Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Lũ mùa cạn
Lũ mùa cạn

Đò chiều, khách vắng tanh. Con đò cong vênh như chiếc lá khô mỏng manh trước những cơn gió lạnh se sắt. Khách đò muộn là cậu thanh niên miệt mài ghi ghi chép chép vào cuốn sổ đang cầm trên tay, mạn bên này thuyền, người phụ nữ ngồi bần thần, mắt hướng về phía những ruộng ngô cuối vụ giờ trơ ra những cọng xương khô xơ xác dọc hai bên triền sông. Nghe cách xưng hô, chị lái đò biết họ là hai mẹ con. 
- Cô chèo đò trên bến sông này lâu chưa ạ? - Chàng thanh niên nhìn người lái đò.
- Dễ cũng gần hai chục năm nay! Chú không phải người Vạn…!?
- Cháu về Vạn, khảo sát chuẩn bị triển khai dự án xây cầu Vạn! 
- Có cầu, đi lại dễ dàng hơn. - Người lái đò hất chiếc nón ra sau.
- Chị biết nhà thầy giáo Lạng chứ? - Người phụ nữ ngước mắt nhìn người lái đò.
- Có phải nhà giáo Lạng, có cô Lan không?! 
- Đúng rồi! Ông giáo vẫn khỏe chứ chị?
Chị lái đò thở dài, đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, khua mái chèo, mặt sông gợn sóng lăn tăn - Chuyện dài lắm cô ạ! Ông giáo mất. Đúng vào ngày giỗ đầu cô Lan - con gái ông. Gia đình chẳng ai thân thích, may nhờ có ông Thành đứng ra lo phần hậu sự, chăm sóc hương hỏa. Chứ không, sau vài năm cũng trở thành mồ hoang. 
- À mà cô có biết ông Thành không nhỉ?
Người thiếu phụ lặng thinh, mặt hướng về phía những doi cát phía đằng xa, khóe mắt ngân ngấn nước. Mùa khô, con sông hào phóng trải lòng mình cho những doi cát nhô lên giữa lòng sông.
- Chỗ đó sẽ đặt trụ cầu chính! - Chàng thanh niên chỉ tay về phía doi cát.
- Mùa khô, năm nào doi cát cũng nổi lên ở đó! 
- Cô Lan là con ông giáo Lạng...  - Ngập ngừng giây lát chị lái đò nói tiếp.
Người làng Vạn cho rằng trước kia ông Thành và cô Lan thương nhau. Lén lút, vụng trộm thôi, vì ông ấy đã có vợ rồi. Vợ ông ấy là bà Hoa điên, chiều nào cũng lơ thơ lẩn thẩn đi dọc khúc sông này. Khổ! Kìa, bà ấy đấy. Chị lái đò chỉ tay về phía phát ra tiếng hú, tiếng hét, chẳng phân biệt được đó là tiếng cười hay tiếng khóc, nghe chỉ thấy hoang dại, rờn rợn. 
Trước kia, nơi đây chỉ là bãi bồi, ngập ngụa lau sậy. Thuyền bè xuống hạ lưu, lên miền ngược… đều lấy đây làm nơi cắm sào, hạ neo, nghỉ ngơi sau chuỗi ngày rong ruổi. Một hôm có đoàn thuyền, mũi thuyền chạm trổ hình rồng, cột buồm đầy cờ phướn, chái mui đeo khánh bạc, nhạc tấu tưng bừng… ngược đến bến sông. Đàn ông trên thuyền lên bờ chặt cây, vỡ đất dựng nhà; nhà lợp mái gianh, tường quây vách đất. Đàn bà, con gái nhen lửa nấu cơm; trồng ngô, trồng dâu. Tiếng trẻ con văng vẳng trong khói lam chiều đã hình thành nên xóm Vạn. Năm này qua năm khác, con đê to dần, ưỡn mình bao bọc quanh làng. Gặp lúc dân vạn chài tứ xứ chán cảnh rong ruổi nay đây mai đó, trông lên bờ thấy cánh đồng ngô, bãi dâu xanh tốt, lại thêm khói bếp lảng bảng mỗi khi chiều xuống… Đã vậy! Cá tôm ngày càng khan hiếm, lọ mọ đánh bắt cả buổi cũng chỉ kiếm được mớ đòng đong cân cấn. Chẳng ai bảo ai, mọi người lẳng lặng gác chèo, cất lưới, rủ nhau lên bờ, gia nhập cư dân xóm Vạn, lập nên chợ Vạn. Người dẫn đầu đoàn thuyền đến khai hoang, lập làng năm đó được mọi người coi là cụ tổ, sau khi chết người làng tôn ông là Thành hoàng, thờ ngoài đình làng.
Bố con ông Lạng xuất hiện trên chiếc thuyền nan, nhỏ nhoi như chiếc lá trôi dạt về bến sông này. Hàng ngày vào lúc chiều tối, khi mùi rơm khô thơm nồng bốc cùng khói bếp, ông giáo lại lôi cuốn sách vẫn dắt trên mui ra ngồi đọc trước mũi thuyền. Cô con gái ngồi vá lưới, mắt nhìn len lén hướng lên lều vó qua khe liếp rách. Chiều nào cũng vậy, khi ánh hoàng hôn phủ kín khúc sông là tiếng đàn bầu lại cất lên từ chiếc lều vó. Tiếng đàn buồn nẫu… tiếng đàn chùng và mảnh mai như những sợi tơ nhện buông lơi trước gió vậy. Tiếng đàn như tiếng lòng rơi xuống lòng sông; sâu lắng phù sa. Cứ vài ba ngày Lan lại lên chợ; bán mớ cá tươi, mua vài ba cóng gạo, thỉnh thoảng mua thêm cút rượu nếp… rồi vội vã trở về thuyền, ngồi lặng lẽ trong mui chờ nghe tiếng đàn quen thuộc.
Từ trước đến nay, thuyền bè xuống miền xuôi, lên miền ngược đều lấy bến Vạn làm nơi neo đậu, nghỉ ngơi sau chuỗi ngày rong ruổi. Một bận, có bè luồng neo lại bến sông. Đêm xuống toán lục lâm thấy cô gái ngồi chải tóc bên mạn thuyền, vai trần tắm ánh trăng bèn sỗ sàng giở trò ong bướm. Ông già khóc nấc lên khùng khục, tiếng khóc bất lực của người già nghe lộc khộc như tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền khi đuổi cá. Tiếng khóc, tiếng gào thét như xé lụa của cô gái ngập trong tiếng cười hô hố của bầy thú dữ. Thuyền chòng chành chao đảo. Người đàn ông vẫn ngồi gảy đàn trên lều vó bất ngờ xuất hiện. Những tấm thân ngã vật, lóp ngóp. Thân thể thiếu nữ run rẩy, chưa hết kinh hoàng. Ông già lẩy bẩy tìm mảnh lưới che cho con, rồi sụp xuống vái ân nhân.
Từ ngày đó, bố con ông Lạng ở lại nơi đây. Quen đất, quen nước, rồi trở thành người làng Vạn. Hàng ngày, sau khi dắt lưới lên vách bếp, ông thường gọi lũ trẻ con trong làng đến nhà dạy đọc, dạy viết. Người làng gọi ông là giáo Lạng… giờ cũng đến ba chục năm rồi. Người gảy đàn là ông Thành. Lều vó vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỗ căn lều xiêu vẹo đằng kia…
Người lái đò vung tay, mái chèo khua mạnh như chém từng nhịp xuống mặt nước lăn tăn. Đám bèo tím miên man trôi về phía chân trời.

Chợ Vạn. Chiều, ngai ngái nắng. 
- Tiên sư con đĩ non! Mới tí tuổi ranh đã xí xớn! Hết giai tơ rồi hay sao mà ngứa nghề đi cướp chồng người khác!... Bà thì... bà cho...! - Tiếng người phụ nữ rít lên xin xít qua kẽ răng.
Người hiếu kỳ trong chợ xúm tụm lại, thì thào bàn tán. Vòng trong, vòng ngoài, thúng mủng, quang mẹt nhếch nhác, bĩu môi: “Đáng đời! Đồ đĩ thõa!”.  
Bốp... hự... roẹt... xoẹt... áo, quần, si-líp, coóc-xê tung tóe, nát bươm, lõa lồ, ê ẩm. Kẻ bị đòn ghen vơ vội những rác rưởi vung vãi khắp chợ che vội tấm thân xiêu vẹo lao về phía bến sông. 
Mùa mưa, lũ từ thượng nguồn sầm sập tràn về. Ngực đê căng tức. Dòng nước ngấu nghiến, nhấn chìm những gốc cây, xác động vật chết trôi lổng nhổng, lóp ngóp. Sông ơi! Nhận lấy đi! Rửa trôi đi! Cuốn sạch đi những uất ức tủi nhục của đời người con gái. Nước dưới sông cuồn cuộn chảy, gió ngân nga vuốt dọc triền đê, bên bến sông như cất lên câu hát du dương trên hàng phi lao vi vu gió: Ai gọi tôi? Gọi tôi, tìm tôi làm gì?
Mọi thức lặn, ngụp, mò vớt đều vô ích. Bặt vô âm tín. Cứ như Lan tìm đến cái chết để giải thích nỗi oan ức, lẩn tránh sự xấu hổ tủi nhục. Sau khi chết, thân xác ấy cũng trốn tránh sự tìm kiếm của mọi người. Có lẽ người tìm đến cái chết muốn những kẻ ở lại phải day dứt, phải dằn vặt vì những gì họ đã gây ra. 
Quả thế thật! Sau đận ấy, lớn nhỏ trong làng không ai dám ra bến sông! Người trong vùng đồn ghê lắm. Cô Lan chết mất xác. Hồn oan vẫn lẩn khuất đâu đó ngoài bến sông, vương lại trên rặng phi lao, trú ngụ trong hốc của cây gạo bị sét đánh cụt ngọn ngoài đê. Vào những đêm trăng sáng, mọi người vẫn thấy bóng cô đứng trên triền đê, tóc dài chấm gót, đau đáu nhìn vào làng. Có hôm, hồn cô lại đậu trên ngọn cây si cạnh chiếc cầu đá ngoài bến sông, mái tóc dài xõa xuống cùng những búi rễ cây chấm sát mặt nước. Nhiều lần cô định bước qua chiếc cổng vào làng thì bị hai ông thần giữ cửa đứng hai bên chặn lại. Cô khóc lóc van xin thảm thiết rồi đi dọc bến sông. Tiếng khóc nghe ai oán, não nề, tuyệt vọng. Có người nói, còn nhìn thấy cô tắm dưới bến sông. Đúng chỗ mà trước kia khi còn sống, vào những đêm trăng sáng Lan vẫn ra đó tắm. Cô vừa tắm vừa hát, tiếng hát lẫn trong tiếng gió thổi vi vu lên rặng phi lao, nghe âm âm u u... 
Người làng Vạn tin rằng, dưới khúc sông này là nơi trú ngụ của hồn ma người lính trước kia theo hầu cụ Tổ - Thành hoàng làng. Tổ có người vợ ba trẻ, đẹp, nhưng lẳng lơ. Bà ba và tay lính hầu phải lòng nhau. Hai người lén lút ăn nằm với nhau, bà ba sinh được một bé gái. Biết đó không phải là con mình, Tổ cho người giết chết đứa trẻ rồi cho tuần đinh bắt nhốt gã trai vào rọ, quăng xuống sông. Người lính hầu chết kèm theo lời nguyền. Sau này sẽ bắt con cháu cụ trả nợ! Từ đó, như đã thành “dớp”,  mỗi năm bất kể mùa lũ hay mùa cạn, oan hồn của người lính hầu lại cưới một cô gái đồng trinh về làm vợ... Từ ngày cô Lan gieo mình xuống sông tự vẫn, làng Vạn không còn ai chết đuối nữa. Chắc có lẽ Lan đẹp người, đẹp nết, hồn ma không thèm để ý đến vong trinh nữ khác?! Lời nguyền xưa như được hóa giải. 
Người lại cho rằng, Lan chính là truyền nhân của người con gái xấu số của bà ba và người lính hầu năm xưa, nên coi cô như “bà cô” của làng. Hàng năm vào ngày “xá tội vong nhân”, dân làng Vạn lại chung nhau làm lễ cúng vong hồn bà cô ngoài đình làng. 
- Động thổ xây cầu, chú nhớ làm lễ cầu cô phù hộ cho! Có thờ có thiêng… chú ạ! 
 Chị lái đò nghiêm giọng, mắt nhìn xoáy vào mặt cậu thanh niên. Người thiếu phụ dường như không để ý đến câu chuyện li kỳ đó, chị khỏa tay xuống dòng nước mát, những giọt nước bắn tung lên, vài giọt đọng trên má. Đoạn, ngước đôi mắt đượm buồn về chỗ mấy bậc đá, nơi người làng Vạn vẫn dùng để giặt giũ quần áo, rửa cỏ cho trâu bò. Đang là mùa nước cạn, mấy bậc đá nhô lên chênh vênh trong nắng quái chiều hôm. 
 Trước kia, vào những đêm hè, trai làng Vạn lẳng lặng rủ nhau ra bờ sông, leo lên cây si già lua tua rễ, nín thở nhìn trộm các cô gái tắm, nhìn ngắm thân thể căng đầy của các cô hiện lên như những nàng tiên cá đang nô đùa dưới dòng nước lấp lánh ánh bạc bởi sương đêm và ánh trăng dìu dịu…
- Còn bà ấy thì sao hả cô?! Bà Hoa vợ ông Thành ấy?! - Chàng thanh niên gỡ cặp kính. 
Ở tù mấy năm, trả hết nợ với pháp luật. Nhưng bị ám ảnh bởi cảnh cô Lan quần áo rách tả tơi giữa chợ rồi trẫm mình xuống dòng sông, cánh tay chới với giữa dòng nước xiết. Một đêm, trong lúc ân ái với chồng, nhìn thấy đồ lót của mình vứt vương vãi trên giường, mụ rú lên, gào thét, chắp tay vái lia lịa, miệng lẩm bẩm cầu xin Lan tha tội. Mộng du riết, cuối cùng thành ra điên loạn, thân thể trần trụi tha thẩn ngoài chợ, mấy lần lao xuống sông tưởng đã về chầu hà bá, sống khổ sống ải mà chẳng chết được! Cứ như giời hành! Mỗi khi nổi cơn điên bà ấy lại lột hết quần áo đang mặc trên người lao xuống sông, miệng gọi tên cô Lan. Có lẽ trong cơn điên, bà ấy muốn đi tìm cô Lan cho lòng được thanh thản. 
- Còn ông Thành thì sao hả chị? - Như bị cuốn hút bởi câu chuyện, người thiếu phụ gấp gáp.
- Nghĩ mà khổ! Sống âm thầm như cái bóng, chăm bà vợ điên điên, khùng khùng. Thỉnh thoảng vẫn gặp ông ấy đứng tần ngần trong chiếc lều vó ọp ẹp đằng kia, ánh mắt đượm buồn như đang suy nghĩ điều gì xa xôi lắm. -  Người lái đò chống mạnh cây sào. 
  Đò cập bến, những con sóng lăn tăn, ì oặp vỗ lên bờ cát theo nhịp bước chống chếnh của hai người khách đi đò. Người thiếu phụ bước lên bờ, chị giật mình sững lại bởi tiếng cười, tiếng khóc, khàn khàn, lanh lảnh của mụ điên phát ra phía sau gốc đa. Thấy động, lũ quạ đói đang tranh nhau những xác cá chết thối trên doi cát giữa sông bay lên kêu quang quác.
- Đừng sợ! Để “nhà cháu” đưa bà ấy về! Khổ! Thân làm tội đời! - Chị lái đò lấy tấm áo mưa rách bươm dưới thuyền, quấn quanh thân thể lõa lồ của mụ điên, ánh mắt ái ngại nhìn hai mẹ con người thiếu phụ. 
Dự án xây cầu Vạn được hai mẹ con người đàn bà đi đò về khảo sát địa chất triển khai ngay sau đó, kẻo để lâu, đến mùa mưa, lũ đổ về lại chậm mất tiến độ. Mới đấy mà cây cầu đã xây xong. Dưới chân cầu Vạn, con đò lặng thinh như ánh mắt tư lự ngước nhìn dòng người qua lại trên cầu. Tiếc nuối. Chị lái đò chậm rãi khua mái chèo, mặt nước gợn sóng lăn tăn. 
- Tôi là người khách cuối cùng trên con đò của chị!? - Người phụ nữ ngồi phía mũi thuyền. 
- Xong chuyến này… “nhà cháu” cũng gác mái lên bờ! - Chị lái đò chép miệng, chống sào đẩy con đò ra xa.
Lạ lắm. Để cháu kể bác nghe! Nói ra thì chẳng ai tin, cứ như có ma thật ấy! Sáng nay gặp mụ Hoa, người ngợm sạch sẽ, tóc vấn gọn gàng, không múa may la hét... mọi người nghĩ mụ ấy đã hết điên. Ai cũng mừng cho ông Thành. Nhưng khi mụ khăng khăng nói là tối hôm trước gặp cô Lan ngoài doi cát giữa sông, thì chẳng ai tin là mụ ấy khỏi bệnh. Ùi... chắc… mụ này điên thật! Người lái đò hăm hở nói rồi ngước mắt nhìn ra phía doi cát chép miệng, thở dài.
Người thiếu phụ im lặng nhìn lên triền đê, nơi những đứa trẻ chăn trâu đang nhen đống cỏ khô. Mùi cỏ cháy thoang thoảng lẫn cùng làn khói trắng lảng bảng trong không gian. Dưới ráng chiều, cây cầu đổ bóng lồng lộng vắt ngang cả bến sông. Có cầu Vạn con sông dường như nhỏ lại.
Đêm trăng suông. Từ trên cầu nhìn xuống, bờ sông xanh mướt vạt ngô đương thì con gái. Mùa khô, chủ nhân của lều vó gác vó vào làng. Túp lều trở nên ọp ẹp, trống hoác. Người phụ nữ bước trên chiếc cầu bắc bằng thân cây tre ra lều vó, tựa lưng vào cột lều. Bên ngoài, gọng vó giương cao như muốn cất ánh trăng sóng sánh trong sương. Lòng người thiếu phụ chợt thấy bồn chồn vì tiếng cọt kẹt của những dóng tre cọ xát vào nhau, tâm trạng cuồn cuộn sục sôi bởi những đợt sóng miên man, dập dìu đang hé mở cánh cửa luân hồi của đời người thiếu nữ. Cánh cửa luân hồi e lệ mở ra, trào ra ba giọt máu tươi, ba giọt máu như ba giọt nước mắt hạnh phúc lặng lẽ nhỏ xuống lòng sông. Giọt trinh tiết lắng lại, hòa lẫn cùng bóng trăng mông lung nơi đáy nước. Bởi những nhịp sóng mơn man lan tỏa từ những chiếc cọc tre đang rung lên từng nhịp đều đặn, gấp gáp. Tiếng cọc tre cót két, tiếng gió vi vu, tiếng đàn bầu réo rắt, văng vẳng trong đêm. Bên dưới, dòng sông mềm mại, nhẹ nhàng trôi sau bao ngày cuồn cuộn, dềnh dang vì nước lũ.  
Bỗng có tiếng cười man dại, lanh lảnh, rờn rợn cất lên từ triền đê làm người thiếu phụ giật thót mình, ngồi nép vào góc lều. Trong màn đêm nhờ nhợ, vàng vọt bởi sương và ánh trăng, bóng người đàn bà điên bước xiêu vẹo, khấp khểnh hướng về phía lều vó. Mụ điên lặng thinh, ngơ ngác ngước đôi mắt hoang dại nhìn người thiếu phụ. Rồi vái, lạy, quỳ rạp, cắm cúi, lăn lóc lao ra chỗ doi cát. Sực tỉnh. Người thiếu phụ vụt chạy theo. Đứng trước người đàn bà điên, người thiếu phụ lẳng lặng cởi bỏ áo quần đang mặc trên người. Im lặng, chỉ có tiếng người đàn bà điên thở khò khè, tiếng bựt bựt của những nút cúc áo bật ra. Tiếng ờ ờ ngạc nhiên của người đàn bà điên nhều nhệu nước mắt, nước mũi. Khi mảnh vải cuối cùng trút xuống, thân thể lõa lồ của người thiếu phụ hòa lẫn cùng ánh trăng. Bà điên rú lên, quỳ mọn. “Tha cho tôi… tha tội cho tôi” - “Không!”. Cào cấu. Ran rát da thịt. Người thiếu phụ ghì chặt lấy tấm thân tiều tuỵ đang run rẩy, cắn mạnh lên vai mụ, rỉ máu, tiếng người thủ thỉ như tiếng gió thổi lên rặng phi lao “Tôi đây! Tôi đây! Chị không có tội!... Chị”, hai người đàn bà ôm nhau khóc, những giọt nước mắt bùi ngùi, nóng hổi rơi xuống hai bờ vai khô gầy của họ. Trong làng tiếng chó sủa nhăng nhẳng râm ran.
Trước khi rời làng Vạn, hai mẹ con người thiếu phụ lặng lẽ vòng ra nghĩa trang, thành kính đứng trước mộ ông giáo Lạng, lẫn trong đám cỏ là những khóm hoa huệ tươi tốt. Ngày còn sống, ông giáo Lạng rất thích hoa huệ, vào mùa hè Huệ nở hoa thơm ngát, chiều nào ông giáo cũng sai Lan cắt mấy bông vào cắm trong chiếc lộc bình. Buổi tối mùi hương thoang thoảng lan khắp nhà. Bên ấm trà trên chiếc chõng tre ngoài hiên, ông giáo bảo màu trắng cùng hương thơm tinh khiết của hoa huệ làm ông thấy thư thái, nhẹ nhõm. Trời về chiều, hơi đất bốc lên nồng nồng, quyện cùng mùi hương trầm thơm ngát.  
*
Không còn bến đò ngang. Những đồn thổi ma mị về cô Lan và cái chết của cô cũng ít được mọi người nhắc tới. Người làng Vạn truyền tai nhau về chuyện hai mẹ con người phụ nữ xây cầu Vạn. Chuyện mụ Hoa điên tự nhiên khỏi bệnh điên. Thỉnh thoảng người Vạn lại thấy ông Thành xách cây đàn ra gảy ngoài lều vó. Tiếng đàn, như tiếng lòng rơi xuống lòng sông. Lắng đọng phù sa.
Dòng sông như có lũ đổ về.
            

T.H.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 6451
 Tổng số truy cập: 7401577
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa