Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Trần Đàm - Với thú chơi viên mãn
Trần Đàm - Với thú chơi viên mãn

Đến độ tuổi mà mọi áp lực của đời sống nhường chỗ cho sự viên mãn thì những ham muốn của bản năng cũng chỉ là những chỉ dấu thôi thúc cho việc tìm kiếm đến những thú chơi tao nhã. Nói cách khác, con người luôn khát khao tìm đến vẻ đẹp của chân - thiện - mỹ, ở mỗi lứa tuổi thể hiện theo một logic khác nhau, thỏa mãn cái tôi khác nhau. Khi tuổi đã xế chiều, nhu cầu của con người tìm đến sự thụ hưởng là chính, từ cách làm việc, đến chuyện ăn uống cốt là để ngẫm nghĩ học cách thưởng thức những hình thái nghệ thuật đa dạng của đời sống để bổ sung, nâng cao thêm chất lượng sống của bản thân mình, chứ không phải để “no”, để đặt cao giá trị danh vọng hay bất cứ một loại cảm xúc khác. Trần Đàm, có lẽ cũng thuộc típ người như vậy. Ngoài bộ môn nghệ thuật mà ông theo đuổi từ khi còn trẻ là nhiếp ảnh, giờ đây khi ở độ tuổi đã trên dưới bát tuần, ông làm thơ, viết lý luận phê bình sách cho bạn hữu. Ông làm việc miệt mài, say sưa không cần ai hối thúc; ông viết như bị cám dỗ, như bị bỏ đói lâu ngày, bị thuốc lú, bùa mê; ông viết như thú chơi tao nhã để tìm kiếm cô đơn.
Có lẽ, trong bạn bè yêu quý Trần Đàm, không ai không đôi lần từng thưởng thức những bức ảnh ông chụp hoặc đọc những trang viết phê bình, giới thiệu bạn bè trên sách báo, trên mạng xã hội. Tâm ông thật trong sáng, sức ông thật dồi dào, khi gõ lên trang giấy, màu mực và hồn ông tan chảy, ngào lẫn và cô sánh, ông không phải chịu một áp lực nào để rồi phải khác, phải nghĩ cách chống chọi. Ông viết bằng gạn cạn những giới hạn cảm xúc ông có.
Tôi có trong tay hai cuốn thơ ông tặng. Cuốn “Lời yêu” cách đây chừng vài năm và cuốn “Hoài niệm” mới toanh in năm 2022. Thật không phải, nếu trong giới hạn bài viết này lại đi sâu mổ xẻ về những điều có tính chuyên môn. Nhưng cũng thật thiếu sót nếu chúng ta không phát lộ ra được cái mà Trần Đàm đã đạt đến.
Trong tập thơ mới “Hoài niệm” có một điều đặc biệt làm tôi chú ý là song hành với mỗi bài thơ trong tập sách luôn có một tấm ảnh đi kèm gợi nhớ về chủ đề bài thơ. Những tấm ảnh đó cũng là những tác phẩm do chính tay ông chụp. Dẫu có là những vệt sáng nhòe hay những chớp sáng rạch trời giông bão lướt qua đời ông, tất cả đều làm ông xúc động, giúp ông gợi mở, suy tư cho đến một ngày, khuôn hình ấy bỗng trở nên chật chội, khô cạn. Một ý nghĩ sinh tồn cựa mình trong vỏ trứng, ông đã đến với thơ thú vị như vậy đó. Để rồi, hôm nay bạn bè yêu quý ông viên mãn với một thú chơi: Quên thơ có ảnh, có ảnh gợi thơ.
Trong tập “Hoài niệm”, ở mỗi bài đều không thiếu những câu mang tố chất ADN thơ, nó mang nền tảng của những cảm xúc thật sự, không dối lừa. Nó thoát thai theo quy luật tạo hóa chứ không phải sự “mổ đẻ” nhân tạo. 
Ta thử điểm một số những câu thơ: 
Ly sữa sáng mai cùng xì xụp
Vui như trẻ nhỏ nghịch tung trời
            (Bạn đến) 
Bất chợt gặp em ngày ấy
Bồng bềnh khuôn ngọc mây bay
            (Bất chợt)
- Bản Lát yên lành câu thơ cũ
Mái tranh rêu rủ xuống sàn nhà 
- Rồi xa em, qua dòng trôi nước xiết
Sông Mã lặng im trong chiều tím biếc
            (Bản Lát) 
Muốn sang không có đò ngang
Gói lời thương gửi gió mang cho người
            (Sông quê)
 …
Có những câu thơ đã chớm đạt đến độ ảo làm tăng sức gợi cho những suy tưởng: Dầu vơi nến hết trăng mờ nhạt/ Áo xống liêu xiêu cuộc rượu tàn (Đêm thu), Ta nép vào hương lúa/ Em len vào tim xưa (Tháng tư).
Cũng không hiếm hoi mỗi khi chúng ta cố ý muốn tìm kiếm sự phức hợp trong mối quan hệ gắn kết giữa trạng thái tình cảm với ngôn từ:
Triền đê nhớ chỗ ta ngồi
Mưa xuân còn thắm những lời năm xưa
            (Khúc tự xuân)
Đã là con gái quê choa
Con trai cứ lác mắt ra mà nhòm
            (Sắc hoa)
Thơ càng ảo càng làm cho vỏ mỏng đi, nghĩa là phần tứ dầy lên, đủ sức cho cây nâng đỡ sự xum xuê của lá cành, nâng đỡ cái bao la của trời đất. Nó thật sự cần thiết cho mọi người nếu muốn tăng sức quyến rũ để đến với thơ. Nhưng cũng sẽ thiếu khôn ngoan khi cuộc đời đã về viên mãn. Có lẽ, lúc đó ta mới có thể hiểu và chia sẻ thấu đáo những gì Trần Đàm mang đến hôm nay.
                                                           

  Thanh Hóa mùa lá rụng, 4-2022
                                                                                 L.Q.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 119
 Hôm nay: 2293
 Tổng số truy cập: 7604675
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa