Khát vọng yêu của người phụ nữ trong tiểu thuyết “Ẩn ức Hồ Xuân Hương” của Hoàng Khôi
Nhà văn, nhà giáo Hoàng Khôi được độc giả biết đến từ lâu với những tập truyện và tiểu thuyết viết về những nhân vật lịch sử như truyện “Chiếc gậy thần”, “Bàn tay ông Lê Lợi”, “Chu Văn An”, “Nguyễn Du trên đường gió bụi”… và hàng loạt những tác phẩm bút ký, nghiên cứu về văn hóa và lịch sử, bởi anh còn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Song, có lẽ sự thành công của anh không ở dạng nghiên cứu mà lại chính ở những tác phẩm văn học, mang tính dã sử. Điều đó không có gì lạ vì anh vốn là một thầy giáo dạy văn có tiếng ở một trường chuyên nổi tiếng của xứ Thanh, trường THPT chuyên Lam Sơn. Nói điều đó ở bài viết này là tôi muốn nhấn mạnh cái chất văn trong những tiểu thuyết lịch sử của anh mà gần đây nhất là hai tiểu thuyết “Nguyễn Du trên đường gió bụi” và “Ẩn ức Hồ Xuân Hương”.
Tôi nghĩ có lẽ nhà văn khi viết xong cuốn “Nguyễn Du trên đường gió bụi”, thì không thể không viết về nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương, bởi nguồn cảm xúc còn đang rất dồi dào, và bởi dư ảnh về mối tình của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương không thể phai mờ được trong tâm trí tác giả. Và cuốn “Ẩn ức Hồ Xuân Hương” ra đời chỉ sau cuốn “Nguyễn Du trên đường gió bụi” có 6 năm.
Tiểu thuyết lịch sử “Ẩn ức Hồ Xuân Hương”, vừa mới xuất bản năm 2020, theo như tác giả cho biết là viết để phục vụ cho kế hoạch vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhưng theo tôi, nó là một tác phẩm văn học có giá trị không những về mặt nghệ thuật, mà còn có giá trị về mặt văn hóa tư tưởng. Trong tác phẩm này vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt xưa được khắc họa một cách cởi mở và khác biệt.
Từ lâu người ta vẫn thường đánh giá nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam là phải dịu dàng, thùy mị, ăn nói lễ phép, tác phong e lệ, kín đáo. Nhưng hình ảnh Hồ Xuân Hương trong tác phẩm lại hoàn toàn khác. Nàng tinh nghịch, dí dỏm, sâu sắc và mạnh mẽ, quyết liệt trong tình yêu. Không biết trong cái thời của nàng người ta có dè bỉu nàng không, nhưng nàng chính là bà chúa tiên phong cho việc vứt bỏ sợi dây dàng buộc những khát vọng của người phụ nữ Việt suốt bao năm dưới chế độ phong kiến.
Đọc “Ẩn ức Hồ Xuân Hương”, không giống như đọc một tiểu thuyết danh nhân văn hóa mà như đọc một bài thơ dài về tình yêu. Không phải vì cuốn tiểu thuyết tràn ngập thơ ca của hai thi sĩ tài hoa là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương mà vì cả tiểu thuyết là bài ca về những mối tình của bà chúa thơ Nôm, và xuyên suốt là thiên tình sử Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương, một mối tình thuần khiết, trắng trong, say đắm, ngọt ngào nhưng lại lãng đãng như mây, rồi cuối cùng cũng tan như khói, để lại trong lòng mỗi người một nỗi nhớ nhung day dứt khôn nguôi. Phải chăng, đó là ý trời, nếu ông trời se duyên cho hai người thì biết đâu nước Việt ta không có một Truyện Kiều lừng danh thế giới, và không có một bà chúa thơ Nôm với những vần thơ sắc sảo, mặn mà.
Mối tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương là mối tình của hai con người tài hoa, nhan sắc, khi đó họ còn rất trẻ, có thể đó là mối tình đầu của cả hai. Cứ tưởng rồi sẽ ầm ào như con sóng biển, dữ dội như cơn lốc mùa mưa, vậy mà không, lại rất nhẹ nhàng, rất thanh lịch, rất khiêm nhường, kín đáo. Song, trong trái tim họ thì luôn có bão mãi không tan.
Vì là tiểu thuyết về Hồ Xuân Hương, nên tác giả chỉ tập trung khai thác những tâm tư của Hồ Xuân Hương mà ít đề cập đến Nguyễn Du, nên ta ít thấy cái tình của chàng Nguyễn hồi ấy nó say đắm đến nhường nào. Họ gặp nhau và yêu nhau thật lãng mạn như bao đôi lứa tài tử giai nhân. Chàng đang dạo chơi trên bến trúc Nghi Tàm thì gặp nàng đang hái sen trên hồ Tây. Chàng xốn xang vì vẻ đẹp tự nhiên thôn dã của nàng, còn nàng cũng cảm bởi vẻ lịch thiệp, cao sang của người quân tử. Đó là giây phút ban đầu, sau đó họ quen nhau, rồi yêu nhau cũng bởi mến cái tài, cái đức của nhau. Có lẽ họ thân thiết với nhau còn là sự bổ sung cho nhau. Nguyễn Du thì thâm trầm, sâu sắc hơi có chút rụt rè, còn Hồ Xuân Hương thì sôi nổi, bạo liệt. Hình như trong mối tình này, người đọc có cảm giác như Hồ Xuân Hương yêu Nguyễn Du nhiều hơn. Song nếu ai đã đọc và biết nhiều về Nguyễn Du chắc sẽ hiểu hơn cho chàng.
Trong những lần đi chơi, vô tình có những đụng chạm giữa hai người thì chàng e dè, lúng túng còn nàng lại bạo dạn, hồn nhiên. Để rồi đến đêm về cả hai cùng thổn thức. Hình ảnh Hồ Xuân Hương vì quá nhớ Nguyễn Du mà quên cả mình là phận gái phải giữ ý, giữ tứ, nàng đã thường xuyên sang thăm Nguyễn Du ở lầu gác tía, mà lần nào sang cũng mang theo những món quà tự tay nàng làm như để gửi gắm cái tình của mình, như trà sen, mứt sen… rồi còn bảo “Em chỉ có chút công ướp thêm một chút hương cho cậu thôi”, nàng chẳng ngại ngần nhấn mạnh vào chữ Hương, biết rằng một người tinh ý như Nguyễn Du sẽ thừa hiểu. Có lẽ không ít người đọc chợt nhận ra sao giống với hình ảnh nàng Kiều đến thế, khi Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến gặp Kim Trọng.
Người phụ nữ xưa bao đời chịu một quan niệm Nho giáo khắc nghiệt trong quan hệ nam nữ, luôn luôn phải tâm niệm “Nam nữ thụ thụ bất thân”, nên trái tim họ luôn bị nhốt trong vòng vây lễ giáo, mà không thực sự sống cho bản thân mình. Những người phụ nữ xưa, họ cũng là phụ nữ, cũng khao khát yêu, khao khát thổ lộ, khao khát bày tỏ và được đáp lại, nhưng tất cả họ đã phải nhấn chìm sau làn ngực căng tức, mỗi khi con tim nổi loạn. Nhưng ở trong “Ẩn ức Hồ Xuân Hương”, thì lại khác, ta bắt gặp một Hồ Xuân Hương tinh nghịch, sắc sảo đã đành, nhưng nàng lại còn là một cô gái đầy khát vọng yêu đương và luôn bộc lộ một cách chân thành. Nàng đã yêu là yêu hết mình, và sống đúng với chính bản thân mình. Khi yêu Nguyễn Du, nàng đã tìm mọi cách để thể hiện tình cảm của mình và cố gắng gợi tình để chàng chú ý đến nàng. “Da nàng không thật trắng và nàng đã cố tình ăn thêm một miếng trầu để khuôn mặt nóng lên một cách tự nhiên. Xuân Hương cố tình mặc lại chiếc yếm màu nâu đỏ lần đầu tiên khi Nguyễn Du tình cờ bắt gặp… Xuân Hương tự tin với lối trang điểm này gây được chú ý với Nguyễn Du và đúng là nàng đã thấy anh sửng sốt khi lần đầu bắt gặp…”.
Những lần đi chơi với Nguyễn Du, thường họ hay làm thơ bình luận về những cảnh vật và con người đã gặp, trong những lần tranh luận như vậy, Hồ Xuân Hương đều thể hiện quan điểm sống của mình một cách thẳng thắn. Tuy nhiên nàng nhận xét nó với sự hài hước, châm chọc. Cũng chính vì những nét khác người đó của Hồ Xuân Hương mà khiến Nguyễn Du lo ngại cho nàng, và cũng bị nàng chinh phục. Ví dụ gặp cảnh một người vợ thầy lang khóc chồng, Hồ Xuân Hương đã ứng tác một bài thơ về người vợ khóc chồng đó:
…
Thạch nhũ trần bì sao để lại
Quy thân liên nhục tẩm mang đi
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ
Sinh ký chàng ôi! Tử tắc quy.
Bài thơ là nỗi lòng người vợ thương chồng, nhưng cũng là nỗi phân vân về thân phận của mình rồi sẽ ra sao, sau khi chồng mất. Cái ý của Xuân Hương là dù có thương chồng bao nhiêu thì người vợ vẫn sẽ đi lấy chồng vì nàng còn rất trẻ, đó là nỗi lòng của bao phụ nữ góa chồng mà Hồ Xuân Hương nhận ra và nói hộ. Cũng chính vì điều này mà Nguyễn Du không đồng tình với nàng, vì Nguyễn Du vốn nặng khuôn phép lễ giáo nhà quan. Cho rằng “Chồng mới chết mà đã phân tâm nghĩ chuyện sẽ lấy chồng là có tội”. Nhưng Hồ Xuân Hương đã gay gắt phản ứng, nàng cho rằng “Em lại muốn người đàn bà phải cứng cỏi hơn. Người ta đang còn trẻ cơ mà”.
Bao nhiêu lần đi chơi cùng Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đều đã bộc lộ cái khao khát tình yêu của mình bằng những bài thơ, bằng những tranh luận về cảnh vật, con người. Chàng ngày càng cảm phục nét tài hoa, thông minh của nàng bao nhiêu thì lại càng lo ngại cho số phận sẽ trắc trở của nàng bấy nhiêu, vì chàng nhận ra trong trái tim người con gái này luôn cháy rực một ngọn lửa yêu đương mãnh liệt. Khi họ đi chơi bất chợt gặp một cơn mưa, hai người đứng nép vào nhau dưới tán cây to, nàng đã bật lên những vần thơ như để xua đi cái hồi hộp khi đứng nép vào ngực chàng:
Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.
Ý mà nàng gửi gắm vào thơ là người ta không phải ngẩn ngơ vì cảnh mà ngẩn ngơ vì tình. Điều đó Nguyễn Du cũng thừa hiểu, nhưng chàng hình như muốn kìm hãm cơn khát của Hồ Xuân Hương, nên dường như không hưởng ứng, đó là bản tính của Nguyễn Du. Đã mấy năm yêu nhau nhưng cả hai chưa một lần có cử chỉ sàm sỡ, gụi gần, có thể nếu ai đã đọc “Nguyễn Du trên đường gió bụi” thì chắc sẽ thông cảm cho chàng, một con người có nhiều uẩn khúc về chuyện gia đình, hơn nữa chàng lại là một người sống khép kín, thiên về nội tâm và nặng những định kiến gia giáo. Xuân Hương là một cô gái mạnh mẽ, quyết liệt trong tình yêu là thế nhưng cũng đành phải kìm lòng. Có lần nàng như không chịu được nữa đã phải viết nên những vần thơ trách móc đầy ẩn ý gửi cho Nguyễn Du: Trải mấy thu nay vẫn hãy còn/ Cớ sao khi khuyết lại khi tròn/ Hỏi con bạch thỏ đà bao tuổi/ Lại chị Hằng Nga đã mấy con/ Đêm tối cớ chi soi gác tía/ Ngày xanh còn thẹn với vừng son/ Năm canh lơ lửng chờ ai đó/ Hay có tình riêng với nước non?
Tình đẹp là thế, lãng mạn đắm say là thế, ấy vậy mà “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không” (Hồ Xuân Hương).
Nguyễn Du phải rời xa Hồ Xuân Hương để trở về quê nhà ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh theo lệnh của người anh trai Nguyễn Nễ. Chàng cũng đau lòng vì sự xa cách này, nên đã gửi cho Hồ Xuân Hương bài thơ mà cho đến cuối đời nàng vẫn đọc đi đọc lại mãi với nỗi lòng đau đớn:
Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời
Nước non sâu nặng muốn đi về
Cung hoàng diệu vợi đường khôn lọt
Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê
Đã chắc hương đâu cho lửa bén
Lệ mà hoa lại quyến xuân đi
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái
Tròn trặn gương tình cũng có khi.
Sau khi chia tay với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng buồn bã, nhớ thương một thời gian dài, vì tin tức về chàng như bóng chim tăm cá. Nàng cũng hiểu rằng chia tay Nguyễn Du để chàng về quê làm trọn bổn phận người con trong gia tộc quyền thế, là nàng sẽ mất chàng mãi mãi, nên Hồ Xuân Hương cũng không có ý chờ đợi. Rồi nàng gặp Mai Sơn Phủ, một chàng trai con nhà khá giả nhưng tính tình lại rất dân dã, phóng khoáng. Chàng khác hẳn tính cách của Nguyễn Du, nên lại khiến cho Hồ Xuân Hương bị hút vào một sức quyến rũ mới. Và thế là như cây khô khát nước gặp cơn mưa rào, nàng lao vào cuộc tình mới và nàng được thỏa sức vẫy vùng. Hồ Xuân Hương yêu Mai Sơn Phủ như một sự đòi lại những gì nàng đã mất ở Nguyễn Du. Tuy rằng rất nhiều lần đi chơi cùng Mai Sơn Phủ nàng cũng chạnh lòng nhớ tới Nguyễn Du và nàng hiểu rằng nàng khó mà quên được chàng, “Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy/ So dạ hoài nhân chửa dễ vừa”, nhưng vốn là một cô gái mạnh mẽ luôn muốn thoát khỏi sự kìm nén bản thân, nàng không cho phép mình sầu muộn, không cho phép ngọn lửa khao khát yêu đương trong nàng phải lụi tàn, nàng đã yêu hết mình và được yêu. Tình yêu với Mai Sơn Phủ của Hồ Xuân Hương đậm nét trần tục, nhưng đó là một tình yêu rất thực, rất con người. Đó cũng chính là nỗi khao khát của biết bao phụ nữ. Trong thời gian này, Hồ Xuân Hương đã có những vần thơ tinh nghịch, sâu cay đầy ngụ ý gợi cảm để lại cho người đọc nhiều liên tưởng nhưng cũng là sự thẳng thắn bày tỏ nỗi lòng của nàng, của bao thân phận đàn bà trong xã hội xưa, như các bài “Đánh đu”, “Dệt vải”,…
… Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng,
… Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.
Cứ tưởng mối tình này sẽ mọc rễ xanh cây, nhưng rồi lại cũng như Nguyễn Du, chàng Mai Sơn Phủ cũng về quê và bặt vô âm tín, để cho Hồ Xuân Hương bao nỗi chờ mong. Khi chia tay Mai Sơn Phủ, nàng đã tặng chàng bài thơ như một lời nhắc nhở ước hẹn: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Thế mà cuộc tình của nàng cuối cùng vẫn trắng như vôi. Nhưng Xuân Hương vốn là một phụ nữ luôn luôn muốn bứt khỏi sự tù túng, nàng khác những người phụ nữ thời bấy giờ, và không chịu khép mình chấp nhận nỗi cô đơn lẻ bóng: … Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom.
Từ khi mất hai mối tình mà nàng đã hết lòng vun đắp, Hồ Xuân Hương trở nên buồn bã, ngán ngẩm cho cái duyên của mình. Nàng cũng biết mình tài sắc là thế, yêu hết mình là thế và cũng khiêm nhường đến thế, sao vẫn bất hạnh, huống hồ những người đàn bà khác họ sẽ ra sao trong một xã hội đầy rẫy nỗi oan khiên khắc nghiệt thế này. Suy từ bản thân mình Hồ Xuân Hương càng cảm thông cho những thân phận đàn bà không may mắn, họ không có cái quyền được yêu, được chọn lựa một tấm chồng theo ý muốn, tất cả chỉ trông vào duyên số, nếu may mắn có được tấm chồng thì cũng tối ngày phục vụ chồng con, nếu chồng chết sớm thì chỉ biết ở vậy nuôi con. Càng cảm thông bao nhiêu Hồ Xuân Hương càng muốn lên tiếng bênh vực cho đàn bà bấy nhiêu, nàng bênh vực cho cả những người vì “Cả nể cho nên sự dở dang” mà “Quản bao miệng thế lời chênh lệch/ Không có… nhưng mà… có mới ngoan”. Nàng như muốn thay lời chị em để kêu lên những tiếng kêu thống thiết đòi quyền được yêu và bình đẳng:
Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó xù xì múi nó dày
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Song, dù có vùng vẫy, quẫy đạp thế nào, Xuân Hương vẫn không thể nào thoát ra khỏi một xã hội tù túng thời đó. Cuối cùng nàng cũng phải nhắm mắt đưa chân, những tưởng cho yên bề gia thất mà rồi lại phải chịu cái cảnh “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” để rồi nàng phải chua chát nhận ra thân phận mình cũng như bao thân phận những người đàn bà thuở ấy: Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Những năm tháng về già Hồ Xuân Hương trở lại bến trúc Nghi Tàm sống cuộc đời ở ẩn, nàng không giao du tiếp xúc với ai, nhưng vẫn làm thơ để giải tỏa nỗi lòng. Khi Nguyễn Du có dịp ra Thăng Long đi sứ, có ý muốn gặp lại nàng nhưng nàng đã chối từ mặc dù trong lòng vẫn “Muôn nghìn nỗi nhớ nhung”, mặc dù: Biết còn mảy chút sương siu mấy/ Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Điều đó đã để lại trong lòng Nguyễn Du bao nỗi thương cảm, ân hận, chàng đã làm bài thơ Mộng thấy hái sen để bày tỏ nỗi lòng:
Hoa sen ai cũng ưa
Cuống sen ai chẳng thích
Trong cuống có tơ mành
Vấn vương không thể dứt
Và phải chăng khi khắc họa nhân vật nàng Kiều, Nguyễn Du đã không thể không nghĩ đến hình ảnh Hồ Xuân Hương: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng (Nguyễn Du).
Hình ảnh Hồ Xuân Hương và cũng như bao hình ảnh người phụ nữ thời bấy giờ mà Nguyễn Du đã từng gặp trên con đường bôn ba gió bụi có lẽ đã giúp thi sĩ sáng tạo nên một cô Kiều nổi tiếng trong Truyện Kiều lừng danh thế giới, để lại cho hậu thế muôn đời một thi phẩm ngọt ngào nhưng cũng hết sức sâu sắc về thân phận con người và thân phận những người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến.
Thật là: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (Nguyễn Du).
C.H