Gieo mầm non hy vọng nơi biên cương (Ký dự thi)
Bản Khằm 2 trong một chiều đầy nắng, đầy gió, tiếng ê a nơi lớp học xóa mù vang vọng ở những nóc nhà đang len mùi khói bếp cay nồng và ấm áp. Tới xã Trung Lý, huyện Mường Lát hỏi về thầy giáo quân hàm xanh bất kỳ ai cũng đều nhắc tới Đại uý Hơ Văn Di, người dân tộc Mông, nhân viên Đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Trung Lý. Hình ảnh người thầy giáo quân hàm xanh với chiếc xe máy cà tàng không quản mưa nắng, băng rừng đến lớp xóa mù chữ đã rất đỗi quen thuộc với bà con nơi đây. Có thể thấy để cho con chữ nảy mầm, sinh sôi trên những triền núi cao, đồi hoang là sự phi thường được kết tinh trong những cái bình thường của người gieo con chữ. Thầy Di, tên gọi về một con người và qua lời kể đã làm tôi tăng dần tính tò mò trong suy nghĩ của mình.
Người con của bản làng vươn lên từ sách, vở
Hơ Văn Di sinh ra và lớn lên tại bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, lại là con thứ sáu trong gia đình đông anh em. Trước đây, không nhiều đứa trẻ người Mông được đi học. Di là chàng trai Mông hiếm hoi của vùng đất bản Cơm được đi học hết lớp chín. Nhà Di bố mẹ cũng là những người Mông làm nông nhưng trong tư tưởng đã có sự tiến bộ hơn so với người dân bản mình. Dù nhà nghèo, có tới bảy người con, cái ăn còn không đủ nói gì đến việc đi học thế nhưng bố mẹ Di vẫn quyết tâm cho Di tới trường. Ngoài việc tháo vát, năng nổ Di ham học và học rất giỏi. Khi mới chín tuổi bố Di mất do bị ốm nên những kỷ niệm về bố cứ in hằn trong tâm trí non nớt của cậu. Cái khó, cái nghèo trong gia đình từ đó dồn hết lên đôi vai mẹ. Đã có lần vì không chịu nổi những cơ cực, mẹ nhìn Di nước mắt lưng tròng, nói trong tiếng thở ghẹm lại nơi lồng ngực già cỗi của bà rằng: “Di ơi! Nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mày phải theo mọi người trong nhà mà lên nương, lên rẫy, đào lấy củ măng, trồng lấy củ sắn nhét vào cái bụng rỗng, chứ cái chữ, cái nghĩa không làm cho mày và nhà mày no được đâu...”. Mỗi lần nghe mẹ nói vậy, Di lặng người, đôi mắt không khỏi lo lắng và hốt hoảng. Cái lo của một thằng nhóc sợ mất cái chữ, sợ không còn được theo chân các thầy cô ở trường khám phá những kiến thức vô tận nữa. Càng lo Di càng thôi thúc phải dậy sớm nhất trong nhà, ngủ muộn hơn tất thảy anh chị em của mình để sốc vác thêm công việc, không để mẹ vì lo việc ăn học của mình thành gánh nặng cho gia đình. Bởi Di biết chỉ khi học được chữ, đi ra ngoài nương rẫy, học được nhiều kiến thức như các chú bộ đội biên phòng đang giúp bà con trồng cây, chăn nuôi gia súc thì Di mới giúp gia đình mình thoát khỏi cái nghèo đeo bám được.
Dù là vậy, nhưng ít ai biết con đường theo đuổi con chữ lúc bấy giờ với Di là chuyện không hề đơn giản như trong suy nghĩ của một chàng trai trẻ. Số ít những đứa trẻ được đi học như Di phải lội suối, băng rừng cả ngày trời mới tới được điểm trường để học. Lên cấp 2 Di phải đi học xa nhà, dựng lán ở để học cái chữ. Ngoài giờ học Di tranh thủ vào rừng kiếm thêm măng, rau rừng để cải thiện bữa ăn, ngày bình thường chỉ ăn cơm với muối trắng. Mỗi khi trời mưa, phải huy động hết áo mưa che lại lán để tránh những cơn mưa lạnh như xé ra, xé thịt; về mùa hè phải chống chọi với cái nắng như thiêu như đốt. Có thời điểm không có tiền đi học, mỗi khi nghe thầy giảng, cậu bé Di lại e ấp đứng bên ngoài, “học mót” từng chữ. Di tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, gác lại mọi chuyện tiếp tục học, có văn hóa mới thoát nghèo được. Sau khi lấy vợ năm 19 tuổi Di cùng gia đình nhỏ của mình sống tại bản Cơm và tham gia vào phong trào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Khi đã trưởng thành, có đủ nhận thức, hiểu biết chàng thanh niên trẻ tận mắt chứng kiến mảnh đất Pù Nhi, khi đó là “thủ phủ” của cây thuốc phiện và các tệ nạn buôn bán chất gây nghiện chết người. Do điều kiện địa lý, đường sá đi lại khó khăn, tiếp giáp với nước bạn Lào, lại ở độ cao 1.400m so với mực nước biển nên khí hậu, đất đai vùng đất này rất hợp với cây thuốc phiện. Nhớ lại thời kỳ được coi là “u ám” ở Pù Nhi dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Thời mà cây thuốc phiện được xem là thứ cây vàng, cây tiền, “cơm đen” của đồng bào, để chống lại những mùa đông sương giá và cả những cơn đau ốm, bệnh tật. Thậm chí thời ấy, người thính nhạy còn có thể ngửi thấy mùi ngai ngái của khói thuốc phiện thoảng trong cơn gió thổi qua bản. Do vậy, có thời điểm đa phần người dân nơi đây đều trồng cây thuốc phiện; sống du canh, du cư và nhiều hủ tục lạc hậu khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để từng bước triệt phá cây thuốc phiện, loại bỏ những tập tục lạc hậu mà từ lâu vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân. Chính tình yêu quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn”, năm 2000 Di quyết định làm chàng tân binh biên phòng tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Môi trường “lò rèn” ấy đã tôi luyện một người con của núi rừng ngày càng rắn rỏi và dẻo dai hơn, cùng với đó Di luôn tâm niệm, những việc làm của bản thân đều vì nhân dân, vì cộng đồng. Là người lớn lên từ bản làng, được góp phần nhỏ bé của mình mang lại những đổi thay tích cực cho quê hương, giúp bà con vùng biên ngày càng ấm no là niềm hạnh phúc lớn lao của những người lính.
Tháng 9 năm 2001, Di được Chỉ huy đơn vị cử đi học lớp văn hóa ngoại ngữ ở Hưng Yên trong hai năm. Ngày đó mỗi khi đi học Di phải đi bộ suốt một tuần trời mới xuống được thành phố Thanh Hóa, bắt xe đi Hưng Yên. Đường sá đi lại vào thời gian đó đang rất khó khăn, chủ yếu là đường đất rải đá, nhiều đèo dốc cao. Suốt dọc đường đi nếu có xe thì bắt xe cho đi nhờ, đến điểm xe dừng thì xuống đi bộ tiếp. Khi đó xe khách mới từ thành phố lên tới Hồi Xuân, chỉ có xe chở muối lên tới Mường Lát. Chính những chuyến xe chở muối sau này đã mở đường cho xe chở khách lên Mường Lát. Còn nhớ có một lần đi học vào một ngày cuối tháng sáu, cái nóng của gió Lào thổi lên hút cạn những con suối, làm héo cháy những nương ngô, nương lúa đang lên. Di một mình vượt núi, băng rừng đi bộ tới khu vực dốc “cổng trời” ở xã Trung Lý, thì trời cũng đã nhá nhem tối, Di bỗng lên cơn sốt rét nằm gục ngay bên vệ đường. May thay gặp gia đình người Mông tốt bụng đưa về nhà chăm sóc. Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, gia đình hỏi han tận tình, cụ già trong nhà còn gói cho Di cơm nắm và thịt gà đem theo ăn dọc đường và không quên dặn dò như con cái trong nhà. Thông thường cán bộ biên phòng sẽ là những người chăm lo cho dân, nhưng khi các anh có chuyện dân lại bảo vệ các anh, tình quân dân thắm thiết như cá với nước. Sau khi học xong, năm 2003 Di được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Pù Nhi. Đến năm 2004, Di được đơn vị cử đi học lớp nghiệp vụ biên phòng ở Bắc Giang, tháng 9 năm 2005 về đơn vị cũ tiếp tục công tác; tháng 5 năm 2006 được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý cho đến nay, với cấp hàm Đại uý và là nhân viên Đội vận động quần chúng.
Người Mông thường có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, sống xa lánh với các dân tộc khác trên cùng địa bàn. Cư trú thành bản hoặc rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, điều này dẫn đến việc người Mông ở khu vực biên giới ít có sự giao lưu, học hỏi trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Thêm vào đó do mang tư tưởng là một dân tộc di cư, chưa hình thành đầy đủ “an cư lập nghiệp” như các dân tộc khác nên họ không đặt nặng vấn đề xây dựng và phát triển làng bản lâu bền, kiên cố, tuy nhiên tính cố kết cộng đồng lại rất cao. Song, dù đồng bào Mông ở trên đỉnh núi cao hay thung lũng thâm sâu hay giữa lưng chừng trời thì vẫn có những con người vì yêu thương đồng bào, vì tình yêu và trách nhiệm đối với sự bình yên tổ quốc mà dấn thấn, mà phục vụ. Và tôi nghĩ rằng Đại uý Hơ Văn Di là người như vậy.
Niềm hy vọng ánh lên từ những lớp học “đặc biệt”
Màn đêm buông xuống, bốn bề rừng núi thâm u, sương núi lại giăng kín lối đi, phủ lấy ánh đèn pin loang loáng, xuyên thấu màn đêm. Những con đường quanh co, khúc khuỷu, khó đi giống như con đường đến với cái chữ, đến với ánh sáng tri thức của đồng bào nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Trung Lý và bà con nơi đây. Điểm trường tiểu học bản Khằm 2 sáng đèn, lớp học “đặc biệt” xóa mù chữ nhộn nhịp, vui tươi, như làm bừng lên sức sống giữa màn đêm u tịch. Một người, hai người, rồi chạm tới con số 31 người đăng ký học. Điểm trường bản Khằm 2 đều đặn mỗi tối, từ thứ hai đến thứ sáu, lại vang lên tiếng đánh vần của lớp học xóa mù chữ dành cho đồng bào người Mông trong bản. Đây cũng là lớp thứ hai tại xã Trung Lý được Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp cùng Hội Phụ nữ địa phương tổ chức, với mong muốn “gieo con chữ” cho bà con dân bản vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn này.
Dù ban ngày bận rộn lên nương, nhưng đúng bảy giờ tối, những học viên lớp “đặc biệt” lại í ới gọi nhau tới lớp học. Nói là đặc biệt bởi thầy giáo đứng lớp mang quân hàm xanh, học sinh trẻ nhất chừng 19 - 20 tuổi, người lớn tuổi nhất gần 50 tuổi, có chị em địu cả con trên lưng tới lớp. Dù chưa đến giờ vào lớp nhưng chị Hoàng Thị Dung, một học viên của lớp đã tới và bắt tay ngay vào lau bảng, sắp xếp lại bàn ghế ngay ngắn. Như có người để chia sẻ niềm vui, sau mấy câu chào hỏi chị vui vẻ tiếp chuyện tôi: “Có cái lớp này phấn khởi lắm, chị em tới lớp không chỉ được học cái chữ mà còn có cơ hội hỏi han nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Khi còn bé, vì nhà đông con bố mẹ kêu mình phải ở nhà trông em không được đi học, thấy các bạn cùng trang lứa tới trường mà mình tủi thân lắm. Nay được các chú bộ đội biên phòng đến ở cùng luôn và vận động mình đi học nên mình đi học thôi. Học không hiểu thì nhờ thầy giảng lại, thầy Di rất nhiệt tình chỉ bảo, thầy là người Mông nên có những điều khó diễn đạt thầy trò cùng trao đổi bằng tiếng Mông với nhau nên mình dễ hiểu bài lắm. Trước đây, có nhiều cán bộ là thầy giáo người Kinh rất nhiệt tình với bà con, nhưng vì không hiểu tiếng Mông lại khác nhau về tập tục nên chị em thường ngại hỏi thầy về bài vở. Mình biết ơn các chú bộ đội lắm, nhờ họ mà mình biết viết và đánh vần tên của mình”. Vốn chị em quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, tay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét. Chứng kiến một buổi học mới thấy hết nỗi khát khao được học “con chữ” của họ. Phòng học rất đông, hai học viên ngồi một bàn, là bàn ghế của học sinh tiểu học nên chị em ngồi rất gò bó, chật chội. Sách học theo chương trình xóa mù do Bộ Giáo dục xuất bản không bán ngoài thị trường nên mỗi bàn chỉ có một cuốn sách cũ dùng lại qua các năm trước. Bút, vở do anh em trong đồn góp tiền mua tặng chị em. Không khí lớp học rất nghiêm túc mà lại gần gũi và thân thương. Sau mỗi buổi học, các thầy trong tổ công tác còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, bên cạnh đó còn tổ chức cho chị em giao lưu văn nghệ tạo không khí vui tươi để các buổi học không bị nhàm chán.
Vì không biết chữ nên người dân rất ngại, không muốn tiếp xúc với người lạ, chân tay rất cứng, cầm cuốc chắc hơn cầm bút cho nên công tác vận động bà con đi học lớp xóa mù chữ là rất khó. “Cái chữ không làm no cái bụng” câu nói ấy đã trở thành cửa miệng của các bậc phụ huynh mỗi khi thầy Di và các chiến sĩ đến từng nhà. Quả thực việc đến từng hộ vận động cho chị em đi học là một điều rất khó khăn, vất vả. Một ngày, hai ngày. Một tuần, hai tuần... cứ thế, bằng sự kiên trì, không thể dùng vật chất thuyết phục mà phải làm cách nào để người dân tin yêu, gần gũi mình, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó sẽ chịu đến lớp. Bí quyết giúp thầy Di có thể thuyết phục được là gần gũi người dân, sống và sẵn sàng xắn tay áo lên lao động cùng họ. Có lần Di đến nhà anh Giàng A Sáng để vận động, anh rất cổ hủ và không muốn vợ đi học. Anh bảo: “Vợ ở nhà đi lên nương trồng lúa, vào rừng đào măng, kiếm ăn để no cái bụng là được rồi, phụ nữ học để làm gì”. Thuyết phục mãi không được, biết anh thích uống rượu, Di liền tìm cách mua vài lít rượu rủ anh cùng nhậu. Uống xong vài ly, Di bắt đầu “khơi chuyện” rồi thuyết phục.
- Nhớ, anh hứa rồi nhé. Ngày mai phải cho vợ đi học đấy!
Đến ngày hôm sau, anh và vợ cùng nhau tới lớp học. Thật tình mà nói thì Di vui và hạnh phúc nhất là khi nhìn thấy trên khuôn mặt các bà, các mẹ, các chị nở nụ cười. Là người con của bản làng vùng cao, Di hiểu chị em phụ nữ phải sống thế nào, hàng ngày bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình, đó là những hủ tục lạc hậu như: trọng nam khinh nữ, cướp vợ, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Việc phụ nữ có đủ tri thức một tương lai không xa sẽ tự tin khẳng định bản thân, chủ động trong cuộc sống sẽ là điều kiện để tự bảo vệ chính mình. Thêm một cái khó, đấy là giảng dạy làm sao cho bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu, để con chữ không rơi rụng trên đường lên nương, xuống suối. Vốn là một thầy giáo không được đào tạo chuyên môn về sư phạm nên tối đi dạy về Di lại ngồi trước bàn làm việc, chuẩn bị soạn giáo án thật kỹ cho ngày mai, lồng ghép những câu chuyện thực tế, những hình ảnh thân thuộc, gần gũi hàng ngày để làm sao học viên dễ nhớ nhất.
Di thương và coi bà con như chính người thân trong gia đình mình vậy. Tình thương đó phải xuất phát từ trái tim đang thổn thức mới không chỉ đem những con chữ đến cho bà con, có thể giúp họ học được, áp dụng được mà còn lo cho họ từng li từng tí. Di tâm sự: “Hè đến thời tiết oi bức, có những tối không một cơn gió thổi qua. Đứng trên bục giảng nhìn xuống các bà, các mẹ, tay cầm bút tập viết mà những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, thương lắm! Đến tháng nhận lương là đi mua ngay cho bà con cái quạt, để bà con được ngồi mát học bài. Anh em trong tổ công tác lâu lâu góp tiền mua bánh kẹo cho bà con liên hoan…”. Dường như hình ảnh bà con hàng đêm miệt mài đi tìm con chữ, dù phải vượt qua bao khó khăn, thách thức phía trước vẫn quyết tâm không từ bỏ giống với hình ảnh của cậu bé Di năm xưa, dù cuộc sống có muôn vàn lo lắng, cái bụng không mấy bữa được no nhưng ánh mắt khát khao con chữ là không bao giờ trũng xuống. Ngoài tình quân dân, tình thầy trò, tình thương Di với bà con còn là sự đồng cảm sâu sắc.
Thật may khi tham dự lớp, tôi có dịp gặp Bí thư chi bộ bản Khằm 2, Giàng A Vành khi anh tới điểm trường quán xuyến lớp và đợi đón vợ về. Với nét mặt tươi vui, cùng giọng nói ấm áp, cởi mở trông anh khá trẻ so với tuổi gần bốn mươi. Vành thường xuyên cùng các chiến sỹ xuống tận gia đình bà con để vận động chị em trong bản đi học. Ngay như ở nhà, Vành đã phải khuyên vợ rất nhiều để vợ chịu đi học, khi về nhà tối đến lại dạy thêm cho vợ. Biết ở cái tuổi của vợ bây giờ nói tới học chữ sẽ rất khó, nhưng không thể vì thế mà từ bỏ quyền lợi đón nhận tri thức. Vành chia sẻ: “Bản Khằm 2 có 521 người trên 95 hộ dân. Phụ nữ không biết chữ trên 50 người, có người không tham gia được vì phải đi làm, con nhỏ. Đời sống bà con trong bản rất khó khăn, vất vả, nhiều chị em muốn đi làm ăn xa nhưng không biết chữ để xin vào công ty. Những chị em ở đây được đi học đều rất vui mừng, phấn khởi, đi học vui được các thầy dạy cho con chữ, đi đâu biết ký tên mình không phải điểm chỉ như trước nữa. Rất cảm ơn các chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý đã tận tình hướng dẫn bà con cách trồng khoai, trông ngô, trồng sắn,... chăn nuôi gia súc sao cho hiệu quả và giờ là dạy chị em học cái chữ”.
Cuộc sống và “nghề” dạy chữ cho các chị em trên vùng cao biên giới của Di được ví như người làm nghề chèo đò, chèo đưa khách qua sông xong là lại đi tìm những vị khách khác ở bến mới. Gần 20 năm “gieo chữ” trên địa bàn xã Trung Lý, Di đã đến đủ tất cả các điểm trường để “gieo chữ” cho bản làng. Cái duyên bén với chiến sĩ biên phòng khi được thêm nhiệm vụ là “thầy giáo” cõng chữ lên vùng biên, Đại úy Di chỉ mong: Sau khi tham gia các lớp học, người dân sẽ không bị tái mù chữ, biết đọc báo để hiểu hơn về pháp luật, từ đó cuộc sống cũng thay đổi. Trước đây, bà con hay gọi Di là chú bộ đội, giờ, Di còn được các học viên gọi là “thầy giáo”. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, món quà tinh thần lớn nhất của Di đó là những lời chúc của các chị em trong lớp. Niềm hạnh phúc ấy có lẽ là động lực để Di tiếp tục cống hiến với mảnh đất vùng biên. Sau những buổi tối lên lớp với đồng bào, người thầy giáo quân hàm xanh lại lặng thầm trở lại với mây ngàn gió núi, với những cung đường dốc chồn chân vó ngựa để bảo vệ biên cương. Ở nơi đây Di gửi gắm cả tuổi thanh xuân, thời gian dành cho gia đình và cho những sở thích cá nhân. Tất cả đều được Di gói ghém lại để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng từ chính trái tim của những người lính biên phòng.
Sương núi lan vào cửa lớp, quanh quẩn bên ánh điện mờ. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, tiếng viết bảng loẹt xoẹt của những học trò đặc biệt đã xua tan không gian tĩnh lặng chốn rẻo cao. Trong số họ, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng rồi bận việc nương rẫy đến quên mất mặt chữ. Quay trở lại với lớp học, họ lại viết được tên mình, đọc được tên bản, tên xã với những niềm vui bất tận. Có thể bà con chưa thấy được ngay hiệu quả do cái chữ mang lại, nhưng chắc chắn họ ý thức được việc học chữ sẽ đem ánh sáng đến với gia đình, với bản làng của mình. Thiết nghĩ, không riêng gì thầy Di mà những thầy giáo quân hàm xanh trên khắp mọi miền Tổ quốc đang ngày đêm miệt mài mang cái chữ đến bản làng vùng cao nơi biên cương, mong muốn gieo mầm non hy vọng đến với bà con - những con người đang khát khao tri thức.
L.T