Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Tác giả văn học trẻ xứ Thanh - Lâm Bằng
Tác giả văn học trẻ xứ Thanh - Lâm Bằng

1. Thanh Hóa là một vùng văn học. Đó là niềm tự hào của xứ Thanh, của vùng đất núi Rồng sông Mã, sông Chu núi Đọ. Của vùng đất Trống đồng Đông Sơn, danh vật tiêu biểu của một nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử. Vùng đất ra ngõ gặp văn nhân.
Cũng rất tự hào, nền văn học ấy luôn có những thành tố rất quan trọng và được kiến tạo bởi những tài năng trẻ, rất trẻ. Ông vua thi sỹ Lê Thánh Tông có Quỳnh Uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Anh hoa hiếu trị; Vị chúa lãng tử tài hoa Trịnh Sâm cho ra đời các tập Nam ký trình thi, Tây ký trình thi, Tâm thanh tồn dụy… đều khi còn rất trẻ, khi mới trên dưới ba mươi tuổi. Ông vua thi sỹ Lê Thánh Tông đã lập ra hội nhà văn đầu tiên trong lịch sử: Tao đàn nhị thập bát tú, do chính ông làm Tao đàn nguyên súy.
Ở thời hiện đại, Hồ Dzếnh, nhà văn vùng đất sông Yên, Quảng Xương bắt đầu sáng tác khi chưa đến hai mươi tuổi. Ngoài hai mươi tuổi, ông đã cho ra đời tiểu thuyết Một truyện tình, tập truyện Chân trời cũ, tập thơ Quê ngoại… Tên tuổi của ông là niềm tự hào của thi ca Việt Nam. Các nhà thơ Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên… đều có những đóng góp đáng tự hào cho nền văn học kháng chiến, khi tuổi đời đều chưa đến ba mươi. Đó là các thi phẩm Nhớ máu, Tình sông núi (Trần Mai Ninh); Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu); Nhớ (Hồng Nguyên). Nhà văn Nguyễn Thế Phương, người con của vùng tả ngạn sông Lèn viết tiểu thuyết Đi bước nữa khi chưa đầy ba mươi tuổi.
Năm hai mươi lăm tuổi, nhà thơ Vương Anh đã xuất bản trường ca Sao chóp núi. Nhà thơ Văn Đắc có sáng tác đầu tay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Nhà văn Đặng Ái khi mới hai mươi tuổi đã in tác phẩm đầu tay, ngoài hai mươi tuổi đã xác lập được danh tính một tác gia; Các nhà thơ Nguyễn Duy, Anh Chi đều có tập thơ in năm 25 tuổi. Khi đang là anh lính tò te trên mâm pháo trận địa Hàm Rồng, tác giả Vân Anh có bài thơ Đàn gà khẩu đội, mang âm hưởng chiến trường và niềm lạc quan của người lính thời chiến, gây xôn xao thi đàn xứ Thanh một dạo. Vân Anh chính là bút danh của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh hôm nay.
Vài nét như vậy để khẳng định rằng, ở thời đại nào, ở giai đoạn nào, xứ Thanh cũng có những tài năng trẻ, rất trẻ, rất đáng tự hào. Lực lượng trẻ đó sớm khẳng định mình và trở thành chủ nhân của nền văn học nước nhà.
2. Chúng ta đang có một đội ngũ tác giả trẻ đầy tiềm năng, có sức viết rất sung sức. Có thể kể đến: Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều, Ngân Hằng, Mai Hương, Phong Lan, Sơn Ca, Quách Lan Anh, Kiều Huyền, Lâu Văn Mua, Bùi Xuân Tứ, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Lê Thị Đáng, Mạc Phong Tuyền, Nguyễn Giáng Tiên, Bùi Hương Thảo, Lê Tú Anh, Nguyễn Thị Quế… Lực lượng này có môi trường tốt, được trang bị khá đầy đủ kiến thức và các điều kiện để phát triển, có khát vọng, có niềm đam mê và đầy nhiệt huyết.
Nếu Phạm Văn Dũng suy tư, chiêm nghiệm, Mai Hương day dứt, thế sự, và cả hai cùng tìm tòi, cùng lắng sâu để bứt phá thì Phạm Tiến Triều quay về khai thác chất liệu dân tộc Mường, hồn Mường, vốn vẫn là vốn quý và thế mạnh của anh. Có lẽ sự quay về của anh là đúng hướng sau khi đã mất khá nhiều thời gian để nhận đường. Ngân Hằng chậm rãi nhưng chắc, tuy có chút lơ là. Chị là một trong số ít người sớm bộc lộ tố chất cần có. Rất có điều kiện để tạo ra nét riêng, giọng điệu riêng của mình. Có lẽ chị cần đầu tư hơn nữa, cả về sự tập trung, cường độ và thời gian cần thiết. Lâu Văn Mua, Bùi Xuân Tứ là những tác giả rất trẻ, lại là người dân tộc thiểu số, có một không gian riêng, có mảnh đất riêng, rất mầu mỡ, đó chính là văn hóa nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nếu biết khai thác, biết cắm rễ sâu thì sẽ đi được xa. Lê Tú Anh đã xác lập danh tính trên văn đàn, nhưng những tác phẩm, công trình của chị hầu như nặng về tính kinh viện mà chưa bắt nhịp với đời sống văn học, chưa mang hơi thở rất sôi động của đời sống văn học đương đại, trong đó có văn học địa phương, là nơi chị tiếp cận hàng ngày, cái nôi đã nuôi dưỡng, vun đắp cho chị. Bùi Hương Thảo là cây bút phê bình trẻ, đầy triển vọng. Nhưng hình như chị mới thử sức ở những bài giới thiệu sách, giới thiệu tác giả. Người đọc đang đợi ở chị những bài chuyên sâu, những nghiên cứu có tính khái quát và học thuật hơn. Nguyễn Giáng Tiên là cây bút xuất hiện khá sớm. Từ lúc học lớp 5 chị đã có tác phẩm in báo. Năm lớp 7 đã có tập truyện ngắn Mâm cỗ tất niên, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Lúc bấy giờ chị nổi lên như một hiện tượng. Mọi người đều hồ hởi, đặt nhiều hy vọng. Nhưng từ khi dời ghế nhà trường phổ thông đến giờ chị chưa công bố gì. Hẳn là chị còn đang tích lũy vốn sống và ấp ủ… Có lẽ do công việc làm báo cuốn hút, hay do tác phong làm báo, chất báo nhiễm quá sâu mà Kiều Huyền chưa cho người đọc thấy dung mạo của chị ở lĩnh vực nào. Trong khi đó, Sơn Ca, Quách Lan Anh, Lê Đáng… nhẹ mơn man. Hầu như các chị chưa sẵn sàng đối mặt với thách thức chuyển động của thi ca.
Ở mạn bắc sông Lèn gần đây xuất hiện như hiện tượng, cùng một lúc, không hẹn mà gặp, đó là các tác giả thuộc thế hệ 8X: Lữ Thị Mai, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền. Ngoài Lữ Thị Mai đã khẳng định tên tuổi trên văn đàn cả nước, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền ít nhiều đều tạo nên những lớp sóng văn trường xứ Thanh gần đây. Mặc dù mới ngoài ba mươi, nhưng An Thư có vốn sống và kiến thức cổ văn đến kinh ngạc. Đọc truyện của chị, người đọc cứ tưởng chị phải nhiều tuổi lắm, già dặn lắm, từng trải lắm. Chỉ tiếc, công việc và mưu sinh đã cuốn hết thời gian của chị. Thời gian chị dành cho viết ít quá. Mạc Phong Tuyền có cách nhìn lạ, cách nhìn của riêng anh. Như là anh muốn giải mã sự vật, sự việc, mọi việc chung quanh… theo cách của anh. Anh luôn có ý tạo lập ngôn ngữ của riêng mình, một thứ ngôn từ chắt lọc, có độ nén sâu, hàm súc trên cơ sở khai thác cấu trúc từ Hán - Việt. Anh lấy làng quê, cánh đồng, người bà, người mẹ, cổng đình, cái lừ, cái trúm… làm trục hướng tâm cho cảm xúc của mình. Lấy những cái rất đỗi quen thuộc để tạo nên những cảm thức lạ, rất lạ của người viết lẫn người đọc. Nhưng hình như anh hơi chông chênh. Có lẽ anh cần nhất quán hơn, về tư tưởng, về nhân sinh quan và cả về quan điểm nghệ thuật.
Có thể coi Vũ Tuyết Nhung là một hiện tượng. Chị xuất hiện chưa lâu. Nhưng sức viết thật đáng nể. Không biết “gia sản văn chương” của chị có bao nhiêu, nhưng cứ nhìn trên blogs riêng của mình, hầu như ngày nào chị cũng trình làng một bài thơ, thì biết chị đã lao động như thế nào. Thơ Nhung giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ giản dị mà biến ảo tài tình, nhuần nhuyễn. Chị trải lòng mình, viết về thân phận mình mà tường như cả ngàn thân phận khác đều thấy có bóng họ trong đó, cho nên chị dễ nhận được sự đồng cảm. Chỉ vậy thôi, chị cũng đã thành công bước đầu, thơ của chị đã đến được với mọi người. Mặc dù chỉ xoay quanh một đối tượng của rung cảm và thẩm mỹ, nhưng thơ của Nhung không đơn điệu, không nhàm. Tuy nhiên cấu tứ của một số bài thơ đôi khi còn lỏng lẻo, rời rạc. Thậm chí câu chữ như tuôn ra một cách tự nhiên, mặc sức. Có lẽ, Nhung cần tiếp cận hơn nữa với văn trường, với thi pháp học để câu chữ chắc hơn, khỏe khắn hơn, để vượt ra khơi xa một cách vững chắc. Từ năng khiếu đến tài năng. Từ tài năng đến thành công đều có khoảng cách nhất định, với những cái giá và giá trị nhất định.
Cả ba tác giả trẻ 8X An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền đều có nội lực mạnh, tràn đầy năng lượng, tràn đầy đam mê, có tín hiệu của cá tính sáng tạo. Hy vọng các bạn sẽ tiến xa hơn.
3. Tác giả trẻ hôm nay, chủ nhân của nền văn học mốt mai. Đương nhiên là thế. Nhưng đội hình hôm nay, gương mặt hôm nay chưa hẳn sẽ là đội hình của ngày mai. Âu cũng là lẽ thường. Bởi đây là lĩnh vực của tài năng, của lao động sáng tạo. Người nào không hội đủ hai yếu tố đó, dù có chút năng khiếu, cũng khó thành công. Ai cũng phải đối mặt với sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian. Có lẽ đây là sự bình đẳng nhất, không thiên vị. Sống hết mình, cháy hết mình. Đam mê và dấn thân… có lẽ là thuộc tính của thành công, nhất là trên văn trường.
Hơn hai mươi năm qua, tạp chí Xứ Thanh đã tổ chức 16 cuộc thi. Trong đó có tới 5 cuộc thi dành cho giới trẻ, gồm 3 cuộc thi sáng tác Tuổi học trò, 2 cuộc thi sáng tác văn học trẻ. Các cuộc thi đều giành được kết quả tốt đẹp. Phát hiện được những tài năng văn học. Nhiều tác giả xuất hiện ở các cuộc thi này đã trở thành những cái tên trên văn đàn trẻ của cả nước, như Lữ Thị Mai, Nguyễn Hồng Thủy Tiên, Vũ Thị Huyền Trang, Văn Thành Lê, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Văn Học, Vĩnh Thông, Phạm Tú Anh…
Cũng qua các cuộc thi, đã phát hiện được một số cây bút học trò, đã trao giải, đã tặng thưởng. Các em vui mừng vì được nhận giải, những người tổ chức thi cũng không kém phần hồ hởi. Vẫn hy vọng đó là những tài năng văn học, những tác giả văn học của xứ Thanh trong tương lai. Những cái tên: Đan Phượng, Hoàng Cẩm Giang, Lê Thị Lan, Lê Trang Thùy Giang, Phạm Thị Hằng, Đỗ Tuyết Phượng, Lê Thị Huệ, Trịnh Thị Phương Thoa, Hàn Thị Hà, Bùi Kim Hà, Vũ Thị Hoa, Dương Hằng… từng gắn bó với tạp chí Xứ Thanh một thời, vẫn đang nằm trong mong mỏi của các đàn anh. Mọi người vẫn chờ đợi, vẫn ngóng trông… 
Trong số các tác giả thuở học trò trên đây, Dương Hằng cũng là một cái tên được găm trên các giá sách trẻ. Tuy nhiên, sách của giới trẻ và văn học trẻ cũng còn có khoảng cách, đầy thách thức.
Quả thật, khoảng không gian đầy mộng mơ của học đường và không gian sau học đường của cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Các em ra trường, rồi đi đại học, học cao đẳng, đi muôn phương với nhiều hoài bão và nhiều môi trường khác nhau. Nhiều em dù ở đâu, lúc nào, ở lĩnh vực nào cũng rất tha thiết với thơ văn, bền bỉ viết và in. Nhưng cũng rất nhiều em, tình yêu văn thơ chỉ còn trong kỷ niệm. 
4. Sức vươn ra biển lớn của đội ngũ tác giả trẻ xứ Thanh hôm nay, như thế nào. Sẽ ra sao… Câu trả lời thật không dễ.
Như phần đầu đã nói, văn học xứ Thanh hết sức tự hào với đội ngũ tác gia mà tài năng phát lộ khá sớm, hầu hết đều trên dưới ba mươi tuổi. Các tác giả trẻ hôm nay, được gọi là trẻ, nhưng cũng không còn ai dưới tuổi ba mươi. Có điều, các bạn ấy cũng không để ý vấn đề này, không coi đó là áp lực.
Những năm gần đây, hàng năm Hội VHNT Thanh Hóa đều mở trại bồi dưỡng, sáng tác văn học dành cho tác giả miền núi và dân tộc. Mỗi cuộc độ vài chục người tham gia. Trong đó hầu hết là lực lượng trẻ. Những mong qua đó phát hiện được những nhân tố mới, nhân tố trẻ của vùng đất đầy sắc thái văn hóa để bồi dưỡng bổ sung cho lực lượng sáng tác trong tỉnh. 
Bên cạnh đó, tạp chí Xứ Thanh thường xuyên giới thiệu các cây bút trẻ có triển vọng. Việc làm đó của Hội và Tạp chí Xứ Thanh, chính là góp phần tìm tòi, phát hiện và ươm chăm những tài năng văn học. Tạo điều kiện tốt nhất để tài năng phát triển. Có lẽ đó là những động thái tích cực nhất đối với sự phát triển đội ngũ tác gia xứ Thanh.
Việc còn lại là ở từng tác giả. Liệu các bạn có khai thác được vỉa quặng tiềm tàng của chính mình, sống hết mình, đam mê, quyết liệt và dấn thân.
Chốn văn chương không hề có nhung lụa. Con đường đến với văn chương cũng không hề có thảm đỏ, như ai đó ngộ nhận. Mà đầy khắc nghiệt, đầy gian lao, và phải chấp nhận sự nghiệt ngã sàng lọc của bạn đọc và thời gian. Không dấn thân, thiếu quyết liệt, thiếu đam mê... khó mà đến đích.
Một điều dễ nhận thấy là, các bạn trẻ hôm nay, được trang bị khá đầy đủ về kiến thức, có đủ các điều kiện để phát triển, để đi xa. Nhưng hầu như rất ít có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Hiếm thấy có những cá tính sáng tạo, những giọng điệu riêng, phong cách riêng, mới và lạ...
Các bạn trẻ có đầy đủ về kiến thức, nhưng lại thiếu đi sự rèn giũa, bổ sung. Câu phương ngôn: "Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng bền" hầu như xa lạ với các bạn. Lối sống tốc độ khiến nhiều bạn đang mờ dần đi văn hóa bản địa của mình, (cả vô thức và hữu thức). Càng ngày càng ít đi tác giả gắn bó với một vùng đất, một vùng quê, một vùng văn hóa. Đã có tình trạng ly hương ngay giữa quê hương. Không gắn bó, không khai thác vỉa quặng quý của chính quê hương mình. Làm mai một đi bản sắc văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên… là mất đi vốn quý không gì thay thế.
Sống hời hợt, lao động sáng tạo hời hợt, thiếu đam mê, khát vọng… rất khó đi đến thành công.
Hy vọng rằng, đội ngũ tác giả trẻ xứ Thanh hôm nay sẽ tiếp nhận một cách vững vàng sứ mệnh là chủ nhân của nền văn học mà lớp đi trước đã dày công vun đắp.
Chúng ta có quyền chờ đợi. Có quyền hy vọng và đặt nhiều niềm tin vào lớp trẻ hôm nay.
                                                                                   

1-4-2021
                                       L.B


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 194
 Hôm nay: 12174
 Tổng số truy cập: 12844871
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa