Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn học muôn phương   /   Người mang biệt danh "Bình" - Leo Tolstoy
Người mang biệt danh "Bình" - Leo Tolstoy

Alyosha là tên người em. Biệt danh của cậu là “Bình”, vì có một lần, mẹ cậu sai cậu đem một bình sữa cho vợ người trợ tế, cậu đã vấp chân làm bể cái bình. Mẹ cậu đã đánh đòn cậu ầm ĩ, và bọn trẻ trong làng bắt đầu chọc cậu, gọi cậu là “Bình”. Alyosha Bình: đây là lý do làm cậu có biệt danh đó. 
Alyosha gầy, tai vểnh - hai tai cậu vểnh ra như hai cái cánh - và một cái mũi to. Bọn trẻ cũng chọc cậu về cái mũi, chúng nói “Alyosha có cái mũi bự xự!”.
Trong làng Alyosha ở có một trường học, nhưng đọc và viết và những chuyện tương tự thì không dễ dàng đối với cậu, ngoài ra cậu còn không có thời giờ để học. Anh trai của cậu sống với một thương gia trong thị xã, và Alyosha đã bắt đầu giúp việc cho cha khi còn là một cậu bé. Khi mới lên sáu, cậu đã cùng đứa em gái chăn bò, cừu cho gia đình nơi đồng cỏ của làng. Rồi là chăm sóc mấy con ngựa của nhà cả ngày lẫn đêm. Năm lên mười hai tuổi, cậu đi cày và đánh xe. Cậu không đủ sức để làm những việc đó - nhưng chắc chắn là có một thái độ tốt - cậu luôn luôn vui vẻ. Khi bọn trẻ cười nhạo cậu, cậu chỉ im lặng hay tự cười mình. Nếu cha cậu la rầy cậu, cậu đứng yên lắng nghe. Khi xong chuyện và cậu lại bị lơ đi, cậu cười và tiếp tục làm việc đang dang dở. 
Khi Alyosha được mười chín tuổi, anh của cậu bị gọi nhập ngũ, cha của cậu thương lượng cho Alyosha thay chỗ người anh làm gia nhân trong nhà của người thương gia. Cậu được cho đôi ủng cũ của anh trai, cái mũ lưỡi trai và áo khoác của cha, rồi được đưa ra thị xã. Alyosha rất vui với quần áo mới, nhưng người thương gia khá không bằng lòng với dáng vẻ của anh. 
“Tôi tưởng là ông đem lại cho tôi một thanh niên cũng như Semyon chớ”, người thương gia nói trong khi nhìn kỹ Alyosha. “Nhưng ông lại đem đến cho tôi một đứa ốm yếu thế này. Nó giỏi chuyện gì nào?”. 
“à, nó có thể làm mọi chuyện - đóng cương ngựa và đánh xe đi bất cứ đâu ông bảo. Nó lại tham việc, hay làm. Chỉ có điều trông nó ốm thôi. Thực sự là nó rắn rỏi dẻo dai đấy”. 
“Nói vậy là nhiều rồi. Để rồi xem”.
“Và nhất là nó dễ bảo. Thích làm việc”.
“à, bây giờ tôi làm gì được đây? Cứ để nó đó”.
Thế là Alyosha bắt đầu sống với người thương gia. 
*
Gia đình của người thương gia không lớn. Có vợ của ông, bà mẹ già, và ba người con. Người con trai lớn đã có gia đình, học xong trung học thì tham gia việc kinh doanh với cha. Người con trai thứ hai, siêng học, tốt nghiệp trung học và đã học đại học một thời gian, nhưng lại bị đuổi và bây giờ ở nhà. Còn có một cô con gái đang học trung học. 
Mới đầu họ không thích Alyosha. Anh đậm chất nông dân, quần áo thì thiếu thốn. Anh không cư xử và nói năng với mọi người như người trong vùng. Nhưng chẳng bao lâu họ quen dần. Anh là một gia nhân tốt hơn người anh và rất có trách nhiệm. Bất cứ chuyện gì họ bảo anh làm, anh cũng sẵn lòng và nhanh nhảu, luôn làm hết việc này đến việc khác không nghỉ. ở nhà người thương gia, cũng giống như ở nhà anh, việc gì cũng giao cho Alyosha. Anh càng làm, thì mọi người lại càng dồn việc cho. Bà chủ nhà và bà mẹ chồng, cô con gái, cậu em trai, thậm chí nhân viên của ông thương gia và chị bếp - tất cả đều sai anh đi chỗ này chỗ kia, và ra lệnh cho anh làm mọi việc mà họ nghĩ ra. Điều duy nhất Alyosha được nghe là “Chạy đi làm việc này, mày”, hay “Alyosha, sửa cái này”, hay “Bộ quên hả, Alyosha? Xem nè, đừng quên nhá”. Vậy là Alyosha chạy, sửa, nhìn xem, và không quên, sắp xếp làm mọi việc và lúc nào cũng cười. 
Chẳng bao lâu sau Alyosha đi mòn vẹt đôi ủng của người anh, người thương gia rầy anh nhiều về tội đi đôi ủng tơi tả lộ cả chân ra và đặt mua cho anh một đôi ủng mới ở chợ. Đôi ủng này hoàn toàn mới, Alyosha rất vui, nhưng chân anh thì vẫn như cũ, đến tối thì chúng nhức vì đã chạy việc quá mức. Alyosha sợ khi cha anh đến lãnh tiền lương của anh, ông sẽ khó chịu vì ông chủ đã trừ vào lương tiền mua đôi ủng mới.
Vào mùa đông Alyosha dậy trước bình minh, chẻ củi, quét sân, cho bò, ngựa ăn và uống nước. Sau đó anh đốt lò, đánh bóng ủng, chải sạch áo choàng cho cả nhà, xúc mấy ấm trà và đánh bóng chúng. Rồi, hoặc là người nhân viên sai anh ra cửa hàng bày hàng hoặc là chị bếp bảo anh nhào bột và rửa xoong chảo. Sau đó, anh sẽ bị sai ra thị xã đưa tin, hay cô con gái sai đến trường, hay rót dầu vào đèn hoặc làm chuyện gì khác cho mẹ ông chủ. “Cái đầu mày để ở đâu vậy?”, người này nói vậy với anh, rồi đến người khác. Hay là họ sẽ bảo nhau, “Sao lại tự đi chứ? Alyosha sẽ chạy cho mày. Alyosha, Alyosha!”. Và Alyosha sẽ chạy. 
Alyosha luôn luôn ăn sáng trong khi chạy và hiếm khi kịp giờ về ăn tối. Chị bếp luôn luôn trách anh, vì anh không ăn cùng lúc với những người khác, nhưng quan trọng hơn cả là chị cảm thấy thương cho anh và luôn để phần anh món nóng cho bữa ăn chính và ăn tối. 
Trước và trong những ngày nghỉ có nhiều việc hơn cho Alyosha, nhưng dù vậy anh vui hơn, vì khi đó mọi người cho anh tiền thưởng, không nhiều, thường là chỉ sáu mươi cô pếch, nhưng đó là tiền của chính anh, tiền mà anh có thể tiêu theo ý mình. Anh không hề chú ý đến tiền lương, vì cha anh luôn luôn ra thị xã lãnh lương của anh từ người thương gia, và chỉ cho anh lời quở trách dai dẳng vì tội mang mòn ủng của anh trai quá nhanh. Khi anh để dành tiền thưởng đủ hai rúp, theo lời khuyên của chị bếp anh mua một cái áo len đỏ. Khi anh mặc áo lần đầu tiên và nhìn mình, anh ngạc nhiên và sướng đến mức cứ đứng sững sờ trong nhà bếp.
Alyosha rất ít nói, và khi anh nói, thì luôn luôn nói điều gì thật cần thiết, đột ngột và ngắn gọn. Khi anh được bảo làm chuyện này chuyện nọ hay bị hỏi có làm được không, anh luôn luôn trả lời không chút ngập ngừng, “Em làm được”. Và lập tức anh lao vào làm việc.
Alyosha không biết cầu nguyện. Có lần mẹ anh đã dạy anh lời nguyện, nhưng anh quên ngay trong lúc bà nói. Tuy nhiên, anh đã cầu nguyện, buổi sáng và buổi tối, nhưng theo cách đơn giản, chỉ với hai bàn tay tréo trước ngực. 
*
Alyosha sống như thế được một năm rưỡi, trong nửa sau của năm thứ hai, một chuyện lạ lùng nhất trong đời anh xảy ra. Đây là chuyện anh bất ngờ phát hiện, hết sức ngạc nhiên, đó là ngoài những mối quan hệ xuất phát từ nhu cầu của một người cần đến một người khác, còn có những mối quan hệ hoàn toàn khác hẳn: đó không phải là mối quan hệ của một người đối với một người vì cần người đó lau ủng, làm việc vặt hay thắng cương ngựa, mà đơn giản vì muốn phục vụ và yêu người đó. Anh cũng phát hiện ra, rằng anh, Alyosha, đúng là một người như thế. Anh nhận ra tất cả chuyện này qua chị bếp Ustinja. Ustinja mồ côi, là một cô gái trẻ, cũng là một người làm việc cực nhọc như Alyosha. Chị bắt đầu cảm thấy thương cho Alyosha, và Alyosha lần đầu tiên trong đời cảm thấy anh được một người khác cần đến không phải vì những việc anh làm, mà vì chính bản thân anh. Khi mẹ anh tốt với anh hay thương anh, anh không chú ý đến vì cho đó là chuyện tự nhiên, cũng y như anh cảm thấy thương chính mình. Nhưng bất ngờ anh nhận ra Ustinja, dù là một người hoàn toàn xa lạ, cũng cảm thấy thương anh. Chị luôn để phần cho anh một suất yến mạch với bơ, và khi anh ăn, chị ngồi cùng anh, cằm tì lên nắm tay nhìn anh. Khi anh ngước lên nhìn chị thì chị cười, anh cũng cười. 
Chuyện này mới lạ đến mức thoạt đầu Alyosha thấy sợ. Anh cảm thấy chuyện này phiền cho công việc, cho sự phục vụ của anh, nhưng anh lại rất vui. Và khi anh nhìn xuống thấy quần của mình, mà Ustinja đã mạng vá cho, anh lắc đầu mỉm cười. Anh thường nghĩ đến Ustinja khi anh làm việc hay chạy việc vặt và trìu mến thì thầm “A, Ustinja!”. Ustinja tận tình giúp anh, và anh giúp chị. Chị kể anh nghe về cuộc đời chị, chị đã mồ côi từ hồi còn rất nhỏ như thế nào, bà cô già đã nuôi chị, sau này đưa chị ra thị xã làm việc, chuyện người con trai của ông thương gia đã cố quyến rũ chị một cách ngu ngốc, và chuyện chị đã đặt anh vào đúng chỗ của mình. Chị thích nói chuyện, anh thấy nghe chị nói rất là thích. Trong những chuyện anh nghe có chuyện những chàng trai nông dân ra thị xã làm gia nhân thường lấy những cô gái làm bếp. Và có lần chị hỏi ba mẹ anh có hối anh lấy vợ không. Anh đáp anh không biết và anh không muốn lấy ai ở làng mình. 
“Vậy anh có chọn được ai chưa?”, chị hỏi.
“Có, tôi chọn chị. Chị bằng lòng không?”.
“Ô Bình, Bình ơi, dám nói vậy hả?”, chị nói, và đập yêu vào lưng anh bằng cái muỗng chị cầm.
Trước ngày thứ tư Lễ Tro, cha của Alyosha lại ra thị xã để lãnh lương của con. Vợ người thương gia đã biết Alyosha muốn lấy Ustinja, và bà không hài lòng chút nào. “Nó sẽ mang bầu, còn làm tốt công việc sao được”, bà phàn nàn với ông thương gia. 
Người thương gia đưa tiền công của Alyosha cho cha của anh. “à, con tôi làm việc cho ông tốt chứ?”, ông già hỏi. “Tôi đã nói nó là đứa dễ bảo, sẽ làm những gì ông khiến”.
“Dễ bảo gì, nó đang làm một chuyện ngu ngốc. Nó đã nghĩ là nó sẽ lấy con bếp. Tôi sẽ không giữ loại gia nhân có gia đình. Việc đó không phù hợp với gia đình chúng tôi”. 
“Hừ, cái thằng ngốc đó! Đúng là thằng ngốc! Sao nó lại nghĩ đến việc ngu ngốc đó chứ! Nhưng ông đừng lo. Tôi sẽ làm nó quên hết cái chuyện dại dột đó”.
Ông già đi thẳng xuống nhà bếp ngồi vào bàn đợi con trai. Như mọi khi, Alyosha đang chạy việc vặt, nhưng lát sau anh vào, mệt nhừ.
“à, tao nghĩ mày là đứa biết điều, vậy mà mày đã nghĩ thật ngu dốt!”, cha của Alyosha chào anh bằng một câu như vậy.
“Con đâu có làm gì”.
“Mày nói không có gì à! Mày quyết định lấy vợ. Tao sẽ cưới vợ cho mày khi đến lúc, và tao sẽ cưới cho mày người tao chọn, chớ không phải đứa con gái hư nào ở thị xã”.
Ông già còn nói nhiều nữa đại loại như vậy. Alyosha đứng yên thở dài.
Khi cha nói xong, anh cười.
“Vậy thì con sẽ quên chuyện đó đi”, anh nói.
“Làm vậy là đúng”, ông già nói gọn lỏn rồi ra về.
Khi cha về rồi, Alyosha còn lại một mình với Ustinja, chị đã đứng sau cửa nhà bếp nghe những gì ông già nói, anh nói với chị: “Chuyện của mình sẽ không thành được. Em có nghe không? Ông ấy giận dữ, sẽ không cho phép chúng ta”.
Ustinja đưa tạp dề lên khóc thầm vào đó. Alyosha tặc lưỡi nói “Làm sao anh không vâng lời ông được? Mình phải quên chuyện này đi”.
Vào buổi tối, vợ người thương gia gọi anh lên sai đóng cửa chớp, bà nói với anh: “Mày sẽ vâng lời cha và quên đi chuyện lấy vợ dớ dẩn này chớ?”.
“Dạ. Con sẽ quên”. Alyosha đáp nhanh, rồi cười và khóc ngay sau đó. 
*
Từ lúc đó Alyosha không nói với Ustinja về hôn nhân nữa và sống như trước.
Một buổi sáng anh nhân viên Lent sai Alyosha dọn tuyết trên mái nhà. Anh bò trên mái, xúc sạch tuyết, và bắt đầu đập chỗ tuyết đông gần máng nước thì trượt chân té xuống cùng cái xẻng. Rủi là anh không té xuống tuyết, mà lại té vào hàng rào sắt ở lối vào. Ustinja chạy lại bên anh, theo sau là cô con gái của người thương gia.
“Anh có đau không, Alyosha?”.
“Có. Nhưng không sao. Không sao”. 
Anh muốn đứng dậy, nhưng không đứng nổi và chỉ cười. Nhiều người khác đến đưa anh vào chái nhà của người thủ kho. 
Một người y tá từ bệnh viện đến khám cho anh, hỏi anh đau ở đâu. “Chỗ nào cũng đau hết”, anh đáp. “Nhưng không sao. Không sao. Đừng làm ông chủ khó chịu. Báo cho cha tôi thôi”. 
Alyosha nằm liệt giường suốt hai ngày, rồi vào ngày thứ ba, người ta cho gọi một linh mục. 
“Anh sẽ không chết mà phải không”, Ustinja hỏi.
“Chúng ta không ai sống mãi. Cũng phải có lúc”, anh trả lời nhanh như lệ thường. “Cám ơn em Ustinja, vì đã thương tôi. ờ, thế này thì tốt hơn là họ không cho mình lấy nhau. Bây giờ thì tốt rồi”. 
Anh cầu nguyện cùng với vị linh mục, nhưng chỉ với hai bàn tay và trái tim anh. Và trong tim anh, anh cảm thấy rằng nếu anh tốt ở đây, nếu anh tuân lệnh và không vi phạm, thì mọi chuyện sẽ tốt. 
Anh nói nhỏ. Anh chỉ xin chút gì để uống và mỉm cười một cách đáng ngạc nhiên. Rồi như anh ngạc nhiên về một chuyện gì đó, anh xuôi tay lìa trần. 
                                                                                  Võ Hoàng Minh dịch
                                                                                 (Từ “Alyosha the Pot”)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 5163
 Tổng số truy cập: 7450295
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa