Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Mẫu đơn vàng
Mẫu đơn vàng

Một hôm trời mưa tầm tã, ông Đức bảo vợ: “Bà chạy ra chợ Vồ mua ít thịt chó, mời chú Hạnh nhậu lai rai cho đỡ buồn. Khổ thân chú ấy, hơn 40 tuổi rồi mà không có vợ, cha mẹ chết hết, côi cút một mình. Lâu rồi không được ngồi với chú ấy kể chuyện chiến trường, tôi cũng thấy buồn”. Bà Mận đội áo mưa đi ngay. Ai chứ chú Hạnh thì bà không tiếc bất cứ thứ gì trong nhà, một đùm thịt chó nhằm nhò gì chứ. Chồng bà với chú Hạnh chơi với nhau từ thời cởi truồng, cưỡi trâu phi nước khắp cánh đồng, chơi khẳng, đánh đáo, đặc biệt là rủ nhau ăn trộm dưa của cụ Tuần trong làng. Hai người cùng nhập ngũ một ngày, cùng chiến đấu ở Quân khu 9 miền Tây Nam bộ. Ông Đức kể với vợ: “Trong trận tập kích chi khu Chèo Vịnh, nếu không có chú Hạnh cứu thì tôi chết mất xác rồi. Ở đời, ơn cứu mạng là ơn to nhất, không biết đến bao giờ mới đền đáp hết”.
Ngược thời gian, mấy chục năm trước, cụ thể là năm 1970, hai anh em cùng nhận được giấy gọi nhập ngũ. Mặc dù Đức hơn Hạnh 4 tuổi nhưng lại học với nhau, mới vào lớp 10 được 3 tháng. Hạnh mới 17 tuổi, còn Đức 21 tuổi. Gia đình Hạnh định lên xã khiếu nại vì chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng Hạnh gạt đi. Hạnh nói với bố: “Kệ họ đi mà, anh Đức đi thì con cũng đi, ở nhà một mình chán lắm”. Hai người chơi thân với nhau quá khiến họ không thể rời xa nhau, kể cả khi ra trận.
Đức học lớp 9 thì đã 20 tuổi rồi. Đợt đi thủy lợi đắp đê sông Đa Độ, Đức đã yêu Mận bên Gián. Mận đã sang nhà Đức chơi, ý như ra mắt nhà chồng tương lai. Khi có giấy gọi nhập ngũ, bố mẹ Đức bàn nhau cưới vợ cho anh, cô dâu không ai khác, chính là Mận. Tuần trăng mật của hai người chỉ vỏn vẹn có năm ngày, vậy mà Mận đã kịp có thai. Đúng ngày đúng tháng Mận đẻ một cô con gái xinh đẹp, đặt tên là Chanh. Chanh giống bố như đúc. Con gái giống cha giàu ba đụn.
Đức và Hạnh cùng được phân về đơn vị đặc công, chuyên huấn luyện đánh thành phố. Địa bàn huấn luyện tại thị xã Bắc Ninh. Hồi đó nhà cao tầng rất ít, trong thị xã này chỉ có duy nhất trường cấp 3 Hàn Thuyên là nhà tầng. Ban ngày học sinh học tập, buổi tối bộ đội mới có thể mượn nhà trường làm địa điểm huấn luyện, tập leo tường dốc đứng, tập chạy lên cầu thang, ném lựu đạn... Trong các đơn vị đặc công thì đặc công đánh thành phố phải huấn luyện, tập tành bài bản hơn cả. Một người cầm gốc cây sào dài chừng 7-8 mét, một người cầm vào ngọn cây, rồi đẩy nhau lên. Người trên ngọn leo được vào tầng một rồi, thì dùng dây kéo người kia lên và tác chiến độc lập. Một trong những bài huấn luyện đặc công rất quan trọng, đó là võ thuật. Lực lượng tinh nhuệ chuyên đánh giáp lá cà, không thể không biết võ. Lần đầu tiên được học võ thuật, anh em tân binh rất hào hứng, có người còn mong sớm được vào chiến trường tiêu diệt quân thù.
Sau một năm huấn luyện, Đức và Hạnh được về thăm nhà ba ngày, rồi lên đường đi chiến đấu. Đức phấn khởi nhất vì con gái tên Chanh đã hơn một tuổi rồi chập chững đi được mấy bước. Hạnh sang chơi thăm chị Mận và cháu, phấn khởi vui mừng. Mận làm mâm cơm thịnh soạn cho hai anh em say một bữa để ra trận lấy hên. Đức cầm ly rượu lên cụng với Hạnh, nói:
- Bên Tàu có ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào, hôm nay anh em mình kết nghĩa vườn chuối này nhé. Vừa nói Đức vừa chỉ ra vườn chuối trước cửa nhà mình, cười phớ lớ. 
Cả hai cụng ly uống cạn, cười khanh khách. Mận vui lây với hai anh em, chạy ra vườn cắt mấy quả chuối xanh, gọt vỏ chát, thái quân chì, hái nắm kinh giới, kẹp mắm tép. Uống rượu mà nhắm mồi này thì không biết say là gì. Con gà mái ghẹ luộc vàng rộm, Mận chặt ra hai đĩa, một đĩa cổ cánh, một đĩa lườn đùi. Hai anh em say túy lúy. Mãi tới khuya, Đức đưa Hạnh về nhà ở giữa làng. Đức muốn thắp nén hương lên bàn thờ nhà Hạnh, gì thì gì, hai người đã tuyên bố kết nghĩa anh em với nhau rồi.
Đức và Hạnh cùng được bổ sung quân vào chiến trường miền Tây Nam bộ, cụ thể là biên chế vào sư đoàn 4, Quân khu 9. Chiến trường miền Tây sông nước, đặc công chủ yếu đánh đồn, tiêu diệt các chi khu, mở rộng vùng giải phóng, không có nhà cao tầng như trong huấn luyện. Để tiến hành đánh phá một đồn bốt nào đó thì bộ phận “điều nguyên” phải vẽ được sơ đồ địa hình, các công sự lô cốt, hàng rào dây thép gai xung quanh... để lập trận địa mô phỏng cho bộ đội tập công kích. Chiến thuật của đặc công là bí mật, bất ngờ, cắt hàng rào và bò lên tiêu diệt cứ điểm, các lô cốt bê tông là mục tiêu phải diệt đầu tiên. Nếu đội hình đang tiếp cận mục tiêu mà bị lộ, địch bắt ra ngăn chặn thì phải lập tức chuyển sang phương án 2, công đồn bằng hỏa lực mạnh, dùng mìn định hướng cỡ lớn quét bay hàng rào, mở đường cho bộ đội lao lên...
Trận ấy, đơn vị triển khai tiêu diệt đồn Chèo Vịnh, Đức được giao nhiệm vụ cầm quả bộc phá nặng 5 cân, có cán tre dài để giật chốt nhét vào lỗ châu mai lô cốt đầu cầu, tiêu diệt hỏa lực khẩu 12 ly 7 của địch cho quân ta xung phong lên. Hạnh được phân công vác khẩu B40, sẵn sàng phụt tiêu diệt hỏa lực địch từ xa nếu bị lộ. Trận công đồn thất bại. Ba chiến sĩ trinh sát đang cắt rào mở lối thì chạm vào ống bơ có hòn sỏi bên trong, phát tiếng kêu, lập tức hỏa lực địch trong lô cốt đầu cầu vãi ra như mưa. Những đường đạn đỏ lòm lao vào đội hình chiến sĩ đặc công đang nằm ém ngoài hàng rào. Lệnh công đồn bằng hỏa lực được phát ra bằng viên đạn lửa của tiểu đoàn trưởng, quả mìn định hướng đặt bị lệch, không quét hết hàng rào, bộ đội bị mắc lại, không tiến lên được. Vô số anh em hy sinh, bị thương nằm la liệt. Lệnh rút quân được ban ra, mạnh ai người ấy rút, trong đêm tối không thể nhận biết ai với ai vì trên người, trên mặt đầy bùn đất. Đội hình cứu thương được lệnh bò vào lôi thương binh ra ngoài. Hạnh kiểm tra kỹ số thương binh nằm trên bến sông, chuẩn bị đưa lên thuyền chở về trạm cứu thương dã chiến mà không thấy Đức đâu. Anh báo cáo chỉ huy, rồi quay lại, bò vào hàng rào tìm kiếm. Đức bị gẫy chân phải, nằm ngất lịm dưới vũng bùn cỏ lún phún, quả bộc phá lăn lóc bên cạnh. Một mình Hạnh đặt Đức nằm trên lưng mình, kéo quả bộc phá, rồi bò ra, khẩu súng 12 ly 7 từ lỗ châu mai vẫn khạc lửa xung quanh đồn.
Ngày thống nhất, bản đồ chữ S được nối liền một dải non sông, sau đợt an dưỡng Đức xuất ngũ trở về với gia đình, quê hương. Con gái anh đã học hết cấp 1. Chị Mận thì khỏi phải nói rồi, sung sướng tột độ, còn sống trong trận chiến này quả là một phép mầu nhiệm, một ân huệ mà các thánh thần ban cho. Đã bao nhiêu đêm, chị âm thầm thắp hương khấn vái, chỉ mong chồng được nguyên vẹn trở về. Đức trở về không trọn vẹn lắm, mất một chân, vẫn chống nạng đi lại bình thường, vẫn làm được mọi việc. Tiền phục viên, Đức đưa cho vợ đầu tư nuôi vịt. Đức không lội bùn được, nên chuyển sang nuôi vịt đẻ. Bao nhiêu kinh nghiệm chăn vịt của tiền bối được đem ra áp dụng. Đàn vịt đẻ trên 200 con, mỗi ngày cho trên dưới trăm quả trứng. Chị Mận ngày nào cũng gom trứng ra chợ bán, rất đắt hàng. Vịt đẻ của anh Đức nuôi bằng ngô nên trứng thơm ngon. Mảnh vườn sau nhà rộng mấy trăm mét vuông, anh xới tơi xốp nuôi giun đất cho vịt ăn mỗi tuần một bữa. Tiếng lành đồn xa, lái buôn tới tận nhà anh thu mua trứng, chị Mận không phải đi chợ nữa. Cuộc sống gia đình anh Đức ngày càng khấm khá, có của ăn của để. Chị Mận mãn nguyện với cuộc sống của gia đình mình. Cô con gái tên Chanh lớn nhanh, học giỏi nhất nhì lớp. Anh Đức được bầu làm chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn. Đàn vịt đẻ đã phát triển lên gần 500 con, chị Mận thuê người làm công để chồng có thời gian hoạt động xã hội. Mỗi buổi họp mặt chi hội Cựu chiến binh, chị Mận lại mở hầu bao thết đãi anh em bữa cơm thân mật. 
Sau ngày thống nhất, anh Hạnh ở lại phục vụ quân đội thêm mấy năm nữa rồi cũng phục viên về làng. Trong thời gian anh ở chiến trường, cha mẹ anh đều đã quy tiên, căn nhà hai cụ để lại được bà con lối xóm trông nom, khóa cửa chờ anh về. Anh Đức mừng lắm, thế là hai anh em kết nghĩa vẫn còn sống. Chị Mận làm mâm cơm thịnh soạn cho hai anh em hàn huyên. Hạnh bị sốt rét từ hồi hành quân trên dãy Trường Sơn, môi thâm, tóc rụng lưa thưa, nhìn già đi so với anh Đức. Chị Mận bảo: “Chú Hạnh sửa lại nhà cửa rồi cưới vợ đi, 30 tuổi rồi đấy”. Hạnh chép miệng: “Chả hiểu sao nhìn thấy gái em chẳng cảm giác gì, bây giờ chỉ thích ở một mình thôi. Nhà mình nghèo quá, đứa nào nó lấy hả chị”. Hạnh cầm về cho cháu Chanh con búp bê màu hồng, nó thích lắm, cứ sà vào lòng chú ngồi. Chanh bảo: “Mẹ ơi, mẹ thay váy búp bê cho con nhé, con thích nó mặc váy màu hồng, váy màu xanh xấu lắm”. Chị Mận gật đầu đồng ý, chị liếc xéo con “Thôi ra đi cho chú uống rượu với bố, mai mẹ mua váy hồng thay cho nó”. Chanh cầm con búp bê hồng chạy sang hàng xóm khoe bạn.
Hai anh em ngồi nhâm nhi tới khuya. Chị Mận làm thêm đĩa trứng vịt chiên lá mơ, rót thêm ít rượu ngâm ba kích. Được cái, hai anh em uống say cỡ nào cũng chỉ nói chuyện, không ai bị nát. Chị Mận thích điều đó. Bao nhiêu năm chồng chị uống rượu một mình, bây giờ chú Hạnh về rồi, thật là vui. Anh Đức thì khỏi phải nói rồi, rượu ngon không có bạn hiền, uống đắng ngắt, cuộc sống còn gì hơn khi vui buồn có anh có em. Anh Đức nâng chén rượu nhìn Hạnh nói: “Chú định làm gì chưa?”. Hạnh lắc đầu: “Em chưa biết làm gì, nhà thì dột, vườn cỏ mọc um tùm, cấp bách phải xây mộ cho hai cụ nữa”. Chị Mận cắt ngang: “Dào ơi, chuyện đó tính sau, bây giờ cấp bách là phải cưới vợ cái đã, đàn ông không có vợ thì chẳng làm được gì đâu”. Anh Đức hùa theo: “Chị nói phải đấy, có ít tiền phục viên, sửa nhà rồi cưới vợ, việc đó là cấp bách nhất”. Nói tới việc cưới vợ, Hạnh có vẻ dửng dưng thế nào ấy. Hạnh bảo: “Em thấy người yếu lắm, chả thiết vợ con gì”. Mà công nhận nhìn Hạnh yếu thật, nhiều người bị sốt rét ở Trường Sơn, khi ra Bắc là phục hồi, riêng Hạnh thì vẫn mắt trắng, môi thâm, tóc dựng lơ phơ, gầy đét. Anh Đức gật gù bảo: “Ừ thôi vội gì, chữa bệnh đã, lấy vợ mà yếu như sên thế này cũng tội”. Hạnh bảo: “Mấy tháng nằm bệnh xá sư đoàn mà chẳng biến chuyển gì, cứ tầm ba tháng em lại bị sốt một trận lên bờ xuống ruộng. Con vi trùng sốt rét này ác thật”.
Anh Đức chợt nhớ tới trận Chèo Vịnh, nhìn Hạnh hỏi: “Tại sao trận ấy chú lại phát hiện anh còn nằm trong hàng rào?”. Hạnh bảo: “Có lẽ do thần giao cách cảm anh ạ. Nhìn đám thương binh nằm la liệt trên bãi sông, em cứ thấy nóng ruột như lửa đốt bên trong, thế là xông vào vạch mặt kiểm từng người. May mà lúc đó trăng vẫn còn lờ mờ nên em mới thấy không có anh. Toàn đại đội mình chỉ còn 5 người không bị thương, trong đó có em. Khi khẩu 12 ly 7 từ trong đồn bắn ra như mưa, em chợt thấy trước mặt mình có cái hố nông choèn, hình như là cái đìa cũ, em liền lao xuống, nằm bẹp, đạn bay vèo vèo trên đầu. Khi em quay lại tìm anh thì khẩu 12 ly 7 không bắn nữa, chúng tưởng bộ đội rút hết rồi”. Đức không nghe hết câu chuyện Hạnh nói. Anh quỳ xuống, chắp tay vái trước mặt Hạnh:
- Xin tiểu đệ nhận cho huynh đây một lạy. Nếu không có tiểu đệ thì huynh thành bùn rồi...
Gần nửa năm tu bổ cơ ngơi, Hạnh đã có cuộc sống bình yên, nhà cửa khang trang, vườn rau, ao cá. Chị Mận nói với Hạnh: “Trước mắt chú cứ làm tạm cho anh chị, mỗi tuần đào mấy ký giun đất cho lũ vịt đẻ ăn. Nếu muốn gây một đàn riêng thì anh chị giúp đỡ, cấp vốn ban đầu, cầm tay chỉ việc. Quan trọng nhất trong nghề này là phòng bệnh cho vịt, nếu đàn vịt bị trúng dịch thì coi như cụt vốn liền”. Hạnh gật đầu bảo: “Vâng, em sẽ đào giun cho đàn vịt nhà anh chị đã, công xá không thành vấn đề, gây đàn riêng làm gì cho mệt người. Em sống một mình, cần gì đâu, mỗi bữa cốc gạo, mớ rau muống là ung dung rồi”. Anh Đức thì nhất nhất bắt Hạnh mỗi ngày đều phải sang ăn cơm tối cùng gia đình cho vui. Nói thế thôi chứ thực tình anh Đức muốn Hạnh sang chơi cho đỡ buồn, nhân tiện còn cùng nhau “nâng lên hạ xuống”, đời còn mấy tí. Anh vỗ vai Hạnh nói: “Đệ phải sang đây để huynh còn thể hiện trả ơn chứ. Ơn cứu mạng trả hết đời còn chưa xong...”. Hạnh bảo: “Trả kiểu này thì nhanh chết, ngày nào cũng vặn cổ chai”.
Hạnh rất thích công việc đào giun đất cho vịt ăn. Bà con trong làng biết Hạnh đào giun đất, ai cũng muốn mời mọc vào vườn nhà mình đào. Hạnh kiếm được giun, còn vườn nhà họ được xới lộn lên không công. Có người còn nói, mỗi tháng ít nhất chú phải tới nhà tôi đào giun một lần. Hạnh biết ý đồ của họ rồi, chẳng tốt quá đâu nhưng hai bên đều có lợi. Nhờ công việc này mà Hạnh biết hết mọi gia đình trong làng, bà con ai cũng quý Hạnh lắm, nhà nào có con gái quá lứa đều tìm cách thả thính, gạ cho không.
Hạnh không lấy vợ là một trong những đề tài bàn tán hót nhất làng. Ở đâu, hễ có từ hai người trở lên là lại bàn tán chuyện không lấy vợ của Hạnh, mỗi người đoán già đoán non mỗi khiểu. Đám con gái thì gọi anh là “Hạnh cô đơn”, có cô thả thính mãi không được thì trù ẻo “cho hắn chết già đi, tưởng mình có giá lắm đấy”.
Một hôm anh Đức hỏi Hạnh: “Chú nhìn thấy gái có thích không?”. Hạnh bảo “Thích chứ, em là đàn ông mà”. “Thế sao không lấy vợ?”. Hạnh vẫn trả lời như cũ “Lấy về chỉ khổ người ta, không cắt được bệnh sốt rét, người yếu lắm”. Đức cho Hạnh biết, hiện nay trong làng có phong trào lấy chồng Hàn Quốc, nếu không nhanh thì chẳng còn đứa con gái nào nữa đâu. Hạnh chẳng màng nghe thông tin này, chả liên quan tới anh. Anh Đức, chị Mận buồn tê tái khi Hạnh hơn 40 tuổi rồi vẫn sống một mình. Mỗi khi nghe bọn con gái nói tới “Hạnh cô đơn” trong câu chuyện, anh Đức cảm giác như có mũi kim đang đâm tim mình. Chị Mận cũng buồn tê tái. Kể từ khi hai anh em kết nghĩa vườn chuối, chị đã coi Hạnh như em ruột của mình rồi. Hôm nào Hạnh không sang ăn cơm buổi tối, chị lại sai cái Chanh chạy sang xem chú có chuyện gì không. Chanh lại rất thích sang nhà Hạnh chơi vì trong vườn nhà chú có nhiều loài hoa lắm. Riêng loài mẫu đơn, chú Hạnh đã sưu tầm tới ba màu khác nhau trồng trong vườn, Chanh rất thích mẫu đơn màu vàng. Con gái mới lớn không hiểu sao chỉ thích màu hồng và màu vàng. Bố mẹ mới mua cho cái điện thoại thông minh, Chanh bắt đầu chơi phây búc. Những bức ảnh Chanh chụp hoa mẫu đơn vàng, liên tục được pót lên mạng khiến bọn con gái chết mê. Nhiều bức ảnh Chanh chụp với chú Hạnh đứng bên hoa mẫu đơn vàng, đẹp như đôi tình nhân. Mới học lớp 10 mà Chanh phổng phao như thiếu nữ. Chú Hạnh tuy hơn cháu tới 18 tuổi nhưng lên ảnh cũng xêm xêm nhau, không ít bạn phây còn nghĩ chú ấy là người yêu của Chanh nữa. Hạnh thấy cháu Chanh thích hoa thì ra sức sưu tầm thêm nhiều loại về trồng. Anh còn bỏ tiền triệu mua mấy cây hoa súng của Mỹ thả dưới ao, hoa đỏ chót to như cái bát tô, ngắm không chán mắt. Chanh còn kéo bạn cùng lớp về nhà chú Hạnh chụp ảnh với hoa, chúng mê mẩn chẳng muốn về. Khi biết chú Hạnh gần 40 tuổi vẫn chưa có vợ, có đứa bịt miệng cười, đúng là con gái mới lớn rất nhạy cảm về giới tính. Chúng nhìn chú Hạnh với ánh mắt khó hiểu, lạ lẫm, dị thường.
Thời gian trôi đi nhanh quá, loáng cái Chanh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông nghiệp tỉnh rồi. Chanh học xong không xin việc, mà ở nhà giúp mẹ trông coi đàn vịt đẻ, cô có ý định làm trang trại vịt với mấy nghìn con. Anh Đức mừng lắm, con gái thạo nghề rồi, anh được nghỉ ngơi, chuyên tâm vào công tác xã hội. Chanh thành lập công ty Chavidoxu chuyên nuôi vịt đẻ, bán trứng vịt lộn và vịt con giống. Cô làm dự án xin ba ha đất xây dựng trang trại. Chanh nói với chú Hạnh:
- Chú giúp cháu trồng hoa mẫu đơn vào những chỗ đất trống trong công ty cho đẹp. Đặc biệt, hai bên lối đi từ cổng vào thì trồng mẫu đơn vàng. Cháu muốn khách tới đây không chỉ ký hợp đồng mua vịt, mà còn ngắm hoa, thư giãn nữa.
Hạnh hiểu ý của cháu Chanh, chuyện này với anh thì đơn giản. Hạnh bắt tay vào ươm giống mẫu đơn trong vườn nhà mình rồi đưa ra trồng ở công ty. Công việc bận rộn nhưng vui, vì đó chính là sở trường của Hạnh. Hồi đóng quân ở miền Tây, Hạnh đã chơi với một người chuyên trồng hoa mẫu đơn nên biết cách chăm sóc. Hạnh rất thích công việc này, một phần vì sở trường, một phần lại giúp được cháu Chanh làm đẹp công ty.
Một hôm Chanh ngồi ở công ty lướt mạng, chợt thấy bài báo viết về bệnh sốt rét kinh niên. Tác giả bài báo mách, nếu uống nước “địa long” (giun đất) thì nhiều người khỏi bệnh. Bài báo còn giới thiệu địa điểm mua địa long đã chế biến sẵn trên phố Lãn Ông. Chanh nghĩ ngay tới chú Hạnh đang bị bệnh này hành hạ. Chanh âm thầm đặt mua địa long về sắc cùng mấy vị thuốc bắc cho chú Hạnh uống. Hạnh không biết đó là thứ gì, mà uống theo “mệnh lệnh” của cô cháu gái. Chanh còn nói: “Nếu chú không uống thì cháu với chú coi như không còn quan hệ gì hết”. Thế là Hạnh phải uống, trên cõi trần này có thể mất bất cứ thứ gì, chứ không thể mất gia đình anh Đức, chị Mận và cháu Chanh. Mỗi ngày, Chanh đem địa long ra công ty sắc kỹ, chiều về, tạt vào đưa cho chú Hạnh uống. Có chiều mang thuốc đến cho chú Hạnh, trời bất chợt đổ mưa to, sấm chớp ầm ầm, Chanh gọi điện xin phép bố mẹ ngủ lại nhà chú Hạnh. Chanh rất thích nghe chú kể chuyện chiến trường, đặc biệt là chuyện chiến đấu ở mặt trận Tây Nam. Chú Hạnh có năng khiếu kể chuyện khiến Chanh mê mẩn như thể nghe đài đọc chuyện đêm khuya. Chú Hạnh nói:
- Lính miền Tây ai cũng thạo chèo xuồng ba lá, thậm chí chạy xuồng máy như điên. Hành quân trên kênh rạch, ba anh em một xuồng, thay nhau chèo, một người móc mũi, một người móc lái, người ngồi giữa nghỉ ngơi, cứ thế hành quân suốt đêm tới điểm công đồn. Lính miền Tây hầu hết đều biết nhậu, không biết nhậu thì chẳng biết ngồi ở đâu. Đàn ông trong ấy nhậu liên miên, ban ngày ra đồng làm cật lực, đêm tụ tập nhậu nhẹt tới bến, có men trong người thì hát vọng cổ rất vui. Chú cũng biết đổ rành 6 câu...
Chanh bảo chú Hạnh hát thử mấy câu vọng cổ. Hạnh lấy hơi, lên liền “Xin em đừng cắt dây chuông, đừng lạnh lùng khép cổng, anh tìm đến đây với nỗi lòng thương nhớ, dù mối tình xưa không vong phụ bao giờ....” Chanh vỗ tay, bảo: “Đây là bài Lan và Điệp. Cháu thích bài này lắm”. Chú Hạnh bảo: “Đúng rồi, bài này hồi trước bị cấm hát, quy tội nhạc vàng, ủy mị, lời ca làm mất sức chiến đấu của tuổi trẻ. Cuộc chiến tranh vệ quốc, cần những chiến sĩ quả cảm, chỉ hát những bài nâng cao tinh thần chiến đấu như bài: Tự nguyện, Chiếc gậy Trường Sơn...”. Chanh cười nghặt ngẽo, điệu cười rất khó hiểu, Hạnh cũng không hiểu. Chanh ngồi nói chuyện với chú Hạnh không biết chán. Những câu chuyện chú Hạnh kể, Chanh thấy lạ tai. Bố cô cũng là lính miền Tây, cùng chiến đấu với chú Hạnh nhưng chẳng biết kể chuyện gì, lạ thật. Thế mới biết kể chuyện là một năng khiếu rất đặc biệt của con người. Chú Hạnh bảo ở miền Tây cá tôm nhiều lắm. Tối cắm chục cái cần câu ở bờ kênh, sáng ra nhấc về đủ mười con cá lóc. Cá lóc nướng cỏ khô, nhậu lai rai, hết sẩy. Mùa khô rủ nhau đi rận cù bắt chuột đồng cứ gọi là mê li. Mọi người đứng vòng tròn, rận cỏ lăn kép dần vòng tròn lại, chuột đồng dồn vào cả đống. Chuột đồng béo mẫm, lột da nướng vàng, thơm lừng, bao nhiêu chai cho đủ. Chú Hạnh kể chuyện nhậu miền Tây khiến Chanh ứa nước miếng. Chanh bảo giá có con chuột đồng nướng ăn thử cho biết mùi đời. Hai chú cháu ngồi với nhau tới khuya, bất chợt Chanh thấy chú Hạnh nhìn mình với ánh mắt lạ lắm, không bình thường. Mặt trăng méo dần, lần vào đám mây. Chanh lại thấy thích ánh mắt lạ của chú Hạnh, có gì đó gần gũi, thân thương. Chanh vẫn nhớ như in, rằng chính chú đã cứu mạng bố mình trong trận công đồn Chèo Vịnh.
Sau ba tháng uống địa long hầm với thuốc bắc, sức khỏe Hạnh tốt hẳn lên, môi không còn thâm nữa, mắt cũng có màu bình thường, lên mấy cân liền. Hạnh chợt thấy mình khỏe ra lạ lùng, trong tim trào dâng những cơn sóng háo hức. Một ngày cháu Chanh không tới, tự nhiên Hạnh thấy buồn buồn. Bây giờ có lẽ Hạnh không mong Chanh mang thuốc uống tới mà còn mong một điều gì đó nữa, một điều gì đó rất mơ hồ. Chanh thì mừng lắm, công lao đã được đền đáp. Anh Đức còn vui hơn khi thấy chú em kết nghĩa béo tốt, hồng hào trở lại. Chị Mận cũng mừng không kém. Tuy nhiên chị có cảm nhận một điều gì đó lạ lẫm, con gái mình nhắc tới chú Hạnh bằng giọng điệu khác thường.
Một hôm, Hạnh đang lúi húi trồng mẫu đơn vàng xung quanh phòng thú y, Chanh chăm chú đứng xem, rồi chợt hỏi:
- Chú Hạnh ơi, chú hơn cháu bao nhiêu tuổi nhỉ? - Hạnh nhẩm tính mấy giây rồi đáp “18 tuổi”. Bố mẹ cháu cưới nhau, chú 17 tuổi, cháu ra đời thì chú 18 tuổi. Chanh làm như vô tình, ngúng nguẩy bỏ đi, chợt cười vô cớ, mình 25 tuổi, chú ấy 43 tuổi. Đàn ông 43 tuổi liệu đã già chưa nhỉ?
Một công ty có chuỗi nhà hàng vịt quay hiệu Đình Vân trên Hà Nội, mời Chanh lên ký hợp đồng cung ứng sản phẩm. Chanh muốn rủ chú Hạnh cùng đi. Chú Hạnh giỏi võ, lại điềm đạm, chắc chắn giúp được rất nhiều việc. Còn điều nữa mà Chanh không muốn nói ra, đó là chú ngày càng đẹp giai, da trắng, ngực nở giống lực sĩ. Đám con gái làng thi nhau thả thính, ngắm nghía nhưng chú chẳng màng ai. Có lần Chanh hỏi chú “Sao không lấy vợ?”. Chú bảo “Khi nào cháu lấy chồng thì chú mới nghĩ chuyện lập gia đình”. Chanh thấy lạ quá, chả nhẽ hạnh phúc của chú lại phụ thuộc vào cô cháu gái này hay sao? Chanh thích đặt ra những câu hỏi cho chính mình, mà không cần câu trả lời.
Bố mẹ Chanh đồng ý để chú Hạnh đi cùng bảo vệ con gái. Chanh thấy vui vui. Hình như chính anh Đức cũng bắt đầu nhận thấy điều gì đó bất thường mỗi khi Chanh nói về chú Hạnh. Rồi lại nghĩ, chỉ là một thoáng gây nhiễu thôi, chứ chẳng có gì đặc biệt đâu. Hạnh là em kết nghĩa của Đức, là chú của Chanh, là một người lính chiến đấu kiên cường thì sẽ chẳng có việc gì mờ ám. Đến Hà Nội, Chanh thuê một phòng trong khách sạn 3 sao cho hai chú cháu. Chanh bảo: “Thuê một phòng cho đỡ tốn kém chú ạ”. Hạnh thấy có gì đó bất tiện, đứng tần ngần mãi ngoài cửa, nhưng nghĩ tới tiền thì lại thôi. Gì thì gì Chanh cũng là con gái chưa chồng, còn mình vai chú nhưng chưa vợ. Phòng có hai giường, mỗi người một giường. Chanh bảo “Chú nằm gần điều hòa, cháu bị dị ứng lạnh, nằm giường xa hơn”. Đây là lần đầu tiên trong đời Hạnh được vào khách sạn 3 sao, cực kỳ sạch sẽ và sang trọng. Nếu không có Chanh thì bao giờ anh mới biết cái khách sạn 3 sao nó ra làm sao. Chanh mặc bộ đồ ngủ lụa mỏng tang đứng ngay trước mặt Hạnh, khiến anh bối rối. Hạnh cố tình nhìn ra ngoài cửa sổ, Chanh tiến tới đứng chắn mặt anh một cách khó hiểu. Đôi mắt Hạnh không còn nơi nào để nhìn nữa, đành nhìn thẳng vào khoảng lõm trên ngực Chanh, cặp hồng đào tròn trắng, phập phồng. Hạnh bảo “Cháu thuê một phòng nữa đi, chú ngại quá, nhỡ bố mẹ cháu biết thì phiền lắm”. Chanh bảo “Cây ngay không sợ chết đứng, tốn kém lắm chú, phí phạm nữa. Bố mẹ cháu biết thì có làm sao, cháu lớn rồi, 25 tuổi rồi, chú cũng lớn rồi, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình”. Chanh nhìn thẳng vào mắt Hạnh:
- Chú nói thật đi, có thích cháu không?
Hạnh không biết phải trả lời cô cháu thế nào. Thực tình mà nói thì Hạnh quý Chanh, rồi thích cô cháu gái từ lâu rồi, nhưng cứ nghĩ sẽ chẳng đi đến đâu vì rào cản quan hệ gia đình. Còn Chanh thì biết rất rõ, chú Hạnh thích mình, giác quan thứ sáu của con gái mách bảo cô điều đó, không thể sai được. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, người khác giới chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu. Đèn ngủ lờ mờ, Hạnh nằm nghiêng, ti hí mắt lươn nhìn Chanh, bộ quần áo lụa dán sát vào người nổi lên những đường cong “chết chóc”. Bản lĩnh đàn ông được đánh thức, Hạnh bức xúc như bị trời hành. Mỗi khi Chanh co duỗi chân, ống quần rộng lại để hở cặp đùi trắng nõn. Chanh có lẽ cũng không ngủ được, cô nằm giả vờ ngủ, vẫn nghe rõ từng lần chú Hạnh trở mình. Cô biết chú Hạnh thích mình, yêu mình mà không dám nói. Chú đang ở thế bề trên, là bạn thân, là anh em kết nghĩa vườn chuối với bố cô thì sao có thể nói lời yêu cô được. Chanh bật dậy đi sang giường chú Hạnh, ngồi xuống bên cạnh, hy vọng chú sẽ có động tác nào đó lãng mạn của tình yêu. Hạnh cũng ngồi dậy, ngồi như ông phỗng, nhìn khắp người Chanh không chớp mắt. Một phút trôi qua, hai phút trôi qua, chú ngồi như khúc gỗ, mặc dù Chanh nghe rõ tim chú đập thình thịch. Chanh chủ động ôm chú Hạnh, hai người nằm bên nhau cho hết đêm nhưng không đi quá giới hạn. Hạnh bảo “Chú sợ lắm, nhỡ bố mẹ cháu biết thì làm thế nào”. Chanh bảo “Chẳng có gì phải sợ, cháu có cách, quan trọng là chú có thích cháu không?”. “Có, chú yêu cháu lắm Chanh ơi!”.
Chị Mận thấy bất an khi Chanh đi với chú Hạnh đã hai ngày rồi mà chưa về. Ngày nào chị cũng điện cho con gái. Chanh bảo chiều nay sẽ về tới nhà. Chị Mận đem lo âu của mình nói với chồng:
- Mình ơi, tôi thấy cái Chanh với chú Hạnh có gì đó ngờ lắm. Hôm qua tôi gọi cho nó lại thấy trong phòng có quần áo chú Hạnh, hóa ra hai người ở một phòng...
Anh Đức gật gù: “Thế nào là bất an, chú Hạnh là ai chứ, lo bò trắng răng”. Có lẽ anh Đức quý chú Hạnh quá nên nghĩ như vậy, chị Mận thì nghĩ khác. Chị cũng là đàn bà, một khi con gái lại thích đi chơi xa với một người đàn ông thì chắc chắn có chuyện rồi. Chị ngồi hình dung lại mấy tháng nay, cái Chanh mua địa long cho chú Hạnh uống, chụp ảnh với Hạnh đưa lên phây búc, tuyển dụng Hạnh vào làm trong công ty, đi Hà Nội ở chung một phòng... Nhiều đêm Chanh còn ở nhà chú Hạnh ăn cơm, nghe chú kể chuyện chiến trường tới khuya mới về. Thiên hạ đang đồn rầm rầm rằng, Chanh và Hạnh đang yêu nhau. Sau một hồi suy đoán, chị Mận kết luận con gái mình đã phải lòng chú Hạnh rồi. Chỉ anh Đức là không tin.
Chanh đã hoàn thành chuyến công tác đầu tiên, ký được hợp đồng cung ứng vịt. Hợp đồng này sẽ tạo công ăn việc làm cho công ty trong 5 năm. Cô vui lắm, vạn sự khởi đầu nan, không ngờ công việc lại thuận lợi thế. Hạnh về nhà nằm bẹp rúm, không dám sang nhà Chanh chơi vì sợ đối mặt với anh kết nghĩa. Anh Đức, chị Mận gọi Chanh ra hỏi:
- Con có chuyện gì giấu bố mẹ không?
Chanh đỏ mặt, lí nhí không nói ra lời, cô chẳng biết phải trình bày từ đâu. Chị Mận nói toẹt ra:
- Mẹ hỏi, mày với chú Hạnh là thế nào, thiên hạ đồn ầm ầm bố mẹ mới biết...
Chanh không còn đường lui nữa, đành thú tội:
- Dạ thưa bố mẹ, con với chú Hạnh yêu nhau rồi ạ...
Anh Đức không nói gì, chị Mận nhìn chồng chờ quyết định cuối cùng. Anh Đức vào tủ lấy ra chai rượu ba kích ngâm với rễ đinh lăng, rót ra một chén đầy, tu cạn. Anh nhìn lên trời, trăng hạ tuần nhô cao, mây trắng lơ phơ. Một đêm gió mát trăng thanh. Chị Mận vẫn kiên nhẫn chờ đợi chồng phán xét, không giám mở mồm nói trước. Anh Đức rót thêm một chén nữa, vẫn đầy tràn, tu cạn, trong lòng anh rối bời. Chanh nhìn bố nín thở, liệu cô có phạm phải một sai lầm nghiêm trọng không? Cô đã chuẩn bị sẵn mấy phương án bảo vệ tình yêu của mình. Cô đã lớn, đã trưởng thành, không còn là con Chanh nhỏ xíu ngày nào nữa. Anh Đức nhìn thẳng vào mắt con gái yêu để cố tình tìm ra một điều gì đó phi lý...
Hôm sau, anh Đức bảo vợ làm một mâm cơm thịnh soạn, rồi đích thân gọi Hạnh sang. Hạnh sợ lắm, biện lý do bị ốm không sang nhưng không được. Chanh gọi điện cho Hạnh, chú phải sang nói chuyện với bố mẹ cháu một lần cho dứt khoát. Chị Mận bưng mâm lên, anh Đức nói với Hạnh: “Chú có nhớ hôm nay là ngày gì không?”. Hạnh lắc đầu, run sợ. Đức nói tiếp “Hôm nay chính là ngày trung đoàn 2 tấn công đồn Chèo Vịnh. Tuy nhiên bữa rượu hôm nay không phải bữa kỷ niệm trận đánh ấy, mà là bữa rượu hủy bỏ kết nghĩa vườn chuối của anh em mình 25 năm về trước”. Hạnh tái mặt, quỳ xuống chắp tay vái Đức và chị Mận:
- Em xin anh chị tha tội chết. Anh chị phán quyết thế nào em cũng xin nghe theo. Xin anh đừng hủy tình huynh đệ, em đáng tội tùng xẻo...
Anh Đức đỡ Hạnh ngồi dậy, đưa chén rượu cụng ly:
- Ô hay, cụng ly uống cái đã. Chú đã nghe hết câu chuyện của anh đâu mà xin chết xin sống thế.
Hạnh run run cầm chén rượu uống cạn. Đức nói:
- Kể từ giờ phút này, không còn anh em gì nữa, mà mày sẽ là con rể của tao...
            

    L.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 146
 Hôm nay: 4140
 Tổng số truy cập: 7524823
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa