Gió chuyển mùa
Nguyễn Thị Kim Quy
Gió chuyển mùa
Trên ấy lạnh không anh?
Làn gió buốt, chắc góp buồn, gợi nhớ
Chiếc lá vàng rơi nghiêng qua ô cửa
Em nghe lòng chông chênh - chông chênh
Giá bây giờ em đến được nơi anh
Để biên giới chiều nay đỡ lạnh
Trời biên giới,
Chiều nay,
Người vợ lính,
Gió chuyển mùa, có hiểu - gió! Gió ơi.
Biết nói gì khi chúng mình xa nhau
Anh đứng gác với đất trời Tổ quốc
Biết nói gì khi anh xa vời
Đêm biên thùy. Mưa rơi. Mưa rơi
Giá bây giờ, em đến được bên anh
Để em đốt bừng lên lửa hồng
Và em hát
Lời thương
Lời nồng cháy
Gió chuyển mùa, có hiểu? gió! Gió ơi!
“Gió chuyển mùa” của Nguyễn Thị Kim Quy là sự tiếp nối: “Vô đề”, “Gió chuyển mùa” (1991) in trong tập thơ đầu tay của chị: Tập “Trăng hạ huyền” (Nxb Thanh niên H.1992). Lần này, bổ sung thêm phần thơ thứ hai. Thế mới thấy nỗi niềm khát khao mà nữ sĩ hóa thân trong “em - người vợ lính” đã là lời thương, lời nồng cháy suốt một đời thơ.
Thơ Nguyễn Thị Kim Quy dung dị mà đằm sâu, tự sự mà trữ tình, gần gũi đời thường mà triết lý nhân văn; giọng thơ ngọt ngào xao xuyến, cái chung hòa cái riêng. Đặc biệt người phụ nữ trong thơ chị tinh tế dễ xúc động, bao giờ cũng nhận phần hy sinh để người thương/ người yêu/ người chồng làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc và nhân dân.
Trong bài thơ “Gió chuyển mùa” nữ sĩ mượn lời “Em - người vợ lính” có chồng nơi biên giới đang đứng canh cho đất trời Tổ quốc, bộc lộ những tình cảm trẻ trung, đằm thắm, nồng say.
Mở đầu bài thơ giống thể hứng trong ca dao:
Gió chuyển mùa
Trên ấy lạnh không anh?
“Gió chuyển mùa” với người sống trên đất Bắc đã quá đỗi quen thuộc. Nó là khúc giao mùa. Vậy mà cái mát mẻ của mùa thu đâu còn! Bao trùm đất trời bây giờ là cái lạnh đầu mùa. Người phụ nữ vốn rất nhạy cảm. Người vợ lính có chồng nơi biên giới càng nhạy cảm hơn. Luồng gió bấc thổi về dàn dạt mang theo buốt lạnh tái tê. “Em” như quên mình đi chỉ còn nghĩ/ hướng về “Anh”. Những con sóng lòng dâng lên thành lời thương, lời âu yếm: “Trên ấy lạnh không anh?”. Tiết trời lạnh mà con tim người vợ lính không lạnh. Em nhận ra “làn gió buốt” nơi biên giới - nơi núi rừng trùng điệp, nơi cái lạnh lạnh hơn bất cứ nơi nào. Không gian ấy/ hoàn cảnh ấy dễ khiến lòng người “buồn… nhớ”. Rồi “Em” phỏng đoán/ giả định về “Anh”: “Làn gió buốt chắc góp buồn gợi nhớ”. Hiểu tâm trạng của chồng nơi biên giới như thế, quả là “Em - người vợ lính” đồng cảm, từng trải, tinh tế, rất đời mà cũng rất trẻ trung.
Câu thơ “Chiếc lá vàng rơi nghiêng qua ô cửa” thật gợi cảm. Hình ảnh thơ vừa thực vừa ước lệ tượng trưng. Nó gợi lên sự sống thật ngắn ngủi, sự tàn phai đang diễn ra trước mắt chẳng đâu xa. Có thể xem đó là câu thơ bản lề. Nó ngắt dòng tâm tưởng của em hướng về anh, để thảng thốt kéo “em” về bản thể/ chính mình:
Em nghe lòng chông chênh - chông chênh
Câu thơ đầy tâm trạng. Em không giấu nổi lòng mình, khi vắng anh, khi hạnh phúc, tuổi xuân, đời người đã thấp thoáng hiện ra qua đời lá! Từ láy “chông chênh” đưa sự vô hình của cõi lòng trở nên hữu hình, cụ thể. Điệp từ “chông chênh” giúp nhạc điệu thơ được tăng cường, tình thơ thêm da diết, đằm sâu, rất hợp tâm trạng em trong hoàn cảnh này. Cõi lòng chông chênh đang dội lên thành lời, thành tiếng. Em nghe được tiếng lòng của chính mình. Tiếng lòng ấy đang như con thuyền chao sóng, chông chênh làm sao! Đã có lần nhà thơ Kim Quy viết: “Cứ xa nhau mãi mãi - Dẫu yêu nhau đến mấy - Tránh sao khỏi chơi vơi - Một phút xao lòng thôi - Anh ơi buồn biết mấy!” (“Chơi vơi” - Nguyễn Thị Kim Quy). Thế đấy, cõi lòng chông chênh dễ làm người ta chơi vơi, xao lòng… lầm lạc! Ấy thế nhưng, “em - người vợ lính” có tình cảm thuỷ chung, son sắt như ngọn hải đăng trong đêm tối trước bão dông. Tình cảm ấy bừng lên niềm khát khao mãnh liệt:
Giá bây giờ em đến được nơi anh
Để biên giới chiều nay đỡ lạnh
Một niềm khát khao như có lửa. Ba chữ “giá bây giờ” nghe cần kíp làm sao! Con tim em không chần chừ, con người em không do dự! Tất cả chỉ còn mong muốn ngay “bây giờ đến được nơi anh”. Em “đến được nơi anh” đâu chỉ để riêng anh “đỡ lạnh”. Sâu xa hơn, cao cả hơn: “để biên giới chiều nay đỡ lạnh”. Tình yêu, lòng vị tha trong em quả là cao quý, đẹp đẽ. Người vợ lính khi yêu đã hy sinh hết mình cho người chồng mình yêu. Tình yêu ấy có thể làm tan chảy giá băng. Lời thơ bay bổng nâng cao phẩm giá con người.
Kết lại phần thơ thứ nhất, người đọc xúc động nhận ra “em - người vợ lính” có chồng nơi biên giới, chỉ muốn xua đi buốt lạnh mùa đông, bao bọc “anh” trong tình yêu bỏng cháy. Nỗi lòng đó, trong “chiều nay” nơi “trời biên giới” “người vợ lính” muốn tìm được sự sẻ chia:
Gió chuyển mùa, có hiểu - gió ! Gió ơi !
Lời thơ vì thế tha thiết, dịu ngọt mà lãng mạn xiết bao!
Phần thơ thứ hai là sự tiếp nối liền mạch, tự nhiên “Gió chuyển mùa” viết từ năm 1991. Giọng thơ vẫn thủ thỉ mà nồng nàn, da diết, cái riêng và cái chung được giải quyết hài hòa.
Biết nói gì khi chúng mình xa nhau
Anh đứng gác với đất trời Tổ quốc
Biết nói gì khi anh xa vời
Đêm biên thuỳ. Mưa rơi. Mưa rơi
Khoảng cách không gian cứ vời vợi. Anh đang làm nhiệm vụ “đứng gác… đất trời Tổ quốc”. Và thực tại “chúng mình xa nhau”. Hoàn cảnh/ thực trạng đó, với người vợ lính “Biết nói gì…”? “Biết nói gì” được điệp lại hai lần. Không nói, nhưng nói nhiều lắm! Sự hy sinh thầm lặng mà lớn lắm! “Chiều biên giới” đã dịch chuyển về “đêm biên thuỳ”. Thời gian cứ lùi xa, khoảng cách lòng người càng xao động. Nhưng bây giờ “em - người vợ lính” không còn “nghe lòng chông chênh - chông chênh” mà chỉ có niềm khát khao thổn thức nhân đôi:
Giá bây giờ em đến được bên anh
Để em đốt bừng lên lửa hồng
Và em hát
Lời thương
Lời nồng cháy
Tôi như thấy người vợ lính đã luyện, đúc lòng thuỷ chung, son sắt, thương yêu thành một khối kim cương. Chẳng bận lòng bất cứ điều gì, em chỉ còn mong một điều duy nhất “Giá bây giờ em đến được bên anh”. Câu thơ được láy lại ở phần một, chỉ thay từ “bên” dường như để được… gần anh hơn! Liều lượng chỉ vậy thôi cũng đủ để xua đi lạnh buốt, xua đi nỗi buồn “Mưa rơi. Mưa rơi.”. Hình ảnh “ngọn lửa hồng” đa nghĩa. Đó là ngọn lửa đời tỏa nhiệt từ than củi xua đi giá lạnh buốt tê. Đó còn là ngọn lửa tình yêu vợ chồng nồng nàn, đắm say, bất tử! “Và em hát” bằng tiếng lòng vút lên “Lời thương/ Lời nồng cháy”. Thật đắm đuối, lãng mạn, nên thơ. Hỏi có tình yêu, tình vợ chồng nào đẹp hơn tình vợ dành cho chồng - người lính?
Kết lại bài thơ “Gió chuyển mùa, có hiểu? gió! Gió ơi”, lời hỏi gió, hay niềm kiêu hãnh về tình yêu, tình vợ chồng của “em - người vợ lính”? Viết về tình yêu, tình vợ chồng, tình người vợ lính như thế, có lẽ chỉ có ở thơ Nguyễn Thị Kim Quy. Bài thơ cũng giúp ta hiểu thêm vì sao trong trường kỳ lịch sử dân tộc ta đã có biết bao hòn vọng phu chung thuỷ, sắt son ngóng chồng đến thành hóa đá, bất tử như vậy!
Người ta nói, thơ Nguyễn Thị Kim Quy là thơ của những nỗi niềm. Tôi nói, thơ chị là thơ của lời thương, lời nồng cháy, rất đời mà cũng rất đỗi nhân văn.
L.N.M