Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Duyên xuân (Truyện ngắn)
Duyên xuân (Truyện ngắn)

Làng mở hội, rộn rã và tưng bừng như thủa Mây còn mười bảy. Sân chùa, sân đình, chỗ nào cũng có các trò chơi dân gian, nào đấu vật, cờ người, kéo co, chọi gà, đi cầu kiều, bắt vịt ở giếng làng... Gái làng xa quê rủ nhau về nườm nượp, áo dài, khăn vấn đội lễ lên chùa trông đẹp như một bầy tiên sa. Cánh đàn ông là chủ nhà đứng hai hàng đón trước cổng đình đều chắp tay quạt cung kính để đáp lễ. Mây nhận được tin làng mở hội lớn từ cậu em, cô lên xin phép ban giám đốc, rồi tất tả ra bến xe cho kịp chuyến tàu đêm về quê. Đã mười năm rồi, cô không về quê nên tâm trạng bồn chồn cứ lắc lư theo bánh xe lăn. 
Cánh đồng làng đang xanh mướt lúa thì con gái. Cây đa đầu làng vẫn già như hồi cô bước chân đi. Miếu Bà Cô rêu phong cổ kính ẩn mình trong những tán lá, Mây chắp tay vái cầu trong làn khói hương. Đường làng, ngõ xóm phong quang, cây cối xum xuê rợp mát, bà con nhận ra cô cười chào tíu tít. Về đến nhà, thấy mẹ đang nấu xôi đỗ, mổ gà chuẩn bị lễ để cả gia đình vào chùa. Trông thấy con, mẹ cô cứ đứng trân trân nhìn cô con gái đã xa cách mười năm mới về.
- Con gầy đi nhiều. Có xin nghỉ phép dài hạn để ở nhà nghỉ ngơi, thăm bà con họ hàng không? Mẹ đun nồi nước lá sả rồi, tắm gội sạch sẽ chuẩn bị đợi chị em gái làng về đi ra cho có đoàn, có hội.
Mẹ đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn chu đáo với con gái như khi Mây còn bé. Chỉ thương bố mẹ tuổi già, có mỗi cô con gái chấy rận thì lại đi xa biệt tăm tích, số phận thì hẩm hiu. Cô ứa nước mắt.
- Cái áo dài màu cánh sen của con mẹ mới giặt hôm qua, mặc vào đi.
Làng vẫn giữ nếp ấy. Nam áo the khăn xếp, nữ áo dài vấn khăn mỏ quạ. Mây mặc chiếc áo dài màu cánh sen thuở còn nữ sinh trung học, vấn tóc lên, đánh một chút má hồng soi gương ngắm mình một cái đã nghe thấy lòng mình rộn ràng như trống hội. 
Khi cô đi theo cánh đàn chị, đàn em vào dâng lễ, hai bên cánh gà thì thầm to nhỏ, thủng thẳng bay vào tai khiến cô e ngại: “Có cả cô Mây nhà ông Biên kìa, trông cô ấy vẫn xinh như xưa nhỉ?”. “Liệu cô ấy đã có con chưa nhỉ ?”. Nhiều khi lời nói vô tình buột miệng của người này lại là mũi dao khía vào tới tận đáy nỗi đau của người khác. Mây không còn cười được nữa. Bàn chân vấp phải bậc thềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài sen bỗng ủ rũ khiến mâm lễ nghiêng sang bên, tí nữa thì rơi nếu cái Thơm không kịp đưa tay đỡ giúp. 
- Cẩn thận chứ cô ả, rơi lễ là ngài quở đấy!
- Ừ…
Tiếng trống hội đổ dồn, một góc sân đình, xới vật đang diễn ra trận chung kết. Mọi người như bị hút về nơi ấy. Cái Thơm kéo Mây khỏi bàn trà tiếp khách. Người đã vòng trong, vòng ngoài. Giữa khoảng đất trống cỏ gà mọc rậm rịt làm thảm xanh cho đôi vật tha hồ lăn lộn. Những bắp tay, bắp chân cuồn cuộn của hai đô vật xoắn chặt lấy nhau như chắp chão. Cụ già gõ trống ngày một dồn dập cùng với tiếng la hét bên ngoài khiến cho không khí rầm rập như cả một đội quân đang ra trận chiến đấu.
Mây cũng cố chen vào, kiễng chân để nhìn cho được cảnh đấu vật, trong tiếng hò reo cổ vũ cho hai đô.
- Cố lên đô Tùng.
- Vật đi Thanh ơi.
Khi Mây vừa nghe tiếng cổ vũ nhắc tên thì cũng là lúc mắt cô nhìn thấy Thanh, anh cũng được tạm giải lao giữa các hiệp đấu. Thanh chắp tay chào khán giả, chợt thấy Mây, anh nhìn cô như đóng đinh. Mây e thẹn cúi đầu xuống rồi vội quay đi, đoạn chen lại để ra ngoài, cô chạy đến gốc đa gần giếng đứng dựa vào đấy để trấn an tinh thần vì vừa chạm vào cái nhìn đã gọi về quá khứ.
Cánh đồng Cua sau mưa cỏ lên như thổi, nước lớn ngang hông, cua, cá, ốc, ếch từ đâu ngược dòng rủ nhau về đông nghịt. Mây và đám bạn làng Chằm đã bắt được đầy giỏ rồi mới thấy Thanh và bọn chăn trâu làng Phú dong trâu tới. Mây ra chiều giận dỗi khi Thanh chào, nằm trên lưng trâu, úp nón lên mặt, chân vắt chữ ngũ.  
- Thế thì sao biết trên trời có cái gì?
- Có mây, có nắng, có gió.
- Mây màu gì?
- Màu xanh.
- Ừ, còn mây dưới đất này thì đang có màu đỏ nhỉ?
Mây lao ra khỏi lưng trâu, tới véo một cái thật đau vào bắp tay Thanh. Nhưng trái lại, thịt bắp tay Thanh rắn đe, không thể véo lên được, Thanh bắt được tay cô, nắm chặt:
- Tối mai, ra gốc đa nhé!
- Bỏ tay người ta ra. Mà ra đó có ma đấy - Mây giãy giụa, mặt càng đỏ hơn - bỏ ra không chúng nó nhìn thấy bây giờ.
- Phải hứa ra cơ thì mới bỏ!
Mây gật đầu đồng ý. 
Làng mở hội, Thanh sang làng Chằm thi đấu vật ở lứa tuổi thanh niên, Thanh đã thắng cả ba anh chàng của xã chủ nhà một cách tuyệt đối. Mây hôm ấy là thanh nữ đi trong đoàn rước tượng, rồi ra xem Thanh thi đấu mà bộn rộn trong lòng. Muốn lắm mà chẳng dám hô to. Bảy giờ tối, lúc trong nhà còn khách họ hàng đến chơi dự hội làng, Mây lỉnh ra giếng nước, chỗ gốc đa. Thanh đã đợi đó từ bao giờ. Thanh mới vừa kịp kéo Mây ngồi xuống cái rễ cây to như cái ghế, tay vừa chạm tay đã run bắn người lên, còn lúng túng chưa kịp nói gì thì đã có ánh đèn pin loang loáng. Bố Mây xuất hiện, lôi tay con gái về, bỏ lại câu nói vào mặt Thanh như cánh cửa đóng chặt: 
- Làng ta và làng Phú đã có một lời thề, cấm trai làng Phú sang lấy vợ làng Chằm. Ai vi phạm sẽ bị phạm tội vô phúc.
Ông giam Mây vào buồng kín, không cho đi ra đồng nữa. Mây khóc ròng. Mẹ mang cơm vào, cô không chịu ăn. Mẹ cô lựa lời an ủi:
- Từ đời các cụ truyền lại con ạ. Chuyện xảy ra thế này: có đôi trai gái yêu nhau, cô gái xinh đẹp nhất làng Chằm lại yêu phải anh chàng con nhà giàu làng Phú. Gia đình anh con trai chê nhà gái nghèo hèn không cho cưới khiến cô gái phát bệnh ốm rồi mất. Từ đấy, thù hận nảy sinh, ông nội cô gái đó xây một cái miếu thờ cháu gái trong vườn, đã chặt cây chuối ăn thề cùng con cháu trong họ, trong làng không bao giờ gả con gái cho trai làng ấy nữa, ai phạm lời thề sẽ không thể có con, không có hạnh phúc. Cô gái đó chính là được thờ ở miếu Bà Cô đầu làng đấy con ạ, miếu thiêng lắm. Sau này chẳng gái làng Chằm nào dám kết duyên về làng ấy cả vì sợ phạm lời thề. Mọi việc hai làng vẫn giao hữu, trai làng ta vẫn lấy gái làng Phú được nhưng gái làng ta không bao giờ được, không bao giờ dám lấy trai làng đó con à.
Mây mất ngủ, gầy như tàu lá. Bố đánh điện cho cô Lý ở Tây Ninh, bảo cô xin cho Mây vào trong đó làm việc. Cô dứt tình ra đi khi tình đầu còn chưa kịp chớm nở.
Mây vào làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu. Ở đấy cô gặp Sanh cũng cảnh ngộ tha hương đi làm ăn. Bén duyên, hai người cưới nhau, rồi thuê một gian nhà ở trọ. Gian nhà chỉ kê đủ cái giường, một cái bếp ga, và tủ quần áo. Một chú mèo được nuôi để canh lũ giặc chuột ngày đêm tầm nguỵ trên trần nhựa và trong gầm giường, gầm tủ. Mấy năm đầu, hai vợ chồng quyết định kế hoạch để làm kinh tế, nhưng đến khi dành dụm được ít vốn liếng, mua được gian nhà nhỏ, muốn đẻ con thì mãi chẳng đẻ được. Đã đưa nhau đi khám nhiều nơi, áp dụng nhiều biện pháp khoa học nhưng số phận hẩm hiu vẫn hoàn hiu hẩm. Lần cuối cùng, một vị bác sĩ sau khi khám, đã nói không úp mở: “Hai người đều bình thường nhưng không hợp nhau vì vậy mà khó thụ thai! Nếu chia tay gặp người khác ai cũng sẽ có con bình thường”. Bạn bè rủ Mây đi coi bói, ông thầy phán: “Cung số khắc đường con cái”... Tiền làm cả chục năm trời đã tiêu tốn vào những lần đi bệnh viện hết. Chán chường. Chẳng ai dám đả động đến việc chữa trị nữa.  Sanh đi làm về muộn hơn, hay la cà quán xá. Không chỉ có bia rượu mà còn sa vào cờ bạc đỏ đen. Hàng đêm nằm không ngủ được Mây ôm con mèo vào lòng mà chảy nước mắt. Đêm về, chồng cô nồng nặc mùi rượu thấy con mèo xù lông kêu khi Sanh mò vào giường đang ấm của nó. Tức khí, Sanh dẫm cho một cái khiến nó oằn người quay lại ngoạm giả vào chân, Sanh tóm lấy chỏm lông trên đầu nó cầm liệng vèo ra khỏi ô cửa sổ, như người ta ném viên gạch. Chỉ còn nghe được tiếng meo yếu ớt với tiếng rơi bịch vọng vào. Mây đã chẳng còn cả cảm hứng cãi nhau với chồng như khi xưa nữa. Cô quay mặt vào trong tường để che đi nỗi đau âm thầm đang chảy tràn trên mặt. Đến một hôm, theo sau chân Sanh là mấy người đàn ông lạ hoắc, họ đe dọa nếu cô không trả nợ cho Sanh thì họ sẽ xin chồng cô cánh tay. Bao nhiêu mồ hôi còn lại trong tủ phải dốc sạch trả cho chồng. Nhìn sấp bạc trên tay, một gã cười hô hố:
- Ngần này thôi sao? Chả lẽ cánh tay nó giá trị chỉ mấy triệu này sao? Ha ha? Đêm qua nó thua bạc bằng cả mạng sống một người cơ. Thằng kia mày tính sao?
- Vợ chồng em chẳng có gì, em xin anh.
- Thằng ăn mày nó ngồi ngoài chợ mày có dám cho nó mười ngàn không mà xin tao cả mấy trăm triệu vậy mày? Tao cũng đâu có cho mày, còn đại ca đợi tao kìa, tao không chặt tay mày thì đại ca cũng xin tay tao. Khôn hồn thì đưa sổ đỏ ra đây gạt nợ.
Sổ đỏ căn nhà làm ròng rã mười năm được đem ra đánh bạc mất trong một đêm. Mười năm kéo cày làm thuê của hai vợ chồng bị mất trong canh bạc. Mười năm trồng cây chưa ra được trái nay còn bị đánh bật cả gốc rễ. Sanh uống rượu tì tì. Khi tỉnh đã chìa tờ đơn ly dị ký sẵn cho Mây. Chẳng có gì để giữ lại nữa. Sanh bỏ việc về quê, Mây lại tìm nhà trọ làm tiếp. Nỗi buồn như đêm dày hết ngày này qua ngày khác, nhất là khi ra đường nhìn những cặp vợ chồng dắt con đi chơi, cô nghẹn lòng. Mây nghĩ chắc tại số mình xui xẻo, ở nhà cũng chẳng thể lấy chồng, nay đi rõ xa mà vẫn không thể có tương lai. Nhiều đêm vắng một mình đơn chiếc, nhớ quê lắm nhưng cô chẳng dám về làng. Buồn nhiều khi muốn chết, may mà có công việc kéo lại. Đúng lúc đó, người em điện báo làng mở hội, và bảo bố mẹ giục về, Mây quyết định trở về quê sau bao năm xa cách bởi phải trốn tránh lời nguyền từ xa xưa. 
- Cô ơi, cô với cho cháu bông hoa mẫu đơn với cô!
Bé gái chừng bảy tuổi đến gần chỗ Mây đang ngồi buồn, nũng nịu:
- Cô hái cho cháu đi cô.
- Không được bẻ hoa nhà chùa cháu ạ, này thôi, để cô mua cho cháu quả bóng bay nhé!
- Cháu cảm ơn cô ạ!
- Cháu con nhà ai, sao đi có một mình?
- Cháu đi với bố cháu. A mà bố cháu kia rồi.
Mây quay người lại nhìn thấy Thanh đang đến. Cô cười trừ thay cho câu chào. Thanh trông già đi nhưng vẫn gần gũi như chẳng phải hai người đã xa nhau cả mười năm. Cô bé thấy bố thì reo lên:
- Bố ơi, bố có thắng không đấy? Chật ơi là chật, con đi ra ngoài mà chẳng chen được vào nữa bố ạ.
- Thế cơ à? Bố có thắng chứ.
- Cô này mua cho con bóng bay đó bố.
- Con đã cảm ơn cô chưa? Cô ấy  tên là Mây đấy, cô ấy là bạn cũ của bố.
- Cháu cảm ơn cô Mây ạ!
Mây vuốt tóc bé, âu yếm:
- Cháu ngoan quá! Mẹ cháu đâu mà để cháu một mình vậy anh? 
Cô con gái láu táu:
- Nhà chỉ có hai bố con cháu thôi. Mẹ cháu mất rồi, cô là bạn bố cháu mà không biết à?
- Cô… cô… xin lỗi… 
 Dưới gốc đa già Mây nghe câu chuyện của anh. Mây đi, một thời gian sau anh cũng lấy vợ, sinh cháu được sáu tháng thì vợ anh bị tai biến, mất. Một mình Thanh nuôi con đến bây giờ. “Còn em?”. Mây nghe câu hỏi mà nghẹn đắng lòng không thể trả lời được. Nước mắt của Mây thấm ướt vai áo Thanh. 
Lúa đương ngả màu vàng đôi cánh đồng thì hai người cưới nhau, đám cưới không to nhưng dọc đường về hai thôn, dân làng đứng đầy hai bên đường để xem cô dâu, chú rể, cũng vì một phần không còn trẻ nhưng vẫn còn rất đẹp, và quan trọng hơn nữa đây là đám cưới đầu tiên của một cô gái làng Chằm dám lấy chồng về làng Phú, dù rằng cả hai đều đã qua một lần đò. Vẫn còn có người xì xào. Ngôi miếu Bà Cô nghi ngút khói hương. Mẹ Mây tiễn chân con gái ra cổng rồi quay lại đội mâm lễ ra miếu Bà Cô tiếp tục khấn cầu. Mây bước lên xe, tự tin đến với hạnh phúc mà mình đã bỏ lỡ và sẵn sàng đối mặt với lời nguyền từ xa xưa. Nếu cô không thể có con nữa thì bé Trà đã là con của hai người rồi. Thanh ôm cô vào lòng thật chặt như để khẳng định cô đã ở trong vòng tay anh. Đêm tân hôn mới lạ như lúc hai người vừa chạm tay vào nhau dưới gốc đa thuở nào, ngây ngất men tình.
Những cơn mưa rào ào ào. Nước dâng ngập cả cái ao cá hai mẫu ngoài đầm của Thanh, hai người dắt nhau đi be bờ chăng lưới giữ cá. Đang làm bỗng Mây choáng váng khuỵu ngã, cô nôn khan tràng dài. Thanh thấy vậy vứt cả lưới chạy đến bên vợ kêu lớn: “Mình sắp có em bé rồi!”. Mây mừng đến phát khóc. Tiếng khóc to như khoe niềm vui với cả trời nước bao la trước hạnh phúc vô bờ. Sức mạnh của tình yêu đang nhú mầm trong cô đã hóa giải mọi lời nguyền. Không chỉ có hai người mà bé Trà nữa, cả ông bà đôi bên, đếm từng ngày đón em bé, thế mà khi em bé vừa chào đời đã vẽ ngay một vòng cầu vồng trước mặt khiến bé Trà ướt một vạt áo. Đón công dân tí hon mà cả nhà tấp nập như vào mùa. Mùa vui đồng thời đã đến với cả hai làng, những đôi trai gái yêu nhau đã đến với nhau mà không sợ lời nguyền xưa nữa. Chính em bé mới chào đời đã nối con đường tình duyên rộng thênh thênh giữa hai làng.
                           

  N.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 135
 Hôm nay: 10347
 Tổng số truy cập: 7200106
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa