Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Thằng cháu đích tôn
Thằng cháu đích tôn

Sau ngày giải phóng, cuối năm 1975, Đoàn được ra quân. Anh dắt theo thằng bé bốn tuổi về giao cho vợ:
- Đây là thằng Quảng, con anh… Chuyện đã qua… Em có trách, có giận… anh xin chịu… Chỉ xin em thương lấy nó. Nó là con anh, giờ là con chúng ta… Con Hiền có thằng em cũng vui. Nhất là ông bà, có được thằng cháu đích tôn thì chắc chắn sẽ toại nguyện lắm…
Mặt Thắm đỏ bừng. Chị mím môi, chăm chăm nhìn thằng bé. Chị như định nói điều gì đó, nhưng nghe mấy tiếng cuối “Nhất là ông bà, có thằng cháu đích tôn thì chắc chắn sẽ toại nguyện lắm…” chị mới đành đứng lặng. Chị thấy chồng thật đáng giận… một người như anh mà sao lại có chuyện thế này. Song Thắm chỉ vui nhất là chồng còn sống trở về, bõ công chị đằng đẵng chờ đợi năm năm. Mãi mấy hôm sau, bình tâm trở lại, chị mới thong thả hỏi:
- Thế mẹ nó là ai… giờ ở đâu?

Minh họa: Kù Kao Khải


Đoàn gật đầu và chậm rãi kể cho vợ nghe.
Ngày vào đến Trường Sơn, anh bị một trận sốt ác tính, lúc nào cũng 41, 42 độ. Người nóng hừng hực, suốt ngày mê man, tay luôn ôm bụng nôn ói… Anh được anh em đưa vào một trạm quân y binh trạm. Một cô y sỹ trẻ hết lòng chăm sóc. Một lán giữa rừng, ngày đêm chỉ có hai người. Cô không nề hà việc gì, kể cả việc dìu anh xuống suối tắm những khi anh cắt sốt. Cô chỉ mong anh chóng khỏi. Anh lại dần. Khi khỏi anh còn được lưu ở trạm đến hàng tháng trời để an dưỡng phục hồi sức khỏe. Cô gái thì rất xinh xắn, lại là đồng hương nên anh đã nảy sinh tình cảm sâu nặng. Anh nói dối anh chưa vợ, cô ấy tin lắm. Anh thì vẫn nóng lòng mong được ra mặt trận. Thế rồi có một tiểu đoàn độc lập của tỉnh mình hành quân qua, trong đó ông tiểu đoàn phó là người làng nên anh được nhập đoàn một cách dễ dàng… Khi tiễn anh đi, cô ấy mới nói thật là đã có thai. Anh thương lắm, căn dặn cô đủ điều nhưng vẫn quyết tâm ra đi... Ngày giải phóng anh trở về tìm đơn vị, mới biết cô sinh được một thằng bé rất kháu khỉnh, nhưng hai năm sau thì cô hy sinh trong một lần địch rải bom B.52 vào trạm. May thằng bé ông trạm trưởng bế đi tránh được và ông đã nuôi nó suốt từ ngày ấy, anh về ông ấy mới giao lại cho anh…
Chuyện anh đưa thằng cháu đích tôn về, bố mẹ anh vui nhất vì ông bà đang mong có thằng cháu đích tôn nối dõi. Ở nhà, khi anh đi thì vợ anh đã sinh được một con gái, tên là Hiền. Hiền cũng quý em lắm. Ngày ngày nó cõng em đi chơi khắp xóm, gặp ai cũng khoe: “Em trai cháu đấy…”. Chỉ có Thắm là còn ấm ức. Có lúc chị muốn quên đi, nhưng có người độc mồm, độc miệng bảo “Anh ấy hiền lành thế, đứng đắn thế mà còn vậy…”. Có người còn nói: “Đàn ông, đàn ang, khôi ngô, tuấn tú, cường tráng thế… cô nào gặp mà chả bám lấy chằng chằng… Biết đâu lại chẳng chỉ có thế… Ngay ở làng bên đấy thôi, có ông nọ có chức, có quyền, có tiếng là đạo đức, mẫu mực… thế mà khi vừa đậy nắp quan tài tức thì có ba phụ nữ trẻ dắt con đến nhận bố… Sau đó thì đòi chia đất, chia nhà, chia tài sản… Đến là rắc rối, lôi thôi… Nghe vậy Thắm càng buồn…
Đã thế, thỉnh thoảng Đoàn lại xin phép bố mẹ và nói với vợ là đi thăm đồng đội vài ngày. Nói vài ngày mà nhiều khi Đoàn đi đến hàng tuần chưa về. Khi đi anh còn mang theo tiền, có khi cũng kha khá mà lúc về hết nhẵn. Biết đâu anh ta còn tơ vương với cô kia và vẫn lén lút đến với cô ấy…
Có người mách Thắm “Mày thử bám anh ta một lần xem cái tổ con chuồn chuồn nó ở đâu?”. Thắm thấy có lý liền chuẩn bị “một kế hoạch”. Chị lại mỉm cười một mình, thế hóa ra mình cũng là người hay ghen ư? Thì có sao! Đàn bà mà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…
Thế là một lần, Đoàn lại “đi thăm đồng đội”. Thắm tỏ ra vui vẻ. Chị còn đưa thêm tiền cho anh bảo là khi cần phải giúp đỡ đồng đội thì giúp, rồi bảo hôm nào mời anh ấy về chơi “cho em được biết mặt đồng đội của anh”. Đoàn vui lắm, không ngờ vợ anh lại quý mến đồng đội của mình đến thế. 
Khi Đoàn dắt xe đi trước thì chị cũng liền lặng lẽ dắt xe theo sau và luôn giữ một khoảng cách để anh không biết. Thì ra Đoàn đạp xe sang ngay huyện bên kia sông. Đến chừng hơn tiếng đồng hồ thì anh rẽ vào một làng. Thắm đạp rẽ theo. Đến một ngôi nhà cuối xóm, Thắm đứng ngần ngừ trước cổng khá lâu mới mạnh dạn dắt xe vào. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ, tường đá lởm chởm, nhiều chỗ vôi vữa đã bong tróc… Cánh cửa liếp khép hờ. Xung quanh im ắng. Trong nhà cũng im ắng. Rõ ràng anh ta vừa rẽ vào đây mà biến đi đâu nhanh thế. Chiếc xe đạp thì dựng ở đầu trái. Khi Thắm bấm chuông xe đạp lần thứ hai mới nghe thấy tiếng người lê dép lệt xệt. Rồi cánh cửa mở rộng, một người bước ra. Người ấy là Đoàn. Thấy Thắm đứng trước cửa Đoàn vô cùng sững sờ:
- Ơ… tưởng ai… hóa ra lại là em à… em cũng sang thăm đồng đội của anh à? Sao không cùng đi cho vui…
Thắm ngập ngừng cố nặn ra một nụ cười gượng:
- Anh đạp nhanh quá… mấy lần gọi mà anh không nghe thấy…
Đoàn rất vui và xúc động. Anh nhanh nhẹn bước xuống sân dựng xe cho Thắm vào gốc cây và nắm tay vợ cùng bước vào trong nhà. Thắm thì vẫn lởn vởn những suy nghĩ trong đầu. Đúng đây là nhà cô ta rồi. Hai người làm gì mà im lặng thế, đến nỗi Thắm bấm chuông xe lần thứ hai mới biết. Thắm lại tiếc… Giá lúc ấy cứ lẳng lặng đạp cửa xông vào thì chắc chắn bắt được quả tang, hết đường chối cãi…
Mặt Thắm còn đỏ gay, phần vì đường xa, trời nóng, phần vì ngọn lửa ghen tuông còn ngùn ngụt trong dạ. Thắm bước nhanh theo chồng vào nhà. Căn nhà chỉ mở một cánh cửa sổ nhỏ nên tối om om. Đoàn vội mở tung các cánh cửa, bấy giờ Thắm mới nhìn thấy phía kia có một chiếc giường, màn còn buông. Thắm xăm xăm bước đến. Đoàn vội nắm tay vợ: “Ấy ấy… anh ấy đang ngủ… để cho anh ấy ngủ yên”. Nhưng Thắm vẫn chắc mẩm hẳn là cô ta nằm đây rồi. Chị liền gạt tay chồng và hất tung cánh màn. Bất ngờ, suýt nữa thì Thắm kêu lên khi thấy đó là một người đàn ông đang nằm ngủ thiếp, mặt gầy hốc hác, ngực choàng một tấm chăn bộ đội mỏng, tiếng thở nặng nề, nhọc mệt. Đoàn vội lên tiếng:
- Đây là anh Vinh, một người bạn chí cốt, một đồng đội sinh tử của anh. Hai anh em gắn bó với nhau suốt những năm tháng chiến trận. Anh ấy đã mấy lần lấy thân che chở bom đạn cứu sống anh. Hai anh em coi nhau như ruột thịt. Chuyện anh kể với em về anh ở Trường Sơn chính là chuyện của anh ấy đấy. Nhà anh ấy thì hoàn cảnh quá. Bố mẹ đã mất, còn một cậu và một cô em thì ở xa… Bản thân anh ấy thì bị thương nặng lắm. Một chân bị mất, người thì đầy những vết thương nặng… Các vết thương lại tái phát luôn luôn… Vì vậy anh đã nhận thằng Quảng, con anh ấy làm con nuôi chúng ta đấy… Nó tội nghiệp quá… Mẹ thì mất, bố thì như thế… Anh cũng định bàn với em là đưa anh ấy về ở với vợ chồng mình để mình có điều kiện chăm nom anh, nhưng anh em cựu chiến binh thôn đây họ giữ, không cho đi. Họ bảo họ thay mặt gia đình sẽ tận tình, chu đáo chăm sóc anh. Thế là đêm ngày, sớm tối họ thay nhau đến lo cho anh từ cơm cháo, thuốc men đến mọi chuyện sinh hoạt. Vậy là anh chỉ còn được thỉnh thoảng sang thăm anh thôi…
Người Thắm bỗng lảo đảo, đôi mắt như hoa lên… Thật là một điều hết sức bất ngờ. Thắm lại ngờ oan cho chồng nữa. Thắm bỗng ôm lấy vai chồng nghẹn ngào:
- Anh… anh tha lỗi cho em… Em đã nghi ngờ oan cho anh…
Thế mà Đoàn vẫn chẳng tỏ ra điều gì là ngạc nhiên. Anh còn cười vui:
- Anh cũng đã nghĩ như vậy… Thôi, không có gì…
Thắm liếc nhìn chồng một cách hết sức thân thương và càng xúc động hơn trước tình nghĩa của những người lính. Rồi Thắm lại đấm thụp vào vai chồng:
- Thế mà nói dối người ta… như thật…
Đoàn âu yếm nhìn vợ cười vui. Một lát anh lại tỏ ra nghiêm chỉnh nói với vợ:
- Này… nhưng mà chuyện này không được nói với bố mẹ, với ai nhé. Em có thấy không từ ngày có “Thằng cháu đích tôn”, ông bà chả khỏe, trẻ ra đấy à… Còn “Thằng cháu đích tôn thực” thì em cứ chờ đấy… Nhất định chúng ta sẽ có…
- Em cũng hy vọng và tin như vậy…
Bỗng ngoài cổng có tiếng bước chân người và tiếng nói cười ồn ào. Đoàn bảo “Đó là anh em đồng đội mang cơm cháo đến cho anh Vinh đấy. Sắp đến bữa rồi”. Nói xong Đoàn nhanh nhẹn kéo tay vợ cùng bước ra sân đón các anh đồng đội. Căn nhà bỗng sáng hẳn lên, vui hẳn lên. 
                  

T.T 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 144
 Hôm nay: 4679
 Tổng số truy cập: 7525362
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa