Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Thơ Trịnh Oanh Lan: “Ước gì một bận... tình cờ trong nhau”!
Thơ Trịnh Oanh Lan: “Ước gì một bận... tình cờ trong nhau”!

Tập thơ “Em nhặt lại em” (NXB Hội Nhà văn, năm 2021) của Trịnh Lan Oanh vừa cho ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 7 này với 61 bài thơ. Hầu hết các bài thơ đã đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc, suy tư về cuộc đời và con người, đôi khi chỉ là những dòng hoài niệm về năm tháng đã qua, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. “Em nhặt lại em” là tiếng nói của đam mê, là sự tỏ bày niềm khát khao hạnh phúc đến mãnh liệt của trái tim yêu đương nơi tác giả. Sáu mốt bài thơ tạo thành chuỗi dài những mong mỏi yêu thương, khát khao hạnh phúc, có khi là hạnh phúc của ngày hôm qua, có lúc lại bộn bề, tủi hờn, đau đớn giữa hiện thực xót xa hôm nay.
Nhiều bài thơ, câu thơ mới đọc qua ta thấy đối lập thậm chí là đối nghịch nhưng không thế làm sao người ta biết có ai đó đang buồn tủi, dỗi hờn: Anh không về để hơi thở mồ côi/ Sắc hoa thắm trên nhành cây im lặng/ Đã hẹn thề bên nhau là rực nắng/…/ Yêu là đây, chết cũng là đây. Từ câu chữ đến ngữ nghĩa, cấu tứ đều “rực nắng” phóng chiếu vào nhau, nghe mà ngọt lịm, xốn xao. Những câu thơ của Trịnh Lan Oanh đều mang một nét rất riêng biệt, vừa e ấp, nhẹ nhàng nhưng không kém phần lãng mạn, bay bổng: Mong gần nhau được đắm ngọt trong nhau/ Cũng đủ nắng ru làn môi trẻ lại/ Nhớ nghe anh đừng bao giờ trễ nải/ Xuân không dài như câu hát bùa mê. Trái tim của một người phụ nữ như chị vẫn không tránh khỏi những lo âu, lo lắng khi quỹ thời gian - giới hạn tuổi xuân - đời người mỗi ngày một cạn.
Trịnh Lan Oanh tìm đến tình yêu để được “Hồi sinh” và được sống là chính mình, bởi vậy sau cái e ấp là ngồn ngộn những nỗi niềm, những khát khao đầy mãnh liệt: Cúc áo nhỏ sao bỗng nhiên chật chội/ Sen tỏa hương lòng em bối rối/ Mở khóa chờ hơi ấm vành môi. Những câu thơ rất thật, rất hiện đại đã đem đến cho người đọc những liên tưởng và so sánh thú vị. Không dừng lại ở đó, những vần thơ như: Em giấu tình trong tóc gió mùa xuân/ Sợi say nắng no tròn lên rực rỡ/ Khẽ vuốt thôi đã ngập tràn màu nhớ/ Yêu thương ơi mách lẻo thứ gì đây? ngồn ngộn cảm xúc và đẹp đến lạ thường. Nguồn thi hứng của tác giả được gợi lên, miêu tả bằng những ngôn từ đẹp đẽ và chân thành nhất, khi nói với người mình yêu một cách thao thiết rằng: Anh nói đi đừng lạc mất chiều/ Xít lại nữa gần hơn cho dễ hái/ Anh có biết tóc em mùa con gái/ Đang trổ hoa lơ lửng phía cơi trầu (Tóc em mùa con gái). Những cung bậc cảm xúc của tình yêu đã làm cho bài thơ thêm phần ý nghĩa. Và nó cũng dễ dàng hơn trong việc chạm đến trái tim của người đọc.
Thơ ca, bao đời, nó luôn là tấm gương phản ánh rõ nhất tâm hồn người viết. Ở đây tôi muốn dành đôi dòng để nói về người chồng mà chị cứ nghĩ sẽ cùng chị đi hết cuộc đời này đã vội vã ra đi quá sớm. Nhưng hình bóng của anh vẫn luôn ở trong tâm hồn và trái tim chị. Những lúc đau buồn nhất, người chồng chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất với cuộc đời chị. Chị muốn tìm về ký ức, tìm về để rồi lại nuối tiếc và xót xa: Em là người đơn chiếc đã nhiều năm/ Chiếc lá mỏng giữa mùa đông lạnh cóng/ Khi không nhau chăn chiếu nào đủ ấm/ Bùa mê nào thức tỉnh bờ vai? (Cúc áo dậy thì). Đọc những câu thơ đầy tình này người ta mới thấy Trịnh Oanh Lan đã viết nên bằng tất thảy những nhớ thương đến khắc khoải và tận cùng của sự cô đơn: Nói đi anh!/ Im lặng thế đủ rồi/ Em không thể chờ lâu hơn được nữa/ Gió sông Mã đêm về đập cửa/ Mùa thu buồn lá rụng ngỡ tóc rơi/ Thấy trăng lên lòng dạ bồi hồi/ Lại không ngủ nhớ về anh da diết/…/ Về đi anh nửa gối còn trống đấy/ Sờ tim mình/ Nghe từng giọt thu rơi… (Giọt thu rơi).
Thơ Trịnh Lan Oanh luôn tràn đầy khát vọng sống, khát vọng yêu và luôn một mực nâng niu những hạt mầm hạnh phúc. Cũng bởi ở chị có một tâm hồn nhiều mơ mộng, giàu hoài niệm, luôn có cái nhìn ảo hóa hiện thực để trở thành chất thơ đầy khơi gợi: Cứ thèm một hơi ấm vầng trăng/ Đem dấu vân tay bỏ bùa hoang dại/ Dòng sông nào đêm đêm mê mải/ Ngất lịm từng hồi, từng nhịp đốt mùa đông. Tác giả ham phát hiện cảm giác. Cảm giác làm giàu lên tính chủ thể, luôn phảng phất ý vị nội tâm. Hay nói cách khác, ấy là lời yêu, là cái phập phù của “bài ca hy vọng”. Là sức gợi của chủ thể trữ tình ẩn trong từng con chữ: Muốn gọi thầm tên thật một người dưng/ Rồi nhẩm đếm hát bài ca hy vọng/ Giữa chừng xuân vành môi đang cháy bỏng/ Lồng ngực đầy hơi ấm vầng trăng (Hơi ấm vầng trăng). Chị lắng nghe trong con tim mình tiếng vọng xa vời và hư ảo của nó để cố định thành thơ.
Buồn và vui là hai mặt của cảm xúc con người. Không có nỗi buồn thì không hiểu được niềm vui. Không đau khổ thì không đánh giá đúng được giá trị của hạnh phúc. Thất vọng làm nảy mầm hy vọng. Vấp ngã tạo bài học cho thành công… Tuổi trẻ có nhiều nỗi buồn, cô đơn, mất mát, chênh chao. Qua thơ Trịnh Oanh Lan, những nỗi niềm ấy được diễn đạt bình dị, mộc mạc và lay thức trái tim người đọc: Trở lại trăng rằm em nhặt lại em/ Nhặt lại tuổi xuân nhặt thì con gái/ Nhặt bông hoa chưa bàn tay chạm tới, và rồi chị: Nhặt chiếc nón bao nhiêu bàn tay đỡ/ Nhặt lại trăng rằm… em nhặt lại em. Vẫn là chất tự sự thấm đẫm, vẫn là câu chuyện tình yêu nhưng ngôn từ được trau chuốt hơn, cách xưng hô vừa quen thuộc vừa mang phong vị cổ xưa. Những tâm sự ấy rất chân thành, dễ cảm, không quá sến súa, tác giả nhìn mọi thứ nhẹ nhàng và thi vị hơn, vị tha với đời, với người hơn, vì thế mà ngay cả nỗi buồn cũng hóa trong veo… “Nhặt lại trăng rằm… em nhặt lại em”. Đơn giản vậy thôi nhưng nhiều lúc ta thấy yêu mến, cảm thương người phụ nữ tưởng mạnh mẽ, sôi nổi đến vồ vập trong tình yêu kia lại yếu đuối, mong manh rất mực đàn bà!
Khi cuộc đời không mấy suôn sẻ, khi nỗi cô đơn thường trực hóa thành khắc khoải, thì việc chị suy tư, trăn trở, đau đáu về tình yêu, con người và cuộc đời cũng dễ hiểu thôi. May thay, trước những ấm lạnh của cuộc đời, nhà thơ đã tìm thấy một góc thanh thản cho tâm hồn trú ngụ: Em là rau má quê mình/ Cứ canh cánh thức để dành cho ai/ Trăng soi qua cửa không cài/ Lỏng then cái nhớ chờ người rỗng đêm/…/ Một lần tóc chạm vòng tay/ Không giăng lưới nhện mà đầy tơ vương/ Dịu dàng sợ vỡ giọt sương/ Đợi nhau đợi đến cuối đường lại xa/ Em là rau má làng ta/ Bắc cầu chưa thấy anh qua bao giờ/ Cứ xanh rười rượi em chờ/ Ước gì một bận… tình cờ trong nhau (Rau má bắc cầu). 
Trịnh Lan Oanh là thế, thực tại cái “ước gì” chỉ trong chớp mắt, ngay lúc này và tại đây mới chỉ là thực tại của người làm thơ mẫn cảm, đau đáu, hoài vọng, chờ đợi để được “một bận… tình cờ trong nhau”. Dù chỉ là một “bận” thôi, nhưng cũng đủ bay bổng, tinh khiết, dẫu sau đó biết đâu có ưu phiền và cô đơn. Tất cả cứ như sợi tơ mong manh xâu chuỗi những hạt đời lặng lẽ bên nhau. Ngôn từ trong hầu hết các bài thơ của chị đều có giá trị tạo hình cao, khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn ngữ của cảm xúc, của trái tim nhạy cảm và một tâm hồn lãng mạn. Điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa rộng đến những người đã yêu và đang yêu mỗi khi họ đọc thơ tình của chị. Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ hay vẫn còn số ít bài dễ dãi, sa đà vào ước lệ làm giảm tính hình tượng do nặng giãi bày. Tuy nhiên công bằng mà nói “Em nhặt lại em” là tập thơ có sức ám ảnh và lôi cuốn người đọc, cũng bởi “Lồng ngực đầy hơi ấm vầng trăng” nóng bỏng vậy không đọc sao đành! Mong rằng sau “Em nhặt lại em” Trịnh Lan Oanh sẽ có nhiều món quà thi ca thú vị và hấp dẫn hơn nữa đến với những người yêu thơ xứ Thanh.
                                

T.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 174
 Hôm nay: 9184
 Tổng số truy cập: 12841881
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa