Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Rắn độc
Rắn độc

Minh họa: Lê Hải Anh

Bố lấy mẹ không tổ chức đám cưới. Mẹ bỏ bố chẳng tờ đơn ly hôn. Tôi còn nhớ rất rõ chiều xuân đó, mẹ xách chiếc làn đan bằng sợi lục bình khô, nhét đầy quần áo, theo lối nhỏ um tùm lau lách, vội vàng chạy ra bến đò. Người đàn ông làm nghề lái buôn mạn xuôi đã đậu thuyền máy, đợi sẵn ở đó. Ông ta đưa bàn tay rắn rỏi, đỡ lấy mẹ.
- Mẹ! - Tiếng gọi của tôi vỡ rát trên mặt sông thảng thốt. 
 Chiếc thuyền lạch bạch nổ máy, bóng mẹ và người đàn ông khuất dần sau làn khói sóng mơ hồ quyện cùng ánh hoàng hôn cuối chiều bảng lảng. Mẹ không muốn quay đầu lại nhìn mặt đứa con mình dứt ruột đẻ ra hay cánh tay đen bóng của người đàn ông kia đã ghìm vai mẹ lại? Tôi khóc không ra nước mắt. Đáp lại lời tôi là tiếng bình bịch rơi của những bông gạo bịn rịn tháng Ba đỏ cháy trên bãi cỏ úa vàng và tiếng ếch nhái râm ran khúc sầu muôn thuở. Tôi nhặt hoa gạo ném về phía con thuyền chỉ lại là một nốt lặng trên dòng sông mại mềm uốn khúc. Bến sông vắng, trời sâm sẩm dần. Khi bố tôi vác con dao quắm chạy ra đến nơi thì đã thấy tôi phạc phờ ngồi tựa lưng vào gốc gạo thất thần. Nổi khùng, bố bổ một nhát dao vào thân cây gạo mạnh đến nỗi mấy bông hoa ở cái cành thấp chĩa ra bàng hoàng rơi lộp độp. Rồi bố giận dữ gào lên:
- Gian phu dâm phụ! Tao mà bắt gặp thì bọn mày xong đời!
Tiếng gào của bố nghe hoang dại và ghê rợn như tiếng con sói trúng tên tẩm độc gầm lên dưới ánh trăng bàng bạc. Sợ quá, theo phản xạ, tôi co rúm người, ôm chầm lấy gốc cây gạo, run bần bật. Chiếc dao quắm cắm ngay trên đầu, bất động. Bố tôi cởi trần, dáng đứng đau khổ, bất cần như một vị tướng bại trận. Nét chất phác, hiền lành thường ngày biến mất, bố hóa thành một con người hoàn toàn khác. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng ra cái cảnh, nếu bố đến sớm hơn một chút, có lẽ dòng sông yên bình và trong trẻo kia đã hóa thành một dòng sông máu. Mẹ và người đàn ông mạn xuôi kia sẽ đi đâu? Họ có thực sự tìm được hạnh phúc? Không muốn nghĩ ngợi gì nữa, tôi chạy về phía bố, định nói một câu xoa dịu ngọn lửa căm giận đang bừng cháy trong ông nhưng âm thanh cứ bị mắc lại chua chát trong cổ họng. Mãi một lúc sau, tôi mới dám cầm tay bố, lay khẽ:
- Về thôi, bố!
*
Bố vò võ cảnh gà trống nuôi con. Ban ngày, bố làm việc quần quật trên cánh đồng làng. Đêm đến, bố uống rượu tì tì. Rượu say, bố bắt ba anh em chúng tôi quỳ một hàng dài xem cảnh bố cầm con dao nhọn đâm nhiều nhát vào bức ảnh chân dung của mẹ đã được bố mang ra quán thuê người ta phóng to, dán trên cánh cửa. Mỗi nhát dao bố đâm vào ảnh mẹ như đồng thời đâm xuyên qua lồng ngực tôi, đau nhức. Hai đứa em sợ hãi bám chặt lấy cánh tay tôi, lẩy bẩy. Đứa em gái út bảy tuổi lần nào cũng mếu máo khóc. Nhưng khi đôi mắt bố tôi quắc lên những tia đỏ đòng đọc dọc ngang, nó liền đưa tay bít mồm ngăn những tiếng nấc thụt thịt. Thằng em thứ hai mười tuổi thì hằm hằm cúi gằm mặt xuống đất, thi thoảng hơi kiễng một bên đầu gối lên cho đỡ mỏi. Tôi thằng anh cả mười ba tuổi, luôn quỳ ở giữa hai đứa em để làm điểm tựa cho chúng, mắt tôi nhắm nghiền trước những cú đâm thật lực của bố. Bố thường cầm dép vả vào mặt ba anh em mỗi đứa hai phát, bắt phải mở mắt thật to để nhìn chằm chằm vào bức ảnh mẹ bị đâm tơi tả như tấm bia đỡ đạn. Bức ảnh chân dung của mẹ được bố sao làm nhiều bản, nhét trong một chiếc sọt rác dưới gầm giường. Trong chiếc sọt chỉ đựng bốn thứ: những bức ảnh chân dung của mẹ, mấy cái đinh, chiếc búa và con dao nhọn.
Đâu rồi bố tôi của ngày xưa? Người bố hiền lành mà xóm giềng vẫn thân mật gọi bằng biệt danh cục đất? Sự phản bội của mẹ làm bố tôi đột ngột thay đổi như thể có một con cầm thú hung hãn bằng cách nào đó đã chui tuột vào bên trong cơ thể bố, điều khiển, sai khiến bố làm những việc vô nhân tính. Hàng xóm đến chơi, nhìn những bức ảnh chân dung của mẹ lỗ chỗ vết thủng, giăng mắc khắp nơi mà ngao ngán lắc đầu. Người ta bảo, thằng đàn ông nào nhìn vợ đi ngoại tình mà chả sôi máu điên. Những thằng bình thường tầm ngầm, trầm tính khi phát điên lên thì mới thực sự đáng sợ. Kẻ nói, vợ bỏ thì cũng đã bỏ rồi, chả lo tu chí làm ăn, đứng đấy mà suốt ngày nghĩ cách trả thù, rửa hận. Họ rải những ánh mắt thương hại, những câu nói ủi an vào mấy anh em tôi rồi bai bải ra về. Và chắc chắn một điều, họ sẽ không bao giờ ghé lại ngôi nhà ngột ngạt mùi hận thù này nữa. 
Trong bữa cơm trưa, khi bố đã bình tâm, tôi dè dặt hỏi bố:
- Bố ơi… bố… thương anh em chúng con không, bố?
Nghe câu hỏi của tôi, hai đứa em tôi dừng đũa, nhìn tôi rồi lấm lét nhìn bố, nín thở chờ đợi một câu trả lời. Bố và một hơi hết nửa bát cơm rồi đá vào con chó mốc đang luẩn quẩn dưới chân, ồm ồm nói:
- Tao không thương bọn bay thì chả nhẽ thương con chó à?
Rồi bố lại cúi đầu và nốt nửa bát cơm còn lại. Bố thay đổi nhiều quá, thay đổi luôn cả cách nói, kiểu ăn. Bố ở cạnh tôi mà sao xa lạ quá chừng. Anh em tôi thường hay sống với những mảnh ký ức vụn rời, chắp vá. Lúc bố vắng nhà, chúng tôi thường ôn lại hình ảnh bố của những ngày xưa. Hồi ấy, mỗi lần đi làm về, dù bận đến mấy, bố cũng bế anh em tôi lần lượt từng đứa một, hôn má, hôn mắt, hôn môi rồi quay mấy vòng tròn trên không trung chơi trò lái máy bay. Mẹ bảo, bố đi làm về mệt rồi, để bố nghỉ ngơi một chút. Vậy mà đến lúc gội đầu, mẹ cũng tranh phần anh em tôi, nũng nịu bố: “Anh ơi, gỡ giùm em nhúm tóc rối”. Những ngón tay chai sần của bố nhẹ nhàng luồn vào mái tóc mẹ theo từng đợt nước hoa bưởi giội xuống thơm nồng nàn. Ấm áp nhất có lẽ là những giờ cơm chiều. Sau một ngày đi học, hai đứa em tôi thi nhau kể thành tích ở trường, vừa tranh nhau những miếng ngon trên đĩa. Mẹ và bố gắp thức ăn đầy bát chúng tôi rồi cứ thế nhìn đàn con phúng phính má hồng ăn ngon lành mà cười bằng ánh mắt mãn nguyện. Đêm về, nằm ngủ trên hai chiếc giường ghép lại, đứa đòi nằm cạnh mẹ, đứa đòi nằm cạnh bố, đứa kêu nằm giữa đau lưng, nhao nháo cả lên mà vui không tả xiết. Đôi khi, tôi không tin rằng gia đình chúng tôi đã có quãng năm tháng đầm ấm và an yên đến thế.
*
Cô giáo dạy Văn của tôi thường bảo rằng, suy cho cùng, cái đích cuộc sống mà con người hướng tới không phải là sự giàu sang mà là bình yên trong chính tâm hồn và ý nghĩ. Mẹ luôn so sánh căn nhà lợp bờ rô xi măng lọm khọm của chúng tôi với những căn nhà ngói mới khang trang san sát nhau có tường cao, rào kín của mấy nhà hàng xóm lân cận bằng giọng khát khao pha chút ghen tị. Mẹ sống chung với đói nghèo từ nhỏ, nhưng mẹ lại không thích nghi được với nó. Những ngày bố đi làm ăn xa, người đàn ông mạn xuôi vẫn hay đến mua những thức quả vườn nhà rồi cố ý nán lại buông lời tán tỉnh mẹ. Ban đầu, mẹ e thẹn giấu gương mặt trái xoan vào sau vành nón nghiêng nghiêng. Dần dà, mẹ bẽn lẽn nụ cười đối đáp. Những mùa rau quả đi qua, người đàn ông vẫn dong thuyền tìm đến và mang cho mẹ cơ man nào là váy áo, mỹ phẩm. Mẹ vui sướng đón nhận hệt như lúc chúng tôi ngoan ngoãn chìa tay đợi phần tấm bánh, quả cam trong chiếc làn lục bình của mẹ sau buổi chợ phiên. Ba anh em tôi tỏ thái độ ghét người đàn ông ấy ra mặt. Mẹ dịu dàng bênh vực, chú ấy là người tốt muốn giúp gia đình mình làm ăn kinh tế chứ không có ý gì khác đâu.
Đi làm ăn xa, nửa năm bố mới về một lần. Người đàn ông ấy ra vào nhà tôi tùy tiện và nhiều lần đến nỗi con chó mốc quen hơi không còn sủa nhặng. Mẹ đỏm dáng hơn cái tuổi ba mươi lăm của mình. Ruộng đồng đầy cỏ, vườn tược bỏ hoang, mẹ chẳng lo cuốc xới, vun trồng mà chỉ chăm chắm vào chiếc điện thoại đen trắng người đàn ông mạn xuôi mua cho, suốt ngày rúc ra rúc rích. Hôm nào cũng thế, trước khi người đàn ông ấy hẹn đến chơi, mẹ thường hí hởn đứng mấy tiếng liền trước gương thay hết váy hồng, thay sang váy tím, tóc cài hoa, tai đeo tòng teng, môi tô đỏ choét, mặt trát dày lớp phấn trắng bệch che đi những đốm đồi mồi bao mùa truân chuyên sương gió. Những thứ váy áo lòe loẹt và mỹ phẩm màu mè không làm mẹ trẻ đẹp hơn mà còn khiến mẹ trông diêm dúa và lệch tông trong bối cảnh căn nhà bên dòng sông mộc mạc một màu ố nâu chân chất vữa vôi. Người đàn ông không bao giờ tiết kiệm lời khen với mẹ.
- Em đẹp như một thiên thần.
- Anh lại chọc quê em rồi.
Họ nói với nhau những lời mĩ miều có cánh. Nhưng tôi đồ rằng, cả mẹ và người đàn ông kia đều không hiểu thế nào là vẻ đẹp của một thiên thần. Người đàn ông lân la ngồi sát mẹ hơn. Những lúc ấy, mẹ sẽ sai tôi đi nấu cám lợn, sai thằng hai đi vớt bèo cho vịt, sai đứa út đi rút rơm lót ổ gà. Gian nhà lờ mờ ánh sáng từ những lỗ thủng trên tấm bờ rô xi măng. Tay người đàn ông bắt đầu khua khoắng trong chiếc váy của mẹ. Mẹ nẩy nhẹ người, mắt mơ màng nhắm. Nhà bếp với nhà trên ngăn cách nhau bằng bức tường trổ một ô cửa nhỏ chừng bằng bàn tay thường được nút kín túi nilon. Qua ô cửa, tôi căng mắt nhìn mồn một cảnh tượng gai mắt ấy và nghe rõ những âm thanh hú hí chướng tai rền rĩ. Tôi cầm cái que cời lửa bằng sắt đang nóng đỏ đầu, lục tục chạy lên:
- Chú làm gì mẹ cháu đấy?
Que cời lửa vẫn lăm lăm trong tay tôi. Cả người đàn ông và mẹ tôi đều giật nảy người. Mẹ tôi lúng túng bao biện:
- Cái váy của mẹ bị lộ chỉ thừa. Chú ấy giúp mẹ bứt ra.
Người đàn ông lẻo mép thêm vào:
- Mẹ con bận quá, đến cái váy cũng chẳng có thời gian để ý cho chỉn chu.
Tôi nóng nẩy nhổ một bãi nước bọt xuống nền nhà:
- Nhà tôi không có gì để bán cho chú nữa rồi. Cút đi!
Người đàn ông ngồi thẳng thớm, tay chỉnh đốn lại cổ áo. Hắn nấn ná hỏi thăm tình hình học tập của ba anh em chúng tôi rồi chìa tờ một trăm nghìn màu xanh, đủng đỉnh bảo:
 - Cháu cầm lấy mua sách vở. 
Tôi phũ phàng nói nhát gừng: 
- Không cần! Xéo đi trước khi tôi gọi các chú tôi đến đánh! 
Mẹ tôi cứng lưỡi, ngồi đơ như tượng sáp, không nói được gì. Người đàn ông vội vã bỏ đi. Buổi chiều hôm đó, cô nhân viên bưu điện mang đến nhà tôi lá thư của bố. Mẹ cầm đánh vần đọc, thi thoảng kéo áo chậm chậm vào khóe mắt đỏ hoe. Em gái tôi hỏi sao mẹ khóc thì mẹ bảo mẹ thương bố làm ngày, làm đêm vất vả. Chữ thương trong cổ họng mẹ bật ra trơn tru quá thể. Mẹ thương bố vất vả thế sao ở nhà chỉ lo chăm chút sợi tóc, tỉa tót cái móng để nhà cửa bừa bộn, mùa vụ bỏ bê? Ừ thì đã là phụ nữ, ai chả muốn làm đẹp? Nhưng cái cách làm đẹp của mẹ thật lố lăng và phản tác dụng. Ở vùng quê này, đàn bà suốt ngày bán mặt cho đất, bán chân cho bùn, chỉ vào dịp lễ, tết hay cữ nông nhàn mới dám điểm một chút phấn, thoa một chút son thật nhẹ che đi những khuyết điểm trên gò má, đôi môi. Mẹ thì ngược lại, kể từ ngày quen người đàn ông mạn xuôi, mẹ làm đẹp mọi lúc, mọi nơi. Nhiều khi đi ngủ, theo thói quen, mẹ cũng quệt son môi chắc hẳn cho giấc mơ thêm phần rạng rỡ? Đến mùa cấy, vì tiếc mấy cái móng mới sơn, mẹ mang số tiền bố gửi về thuê mướn người ta. Mẹ tôi biết ít chữ. Thế mà, lúc nhờ em gái tôi viết thư hồi âm cho bố, mẹ đã dùng những lời lẽ lợm lòe, sướt mướt: “… Đêm đến, nằm ôm ba đứa con, lại nhớ hồi còn nhỏ bọn chúng tranh giành nhau chỗ ngủ, nước mắt em ứa ra. Em thương mình nhưng chả biết làm gì hơn được. Nơi phương xa, mình cố gắng giữ gìn sức khỏe, nha mình…”.
Người đàn ông ấy không dám công khai đến nhà tôi như trước nhưng chiếc điện thoại trên tay mẹ chính là cầu nối để hai người dây dưa, tằng tịu. Sự việc vỡ lở vào một đêm không trăng, khi anh em chúng tôi đã say ngủ, mẹ lén lút hẹn gặp người đàn ông nơi bụi chuối sau nhà. Bác hàng xóm cầm đèn pin đi soi cóc về muộn bắt gặp hai cơ thể lõa lồ quấn riết lấy nhau trên manh lá chuối xanh trải ra làm chiếu như hai con trăn mùa động dục. Tin đồn nhanh chóng lan ra xóm dưới, làng trên. Mẹ ru rú trốn trong nhà, cánh cửa chốt im ỉm. Tôi giật lấy chiếc điện thoại ném vỡ tan tành ngay trước mắt mẹ. Hai đứa em tôi hôm nào đi học về mặt mày cũng sa sậm vì bị bạn bè trêu chọc rằng mẹ mày thế này, mẹ mày thế nọ. Không chỉ mẹ, mà tất cả ba anh em chúng tôi đều biến thành những con rùa đeo lên lưng mình tấm bia miệng nhân gian. Tôi nguýt mẹ:
- Đẹp mặt chưa?
Mẹ như tội đồ bị áp giải ra pháp trường, mặt không dám ngẩng. Người đang ngồi trước mặt tôi có phải là mẹ tôi? Tôi tự cảm thấy mình có một phần lỗi trong việc này. Nếu tôi ném vỡ chiếc điện thoại sớm hơn, có lẽ chuyện đã không xảy ra? Bố tôi biết chuyện, tức tốc mua vé tàu về nhà. Bố vừa chạm chân xuống mảnh đất quê hương thì cũng là lúc chân mẹ chạm lên lòng thuyền người đàn ông mạn xuôi chực sẵn. Vẫn còn đó cánh đồng xanh. Vẫn còn đó dòng sông bạc. Vẫn còn đó cây gạo tháng Ba chói ngời lửa đỏ. Vậy mà có một người phản bội vừa ra đi. Gió ơi, đừng hát khúc biệt ly…
*
Mẹ dọn sạch những đồ đạc thuộc về mẹ mang đi như thể căn nhà nhỏ này chưa từng chứa đựng bóng hình của mẹ. Chẳng hiểu sao, bức ảnh chân dung của mẹ bên giàn hoa giấy lại rơi ngay trước cửa. Bố đã nhặt được bức ảnh đó. Và nó là chiếc chìa khóa mở ra những bi kịch trong cuộc sống của ba anh em chúng tôi. Những đêm kinh hoàng ấy, tôi luôn tìm cách cố quên nhưng đã găm vào tim tôi tựa như những vết dao đâm lên bức ảnh chẳng cách nào xóa nhòa dù thời gian không ngừng trôi chảy. Vườn chuối sau nhà đã bị bố chém trụi lủi. Trong tâm hồn bố song song tồn tại một con người của ánh sáng và một con mãnh thú của bóng đêm. Bằng sức khỏe cường tráng của mình, bố đủ khả năng bám trụ ruộng đồng kiếm tiền nuôi ba anh em tôi ăn học. Mùa nào thức nấy, từ cày cấy, gặt hái đến mò cua, bắt cá, thả ống lươn, bố đều thành thạo cả. Tiền, bố đưa phần lớn cho tôi dành dụm. Bố chỉ giữ lại một ít mua rượu giải sầu lúc đêm về. Bên gốc gạo già, bố uống rượu, một mình, luôn luôn cô độc một mình. Những nhà trong xóm có đám đình, giỗ chạp, bố gửi phong bì sòng phẳng, nhưng không dự tiệc, ai mời mọc thế nào cũng không lay chuyển được. 
Rượu có làm bố quên được mẹ đâu? Rượu chỉ khiến những hận thù trong bố ngấm sâu vào tâm can, xương tủy. Ảnh mẹ treo chi chít trên vách nhà, cánh cửa. Bố cấm đứa nào tháo xuống. Bố bảo bố sẽ đâm cho tới khi tay bố không cầm được dao hoặc các bức tường trong nhà này sụp đổ. Đầu gối của ba anh em chúng tôi chai sần, thâm tím. Thà bố đánh đập, bố mắng chửi anh em tôi thậm tệ cũng được. Sao bố cứ đày đọa, tra tấn tinh thần chính mình và mấy đứa con bằng cái cách bắt chúng tôi xem bố đâm nát ảnh chân dung của mẹ như thế? Đêm đối với tôi là một sự ám ảnh kinh hoàng. Trong những giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn thường gác tay lên trán chờ nắng lên và thầm hy vọng một ngày mai tốt hơn. Hai đứa em tôi còn bé quá, chúng khóc chán rồi lại lăn ra ngủ. Tôi thao thức nghĩ về bố, về mẹ khi bên ngoài cửa sổ, bóng tối đang chiếm hữu không gian. Bố có còn yêu mẹ nữa không? Bố sẽ ở vậy suốt đời nuôi anh em chúng tôi khôn lớn? Sự ra đi của mẹ phải chăng là một quyết định bồng bột và sai lầm? Có đêm nào nằm cạnh người đàn ông khác, mẹ mất ngủ cồn cào nhớ đến hơi ấm của chồng, nhớ đàn con nơi quê nhà nheo nhóc? Nếu một ngày mẹ trở về, bố sẽ phản ứng ra sao? Những câu hỏi bủa vây tâm trí tôi. Những câu hỏi nén dồn, tích tụ. Tôi tự hỏi rồi tự trả lời. 
Một trong hàng trăm câu hỏi của tôi đã được bố đưa ra lời giải đáp. Buổi chiều ấy, trên chiếc xe 81, bố chở về một người đàn bà mồm hơi vẩu. Bố lệnh chúng tôi phải gọi là mẹ. Mẹ kế xấu xí nhưng tháo vát, chu toàn. Bà chăm chút cho từng bữa ăn, cái mặc, giấc ngủ của chúng tôi chu đáo, tận tình hơn nhiều lần mẹ đẻ. Ngỡ rằng màn bi kịch những đêm bố uống rượu say đã khép lại. Nhưng sang đến tháng thứ hai, đêm đêm, bố lại lảo đảo về nhà với chai rượu vơi cạn trên tay. Chỗ ba anh em chúng tôi giờ có thêm một cặp đầu gối. Mẹ kế ôm ghì lấy chúng tôi mỗi khi bố lao nhát dao nhọn hoắt vào ảnh chân dung của mẹ. Rồi không chịu được cảnh ấy, mẹ kế gượng dậy, giành lấy con dao. Hai người giằng co trong tiếng khóc ré thảm thiết như con lợn bị chọc tiết của chúng tôi. Con dao văng ra ngoài ô cửa sổ, tay mẹ kế tơ tướp máu. Mẹ kế nhìn thẳng vào mắt bố:
- Anh vừa vừa phai phải thôi. Lũ trẻ có tội tình gì mà anh hành hạ chúng?
- Câm mồm!
- Anh ích kỷ và quá đáng lắm.
“Bốp” - tiếng tát từ tay bố văng vào mặt mẹ kế:
- Cút cho khuất mắt tao! 
Mẹ kế bỏ xuống góc bếp, ngồi khóc rưng rức. Ở nhà trên, bố vẫn chưa thôi đay nghiến, chì chiết. Bố lôi cả dòng họ, gia phả mấy đời của mẹ kế ra mà chửi rủa, bới móc. Mẹ kế chẳng ho he nói lại nửa lời. Chửi chán, bố leo lên giường lèm bèm thêm mấy câu rồi ngáy ro ro, khừn khựt. Tôi rón rén ra hiệu cho hai đứa em đứng dậy, chui vào trong buồng ngủ. Lúc này, tôi mới dám đi nhón chân xuống bếp an ủi mẹ kế. Mẹ kế xoa đầu tôi, nước mắt ngân ngấn:
- Mẹ thương các con. Nhưng bố các con không thương mẹ. Mẹ không chịu được nữa rồi. Mẹ phải đi thôi.
Tôi sửng sốt:
- Mẹ. Bố không thương mẹ nhưng chúng con thương mẹ. 
- Bé Út đang ốm, con chịu khó sắc thuốc dỗ em uống mỗi ngày hai lần. Con mái vàng đẻ trứng rồi, con nhớ thường xuyên ra thăm ổ, nhặt trứng vào cất kẻo chuột tha mất…
 - Mẹ bỏ chúng con thật sao? - Tôi rơm rớm cắt ngang lời dặn dò của mẹ kể - Mẹ ở lại với chúng con đi, mẹ.
Mẹ kế lẳng lặng lôi từ đống trấu ra một bọc giấy kim tuyến nhỏ. Bên trong là xấp tiền được xếp vuông vắn và một chiếc lắc tay vàng sáng loáng. Mẹ đặt vào lòng tay tôi:
- Mẹ chỉ có chừng này thôi. Mẹ cho các con. Cất cẩn thận, đừng để bố con biết. 
Rồi mẹ kế đi ngay trong đêm, không mang theo bất cứ thứ gì…
*
Lại đêm. Bố lại say rượu. Bố bắt chúng tôi quỳ trước sân rồi vơ hết thảy quần áo của mẹ kế đem đốt cháy phừng phực bằng một mồi lửa tuyệt tình, tàn nhẫn. Sự nổi dậy của mẹ kế đêm hôm trước đã góp phần hình thành trong tôi ý thức phản kháng. Tôi tự ý đứng dậy, giật chiếc bật lửa rồi chạy ra giếng xách một xô nước xối lên ngọn lửa đang bừng cháy. Bố tát tôi nảy đom đóm mắt. Và quai hàm tôi như bị lệch đi. Đến lúc này, tôi mới cảm nhận được hết nỗi đau mà mẹ kế phải hứng chịu đêm hôm trước. Tôi nói hỗn:
- Bố ác lắm!
Bố túm lấy cổ tôi, ghì vào gần đống lửa chưa tắt hẳn:
- Mày muốn tao thiêu cả mày luôn không?
Hai đứa em tôi cũng đứng dậy, chạy đến bên bố, khóc lóc xin bố tha cho tôi. Bố buông tay, ngồi thõng bên đống lửa:
- Cút! Bọn bay cút hết cả đi! Cút đi cho khuất mắt tao!
Tôi dắt díu hai đứa em ra khỏi nhà. Phía trước mịt mùng bóng đêm. Biết đi đâu giờ này? Tôi sực nhớ, ngoài nương dâu có một căn nhà chòi bỏ hoang. Chúng tôi đến đó, cánh cửa đã bị khóa lại. Hơi lạnh từ mặt sông cuộn lên sởn da gà. Em gái út sợ ma, bíu ngang hông thằng hai chặt ních. Tôi đi tìm một viên đá, đập mãi chiếc khóa gỉ sét mới bung ra. Rồi tôi bẻ trộm lá dâu, rải ra để ba anh em cùng nằm. Út nằm giữa, tôi và thằng hai nằm hai bên. Gió luồn qua những ống tre nhà chòi u u cộng với tiếng nước sông chảy âm âm khiến bé út sợ ma không ngủ được. Nó hết quay sang bên trái lại trở sang bên phải. Thằng hai sau một lát ngọ nguậy đã ngáy khe khẽ. Tôi bỗng thấy tim mình ủy mị và yếu mềm như một người phụ nữ tuổi trung niên. Tôi chẳng trách bố, tôi cũng không trách mẹ. Họ có lý do, có nỗi khổ tâm riêng cho những hành động của mình. Tôi chợt thấy thương mẹ kế, nhiều thật nhiều. Người đàn bà ấy chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc của một người vợ đã phải ra đi…
Nửa đêm, khi tôi đang thiu thiu ngủ thì em gái tôi “a” lên một tiếng thất thanh. Ở góc nhà chòi có tiếng loạt soạt như tiếng một con vật gì đó vừa tìm cách thoát thân. Tôi quýnh quáng bật dậy.
- Anh ơi, em bị con gì cắn ấy, đau lắm!
Tôi cuống quýt lần túi quần tìm lấy cái ống bật lửa ban nãy giật được từ tay bố. Ngọn lửa sáng lên, hai chấm răng nanh tím ngắt của một con rắn độc hằn lên trên bắp chân của em tôi, ứa máu. Vết bầm của nọc độc dần loang ra thâm thẫm sau lớp da trắng ngần. Tôi hoảng hốt xé toạc miếng vải áo, buộc ngang bắp chân em tôi thật chặt. Rồi tôi gọi thằng hai dậy. Ngay lập tức, tôi cõng em gái tôi ra bến sông. Thằng hai chạy bên cạnh đỡ lấy chiếc chân đau của nó. Bên kia sông có bà Tư Cụt người miền Tây chuyên chữa rắn cắn. Bà đã cứu mạng nhiều người vùng này. Nhưng bến đò còn nằm im. Không có cách nào sang sông. Em gái tôi đang hôn mê dần. Trán nó chạm vào cổ tôi nóng rẫy. Tôi bảo thằng hai về nhà gọi bố, rồi cởi áo, buộc em gái tôi trên lưng, bơi qua sông. Nước sông chảy xiết, tay tôi khua khoắng liên hồi. Qua được cửa ải dòng sông, chân tôi chạy lịch bịch trên con đường đất đỏ. Cố lên! Cố lên! Chỉ cần chậm một giây thôi, em gái tôi sẽ mất mạng. Tôi đến được cửa nhà bà Tư Cụt, dồn hơi nói được một câu: “Cứu em gái cháu với” thì đổ gục xuống.
*
Bố tôi và thằng hai đến nhà bà Tư Cụt khi nắng vừa chớm mấy sợi mỏng manh trên khóm hoa hồng ngậm sương. Thấy em gái tôi được trùm chăn ngang cổ, mắt khép lại, nằm im trên chiếc giường sắt sơn màu trắng, bố tôi ôm nó, khóc thảm thiết:
- Con gái ơi, bố có lỗi với con. Đừng bỏ bố mà, con ơi!
Bà Tư Cụt bê vào phòng một bát cháo nóng hổi, lườm bố tôi, nói giọng đậm chất sông nước Nam Bộ:
- Anh biểu anh thương con mà đêm hôm khuya khoắt anh đuổi chúng ra khỏi nhà như đuổi tà thế hả? Con gái anh qua cơn nguy kịch rồi - Bà quay lại nhìn tôi - Lúc nào cô bé tỉnh dậy, cháu đút cháo cho em ăn nghen.
Bố quỳ rạp xuống, úp mặt vào cái bàn chân trái da nhăn nheo, rúm ró không còn ngón nào của bà Tư Cụt, vừa vái lấy vái để, vừa bối rối cảm ơn. Rồi hôn lên má em gái tôi, nước mắt bố vẫn tuôn rơi làm em tỉnh dậy. Đưa tay sờ mặt bố, em thều thào: “Bố ơi!”. Bố tôi múc từng thìa cháo nhỏ, thổi cho bớt nóng rồi bón cho nó. Bà Tư Cụt đứng bên cạnh, mắt long lanh:
- Anh biết không, chồng tui bỏ tui vì tui ăn ở với ổng năm năm mà hổng sinh nổi một đứa con - Bà Tư Cụt ngậm ngùi - Anh được Trời ban cho bầy con ngoan ngoãn vầy mà hổng biết trân quý!
- Vâng, tôi biết lỗi của tôi rồi. Ngàn lần cảm ơn bác.
- Tui hổng cần ơn huệ gì của anh hết trơn á. Chỉ mong anh sống cho ra một ông bố. Tui chỉ chữa được vết rắn độc cắn ngoài da thôi. Còn con rắn độc trong cơ thể anh, anh phải tự mình chế ngự nó.
Em gái tôi ăn đến thìa cháo thứ ba thì thốt lên:
- Món cháo này quen quá, bố ơi. Ai nấu cháo cho con đấy ạ, bố?
Bà Tư Cụt đến bên, bẹo má nó:
- Cháo này của một cô bị chồng rũ bỏ. Cổ chẳng còn nơi nào để dìa nên đến đây xin học nghề chữa rắn cắn và phụ tui lo toan cơm nước. Chiều qua, cổ ra bến đò đứng nhìn về phía bên kia cây gạo, nước mắt lưng tròng…
Chẳng ai bảo ai, những cặp mắt đồng loạt trông ra bến đò qua ô cửa sổ. Cây gạo phía bên kia làng tôi chỉ còn lại một bông hoa đỏ chói cuối cùng. Bông hoa cháy rừng rực và rạng rỡ giữa miền sương gió…
          

 P.Đ.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 144
 Hôm nay: 2640
 Tổng số truy cập: 7192399
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa