Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Kỵ húy (Truyện ký)
Kỵ húy (Truyện ký)

Người thanh niên đặt gói quà xuống bàn đá bên bờ ao ông Thứ thường ngồi uống nước và ngắm cá. Ông Thứ thấy quen quen, cố nhớ ra xem là con cái nhà ai, đã gặp ở đâu. Như đoán được suy nghĩ của ông Thứ, anh ta xoa tay thưa:
 - Cháu là Dương mà ông.
- Ồ! Là thằng Dương! Trông cháu khác nhiều quá. Cháu về từ khi nào?
- Dạ! Cháu về nước từ năm ngoái. Thấy bên đó có bệnh lạ, chết nhiều người nên cháu về. Cũng may là cơ sở cháu làm việc họ đồng ý. Về Hà Nội cháu được cơ quan cũ tiếp nhận ngay. Nay cơ quan có việc, cháu về Nghi Sơn làm ba tuần. Do công việc nên phải vừa làm việc vừa tự theo dõi sức khỏe. Ở Hà Nội cháu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuần trước, để về lại cơ quan cháu đã test nhanh Covid-19 và xét nghiệm PCR, hai lần đều âm tính. Cháu về làng tối qua, thắp hương nhà thờ Tổ, nay cháu đến thăm ông. Chiều cháu ra Hà Nội.
- Ra thế. Thanh niên bây giờ làm việc cứ như chim bay. Theo dõi tin tức, bên Ý dịch lại bùng phát lại.
- Vâng! Bên ấy có vẻ lỏng lẻo hơn ta.
... Năm 2017, ông Thứ sang Italia thăm cháu ngoại, nhân dịp cháu ông bảo vệ luận án ở University of Cassino. Xuống sân bay Fiumicino Leonardo Da Vinci, Roma, ông Thứ chuyển sang đi tàu hỏa đến thành phố Cassino. Trên tàu, nhìn sang hai bên thấy những trang trại nho bạt ngàn, ông Thứ tấm tắc một mình: “Chả trách mà người ta bảo Italia là vương quốc của rượu vang cũng phải!”. Cháu ông tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ra công tác được hai năm thì thi được học bổng sang Italia học sau đại học. Hai tháng chờ bảo vệ luận án, cháu về qua nhà. Có đêm ông thấy cháu ông và thầy hướng dẫn làm việc qua lại. Ông hỏi nó bảo là luận án xong rồi, còn vài ý nhỏ thầy nhắc nhở qua “zoom”. Thật là tiện, thầy ở tây bán cầu hướng dẫn học trò ở đông bán cầu chỉ qua cái máy tính xách tay. Đề tài của cháu ông là “Phát hiện khối u ác tính qua nhũ ảnh”, một đề tài dính dáng đến y khoa, trong khi nó học Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ông Thứ hỏi cháu, nó bảo sang Ý cháu nghiên cứu sâu về công nghệ thông tin và viễn thông - ICT (Information and Telecommication Technology), trong đó xử lý ảnh, là mảng chủ yếu của xử lý thông tin. Từ các bệnh viện, bác sỹ gửi kết quả XQ nhũ ảnh về trung tâm xử lý thông tin để hội chẩn; sau khi xử lý xong, trung tâm trả lại hình ảnh kèm kết quả phân tích chỉ ra những điểm tập trung của tế bào ác tính, giúp các nhà tế bào học và tổ chức học có đường vào đúng mục tiêu, góp phần để có một chẩn đoán bệnh chính xác. 
Kết quả bảo vệ luận án của cháu được Hội đồng đánh giá tốt, điểm cao. Rất nhiều bạn học người Việt, người các nước cùng gắn bó với cháu những ngày ở Italia đến tặng hoa cháu ông và các thầy. Đặc biệt thầy hướng dẫn cháu ông còn rất trẻ, đỗ Tiến sỹ khi 28 tuổi, nay đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh của Italia và các nước. Bỗng có một thanh niên, trạc tuổi cháu ông, đến muộn, cậu ta nói to với các bạn như thanh minh là phải lên thư viện ở Roma tìm số liệu cho đề tài nên không về kịp nghe bạn bảo vệ. Cậu ta lại chào ông Thứ, cậu ta nói cháu tên là Nguyễn Ngọc Trùng Dương, quê gốc ở Hoằng Lộc, cha mẹ chuyển lên Triệu Sơn sống đã mấy chục năm nay và sinh cháu ở đó. Cháu học kinh tế, ra công tác được ba năm thì thi được học bổng sang Ý học sau đại học. Trùng Dương kể khi còn là học sinh, được theo ông nội và bố mẹ về giỗ Cụ tổ họ một lần, sau giỗ được dẫn đi thăm nhà thờ Quan Trạng rồi phải về Triệu Sơn ngay nên chưa biết nhiều về quê cha đất tổ. Ông Thứ hỏi:
- Cháu thuộc về lối nào. 
- Cụ tổ họ cháu là quan Tham tụng Nguyễn Ngọc Huyền, nhà thờ ở xóm Chúa. 
 - Thế thì cháu là hậu duệ của một bậc đại khoa trong làng rồi, cũng như cháu Hải Nam của ông, là hậu duệ của Tiến sỹ Nguyễn Tôn Thố, Ngài được vua giao làm chức Hàn lâm viện biên tu, chuyên phúc khảo các kỳ thi Hương ở kinh đô Huế. Còn Cụ tổ họ của cháu, cụ Nguyễn Ngọc Huyền làm Tham tụng, là chức đứng đầu triều chính, quyền hành ngang với Thừa tướng. 
- Dạ!
- Các cháu là hậu duệ của các bậc đại khoa. Các Ngài chí lớn, khổ luyện mới thành người tài. Các cháu phải noi gương sáng của các bậc tiền nhân mà học để thành người có ích cho gia đình, cho dòng họ, vẻ vang cho làng xã, cho đất nước. 
- Dạ!
- Khi nào có dịp về quê, ông sẽ đưa cháu đi thăm các di tích lịch sử văn hóa của làng ta. Làng mà từ lâu đã được người đời mệnh danh là làng Khoa Bảng.
Thế là hôm nay, Nguyễn Ngọc Trùng Dương về thăm làng, thăm ông Thứ. Nhớ lại lời hẹn xưa, ông Thứ đưa Dương đến Bảng Môn đình. Ông Thứ xin ông quản lý cho Trùng Dương vào thắp hương bái lạy các vị Thần rồi hướng dẫn Trùng Dương vào hậu cung:
- Bảng Môn đình là tiền đường của ngôi miếu này - miếu Đệ Tứ, thờ Thành hoàng làng, Đại tướng Nguyễn Tuyên, Ngài có công lớn trong trận vua Lý Thái Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành, năm Thiên Cảm Thánh Vũ, 1044. Ở đây còn phối thờ Thành hoàng làng Thượng thư, quận công Bùi Khắc Nhất và phối thờ 3 vị Thiên thần, trước kia thờ ở 3 miếu do vua Lý Thái Tông sức cho trang Đường Bột, là Hoằng Lộc ta ngày nay xây; đó là miếu Đệ Ất, Đệ Nhị, Đệ Tam. Ngày phá các miếu, làng rước các Ngài Thiên Thần về đây để phối thờ. Nghe đến đây Trùng Dương hỏi ông Thứ:
- Cháu nghe ông nội cháu kể làng ta có những 5 miếu thờ là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Ngũ phải không ông? Sao ông lại nói miếu Đệ Ất mà không có miếu Đệ Nhất?  
- Đúng rồi. Ngày xưa làng ta có 5 miếu, thờ 3 Thiên Thần và 2 Nhân Thần. Bây giờ còn 2. Miếu Đệ Tứ thờ Nhân Thần Nguyễn Tuyên, phối thờ Nhân Thần Bùi Khắc Nhất và 3 Thiên Thần. Còn tại sao ông nói miếu Đệ Ất mà không nói đến miếu Đệ Nhất là cả một câu chuyện dài. Bây giờ ông cháu ta đến nhà thờ quan Thượng Bùi Khắc Nhất, tức là miếu Đệ Ngũ, ông sẽ nói để cháu nghe vì sao có tên miếu Đệ Ất.
Ông Thứ dẫn Trùng Dương đến nhà thờ Quan Thượng Bùi. Sau khi xin phép được thắp nhang kính cụ Thượng, ông Thứ kể:
Cụ Thượng sinh năm Quý Tỵ (1533), trong một gia đình hàn nho, tại làng Bột Thái, (bấy giờ Hoằng Lộc ta gồm hai làng là Bột Thượng và Bột Thái nên nhiều người còn gọi là Lưỡng Bột). Thân phụ Ngài là Bùi Doãn Hiệp, từng là Giám sinh Quốc Tử Giám, sau về làm nghề dạy học. Từ nhỏ, Cụ Thượng đã được thân phụ dạy dỗ, đặc biệt là thời thân phụ Ngài ngồi dạy chữ tại nhà phú ông Mai Thầm, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An, Cụ Thượng được cha mang theo để kèm cặp. Sau khi thân phụ Ngài qua đời, vợ chồng phú ông Mai Thầm coi Ngài như con, giữ lại nuôi dưỡng, chia ruộng đất, trâu cày, tiền của để trả nghĩa thầy. Nhờ có sự chăm sóc tận tình, chu đáo của gia đình họ Mai nên Ngài mới có điều kiện học đến nơi đến chốn. Năm 25 tuổi, Ngài cùng em là Bùi Khắc Hưởng thi Hương, đỗ Tam trường. Năm 30 tuổi, Ngài trở về quê, tiếp tục dồi mài kinh sử chờ kỳ thi tiếp. Quê hương Lưỡng Bột ta thời ấy không khí học tập đang lên, noi gương các vị tiền nhân, như người mở đầu đại khoa là cụ Nguyễn Nhân Lễ, mới 21 tuổi đã đậu Tiến sỹ. Ông Nguyễn Thanh, con trai Thám hoa Nguyễn Sư Lộ cũng đỗ Tiến sỹ. Trước khi ra làm quan, Thám hoa Nguyễn Sư Lộ vừa là thầy vừa là nhạc phụ của Cụ Thượng, là người học rộng hiểu nhiều, từng bảo ban giảng giải cho dân làng, được người đời quý trọng, tôn kính gọi ông là Sư Lộ: Ông thầy ngồi dạy học bên đường. Vốn là ở ven đường, trước nhà ông có một hòn đá, mỗi khi gợi ý bài vở cho học trò học tại nhà xong, ông thường ra hòn đá ngồi đọc sách; người dân qua lại, học trò các lớp trước, học trò của các nơi khác đọc sách có điều gì chưa hiểu hỏi đến đều được ông giảng giải chu đáo. Nhờ vậy mà học trò của ông có nhiều người đỗ cao, ra làm quan giúp bá tánh. Hiện nay hòn đá ông ngồi dạy học đã được làng đưa về trưng bày ở Bảng Môn đình, đó là niềm tự hào của dân làng. Phương pháp dạy học của ông Sư Lộ trước đây mấy trăm năm rồi mà vẫn mới, như ngày nay ta có thuật ngữ chỉ phương pháp dạy học tích cực là “lấy học sinh làm trung tâm”! Phải không? Truyền thống hiếu học, không khí đua tranh, động viên nhau học hành, thi cử, coi trọng hiền tài của quê hương; sự giáo dục của gia đình nho học thanh bần, gần gũi nhân dân lao động; ân nghĩa và sự cưu mang của người nông dân hiền hạnh xứ Nghệ, ảnh hưởng của nhạc phụ, người thầy có uy tín và tài đức lớn - Cụ Nguyễn Sư Lộ là những yếu tố quan trọng hun đúc nên nhân cách, tài năng mở đường cho sự thành đạt của Cụ Thượng.
Cụ Thượng đỗ Hương cống năm Giáp Tý (1564), đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa cập đệ Đệ nhị danh (tức Bảng Nhãn) năm Ất Sửu (1565), khi 33 tuổi, tên tuổi Cụ Thượng được vinh danh trên bia Tiến sỹ, đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi được coi là biểu tượng của trí tuệ văn hóa Việt Nam, biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa dân tộc. Làm quan 44 năm, trải qua 3 triều Lê: Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kinh Tông; kinh qua 6 bộ: Bộ Lại (Lại khoa đô cấp sự trung), Bộ Lễ (Giám thí các kỳ thi), Bộ Công (Tả thị lang), Bộ Hình (Tả thị lang), Bộ Hộ (Thượng thư), Bộ Binh (Thượng thư). Hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, Ngoại giao, Kinh tế, Hành pháp..., ở cương vị nào, Cụ Thượng cũng giải quyết công việc trọn vẹn.
Cụ Thượng quy tiên tại triều, năm 1609, hưởng thọ 77 tuổi. Thi hài của Cụ Thượng được đưa về quê an táng. Vua sức cho dân Lưỡng Bột lập miếu thờ - miếu Đệ Ngũ, xây lăng mộ. Giao cho dân bản xã và con cháu trong dòng họ hương khói ngày húy nhật, lễ tết cũng như ngày rằm và mồng một hàng tháng. 
Tài năng, nhân cách và công lao to lớn của Cụ Thượng đã được triều đình Lê Trung hưng khẳng định: “Là bậc lão thành đã giúp vận nước dài lâu yên trị. Là một đại thần nghĩa khí bền vững, công lao to lớn”!
Do có nhiều công lớn, dù đã quy tiên nhưng Cụ Thượng vẫn được các triều đại sau phong tặng: Năm 1610 được phong Thái bảo tước Văn Phú hầu; năm 1629 được phong Phú Quận công; năm Cảnh Hưng 43 (1783) được phong “Trung đẳng Phúc thần Tuy dụ hùng lược đại vương”; năm đầu niên hiệu Gia Long, triều Nguyễn (1802) Cụ Thượng được xếp bậc nhì công thần Trung hưng.
Ngay từ lúc đang tại quan, do có nhiều công lao đối với đất nước và quê hương, Cụ Thượng được nhân dân Lưỡng Bột bầu làm quan tôn trưởng và nhất trí quyết định sau này phối tế ở phúc đình, tức ở miếu Đệ Tứ. 
Nhà thờ và lăng mộ Cụ Thượng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. 
Đó là chính sử. 
Bây giờ ta mới nói đến việc cháu hỏi khi ở miếu Đệ Tứ, là trong 3 miếu thờ 3 Thiên Thần: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, được vua Lý Thái Tông sức cho dân Đường Bột Trang xây dựng năm Thiên Cảm Thánh Vũ, 1044. Năm trăm năm sau, năm 1609, Cụ Thượng quy tiên, Cụ là Thành Hoàng làng nên làng xin đổi tên miếu Đệ Nhất theo lệnh kỵ húy! Đến đây ta phải có giả sử. Vì sao vậy? Bởi theo lệ làng thì trong cuộc họp của vị tiên chỉ với các nhà Nho học có uy tín cùng với Lý trưởng, Phó lý và các vị Ngũ hương phải có văn bản ghi nhận việc dân hai làng Bột Thượng, Bột Thái thực hiện quyết định của làng là sau khi Thượng Thư, Quận công Bùi Khắc Nhất quy tiên, được phối tế ở phúc đình do có nhiều công lao đối với đất nước và quê hương. Làng phải lập văn bản đề nghị lên trên, xin cho làng được đổi tên miếu Đệ Nhất. Nhưng hiện nay văn bản này không còn nữa, có thể đang được lưu giữ ở một trong các dòng họ có vị chức sắc trong xã thời đó, hoặc một vị biên chép lịch sử làng sống ở các đời sau này làm thất lạc!... Hiện nay số cụ biết chữ Nôm không còn mấy, còn thì thân rất yếu, các người trẻ học chữ Nôm không nhiều mà ghi chép văn bản ở nước ta thời xưa chủ yếu là chữ Nôm, nên việc tìm lại được các văn tự ấy gần như không tưởng. Bắt buộc ta phải giả sử để hiểu một phần những việc của làng xã xưa kia, như việc đổi tên miếu Đệ Nhất.  
Đổi tên miếu Đệ Nhất xuất phát từ tục kỵ húy, tức dân ta tránh nhắc tên húy (tên do thân sinh đặt cho Cụ Thượng lúc mới chào đời) của Phúc Thành Hoàng làng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng miếu Đệ Nhất do vua Lý Thái Tông có sắc ban, là Phép nước. Còn việc đổi tên lại là Lệ làng. Về phần này, Lưỡng Bột ta nhận thấy Lệ làng nằm trong khuôn khổ Phép nước. Vì trước đó, vào năm Kiến Trung thứ tám (1232) dưới thời Trần Thái Tông, đã có lệnh kỵ húy được áp dụng ở nước ta. Vua nhà Trần biện lẽ là ông tổ nhà Trần tên là "Lý" nên ai tên họ là Lý phải đổi; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại. Sang triều Hậu Lê, năm 1428, ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã ban bố lệnh kỵ húy rộng rãi trong toàn dân. Như vậy, việc kỵ húy của Thành Hoàng làng với việc đổi tên miếu Đệ Nhất vua ban là vừa lòng dân và hợp phép nước. Vấn đề còn lại là đổi thành tên gì để tên miếu sống cùng năm tháng! Đó là bài toán hóc búa đối với các bậc kỳ lão và bộ máy cai trị làng xã ở Lưỡng Bột thời bấy giờ. Nhưng dân Lưỡng Bột quyết không chịu bó tay, và làng đã tìm được lời giải. Đó là vận dụng vào một loại lịch thịnh hành lúc bấy giờ, loại lịch dựa trên chu kỳ và vị trí của Mặt trăng so với Trái đất; dân ta thường gọi là Âm lịch hay lịch Thiên Can Địa Chi. Lịch này gồm Thập Can và Thập Nhị Chi, là hệ thống đánh số thành chu kỳ được dùng tại các nước có nền văn hóa Á Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore...
- Thiên Can có 10 can khác nhau: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. 
- Địa Chi được gọi theo 12 loài vật như: Tý (Chuột), Sửu (Trâu/bò), Dần (Hổ), Mão (Mèo/Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn).
Ma trận này hình thành các tổ hợp, chu kỳ 60 năm trong âm lịch nói chung để xác định tên gọi của thời gian (ngày, giờ, năm, tháng). Ví dụ: Vào giờ Dần, ngày 21 tháng Chạp năm Tân Sửu, xã Hoằng Lộc sẽ làm húy nhật lần thứ 977 của Thành Hoàng làng, Đại tướng Nguyễn Tuyên! Có 6 chu kỳ hàng can tức là có 6 giáp mà mỗi chu kỳ hàng can hay mỗi giáp gồm 10 can nên gọi là lục thập hoa giáp, hết một vòng 60 năm từ Giáp Tý đến Quý Hợi.  
Và vị trí thứ 2 của Thiên Can được chọn là “Ất” để thay cho “Nhất”: Miếu Đệ Nhất có tên mới là miếu Đệ Ất từ đó. Tránh lấy vị trí đầu tiên của Thiên Can là “Giáp”, có thể là do Lưỡng Bột có Thành Hoàng làng, Đại tướng Nguyễn Tuyên từ trước chăng? 
- Thưa ông, ông nội cháu nói còn có hội rắn ở nhà thờ quan Thượng Bùi.
- Việc đó có thật. Gần như nửa làng thấy chứ không phải một hai người mà bảo họ dựng chuyện. Giá là hôm ấy, cách đây đã hơn hai mươi năm, vào lúc trời đứng bóng, một người đàn ông làm nghề thợ mộc, thấy một con rắn nằm ngang cổng nhà thờ Cụ Thượng, sẵn tay thước trong tay, anh ta lấy tay thước đánh rắn. Trong phút chốc, có hàng trăm con rắn xuất hiện trên hàng rào, trên các cành cây quanh nhà thờ. Rắn không cắn ai nhưng xua đuổi không đi. Sau phải mời ông trông coi nhà thờ ra thắp hương khấn vái xin với Cụ Thượng, rắn vẫn không đi. Bấy giờ ở cạnh nhà thờ có cụ Bùi Khắc Chấn nói khấn nhưng phải mang theo một thẻ thừng nứa mới được. Thế là một người về nhà lấy một thẻ thừng nứa đưa cho ông từ khấn xin với bề trên, tức thời hàng trăm con rắn bò đi nhanh như khi xuất hiện. Có người nói đó là đánh rắn vào ngày hội rắn nên mới xảy ra chuyện đó. Giải thích như vậy cũng là để cho yên lòng chứ thật ra loài người ta hiểu về loài rắn chưa sâu. Những cá thể rắn thông tin cho nhau như thế nào, có ai biết được? Đây đó có chuyện rắn trả thù, có đúng không? Ai hiểu được ngọn ngành! Loài người biết lấy nọc độc của rắn làm thuốc, làm thuốc thử các xét nghiệm cầm máu, nào ai hiểu được tính bầy đàn của loài rắn, nên việc một lúc hàng trăm con rắn xuất hiện khi một cá thể rắn bị đe dọa đến tính mạng ở đây đến nay vẫn là một bí ẩn!...
- Thưa ông, người ta bảo Cụ Thượng cầm tinh con rắn trong thập địa chi nên Cụ Thượng được thần rắn bảo vệ.
- Ông cũng không hiểu điều đó. Có lẽ chờ sau này, khi con người hiểu kỹ về loài rắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
- Dạ! 
- Miếu Đệ Ất xưa kia tọa lạc ở vị trí của Trường mầm non Hoằng Lộc hiện nay. Rất tiếc là ông chỉ nghe các vị tiền nhân gọi ngôi miếu ở vị trí đó là miếu Đệ Ất, chứ thật ra ông chưa được ai giải thích hay đọc được là tại sao miếu Đệ Nhất lại có tên là Đệ Ất. 
Ngày nay, những quy định về kỵ húy không còn hiệu lực tầm quốc gia nữa, vì nó là hình thức vô lý với đời sống ngôn ngữ và xã hội một thời. Đành rằng ở một số gia đình, dòng tộc vẫn còn tục kỵ húy mà về đạo lý, họ không sai! Ví như cha mẹ dạy cho các con tránh gọi tên khai sinh của ông, của bà sinh ra bố mẹ mà chỉ được gọi là “Ông nội”, “Bà nội”, “Ông ngoại”, “Bà ngoại”; những ông bà cao tuổi, người trẻ tuổi thường gọi là “Ông bác”, “Bà bác”, “Ông chú”, “Bà thím”... Đó chẳng phải là chúng ta đang áp dụng tục kỵ húy đó sao. Nên về khía cạnh này kỵ húy là một phong tục không nên bỏ.
Có một thời chúng ta quan niệm về văn hóa tâm linh còn ấu trĩ. Không chỉ có Hoằng Lộc mà nhiều làng trong nước đã đập phá các đền đài miếu mạo, thành quả của công sức và trí tuệ nhân dân lao động xây dựng nên, cho đó là tàn dư của chế độ phong kiến để lại. Hiện tại các miếu Đệ Ất, Đệ Nhị, Đệ Tam, chùa Thiên Vương, Hiền từ các làng Bột Thượng, Bột Thái, các đền Cầu Phúc không còn nữa... Thật là đáng tiếc!
Có thể về một khía cạnh nào đó, với người này thì câu chuyện đổi tên miếu Đệ Nhất thành miếu Đệ Ất là vô bổ; nhưng với người khác lại là có ích mỗi khi nghĩ về quê hương - nơi đó mồ mả ông cha vẫn còn trong lòng đất làng xã, nơi đó là nơi chôn rau cắt rốn bản thân và anh em mình, như cháu đây chẳng hạn!...
- Dạ! Phải ạ! Cháu cám ơn ông.
Trời đã đứng bóng. Ông Thứ và Nguyễn Ngọc Trùng Dương còn đứng ngắm nhà thờ Cụ Thượng, ngắm tháp chuông, ngắm chiếc chuông đại, chuông tiểu, ngắm chiếc kiệu mà tưởng như Cụ Thượng đang ngồi trên kiệu, là quan văn lại được vua Lê giao cho cương vị là Vũ chính kỳ mục cùng Văn chính kỳ mục Phùng Khắc Khoan, dẫn đầu đoàn các tộc mục nhà Lê lên vùng biên ải loan báo để nhà Minh biết nhà Mạc đã bại trận và xin phong Vương cho vua Lê. 
              

Mùa Thu, 2021
             N.H.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 7165
 Tổng số truy cập: 7443292
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa