Tập thơ "Lòng mẹ" - Khúc tâm tình không hư cấu - Nguyễn Thị Nhường
Ban Thơ Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng tỉnh Thanh Hóa được thành lập tháng 6 năm 1990, tập thơ đầu tiên được xuất bản tháng 6 cùng năm, từ đó đến nay hàng trăm đầu sách đã được in ấn, xuất bản nhiều tập thơ có giá trị cả về hình thức và chất lượng nội dung như: Nghi Sơn vẫy gọi, Âm vang Hàm Rồng, Gương Bác sáng đời ta, Hương Thanh và nhiều tập thơ xuân bìa cứng gáy tròn như Xuân Tân Mão, Xuân Quý Tỵ, v.v… Hàng trăm bài thơ của hội viên được các nhạc sỹ phổ thành ca khúc để có một chương trình “Hát về CLB Hàm Rồng”.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (6-1990 - 6-2020) Ban Thơ CLB đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ Lòng mẹ, đây là tập thơ chọn lọc của nhiều tác giả, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tập thơ có độ dày vừa phải - 96 trang và 58 bài của 45 tác giả, có những hội viên là nhà văn, nhà báo, nhà thơ đã thành danh ở xứ Thanh như Lê Xuân Giang, Trần Đàm, Cao Sơn Hải, Vũ Duy Hòa, Lê Đăng Sơn, Nguyễn Thị Hồng Vân… Còn lại là những người làm thơ không chuyên đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Mặc dầu vậy đọc Lòng mẹ ta thấy toát lên một tình cảm nồng nàn sâu lắng, những vần thơ tràn đầy cảm xúc dâng cho mẹ, mỗi bài thơ là một tâm sự riêng - Một khúc tâm tình không hề hư cấu, cùng một chủ đề nhưng không bị trùng lặp, càng đọc càng ngấm, càng đọc càng xúc động, vì mỗi câu, mỗi vần thơ cứ thủ thỉ đi vào lòng người, ở vào độ tuổi sinh hoạt ở CLB Hàm Rồng đa phần mẹ đã không còn nữa, nên tình yêu dành cho mẹ thường là những kỷ niệm, những hoài niệm, ký ức thời thơ ấu, những năm tháng xa nhà, xa quê hương, xa mẹ…
Ta hãy nghe tác giả Đặng Văn Minh viết bài thơ tặng mẹ khi ông đã ở độ tuổi tám mươi. Mẹ dành tình cảm bao la/ Nuôi con khôn lớn thành hoa tặng đời/ Đến nay mẹ đã già rồi/ Như cành khô héo biết rơi lúc nào/ Vẫn dành tình cảm dạt dào/ Giúp con tung cánh bay cao giữa trời. Nhà thơ Lê Xuân Giang viết: Ngày mẹ ra đi về với tổ tiên/ Con đã khóc mà không thành tiếng/ Trong lòng con nỗi đau này đau nhất/ Là nỗi đau mất mẹ mẹ ơi! (Ngày mẹ ra đi). Hay nhà thơ Trần Đàm thổn thức: Một đời áo vải mong manh/ Mẹ quên mẹ tất cả dành cho con/ Ra đi phận bạc lòng son/ Mẹ để phúc đức cho con cháu nhờ (Vu lan nhớ mẹ). Tác giả Đặng Xuân Bá giãi bày nỗi lòng: Đã ngoài bảy chục tuổi đời/ Mà sao nhớ mẹ như hồi trẻ thơ/ Mẹ đi từ bấy đến giờ/ Đêm nằm thấy mẹ trong mơ sững sờ (Nhớ mẹ), và một loạt bài: Xuân về nhớ mẹ của Ngô Quang Hà, Mẹ tôi của Nguyễn Bằng Nguyệt, Mẹ ơi con về của Văn Phong, Viếng mộ chiều tà của Nguyễn Xuân Sít, Lời mẹ ru của Lê Trung Sơn, Văn Thiện với bài Thương mẹ, Hoàng Cương bài Mẹ tôi, Lê Xuân Đồng bài Vu lan nhớ mẹ, Lê Mạnh Hợp bài Gặp mẹ trong mơ, Nguyễn Thị Nhường bài Hãy yên lòng mẹ ơi!, Nguyễn Xuân Thái bài Phút giây nhớ mẹ, Đinh Thị Cúc bài Hương trầu của mẹ, Thanh An - Đỗ Đình Phong bài Mẹ tôi, Nguyễn Thị Hồng Vân bài Nỗi nhớ...
Trong dòng chảy của cảm xúc tôi đã đọc đi đọc lại những bài thơ và cứ bị ám ảnh rồi lặng lẽ thổn thức khi đọc bài Mẹ ơi của Cao Sơn Hải:
Mẹ ơi!
Tiếng ấy đã bao lần con gọi
Nhưng triệu lần chẳng cạn nguồn thương…
Đi xa về đến chân cầu thang con lại gọi
Mẹ ơi!
Nhà vắng tanh không một tiếng trả lời
…
Mẹ anh chết rồi!...
Bỗng tiếng nổ xé trời
Bão giông ập đến… Mẹ ơi!
Công lao mẹ như trời như biển
Mà con chưa đáp đền một chút mảy may
Có hay mẹ dưới suối vàng
Khúc ruột con đó tấm băng tang cho mẹ.
Những tiếng gọi mẹ ơi như những tiếng nấc nghẹn ngào trong lòng đứa con mất mẹ. Trong đời mỗi con người phải chịu nhiều nỗi đau nhưng nỗi đau mất mẹ thì không có gì bù đắp nổi. Nhà thơ Hà Văn Thương với bài Nhớ mẹ:
Tiếng là vợ Chủ tịch
Mẹ có đòi gì đâu
Cũng như mọi nông dân
Khi chồng luôn vắng nhà
Mọi việc tự lo liệu…
Để rồi:
Nay về nơi chín suối
Có bố nằm cạnh bên
Mẹ yên nghỉ mẹ nhé
Lễ tết con đón về.
Cả một đời người phụ nữ lặng lẽ hy sinh cho chồng con, đến quên cả bản thân mình, dù là vợ của Chủ tịch tỉnh.
Đọc Lòng mẹ ta bắt gặp nhiều tác giả đã qua chiến trường trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc như Tô Xuân Bảng, bài Con đi chiến trường, Hoàng Quốc Cảnh bài Đôi bàn chân mẹ, Nguyễn Chí Đức bài Kỷ niệm, Lê Xuân Giang bài Ngày mẹ ra đi, Vũ Duy Hòa bài Mẹ vẫn chờ con, Đoàn Kiềm bài Mẹ tôi, Lê Thanh Mãi bài Thắp hương ngày giỗ mẹ, Đoàn Văn Phú bài Mẹ tôi, Cao Xuân Quỳnh bài Mẹ ơi, Lê Đăng Sơn bài Niềm ký ức, Phạm Huy Khanh bài Tình Mẹ, Văn Thiện bài Thương mẹ, Lê Đình Vơn bài Mẹ tôi…
Những vần thơ được bật ra từ trái tim người lính đã từng xông pha trận mạc nơi bom rơi đạn nổ, cái chết từng giờ hiện hữu thì hình ảnh người mẹ trong lòng họ thật thiêng liêng, những kỷ niệm thân thương, đơn sơ với mẹ giờ đây cứ cồn cào cháy bỏng:
Gặp rừng thốt nốt chiến trường xa
Cháy bỏng lòng con nỗi nhớ nhà
Lá non đan quạt ai dâng mẹ
Ai chặt kè cho mẹ dọi nhà?
(Lê Thanh Bình - Cây kè vườn mẹ)
Tác giả Trà Thanh Tráng với bài Bóng mẹ:
Anh em con xa nhà đi kháng chiến
Phơi phới tuổi xuân mười tám đôi mươi
Dù ở đâu phía đầu non cuối bể
Vẫn khát thèm hai tiếng Mẹ ơi!
Trong gian khổ thiếu thốn trăm bề người chiến sĩ vẫn chịu được nhưng tiếng gọi “mẹ ơi” lúc nào cũng đau đáu, cũng khát thèm, nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ cũng chính là động lực, là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ không sợ hy sinh, mong ngày toàn thắng trở về để được cất lên hai tiếng: Mẹ ơi!
Đọc 58 bài thơ của 45 tác giả, cặp từ Mẹ ơi! Mẹ ơi! cứ lặp đi lặp lại có khi đặt ở đầu câu khi thì ở cuối câu, có khi là tựa đề cho một bài thơ tùy theo tâm trạng của tác giả lúc gọi thân thương, trìu mến, lúc nũng nịu, thiết tha, khi đau đớn, tiếc thương, gào thét… 45 tác giả đã có đến 43 cặp từ mẹ ơi (có thể hơn). Bài Ngày mẹ ra đi của Lê Xuân Giang gồm 6 khổ thơ, có 6 câu anh gọi mẹ ơi đều đặt ở cuối câu: … Là nỗi đau mất mẹ, mẹ ơi! - … Đều khởi nguồn từ mẹ, mẹ ơi! - … Cũng vắt từ lòng mẹ, mẹ ơi! - … Có phút giây nào vắng mẹ, mẹ ơi! - ... Muốn gào lên gọi mẹ, mẹ ơi! - … Nguyện trọn đời dâng mẹ, mẹ ơi!.
Nhà thơ Cao Sơn Hải trong bài Mẹ ơi có đến 7 lần tiếng gọi “mẹ ơi” được bật ra trong mỗi cung bậc của cảm xúc, khi đặt ở đầu mỗi khổ thơ một dòng độc lập, cặp từ Mẹ ơi! Mẹ ơi!, trong hoàn cảnh này mỗi tiếng kêu mẹ ơi của tác giả như những nhát dao cứa vào tim người đọc, vì ai cũng có mẹ, ai cũng gọi mẹ ơi! Từ lúc biết nói cho đến khi mẹ từ biệt cõi đời…
Trong tập thơ Lòng mẹ còn nhiều bài của các tác giả đã qua đời như: Trung Kiên bài Về quê nhớ mẹ, Đặng Văn Minh bài thơ Tặng mẹ, Hương Thanh - Võ Hồng Sơn bài Mẹ ơi!, Lê Văn Thuộc bài Xuân về thương nhớ mẹ cha, Vũ Thanh Tuấn bài Lời ru của mẹ, Nguyễn Quốc Y bài Mẹ ơi!. Đọc Mẹ ơi của Nguyễn Quốc Y: Mẹ là hương đất tình quê/ Là dòng sữa ngọt tràn trề đời con/ Vàng mười ví có gì hơn/ Những như tình mẹ còn hơn vàng mười. Thiết tưởng không còn gì để bàn thêm, thật là: Người dẫu không còn nữa, mà vần thơ vẫn còn mãi với thời gian.
Từ tình cảm thiêng liêng dành cho mẹ mình các tác giả đã bao quát đến người mẹ Việt Nam, người mẹ anh hùng. Tác giả Trịnh Đình Vượng với bài Mẹ Việt Nam: Đêm đêm tắt lửa tối đèn/ Xóm làng lui tới bạn hiền sang chơi/ Ti vi xen lẫn tiếng cười/ Cùng nhau kể chuyện nơi nơi đẹp giàu. Tác giả Nguyễn Thị Hải đầy cảm xúc khi viết về mẹ: Năm tháng dải dầu cố vọng trông/ Mắt mờ chân chậm xót xa lòng/ Dâng hương hai nén hai bài vị/ Một cúng con trai một cúng chồng (Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Tác giả Hoàng Công Khánh thì khẳng định: Cống hiến vì dân dân đáp nghĩa/ Hy sinh vì nước nước ghi công/ Đảm đang trung hậu nêu gương sáng/ Danh hiệu anh hùng Tổ quốc phong (Mẹ Việt Nam).
Thật là thiếu sót nếu chưa nhắc đến mảng thơ viết về mẹ vợ, mẹ chồng, mẹ kế của Hoàng Thanh Hải bài Mẹ vợ tôi, Chu Thị Hằng bài Mẹ chồng, Nguyễn Gia Hiệp bài Mẹ kế. Ta còn nhớ câu ca: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” thế mà Nguyễn Gia Hiệp trong bài thơ Mẹ kế của tôi đã khắc họa chân dung một người mẹ kế đảm đang, tần tảo chăm chồng, nuôi dạy con của chồng lớn khôn thành đạt, không chỉ thế bà còn chịu đựng hy sinh tiễn các con ra đi chống Mỹ cứu nước, có người không trở về: Em út… Em út vừa mới lớn khôn/ Ra đi chống Mỹ mỏi mòn đợi trông/ Đến ngày thống nhất non sông/ khóc cạn nước mắt em không trở về và tác giả khẳng định: Đọc bao thơ của thi nhân/ Ngợi ca đức độ nghĩa ân mẹ già.
Với dung lượng bài viết có hạn tôi không thể nêu hết được cảm xúc của mình trong mỗi bài thơ mà bài nào đọc lên cũng rưng rưng… xin dành lại để bạn đọc tiếp tục khám phá. Lòng mẹ như một bức thông điệp về tính nhân văn, tình mẫu tử gửi đến ai đó, nơi nào đó đang còn cảnh: “Chết thì điểm mộc điểm trà/ Sống thì xin bát nước cà không cho” (!).
Lòng mẹ với 58 bài thơ như một vườn hoa đẹp, 45 tác giả là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp, đang vươn lên tỏa hương kết trái, chờ một ngày mai chắc hạt ta lại gieo mầm cho những mùa thơ sau, cho Lòng mẹ tập 2, Lòng mẹ tập 3…
N.T.N