Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn học muôn phương   /   Khung cửa mở - SAKI
Khung cửa mở - SAKI

“Dì cháu sẽ xuống ngay ông Nuttel ạ”, cô gái mười lăm tuổi rất tự tin nói, “trong khi chờ đợi ông nói chuyện với cháu”. 
Framton Nuttel cố gắng nói chuyện đúng mức để làm vui lòng cô cháu gái mà không mích lòng bà dì sắp xuống. Ông thầm nghi ngại hơn bao giờ hết là những cuộc gặp gỡ trịnh trọng như thế này với những người hoàn toàn xa lạ có giúp được gì nhiều cho việc chữa trị bệnh thần kinh mà ông bị cho là đang mắc phải hay không. 
“Chị biết rồi sẽ như thế nào”, chị của ông đã nói vậy khi ông sắp chuyển đến nơi hiu quạnh này, “em sẽ tự chôn mình ở đó và chẳng có ai để mà nói chuyện, và tinh thần của em sẽ tệ hơn bao giờ hết vì chán nản. Chị chỉ có thể cho em thư giới thiệu tất cả những người chị quen ở đó. Một số họ, như chị có thể nhớ, thì khá dễ thương”. 
Framton không biết bà Sappleton, người mà ông đã đưa thư giới thiệu có trong số người dễ thương đó không. 
“Chú có quen nhiều người ở đây không?”, cô cháu gái hỏi khi thấy họ đang im lặng.
“Gần như không quen ai”, Framton nói. “Chị của chú đã ở đây, ở chỗ giáo hội, cách đây chừng bốn năm, và chị ấy cho chú một số thư giới thiệu với vài người ở đây”. 
Ông nói câu cuối cùng bằng một giọng rõ là hối tiếc. 
“Vậy ra chú không biết gì về dì của cháu?”, cô gái tự tin tiếp tục hỏi.
“Chỉ biết tên và địa chỉ thôi”, người khách thừa nhận. Ông đang thắc mắc không biết tình trạng bà Sappleton là còn đủ gia đình hay là góa phụ. Một điều gì đó trong gian phòng cho thấy ngôi nhà có vẻ thiếu vắng đàn ông. 
“Bi kịch của dì xảy ra cách đây đúng ba năm”, cô gái nói.
“Bi kịch à?”, Framton hỏi. 
“Có thể chú thắc mắc tại sao nhà cháu lại để cửa mở vào buổi chiều tháng Mười”, cô cháu nói, tay chỉ ô cửa kiểu Pháp mở ra vườn. 
“Vì thời gian này trời ấm áp”, Framton nói, “nhưng mà khung cửa đó thì có liên quan gì với bi kịch?”. 
“Qua khung cửa đó, cách đây ba năm, chồng dì và hai người em trai của dì đã đi ra để khởi đầu ngày đi săn của họ. Họ không bao giờ trở lại. Trong khi vượt truông để đến vùng săn bắn ưa thích của họ cả ba người bị lún chìm trong một vũng lầy nguy hiểm. Mùa hè năm đó trời mưa ghê gớm, chú biết không, và những nơi mà những năm trước an toàn đột nhiên thay đổi không báo trước. Xác họ không được tìm thấy. Đó là chuyện ghê gớm nhất trong bi kịch”. Nói đến đây giọng cô bé mất đi vẻ tự chủ và trở nên ấp úng. “Dì cháu luôn luôn nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ trở về, họ và con chó lông nâu đã mất tích cùng với họ, và bước vào nhà qua khung cửa mở mà họ vẫn thường dùng đó. Đó là lý do tại sao khung cửa chiều nào cũng mở cho tới khi trời tối hẳn. Người dì tội nghiệp của cháu, bà thường kể cháu nghe là họ đã ra đi như thế nào, chồng bà với cái áo choàng trắng vắt trên cánh tay, và Ronnie, người em trai út của bà, thì hát “Bertie, tại sao em nhảy?” như thường khi anh trêu chọc bà, vì bà nói bài đó làm bà căng thẳng. Chú biết không, thỉnh thoảng vào những buổi chiều tĩnh lặng như chiều nay, cháu gần như có một cảm xúc gờn gợn rằng tất cả họ sẽ vào nhà qua khung cửa đó…”. 
Cô gái hơi rùng mình dừng lời. Framton cảm thấy nhẹ nhõm khi người dì bước vào phòng với lời xin lỗi vì trễ tiếp khách. 
“Tôi hy vọng là Vera đang làm anh vui?”, bà nói. 
“Cô ấy rất hay”, Framton nói. 
“Tôi hy vọng là anh không quan tâm đến khung cửa mở”, bà Sappleton nói rành mạch, “Chồng và các em tôi sẽ về ngay sau khi đi săn, và họ luôn luôn vào theo lối đó. “Hôm nay họ đi săn dẽ giun trong khu đầm lầy, vì thế họ sẽ làm bẩn những tấm thảm của tôi. Cánh đàn ông là thế có phải không?”. 
Bà chủ nhà tiếp tục vui vẻ nói về việc săn bắn và sự hiếm hoi của chim, và viễn cảnh lạc quan khi săn vịt trong mùa đông. Đối với Framton câu chuyện này thật là dễ sợ. Ông cố gắng hết sức nhưng chỉ thành công một phần trong việc chuyển chủ đề câu chuyện sang một đề tài ít ma quái hơn, ông nhận ra rằng bà chủ nhà chỉ chú ý đến ông đôi chút, còn mắt bà thì cứ liên tục nhìn về phía khung cửa mở và khu vườn bên ngoài. Ông đến thăm đúng lúc này thật là xui xẻo. 
“Các bác sĩ đồng ý là tôi phải nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh kích động thần kinh, và tránh bất kỳ hoạt động thể chất nào mạnh bạo ngoài trời”, Framton nói, ông đang có ý nghĩ tương đối khá phổ biến là những người lạ hoàn toàn và những người quen tình cờ thì muốn biết chi tiết ít ra là về sự yếu đuối, nguyên nhân và cách chữa trị của người đó. “Về chế độ ăn thì họ không đồng ý với nhau lắm”, ông tiếp tục. 
“Không à?”, bà Sappleton nói bằng giọng uể oải với một cái ngáp. Rồi bà đột nhiên vui vẻ lên - nhưng không phải vì những gì Framton đang nói.
“Cuối cùng thì họ về rồi!” bà reo lên. “Kịp giờ uống trà, bùn lấm lem hết cả!”. 
Framton hơi rùng mình quay sang cô cháu gái với cái nhìn tìm kiếm vẻ đồng cảm. Cô gái đang nhìn ra khung cửa mở với vẻ kinh hoàng trong mắt. Một cơn lạnh run người vì sợ hãi làm Framton xoay mình trong ghế và nhìn về cùng hướng đó. 
Trong ánh hoàng hôn chập choạng ba bóng người đang bước qua sân vườn về phía khung cửa, tất cả họ đều cầm súng, và một trong ba người có thêm cái áo khoác trắng vắt trên vai. Một con chó lông nâu mệt mỏi bám sát gót họ. Họ lặng lẽ đi về phía ngôi nhà, và rồi một giọng khàn khàn hát vang trong bóng tối: “Tôi đã nói, Bertie, tại sao em nhảy?”. 
Framton nắm chặt gậy và nón, lao ra cửa phòng khách, ra con đường trải sỏi, và cái cổng trước hiện lên lờ mờ trong cuộc rút lui thẳng thừng của ông. Một người đi xe đạp trên đường phải lạng đi để tránh đụng phải ông.
“Chúng tôi về rồi em ơi”, người đàn ông có cái áo khoác trắng bước vào qua khung cửa nói, “bùn lấm cả, nhưng gần như khô rồi. Ai vừa vọt ra khi chúng tôi vào thế?”.
“Một người rất lạ, ông Nuttel”, bà Sappleton nói, “ông ta chỉ nói về chứng bệnh của ông ấy, và vọt đi không nói một lời tạm biệt hay xin lỗi khi anh về. Người ta sẽ nghĩ là ông ta gặp ma”. 
“Cháu nghĩ đó là vì con chó”, cô cháu gái thản nhiên nói, “ông ấy bảo cháu ông ấy có bệnh sợ chó. Ông ấy đã từng bị rượt trong một nghĩa trang trên bờ sông Hằng bởi một lũ chó đói, và phải trải qua đêm trong một cái huyệt mới đào với những con thú gầm gừ ngay phía trên ông ấy. Chuyện đó đủ để làm ai cũng phải điên”. 
Bịa chuyện tức thì là tài của cô bé. 
         Võ Hoàng Minh dịch
        (Từ “The open window”)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 1151
 Tổng số truy cập: 7446283
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa