Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Một cuộc việt dã mùa thu (Truyện ngắn)
Một cuộc việt dã mùa thu (Truyện ngắn)

1. Đại dịch Covid-19 đợt bốn đã lắng xuống. Thành phố rồi quận rồi phường rồi các ngõ vào khu cư dân, mọi thứ chốt cảnh báo, ngăn chặn Covid dần dần được dỡ bỏ. Ai cũng vui, cũng khoái; cái khoái nhất của tôi là được ra vườn hoa nhỏ bên Hồ Tây chạy bộ, hít thở không khí trong lành và đón ánh dương chan hòa mỗi buổi sáng. Thói quen này tôi đã tạo được từ thời thiếu nữ và được bạn bè phong cho thương hiệu nhà việt dã bốn mùa. Trong mấy đợt thực hiện “ai ở đâu, ở đó”, nhà việt dã bốn mùa là tôi lấy cầu thang ba tầng nhà mình làm lộ trình chạy bộ. Lên xuống, xuống lên mỗi ngày một trăm lần tôi đã có quãng đường việt dã gần hai cây số. Thế là đủ để không bị lên cân, đầu óc không trì trệ, các chỉ số huyết áp, nhịp tim đều ngon lành. Đang háo hức được ra việt dã với thiên nhiên Tây Hồ thì tôi lại có thêm niềm vui mới. Đó là một doanh nhân hảo tâm mời cơ quan tôi, nơi đã cung cấp nhiều loại giống cây trồng cho doanh nghiệp của anh vào Sầm Sơn nghỉ ngơi, du ngoạn và “tránh Covid” ít ngày, vì thành phố nghỉ mát này suốt cả mùa đại dịch là vùng xanh an toàn của Thanh Hóa.
Do công việc và cũng còn sợ dư chấn Covid, chỉ có dăm, sáu người tham gia chuyến đi. Tôi là người ghi tên số 1.
Đến thành phố nghỉ mát, trời đã chuyển cuối thu nhưng vẫn còn nhiều nắng như ngày hè. Sáng sáng, tôi vẫn thực hiện thói quen việt dã của mình trên bãi biển như để bù lại những ngày chạy lên, chạy xuống cầu thang hẹp. Một lần, ngày tuần, tôi đến chân hòn Cổ Giải, ghé quán bà cụ bán đồ vàng hương, sắm lễ để lên đền dâng thần Độc Cước. Tôi chưa kịp mua thì có một người phụ nữ trẻ mang bầu đã sắp đến ngày sinh nặng nề từ trên đền xuống chỗ bà bán hàng, nói vội:
- Cụ bán thêm cho con mười lễ nữa.
Bà cụ chân thật khuyên:
- Cô ơi, chỉ cần một lễ là đủ. Ông thần này thương dân lắm, không nhận nhiều thế đâu? Cô mua mười lễ này nữa là năm mươi lễ rồi đấy! Cô cũng như con cháu tôi, tôi khuyên cô không cần phải phung phí và mất công nhiều như thế.
Người phụ nữ mang bầu thành kính:
- Thưa cụ, tội của con lớn lắm, năm mươi lễ chứ ngàn vạn lễ cũng không thấm vào đâu. Thôi thì con cứ phải lòng thành để các ngài chứng giám, xóa cho được phần nào quý phần ấy cụ ạ.
- Vậy thì tùy cô thôi!
- Vâng, con xin cụ! Người đàn bà chửa đặt tờ giấy bạc năm mươi nghìn đồng cho bà cụ rồi nhận vàng hương, vịn lan can, ngược lên phía đền.
Bà cụ bán hàng tốt bụng nhìn theo, lắc đầu nhận xét:
- Không biết nghiệp chướng đến mức nào mà cô ấy phải xin cửa ngài nhiều thế?
Đến lượt mình, tôi đang định mua đồ lễ thì có tiếng hỏi nhỏ ở phía sau:
- Chị đấy phải không?
Tôi quay lại thì nhận ra anh chủ “Cô đơn quán” ở cạnh Hồ Tây, nơi tôi đã vài lần đến cà phê và tĩnh tâm. Anh hồ hởi hỏi tôi:
- Tôi vẫn nhận ra chị! Chị vào đây lâu chưa?
- Dạ! Chào anh! Cũng đã được vài hôm rồi! - Tôi dừng và nhìn anh với vẻ quan sát.
Người đàn ông vẫn trong tình cảm hồ hởi, hướng tôi về người đàn bà mang bầu đang đi lên đền, bộc bạch:
- Cô ấy đấy…
Tôi hỏi:
- Sao anh không tháp tùng, bảo trọng bà bầu?
Anh khẽ lắc đầu:
- Cô ấy không chịu ấy chứ!
2. “Cô đơn quán” là quán cà phê vườn, có khuôn viên là một vườn cây xanh. Tất cả các loại cây cảnh đều được trồng trong chậu. Không hiểu chủ quán có cách chăm bón thế nào mà chúng đều tươi tốt, khỏe mạnh hệt như trồng trên mảnh đất màu mỡ. Mỗi lần đến quán, tôi lại nhận ra, chủ quán đã xê dịch vị trí các chậu cảnh, tạo nên một bố cục mới khi ấm cúng, khi thoáng đãng, rộng rãi.
Cũng xin thú thực, mỗi khi tìm đến “Cô đơn quán” là lúc lòng tôi trĩu nặng, cần chỗ yên tĩnh để giết thời gian. Còn có một lần, tôi lại trong tâm trạng rất khó tả: vui một chút, tự hào một chút, sợ sệt một chút và dò đoán một chút… Từng ấy tình cảm pha trộn trong tôi khiến tôi bị chông chênh giống người mất phương hướng giữa một cung đường có nhiều lối rẽ. Chả là tôi đang gặp một chuyện tình. Người yêu tôi đến độ đắm say, cuồng nhiệt là chàng trai tên Cao, hai mươi chín tuổi, một Tiến sỹ về ngành kiến trúc đã có nhiều năm tu nghiệp ở Italy, nơi khởi thủy của nền văn hóa Phục hưng. Dưới con mắt quanh tôi, anh là hiện thân của người yêu trong mộng. Anh cao 1m80, da trắng, mái tóc dày xoăn vồng lên ở trán và sau gáy giống như mái tóc của chàng hoàng tử trong câu chuyện cổ tích có cô Lọ Lem là nhân vật chính. Mỗi khi anh nói chuyện, đôi mắt sáng lên tinh anh và hóm hỉnh. Còn lời lẽ thì cứ thủ thỉ như những nốt nhạc nhẹ trữ tình vọng đến từ xa trong một buổi chiều êm dịu. Nhưng cái chính là anh kiên trì theo đuổi, mặn mà yêu đương thật lòng trong từng cử chỉ giao tiếp, chăm sóc tôi.
Anh là vậy, còn tôi, một phụ nữ đã 32 tuổi với đứa con gái lên mười, sản phẩm của một tình yêu đam mê và nhiều trắc ẩn. Bố của cháu là một nhà khoa học danh tiếng yêu thơ và rất yêu tôi. Anh là người có tài, tốt bụng, đại lượng và quyến rũ. Tôi đến với anh bằng tình yêu cuồng si, bất chấp hoàn cảnh không thể vượt qua. Từ khi có con gái đến giờ, tôi không hề báo kết quả với anh, tránh anh, không làm phiền anh dù một cú điện thoại. Cái tình yêu có vẻ ngông cuồng ấy của tôi đã được đền đáp bằng cô con gái Chi Lê. Nó xinh đẹp đến từ cái móng tay. Nó học giỏi từ khi còn tập viết ở lớp mẫu giáo lớn. Mới mười tuổi, cháu đã đoạt hai giải thưởng học sinh giỏi cấp quận và một giải thi tiếng Anh cho học sinh tiểu học toàn thành phố. Một điều nữa làm tôi tự bằng lòng và biết ơn, đó là cơ quan, nơi tôi làm việc đã không một lần truy hỏi chuyện riêng tư của tôi, mà ngược lại còn luôn giúp đỡ tôi trong những ngày thai sản và trong công việc. Thật khó tin, một cô gái “nhỡ nhàng” như tôi mà có mười năm được tạo điều kiện cho đi học cao học, rồi nghiên cứu sinh, rồi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, rồi được đề bạt làm trưởng một phòng quan trọng, phòng Nghiên cứu đề xuất những vấn đề mới.
Từ khi có con, tôi dồn hết sức lực và tình yêu cho con gái, cho công việc. Tôi hết sức tránh những cử chỉ “chăm sóc” của đàn ông, tránh những cuộc tham quan, những buổi đàn đúm bù khú của bạn bè khi có nhiều đàn ông tham dự. Song, một người phụ nữ ít nhiều có nhan sắc sống độc thân thật khó. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tiếp thứ khách không mời. Họ đến nhà tôi, hò hẹn tôi thì nhiều nhưng chung quy cũng chỉ có hai típ người. Típ thứ nhất là những gã đàn ông háo sắc, thích của lạ, trốn vợ con đi tìm thú vui chốc lát. Típ thứ hai là những anh quá lứa muộn mằn, tính tình đã có dấu hiệu dại nhiều hơn khôn, hay lẩm bẩm một mình, kỹ tính và ngồi dai. Còn cách chọn bạn đời của các anh giai ấy thì, trời ơi, tiêu chuẩn mới khắt khe, tham lam và phi lý làm sao!
Tôi rất dị ứng với hai típ đàn ông này và tìm cách trốn họ như trốn một sự săn đuổi bất lương. Sau đó, nhờ biết “Cô đơn quán” nên mỗi khi có dấu hiệu bị săn đuổi, tôi liền tìm đến đấy, nơi tôi cho là khá an toàn và cái khoảng không gian có nhiều màu xanh làm cho tôi thấy yên bình, thư thái. Nhưng hôm ấy, tôi đến “Cô đơn quán” là để trốn chàng kiến trúc sư ít hơn tôi ba tuổi và cũng đang săn đuổi tôi nhưng là sự săn đuổi của một tình yêu đam mê nhiệt thành, kiên trì và quyết liệt.
Một con người như Cao, hình thức như thế, tình cảm như thế, nụ cười quyến rũ và ánh mắt chân thành như thế lẽ nào trái tim tôi lại không rung lên từng nhịp đập thổn thức. Tôi đã cảm thấy trong tận thẳm sâu của mình thứ tình yêu thần tượng mà ngày xưa tôi đã gặp bố của con gái tôi. Tôi phải tự thú là đêm nào, tôi cũng có giấc mơ gặp Cao mà toàn là những giấc mơ đẹp. Thế nhưng đến khi Cao tỏ tình, muốn cưới tôi làm vợ, tôi đâm ra hoảng hốt, thậm chí còn tức giận, còn rất nghi ngại nữa. Tôi không nghi ngại sao được khi một chàng trai hoàn thiện như Cao lại muốn gắn bó cuộc đời với một người đàn bà đã có con, lại hơn mình đến ba tuổi? Tôi đã nói tất cả sự nghi ngại của tôi với Cao nhưng anh chỉ cười và lần nào cũng bảo: “Trời sinh ra em là để cho anh. Đó là định mệnh, là nhân duyên, là tình yêu số phận!”. Nói rồi, anh cao hứng đọc mấy câu thơ khá hoàn cảnh: năm sáu, năm trời còng lưng làm lụng không công/ Trong khu vườn của cha người con gái/ Đến năm thứ ba, anh mới được chạm tới/ Ba ngón tay người con gái anh thương/ Mất bảy năm trời mới được làm lễ cưới/ Giờ con cháu hị có cả mộ đàn!
Đọc xong, Cao đặt tay lên ngực ao ước: “Giá em có một ngôi vườn để anh ngày nào cũng được đến trồng một loại cây làm cho em vui nhất thì tuyệt vời nhỉ!”. Nói xong câu ấy, nét mặt Cao thật tươi tắn và đôi mắt thì nhìn tôi ấm nồng như có lửa. Tôi không thể không tin đó là lời nói từ một tình cảm thật. Cảm giác là như vậy nhưng rồi ngay sau đó trong tôi lại mọc ra vô số sự hoài nghi…
3. Tôi đang ngổn ngang với những ý nghĩ về Cao thì chủ “Cô đơn quán” đến chỗ tôi ngồi. Trông anh chưa đầy bốn mươi, dáng cao gầy, mang kính cận dày, tay cầm một tập giấy. Tôi cảnh giác nhìn anh và nhặt cái túi đặt lên lòng mình như một dấu hiệu tự vệ. Chủ quán đâm lúng túng. Tôi nhận ra điều đó vì anh đưa tay lên gãi gáy, và cơ ở khóe miệng khẽ giật giật. Anh hỏi tôi:
- Chị cho phép tôi ngồi với chị một chút được không ạ?
Tôi so vai lại từ chối:
- Thật ra tôi rất muốn được yên tĩnh.
- Tôi hiểu, tôi hiểu… thưa chị, hiện tôi đang rất tâm trạng. Tôi chỉ muốn xin chị vài phút tư vấn. 
Tôi chưa kịp đáp lại thế nào cho phải thì chủ quán nói tiếp:
- Nhiều lần quan sát chị đến đây một mình, tôi biết chị hẳn cũng có ít nhiều cô đơn. Xin chị bình tâm, tôi sẽ không làm gì phương hại đến danh dự của chị. Tôi có một câu chuyện thế này, nếu chị không cho là phiền thì sau khi nghe xong, chị cho một lời khuyên, vì đây là phạm vi của nữ tính. Chị cho phép tôi chứ ạ?
Tôi đáp như một cái máy:
- Tùy anh!
Chủ quán khẽ cắn môi, đắn đo một chút rồi kể:
- Thưa chị, vợ tôi bỏ tôi đi đã hơn nửa năm nay. Dẫu là một kẻ bị phản bội nhưng tôi vẫn còn rất yêu cô ấy. Yêu nên tôi cứ lặng lẽ theo dõi cuộc sống cô ấy đang có. Hôm nọ tôi tình cờ gặp cô ấy ở một siêu thị. Cô ấy đi mua đồ chỉ có một mình, da xanh như lá và đôi mắt thì thất thần. Thế là tôi bị mất ngủ mấy đêm chị ạ… Tôi mất ngủ vì cứ nghĩ, có lẽ cô ấy đã nhầm, đã giống như người đời hay nói: “Vào rừng chẳng biết lối ra/ Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm”.
 Nói đến đó, giọng anh chủ “Cô đơn quán” như nghẹn lại vì xúc động, vì thương cảm.
Tôi vội an ủi anh:
- Anh thật là người nhân hậu, bao dung, thâm tình.
Dường như chủ quán không nghe thấy mấy lời nói đó của tôi nên vẫn tiếp tục mạch xúc động kể tiếp:
- Thương cô ấy quá! Trong những đêm mất ngủ nghĩ ngợi, mặc dù làm thơ không hay nhưng tôi cũng nghĩ ra được mấy câu có vẻ là thơ. Đúng là khi thất tình mọi người đều có tâm hồn thi sĩ chị ạ.
Tôi đồng cảm:
- Vâng, hình như thế.
Chủ quán:
- Chị cho phép tôi đọc được không?
- Vâng, vâng! - Tôi nhiệt thành hưởng ứng.
Khẽ ho một tiếng nhỏ để khai giọng rồi chủ quán đọc một cách chậm rãi, diễn cảm: Không nằm dưới nấm mộ xanh/ Nghĩ về một chuỗi lênh đênh cuộc đời/ Tình yêu em bỏ đi rồi/ Tìm đâu cho thấy đôi môi dịu hiền? Lặng tìm/ Tôi/ Lặng tìm/ Em/ Xanh xao chiếc bóng trước thềm/ Xanh xao!/ Phải là lọng gấm, võng đào?/ Hay em lại nhận thêm vào… nát tan…?
Đọc xong hai từ “nát tan” câu cuối bài thơ, chủ quán ngồi lặng đi, đôi mắt chớp chớp trong làn kính cận dày. Có lẽ anh đang rất xúc động.
Im lặng một chút như để đồng cảm với thơ anh rồi tôi nói:
- Nếu được nghe những câu thơ này hẳn chị ấy cảm động lắm?
Anh chủ quán liền đứng ngay dậy. Thái độ của anh khác hẳn. Nét mặt trở nên rúm ró đau khổ tột cùng. Anh nói như dằn từng tiếng:
- Không! Không được như thế đâu chị ạ. Chị có biết không? Tôi đã đọc cho cô ấy nghe bài thơ này. Mà hôm đó, tôi còn đọc tình cảm hơn hôm nay nhiều. Chị có biết, nghe thơ tôi xong, cô ấy bảo tôi thế nào không? Cô ấy lạnh lùng bảo: “Thơ với thẩn, ông là đồ dở hơi. Người ta đang ốm nghén thì da dẻ không xanh xao sao được? Tôi mà lại thèm bị nát tan à?”. Chị ơi, chị phán xét thật công bằng đi! Phán xét bằng nữ tính ấy, tôi có phải là kẻ dở hơi hay không?
Tôi nói luôn bằng nhận xét trực giác của mình:
- Tội nghiệp anh, thơ anh đã không gặp được người tri kỷ.
- Có lẽ thế! - Nói rồi, chủ “Cô đơn quán” im lặng tay lật lật những trang giấy.
Tôi cũng không biết khuyên anh thế nào cho phải. Một lúc sau anh ngước cặp mắt hy vọng nhìn tôi:
- Chị ơi, tôi có nghe người ta nói, khi phụ nữ thai nghén tính tình họ hay bẳn gắt lắm. Có phải cô ấy bẳn gắt trong hoàn cảnh ấy không? Thú thật với chị, cho đến bây giờ tôi vẫn còn rất yêu, vẫn chờ đợi cô ấy nghĩ lại, quay về. Tôi sẽ bỏ qua, sẽ chấp nhận. Chị đừng cười, với tôi, trong trường hợp này, con ai sinh ở nhà tôi cũng là con tôi…
Nghe chủ quán dốc bầu tâm sự đến tận cùng nỗi niềm như thế, tôi chỉ biết chúc anh cơ may tìm lại được người xưa.
 Sau lần đó, cảm giác như “Cô đơn quán” cũng không còn là nơi yên tĩnh nên tôi không đến đó nữa.
3. Tại một chỗ ghế ngồi chờ gần chân dốc lên đền, anh chủ “Cô đơn quán” kể câu chuyện hiện tại sau khi đã nói với tôi mấy từ: “Cô ấy không chịu ấy chứ!”. Giọng anh trầm trầm nhỏ nhẹ chỉ vừa đủ để tôi nghe. Rằng, linh cảm ngày ấy của anh đã đúng. Chị vợ cũ của anh đã cáu bẳn với anh trong tâm trạng bực bội của người thai nghén. Thời gian không lâu sau đó, chị đã trở về với anh ở “Cô đơn quán”. Trở về với một mặc cảm tội lỗi, mặc dù anh đã tha thứ, mặc dù anh vẫn rất yêu chị. Anh kể và triết lý, khi người ta yêu nhau thì lấy cái tốt để xóa đi cái xấu, khi người ta còn yêu nhau thì biết đại lượng, biết nhìn vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nhìn lên đầu dốc lan can đền rồi anh kể tiếp rằng, bởi bị mặc cảm của một người có lỗi nên từ ngày trở về với anh, chị rất năng đến những nơi hương khói… Dù anh đã hết sức khuyên ngăn, hết sức yêu thương chiều chuộng chị nhưng chị vẫn năn nỉ xin anh cho đến những chốn tâm linh để lễ tạ. Sau khi lễ ở đây xong, chị sẽ còn đến đền Sòng… Chiều vợ nên anh thấy các cuộc tháp tùng này cũng vui và cần thiết.
Ngước nhìn thấy vợ đang vịn lan can đi xuống, anh chủ “Cô đơn quán” vội chào tạm biệt tôi và lao nhanh như tên bắn lên dốc.
4. Tôi vào đền lễ một lễ như lời khuyên của bà cụ bán hương hoa, đồ lễ. Xong việc, nhìn cảnh trời thu mát mẻ, tôi làm một cuộc việt dã dự định sẽ đến hòn Trống Mái rồi mới quay về khách sạn.
Đang xoăn xoẳn sải bước với tinh thần việt dã mùa thu nắng vàng thì một gã đầu trọc kính đen, bận đồ rằn ri US Army hầm hố chạy chiếc mô tô bốn ống xả kè sạt cạnh chỗ tôi, nhăn nhở mời lên xe… phượt. Tôi tránh nhanh xuống rệ đường mòn, đứng sau một cây thông lớn thủ thế. Gã đầu trọc kính đen nháy mắt nói: “Trông nàng đang cô đơn lắm, phượt với anh chút chút sẽ hoành tráng lên ngay!”. Tôi nói nhanh: “Cậu nhầm người rồi! Đi chỗ khác!”. Gã bật ngón tay poách, poách: “Không nhầm! Nàng đang tâm tư lắm, kiêu thế đủ rồi!”.
Tôi liền bật điện thoại nhưng không biết gọi cho ai, còn gã biến thái thì sấn đến. Tôi lui sang gốc thông thứ hai và gọi to như gào: “Anh Cao, đến chỗ hòn Trống Mái đón em ngay nha! Vâng hòn Trống Mái!”.
Nghe thế, gã đầu trọc kính đen bèn đến chiếc mô tô bốn ống xả phóng đi.
Tôi hoàn hồn nhìn vào di động, tôi chẳng có bấm số cuộc gọi nào hết, số của Cao lại càng không. Thì ra trong lúc hoảng hồn nhất, tôi đã ra đòn gió với tên trai lơ biến thái đầu trọc kính đen bằng cách làm ra vẻ gọi cho Cao. 
Tôi đỏ mặt và thấy nhớ, thấy cần Cao vô cùng. Nghĩ thế tôi “việt dã” nhanh về phía hòn Trống Mái và ở đó, nhất định tôi sẽ gọi cho Cao, mời anh vào Sầm Sơn với tôi,  “tham dự” những cuốc việt dã ngày thu nắng đẹp với tôi! Tôi chẳng có lý do gì bắt Cao phải kiên trì chờ đợi và hy vọng nữa! Đã yêu nhau thì còn bắt khổ nhau làm gì?
            

HTQ - Thu 2021
            L.N.M
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 135
 Hôm nay: 5033
 Tổng số truy cập: 7400159
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa