Lý Đào Lang Vương và lựa chọn sống còn lịch sử - Phạm Minh Quân
Lần giở từng trang sử Việt, nhà văn Phùng Văn Khai, như một nhà khảo cổ học chữ, miệt mài bóc tách từng mảng tối khuất lấp và lấp đầy những khoảng trống. Đó là sự sáng tạo đầy táo bạo nhưng cũng không kém phần mạo hiểm của tiểu thuyết gia lịch sử. Lý Đào Lang Vương (Nxb Văn học, 2021), tác phẩm mới nhất của Phùng Văn Khai, và là tác phẩm thứ ba trong “bộ tứ” dự kiến về các vị vua triều đại Tiền Lý - nhà nước Vạn Xuân, một giai đoạn hào hùng nhất trong lịch sử chống Bắc thuộc của dân tộc, bên cạnh khẳng định tư tưởng và bút pháp của nhà văn, cho thấy sự tiếp cận một chủ đề mới.
Tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương được xây dựng xoay quanh Lý Thiên Bảo, vua nước Dã Năng, có thể nói là một mắt xích lịch sử quan trọng trong triều đại nhà Tiền Lý. Lý Thiên Bảo là một trong những người đầu tiên phò tá Lý Bí - Lý Nam Đế trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương, thành lập nên nhà nước Vạn Xuân. Và chính ông cũng đã tạo dựng cơ đồ, nền tảng cho vị vua cuối cùng của triều đại này, tức Lý Phật Tử. Ông còn là một vị vua dân gian, được nhân dân tôn làm chúa, tôn xưng là Đào Lang Vương.
Lý Thiên Bảo xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư rất khiêm tốn, khi soạn Kỷ Triệu Việt Vương các nhà soạn sử đã nêu thêm, xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép Đào Lang Vương để bổ sung như sau: Anh của Nam Đế là [Lý] Thiên Bảo, ở đất người Di Lạo, xưng là Đào Lang Vương, lập nước gọi là nước Dã Năng. Trước đó, khi Nam Đế tránh ở động Khuất Lão, Thiên Bảo cùng với tướng người cùng họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân. Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Thiên Bảo bị thua, bèn thu nhặt quân còn sót được vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao, thấy động Dã Năng ở đầu nguồn Đào Giang(*), đất phẳng rộng màu mỡ có thể ở được, mới đắp thành để ở, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu. Đến bây giờ quân chúng tôn làm chúa, xưng là Đào Lang Vương. Ất Hợi, năm thứ 8 [555], (Lương Kính Đế, Thiệu Thái năm thứ nhất). Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con nối, quân chúng suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi, thống lĩnh quân chúng (Đại Việt sử ký toàn thư - Ngoại Kỷ - Quyển IV). Ít ỏi là vậy, nhưng đây lại là ghi chép mang tính đầy đủ nhất về vị vua này. Sự hạn chế của dữ liệu chính sử đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội không nhỏ cho Phùng Văn Khai.
Mặc dù vẫn nối tiếp mạch chủ đề chống giặc ngoại xâm của hai tiểu thuyết trước đó là Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học, 2019) và Triệu Vương phục quốc (Nxb Văn học, 2020), nhưng ở Lý Đào Lang Vương, lần đầu đã song song xuất hiện một chủ đề mới, đó là mở rộng bờ cõi, mở rộng địa vực. Phùng Văn Khai đã phát hiện, hay làm sáng rõ, lựa chọn lịch sử của Lý Đào Lang Vương. Con đường định mệnh của nhân vật lịch sử này, là trở thành một trong những người đầu tiên viễn chinh và khai phá lãnh thổ đất Việt về phía Tây và phía Nam.
Ngay mở đầu tác phẩm, Lý Thiên Bảo đã bị đặt vào một tình thế ngàn cân treo sợi tóc, khi quân nhà Lương từ phương Bắc dưới sự chỉ huy của Thứ sử Trần Bá Tiên tấn công như chẻ tre, phá thành Long Biên, thắng hồ Điển Triệt, ép Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão và qua đời ở đây, mọi việc để lại cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục.
Ở Ái Châu về phía Nam, lực lượng của Lý Phật Tử được Lý Thiên Bảo giao phó giữ thành phải chịu gọng kìm kép, một bên là thế lực của Lữ Phạm, Mông Kỳ từ phía Bắc tranh thủ tình thế tập kích chiếm cứ, một bên là đại tướng Bố Đa Ngai từ phía Nam nhăm nhe vượt dãy Hoành Sơn thực hiện dã tâm báo thù của vua Rudravaman nước Lâm Ấp. Thời khắc làm nên vĩ nhân. Trong những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, ngặt nghèo nhất của lịch sử, con người muốn trở nên vĩ đại phải đưa ra lựa chọn sống còn của mình. Lý Thiên Bảo là một con người như vậy.
Tây tiến là lựa chọn của Lý Thiên Bảo. Trước tình thế bất lợi, đối mặt với sự uy hiếp của thế lực phương Bắc, Lý Thiên Bảo đã gom nhặt lực lượng binh tướng tâm phúc, rút về vùng động Dã Năng, thượng nguồn sông Đào Giang, tiếp giáp với đất người Di Lạo ở Ai Lao để xây dựng căn cứ. Ở đây, nhà văn Phùng Văn Khai đã khéo léo lồng ghép tiểu thuyết vào bức tranh văn hóa thời đại, khi Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ rất sớm nhờ công của Khương Tăng Hội, Mâu Tử, Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, và đặc biệt được Tì-ni-đa-lưu-chi giáo hóa lan tỏa vào khoảng thế kỷ VI - VII với trung tâm Phật pháp là Luy Lâu. Việc đầu tiên Lý Thiên Bảo cho làm khi tới Dã Năng, là cho xây dựng chùa để thúc đẩy xiển dương hoằng pháp, thu phục nhân tâm, bình ổn lòng dân. Chi tiết này, khi ráp nối với lịch sử thực tế, lại trở nên logic vô cùng. Bởi sau này Lý Phật Tử, kế thừa nền tảng từ Lý Thiên Bảo, đã duy trì một thời gian thái bình cho chúng dân Vạn Xuân trong vòng 30 năm.
Một khía cạnh khác của Lý Thiên Bảo chưa từng ai biết đến, được Phùng Văn Khai đặc tả, đó là tài năng ngoại giao và dân vận xuất chúng. Vùng thượng du Dã Năng vốn là nơi cư trú của bát tộc Su, Sùng, Bạch, Cù, Khái, Ma, Đèo, Đinh. Bằng lòng nhân, sự công minh và am hiểu văn hóa, Lý Thiên Bảo đã hiệu triệu và thống nhất được sự đồng tâm ủng hộ của bát tộc nơi đây (Mới hơn nửa năm trời, khu thượng nguồn sông Dã Năng thay đổi đến chóng mặt. Khoảng đất rộng vuông trên mười dặm ngày trước binh tướng Lý Thiên Bảo tới đóng nay đã vô số nhà cửa mọc lên. Chính giữa khoảng đất vuông tọa lạc ngôi chùa gỗ lớn lợp lá cọ. Châu tuần xung quanh ngôi chùa gỗ, tám căn nhà gỗ vuông vắn chỉnh tề trên đều treo biển đồng đề các chữ: Su Man gia, Sùng gia, Bạch gia, Cù gia, Khái gia, Ma gia, Đèo gia, Đinh gia nghiêm ngắn, trang nhã. Đây là món quà chủ công Lý Thiên Bảo sai quân sư Triệu Quốc Chính thực hiện ghi nhớ công lao đóng góp của các thị tộc vùng thượng nguồn Dã Năng. Trên mỗi tấm biển đồng đều cài một vuông lụa đỏ rất bắt mắt). Nói khác, sức mạnh đoàn kết và trung thành của các tộc người bản địa, chính là cơ sở vững chắc để Lý Thiên Bảo khuất phục đối thủ. Một chi tiết nữa thể hiện tài ngoại giao của Lý Đào Lang Vương, chính là hóa giải hiểu lầm giữa tộc Su Man và tộc Kadai chạy loạn từ Ai Lao sang. Không những vậy, còn khởi binh tướng giúp tộc Kadai đánh chiếm lại thung lũng Dong Chuôm, nhưng đồng thời nhờ lòng khoan dung và tầm nhìn xa, ông còn ngăn chặn được cảnh oán chồng oán giữa tộc Kadai và Champasak của quốc vương Xang Muông. Sự hàn gắn này đã trở thành tiền đề cho việc kết bang giao giữa hai nước Di Lạo và Vạn Xuân, để kể từ đó trở đi, phía Tây được yên ổn, giao thương phát triển. Qua ngòi bút của Phùng Văn Khai, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt, chúng ta không đứng ở chiếu dưới hay thế yếu, mà cư xử trên thế bình đẳng và nhân văn với một quốc gia khác.
Bình Tây rồi đến chinh Nam. Nửa sau của tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương là một thước phim dã sử khắc họa cuộc chiến hào hùng giữa nước Vạn Xuân với Lâm Ấp phía Nam. Vương quốc Lâm Ấp của vua Rudravaman chưa bao giờ nguôi ý chí phục thù. Liên kết với quân của Thứ sử châu Cửu Đức là Mông Kỳ, Bố Đa Ngai đã xuất binh vượt Hoành Sơn tấn công. Lý Đào Lang Vương, với sự phò tá đắc lực của các danh tướng như Lý Phật Tử, Triệu Quốc Chính, Trần Bá Thường, Lý Thiệu Long, Trịnh Tông Hàn, Dương Đình Lập đã đánh bại liên quân giữa nhà Lương và Lâm Ấp, vây ngặt Bố Đa Ngai. Nhưng với tôn chỉ nhân nghĩa, bao dung độ lượng (Bởi vậy, sau trận đại chiến này, ta chỉ có thể chế phục thị tộc Rudravaman bằng đạo lý khoan dung, minh chính, bác ái, hòa mục mới bền vững được), Lý Đào Lang Vương đã gửi chiếu thư tha cho toàn bộ hàng binh, hàng tướng Lâm Ấp trở về, với điều kiện vua Rudravaman gửi chiếu thư cầu hòa. Không những đánh đuổi thế lực phương Nam xâm lăng phải rút lui, mà còn phải khiến cho chúng phải nhẫn nhục cắt toàn bộ châu Lâm Khang, lấy về vùng đất mới rộng lớn cho lãnh thổ Vạn Xuân, mở rộng cương vực, quả là một chiến công hiển hách của triều đại Lý Đào Lang Vương.
Nhân cách của Lý Đào Lang Vương còn được Phùng Văn Khai hé lộ qua tình tiết ngài minh chính từ chối ngôi vị Nam Đế Vạn Xuân do Triệu Quang Phục thuyết phục, cùng tinh thần hướng Phật, từ bỏ vương quyền để xuống tóc tu hành. Xuyên suốt tiểu thuyết, bạn đọc không khỏi thấy một Lý Đào Lang Vương ý chí nhất quán với hành động, một phẩm tính toàn vẹn từ đầu chí cuối. Và điều quan trọng nhất, ông luôn đưa ra được những lựa chọn lịch sử đúng đắn, không chỉ với cá nhân, mà với cả dân tộc. Như vậy, dưới ngòi bút hư cấu đầy diệu dụng của tác giả, tiểu thuyết lịch sử Lý Đào Lang Vương đã cho ta thấy một hình tượng Lý Thiên Bảo mà chúng ta chưa bao giờ được biết, và nên được biết.
P.M.Q
(*) Nguồn Đào Giang, theo các nhà sử học Thanh Hóa cho biết thì nguồn Đào Giang này thuộc Mường Đào (nay thuộc xã Điền Lư, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Hiện ở đây vẫn còn dốc Bàn Đào