Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Đường về thăm thẳm
Đường về thăm thẳm

Trăng bạc đổ loang bản Lồ, nhập nhòa trong bát rượu đầy, Nhình ực một hơi uống cạn. Nhình biết tính bố, đã định cái gì thì khó mà thay đổi. Nhình muốn say, say để quên đi mọi thứ. Ngoài kia, đám hát iếu(1) của các đôi trai gái đã dắt nhau về xa, tiếng hát còn vẳng lại đâu đó: “Mừa hâư nạn lìa đông chắng giá/ Mừa hâư vài lìa nhả cỏi thôi/ Tắc nặm hẩư têm cuôi cỏi piạc/ Tắc nặm hẩư têm bắc cỏi lìa... ” (Bao giờ nai lìa rừng mới bỏ/ Lúc nào trâu lìa cỏ mới thôi/ Đổ nước cho đầy sọt mới lìa/ Đổ nước cho đầy vợt hẵng xa...). Những mùa trăng trước, Nhình với Tu cũng từng hẹn thề như thế, vậy mà giờ đây... 
Tu quyết định ra chuồng dắt hai con trâu đi bán. Bố Tu chạy ra nắm lấy dây thừng, những nếp nhăn xô lại trên khuôn mặt đầy u ám: “Con ơi! Bán trâu đi thì lấy gì mà kéo gỗ, kéo củi kiếm thứ bỏ vào mồm cả nhà? Nó là phương tiện kiếm sống, là gia sản cuối cùng của nhà ta đấy!...”. “Bán đi lấy vợ về để nó giặt giũ, nấu cơm, lên nương cho chả hơn con trâu à? Pó(2) không cho tôi bán, tôi đi kiếm tiền lấy vợ…”. Tu ném dây thừng lại, phăm phăm bỏ đi. Tu lên nhà vơ vội mấy bộ quần áo rồi chạy thẳng đến nhà Nhình. Tu dừng lại ở cầu thang, trong nhà, giọng Nhình nghèn nghẹn: “Thưa pó, ềm!(3) Mong pó, ềm nghĩ cho chúng con. Hoàn cảnh gia đình anh ấy khó khăn, pó, ềm thách cưới cao như thế thì lấy đâu ra. Giờ người ta cưới theo nếp sống mới…”. Bố Nhình đập mạnh chén nước chè xuống giát nhà, giọng như sấm nổ: “Mày ra khỏi bản được mấy bước mà đòi dạy khôn tao. Tục lệ người Tày ở bản Lồ này từ đời ông bà cụ kị đã thế, cứ thế mà làm”. “Thách cưới cao sẽ thành gánh nặng cho vợ chồng nó sau cưới thôi… với lại hạnh phúc là lấy được người mình yêu… hay mình nghĩ lại…” - Giọng mẹ nhẹ như gió, sợ sệt, nhún nhường mỗi khi bố lên cơn giận. “Còn anh em, hàng xóm họ nhìn vào… con mình xinh đẹp, ngoan hiền chứ có phải ế đâu. Không có tiền cưới, lễ cưới đầy đủ thì cắt! Cắt hết!”. Chân Tu bước thụt dần xuống cầu thang. Tu sẽ đi, Tu sẽ kiếm đủ tiền về cưới Nhình. 
Nhình uống liền mấy bát rượu, càng uống càng thấy buồn, thấy thương anh Tu nhiều hơn. Nhình đi trong cơn say, bước thấp bước cao trên con đường đất gồ ghề sỏi đá ra chỗ hẹn. Tu đã đi rồi. Nhình cứ ngồi thế đợi, mơ màng trong cơn say. Bỗng có một vòng tay ôm chặt lấy Nhình, cùng mùi rượu phả ra nồng nặc, khuôn mặt mờ ảo, lúc là mặt của Tu, lúc là mặt của Thạ. “Anh yêu em! Anh yêu em lâu lắm rồi Nhình à...”. Nhình thấy mình bay lên, bay lên rồi tan ra thảm cỏ non mềm mại. Hai cơ thể hừng hực xoắn lấy nhau. Gần sáng thức dậy, Nhình thấy mình nằm trên váy, bên cạnh là Thạ đang ngáy khò khò. Trời ơi! Không phải anh Tu. Nhình vùng dậy chạy một mạch. Anh Tu ơi! Em có lỗi lớn quá rồi, lỗi không bao giờ tha thứ được. Thạ chạy đến, nắm lấy tay Nhình tha thiết: “Anh yêu Nhình! Đồng ý cho anh cưới Nhình nhé! Lấy anh, Nhình muốn gì cũng có”. Nhình giật phắt tay ra. Nhìn mặt Thạ đã thấy ghét. Không nhìn mặt, nghe ai đó nhắc đến tên cũng thấy ghét. Nhình ghét cái thói chơi bời, huyênh hoang của Thạ. “Tôi chỉ yêu anh Tu, chỉ yêu một mình anh Tu thôi biết không” - Nhình hét vào mặt Thạ như thế.
Tu đi suốt hai tháng vẫn chưa về. Cái mầm sống đêm ấy với Thạ đang cựa quậy và lớn dần trong Nhình. Hoang mang, dằn vặt, lo sợ… bao nhiêu thứ cảm giác làm Nhình gầy rộc đi. Cái tội lỗi này, giờ phải làm sao? Nhình không thể bỏ Tu, không thể cưới Thạ, như thế thà chết đi còn hơn. Thạ vẫn suốt ngày lêu lổng, đàn đúm rượu chè. Mấy người trong bản thường bảo: “Chỉ cần nó hà hơi ra là muỗi chết ngất”. Cuộc rượu nào Thạ cũng khoe đầy vẻ đắc thắng và tự hào rằng: “Tao thịt con Nhình rồi! Tuyệt nhé!...”. Đám bạn hùa theo, thi nhau khen Thạ giỏi, Nhình xinh, Thạ và Nhình đẹp đôi. Chuyện ấy trở thành chủ đề chính của mỗi cuộc rượu. Người nọ rỉ tai người kia, giờ thì cả bản biết. Nhình không dám thò mặt ra đường. Mẹ Nhình đi chợ gặp người trong bản phải cúi mặt bước qua thật nhanh. Có điều lạ là bố Nhình không có biểu hiện gì tức giận hoặc suy nghĩ, thi thoảng lại thấy ông cười một mình. Nhình mù mờ đoán ra chuyện vì trước đây Tu đến nhà chơi bố chẳng tiếp chuyện, vậy mà Thạ đến chơi, bố lấy cả rượu ủ ra khề khà với Thạ đến khuya. Hai người, hai thế hệ, hai hoàn cảnh, hai tính cách, hai quan điểm sống khác nhau thì làm gì có nhiều chuyện để nói với nhau đến thế. Nhình biết những lời của Thạ đều là giả vờ, nịnh nọt để lấy lòng bố. Không chịu được nữa, Nhình hỏi: “Pó xui anh Thạ làm thế phải không?”. Bố Nhình dụi vội điếu thuốc lào đang châm dở, thoáng chút luống cuống: “Ừ. Pó xui!”. Đầu óc Nhình choáng váng, nhìn bố chằm chằm như người xa lạ: “Sao pó lại làm thế? Pó giết chết con rồi pó ơi!”. “Pó làm thế cũng là nghĩ cho con thôi. Nhà thằng Thạ giàu có, đàng hoàng, lại con một. Pó thấy nó cũng đẹp trai, khéo miệng, lấy nó con sẽ sướng, nhà mình sẽ được nhờ, chứ lấy thằng Tu thì không ngóc lên được đâu con!”. 
Nhình ngồi trong buồng, lặng lẽ khóc. Đã bao nhiêu lần Nhình định trốn đi tìm Tu, nhưng gặp rồi biết nói với Tu thế nào? Làm sao Tu có thể tha thứ cho Nhình được. Hay bỏ cái thai rồi trốn đi thật xa để khỏi phải cưới Thạ? Nhưng đi đâu khi tay chỉ quen làm ruộng, làm nương, khi không tiền, không nghề nghiệp, bằng cấp. Thế thì chết đi! Chết đi thôi Nhình ơi! Đã mấy lần Nhình tìm đến cái chết nhưng đều bị mẹ ngăn lại. Đêm nào mẹ cũng sang ngủ với Nhình. Nhình khóc, mẹ cũng khóc. “Thôi con ạ, đồng ý cưới để giữ thể diện cho gia đình, cho anh em họ hàng, cho đẹp lòng pó vậy! Làm đàn bà, trời đặt vào đâu cũng là phận đàn bà thôi” - Mẹ thủ thỉ mà nghe đầy xa xót…
Ngày dạm ngõ được quyết định nhanh chóng sau vài cái bấm đốt ngón tay của bố Nhình và ông mối bên nhà Thạ. Mọi đồ lễ được nhà Thạ chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, còn có thêm cả nhẫn vàng mặt đá ruby cho bố mẹ Nhình, cả vòng bạc cho bên nội, bên ngoại nhà Nhình nữa. Bố Nhình vui ra mặt. Ngày cưới, Nhình đi sau bà đón như một cái bóng, lặng câm. Cái bóng vô hồn nhưng trong lòng cuồn cuộn giông gió. Trong đầu Nhình giờ chỉ có Tu. Tu đi từ hôm ấy vẫn chưa về. Tu đang vất vả tha hương kiếm tiền về cưới Nhình đấy! Khi Tu có tiền cưới thì Nhình đã là vợ người khác rồi. 
Đêm tân hôn, Thạ say nằm như tấm giẻ tẩm rượu. Đã khuya lắm, mắt Nhình vẫn mở trừng trừng nhìn lên trần nhà mờ tối. Đám thanh niên sau cuộc rượu vui vẻ lại dắt díu nhau đi, chia thành từng tốp hát iếu. Mỗi câu hát như một nắm muối xát vào ruột gan Nhình. “Khằm hăn nọc khảm khắc roọng thương/ Khảm khắc bấu pần tối chắng liệc/ Khảm khắc cụng chứ điếp bặng làu/ Tê puồn nhằng mì mạy téc chấp/ Pì puồn pay cảu pù síp phương/ Đạo bạn nghĩa vạ căn thôi nớ/ Noọng pây cách bản vạ cần đai...” (Đêm nghe chim khảm khắc vọng thương/ Khảm khắc chẳng đủ đôi than thở/ Khảm khắc cũng buồn nhớ như ta/ Chúng buồn còn có cây mà đậu/ Anh buồn đi chín núi mười phương/ Đạo bạn nghĩa từ nay thôi đoạn/ Em thôi về cách bản cùng người...). Nhình ngồi bật dậy. Đó là giọng hát của Tu. Nhình ra cửa sau, cuống cuồng đi về phía có tiếng hát như ma ám. Tu lại đi rồi! Trên cây ngõa còn để lại nhằng nhịt vết dao chém, nhựa ứa ra từng giọt. 
Về làm vợ Thạ, Nhình không phải vất vả lên nương, ra ruộng nữa, chỉ quanh quẩn chăn gà, trồng rau, cơm nước, chăm sóc bố mẹ chồng. Tiền đã có Thạ lo. Vất vả đã quen, mọi việc đều được Nhình lo tươm tất, nhưng khó nhất là chăm mẹ chồng. Nhình nghe mọi người trong bản kể rằng, trước đây mẹ chồng Nhình về làm dâu nhà này vất vả lắm, nhà nghèo, phên xiêu, mái dột, chồng suốt ngày uống rượu say xỉn, về lại tìm lý do chửi bới, đánh đập, con thì ham chơi, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một mình bà cáng đáng. Một hôm chồng bà lấy được một con lợn nái về đến nhà thì say rượu nằm luôn dưới gầm sàn, bà phải tự tay chặt cây, đào đất làm chuồng lợn. Cái nền chuồng lợn đào sâu độ chừng năm mươi phân thì bà cuốc phải một hòn đá to hơn nắm tay có màu đỏ khác lạ, bà đưa lên lau sạch xem thì thấy hòn đá bắt nắng rực sáng, bà đoán đấy là đá ruby vì vùng đất này là đất đá quý, đang nổi lên hàng loạt bãi đá quý. Mừng quá, bà chạy bộ lên phố huyện tìm thợ buôn đá quý về xem. Thợ buôn đá quý là một tay người Ấn Độ, nói gì đó bà không hiểu, chỉ biết một lúc sau, tay buôn đá sai người chở về cho bà ba tải tiền lớn, lớn hơn ba tải đựng ngô trên chái bếp. Hôm ấy, bà ôm lấy ba tải tiền cười mãi, cười mãi rồi hóa ra điên điên, dại dại. 
Ngày cưới, mẹ chồng nhìn Nhình lạ lắm, lúc lâu bà chửi: “Ngu! Đồ ngu. Về đây làm bạn với tao, rồi sẽ biết thế nào là đàn bà ở cái nhà này, cái bản này, ha ha!...”. Bố chồng Nhình sáng nào cũng ra quán bún chó bà Bun, lúc về mặt đỏ phừng phừng, chân nọ đá chân kia lên nhà nằm hết buổi, khi tỉnh dậy lại làm bạn với cuốn sổ, cái bút, kẻ kẻ, ghi ghi rồi luận lô đề. Buổi chiều ông không ở nhà, ai đến tìm Nhình chỉ cần bảo ra quán lô đề khắc gặp. Thạ giờ đang là ông chủ buôn đá quý lớn trong vùng, suốt ngày đi đến các bãi đá quý để săn đá. Có lần Thạ đi cả tuần, có lần vài ngày, khi về lúc nào cũng thấy say rượu. Nhình xinh, cái xinh ấy chỉ đủ để Thạ tự hào và yêu chiều một thời gian. Sau khi Nhình sinh con, bản tính cộc cằn, thô lỗ của Thạ biểu hiện ngày một rõ. Hôm rằm tháng bảy, nhớ nhà, Nhình muốn về nhà mẹ đẻ nên xin phép bố chồng. Bố chồng bảo: “Đã là dâu nhà này thì là người nhà này, ma nhà này, rằm phải ở đây mà lo ăn rằm”. Nhình bảo: “Hay cho con về ăn rằm buổi trưa, buổi tối nhà mình làm rằm”. Thế mà Thạ khùng lên: “Nhà này mày là chủ hay bố con tao là chủ”. Nói rồi Thạ nhảy vào tát Nhình một cái nảy đom đóm mắt. Có hôm bố chồng say rượu nằm giữa nhà, mẹ chồng vừa diện quần áo mới vừa chửi chồng ngu, đánh lô mãi không trúng, chỉ tội phá tiền của bà. Nhình tranh thủ giặt quần áo, khi quay lên nhà đã thấy mẹ chồng ị ra rồi lấy tay bóp, bôi cả vào cổ, vào mặt. Đúng lúc đó Thạ về, túm tóc Nhình, bảo: “Tao đi vắng, mày để mẹ tao thế à?”. Rồi Thạ dơ chân đạp thẳng vào mặt Nhình, máu mồm, máu mũi chảy ra đỏ lòm. Có lần nửa đêm con ốm khóc, chồng nằm ngáy khò khò. Mẹ chồng đang ngủ tự nhiên vùng dậy, gọi Nhình tha thiết: “Con ơi mẹ khổ lắm! Vất vả làm được bao nhiêu chúng nó lấy đi uống rượu hết. Cả đời mẹ không được miếng thịt gà ngon. Con thương mẹ, cho mẹ xin bát cháo gà”. Không biết làm thế nào, Nhình đành phải địu con, mổ gà nấu cháo cho mẹ chồng. Cháo vừa múc ra, mẹ chồng Nhình húp liền những miếng to. Vừa bỏng vừa hóc xương, bà nằm vật vã giữa nhà. Bố chồng không ngủ được, chửi làu bàu: “Đúng rồi con dâu ạ! Làm thế cho bà ấy chóng chết, đỡ phải vất vả”. Thạ không biết sự thể thế nào, nghe thấy thế liền vùng dậy cầm cổ đập đầu Nhình xuống giát nhà, máu rỉ ra trán. Ức quá, Nhình ôm con chạy về nhà mẹ đẻ trong đêm, bàn chân vấp đá tứa máu, tiếng khóc của đứa con như xé toạc đêm đen. Bố Nhình được Thạ cho ít tiền, ra quán uống rượu về giờ vẫn đang say, thấy Nhình ôm con về sụt sịt, ông gắt: “Vợ chồng đóng cửa bảo nhau, về đây khóc lóc làm cái gì?”. Mẹ ôm Nhình vào lòng, lặng lẽ khóc. Hai mẹ con thức trắng đêm. Mãi gần sáng, mẹ vỗ nhẹ vai Nhình: “Thôi con ạ, chuyện đã xảy ra rồi thì cho qua, làm đàn bà phải biết nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc gia đình. Nghe lời ềm, con hãy về...”…
Nhình lại lùi lụi ôm con về nhà chồng, nước mắt lã chã rơi. Tự nhiên Nhình thấy thương mẹ, thương mình và thương cả mẹ chồng nữa, làm đàn bà ở vùng quê này ai cũng khổ. Mẹ chồng Nhình bệnh càng ngày càng nặng, dạo này cứ nửa đêm là gào khóc gọi Nhình: “Con dâu ơi, cứu mẹ với! Bố con thằng Thạ nó đánh mẹ. Hầu hạ nó, làm ra tiền cho nó đi uống rượu, chơi bời, về nó đánh mình, thế có bất công không hả trời”. Không đêm nào Nhình được giấc ngủ ngon. Bố chồng Nhình chẳng nói gì, mặc kệ mọi thứ. Ban ngày, sểnh ra một tí là mẹ chồng bỏ đi lung tung, Nhình lại tất tả đi tìm. Một hôm mẹ chồng vác cuốc lên nương ngô cũ, Nhình tìm mãi mới thấy. Trưa về ăn cơm muộn, bố chồng bực mình lên sau nhà chặt cây về buộc néo vào bốn cây cột nhà thành một cái cũi, nói đúng hơn là làm một cái chuồng dành cho mẹ chồng để bà không đi lung tung. Nhình đứng lặng nhìn, không dám nói một câu. Bị nhốt trong chuồng, mẹ chồng Nhình hết hát rồi chửi, đến đêm thì kêu sợ, người run lẩy bẩy, mẹ con Nhình phải chui vào chuồng cùng nằm thì bà mới chịu ngủ. Lúc điên điên dại dại mẹ chồng Nhình bảo: “Sao ngu thế hả con. Tham tiền làm gì để về nhà này cho khổ”. Có lúc tỉnh, mẹ chồng ôm Nhình vào lòng như một đứa trẻ, vuốt mãi mái tóc xơ cứng vì lâu không được chăm chút của Nhình, từng giọt nước đùng đục rỉ ra khóe mắt.
Những chuyến đi săn đá quý của Thạ dài ngày hơn. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, Nhình chẳng quan tâm. Không có tình cảm với nhau thì Thạ cũng như bao người dưng ngoài kia thôi, có khác là ở chung một mái nhà, thế thôi. Giờ Nhình sống như không phải Nhình, như cái bóng không hồn rồi. Hôm đi chợ phiên, Nhình giật mình khi một người bụng phệ, mặt trắng bệch vỗ vai bảo: “Chị là vợ Thạ phải không?”. “Dạ vâng!”. “Xin lỗi chị, là dân buôn đá với nhau tôi không muốn nói ra điều này, nhưng cứ có cuộc rượu là nó đưa con ấy đến, uống say rồi ngủ luôn ở nhà tôi, xui xẻo lắm, chị lên mà dắt chồng chị về”. Người đàn ông nọ kéo tay Nhình đi. Trong phòng trên tầng hai, Thạ đang ôm một cô gái trẻ, môi đỏ choét. Thấy Nhình vào, Thạ nhổm dậy, nhìn chằm chằm một lúc rồi nằm xuống ôm cô gái ngủ tiếp. Nhình chạy một mạch về nhà, đầu muốn vỡ tung. Nhình ghen? Không phải! Trong đầu Nhình chỉ có một suy nghĩ, mình là gì trong cái nhà này? Là vợ Thạ? Hay là con ở? Nhình không còn là Nhình khi về làm dâu nhà Thạ, Nhình chẳng là gì cả. Thế thì về thôi! Về thôi! Sắp xếp đồ đạc, quần áo, Nhình ôm con đi luôn. Nhình ra đến sân, lại quay lại, nhìn mẹ chồng đầy thương xót. Nhình đi rồi, không biết mẹ chồng Nhình sẽ ra sao. Ra ra, vào vào một lúc, Nhình gạt nước mắt đi về nhà mẹ đẻ.
Nhìn thấy Nhình từ xa, mẹ đã rơm rớm nước mắt. Bố thì làu bàu mắng: “Hơi một tý là bỏ về nhà mẹ đẻ, người ta coi thường cho”. Nhình gục vào mẹ: “Ềm ơi! Con con cai sữa rồi, nhờ ềm chăm sóc một thời gian, khi nào ổn ổn con sẽ về đón”. “Đi đâu? Làm gì hả con?”. “Đi đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn là đi khỏi nơi này. Con bất hiếu chẳng giúp pó, ềm được ngày nào, giờ con của con lại làm khổ ềm, xin ềm tha lỗi”. Nói rồi Nhình vội vã đi, ra ngã ba cuối bản Nhình đứng bần thần, chẳng biết đi đâu. Thôi cứ lên phố huyện xem có việc gì thì làm việc đó vậy. 
Lên phố huyện, may mắn, Nhình được nhận giã đá cho một xưởng làm tranh đá quý, có cơm nuôi, lương triệu sáu một tháng, tự thuê trọ ngoài. Công việc tuy có vất vả nhưng thế là tốt quá rồi, không phải lo cái ăn, tiền trọ họ cho nợ đến khi nhận lương. Hằng ngày công việc của Nhình là giã đá quý bằng cối sắt, dùng sàng sắt sàng ra các cỡ to nhỏ khác nhau sau đó đem rửa sạch rồi rang khô đến khi nào đá sáng màu thì đổ ra cho các thợ làm tranh. Gọi là đá quý nhưng thực chất là đá sái, đá xỉ, đá có màu, nghĩa là đá chưa đủ tuổi hoặc chưa đủ nhiệt độ để thành đá quý, màu không được sáng nên phải ngâm A xít. Công việc độc hại, vất vả nhưng làm Nhình vơi bớt suy nghĩ, thấy thoải mái hơn. Sợ nhất mỗi đêm về, nỗi nhớ con cứ cuộn lên và cái lạnh lẽo, cô đơn nữa, thật đáng sợ. Nhiều đêm Nhình không tài nào ngủ được, hình ảnh con, mẹ và mẹ chồng cứ quanh quẩn trong đầu, có lúc muốn bỏ làm về luôn. Tính mẹ hay nghĩ, hay lo, thấy Nhình thế này chắc mẹ chẳng ngày nào được yên lòng. Mẹ chồng nữa, không có Nhình chăm sóc không biết ăn uống, tắm rửa thế nào. Sợ nhất là mẹ chồng bỏ đi lung tung, nhỡ ra... Nhình cựa mình ôm chăn ngủ, lại như bắt gặp gương mặt của Tu. Dạo này Nhình hay nghĩ về Tu, mong gặp Tu. Những đêm hát iếu hôm nào cứ hiện về rõ mồn một.
Làm tranh một thời gian, Nhình nghe tin chồng nghiện ma túy. Một thời gian sau lại nghe tin bố chồng thua lô đề mất hết tiền. Nghiện thì nghiện, mất tiền thì mất, đó là điều tất yếu Nhình có thể đoán trước nhưng không thể nào ngăn cản. Chỉ thấy thương mẹ chồng thôi. Bố chồng Nhình thua lô đề, buồn chán, uống rượu rồi đi lang thang, bị cảm chết. Nghĩa tử là nghĩa tận, nghe tin Nhình vội vã về. Thạ ôm xác bố, ngồi như tượng đá, mắt mở trừng trừng không nói gì. Nhình lật bật lo mọi thứ. Xong đám ma, Thạ vẫn ngồi như tượng. Mẹ chồng giờ gầy quắt queo, tóc rối bù, úa bạc. “Con ơi, đừng đi nữa nhá! Mẹ sợ. Nhà mình vắng lắm!”. Nhình đi ra cửa, không đành lòng lại quay vào. Thạ níu tay: “Đừng đi! Anh cần Nhình!”. “Nhình đâu có tồn tại ở cái nhà này!” - Nói thế rồi Nhình đi, lòng nặng trĩu…
“Con ơi, đừng đi nữa nhá! Mẹ sợ. Nhà mình vắng lắm!”. Câu nói, ánh mắt nửa cầu xin, nửa sợ hãi, nửa buồn thăm thẳm của mẹ chồng cứ bám riết trong suy nghĩ Nhình. Xưởng tranh Nhình làm càng ngày càng phất, tranh cứ bán ra ầm ầm. Ông bà chủ tuyển thêm nhiều thanh niên quanh vùng và tìm được một thợ làm tranh đá quý giỏi nhất làng đến để làm thầy dạy nghề. Hôm đến xưởng tranh, thầy dạy nghề cứ đứng lặng nhìn Nhình mãi. Khi Nhình ngước lên, cái chày giã đá rơi khỏi tay. Không thể tưởng tượng nổi trước mặt Nhình lại là Tu. Nhớ nhung, mong mỏi bấy lâu, giờ chỉ muốn ôm chầm lấy Tu mà khóc nhưng chẳng hiểu sao Nhình lại đứng dậy, chạy thẳng về nhà trọ đóng cửa lại.
Chiều Nhình không đi làm, tự nhiên Nhình sợ gặp lại Tu. Phố huyện tối thật nhanh. Ăn cơm xong, nằm vắt tay lên trán nghe tiếng đồng hồ đếm nhịp tích tắc, lòng Nhình lại thấp thỏm mong Tu đến. Nhình ra tháo chốt khóa, khép hờ cánh cửa. Nhình đợi mãi tiếng bước chân, tiếng kẹt cửa. Bao nhiêu mong nhớ, khao khát yêu thương được dịp sống dậy. Tiếng bước chân rồi cũng đến, thật nhẹ. Nhình cảm nhận rõ tay Tu đang bám vào chốt cửa, tiếng kẹt cửa khe khẽ. Tim Nhình bỗng đập loạn. Chẳng hiểu sao một lần nữa, Nhình lại lao ra, chốt chặt cửa lại. “Anh Tu! Hãy quên con đàn bà bất hạnh và tội lỗi này đi nhé! Hãy quên đi!”. “Nhình à, anh đã nghe chuyện về em. Anh hiểu. Lỗi là do hủ tục, do thất học, nghèo hèn. Chúng mình sẽ bắt đầu lại, được không Nhình?”. “Không! Anh về đi…”. Bao nhiêu chăn, Nhình vùi kín đầu, vùi thức cho đến sáng. Nhình cảm nhận rõ hơi ấm cùng hơi thở của Tu. Gần sáng Tu mới về, tiếng bước chân rất chậm và nhẹ. “Tha lỗi cho em, anh Tu nhé! Em phải làm thế thì anh mới có thể quên em để tìm cho mình một hạnh phúc mới”. 
Sáng dậy, Nhình khăn gói về nhà mẹ đẻ rồi Nhình lại ôm con, lùi lũi về nhà chồng. Cuối mùa, heo may, con đường tơi bời xác lá. Về nhà chồng, việc đầu tiên Nhình sẽ đưa Thạ đi cai nghiện, để Thạ trở thành người chồng tốt. Nhình sẽ vực lại cái gia đình này, tất cả trông chờ Nhình và chỉ có Nhình mới làm được. Đàn bà là thế! Đúng không? Nghĩ vậy, lòng Nhình trở nên thanh thản lạ. Bước chân Nhình như rắn rỏi hơn trên con đường về thăm thẳm.
          

 N.Q.K

(1) Một làn điệu hát giao duyên của người Tày.
(2) Bố.
(3) Mẹ.

 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 121
 Hôm nay: 1582
 Tổng số truy cập: 7396708
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa