Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Trường ca Hàm Rồng của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (Tập 5: Thơ và Trường ca, Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2017) - Trịnh Ngọc Dự
Trường ca Hàm Rồng của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (Tập 5: Thơ và Trường ca, Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2017) - Trịnh Ngọc Dự

Bạn đọc nhớ đến tên Từ Nguyên Tĩnh là nhớ đến danh xưng nhà văn của ông, người đã sở hữu gần chục cuốn tiểu thuyết, trên một trăm truyện ngắn với hơn ba ngàn trang in, nhưng ít người biết đến ông còn sáng tác thơ và ngay từ khi bước vào nghiệp văn ông lại là người chí cốt với thơ. Ông tự nhận: “Tôi, một người cày cuốc trên trang giấy”, lúc bộc bạch: “Thích dài dòng nên làm bạn cùng văn xuôi”, lúc tự thán: “Bây giờ thơ không bỏ ta vì cảm được sự đời!”. Có gì như mâu thuẫn, nhưng đơn giản với ông điều gì không thể hiện được bằng thơ thì ông viết văn xuôi, ngược lại cái gì diễn đạt bằng văn xuôi không thích hợp thì ông làm thơ!
Trường ca Hàm Rồng là tác phẩm nổi bật trong phần thơ của ông, ra đời năm 2000, thời điểm các bản trường ca đang nở rộ. Ngay đề tài này đã có một số tác giả thực hiện, nhưng Từ Nguyên Tĩnh có lợi thế hơn cả. “Nhà văn trung sĩ” ấy đã có 10 năm (1965-1975) cắm chốt trên đỉnh Hàm Rồng, quãng thời gian với những đỉnh điểm gay go, ác liệt nhưng vô cùng rực rỡ với thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Có người nhận xét: Hàm Rồng là mảnh đất khơi nguồn thi hứng! Đúng thế, bởi nó là một thắng cảnh kỳ vĩ: kỳ vĩ của thiên nhiên và kỳ vĩ của bản lĩnh con người. Sông Mã với chiều dài hơn 500km từ vùng núi Tây Bắc, qua đất bạn Lào rồi chảy vào Thanh Hóa, đổ ra biển. Tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam qua sông Mã không nơi nào thích hợp như nơi này khi cầu có chiều dài xây dựng ngắn nhất và có địa chất bền vững để đặt mố trụ cầu. Núi Hàm Rồng (núi Đông Sơn) dài khoảng 2km quanh co “chín khúc rồng” nhấp nhô bên bờ Nam sông Mã đến tận chân cầu. Đối diện với núi Hàm Rồng bên bờ Bắc là núi Ngọc còn có tên là núi Nít, trong câu ca dao cổ: Chín mươi chín ngọn bên đông/ Còn một núi Nít sang sông chưa về. Nhà thơ Tản Đà từng cảm tác qua bài thơ “Nhớ cảnh Hàm Rồng”: Ai xui ta nhớ Hàm Rồng/ Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây…
Trời và đất Hàm Rồng là nơi thử lửa khi các đợt máy bay Mỹ điên cuồng lao vào bắn phá cây cầu hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta, coi đây là “điểm tắc lý tưởng” khi mở chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhưng một mạng lưới cao xạ dày đặc, tầm thấp, tầm cao, từ vòng ngoài bủa vây và chính những ngọn núi linh thiêng hai bên cầu như chọc vào mắt chúng làm cho bom đạn giặc không thể rơi trúng đích. Kết quả trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 4-1965 quân dân ta đã bắn hạ 47 máy bay Mỹ là đỉnh cao của chiến thắng đó.
Trường ca Hàm Rồng của Từ Nguyên Tĩnh dựng lại cuộc chiến 10 năm với 24 trường đoạn, ngót nghét một ngàn câu thơ. Vẫn là thủ pháp tự sự trữ tình nhưng chất sử thi kết hợp với những cảm xúc lãng mạn đã tạo nên độ hoành tráng cho trường ca. Điều đáng nói ở đây là hình như không khí chiến đấu đã tạo cho ông cách tiếp cận: văn cảnh ấy chọn ngôn ngữ, nhịp điệu thơ ấy, tránh được hiện tượng hụt hơi, mòn cũ hoặc câu thơ cứ tãi ra, thiếu những cao độ cảm xúc cần thiết.
 Những trường đoạn mở đầu trường ca là những câu thơ ngắn gọn “êm đềm” khi nói về non sông đất nước, về truyền thống lịch sử xứ Thanh: Từ xa lắm ngàn Nưa đồng vọng/ Tiếng voi gầm rung chuyển ngàn cây. Rồi tiếp đến: Vừa qua giấc ngủ bình yên/ Nhưng không yên bình được nữa/ Từ trời cao, hàng trăm máy bay gầm rú/ Cuộc chiến tranh ập xuống không ngờ/ Ngày hôm qua/ Chỉ là ý nghĩ/ Hôm nay trong mắt chứa đầy bom rơi… Cái cảm giác mọi thứ bị lật tung bởi bom đạn, tiếng gầm rít của máy bay, tiếng pháo nổ, ánh chớp và màn đêm, cuộc đấu trí của kẻ quyết phá và người quyết giữ: 
Tôi như người bị nhồi trên ngọn sóng
Tôi như quả bóng bị sút tung lên trời
Tôi như tan ra thành trăm ngàn tiếng nổ
Có mùi tanh, có thuốc đạn, thuốc bom
Trộn lẫn vào nhau…
Tác giả đã nhập vai người lính bị thương trong cơn mê sảng giữa cái quyết liệt của trận đánh, cái cao cả của tình quân dân, phảng phất cuộc chiến “thần thoại” giữa con Rồng lửa và Hòn Ngọc…
Cuộc chiến Hàm Rồng lúc đánh lúc “đợi”, nhưng cả hai thời gian ấy đều là những giai đoạn căng thẳng của người trong trận, của các chiến sĩ ngồi trên mâm pháo, của các cô dân quân tải lương tiếp đạn, đào công sự chuẩn bị cho trận đánh mới. Cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng có đủ phẩm chất một cuộc chiến tranh nhân dân, đây là hậu phương nhưng cũng là tiền tuyến. Tác giả đã khéo léo đưa vào trường ca hình ảnh các lực lượng, các binh chủng phối hợp tác chiến tránh được tình trạng kể lể dài dòng. Mối tình của cô dân quân làng Đông Sơn với người trai pháo thủ khi anh bị thương giữa loạt bom rền: Em lấy yếm hồng băng vết thương máu đẫm/ Bên trạm xá hàng ngày em đến/ Ủ ấm cho chàng bằng tuổi thanh xuân. Người con gái tin vào sức mạnh chàng trai: để lại cho Hàm Rồng, cho nàng đứa con rồi hành quân vào Trường Sơn tiếp tục chiến đấu. Hình ảnh cha mẹ cô gái dẫn đứa cháu trai lên trận địa pháo cùng các chiến sĩ Hàm Rồng và câu chuyện của họ thật cảm động. Hàm Rồng còn ấp ủ mối tình giữa người lính với cô công nhân thợ hàn, giữa người lính với người nữ thanh niên xung phong… Cuộc chiến khốc liệt để giành giữ từng thanh sắt cầu Hàm Rồng đã có bao người ngã xuống, thấm đẫm tình quân dân: Mộ họ nằm trên đồi cao lộng gió/ Khoan nhặt tiếng hò buông xuống dòng sông sâu. Hy sinh mất mát hết ngày này tháng khác, nhưng giữa bom đạn sự sống vẫn trỗi lên, công sự bị vùi lấp, công sự mới mọc lên, hoa cỏ lại xanh ngời:
Một căn hầm mới mọc
Một ngôi nhà chìm trong đất tựa mầm cây
Hoa khoe sắc giàn mướp vàng trĩu quả
Giữa bom đạn kín trời, yên ả cánh ong bay
Tiếng gà gáy trong không gian khét mùi thuốc nổ
Gợi chút làng quê xóm pháo này.
Hàm Rồng điểm chiến sự giữa hậu phương kéo theo một vùng chiến địa trong tầm bom máy bay Mỹ và đạn pháo giặc từ biển bắn lên, những trận B52 rải thảm, những loạt bom tọa độ chúng đánh vào con đê đầu cầu hòng gây lũ lụt phá hoại mùa màng, tiêu hao sinh lực của chúng ta. Hình ảnh: Nghĩa trang nằm bên cầu Hàm Rồng/ Lấy nền trời Thanh Hóa để soi gương vừa là hiện thực, vừa là biểu tượng linh thiêng thúc giục mọi người chắc tay súng kiên quyết chặn đứng quân thù, bảo vệ cây cầu bình yên cho những đoàn xe ra trận.
Thể thơ tự do được tác giả sử dụng trong toàn bộ văn bản, nhưng cuối mỗi trường đoạn ông thường vận dụng các câu lục bát như những “dàn đồng ca” làm điểm nhấn cho nội dung, tỏ ra có hiệu quả! Với trường ca thì sự chặt chẽ trong bố cục, cấu trúc chương mục… có vai trò quan trọng quyết định thành công của tác phẩm. Ở cuối trường ca này là các trường đoạn tác giả đưa vào nhiều nội dung như hòn Vọng Phu, về tướng quân Trần Khát Chân, một số di tích thắng cảnh ở Hàm Rồng và Thanh Hóa…, cả cốt truyện “Mối tình chàng Lung mù”- một truyện ngắn hay của ông, kéo theo những câu thơ “văn xuôi” làm cho trường ca loãng ra trước khi có những câu thơ kết:
Tôi đã nhìn ra Hàm Rồng lắng sâu trong đất
Tôi đã nhận ra Hàm Rồng qua từng hàng cây, hốc đá có tên riêng
Tôi đã nhận ra Hàm Rồng qua gương mặt chớm già nua của người đồng đội
Trong cái xiết tay trong rạng rỡ nụ cười
Trong nước mắt bạn già lâu ngày gặp lại
Và vết sẹo chiến tranh trong mỗi trận bom vùi.
                          

 Tân Sơn, tháng 8-2020
                                                                                         T.N.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 186
 Hôm nay: 8577
 Tổng số truy cập: 12853867
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa