Cất hồn vía mình vút giữa trời xanh (Đọc thơ Phạm Thị Kim Khánh)
Sau tập thơ Vườn tháng Giêng (NXB Hội Nhà văn, 2014), Hai ngọn gió (NXB Văn học, 2016), Cõi vọng (NXB Văn hóa Dân tộc, 2018) thì đầu năm 2021, Phạm Thị Kim Khánh lại xuất bản tập thơ Mùa lá (NXB Hội Nhà văn). Cứ đều đặn như thế, với 266 bài thơ trong 4 tập, đủ thấy sức làm việc và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của cô giáo Phạm Thị Kim Khánh, như con tằm cần mẫn dâng cho đời những sợi tơ vàng!
1. Điều dễ dàng nhận thấy, bên cạnh những bài thơ về biển, về thành phố, về thế sự, Kim Khánh vẫn luôn dành cho dân tộc Mường của mình một tình yêu da diết. Hồn Mường trong thơ chị như được chắt ra từ nguồn mạch ngầm đời sống như nước nguồn của rừng núi, suối khe. Nghi thức lễ hội và sắc màu thổ cẩm, bếp lửa nhà sàn, những bậc cầu thang hàng ngày luôn ấm hơi bàn chân của mế đến những tình yêu mộc mạc mà đầy chất thơ… Tất cả đã đi vào thơ chị một cách tự nhiên và thân thương đến thế!
Nơi tuổi thơ ta ngồi bờ chờ cha quăng cá
Mẹ giặt tơ giũ sợi héo tay
Tháng Chạp theo bạn ra sông rửa lá
Tập đội váy tắm tiên thẹn cả ngày.
(Sông quê thác réo)
Một tuổi thơ còn nhiều vất vả hay ký ức tuổi dậy thì tập tắm tiên nơi núi rừng Cẩm Thủy để đến bây giờ vẫn còn da diết nhớ:
Sung chát khế chua ta gặp thuở chào đời
Sữa thơm mẹ có ngô non đậm vị
Củ mài tháng Ba, sắn non tháng Bảy
Bột ngô, muối vừng nghẹn suốt tuổi thơ ta…
(Đường về)
Kim Khánh được sinh ra, lớn lên, chứng kiến và tham gia biết bao phong tục trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Người Mường tin vào sức mạnh siêu nhiên, tin vào sức mạnh của thần linh. Trong đó, tục cúng vía là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn, hướng thiện, hướng con người tìm về cội nguồn và là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ. Thần linh, tổ tiên là lực lượng luôn phù hộ cho con cháu. Đây là phong tục đậm bản sắc của dân tộc Mường. Kim Khánh có đến ba bài thơ về tục gọi vía: Gọi vía, Gọi vía rừng, Gọi về đủ vía. Mỗi bài gọi vía được chị khai thác ở những góc độ khác nhau:
Vía ơi! Về nhà ta
Đường vào có hoa bông páo
Lối ra có hoa bông trăng
… Những đâu những sầu tận đâu
Suối ta, nhà ta làm lành lại…
(Gọi vía)
Trong bài Gọi về đủ vía sau những lũ lụt, bão giông, sau những ngày vía đi xa làm ăn mỏi mệt: Về nhà ta/ Xin nhập đủ vía/ Có ái đường xa/ Có ún trông nhà… Cho đủ vía ấm/ Cho đủ vía ăn/ Bù ngày lạnh lẽo/ Vía bên nhau rồi không lạc/ Không khát đói mà thương/… Bài thơ ấm áp tình người, tình đời trong những lời gọi vía giản dị, chân tình.
Những năm gần đây, rừng bị con người tàn phá đến cạn kiệt, sông suối bị chặn dòng làm thủy điện để đến nỗi: Ma rừng không có cây nấp/ Vía rừng không còn cây đậu/... Với một tư duy sắc sảo, sự tưởng tượng phong phú, Kim Khánh đã có bài thơ độc đáo Gọi vía rừng:
Ơi vía rừng! Ơi hồn núi!
… Nương náu đâu xin về lại đồi ta
… Xin về với ngày xưa trầm mặc
Làm lại núi thắm non thiêng
Cho núi sánh bên rừng
Cho hoa nở bên suối...
Có thể nói, qua hình thức gọi vía, một lễ tục bản sắc dân tộc Mường, trong lối kể của lời thơ tự sự, mang tính thời sự nóng hổi, Gọi vía rừng là lời kêu gọi khẩn thiết, thiêng liêng về bảo vệ quê hương, giữ gìn môi trường vì màu xanh yêu thương.
Mỗi bài thơ gọi vía là một cách tiếp cận của tác giả về đối tượng, nội dung gọi vía. Nhưng có thể thấy âm hưởng chung của các bài gọi vía đều toát lên giọng điệu thiết tha, nhân ái. Thay cho lời thầy Mo, tiếng gọi vía trong thơ chị như tiếng gọi của lòng hiếu thảo, nhân từ, mong muốn vía trở về trong ấm áp tình rừng, tình người hồn hậu.
Cũng như các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam, người Mường có lễ chúc Tết cầu may vào dịp đầu năm với rộn rã cồng chiêng và “rỡ ràng” váy áo, khăn của các nàng ả Mường Ai, Mường Rênh, Mường Phấm để cùng nhau “nhập phường sắc bùa năm mới”:
Tiếng cồng đồng gọi mường trong bản ngoài hội tụ
… Tiếng chiêng giục giã người già cắm rượu cần
… Phường chúc người già lên thang gác không run chân
Con trai con gái trong nhà
Chưa có đôi thì có đôi có lứa…
(Sắc bùa)
Những lời chúc như khơi dậy sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người dân Mường, tạo cho họ một niềm tin mãnh liệt vào đấng tối cao và tin vào chính sức mạnh của mình.
Tắm tiên, một tập tục rất riêng của con gái Mường và một số dân tộc miền núi, là tập quán sinh hoạt tôn vinh tự nhiên vẻ đẹp của người con gái. Bến tắm là đoạn suối trong sạch và kín đáo để cùng tắm với nhau, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp cơ thể mà buổi đầu Tập đội váy tắm tiên thẹn cả ngày. Nhưng trong bài thơ Tắm tiên của Kim Khánh có một cảm hứng mới, chị táo bạo hơn, tưởng tượng để cho đôi trai gái cùng tắm như một khát khao được giải phóng:
Anh ơi chỗ này bến kín
Chỗ này vắng người…
Suối tiên đón chào hai ta
Kìa hoa và cây hai bờ múa reo…
- Em đừng hát
Để da trắng dưới nắng ngần lên tiếng hát.
Những câu thơ hồn nhiên như tâm hồn trong trẻo của người con gái xứ Mường. Trên cái nền của truyền thống là một ứng xử và cảm nhận mới mẻ, hiện đại về hạnh phúc tình yêu.
2. Đề tài về tình yêu trong bốn tập thơ của Kim Khánh cũng chiếm phần nổi trội và hấp dẫn. Người đọc muốn được thưởng thức những hương vị, những sắc màu trong tình yêu lứa đôi của trai gái bản Mường.
Từ cái buổi Bước chân ai đầu ngõ
Còn dè dặt ngại ngùng
Cái nhìn chưa dám ngỏ
Một chút lòng tơ vương
… Tình như là chưa tình
Cái e ấp của buổi ban đầu ấy, như cụ Nguyễn Du nói “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, được Kim Khánh thể hiện trong Tháng Giêng, Dấu ấn, Tạ lỗi với Ti gôn… Đến Trăng rừng, chị đã thể hiện sự tiến triển của tình cảm lứa đôi, không còn e dè, mà chuyển đổi thành trạng thái tâm lí của tương tư, nhớ nhung, không giấu được lòng mình:
Trăng vừa đủ sáng con đường dốc
Vừa đủ soi nét thiếu nữ ngọc ngà
Ta vừa đủ e dè và táo bạo
Gái chăn tằm làng Bình, trai làng Bái cồng chiêng.
… Non nước thế và tình cờ trăng thế
Chẳng ai hẹn ai mà nên díu dan lòng.
(Trăng rừng)
Họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân thật. Kim Khánh hóa thân vào người đang yêu:
Người đang yêu cây nào cũng có hoa
Ai cũng hiền hòa…
… Ai cũng cười
Giấu kỹ thì càng hở
Nét cười luôn gợi mở…
(Người đang yêu)
Yêu đến nồng nàn đắm say:
Xòe tay, em tìm tay - ấm nồng bàn tay nắm
Tìm trong làn tóc xõa - sợi nào đón tay xoa
Soi gương, soi bờ môi - dấu môi còn tràn ngợp
Nhìn sâu trong đáy mắt - ánh mắt còn in soi
… Hồn ơi trong cơn đói
Lục tìm ngàn dấu yêu!
(Tìm)
Từ hạnh phúc của những người đang yêu, Kim Khánh nghĩ đến mối tình đầy bi kịch của chàng Bông Hương và nàng Ờm trong truyền thuyết xưa, đã trở thành di sản văn hóa và tinh thần của dân tộc Mường:
Nàng Ờm lớn lên theo mùa bông páo…
… Thắt eo thon như con ong mùa mật
Tắm suối trần như củ sắn bóc
… Nhưng Bông Hương không lấy được nàng Ờm
Họ đã chết bên nhau… và thành hoa Bông Trăng…
Tác giả đứng về phía những đôi trai gái yêu nhau, chia sẻ với những trái ngang, lạc hậu đã làm cho bao người rơi vào bi kịch. Chị muốn cùng họ dỡ bỏ dần những trói buộc để tự do yêu đương, để họ được đi tìm hạnh phúc cho mình:
Chuyện người xưa xa ngái
Đừng ám lấy mà buồn mà thương.
Con xa đồi mẹ bao mùa Bông Trăng
Con đi lấy chồng đường xa…
Dải phố dài rưng rức mùa hương…
(Mùa hoa Bông Trăng, in trong tập Hai ngọn gió)
Biết rằng công cha nghĩa mẹ là rất lớn:
Em xót cha thương mẹ
Mẹ đùm em bằng lụa
Cha bọc em bằng vóc
…
Nhưng hạnh phúc lứa đôi chỉ có thể có được từ một tình yêu chân thành. Họ đến với nhau bằng tiếng gọi thiêng liêng của trái tim:
Nghe anh rủ về lòng đã thương…
Không về làm bạn anh kiếp này
Sông không có mú, rú không có ma
Khung dệt phá không thoi, nén tơ không suốt…
Như sông không có cá, như ná không có tên.
(Đáp lời trai bản)
Cái cách thề thốt hẹn hò chỉ có trong thơ Kim Khánh, dễ hiểu và đậm chất Mường đến như thế!
Cuộc sống có những điều khó lường, không nói trước được. Chuyện về anh chồng quan tâm đến người phụ nữ khác như một việc ngoại tình. Chị biết hết (phụ nữ họ nhạy cảm lắm), từ cái cách anh nói dối đi tìm trâu, tìm vịt, cái cách Anh đi thì đi vồi vội/ Anh về thì về nhanh nhanh… Biết thế mà chị vẫn chăm lo công việc, chăm lo cuộc sống gia đình thật chu đáo:
Đêm em lụi cụi chẻ củi
Sáng em thui thủi nhóm lò
Lo hông xôi nhà ta thật dẻo
Chăm cá nướng nhà ta thật thơm…
(Vợ và chồng)
Chị yêu chồng, có giận chồng và cũng biết ghen chứ. Nhưng chị chỉ lẳng lặng, chịu đựng và kéo giữ chồng bằng đức độ của mình để anh nhận ra con đường đi sai lầm mà quay về. Kết thúc bài thơ là một cách hóa giải thuận lí thuận tình sao cho trong ấm ngoài êm bằng câu thơ lục bát:
Làng trên xóm dưới phong thanh
Chẳng tin cũng sợ gió thành bão to.
Đây cũng là một trong những bài thơ giàu giá trị văn hóa và đậm chất nhân văn, đậm bản sắc Mường.
3. Có gì khẳng định trong nghệ thuật thơ Kim Khánh?
Với bốn tập thơ thì chưa thể có những kết luận về phong cách tác giả hay gọi là cá tính sáng tạo của nhà thơ. Nhưng với Kim Khánh, bước đầu đã định hình được những đặc điểm về cách sử dụng ngôn ngữ đậm chất Mường, là thơ giàu yếu tố tự sự kết hợp với trữ tình, là thơ lục bát đã có giọng điệu riêng…
Trước hết, ngoài việc sử dụng lớp từ quen thuộc của dân tộc Mường trong những trường hợp cần thiết, Kim Khánh đã vận dụng thành công vốn ngôn ngữ toàn dân trong việc thể hiện tâm hồn Mường, cốt cách Mường, văn hóa Mường…
Đây là lời ru của người mẹ:
Bộp bộp mẹ vỗ êm này
Bộp bộp mẹ ru con này
Con ve ly nó kêu lai ly
Con ve láng nó kêu lai láng
Nó kêu cho trời rạng…
(Mẹ ru)
Người mẹ Kinh ru con bằng những câu ca dao hay thơ lục bát. Người mế Mường ru con bằng những câu dân ca Mường. Cái cách dùng điệp từ, điệp ngữ của Kim Khánh là kế thừa của ca dao Mường, của Xường để tạo ra giọng điệu và âm hưởng riêng.
Trong bài Tháng Giêng bỏ quên, Kim Khánh miêu tả bằng ngôn ngữ của người Mường kết hợp với sự liên tưởng phong phú để câu thơ giàu hình ảnh, sống động và tạo nên một giọng điệu, sắc thái không lẫn:
Người đi rồi không còn nghe đêm phai
Tiếng chim trống păng păng cưa vách đá
Póp póp, chim mái thoi thóp gọi
Sừng trăng non chưa đủ rạng mái rừng…
Những cụm từ đêm phai, cưa vách đá, sừng trăng non, mái rừng… đã mang những sắc thái gợi cảm, biểu cảm rất lớn. Nhà thơ Khương Hữu Dụng có câu thơ luôn được nhắc nhớ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng thì câu thơ Tiếng chim trống păng păng cưa vách đá cũng có vị trí của nó!
Kim Khánh viết nhiều bài thơ dài mà kết cấu như một câu chuyện, có nhân vật trữ tình đối đáp, có diễn biến và kết thúc… Trong những bài thơ đó, chị đã mở rộng biên độ của không gian, thời gian và cảm xúc (Về cội, Kịch bản, Gọi vía, Sông Mã khúc thượng nguồn, Đường về, Chỉ có hoa pôông trăng trên đồi, Hẹn, Đáp lời trai bản, Sông quê thác réo…). Ở đây có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, gợi mở cho người đọc những tưởng tượng phong phú về một vùng Mường nhiều trầm tích lịch sử và văn hóa. Cốt lõi từ trong mỗi bài thơ có thể sẽ là phát khởi cho tầm vóc những trường ca trong tương lai mà chúng ta hy vọng ở chị.
Có thể nói, Kim Khánh đã thành công khi khai thác và sử dụng kho tàng ngôn ngữ dân tộc được chuyển hóa nhuần nhuyễn trong cách thể hiện tâm hồn và tính cách của đồng bào Mường (Hẹn, Mùa lá, Trăng rừng, Đi qua mùa hoa sậy…). Phải sống và am tường thành chất về văn hóa Mường, về ngôn ngữ Việt - Mường mới có cách diễn đạt uyển chuyển, sâu sắc mà dễ hiểu như Kim Khánh. Chúng ta vui mừng có thêm một nữ nhà giáo - nhà thơ xứ Mường Phạm Thị Kim Khánh luôn biết “Cất hồn vía mình vút giữa trời xanh”.
Tháng 9 năm 2021
L.X.S