phú và có nền văn hóa dân gian phong phú. Trọng Miễn là nhà nghiên cứu văn học dân gian (VHDG) nhiệt thành, có những đóng góp đáng kể vào việc sưu tầm, bảo tồn văn học, văn hóa truyền thống. Ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, có người sưu tầm văn học, văn hóa dân gian, nhưng không nghiên cứu. Có vị nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian, nhưng không sưu tầm. Các vị ấy chỉ nghiên cứu trên những tài liệu có sẵn. Bằng trí tuệ và trình độ chuyên môn để lập thuyết. Trọng Miễn khác họ, ông vừa cặm cụi đào xới các vỉa quặng văn hóa dân gian vừa làm nghiên cứu. Với nguồn tư liệu khá dồi dào, thời gian làm việc lâu năm và thái độ làm việc nghiêm túc vì thế những quan điểm ông đưa ra luôn có sức thuyết phục và đầy hơi thở cuộc sống.
Không rõ Trọng Miễn đã hình thành ý tưởng việc sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian từ bao giờ, đến nay ta chỉ biết tác phẩm đầu tiên của ông ra đời đã 40 năm (1981-2021). Trong 40 năm ông đã lao động với tất cả sức lực và trí tuệ. Điều đó kết tinh ở 15 tác phẩm cả in riêng và in chung. Trong đó có những tác phẩm có sức nặng như Truyện Trạng Quỳnh và Xiển Bột; Tiếng cười dân gian Thanh Hóa; Truyện Nôm và thơ Vịnh Phương Hoa, Văn hóa làng Quỳ Chử... Dĩ nhiên trong sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian số lượng chưa thể nói lên chất lượng. Nhưng không có số lượng thì lấy đâu ra chất lượng. Mặt khác, không có lẽ số lượng không nói lên một điều gì sao? Ít ra nó cũng thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, không biết mệt mỏi của người viết. Huống chi ở những tác phẩm như Truyện Trạng Quỳnh và Xiển Bột; Tiếng cười dân gian Thanh Hoá; Văn hóa làng Quỳ Chử, tác giả đã có công sưu tầm được một số lượng mới và lớn so với trước ít thấy. Ở Truyện Trạng Quỳnh và Xiển Bột, tác giả Trọng Miễn có một cách lý giải về hiện tượng Trạng Quỳnh khá khoa học, hợp lý. Đã có một thời gian trên văn đàn trong và ngoài tỉnh rộ lên về Trạng Quỳnh với Nguyễn Quỳnh. Chính bản thân chúng tôi được dự một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà khoa học có cỡ ở Viện Nghiên cứu văn hóa - về vấn đề này. Trọng Miễn bằng những tư liệu tin cậy đã chứng minh một cách có cơ sở rằng Nguyễn Quỳnh là con người có thật ở làng Bột Thượng, có đậu cử nhân, dĩ nhiên là người hay chữ. Nhưng Nguyễn Quỳnh không phải là Trạng Quỳnh. Trạng Quỳnh chỉ là nhân vật văn học dân gian. Không thể đồng nhất Nguyễn Quỳnh với Trạng Quỳnh. Cho đến nay, đây là một quan điểm chính thống, tuy vậy vẫn có người còn phân vân. Nhưng sự phân vân này chưa có gì để lật lại một cách có cơ sở đối với quan điểm của Trọng Miễn.
Trong việc xếp loại văn học dân gian, Trọng Miễn cũng có những quan điểm khác với nhiều nhà nghiên cứu khác. Ở tác phẩm “Tiếng cười dân gian Thanh Hóa”, tác giả có một quan điểm rộng mở về Tiếng cười. Theo tác giả, tiếng cười bao gồm Truyện Trạng Quỳnh và Xiển Bột, các truyện cười mà lâu nay gọi là truyện tiếu lâm, truyện ngụ ngôn loại có yếu tố cười, những giai thoại, câu đối, thơ, ca dao trào phúng... Theo quan điểm này thì những sáng tác dân gian nào có yếu tố cười là Tiếng cười dân gian.
Trọng Miễn còn có một quan điểm nữa về văn học dân gian mà lâu nay chưa ai nêu. Quan điểm này của ông qua thực tế sưu tầm kho tàng văn hóa làng Quỳ Chử và qua khảo cứu, sưu tầm những câu thơ vịnh, xướng họa tác phẩm truyện nôm Phương Hoa. Cứ theo quan điểm này thì các tác phẩm của các nhà trí thức bình dân cũng là tác phẩm văn học dân gian. Tất nhiên quan điểm này còn phải bàn luận. Vì lâu nay ta vẫn quan niệm văn học dân gian là truyền khẩu và tác phẩm nào có dính đến chữ viết thì không được gọi là VHDG. Các quan điểm trên đúng sai đến đâu cũng không dễ bác bỏ. Các nhà nghiên cứu sau còn có cái để luận bàn. Cái dở mà tưởng là hay của không ít nhà nghiên cứu chính là làm cho đời sau không còn gì để nói, để bàn. Còn có cái để thiên hạ nhắc đến một cách tích cực tức là quan điểm tư tưởng học thuật của anh còn hiện tồn trong đời sống. Nếu không sẽ như người ném đá xuống vực sâu, chỉ nổi tăm được một lúc rồi chìm vào vắng lặng.
Giờ đây nhà nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian Trọng Miễn đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng nhiều tác phẩm của ông với những quan điểm về học thuật đầy sức thuyết phục sẽ còn tồn tại lâu bền trong cuộc sống. Ngậm ngùi thương nhớ ông!
                                

C.S.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 196
 Hôm nay: 7611
 Tổng số truy cập: 12840308
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa