Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Lộc phần âm
Lộc phần âm

Khu nghĩa địa làng Đông đẹp nổi tiếng hàng huyện. Cõi âm của làng rộng hơn năm chục ngàn mét vuông, không hiểu từ bao giờ được chia thành các khu với các tên gọi rất cổ: Mả Nàng, Mả Mọn, Bái Chùa, Mả Đống, vốn xưa là những quả đồi đất thấp, qua bao đời dân làng san lấp, trở nên bằng phẳng, cao ráo, không bao giờ bị ngập nước, dù lũ lụt có lớn đến mấy. Lọt trong nghĩa địa chếch về phía đông nam là một hồ nước cạn, mùa khô nước chỉ ngang đầu gối, rộng trên hai ngàn mét vuông tên là giếng Bái. Thời phong kiến, giếng Bái được chùa làng dùng để trồng sen. Vì vậy giếng Bái được dân làng gọi nôm là ao sen. Sau này, chùa bị phá dỡ, mỗi lần bốc mộ để cải táng, người ta ném gỗ quan tài đã dùng xuống ao sen để ngâm cho sạch rồi lấy ván về che chắn chuồng lợn. Cái giống ván thôi, thứ ván hòm chôn người chết, sau khi cải táng đem chắn chuồng lợn thì lợn rất hay ăn, chóng lớn và hầu như không bệnh tật. Chỉ vài cỗ ván thôi ném xuống hồ một thời gian ngắn sau sen chết rụi sạch bách, ao sen thành chỗ cho cỏ năn, rong đuôi chó sinh sôi. Mùa đông, rau cỏ nuôi lợn hiếm, dân làng gồng gánh ra ao sen nhổ rong đuôi chó về nấu cho lợn ăn. Cũng là nơi một số người chài lưới kiếm con tôm, con cá cải thiện. Hồi khoán mười, ông Lách là người có máu làm giàu đứng ra nhận thầu để nuôi cá. Được hai năm, do không đủ nhân công để chăm sóc, trông coi, cá của ông, phần thì trôi theo nước lũ, phần lớn bị đánh trộm, lỗ cả công lẫn vốn, ông bèn trả lại ao cho làng. Ao sen trở về phần đất của nghĩa địa.
Khi công cuộc xây dựng nông thôn mới được phát động rầm rộ, cùng với việc bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, nghĩa địa của từng thôn cũng được đưa vào quy hoạch trên cơ sở phần đất đã có. Cùng với đó là việc mỗi thôn phải cử ra một người làm nhiệm vụ quản trang. Quản trang của làng, bổng lộc không có gì lại phải trông coi cả một khu bãi tha ma mênh mông là một việc không đơn giản. Riêng việc san lấp, dọn vệ sinh sau mỗi đám bốc mộ đã đủ hết hơi. Không ai chịu nhận làm công việc cai quản làng âm phủ ấy. Đang bí, chợt trưởng thôn Lượng nhớ đến Tiến. Tiến là bạn đồng ngũ với Lượng, xuất ngũ trước Lượng mấy năm, lại là người có nghề lấy hài cốt mỗi khi cải táng. Tiến làm quản trang cho làng là công việc nhất cử lưỡng tiện.
Mọi người ở làng Đông không ai lạ gì hoàn cảnh của nhà Tiến. Nhà Tiến nghèo nổi tiếng hàng xã lại đông con, bảy đứa, năm trai, hai gái. Hầu như năm nào địa phương cũng phải trợ cấp, cứu tế, cứu đói. Nhà nghèo nhưng cả bảy anh chị em Tiến đều to lớn, khỏe mạnh. Anh em Tiến chỉ học hết phổ thông cơ sở là ở nhà, lăn lộn đi làm thuê kiếm sống phụ giúp cha mẹ, nuôi nhau.
Nhập ngũ, Tiến và mấy người trong xã cùng về một đơn vị Hải quân đánh bộ, đóng quân ở Quảng Ninh. Tiến trội hơn bạn bè nhiều về sự từng trải, có lẽ do mấy năm theo người lớn đi làm thuê, sớm giao tiếp với sự đời. Tiến rất khỏe, dẻo dai và nhanh nhẹn. Hai năm lính, năm nào Tiến cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị dự định cho Tiến đi học lớp tiểu đội trưởng nhưng Tiến xin không đi học với lý do văn hóa mới hết lớp chín phổ thông, không có điều kiện bền vững để cống hiến lâu dài cho quân đội. Tiến chỉ mong sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ đi học một trường dạy nghề để vừa có nghề kiếm cơm lại vượt được cái phận cày thuê, cuốc mướn. Mấy tháng trước khi xuất ngũ, Tiến thường tranh thủ ngày nghỉ đi tìm mua các sách giáo khoa lớp chín về rồi nhờ mấy đồng đội đã học hết lớp mười hai kèm cho Tiến ôn lại kiến thức đã bị rơi rụng nhiều trong những năm đi làm cửu vạn.
Chiều ngày nhận quyết định xuất ngũ, đơn vị tổ chức liên hoan, cơm nước xong khoảng tám giờ tối, Tiến và ba đứa bạn cùng xã rủ nhau ra bãi than để chia tay với mấy cô gái đồng hương. Bãi này là một trong những bãi than thổ phỉ lớn. Lúc này đang là thời kỳ thịnh hành của việc khai thác trộm than đá. Than đá được các ông chủ thuê người từ các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là Thanh Hóa, đào lò, lấy than từ trong núi, số than ấy được gọi là than thổ phỉ theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó, rồi tập kết về một số bãi biển mà họ đã ngầm thỏa thuận với địa phương, để bán. Ở đây cũng có năm, sáu cô gái trẻ làm nghề mót than, họ dọn bãi, thu lượm, nhặt nhạnh số than mà máy xúc không cào hết được, rồi gánh vào phố bán cho dân. Mỗi người cũng thu được một trăm đến trăm rưỡi đồng một ngày. Vì số tiền kiếm được khá ít ỏi, nên họ chi tiêu rất tiết kiệm. Họ che bạt dựng lều, nấu cơm, ăn ngủ ngay tại bãi. Khi cánh mấy đứa bọn Tiến đi gần đến khu lều của mấy cô mót than, cách một đống than to cao như núi, đã nghe tiếng la hét thất thanh của đám con gái, cả bọn vội chạy ào đến chỗ tiếng la hét. Hàng chục tên đàn ông, cầm đầu là tên đầu gấu và lũ đàn em trông coi bãi than cho chủ đang đánh vật với mấy cô gái mót than. Một vài cô dùng đòn gánh chống trả, song bãi vắng, thế cô, sức yếu nên các cô gái đã nhanh chóng bị chúng đè xuống, xé lột quần áo. Không ai bảo ai, cả bốn người bọn Tiến cùng lao vào can thiệp. Một cuộc chiến không cân sức đã nổ ra ngay cạnh chiếc lều bạt vỡ toang. Bằng một cú đá Tiến hạ gục một tên xăm trổ đầy mình đang ngồi đè lên bụng một cô gái đã bị xé hết quần áo ngoài, kéo tên côn đồ ném sang một bên, Tiến cởi phăng áo quân phục mặc cho cô gái đang run lẩy bẩy vì sợ hãi. Cùng lúc ba tên côn đồ vung côn nhằm vào Tiến phang tới tấp. Khi lực lượng cứu viện của công an ập đến thì bọn côn đồ đã dìu nhau bỏ trốn, để lại một tên đã bị đánh ngất xỉu và tên cầm đầu đang bị Tiến đè lên ghì chặt. Các cô gái được cứu thoát nhưng cả bốn người bọn Tiến đều bị thương tích bầm dập. Tiến bị nặng nhất phải đưa vào bệnh viện thành phố cấp cứu. Mấy cậu cùng làng xin đơn vị ở lại thêm mấy ngày để chăm mấy người bị thương. Còn có mấy cô gái thoát khỏi bị đám côn đồ làm nhục cũng thay nhau vào viện thăm nom họ. Trong đó có một cô khá xinh luôn quẩn quanh bên Tiến, chăm sóc, không nề hà việc gì, kể cả việc đổ bô. Tiến ngượng không cho cô làm những việc vệ sinh cho mình nhưng vì chưa thể tự đi lại được nên đành phải chấp nhận. Sau này Tiến mới biết cô tên là Hương, người làng Doãn, cách làng Đông của Tiến chừng hai cây số. Sức trẻ nên mấy cậu bị thương hồi phục khá nhanh. Ba ngày sau thì ba người được xuất viện, chỉ còn Tiến là phải nằm lại. Mấy cậu đồng hương định nấn ná ở lại với Tiến thêm mấy ngày nữa nhưng đã đến lúc phải rời đơn vị để về quê. Biết vậy, Hương giục: “Các anh cứ yên tâm về đi, anh Tiến ở đây đã có em chăm sóc. Khi nào anh ấy khỏi, em sẽ đi cùng với anh ấy về quê”. Mọi người đành gửi Tiến nhờ Hương và mấy cô bạn cửu vạn của cô ấy trông coi ở bệnh viện rồi vác ba lô đón xe trở về làng.
Nằm viện nửa tháng, Tiến xin xuất viện về quê, dù cơ thể vẫn chưa bình phục hẳn, cơ bắp đang đau nhức ê ẩm. Hương dò hỏi, tìm vào tận làng người dân tộc Dao mua cả bao tải thuốc với đủ các loại lá, rễ cây đem theo về, thứ thì cô xắt ra ngâm rượu làm thuốc xoa bóp, thứ thì cô sắc lấy nước cho Tiến uống. Tháng sau, khi Tiến đã hoàn toàn bình phục, họ làm một lễ cưới đơn giản, chính thức thành vợ chồng. Xã cấp cho vợ chồng Tiến ba trăm mét vuông đất ở cuối làng cách khu nghĩa địa gần hai trăm mét, vốn là đất ruộng sâu, bởi những khu đất ở được phê duyệt tương đối đẹp của làng đã được cấp bán hết, chỉ còn vài khu đất ruộng sâu trũng hoặc ao hồ ở rìa làng. Tiến xoa tay mừng rỡ bảo Hương: “Tốt quá rồi, ở đây càng thoáng mát, tha hồ chăn nuôi”.
Vợ chồng Tiến cùng mấy anh chị em, cả bên nội và bên ngoại hì hục gần tháng trời đào đắp, tôn nền mới hình thành cơ ngơi có ao thả cá, sân vườn và hai gian nhà cấp bốn, lợp phi bờ rô xi măng, ba chục mét vuông.
Có nhà riêng rồi, nhưng cả làng Đông chỉ có độc một nghề duy nhất là làm ruộng. Ngày có khoán mười xã đã chia ruộng lâu dài hết cho các gia đình, với tiêu chuẩn mỗi khẩu được một sào, năm trăm mét vuông. Thành ra vợ chồng Tiến chỉ có vẻn vẹn một sào ruộng để cấy lúa. Số tiền Hương chiu chắt được trong mấy năm gánh than và số tiền ít ỏi của Tiến khi xuất ngũ, phần thì thuốc thang chăm sóc cho Tiến khi bị nạn, phần thì mua vật liệu làm nhà đã hết veo. Tiến và Hương lụi cụi đi làm thuê. Trong làng, trong xã, ai thuê việc gì thì làm việc ấy, đào, đắp đất, bốc, xúc vật liệu, phụ hồ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu… tất tật. Rảnh rỗi, Tiến vác đồ ra mương, ra hồ kiếm cá, ăn không hết thì bán kiếm đồng mắm muối. Tiến còn theo ông Thuật, người làm nghề lấy hài cốt mỗi khi nhà ai có việc sang mộ. Ông Thuật cũng rất quý Tiến vì Tiến khỏe, sáng dạ, tiếp thu nhanh, cẩn trọng trong công việc. Vả lại, ông cũng đã già yếu, làm nghề cũng ngót nghét năm chục năm rồi, vậy nên ông đã truyền hết mọi bài bản, kinh nghiệm trong nghề cho Tiến. Dần dà, khi Tiến đã thạo việc, khi có đám, ông chỉ ngồi trông coi, chỉ đạo còn việc làm trực tiếp  ông giao cho Tiến làm. Chỉ sau hơn nửa năm kèm cặp cho Tiến, ông Thuật nghỉ hẳn việc bốc mộ, Tiến trở thành người làm nghề lấy cốt chủ yếu trong hàng huyện. Dù sao, đó cũng là một cái nghề, lại là nghề làm việc nghĩa và cũng có phần thu nhập giúp cải thiện kinh tế. Năm sau thì Tiến đủ tiền mua lại được chiếc xe công nông, loại xe tải nhỏ do Việt Nam tự chế, nó là loại xe bị cấm lưu hành trên đường quốc lộ, song ở làng xã nông thôn đường làng, ngõ xóm cong queo, chật hẹp thì nó là phương tiện đắc địa độc nhất chuyên chở đồ nặng, nhất là các loại vật liệu như gạch, đá, cát sỏi, sắt thép, xi măng… Kỳ này, kinh tế có phần phát triển, số người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hết hạn trở về hoặc gửi tiền về cho gia đình khá lớn. Nhu cầu bê tông hóa nhà cửa, cơ ngơi mạnh hơn lúc nào hết. Chiếc xe công nông của Tiến nổ máy phành phạch suốt từ sáng đến tối quanh năm. Tiến đã tích lũy được số vốn kha khá, định xây lại cái nhà ở cho khang trang thì nghe xôn xao chuyện quản trang của làng. 
Sau khi xem xong chương trình thời sự buổi tối trên ti vi thì Lượng cùng mấy vị cán bộ thôn kéo nhau đến nhà Tiến. Tiến vừa đi bốc mộ ở xã bên về. Trước đây, việc bốc mộ diễn ra vào mùa khô, thường là từ cuối mùa thu và thời gian đào cất bốc từ quá nửa đêm, công việc phải xong trước khi trời sáng, vì kiêng ánh mặt trời rọi vào hài cốt. Nay, đổi mới, người ta không làm vào ban đêm nữa mà làm lều bạt che ánh nắng, cất bốc vào ban ngày, không phải phụ thuộc vào đèn đuốc, không sợ bị bỏ sót xương cốt lại thuận tiện rất nhiều cho việc xây mộ phần. Lượng và Tiến vốn là đồng đội cũ nên cũng không phải khách sáo gì. Sau khi uống xong chén nước trà, Lượng đặt thẳng vấn đề:
- Tiến à, chắc ông cũng đã nghe việc trên yêu cầu mỗi thôn phải cử ra một người làm công việc quản trang để trông coi nghĩa địa của thôn. Hiện xã chỉ mới có quy định công việc của quản trang là trông coi phần đất nghĩa địa đã có của thôn, hướng dẫn cho các gia đình có nhu cầu nơi chôn cất, tránh xảy ra việc tranh chấp, chồng lấn của nhau, không cho lấn chiếm đất canh tác để xây mồ mả; làm vệ sinh bãi, khâu vệ sinh thì ông biết đấy, sau khi đào mộ lên, cất bốc xong, không có nhà nào lấp cái hố ấy, thứ nữa là ván hòm bây giờ không có ai lấy để dùng cả nên vứt bừa bãi, rất mất vệ sinh; quản trang phải làm việc san lấp và đốt số ván hòm ấy đi. Thôn mình, thiết nghĩ, chỉ có Tiến là có thể làm công việc quản trang một cách tốt nhất, mong ông đồng ý nhận việc này, vừa là giúp chúng tôi, cũng là giúp dân làng. - Thế công xá thì sao? - Tiến hỏi.
- Cái này thì… - Lượng ngập ngừng - Trên quy định là xã hội hóa, do người dân trong thôn bàn bạc, thỏa thuận khi họp dân. Thôn mình thì ông biết đấy, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cấy hai vụ lúa, không có làm vụ đông nên nguồn thu hầu như rất hạn hẹp, việc huy động đóng góp cũng khó, nhưng đây là việc phải làm, là quy định của trên, hôm họp thôn sẽ bàn cụ thể. Tin là không ai chống lại chủ trương, song tôi nghĩ, cũng được chẳng đáng là bao. Thế nên chúng tôi đến đây cùng ông bàn cách. 
Ngay từ hôm nghe lao xao chuyện quản trang không có người nhận, Tiến đã nghĩ ngay tới khu giếng Bái bỏ hoang bấy lâu nay, nơi mà Tiến lần mò kiếm cá mỗi khi rảnh rỗi, thuộc lòng nông sâu của cả khu đầm. Trong lúc ruộng đất của Tiến chỉ có mỗi một sào. Khu đầm rộng lớn ấy là cả một cơ nghiệp lâu dài. Tiến bàn với vợ:
- Hay là ta nhận khoán khu đầm Bái để làm lúa cá đi. 
Hương băn khoăn:
- Không biết có làm ăn được gì không? Đến mạnh như ông Lách còn phải bỏ nữa là. 
Tiến dứt khoát:
- Anh tin là được. Tất nhiên là thời kỳ đầu khá vất vả, nhưng về lâu dài sẽ có thu lớn. Có thể sống dựa vào nó. Với lại, chúng mình cũng dần có tuổi, không thể cứ lăn lưng, bỏ sức làm thuê mãi được.
Bây giờ, nghe Lượng và số cán bộ thôn đề nghị về việc làm quản trang, Tiến nhớ đến ý định của mình về cái đầm hoang, Tiến nói luôn: 
- Thôi thế này, tôi nhận làm quản trang, với điều kiện cho tôi thầu luôn khu giếng Bái. Số tiền khoán bao nhiêu trừ số tiền công làm quản trang đi, còn lại tôi nạp cho xã, nhưng chắc chắn tôi phải đầu tư vào đấy khá nhiều nên mấy năm đầu yêu cầu không thu sản của tôi. 
Lượng và mấy vị cán bộ thôn mừng hú. Vừa có người làm quản trang lại vừa giải quyết được cái đầm hoang vốn là nỗi đau đáu của thôn làng suốt bấy lâu. 
- Tốt quá, cứ vậy nhé, mai tổ chức họp thôn ta sẽ thống nhất từng vấn đề cụ thể rồi báo cáo để Ủy ban xã ra quyết định. - Lượng ôm chầm lấy Tiến mà lắc trong niềm vui sướng.
Sau khi Lượng và số cán bộ thôn ra về, Tiến vẫn còn thắc thỏm trước một quyết định có thể nói là táo bạo của mình nhưng Tiến tin là mình quyết định đúng. Một trang mới trong cuộc đời, trong số phận của gia đình Tiến đã bắt đầu.
*
Hợp đồng nhận thầu khu đầm vừa ký xong là Tiến bắt tay ngay vào việc xây căn nhà nhỏ để ở trông coi khu đầm cùng khu chăn nuôi để nuôi lợn, nuôi gà, vịt và tiến hành cải tạo khu đầm. Tranh thủ đang mùa khô, Tiến thuê máy bơm tát cạn khu đầm rồi đắp đập, be bờ, xúc bùn tôn nền một phần ba khu đầm làm khu vừa trồng lúa vừa nuôi các giống cá mè, cá trôi, cá chép. Phần đất còn lại Tiến khoanh vùng đào thành các ao sâu, mỗi ao rộng cỡ ba trăm, bốn trăm mét vuông để nuôi cá trắm đen, giống cá có giá trị vào loại số một, bán được giá lại dễ bán. Tiến còn dành cả trăm mét vuông để nuôi ốc bươu vàng làm thức ăn cho cá trắm đen. Tiến không lạ gì cánh trộm cá trong vùng chuyên rình mò, hễ ao cá nhà nào nuôi cá lớn lông lống là chúng tập trung dùng kích điện quét cho bằng hết, nên Tiến dành phần lớn vốn liếng xây kè, rào dây thép gai xung quanh toàn bộ khu đầm, đồng thời, tất cả anh chị em ruột cùng vợ chồng Tiến ngày đêm thay phiên nhau canh gác khu đầm. Cánh trộm cá nhìn bảy anh chị em nhà Tiến, người nào, người ấy đều lực lưỡng lại nhiều năm lăn lộn khắp nơi nên dù rất thèm muốn đàn cá trong khu ao đầm của Tiến nhưng cũng có phần nể nang, sợ hãi, không dám đánh trộm cá của Tiến.
Tiến làm quản trang cho làng được chừng một năm thì bùng lên phong trào “xóa tranh tre nứa lá”, hiện đại hóa lăng mộ. Bắt đầu từ mấy nhà họ Lê có con, cháu đi xuất khẩu lao động ở Liên bang Nga, làm ăn được, về nước, mua đất, kinh doanh ở các thành phố lớn trong nước. Họ quây mỗi gia đình vài trăm mét vuông, tường ốp đá hoa cương, mái đổ bê tông, gắn ngói trang trí, ngôi miếu chỉ để đặt mỗi một cái bát hương cũng rộng bằng cả gian nhà, dù trong cả khu rộng rãi ấy chỉ có hai hoặc ba ngôi mộ bằng đá nguyên khối. Thế là các họ, các gia đình khác cũng thi nhau xây cất. Xã, thôn cũng không có một quy ước cụ thể cho lăng, mộ của mỗi họ, mỗi gia đình được xây tối đa bao nhiêu mét vuông nên mạnh ai nấy làm. Khu nghĩa địa của làng nhanh chóng trở thành một đại công trường tấp nập.
Trải qua bao đời người dân làng Đông về cõi âm, khi cải táng chỉ mỗi người một nấm đất con con. Theo thời gian, trải bao dâu bể, chiến tranh, loạn lạc, lớp lớp người già mất đi, lại qua mấy chục năm đằng đẵng chống mê tín, công việc cúng bái bị cấm đoán, rất nhiều gia đình bị thất lạc mồ mả. Rất nhiều ngôi mộ trở thành vô chủ, thời gian, mưa nắng bào mòn, dưới lớp đất bằng phẳng kia đang còn biết bao chiếc tiểu sành chứa đựng những linh hồn. Dù ai cũng biết những ngôi mộ vô chủ ấy là của người làng nhưng cũng không ai biết được là mộ của nhà ai, họ nào,  táng tự đời nào. Thế là các người xây lăng muốn cho lăng mộ của nhà mình được sạch sẽ, không bị xây chồng lên mộ vô chủ, phải thuê Tiến xăm tìm, cất bốc đi nơi khác. Tiến cũng không đành lòng để những chiếc tiểu sành, dù trong tiểu chỉ còn đất đen, bị lăn lóc, vạ vật. Tiến bỏ công san sẻ một khoảng đất hơn trăm mét vuông, xây bốn cái trụ bằng gạch bốn đầu, đề cái biển: Khu mộ không biết tên, rồi đem những chiếc tiểu sành vô chủ táng vào khu ấy, đắp nấm, thắp hương cho họ. Dân làng ai cũng bảo Tiến đã làm một nghĩa cử cao đẹp, chắc sẽ có phúc đức về sau.
Chỉ chưa đầy nửa năm, cả khu nghĩa địa rộng lớn của làng Đông đã bị các khu lăng quây kín với đủ các kiểu kiến trúc theo các mẫu trong Nam, ngoài Bắc. Từ kiến trúc, độ to nhỏ, chất liệu ốp lát của các lăng, các ngôi mộ bên trong, người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc, độ phân hóa giàu nghèo ở khu nghĩa địa. Vài kẻ mồm mép táo tợn còn gọi thẳng nghĩa địa làng Đông là Hợp chủng quốc âm phủ Đông Lăng. Họ gọi là Hợp chủng quốc cũng có lý bởi nó có những khu rõ rệt của những chủ nhân bỏ tiền xây cất kiếm tiền từ các xứ sở mà họ đi lao động, hình thành: Khu Liên bang Nga, khu Ukraina, khu Hàn Quốc… Còn những nông dân nghèo ở làng, thế cô trước sức mạnh của những kẻ nhiều tiền cũng gắng mua ít gạch xỉ xây nho nhỏ vài hàng quanh mồ mả ông cha, thành khu lép vế nhất lẫn trong trùng điệp các lăng mộ đồ sộ, hoành tráng, dân làng gọi là khu bình dân Nam Việt cho khỏi lẫn. Quả là trần sao âm vậy.
Tiến xuất bán gần hai tấn lợn thịt. Sau dịch tả lợn châu Phi năm ngoái, giờ giá lợn hơi cao ngất ngưỡng, Tiến được lãi lớn. Cùng lúc Tiến bán lứa cá trắm đen đầu tiên, đàn cá của Tiến, mỗi con nặng mười lăm, hai chục ký lô được thương lái mua hết sạch. Sau khi trả công cho anh chị em, tính cả tiền bán lợn và bán cá, Tiến thu ngót nghét nửa tỷ đồng.
Sau khi đem tiền đi gửi ngân hàng Tiến đưa vợ, con vào nhà hàng loại sang ở phố làm một bữa liên hoan cho bõ những tháng ngày cực nhọc. Cơm nước xong, vợ chồng, con cái nhà Tiến trở về đến trang trại thì cả làng đã lên đèn được một lúc lâu rồi. Cho con đi ngủ xong Hương ra ngồi bên Tiến, Hương vẫn đang còn chống chếnh, bởi lần đầu tiên trong đời Hương được cầm số tiền lớn đến như vậy. Hương thì thầm như vô thức: “Có lẽ các cụ ở âm phần cho chúng mình lộc đấy anh nhỉ. Thật hay là mơ vậy anh?”. 
Tiến khoác tay vợ bước ra ngoài sân, ngoảnh nhìn về làng. Cái làng dương thế sầm uất với những ngôi nhà cao tầng đang rực rỡ ánh đèn. Tiến nhìn ra xung quanh mình, cái làng âm thế mờ tỏ, trập trùng trong ánh sáng hắt ra từ hệ thống đèn bảo vệ của trang trại làm Tiến bồi hồi, có lẽ vậy, phải chăng mình có được một chút lộc làng âm cho. Đã vậy, gia đình mình càng phải sống cho trong sạch, nghĩa tình để mà đền đáp.
Một cơn gió nhẹ thổi qua, gió heo lành lạnh. Đã cuối thu rồi.
            

H.T.C 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 3712
 Tổng số truy cập: 7487568
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa