Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Điên tình (Truyện ngắn)
Điên tình (Truyện ngắn)

Vào một tối thứ sáu như mọi ngày, tràng tiếng động kỳ lạ lại vang lên, ban đầu khe khẽ, sau đó huỳnh huỵch bốp chát. Cố trùm kín chăn để xóa đi thứ âm thanh kích thích đó, gã sinh viên năm cuối dằn mình chìm vào giấc ngủ.
Khốn khổ. Ba mấy tuổi vẫn phải cố miệt mài đèn sách. Vẫn cái mong ước nhỏ nhoi của người dân hải đảo. Vùng sâu như nước xoay vòng, con thơ con khó cũng một lòng bay xa, bay khỏi miền mênh mông con nước để cố chen chân vào cuộc sống đô thành. Chưa già mà đầu đã có tóc bạc. Thời gian như lưỡi dao tàn nhẫn gọt dần đi dấu thanh xuân mơn mởn. Phòng trọ bé xíu, nhớp nháp, sực mùi ẩm mốc. Gã chẳng hy vọng gì ở tương lai tăm tối, tương lai dù cố gắng đến thế nào cũng không thể mường tượng nổi.
Vợ chồng phòng bên làm gã điên tiết mỗi lần sinh hoạt. “Mà cũng đếch biết vợ chồng thật hay nhân tình nhân ngãi”. Gã hét lên trong đầu, trong óc. Mẹ kiếp, giống đàn bà sao mà gào kinh thế. Cứ như cái bẫy mật ong hút ruồi. Thằng đàn ông đang hứng tình, nghe thấy âm thanh man dại đó càng hung hãn. Nghe có vẻ kinh nghiệm, trải đời, chứ thực tế gã chưa mảnh tình vắt vai. Người yêu không có, lấy đâu ra kiến thức để “chém gió” với lũ bạn? Cứ ông Google là có tất. Mớ kiến thức hỗn loạn, vừa đúng vừa sai đó bây giờ đang làm gã mê lịm. Thằng cha đó đúng số hưởng. Đời thật thiếu công bằng. Một đứa ba mấy năm cố gắng, lao động vất vả chân chính, cố mãi mới mò lên được thủ đô phồn hoa hòng kiếm một cơ hội mong manh trụ lại, vậy mà sắp hết hy vọng mất rồi. Gã sắp tiến đến bậc thang cuối cùng của cái đời sinh viên.
Đi học, gã vẫn bảnh trai lắm. Gã xứng đáng là người anh cả của lớp toàn những sinh viên mặt non choẹt. Ờ, một ông anh vốn là dân chài nghèo khó, cố gắng ôn thi để thực hiện ước mơ đại học dù đã hơn ba mươi tuổi. Cảm động lắm chứ. Xao xuyến lắm chứ. Chỉ là thứ lời lẽ đầu môi, chót lưỡi. Nói như mấy tay blogger rỗi hơi, đó gọi là hành động “bồng bế”. Xã hội đóng vai mụ dì ghẻ tàn ác, dỗ dành đứa con bằng từng viên kẹo ngọt, từng thìa mật ong thơm mát. Đến khi đứa con trưởng thành, ra ràng như chim non cất cánh thì đã mắc căn bệnh tiểu đường nặng vô phương cứu chữa. Gã hiên ngang bước vào lớp, gật đầu chào về phía nhóm công tử. Mấy cậu con nhà có điều kiện, sớm trưa xế hộp đưa đón. Công tử nhếch mép đáp lại, ra chiều khinh rẻ. Cũng đúng. Tính họ thế, chứ trong tâm cũng không đến nỗi ác. Hôm nọ hết “đạn” trả tiền học. Gã phải hạ mình van xin thằng Phong “thiếu gia”. Tưởng phải muối mặt lỉnh đi, ai ngờ nó rút ngay mười triệu đưa gã. “Anh cầm mà lo việc. Lúc nào có trả em cũng được”. Ôi chao, tình đồng môn sao mà thắm thiết thế. Ngay hôm đó, gã được công tử nhờ viết mấy bài tiểu luận của nó và đám đàn em. Chả có gì cho không, biếu không cả. Lẽ đời là vậy. Bớt ảo tưởng đi. Đây là thành phố, đâu phải hòn đảo bé xíu với tình cảm hồn hậu? Hòn đảo sớm tinh mơ mấy bà, mấy cô đã qua nhà dúi cho củ khoai, quả trứng. Còn đây là đâu? Cái nơi lạnh lẽo, băng giá. Cô bạn xinh như mộng, hoa khôi của lớp vừa đá một phát hai anh. Cũng đều giàu có, tỉ phú, cũng yêu thương da diết. “Em chẳng cần tiền. Em chỉ cần tình cảm thật lòng thôi”. Đấy, cái lý lẽ bất di bất dịch của mấy cô nàng kiêu kỳ thật dạt dào cảm xúc, họa chăng cũng chỉ là lời biện hộ vô tình trước bao trái tim dâng hiến được thêu bằng những tờ một trăm đô thơm phức. 
Cũng một chiều lười biếng. Căn phòng trọ ẩm mốc hôm nay róc rách mưa rơi. Nhà lá còn đỡ hơn thứ bê tông rẻ mạt. Gã lẩm bẩm thành tiếng rõ to, cố át đi tiếng cục cựa dồn dập từ phòng bên cạnh. Đúng cave rồi. Giọng ồm ồm, khét lẹt hôm nay khác hẳn tên trước. Ả không kêu la thảm thiết như hôm nọ, chỉ kêu khe khẽ cam chịu. Sao nhỉ? Sao không làm hắn hứng lên đi? Chà, có khi lại là thằng ma cô nào đó “làm phát” trừ nợ. Cũng kệ, việc không liên quan gì đến gã. Đang điên tiết cả lên. Nhận viết tiểu luận cho thằng Phong cùng gần chục đứa đàn em mà vẫn chưa xong nổi một bài. Chọn toàn chủ đề “khoai”, chắc nó đang chơi xỏ gã. Đúng thật. Cái điệu bộ lúc nó nhón tay đưa tiền cho gã cứ như chủ ném cục xương cho chó. Rồi vài hôm nữa nó kêu gia nhập đội quân đàn em, gã cũng chẳng ngạc nhiên. Ngay cả đám đệ tử cũng toàn con nhà giàu, chen được vào đó cũng oách chứ lị.
Nghĩ mông lung, gã cũng tạm quên đi tiếng kêu la thống khoái bên kia vách. Cửa mở cái cách, tiếng chân bước huỳnh huỵch ra ngoài. Rầm. Bịch... Rõ ràng đó là tiếng ngã, vì sau đó lại yên ắng. Có nên sang đó xem có chuyện gì? Ôi thôi, lỡ ả đang trần truồng lim dim thì gã còn mặt mũi nào sống tiếp kiếp hãnh diện vì chưa một lần cắn rứt lương tâm? Khốn nạn. Cứu người quan trọng hơn thứ sĩ diện hão. Cửa không khóa, gã lao vào phòng ngủ. Đúng ả đang khỏa thân dưới đất. Cặp vú ngồn ngộn như trái bưởi Năm Roi loại một. Cũng hả hê đấy chứ, được ngắm không mất tiền. Gã thở phào vì ả chưa chết, vì nhịp tim vẫn phập phồng. Ả chỉ ngất đi thôi, mạch đập cũng chẳng nhanh chẳng chậm. Cơ bản là ổn. Ái chà, ăn gì nặng thế, mà nặng đúng chỗ cần nặng nữa chứ. Mà sao ả này thơm thật, mùi thơm kỳ lạ tỏa ra đậm đặc hơn bao giờ hết, dù người vẫn phảng phất mùi rượu tây. Quyến rũ ư? Không, phải gọi đó là hồ ly tinh thì đúng hơn. Cô yêu cáo trong truyền thuyết, vì quá yêu con người mà tu luyện biến hóa thành một phụ nữ đẹp. Cuối cùng, hồ ly lại mất người yêu, sinh ra oán hận đàn ông. Hồ ly chẳng biết, còn ả này mới chỉ chạm vào một chút mà cái giống đực đã căng phồng thèm khát. Gã phải kìm chế ghê lắm. Ba mấy năm danh dự, đàng hoàng. Một ả điếm đâu đáng để gã phải vứt bỏ tất cả lòng tự trọng? Ả chỉ say quá ngã ra thôi. Gớm. Ngáy o o chả khác gì đàn ông. Gã cũng đâu biết đàn bà ngáy thế nào mà tưởng tượng. Nhìn lại cô gái đã nằm ngay ngắn đắp chăn trên giường một cách tiếc nuối, gã rón rén ra cửa, về phòng.
Năm cuối, học hành căng như dây đàn. Với một người đầu ba như gã, việc tiếp thu kiến thức khó khăn hơn thanh niên nhiều. Cứ phải nhét từng chữ vào đầu. Lũ công tử thật sướng, học qua quýt rồi kiểu gì cũng qua. Đến điểm danh cũng thuê người làm hộ. Bọn sinh ra trên vạch đích có biết khó khăn, gian khổ là gì. Bọn đấy cho đến đảo sống chắc chỉ một tuần là khô khốc như mực phơi nắng. Nghĩ ngợi lung tung cũng đến hết tiết. Môn học về thị trường tẻ nhạt biến thành sân khấu khoe thành tích. Nhạt thật. Gã lầu bầu khá to, làm mấy đứa xung quanh giật thót. Lúc đầu, gã cũng tưởng học hành là vui lắm, bổ ích lắm chứ. Nhưng mớ kiến thức này không áp dụng được chỗ nào cả, ít nhất là công việc làm thêm của gã. Lếch thếch về nhà, mặt Hồ Ly đã trưng ra ngay trước hành lang.
- Thật cảm ơn anh quá. Hôm qua anh không sang thì em đã thành cá đông lạnh rồi. Em mời anh bữa cơm để tạ ơn nhé.
Được ăn miễn phí, chẳng tội gì không nhận. Ả này cũng lạ, biết được ai cứu mà không sang cảm ơn ngay. Thật trơ tráo.Thật đĩ thõa. Lại còn khoe là sinh viên trường top đầu cả nước. Chẳng biết xấu hổ! Cỡ này chắc chỉ biết đong trai moi học phí đây mà. Nghĩ toàn thứ tệ hại về Hồ Ly, gã vẫn mò sang hàng xóm theo lời mời gọi. Chai rượu tây chòng chọc trên bàn. Ả rót ra ngay hai cốc to giơ lên.
- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối mặt bất tương phùng. Anh thấy em trần truồng không những không hiếp mà còn giúp, ơn ấy em sẽ ghi nhớ suốt đời.
Ra thế. Ả đang chửi gã. Chửi thậm tệ là đằng khác. Cũng thật. Gã chẳng đáng làm thằng đàn ông. Ba mấy năm quần quật kéo lưới, đèn sách. Trước một cô gái xinh xắn, vòng nào ra vòng nấy đang ngồi trước mặt, gã cũng không có nổi chút tự tôn cuối cùng của một thằng đàn ông. Gã đưa cốc rượu lên nốc một hơi hết sạch. “Ái chà, không ngờ ông anh cũng có nghề đấy”. Hồ Ly cười khanh khách, vỗ tay bèm bẹp liên tục cổ vũ. “Cứ tưởng anh chỉ là loại vớ vẩn, không ngờ cũng uống rượu như nước”. Ả rót thêm hai cốc, gã cạn sạch không suy nghĩ. Mắt gã bắt đầu hoa lên. Hồ Ly sấn sổ ào đến ngồi cạnh, mùi nước hoa của ả tỏa ra êm dịu. Cave cao cấp, chắc toàn xài đồ đắt tiền đây, khác hẳn với loại ngai ngái rẻ tiền của mấy em gái vẫn đứng hàng tối trên con đường gã đi qua.
Gã tỉnh dậy, nằm ngay ngắn trên giường trong phòng mình. Sức mạnh nào đó đã đưa gã về đây. Phải chăng gã đã cố tự bò về? Sao gã lại không vượt qua ranh giới? Phải chăng chút tự trọng cuối cùng của một thằng đàn ông chân chính đã lên tiếng? Không, là gã cứu cô gái thôi. Nguyên nhân biện minh cho hành động. Thật cao sang, thật đẹp đẽ. Gã cố nhớ lại nhịp thở nhè nhẹ của Hồ Ly, nhớ cặp vú ngồn ngộn, to tròn suýt làm gã ngộp thở.
*
Hồ Ly biến mất không dấu tích. Hỏi chủ nhà, lão cũng chỉ biết cô ta trả phòng, thuê người dọn đồ ngay trong ngày. Đúng hôm gã đi chơi với lớp. Vô tình hay cố ý, gã cũng chẳng biết. Thôi, cứ coi như duyên kỳ ngộ hiếm hoi trong một đời người. Đời gã trống rỗng và tuyệt vọng. Những tưởng đã tìm thấy chút vui thú trong cuộc đời buồn tẻ.
Ra trường, gã gặp lại Hồ Ly ở nơi không ngờ đến nhất. Mất gần năm năm để hoàn thành giấc mơ của dân chài trên thành phố. Gã cũng không ngờ tốt nghiệp đại học mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc sống chen chúc đầy khó khăn. Hồ Ly ngồi chễm chệ trên bàn giám khảo, lơ đãng lật từng trang hồ sơ của ứng viên phỏng vấn. Quái gì thế này? Phó Chủ tịch công ty? Mất bao tiền mới lên được vị trí đó? Chắc bằng năng lực chăn gối tuyệt hảo, gã nghĩ vậy cho đến khi bị Hồ Ly xoay như dế.
Mưa tầm tã. Hà Nội lạnh. Gió mùa đông bắc không chừa cho gã một con đường sống. Dãy kí túc xá của công ty là những phòng ở sin sít, chừa lối đi bé tin hin. Hồ Ly, biển tên của ả ở chỗ phỏng vấn, gã không thấy, không nghe. Tên gì, là ai thì cũng thế. Dù chỉ là ả cave hay lãnh đạo công ty, gã cũng đâu thể chạm tới. Khi Hồ Ly cố gắng trả ơn gã bằng cái thân thể nhơ nhớp của ả, gã giật ra rất quyết liệt. Thà chết chứ không mất đi nhân tính. Tình dục là thú tính ư? Không, gã cũng đủ lớn để thèm khát thứ nhục cảm rất tự nhiên của con người. Hồ Ly giờ khác quá. Tóc vàng hoe, xoăn tít. Môi phớt đỏ, má ửng hồng. Duy thứ ngồn ngộn vẫn còn đó, như muốn khiêu khích gã gạt bỏ chút lương tri cuối cùng.
Ranh giới thật mong manh. Chỉ là lời dặn của cha, của mẹ. Dù thế nào cũng không được để mất nhân cách. Thứ nhân cách không tiền, không bạc giúp gã được nhận hồ sơ vào làm công nhân đứng máy. Thế thì học làm gì? Để lấy kiến thức giúp đời? Hôm nay, trời trên công xưởng tỏa màu lam huyền bí. Nhạt thật. Đứng tiện tiện, cắt cắt. Bàn tay từng kéo lưới, nay thả máy rồi dập từng cái quyết đoán. Cũng hợp. Gốc dân chài chuyên chèo thuyền, bây giờ đứng dập máy cũng đúng sở trường. Gã cười mỉm chua chát, một tay với lấy chai nước, một tay rút từng tấm cao su đen nhẻm ấn vào dao cắt.
- Giờ anh sống thế nào?
Câu hỏi thật thừa thãi. Hồ Ly cứ thao thao về cuộc sống từ khi rời khỏi căn phòng trọ. Cái xứ không đủ nuôi thân. Lốp xe dùng mãi cũng mòn, huống chi thứ của đàn bà con gái. Nước Mỹ ăn sung mặc sướng. Ông già buôn đất thích xé ngọc bóc hoa. Ổn đấy. Ngữ cô cũng chỉ thế thôi. Gã không dám chửi vào mặt sếp. Nước mắt tụ lại, chảy dài trên má. Gã cúi gằm, cố dập tay máy thật mạnh. Cỗ máy như biết được sự tức giận của công nhân, cứ tắc tịt làm gã phải cúi xuống kiểm tra. Hồ Ly vỗ vai, gã cũng chẳng buồn ngước lên nhìn con người hư đốn ấy. Gã chỉ là công nhân, nhưng nhân cách vẫn hơn đứt cô gái xấu xa ấy. Con người ta sống vì nhân cách, vì lòng tự trọng. Mỡ dâng tận miệng gã cũng đâu thèm? Đấy, cô thích làm gì cũng được. Đuổi gã, gã sẽ đi.
*
Mưa đập vào nồi nhôm rầm rĩ. Trong nhà gã đang trú mưa, tiếng gào thét vọng ra mỗi lúc một to. “Giống đàn bà. Cả ngày chỉ ăn với la hét”. Gã ném xoạch cái mũ cối xuống đất, mồm lẩm bẩm chửi thề.
Gã là một thằng cầu bơ cầu bất. Cũng chẳng lạ gì trong thời đại công nghệ cao này phải không? Gã, như nhiều thằng con trai sức dài vai rộng khác, bị đuổi khỏi công ty sau khi người ta tha về mấy cái máy chết tiệt nào đó. Cũng chỉ là cái cớ.
Nhục. Cái từ gã nghe thấy thoáng qua trong các cuộc nhậu ngày trước bỗng xót lên rừng rực. Khốn nạn. Bốn chục tuổi đầu. Cũng hơn nửa đời làm lụng chăm chỉ, hết lòng vì thành tích chung. Nghỉ. Cùng lắm ăn xin.
Kể ra cũng chẳng tệ. Ôm cây đàn ghi ta cũ với cái loa rè mua ở tiệm cầm đồ cùng bộ quân phục đại trà bán đầy đường, gã đã trở thành thằng ăn xin chân chính. Lại khốn nạn. Chưa đi lính lấy một ngày mà cũng mượn danh bộ đội làm nghề hèn hạ này. Ấy mới biết nhục thì chưa chết, còn đói thì chết.
Một ngày lạnh buốt, gã lê la đến quán cà phê gần kênh. Thối hoắc. Cà phê không đủ thơm để át đi thứ mùi xú uế luồn lách trong mũi, trong phổi. Thằng đánh giày bé xíu cố van lơn lão khách bóng bẩy đánh giúp một đôi. Tội nghiệp. Chắc đói quá đến nỗi phải van xin. Đời lắm lúc chẳng cần xin xỏ đâu con. Làm mặt kiêu có khi lại kiếm bẫm. Gã đến gần, kéo thằng bé ra. “Mày cầm tao cái mũ”. Rút cây đàn ra điệu nghệ, gã ghếch mông lên ống bê tông, vắt chân chữ ngũ ra chiều nghệ sĩ đắt sô lắm. Tiếng đàn phát ra tưng tưng từng nhịp. Chả là trước kia, gã có học lỏm mấy bài do tay cắt tóc dạo sáng tác. Hắn tặng không, bảo gã khi nào đói kém thì đem ra hát xin ăn, không lo chết đói. “Tôi vẫn hát lên câu chuyện đời, đời chiến tranh mất thật nhiều xương máu/ Đến khi cuộc sống toàn màu tươi sáng, tôi lặng thầm đâu thấy được ngày mai”. Đấy, chỉ cần nghêu ngao thế là có tiền, đếch gì phải van xin? Như có phép màu, lão béo bóng bẩy lần mở ví trong làn nước mắt chứa chan. “Anh gì ơi, chúng tôi có được ngày hôm nay cũng vì có các chiến sĩ hy sinh xương máu. Xin nhận chút lòng thành của tôi”. Thằng đánh giày tròn mắt ngạc nhiên khi thấy tờ một trăm xanh rì, rồi khẽ reo lên thích thú khi lão béo đi mất. Đấy, đơn giản thế thôi. Mày không biết hát thì nghĩ ra cái gì buồn cười để pha trò cho bọn chúng. Lấy chai lọ gõ lốc cốc cũng được. Van xin vừa nhục vừa bị sỉ vả. Thằng bé gật lấy gật để, song vẫn chưa hiểu thứ đạo lý cao siêu gã vừa nhồi nhét.
Lại một đêm nghe đàn bà rên rỉ. Khốn nạn. Cái giống bình thường khép nép, e thẹn lại biến thành con sư tử cái trên giường. Cách khá xa mà vẫn nghe rõ mồn một giọng gào thét man dại. Chắc thằng chồng khỏe lắm đây. Căn nhà kín cổng cao tường, cửa sổ lại mở thông thống như muốn phô cho thiên hạ thấy mùi vị hạnh phúc mặn nồng. Quân mất nết, cho thì tao nghe. Gã len lén đến gần nhà con bé hư hỏng. Tiếng la càng lúc càng rõ. “Sướng thật đấy anh ơi. Ôi em điên mất thôi”. Cái thứ mềm oặt của gã bỗng cục cựa, biểu tình chỉ trong vài giây. Phụ nữ. Thứ điên rồ nhất trên đời. Chuyện buôn dưa lê ngoài quán nước toàn nói về mấy ả như thế. Một cô doanh nhân thành đạt đâu như chỉ ngoài ba mươi, chưa chồng mà cũng chẳng có con. Nghe tin đồn nồi chõ thì ả đã “thịt” gần hết đám nhân viên bảnh nhất. Cũng chỉ là cái mắt muỗi nếu so sánh với ả Hồ Ly. Giọng phụ nữ lanh lảnh vọng ra “ai đấy?”. Gã giật mình. Đã đi rình trộm còn hét to. Cửa sổ sập lại đánh chát. Một lúc, tiếng la lại vọng ra. Đúng con đàn bà không biết xấu hổ.
Gã chỉ cho thằng bé đánh giày cái chiếu ở góc nhà. “Vứt đồ đạc ở kia. Tao phải cho mày ăn no cái bụng”. Quán bún chả ngay đầu kênh là nơi duy nhất không cảm thấy mùi hôi thối. Thịt nướng cháy xèo xèo thơm phức. Hai mươi ngàn một suất, quá rẻ. Gã cầm trong tay những hai trăm kia mà. Của mụ bán nước mía siêu sạch. Ngữ ấy mà có ngày cũng bố thí đậm thế này, chắc hôm nay có bão. “Đấy, mày thấy chưa, thiên hạ tốt bụng lắm, tao với mày chẳng chết được đâu”. Vừa gật gù đồng ý, thằng bé cố nặn ra cười. Nó muốn lấy lòng gã, người đã giang tay cho một chỗ ở. Đời cũng lắm chuyện ngược đời, thằng làm cái nghề hèn hạ lại cứu giúp kẻ hành nghề chân chính. Thằng thất bại dưới gót chân phụ nữ lại dễ dàng thương yêu đứa trẻ xa lạ. Gã phá lên cười ha hả, cười như chưa bao giờ được cười. Thực khách đang ăn giật thót, chủ quán nhìn hai đứa như sinh vật lạ. Thằng bé xấu hổ, thò tay ra kéo áo gã.
- Người ta nói đấy bố ơi. Đừng cười to nữa.
- Tao cứ cười, làm gì được tao. Chủ quán, cho thêm năm mươi nghìn tiền chả với hai chai bia Hà Nội ra đây.
“Mày thấy chưa, chỉ cần thế là chủ quán nó yên thôi”. Thằng bé ngơ ngác ngạc nhiên rồi thích thú. “Bố giỏi thật. Con theo bố thế nào cũng sống”. Ừ cứ theo tao, sau tìm được bố mẹ mày tao trả. Thằng bé gật gật rồi lại vục mặt xuống húp nước mắm xì xụp. Lần đầu tiên nó ăn ngon đến thế. Tối, nó không ngủ ở chiếu rách góc nhà mà sà vào gã.
- Con không tìm bố mẹ ruột đâu. Đi với bố sướng rồi.
- Mày điên à. Đến lúc tìm được thì họ để yên cho mày ở với tao à?
- Bố con mình trốn đi nơi khác là xong.
Gã thở dài não nề:
- Không được đâu con. Đến lúc đó hẵng hay. Giờ ngủ đi.
Thằng bé dạ ran rồi rúc vào gã ngủ ngon lành. Căn phòng tệ nhất khu trọ sinh viên và lao động nghèo với cửa gỗ bị mọt ăn gần hết, nghe rõ gió rít từng cơn. Đám nilon không đủ bịt kín khe cửa. Chân thằng bé lạnh toát, thấm lên người run cầm cập. Gã kéo chiếc chăn mỏng che cho nó. Thằng bé gầy nhẳng. Thằng bé trong veo. Không như mấy thằng “hai ngón” cùng tầm tuổi, suốt ngày rình mò quanh bờ kênh. Thằng bé là đóa sen thơm ngát giữa ao bùn tanh tao, lờm lợm. Rồi lúc nào gã phải xa nó?
Hôm nay, quán cà phê đông đúc hơn ngày thường. Lão doanh nhân béo mới trúng quả, gọi nguyên hội bạn đến chung vui. Lão bao trọn cả quán cà phê, rồi thuê hẳn ca sĩ đến hát ông ổng. Mẹ kiếp. Tự dưng bày đặt phô trương, mất mối làm ăn. Gã mò đến gần quán, bị bảo vệ đuổi như đuổi hủi. Ngữ kiêu căng, mới kiếm được chút tiền đã bày đặt mâm cao cỗ lớn. Gã chẳng biết số tiền bao quán đó có bằng một đời làm công nhân của mình hay không, nhưng ngó điệu bộ của lão béo ra chiều hí hửng lắm. Nhạc cất lên réo rắt. “Màu nắng hay là màu mắt em”. Bố bọn già. Lõi đầu còn đong với đẩy. Mà trong đó cũng chỉ mấy mẹ sồn sồn, làm gì có gái trẻ đẹp? Nhiều khi, gã không hiểu nổi cái lý của bọn đàn ông, chắc chắn trong đầu họ không muốn ngủ với mấy bà kia nhưng ngoài miệng vẫn cứ đưa đẩy rồi trao đổi số điện thoại với nhau. Chiều ngược lại cũng đúng, các bà cũng chỉ mê trai đẹp, đâu ưng mấy lão bụng to, mặt phệ. Ấy mà cứ ôm nhau nhảy cho được. Ngồi ngoài hứng gió kênh lờm lợm, gã nhăn mặt ho khan. Trước đây, gã dùng thuốc lá để đè lên mùi hôi thối, còn bây giờ, thứ đó cũng chẳng cần thiết. Hai thế giới trong đó và ở đây, cứ tưởng không có gì ngăn cách, hóa ra cái bức tường vô hình đó lại dày hơn nhiều so với gã tưởng tượng.
Gã nhìn thằng bé đang ngủ. Hai kẻ khốn cùng quấn lấy nhau. Đứa trẻ thở thoi thóp. Đứa trẻ tay chân mềm oặt, vẫn cố xách hộp đánh giày cố kiếm miếng ăn. Chắc chắn nó đang mang bệnh, người bình thường không có nhịp thở này, tim không đập yếu thế này. Gã từng là dân chài, gã có khả năng phán đoán cao hơn người thường. Đúng thế, thằng bé này không bình thường. Gã chỉ biết cho nó ăn, cho nó ngủ nhờ, còn bệnh của nó gã không thể cứu. Hay là, hay là… gã sẽ bỏ mặc nó. Như thế sẽ không mang nợ vào người? Không, thằng bé sẽ chết. Chỉ có một người gã biết có thể cứu nó.
*
Đời cũng lạ. Tự thoát rồi tự chui vào rọ. Rồi gã cũng chẳng thoát. Còn khủng khiếp hơn gã tưởng. Biệt thự năm tầng, rộng hơn cả những gì điên rồ nhất gã ước trong mơ. Vườn trồng đầy cây, hồ bơi xanh biếc. Ước gì gã cũng là con gái, mà phải xinh để kiếm được cuộc sống thật dễ dàng, sung sướng. Không ngờ có ngày, thằng đàn ông chân chính nhất trong xã hội lại ước thành đàn bà. Gã phá lên cười chua chát, quên cả chiêm ngưỡng tòa thiên nhiên đẹp đẽ Hồ Ly vừa trưng ra. Mùi thơm phức từ người con gái gã thường mơ thấy. Thân thể con đàn bà khốn nạn gã từng nhịn nhục tránh xa, giờ đây đang ưỡn ngực lên, hai tay vươn ra sau búi tóc. Vật đại diện của đàn ông căng cứng, chĩa thẳng băng từ lúc nào. Gã cắn môi đến phụt cả máu. Gã nhắm tịt mắt. Giá được ông Đường Tăng phổ độ cho mấy bài kinh tĩnh tâm, để gã vượt qua được kiếp nạn này.
“Anh muốn biết tình yêu là thế nào không?”. Hồ Ly vừa nhấp nhổm vừa gợi chuyện. Gã đang cố ngăn không cho nước mắt trào ra. Gã đang đau đớn. Gã đang chịu đựng. Gã đang cầu xin cha mẹ tha thứ. Nếu gã không nghe lời ả, thằng bé sẽ chết. Gã tưởng mình không có gì để mất vì cha mẹ không còn. Nhưng ông trời đâu có tha. Lại mục đích biện minh cho hành động. Ả là con của trùm giang hồ tàn ác. Ả như thứ đao phủ vô hình, lúc nào cũng kề dao cứa vào cổ. Trong cái cuộc sống đầy rẫy bất công, ả như con thú, như thợ săn mồi thèm khát từng con sâu, cái kiến. Còn gã, người đã cố giữ cái nhân cách, lòng danh dự cuối cùng thì chẳng khác gì giọt mưa rơi ngẫu nhiên vào đống lửa đang sôi sục. Ả đang điên tình, đang biến thành thứ sinh vật nửa người, nửa cáo. Mắt ả vàng rực, đuôi ả ngoe nguẩy xung quanh, chọc vào nỗi đau của gã, cho gã trở thành thứ không phải người. Thứ xói mòn nhân cách, thứ không chút tự trọng của đàn ông. Một dòng điện trào lên ớn lạnh. Gã cố vươn người định giải thoát cơn bí bách ba mấy năm, nhưng ả nào có cho. Ả lần tay vào lưng gã, dùng móng tay bấm mạnh hai cái, gã lại bần thần như chưa từng có cảm giác gì. Gã tê người đi như bị băng đông cứng. Gã thở dốc khó khăn. Phổi của gã tưởng chừng bị thắt. Gã như bị hòn đá to đè nén. Đến khi ả thỏa mãn, gã oặt ra như cái xác không hồn.
*
Đêm lạnh. Hồ Ly không ngủ được. Cô thấp thỏm nghĩ về gã, cảm giác vừa xấu hổ vừa ham muốn. Cũng bao năm trôi qua. Cũng phai nhạt ít nhiều. Không được thỏa mãn đã lâu, phần sâu kín của người đàn bà bỗng trỗi dậy, bứt rứt. Cố nhắm mắt một lúc, cô choàng dậy, mở tủ. Từ trong cô, có thứ gì đó mơn man mời gọi. Dưới ánh đèn ngủ lờ mờ, Hồ Ly cầm thứ đồ chơi đặt mua ở Mỹ, khẽ khàng đưa tay nhè nhẹ, rồi mạnh dần. Nhịp thở của cô gấp gáp, rồi hắt ra khi khí quản bị dồn nén quá lâu. Ngoài cửa sổ, tiếng con mèo hoang đi lạc nào đó meo lên một tiếng xé toang đêm tối. Hồ Ly giật mình nhìn ra cửa. Nó vẫn khóa. Tiếng lạch cạch chỉ là chàng gió mùa tinh nghịch trêu đùa mà thôi.
Ánh sáng bình minh ùa đến, nhẹ nhàng mà ào ạt. Cô đâu muốn làm tổn thương gã, người cô yêu tha thiết. Vì thế lúc trước cô phải bỏ gã mà đi khỏi căn phòng kỷ niệm. Thật khốn nạn cho một con đàn bà hư hỏng. Ông trời rất công bằng. Cô đã tưởng mình được trời thương, trời cho may mắn. Thằng bé đi cùng gã bị bệnh tim bẩm sinh. Thằng bé gã coi như con. Đúng, nó là thứ cô lợi dụng để có được người đàn ông mình muốn.
Cô không hiểu nổi bọn đàn ông. Thứ danh dự rởm. Thứ sĩ diện hão rẻ tiền. Sao thần tình ái không để cô yêu một gã đàn ông bình thường? Loại đàn ông mà nhục dục nhiều hơn phẩm chất? Cô chợt nhớ đến bài thuyết giảng của hòa thượng ở ngôi chùa gần đó. Trong cơn gió nhẹ, vi vu hơi thở đất trời, trong tiếng xào xạc lá bay, gã, vị sư đầy đạo hạnh, vị sư nhận được sự kính trọng của phật tử đang ôn tồn thuyết giáo:
“Trong tình ái có oan trái, có khổ đau, đừng bao giờ quy kết rằng tình yêu là tội lỗi”.
Một hòa thượng trẻ nhanh nhẹn bước đến rót nước cho sư thầy, cung kính cúi đầu. Sư thầy mỉm cười, gật đầu đáp lễ. Chuông chùa gióng lên từng nhịp ngân dài, vang vọng giữa trời đông.
          

 Rừng SN, Trang trại HC, 
              tháng 12-2019

                Đ.T.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 155
 Hôm nay: 2067
 Tổng số truy cập: 7370360
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa