Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Đôi điều về thể loại ký trong sáng tác văn học - Nguyễn Văn Đệ
Đôi điều về thể loại ký trong sáng tác văn học - Nguyễn Văn Đệ

Sáng tác văn học là quá trình sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật bằng ngôn từ. Đối với chuyên ngành văn xuôi có các thể loại chủ yếu như: Truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài, ký,… Trong đó, ký bao gồm: hồi ký, bút ký, tùy bút, phóng sự, ghi chép,… Nhân cuộc thi viết ký về đề tài “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020 trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, là một người viết có ít nhiều thành công trong các cuộc thi ký trên Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn nghệ Trung ương, tôi muốn trao đổi thêm đôi điều về thể loại ký và cách viết ký. 
Như chúng ta đã biết, trên thế giới cũng như trong nước, nhiều nhà văn, không chỉ thành danh trong viết tiểu thuyết mà ngay các tác phẩm ký cũng đã góp phần tạo nên sự vĩ đại của họ. Ở Nga, cho đến bây giờ, các nhà học thuật coi Tuốc-ghê-nhép là người chuyên viết ký lừng danh của nước Nga, họ đánh giá ông ngang hàng với các nhà tiểu thuyết lớn như Lép Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ép-xki, Gogol, Sô-lô-khốp,… Ở Trung Quốc, người ta coi nhà viết ký Tư Mã Thiên là nhà văn lớn của mọi thời đại. Còn ở nước ta, các nhà văn viết ký như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Huy Quang, v.v… là những nhà văn mà thể loại ký đã làm nên tên tuổi của họ. Giáo sư, tiến sĩ văn học Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn Ét xe (12 bài giảng ở trường viết văn Nguyễn Du) có viết: Ký là sự nhức nhối của trí tuệ. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến vốn là thầy dạy trực tiếp của tôi. Các bài giảng của ông cho thấy rõ ông coi giá trị các loại hình văn học ngang nhau, miễn sao chất lượng của tác phẩm, thể loại ấy gây ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc; Và, nếu thật hay, nó cũng sẽ là tượng đài của thời đại. 
Tôi từng được đọc bút ký “Người đi săn” của Tuốc-ghê-nhép. Từ một bút ký, tác giả xây dựng thân phận kẻ nô lệ dưới thời phong kiến Nga một cách sâu sắc nhất. Nhân vật E R Mô Lai khi đưa ông chủ đi săn về, đột nhiên trời mưa to. Cơn mưa đổ xuống trở thành một dòng lũ; cả chủ và tớ đều phải lội qua dòng nước xoáy, nhưng suốt chặng đường lầy lội thì thụp, E R Mô Lai không lo mình sẽ trượt chân ngã xuống dòng chảy mà chỉ lo chiếc tẩu thuốc của ông chủ bị sũng nước ngay cả khi anh ta vừa bị dòng nước cuốn trôi. Chỉ qua mấy dòng trong bài bút ký ấy, thân phận thầy - tớ được phân biệt một cách sâu sắc, hiện thực xã hội được thu nhỏ vào câu chữ vừa có tính khái quát vừa mang tầm tư tưởng thời đại. Hay trong bút ký chân dung nhân vật lịch sử của Tư Mã Thiên, nhà văn miêu tả việc Thái Trạch người nước Yên gặp Phạm Thư thừa tướng nước Tần để đòi chiếm quyền. Việc chiếm quyền ở xã hội phong kiến thường phải qua các cuộc giao tranh hoặc đấu đá phe phái. Nhưng chiếm quyền của Thái Trạch đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện… Từ cách diễn tả tâm trạng đến lời nói của nhân vật, tôi thấy tác giả Tư Mã Thiên rất kiệm lời mà ý câu, nghĩa chữ vẫn rất sâu xa (ý tại ngôn ngoại) đó là cái tài của những bậc thầy về ngôn ngữ. Từ đó có thể thấy không phải cứ vung hết chữ lên mặt giấy là thành tác phẩm hay.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Nguyễn Thi viết truyện ký “Người mẹ cầm súng” với trang viết xúc động khi tả đàn con của chị Út Tịch lúc mẹ rời nhà ra trận địa. Đứa chị nói với mẹ: “Bọn con không sợ trúng bom đạn Mỹ, chỉ sợ mẹ bắn máy bay Mỹ làm máy bay rơi trúng đầu chúng con”. Những chi tiết như vậy làm người đọc rất nhớ. Những năm 1985-1986, khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Bài bút ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của Phùng Gia Lộc làm xôn xao dư luận cả nước bởi nó ra đời đúng thời điểm. Bài bút ký của Phùng Gia Lộc đã phản ánh sinh động về thực trạng làng xã lúc bấy giờ. Những “cường hào mới” đang xuất hiện nhan nhản và cần phải được ngăn chặn. Qua những ví dụ nêu trên có thể khẳng định rằng bút ký là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa chi tiết, câu chữ và hoàn cảnh xã hội. Người viết như một “siêu đầu bếp chuyên nghiệp” đủ tỉnh táo và khôn khéo phối trộn nhiều nguyên liệu để cho ra một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng và không lẫn với bất cứ ai.
Nhìn lại cuộc thi viết ký về đề tài “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020 trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tôi xin mạn đàm thêm đôi điều. Cuộc thi ký đã tạo ra sức hút đối với nhiều nhà văn, nhà báo, các cây bút trẻ và người viết mới. Nhiều cây bút đã lăn lộn vào đời sống hiện thực trên khắp mọi miền tỉnh nhà để cảm nhận và viết. Các tác phẩm thể hiện sinh động sự đổi thay của cuộc sống từ chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Đảng, Nhà nước và cũng là nguyện vọng của người dân suốt hơn mười năm qua. Cuộc thi đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm tốt, các tác giả cũng đã phản ánh được phần nào sức sống mãnh liệt của một phong trào lớn, rộng khắp. Nhiều tác phẩm có dấu ấn, chiếm được cảm tình của độc giả. Tuy vậy cũng phải nhìn nhận rằng, từ cổ chí kim, tác phẩm văn học hay là những tác phẩm được tạo dựng từ những vấn đề, những câu chuyện và những nhân vật bi ai, khốc liệt, hoặc quá lắm thì bi tráng. Viết về công cuộc xây dựng nông thôn mới, là viết về những điều đang hân hoan, những vấn đề, những nhân vật hào sảng, về những thành tựu mà Đảng và nhân dân đang gặt hái thì để cho ra đời tác phẩm hay quả là khó. Khó lắm. Tất nhiên nhà văn - người sáng tạo thì tìm tòi là công việc muôn thuở, là sự thôi thúc của đam mê…
Cuộc thi cũng đã kết thúc, một số tác phẩm đã được khẳng định. Có thể nói đây cũng là dịp những cây bút thể hiện được bản lĩnh người viết. Tôi đọc bài bút ký “Người nông dân không còn phải ly hương” của tác giả Lê Ngọc Minh viết về xây dựng nông thôn mới ở nông thôn Hà Trung mới thấy rằng, đây là một tác phẩm có tính khái quát cao. Ở một huyện nông thôn vùng trũng, nhiều năm mất mùa, bị bão lụt tàn phá, người dân thấy hiệu quả trồng lúa thấp nên bỏ đi làm thuê khắp nơi. Câu chuyện đã nói lên được cái trăn trở của người làm lãnh đạo, anh Phó Bí thư huyện ủy đã khổ công nghĩ cách làm thế nào để dân không làm lúa mà vẫn sống được trên quê hương mình “ly nông không ly hương”. Lời giải cho bài toán đó chính là kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nghề cho người dân “từ nông dân” thành “công nhân” ngay trên quê hương mình. Rõ ràng điều này thể hiện được khả năng phát hiện vấn đề và khái quát hiện thực xã hội trong quá trình xây dựng nhân vật của nhà văn. Trong bút ký “Bước chuyển động của quê hương”, tác giả Phạm Văn Dũng lại nói đến một vấn đề khác, đáng bàn. Đó là câu chuyện về làng nghề truyền thống vốn có từ nhiều đời đang đứng trước nguy cơ mai một trong xã hội hiện đại ngày nay. Tác giả miêu tả sinh động về những người làm nghề rèn cực nhọc nhưng lý thú. Anh thợ rèn quay búa, kéo bễ nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi lấm lem, nhưng niềm tự hào về cái nghề của cha ông truyền lại luôn ánh lên trong mắt người thợ. Người ta tìm cách phát triển sản phẩm của nghề làng mình sang cả các nước láng giềng, những sản phẩm tốt chứa đựng bao công sức và tâm huyết của người làm nghề. Từ lối miêu tả sinh động chân dung người thợ rèn tác giả đã làm toát lên được khát vọng, trách nhiệm đến quyết tâm phục hưng làng nghề trong từng nhát búa và nụ cười lạc quan của anh thợ rèn, điều này đã tạo được sức hút đối với người đọc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tác phẩm ký dự thi chưa thực sự có sức thuyết phục. Ở một số bài viết tác giả nghiêng hẳn về lối viết trần thuật thuần túy, tóm lược từ những bản báo cáo, từ những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo đến người dân nơi họ đến. Tác giả chưa dụng công khai thác, chưa thực sự sáng tạo, có tác phẩm chỉ như một bài báo dài thành ra vẫn thiếu tác phẩm có chiều sâu.
Cũng xin nói thêm rằng khi viết bút ký, ngoài việc tìm vấn đề để khái quát, bố cục và tạo dựng nhân vật thì chi tiết cũng rất quan trọng. Có nhiều độc giả đã xúc động khi đọc bút ký “Một chuyến đi biển” của tôi viết về đoàn thuyền của bà con ngư dân xã Ngư Lộc, Hậu Lộc gặp bão bị chìm ngoài khơi, tác phẩm được giải cao nhất Báo Văn Nghệ năm 1996. Sau cơn bão mấy ngày, xác ngư dân tử nạn trôi dập vào bờ dồn đống ở mét nước, bà con rất khó tìm được người thân, vì sóng biển và đặc biệt là những thân người chết bị cá nóc rỉa rói, biến dạng. Tôi đã đưa những chi tiết đắt vào tác phẩm như: Hình ảnh một bà mẹ tìm được thằng con trai 16 tuổi vì bàn tay nó chỉ có ba ngón, người ta gọi nó là thằng “Ba ngón”; Anh Mập tìm được thi hài bạn vì cách buổi bị bão một tuần, trong một buổi rượu anh lỡ cầm cốc ném vỡ ba cái răng của bạn; Một chị tuổi mới ba lăm tìm được xác chồng vì trước lúc đi khơi, anh chị có làm chuyện vợ chồng. Chính chị đã thắt cái dây đay chiếc quần đùi chồng mặc. Cái nút thắt cổ cầy ấy chị vẫn còn nhớ… Những chi tiết nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, khi được nhà văn xử lí khéo léo sẽ góp phần tạo nên thành công cho một tác phẩm ký.
Có người cho rằng viết ký dễ hơn những thể loại khác. Theo tôi, viết cho thật hay thì cũng phải “Nhức nhối trí tuệ”. Những người viết ký cần phải lặn lội, đi sâu vào thực tế đời sống xã hội đầy biến động, phức tạp để có những đánh giá, nhìn nhận sắc sảo. Bên cạnh đó, người viết phải luôn biết cách nâng mình lên, tìm cho mình một lối đi, một phong cách riêng để không hòa lẫn vào số đông. Bởi sáng tác dù ở bất kỳ thể loại nào thì trí tuệ và tư tưởng của người viết là thứ làm nên diện mạo, sức vóc của tác phẩm.
                                                                                 

  Tháng 12-2020
                                                                                          N.V.Đ
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 217
 Hôm nay: 11912
 Tổng số truy cập: 12844609
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa