Hội VHNT Thanh Hóa tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X)
Sáng ngày 15 tháng 2 năm 2023, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết số 23) và Chương trình hành động số 10 ngày 25/2/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tham dự có đồng chí Bùi Thị Mười, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các trưởng, phó 11 ban chuyên ngành của Hội VHNT. Họa sỹ Phạm Duy Phương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Nghị quyết số 23 đã khẳng định vai trò, vị trí của VHNT trong xây dựng, phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trên quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cấp ủy chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để VHNT tỉnh nhà phát triển theo phương châm dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, hướng con người vươn tới chân - thiện - mĩ vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình.
Trong 15 năm qua, hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình, sáng tạo VHNT diễn ra đều khắp ở 11 ban chuyên ngành, các câu lạc bộ do Hội VHNT bảo trợ. Vì thế, hàng trăm tác phẩm, công trình VHNT được hỗ trợ, tài trợ; hàng nghìn tác phẩm ở các ban chuyên ngành được công bố, xuất bản, quảng bá cả trong và ngoài nước. Nhiều tác giả đạt giải của tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia, cấp tỉnh. Có 7 tác giả nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT (4 người năm 2017, 3 người năm 2022), có 7 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và 26 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Hội tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học về văn nghệ dân gian và lý luận, phê bình; tổ chức hơn 10 cuộc tọa đàm về tác phẩm tác giả, tổ chức hơn 20 trại sáng tác, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ; tổ chức nhiều cuộc thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT có nhiều đổi mới, sáng tạo, các bài viết, công trình VHNT được giới chuyên môn đánh giá cao, được độc giả đón nhận.
Họa sỹ Phạm Duy Phương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa chủ trì Hội nghị
Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội VHNT cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 23 còn bộc lộ một số hạn chế. Chưa có nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về nội dung tư tưởng, nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm vươn tầm thời đại tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng; số lượng và chất lượng sáng tác giữa các loại hình VHNT chưa có sự đồng đều; công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm, công trình VHNT đến công chúng chưa thường xuyên; hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT chưa có nhiều đột phá; chất lượng tác phẩm tham gia giải thưởng VHNT hàng năm và các giải thưởng khác chất lượng chưa cao;...
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Với nhiệm vụ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý về VHNT; tăng cường củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội VHNT tỉnh, tiến tới thành lập Liên hiệp Hội VHNT Thanh Hóa, Hội VHNT tỉnh đề nghị Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa ban hành cơ chế, chính sách cải thiện đời sống đãi ngộ tốt hơn với văn nghệ sĩ; tăng kinh phí hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản, quảng bá các tác phẩm VHNT hàng năm; đổi mới hình thức tổ chức mở các trại sáng tác; đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí xuất bản, quảng bá các tuyển tập văn học, nghệ thuật đương đại nhằm giới thiệu giá trị tinh hoa văn hóa, văn học nghệ thuật xứ Thanh đến với bạn đọc trong và ngoài nước.
Tham gia hội nghị, các trưởng, phó ban chuyên ngành đã có nhiều ý kiến về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo, công bố, quảng bá tác phẩm có sức lan tỏa mạnh; tăng giá trị giải thưởng VHNT; sớm thực hiện trao giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông (5 năm); phần thưởng cho các tác giả đạt giải thưởng VHNT quốc gia, quốc tế.
Đồng chí Bùi Thị Mười, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Mười, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương kết qủa mà Hội VHN đã làm được trong 15 năm qua. Đồng chí mong muốn các văn nghệ sĩ chủ động đấu mối với các ban, sở, ngành có liên quan để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp chính quyền tỉnh thực hiện tốt chủ trương của Trung ương và tỉnh trên lĩnh vực này. Đặc biệt là tham mưu để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và chương trình hành động số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ đó rà soát đánh giá lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết trong giai đoạn tới;...
Để Hội VHNT tỉnh tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của hội, đồng chí Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các hội viên Hội VHNT và 11 ban chuyên ngành tiếp tục đổi mới, lựa chọn trọng tâm để nâng cao sáng tạo; tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VHNT để góp phần bảo vệ nền tảng của Đảng; Nghiên cứu các chương trình phối hợp trong việc sáng tác, quảng bá các hình ảnh với các sở, ngành, địa phương, đơn vị... từ đó góp phần phát triển nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, rõ nét sắc thái xứ Thanh.
Lê Trang