Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Thổn thức mùa ban
Thổn thức mùa ban

Đêm trở gió. Cành ban bên cửa sổ khẽ vặn mình, một vài cánh hoa gần hết tinh khôi tự tách khỏi bông lả tả rơi như không hề lưu luyến những cánh ban trắng đang ấp iu một cánh tím thủy chung… Miên thở dài sau mỗi tiếng hoa rơi, nghĩ về sự tích của loài hoa mà hơn cả mười lần Thành rủ rỉ kể cho nghe. Đang mùa ban nở rộ, hương thơm nhè nhẹ quyện theo làn gió len qua vách gỗ, sàn gỗ tỏa kín ba gian, hai trái của ngôi nhà sàn dễ đến gần trăm năm tuổi này. Và cũng chỉ duy nhất ngôi nhà ấy giữ được cây ban, giờ được coi là cổ thụ. Bao năm trước cả rừng ban bát ngát, cây ban cho người dân xứ núi những bữa rau xôi trộn nộm hay những bát canh từ hoa ban ngọt mát. Năm tháng qua đi, rừng bị phát trụi để làm nương trồng lúa, trồng cây công nghiệp như chè, trẩu, bồ đề, thông, keo, bạch đàn… Cứ vài năm lại một dự án, phá cây này trồng cây khác, giờ là dự án cây cao su, rừng thông nhà Miên cũng được nhà nước vận động phá bỏ, cây giống cao su do công ty cung cấp không mất tiền, người dân bỏ công chăm sóc đến khi nào cho thu hoạch nhựa, mà họ nói là mủ, khi đó sẽ được trả lương. Thôi!!! Miên cố gạt khỏi óc cái chuyện cây cao su, trở mình quần quật trên chiếc đệm bông lau, có phải vậy mà mẹ hắng giọng:
- Khuya rồi, mẹ thằng Nam chưa ngủ à? - Không trả lời, Miên nằm im, nước mắt lăn xuống gối, ướt bết những sợi tóc mai. 


Tuổi mười bảy, da trắng hồng như cánh hoa ban, tóc xanh mượt như rêu suối, môi đỏ hồng như hoa đào ngày xuân rực nắng… Ấy là lời Thành - chàng trai bản tuổi đôi mươi lực lưỡng như con trâu mộng, đôi chân leo núi nhanh như chân ngựa thồ, đôi tay chặt cây thoăn thoắt, nâng chuyển những tảng đá trên nương khỏe hơn cả Ải Lậc Cậc trong truyện cổ. Nhà Thành nghèo lắm, nghèo do cha mẹ đẻ nhiều, mẹ chết vì hậu sản lúc Thành mười bốn tuổi, em út mới hai tuổi. Bố theo đoàn thợ xẻ lên rừng khai thác gỗ pơ mu bị cây đổ què chân, nhưng Thành và Miên yêu nhau còn hơn cả nàng Ban yêu chàng Khum, hai người ấy bị cha mẹ ngăn cấm nên rủ nhau trốn lên núi cao, họ bên nhau cho đến khi hóa đá, hóa cây… còn với Thành, chàng quyết tâm lấy Miên làm vợ chứ không chịu như chàng Khum kia. Nhà Miên có nhiều rừng, nhiều trâu, bò, có nhà cột gỗ lim kê tảng, mái lợp ván thông bề thế nhất bản dựng từ đời cụ nội, ông nội của Miên. Đời cha nối tiếp đời con, rừng càng khoanh rộng ra, trâu bò sinh đàn đẻ lũ, cột nhà càng ngày càng nâu bóng, xà nhà cũng vậy, chưa bao giờ thấy mối mọt. Bởi vậy bố Miên nhất định không gả con gái cho nhà kia. Một đêm Miên nói với mẹ:
- Mẹ à! Nếu bố mẹ không cho con làm vợ Thành thì con đi ăn lá ngón thôi!
Cuối cùng thì nhà Miên thách cưới hai con trâu, hai mươi đồng bạc trắng, hai con lợn tạ, hai mươi gánh thóc, hai mươi vò rượu nếp… bằng không Thành phải về ở rể cho đến khi nào đủ sính lễ mới được cưới vợ về. Ở rể, nghĩa là Thành phải đặt lên vai người bố què quặt gánh nặng gia đình, phải làm trâu ngựa ở nhà vợ. Được! Thành sẽ làm việc hơn cả sức hai con trâu nhưng được bên Miên mãi mãi, sinh một đàn con còn hơn cả ngàn vàng chứ hai mươi đồng bạc trắng hay lợn gà, thóc lúa có là gì! Ngày đầu tiên về ở rể, Thành chạy lên núi hì hục đánh một cây ban gốc đã to bằng cổ chân, bọc vồng đất to hơn cái cối xay lúa, phăng phăng vác về trồng ở góc sân, mỗi ngày Miên chăm tưới nước vo gạo. Mẹ bảo:
- Nước vo gạo phải đổ ống bương để gội đầu chứ! 
Miên dạ mẹ nhưng cứ đổ một nửa vào ống, còn một nửa nước gạo tưới cây. Không phụ tình người, ban bén rễ xanh tươi, mỗi đêm trăng sáng, hai vợ chồng hạnh phúc ngắm từng búp lá hình hai nửa trái tim khe khẽ ấp vào nhau. Thành nói:
- Buổi tối cây cũng đi ngủ mà, chờ cho trái tim kia khép chặt, mình cũng ngủ thôi! 
Về với nhau được ba tháng thì Thành có lệnh gọi nhập ngũ. Trai thời chiến không đi bộ đội sao được, thằng Chài nhỏ thó như con lợn còi, thằng Phôm nhà con một, chúng nó còn lên đường tòng quân huống chi to khỏe như Thành? Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa ban nở là nam thanh, nữ tú bản trên, làng dưới nô nức lên đường làm nghĩa vụ quân sự, vui như đi hội, có người thích đi quá còn đeo thêm đá để đủ cân nặng, chú của Miên đã hai đứa con còn nghe theo lệnh tổng động viên mặc quân phục chia tay vợ con lên đường diệt giặc. Miên thấy lòng xao xuyến, thương lắm, thương nhiều, không ngăn được dòng nước mắt, Miên khóc nức nở, gỡ chiếc khăn piêu trên đầu quàng lên vai chồng. Có tiếng ai đó ngăn lại:
- Đừng cởi khăn piêu nớ… kiêng lắm đấy!
Miên quay mặt đi, lau nước mắt, thấy cái Khẹn đang gói trong chiếc khăn tay một chùm ban trắng dúi vào tay thằng Sinh, em trai của Thành, nó vừa mười tám tuổi, thì ra chúng nó phải lòng nhau! Có người mách với Miên lên ủy ban xin hoãn cho Thành vì một lúc cả hai anh em trai nhập ngũ, nhưng họ giải thích rằng hai người ở hai nhà khác nhau. Đoàn xe đón tân binh chuyển bánh, tiếng khóc, tiếng gọi con, gọi chồng, gọi bạn ríu ran, từng cành hoa ban tinh khôi vẫy theo những bàn tay thô ráp vẫy chào tạm biệt quê hương…
Vào bộ đội, năm đầu không biết chữ nên Thành phải nhờ bạn viết trên bì thư địa chỉ người gửi, người nhận, trong thư chỉ ghi nơi anh đang đóng quân, còn anh luôn vẽ kèm một bông hoa năm cánh. Nhờ đó Miên dõi theo bước chân chồng từ lúc huấn luyện ở Tân Kỳ, Nghệ An, rồi vào Quảng Trị, Thừa Thiên… Rồi đến bức thư tự tay anh viết, anh bảo được học chữ ở đơn vị, vừa viết vừa đánh vần đấy, thế là giỏi rồi! Anh đang dừng chân trên đường Trường Sơn, ở đây rất giống quê mình, cũng nhiều rừng rậm, nghe tiếng suối chảy róc rách lại thêm nhớ nhà, nhiều loài hoa đẹp nhưng chưa lúc nào thấy hoa ban cả. Anh dặn Miên nhớ chăm bố mẹ và ăn nhiều rau ban cho con sau này to khỏe, cứng cáp, dẻo dai như cây ban Tây Bắc. Nếu sinh con gái đặt tên Ban, con trai tên Nam.
Cu Nam ra đời khi mùa ban trút lá, cành khô gầy meo mốc như cố gồng mình chiu chắt từng giọt nhựa. Rồi lại một mùa ban nở hoa, nắng giêng hai sưởi hồng đôi má bao thiếu nữ lần lượt tiễn người yêu nhập ngũ. Tháng tư nắng có vẻ chói chang hơn, thỉnh thoảng có cơn gió Lào ào ào tới cuốn theo những bông hoa ban rời cành, hay nó tự thấy mình đã hết tinh khôi? Cả cái cánh tím thủy chung nằm giữa những cánh ban trắng ngần rồi cũng phải xa cành! Bỗng tiếng loa truyền thanh vang lên:
- Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng!!! 
Người ngoài đồng quẳng quang gánh, người trong nhà dụi củi lửa, người khỏe chạy nháo nhào, người già chống gậy lậc cậc cùng hướng tới quây kín gốc gạo nơi treo chiếc loa phóng thanh đang đưa tin chiến thắng. Miên buộc vội thằng con địu vào lưng lốc thốc chạy theo, nước mắt tuôn trào, bố và mẹ cùng ông bố chồng lặc lặc đôi chân cũng vừa tới gốc gạo, chẳng ai gọi ai mà cả bốn, năm người ôm nhau khóc. Thằng Nam khóc ré lên vì bị bà ngoại ôm chặt quá!
Nước nhà thống nhất, nhiều thanh niên trở về ngạo nghễ, nhiều gia đình đau đớn nhận giấy báo tử kèm theo bằng Tổ quốc ghi công, nhiều nhà bần thần trông ngóng người thân, trong đó có nhà Miên, nhà Thành. Mùa xuân năm sau, cũng vào mùa ban nở, chú Sinh trở về với chiếc nạng gỗ, thân hình gầy guộc, chú nói bị thương ở trận đánh Buôn Mê Thuột, phải về hậu cứ dưỡng thương. Gia đình trách Sinh không gửi tin tức gì về làm cả nhà lo lắng và đoán chắc hai anh em đã hy sinh. Sinh tỉnh khô nói:
- Tôi bị trúng đạn phải cưa chân, vừa đau đớn, lại không được vào giải phóng Sài Gòn nên tức quá! Còn không muốn về nhà nữa ý! 
Cuối mùa ban, anh bưu điện đạp xe lọc cọc tới trước cổng nhà Miên:
- Cô Miên ra nhận thư chồng này!... Ôi sung sướng nhất rồi Miên ơi!...
Miên còn đang trên rừng, bà ngoại Nam lập cập chạy ra cổng đón thư, bà khuỵu xuống vì không thể tin nổi. Hàng xóm xúm đến, người chạy lên rừng tìm Miên, người sang bản bên gọi Sinh, người dìu bà ngoại lên sàn, người chen chân chạy nhào lên bên cửa sổ bế giật thằng Nam lại vì nó đang chui một chân ra song cửa suýt ngã xuống đất. Miên được gọi về, chân đầy đất, dao quẳng lại bìa rừng, tóc lõa xõa nhào tới. Mọi người đều lặng im khiến Miên ngơ ngác. Sinh muốn kéo Miên vào lòng nhưng anh khựng lại, đưa mắt nhìn hết bố đến mẹ Miên. Bà mẹ ôm mặt khóc, ông bố bỏ ra ngoài, hàng xóm cũng rút dần… Miên giật lá thư từ tay Sinh. Phong bì thư nhàu úa, có vết thủng cháy sém. Trước đó, Sinh đã bóc và đọc cho mọi người nghe. Lá thư cuối cùng Thành viết vội, chữ nguệch ngoạc “Đơn vị anh chuẩn bị vào một trận đánh lớn, nhiệm vụ đặc biệt mà anh được trinh sát nói riêng cho biết… Anh sẽ về với em!... Bố sẽ về với con giai! Thành Nam của bố! Thôn Vườn Trầu, đêm 29 tháng 4 năm 1975”. Tròn một năm lá thư mới về đến tay người nhận. Mỗi lá thư thời chiến cũng mang theo số phận của nó, có lá chưa kịp gửi còn nằm dưới đáy ba lô, có lá giờ nằm đâu, ở đâu? Có lá bị “hy sinh” giữa rừng cùng người chiến sĩ quân bưu và có lá “bị thương” như thư của Thành gửi Miên và con đây. Nhưng giờ Thành ở đâu? Làm nhiệm vụ đặc biệt chưa trở về hay nằm lại nơi nao?

Minh họa: Hà Ngọc Hiếu


Cu Nam đã lên chín tuổi mà cả nhà vẫn chưa có tin tức gì về bố Thành. Đi học, có đứa bảo nó là con liệt sĩ, đứa thì trề môi nói bố nó đã có báo tử đâu mà liệt với sĩ, cô giáo thì luôn nói với các bạn nó là con bộ đội, nhưng có đứa bảo nó không phải con bố Thành, mà là con hoang, có đứa còn bảo nó là con…, là con… Nam về ăn vạ mẹ, bắt mẹ phải làm rõ chuyện này không thì dứt khoát nó bỏ học, đã bỏ học là đi làm bụi đời cho mẹ xem. Nó có biết bụi đời là gì, chỉ nghe nói là bỏ nhà đi lang thang là thành bụi đời, vậy thôi! 
Miên nằm thao thức, bao nhiêu đêm như thế, đôi gò má đã sạm đi, búi tằng cẩu trên đầu thường ngày cũng trở thành chuyện để đời. Người già trong bản thì bảo:
- Này! Đáng ra con mẹ Nam phải búi tóc lệch xuống vì có còn chồng đâu! 
Mẹ Miên phân trần với mọi người:
- Chồng nó còn ở bộ đội, chưa báo chết nên chưa được ngả tóc! 
Họ còn bảo nếu ở bộ đội thì phải về thăm nhà hoặc có thư từ về chứ lại! Hay là phản bội Tổ quốc theo thằng giặc rồi? Những chuyện đại loại như thế tựa vết dao cứa vào trái tim Miên. Bố Miên uống rượu nhiều hơn trước, mắc bệnh xơ gan, rồi một lần chảy máu dạ dày cấp, không cứu được nên mất. Trăng đã lặn, gió vẫn xao xác, tiếng gió gõ cục cục vào gốc ban, Miên khẽ nhỏm người dậy, cố không để phát ra một tiếng động, vén cao váy, Miên nhảng qua cửa sổ bám vào cành ban đu người xuống. Hai cánh tay cứng cáp đón lấy eo thon một cách nhẹ nhàng, người thiếu phụ nồng nàn đón nhận những cái hôn đằm thắm lên má, lên môi, lên mái tóc. Con trâu trắng gõ sừng cồng cộc vào gióng chuồng sau nhà. Con gà trống chuồng chực cất lên tiếng gáy báo canh nhưng lại thôi, chỉ có mấy con mái bị gà trống đánh động khẽ kêu tục tục… Thằng Nam mơ ngủ gọi lớn “Bố ơi!.. Bố ơi!...”. Miên giằng tay bạn tình leo thoăn thoắt lên cây ban, vén gọn váy nhảng qua cửa sổ chui vào màn. Con tim Miên đập dồn dập, cố nén hơi thở gấp gấp, quờ tay khắp đệm không thấy thằng Nam đâu. Miên bò ra ngoài sàn khua tay tìm kiếm… Từ gian buồng bên cạnh, tiếng mẹ Miên khẽ nói “Vào ngủ đi, nó nằm với bà rồi!”. Miên thở ào ào như muốn xả hết luồng hơi đang kìm nén đến nổ lồng ngực. Trời chưa sáng, Miên đã dậy nhóm bếp bắc nồi xôi, rút miếng cá sấy trên dánh bếp phủi khói bụi, cuộn vào lá dong chờ cho than hồng để nướng làm thức ăn đi rừng. Mùa này nhà nào cũng phải tranh thủ kiếm củi xếp gầm sàn để tháng sau vào gặt, rồi cày cấy, rồi phòng mưa mùa hạ.
Đeo bao dao vào lưng giống động tác của người đàn ông xứ núi, khoác chiếc ớp đựng xôi và cá nướng lên vai, Miên bước xuống bậc thang mà không chào mẹ như mọi ngày. Miên đi như chạy, con đường mòn dưới chân hôm nay không sỏi đá, không cỏ cây, đi mãi, đi mãi mà không rõ phía trước là rừng sâu hay vực thẳm. Miên biết mẹ thương con gái và thương cháu lắm, bà không muốn con phải khổ cũng như Miên không bao giờ muốn thằng Nam phải chịu khổ. Miên sẽ chịu khó làm, dành dụm cho nó đi học, học cao, cao nữa để làm cán bộ. Miên đã tốn bao nhiêu tiền đi lên huyện, lên tỉnh, lên cấp cao quân đội tìm cho ra tung tích của anh Thành, những lá đơn do Sinh viết hộ, Sinh đi tìm hộ cùng Miên đã có kết quả. Bố thằng Nam hy sinh thật rồi, trong sổ lưu trữ quân đội ở Hà Nội có danh sách báo tử, giấy báo gửi về tỉnh nhưng không hiểu lý do gì mà thất lạc, tỉnh không có danh sách liệt sĩ, như vậy là ở huyện, ở xã cũng không có. Sinh phải nổi cáu nhiều phen mới ra được cái giấy không ai muốn có ấy. Hôm qua thằng Nam được là con liệt sĩ, trong nhà có mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ. Miên trút được nỗi lo thằng Nam trở thành bụi đời. Tiếng gọi dồn từ phía sau:
- Miên!... Miên ơi!...
Bước chân Miên càng nhanh hơn, nhưng rồi lại chầm chậm dừng bước. Miên ngồi sụp xuống triền dốc, chống hai đầu gối lên và gục mặt lặng câm.
- Miên ơi… tối qua… thằng Nam khóc thật à?
Miên vùng vai hất bàn tay chai sạn vừa đặt lên vai mình và vẫn lặng im không nói. 
- Tôi yêu mẹ Nam thật mà… nếu cô ấy không rời xa tôi thì…
Miên vùng vằng đứng dậy chạy một mạch xuống dốc, nhào vào dòng nước suối đằm mình thật lâu. Ngày thường, mỗi lần gánh củi đến chân dốc, Miên khoan thai cởi hàng cúc bướm, nhẹ nhàng lội xuống lòng suối, nước ngập đến đâu Miên cuộn váy lên đến đó và cuối cùng xếp gọn trên đầu, để lộ thân hình gái một con giữa làn nước trong veo. Hôm nay thì không, Miên dìm mình trong cả bộ váy áo, chưa được một thanh củi nào cả. Trời tối sập, Miên mệt mỏi trở về, váy áo vẫn sũng nước. Mẹ già soi đèn ra sàn rồi lập bập vào nhà mở chiếc hòm gỗ đã tróc sơn lấy cho con gái bộ áo váy. Bà giục “Gội đầu ngay đi!...”. Rồi thở dài “Rõ khổ!...”. Từ hôm đó, Miên chặt bỏ cành ban xòa về phía cửa sổ. 
Nam được học hết cấp hai và đi trường trung cấp Lâm nghiệp. Nhà chỉ có hai người đàn bà, vợ liệt sĩ với mẹ liệt sĩ. Chính phủ bắt đầu có chính sách bình xét công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng phải có từ hai con hy sinh trở lên, hoặc có một con độc nhất hy sinh, đằng này mẹ Miên còn một người con trai, cậu ấy đi bộ đội trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đóng quân ở Hà Giang, may mà hòn tên mũi đạn nó tránh người, sau cậu lấy vợ và ở rể trên đó vì vợ nó là con một. 
Năm qua năm, bà ngoại đã già. Cứ mỗi lần giỗ ông ngoại bà lại nhìn qua cửa sổ thở dài, vài lần bà khẽ nói bâng quơ “Sao cành ban phía này lớn chậm quá thế!”. Cũng có lúc bà nghe dân bản quở trách “Bà không cho con Miên đi lấy chồng à?”. Nghe mà se sắt lòng. Bà thương con, muốn lắm nhưng nó là vợ liệt sĩ! Không thể được! Bà biết, mỗi mùa ban nở, bà vẫn giục con gái đi hội. Gái góa làm gì mà chẳng có người nhòm ngó? Huống hồ con Miên có đôi mắt còn sắc lắm, nước da có sạm nhưng đêm trăng nhìn vẫn hây hẩy, lưng ong vẫn thon thon là… Được bà động viên nó còn vào đội xòe của bản nữa. Bà luôn dặn “Đi hội xòe đừng uống rượu say, nhớ về nhé!”. Miên chưa bao giờ uống say, về sớm để đổ lúa vào cối giã chân, tiếng giã gạo hàng đêm mỗi lúc một gấp gáp. Nằm trên sàn nhưng bà vẫn cảm nhận tiếng thở phập phồng của nó. Dân làng nói bà bắt tội con gái, bây giờ có máy xay xát rồi, nhưng bà nói bà không thích ăn gạo xát, nhà có hai mẹ con ăn đáng mấy, gạo giã chả thơm ngon gấp mấy à! Miệng nói vậy nhưng lòng bà đau lắm!
Mùa hoa ban năm nay bà bảo với con gái:
- Mẹ Nam này!... Ngày mai tao sang chơi nhà dì Kết bên bản Nà Nưa, chắc hai, ba ngày mới về. Tao tự đi bộ cho khỏe đôi chân!
Bà ngoại diện chiếc váy nhung đen, áo cóm cũng nhung đen trông khỏe khoắn hẳn lên. Mẹ đi khỏi cổng thì Miên cũng khoác ớp, cài dao lên rừng. Qua triền cao su cây còn, cây chết, cây lớn, cây bé do luôn luôn phải trồng dặm. Nhớ một lần Sinh chống nạng lên ủy ban xã tranh đấu đòi lại đất, anh nói “Bố tôi bảo nếu đất này mà trồng được cao su thì những năm xưa thằng Pháp đã biến nơi này thành đồn điền chứ đâu chỉ có trong miền Nam!”. Thế là Sinh bị công an xã bắt nhốt mấy ngày, cho là chống lại chủ trương Nhà nước. Miên thở dài hồi tưởng cái ngày con Khẹn gói chùm hoa ban vào chiếc khăn tay tặng Sinh lên đường đi bộ đội. Những ngày ở hậu phương Khẹn cũng hoạt động thanh niên sôi nổi lắm. Thằng Bính rất yêu nó, nó bảo đợi Sinh thôi. Thế mà khi Sinh trở về cụt một chân, bố nó dứt khoát không cho cưới, nó bỏ nhà đi mất mấy năm. Khi con Khẹn quay về, cả bản tròn mắt nhìn nó trong bộ quần bò xẻ rách đầu gối, áo cánh dơi màu vàng lòe xòe, tóc nhuộm đỏ, mắt đeo kính đen đến là gớm. Nó thành bụi đời rồi! Nó ngó mặt Sinh hỏi “Chưa lấy vợ à? Kém thế!”. Ôi con người khi muốn đổi thay thì đổi thay nhanh chóng đến vậy! Mấy đứa thanh niên mới lớn cũng thế thôi, theo người ta đi làm phụ xây, đi đãi vàng cốm, đi xẻ gỗ… về mười đứa thì chín đứa rưỡi nghiện ngập ma túy. Đang nghĩ ngợi lung tung thì thấy tiếng lẹt kẹt tới gần, Sinh đã đi theo Miên. Độ này Sinh được ban thương binh cho lắp chân gỗ nên không phải kẹp nạng như xưa. Sinh mới được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã do đề xuất tái trồng loài hoa ban đặc trưng của quê hương, chính Sinh đã tự tìm cây giống, vận động cựu chiến binh và phụ nữ trồng hai bên đường làng, cây đã ra hoa, nhiều bản đua nhau trồng ban. Không những thế, các xã bạn cũng vận động trồng ban trắng, lá ban non giờ thành món đặc sản được ưa chuộng. Sang giêng hai hoa ban đua nhau nở sáng một vùng trời và trở thành lễ hội hoa ban. Sinh lại gần Miên mạnh dạn nói:
- Tối đi hội xòe về… Tôi đợi đầu đường hoa ban nhé!
Miên quay mặt đi, lẳng lặng phát mấy cây cao su gẫy khô, rồi bâng quơ phát cả mấy cành tươi chẳng để làm gì cả. Vẫn biết phong tục dân tộc mình cho phép khi chồng chết có thể kết hôn lại với anh chồng hoặc em chồng để tiếp tục có con nối dõi, nhưng tình yêu với Thành, người đang nằm lại ở phương trời Nam mà nhiều năm qua Sinh cùng Miên ra công tìm kiếm phần mộ vẫn chưa thấy khiến Miên không thể. Miên của thời “cải ngồng non” đã từng thổn thức đáp lại tình yêu nơi Sinh khi người ấy đang hụt hẫng vô vọng trước cách hành xử của Khẹn. Nắng mới nghiêng bóng Miên đã đút dao vào bao gỗ chạy chân sáo xuống chân dốc, rửa vội đôi chân, khỏa nhanh làn nước mát lên mặt rồi về nhà sửa soạn cho đêm hội xòe. 
Trăng lên cao rồi trăng lại xuống thấp. Gà đã gáy canh ba. Lần đầu tiên Miên về nhà muộn như thế, những chùm hoa ban đưa hương ngan ngát. Chui qua bức màn gian bằng vải láng đen mới giặt thơm nức, Miên ngả lưng, dang tay, dang chân như đứa trẻ chăn trâu ngày nào xoài mình trên thảm cỏ. Cái ngủ đến thật nhanh như của thời thiếu nữ.
Sáng tỉnh dậy, nhìn đồng hồ trên vách gỗ đã chỉ hơn sáu giờ, dậy muộn hơn mọi ngày tới hai tiếng đồng hồ. Theo thói quen, Miên vẫn chất củi nhóm bếp lửa xua hơi sương và xúc bát ngô xuống mở cửa chuồng gà vãi cho chúng ăn. Cây ban vẫn chi chít hoa, một màu trắng tinh khôi bừng sáng. Nhưng nơi gầm sàn không thấy đâu chiếc cần gỗ của cối giã gạo đã mòn vẹt dưới bàn chân Miên, chiếc cối gỗ chôn sâu dưới nền cũng bị đào lên, lớp đất mới lấp đầy hố sâu. Miên đang bàng hoàng thì Sinh mở cổng vào, dắt Miên về phía cột nhà nâu bóng phía sau nhà. Bộ chày cối được bà ngoại thằng Nam chỉ đạo treo lên dây quang vặn bằng mây chắc nịch. Mẹ bảo để đó làm của gia bảo, phải lau chùi hàng năm mỗi khi mùa ban nở. Mặt trời dìu dịu nhô lên, ánh nắng nhè nhẹ mơn man trên mỗi chùm hoa ban, cảm xúc của tình yêu dâng đầy. Những chú ong yêu mật ngọt khẽ cất lời hát vo ve, đôi bướm vàng tung cánh múa vờn từ cây ban sang cây khế đang trổ từng chùm hoa tím li ti. Con gà trống cất tiếng gáy vang trời, Miên mở cửa chuồng gieo từng nắm ngô vàng óng xuống sân. Anh gà trống xòa một bên cánh gại gại chiếc cựa, mỏ nhặt vội hạt ngô rồi lại buông xuống nhử mồi mấy chị gà mái. Miên dìu Sinh bước lên bậc cầu thang. Nắng đã trải vàng cánh đồng lúa sắp vào thì con gái. Từng làn mây trắng vắt ngang triền núi đang lan xa, lan xa…
                

K.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 1840
 Tổng số truy cập: 7485696
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa