Cỏ tranh quanh năm xanh tốt, hoa trắng đồi, cong mềm triền dốc. Cỏ tranh sống bên cạnh cỏ lau, chúng thường ra hoa cùng đợt, mỗi độ rộ hoa là triền đồi, triền núi miền sơn cước Quan Sơn đẹp hút hồn người. Hoa bung nở, hạt sẽ phát tán theo gió mà bay khắp thung sâu, đồi cao, đồi thấp, nương rẫy, rừng rậm, rừng thưa… Tất cả đều có thể là địa điểm lí tưởng cho một rừng, một vạt, một chòm cây cỏ lau, cỏ tranh sinh sôi. Mùa này, nắng ở Quan Sơn đẹp lắm, khi nắng sớm vươn lên qua núi, chiếu những tia đầu tiên lên cỏ tranh, cỏ lau còn ướt sương đêm thời khắc ấy bức tranh cỏ hoa miền sơn cước đẹp lung linh như cổ tích. Gần trưa thì nắng vàng ruộm như mật ong nhưng không khí vẫn rất dễ chịu, không oi nồng, hầm hập nóng như cái nắng tháng năm, tháng sáu đổ lửa. Thay cho những đợt gió phơn bỏng rát từ Lào thổi qua là những cơn gió hanh heo mang theo cái se se lạnh bởi sương, bởi mây từ các khu rừng, hơi nước từ các suối nguồn len lỏi qua những dãy núi đá theo gió đi ra. Sáng thức giấc nơi đây, không gian chung quanh như đặc quánh lại không biết là mây hay là sương, chỉ xóa một màu bạc trắng, hương rừng không ngào ngạt mà thoang thoảng lẫn trong hơi sương, nhẹ nhàng vuốt ve nơi sống mũi, mi mắt, gò má đưa lại cho người ta cảm giác lâng lâng khó tả. Có một bản vùng cao như thế, một bản nơi lưng chừng trời, lưng chừng núi, khuất lấp trong mây ngàn, một bản mang cái tên rất gợi bản Mùa Xuân.
Từ Xía Nọi, bản xa nhất, sâu nhất, khó khăn nhất… nhiều cái “nhất” cho bản nghèo nhất, chúng tôi thu xếp nhanh nhất có thể nhưng cũng phải quá nửa buổi chiều mới ra đến Mùa Xuân, bản đông nhất, khấm khá nhất trong ba bản người Mông ở miền Tây xứ Thanh, song vẫn 100% hộ nghèo. Trời khô ráo nhưng đường chẳng mấy dễ đi, những vệt bánh xe nham nhở trên mặt đường vặn vẹo con wave vừa thay lốp của Thượng úy Hà Văn Quỳnh, nhân viên đội Vận động quần chúng, biên chế tại tổ công tác Sa Ná, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, cán bộ đường lối cho chuyến công tác của chúng tôi. Ngồi đằng sau tôi cũng vài phen xanh mặt vì cái sự xóc lên xóc xuống không mấy nhẹ nhàng trên lộ trình “vi hành” về bản Mông của mình. Con đường đất đỏ như thách thức bản lĩnh người cầm lái, dù rằng mỗi tháng anh cũng vài bận qua lại, xong hình như mỗi lần qua đây con đường lại mang một gương mặt xấu lạ. Ba lần bánh xe trượt theo lốt cũ quay vòng vòng không bám đường lên được nên tôi hoặc phụ anh đẩy hoặc đi bộ để anh tự loay hoay tìm cách trườn xéo lên giữa mê cung các lốt bánh xe để lại nham nhở trên mặt con đường liên bản rộng không nổi hai mét này. Độ gần ba cây số thôi nhưng chúng tôi mất gần một tiếng mới thoát ra khỏi con đường đau khổ ấy.
- Chắc đêm qua đoạn này mưa phùn nên mới trơn thế. - Thượng úy Quỳnh phân bua sau lần thứ ba cho tôi cuốc bộ vượt dốc.
Trong cái rủi có cái may, nếu đường đẹp, xe cứ bon bon chạy chắc gì tôi đã có cơ hội để ngắm nhìn cảnh đẹp hút hồn người của miền sơn cước từ độ cao nghìn mét so với mực nước biển, chắc chắn tôi sẽ không cảm nhận được sự nhọc nhằn của chính con đường mà chúng tôi đang phản ứng có phần gay gắt, tiêu cực với nó. Nếu không có con đường dẫu xấu xí, trắc trở khó đi này thì tôi đâu có cơ hội đến được với đồng bào người Mông. Nếu không có con đường này thì bà con đồng bào Mông mãi là một ẩn số đối với thế giới bên ngoài. Và nếu không đi con đường vừa xấu vừa bẩn, vừa dốc vừa trơn này sao chúng tôi hiểu được những gian truân, khó nhọc của bà con người Mông vẫn ngày ngày đánh vật với nó, sống chung với nó, và níu giữ nó như một phần cuộc sống của mình.
Chúng tôi về đến Mùa Xuân cũng đã gần cuối chiều, khi những vệt ửng vàng cuối cùng của ngày vơi dần trên đỉnh núi phía Tây cũng là lúc mây từ nơi xa xôi nào đó hay có khi từ trong rừng bước ra. Từ bảng lảng đến mơ màng, khung cảnh đưa đến cho người ta cảm giác như có như không sự xuất hiện của mây. Sau khoảnh khắc ấy là giăng mờ, mọi giác quan tụ về một điểm không gì khác ngoài mây, người ta tìm kiếm một cái gì đó không xác định hình thù, không mùi, không vị, không thể cầm nắm nhưng ta biết sự hiện hữu ngày một rõ ràng của mây đang nhiều lên, đang đầy lên theo mỗi giờ, mỗi phút trôi qua. Một ngày trên đỉnh Pù Mằn trôi đi nhẹ nhàng và chậm rãi, ở đây thời gian như chậm lại, tưởng như nhịp sống xô bồ, hối hả, bộn bề chưa hề tồn tại trên cõi đời này. Trong không gian tranh tối, tranh sáng mập mờ của buổi chiều hôm, những người phụ nữ Mông gùi trên lưng thành quả của một ngày lên rừng, lên nương chỉ là vài nắm lá thuốc, vài bắp ngô già cuối vụ mót lại, lẫn trong mớ dọc khoai môn cắt bên suối dọc đường về… dáng họ lắc lư theo tiếng lục lạc của đàn trâu bò đi trước thủng thẳng, chầm chậm. Họ vẫn giữ thói quen co bấm đầu các ngón chân lên mặt đường bê tông, con đường nội bản dài hơn ba cây số đã được làm gần hai năm nay, hình như họ vẫn giữ thói quen, vẫn bị ám ảnh bởi sự trơn trượt khi đi trên con đường đất trước đây. Họ chậm rãi như mỗi chiều mặt trời lặn xuống núi, cả nghìn năm qua thời ông cha đến giờ họ vẫn thế, cái nhịp sống vốn quen tự cung tự cấp, cái nhịp sống bằng lòng với những gì mình đang có, chấp nhận một cuộc sống biết đủ, không quá mong cầu, không cần tham vọng, dựa dẫm vào rừng vô ưu vô lo, hòa hợp với thiên nhiên. Người biết vào rừng tìm thức ăn, trâu bò biết tự tìm đồi núi có cỏ tốt, gà vịt biết tự ra suối sinh tồn, trẻ con tự biết luộc ngô, luộc sắn hay bốc cơm nguội để ăn, vốc nước suối, nước mưa để uống, biết trải chăn cạnh bếp lửa để ngủ tránh cái rét thấu da thấu thịt nơi non cao khi mới lên năm lên sáu tuổi, rồi cứ thế lớn lên như cây le, cây luồng… cuộc sống của họ cứ hồn nhiên như cỏ cây.
Chúng tôi có bữa cơm chiều tại nhà trưởng bản, đón tiếp chúng tôi còn có các thầy cô giáo cắm bản đang công tác ở điểm trường Mùa Xuân. Bữa cơm đầy tiếng cười và cũng nhiều tâm sự, nỗi niềm. Chẳng phải thân thuộc hay tri kỷ chúng tôi vẫn được nghe những người con thân thương của Mùa Xuân, những thầy cô giáo dưới xuôi mang con chữ và tình yêu thương lên với vùng rẻo cao này tâm tình. Trò chuyện hình như với họ là một nhu cầu, thậm chí là mong cầu, bởi nhìn họ nói chuyện rất say sưa, niềm nở, hồ hởi, phấn khởi và ánh mắt ai cũng long lanh, tưởng như đã rất lâu rồi họ chưa được giải bày, được trò chuyện cùng nhau. Tôi mừng lắm vì tình cờ được gặp lại chú bộ đội biên phòng Thao Văn Chứ, người hai năm trước đã làm bạn đồng hành với tôi từ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Không khác nhiều, có chăng chỉ là rắn rỏi và trưởng thành hơn, Chứ vẫn giữ được nụ cười rất hiền, ánh mắt gần gũi và dáng người thấp đậm đúng chất người Mông. Ba tháng rồi Chứ mới về phép. Chứ khoe với tôi vừa làm xong nhà năm ngoái. Chứ đi biền biệt hai ba tháng mới về thăm ba mẹ con được vài ngày rồi lại đi, trong nhà còn có thêm hai mẹ con cô em gái lấy chồng bên Mường Lát nhưng làm giáo viên mầm non ở Mùa Xuân nên hai vợ chồng mỗi người mỗi nơi, một vài tháng mới về thăm nhau một hai ngày, chị dâu em chồng cùng cảnh nên quan tâm chăm sóc và yêu thương nhau lắm. Chứ là người đầu tiên của bản Mùa Xuân trưởng thành bằng con đường học vấn và trở thành bộ đội biên phòng, Chứ bảo muốn là tấm gương cho các em, các cháu trong bản noi theo, phấn đấu học tập để xây dựng bản Mùa Xuân giàu hơn, đẹp hơn. Tôi có ý động viên Chứ cố gắng khắc phục khó khăn vất vả, mai mốt được bố trí công tác gần nhà sẽ đỡ hơn. Chứ cười bảo không thấy mình vất vả, nếu so với các thầy cô giáo cắm bản thì thấy bản thân mình còn sung sướng hơn nhiều. Các thầy cô không chỉ vất vả cảnh xa nhà, mà công tác trên ba bản Mông này đường sá đi lại khó khăn, thời tiết mưa gió rét mướt, đói no cùng với dân bản mỗi độ giáp hạt, nhà ở, trường lớp còn tạm bợ, hai, ba lớp học chung một phòng, mỗi lớp không nổi chục em, thế mà các thầy cô vẫn bền bỉ, vẫn vui vẻ, lạc quan, vẫn miệt mài theo đuổi đam mê, nuôi nấng, dạy dỗ các cháu, các thầy cô giáo mới là những người vất vả nhất… Vẫn chất giọng trầm ấm và cách nói chuyện chậm rãi, Chứ bộc bạch tâm sự của mình cùng tôi như với một người thân trong nhà, tôi nhớ đến câu nói hồi sáng của Trung tá Trịnh Văn Quân, nhân viên đội trinh sát, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, người có thời gian gắn bó với đồng bào Mông mười năm có lẻ, anh bảo “khi người Mông đã quý, đã tin ai thì họ sẵn sàng moi gan ruột của mình ra mà sống. Nhưng một khi bị mất niềm tin thì người Mông sẽ thu mình lại như con nhím trong rừng, con rùa trong hang đá…”. Tôi nghĩ, có lẽ đây là lí do mà đi đến đâu bộ đội biên phòng cũng được bà con yêu quý, các anh hiểu dân, hòa đồng với dân và chia sẻ thật tâm, thật tình với họ. Các anh nâng niu, gìn giữ lòng tin của người dân dành cho mình từ việc đơn giản nhất là lắng nghe và trò chuyện cho đến những việc lớn hơn, quan trọng hơn như cứu đói, cứu lũ, cấy hái, dựng nhà... vui với niềm vui của dân và chia sẻ với những mất mát mà họ gặp phải, sẵn sàng đến với họ lúc họ cần nhất dẫu có phải vượt qua khó khăn hay hiểm nguy.
Đêm xuống, Mùa Xuân lất phất mưa, chưa cóng như vào giữa đông nhưng đủ xuýt xoa như dưới xuôi đón khí lạnh đầu mùa. Bóng tối đen đặc bủa vây, bản Mùa Xuân có điện hơn năm nay nhưng mỗi gia đình chỉ để một bóng led sáng. Cái thứ ánh sáng leo lét, yếu ớt ấy như bị bóng đêm đen đặc của núi rừng nuốt trọn, đêm trở nên sâu hun hút. Càng về khuya mưa mỗi lúc thêm dày hạt, chúng tôi cảm nhận rõ cái buốt của vùng cao, dù mới chỉ đầu đông nhưng cái buốt sắc như lá cỏ tranh, cỏ lau cứa từng nhát ngọt lịm vào da thịt.
- Mưa thế này mai anh em ta lại mệt đấy.
Thượng úy Quỳnh đứng trầm tư châm thuốc đưa ánh mắt về phía ánh sáng đèn led đầu hồi nhà, từ mái bờ lô nước mưa rớt thành giọt rơi tí tách xuống mặt sân xi măng, anh Quỳnh đang nghĩ về quãng đường từ Mùa Xuân về Ché Lầu khi mà còn gần 3 cây số đang lu lèn, san lấp. Anh rít đỏ đầu thuốc và phì ra một hơi khói thật dài vào đêm. Đã quen với sự đỏng đảnh của thời tiết miền sơn cước, cũng đã quen với việc đẩy xe hàng cây số vì đường trơn, đất núi nhão kẹt cứng bánh xe, nên cái sự thản nhiên trong câu nói của anh cũng là điều dễ hiểu. Anh bảo bây giờ đỡ vất hơn nhiều so với mấy năm trước. Hơn năm nay có đường bê tông anh em đi được xe máy vào tận bản, ngày đường chưa làm, mỗi khi đi công tác vào hôm gặp mưa anh em phải để xe tận ngoài bản Son, bản Hiềng, rồi cuốc bộ cả chục cây số mới vào đến Ché Lầu, nghỉ qua đêm sáng mai đi sớm vào Mùa Xuân, vào Xía Nọi, phương tiện duy nhất là “đi xe của bộ”. Tháng đôi ba lần cuốc bộ vài chục cây đường rừng, đường núi, vượt dốc, vượt suối đến từng bản, từng cột mốc, từng khu rừng thuộc biên phòng quản lí, hồi đầu còn bỡ ngỡ, hơn năm năm qua với bao cuộc hành quân như vậy dần dà rồi cũng quen. Đó mới chỉ là tuần tra kiểm soát thông thường chưa kể mỗi lần đánh án ma túy phải ăn nằm ở dề trong rừng, trong núi hay vùng giáp biên hàng tuần, hàng tháng thiếu thốn đủ bề, muỗi vắt chẳng lúc nào buông tha, tội phạm hoạt động thì ngày càng phức tạp, tinh vi và manh động. Anh dẫn chứng luôn vụ đánh án hồi đầu năm, anh em cất vó được mẻ thu hơn hai nghìn viên tổng hợp với mấy lạng hàng trắng và một khẩu súng ngắn. Vụ đấy nằm trong rừng gần một tháng để theo dõi đường đi nước bước của đối tượng, càng mưa càng rét tội phạm càng tranh thủ hoạt động mạnh, tội phạm hoạt động mạnh thì “lính biên phòng có ngán gì đâu, không vào hang sao bắt được cọp… Chuyện biên phòng có kể cả đêm không hết, vào tranh thủ gặp trưởng bản đi, có đêm nay thôi, mai ông ấy bận đi rừng sớm rồi đấy”. Nhưng tôi đang khoái nghe chuyện đánh án, thú thực là tôi rất thú nghe chuyện biên phòng, thế nên mặc anh giục tôi vẫn tò mò hỏi thêm. Câu chuyện rừng núi, đèo dốc và mấy lần đánh án cũng nhanh qua theo hơi thuốc, giọng cứ nhẹ như không.
- Hôm nay đường sá đi lại như vậy chắc anh cũng mệt? Tôi cố ý “câu giờ” vì muốn nghe thêm chuyện biên phòng.
- Thế này ăn thua gì. Nửa tháng nữa, trời sẽ vừa mưa vừa rét, chú lên đi mốc với bọn anh cho biết.
Anh vừa nói vừa khoác vai kéo tôi trở vào trong nhà. Ánh sáng của chiếc bóng led tôi đoán cỡ hai, ba mươi oắt gì đó không đủ soi rõ từng khuôn mặt của những thầy cô giáo cắm bản đang ngồi tâm sự với mấy đồng chí cán bộ bản, cán bộ xã bên mâm cơm mà đồ ăn thức uống đã nguội ngay khi vừa dọn ra vì trời lạnh. Có khi họ “phát sóng ngắn” tiếng Mông với nhau, có lúc họ nói chuyện bằng tiếng phổ thông, những câu chuyện không đầu không cuối, câu chuyện này nối câu chuyện khác bằng tiếng cười, cái bắt tay và hai từ “cố gắng”. Không có ánh mắt nào buồn, cũng không có giọng nói nào chùng xuống, từ khi bắt đầu bữa cơm cho đến giờ vẫn một không khí như vậy, vui vẻ và sảng khoái.
Tôi đến ngồi bên ông nguyên trưởng bản, gọi anh Dia là nguyên trưởng bản vì anh vừa xin nghỉ được hơn năm nay sau năm năm làm Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản. Anh bảo lúc đầu anh xin nghỉ nhưng bà con không cho, xong phải giải thích mãi bà con mới xuôi và đồng ý cho anh nghỉ.
- Vì sao nhân dân đang tín nhiệm như vậy mà anh lại nghỉ, anh chán làm cán bộ bản rồi hay bấy nhiêu năm làm cán bộ bản anh thấy mệt nên xin nghỉ?
- Theo quy định của Đảng thì mình không được làm Bí thư Chi bộ quá hai nhiệm kỳ. Với lại, mình cũng muốn ở nhà tập trung vào làm một số mô hình kinh tế hộ gia đình, mình làm thử trước, thành công sẽ động viên, hướng dẫn bà con làm theo. Bây giờ bản không còn hộ đói, nhưng phải tìm cách thoát nghèo, không thể cứ để bản mình nghèo mãi được. nghèo lâu quá rồi, phải thay đổi thôi.
Luôn mang tư tưởng tiên phong thoát nghèo và tìm mọi cách thoát nghèo cho bản, anh Thao Văn Dia xứng đáng được lựa chọn là đại biểu duy nhất của huyện Quan Sơn đi dự đại hội thi đua toàn quốc. Từ chỗ chỉ biết làm bạn với cái gùi, cái bẫy ngày hai lượt đi về, sống dựa vào rừng, đến nay cả bản Mùa Xuân đã có hơn 11 ha lúa nước (gần một nửa diện tích là ruộng cấy hai vụ), 40 ha ngô, 20 ha mận, 31 ha vầu. Ngoài ra, phát huy lợi thế về điều kiện chăn thả nên bà con đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc, hiện nay bản có gần ba trăm con trâu, bò, bà con chăn nuôi thêm nhiều lợn, gà, vịt, đặc biệt một số hộ đang cho nhân đàn gà đen Mông, một giống gà bản địa có giá trị kinh tế cao. Từ bao đời nay người dân ở Mùa Xuân chỉ quen trồng một vụ lúa mùa trong năm, nên mùa giáp hạt vẫn cần đến gạo cứu đói của Chính phủ. Ba năm trở lại đây, cán bộ bản, cán bộ xã, cán bộ huyện, bộ đội biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cây giống, phân bón giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, đưa mạ khay, giống lúa mới vào sản xuất, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, đến nay người dân trong bản đã biết thâm canh hai vụ lúa mỗi năm. Năm đầu được mùa lớn bà con phấn khởi, hồ hởi lắm. Năm ngoái thì rét quá, nước đóng băng cây lúa không sinh trưởng được, năm nay thì bị chuột khuya phá hoại từ lúc lúa xanh đến khi lúa chín, vụ này chắc không được nhiều… Nghe anh nói chuyện mà như đang đứng bục báo cáo thành tích trước hội nghị điển hình tiên tiến, mất mùa mà giọng vẫn tỉnh bơ, rõ là không có ý lo hay buồn rầu. Tôi hỏi khéo: “Liệu mùa giáp hạt này có nhà nào đói không”, anh thản nhiên “Không”. Anh liệt kê cho tôi một loạt lí do nào là vì có gạo của Chính phủ hỗ trợ, bà con đã biết dự trữ lúa vụ trước, thức ăn, rau củ bà con đã chủ động được ít nhiều… “nhưng như thế thì vẫn nghèo bền vững. Bây giờ điện có rồi, đường nội bản, đường liên bản đi lại dễ dàng cả rồi, giờ là lúc phải thay đổi, bà con cần phải có nhiều nguồn thu hơn, cây cải Mông, con gà đen phải để cho nhiều người biết đến, nhiều người mua…”, nghe đến đây thì tôi hiểu vì sao người dân bản Mùa Xuân cứ khăng khăng không cho anh nghỉ làm cán bộ rồi.
Tháng mười hai, tưởng như bao tất bật, bộn bề của cả năm dồn lại vào những ngày cuối năm, mọi thứ như gấp gáp, vội vã, khoảnh khắc của ban ngày ở chốn rẻo cao cũng nhanh và vội đến lạ. Chỉ đêm là đủng đỉnh, chậm rãi mà hun hút sâu. Bao thanh âm của ngày đã khuất lấp vào sương, vào mây và bóng đêm tịch mịch, nhường lại cho những thanh âm đặc trưng của miền sơn cước. Tiếng chim đêm, tiếng hoẵng, tiếng dế, tiếng gió… tiếng nào cũng não nuột, cô đơn và lạnh lẽo. Chỉ có góc bếp nhỏ nơi chúng tôi đang ngồi sau bữa cơm chiều muộn, với đống lửa than liu riu hửng đỏ và những câu chuyện cũ là ấm áp. Mùi ngô nướng, khoai nướng, sắn nướng và mía nướng đủ mạnh mẽ để đẩy lùi bóng đêm tẻ nhạt, đẩy lùi những thanh âm rừng núi lẻ bầy, ở đây tràn ngập tiếng cười nói, tiếng lách tách của củi lửa và hương vị của ấm no. Những câu chuyện về ngô, khoai, lúa, những câu chuyện về tang ma, cưới hỏi, những câu chuyện về chặt rừng và trồng rừng… vẫn tiếp tục bên bếp lửa bập bùng, ấm nóng.
Đôi lúc tưởng như dế, gió, chim và suối đang cố ru ta ngủ bằng giai điệu riêng của thiên nhiên. Gió rít khẽ qua khe hở nhỏ giữa các tấm ván ghép làm vách quanh nhà, xoáy gió nhỏ có ý đến mơn trớn mái tóc, da đầu, vầng trán và khuôn mặt để mong những vị khách thiện lành của núi rừng có được giấc ngủ ngon, nhưng sự hiếu khách ấy lại vô tình làm giấc ngủ của các thượng khách trở nên khó khăn hơn. Rồi khi đã quen với sự ưu ái của thời tiết núi rừng, khi bao mệt nhọc của một ngày leo đèo lội suối kéo sụp hai mi mắt thì giấc ngủ về sâu như bóng đêm đang bủa vây khắp nơi đây. Bản Mùa Xuân đã cho tôi một đêm đầy thương nhớ và ấm áp như thế, mùa đông nơi rẻo cao đã cho tôi một giấc ngủ lạ lẫm và mê hoặc như thế. Để rồi sáng thức giấc, một khối mây lớn, một trời mây đang vây lấy, ôm lấy, nâng niu lấy bản làng này, trong không gian ấy tôi như thấy mình có đôi cánh màu mây. Tối qua, trước lúc đi ngủ, anh Dính bảotôi cố thu xếp công việc, độ ngoài hai mươi tháng chạp lên sẽ thấy một bản Mùa Xuân rất khác. Cả bản sẽ đẹp lung linh bởi hoa mận, hoa đào bung nở, nhà nhà sẽ dựng cây nêu trang trí đầy màu sắc và những bộ quần áo truyền thống sặc sỡ được các cô gái Mông diện đi chợ xuân sắm tết. Nghe thôi mà trí tưởng tượng của tôi đã bay lên lớp lớp sắc trắng hoa mơ, sắc hồng hoa đào giăng mắc, bung phơi khắp bản, trên từng mái nhà thâm nâu sắc xuân như đang đưa sức xuân về với bản Mùa Xuân.
N.H