Cha con và mối thâm tình biên giới (Ký dự thi)
“Chúng ta sắp qua Lam Kinh”. Đó là lời Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó chủ nhiệm Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Vị sỹ quan quân hàm xanh 32 năm quân ngũ từng lái xuồng ra đảo Phú Quốc hồi những năm 1990, trải qua rừng khộp nơi biên giới Tây Nam Bộ, đại ngàn Tây Nguyên, rồi biên giới xứ Nghệ, xứ Thanh nên nhiều chuyện kỳ thú. Những câu chuyện dọc các tuyến biên giới trên bộ và trên biển khiến chuyến đi của chúng tôi thêm phần phong vị. Thượng tá Thu nói chuyện có duyên, lại thông thạo các địa bàn nên kiêm luôn hướng dẫn viên cho đoàn công tác. Chuyến xe gần 30 người với đủ chất giọng miền Bắc, miền Trung. Hai nhà văn từ Hà Nội về cùng đoàn Thanh Hóa. Tôi thì hầu như chỉ im lặng. Và tôi cũng muốn được ngẫm nghĩ, quan sát về những nơi mình lần đầu tìm đến. Đó là Mường Lát, huyện xa nhất xứ Thanh, nơi tôi chỉ mới biết qua bài thơ nổi tiếng Tây Tiến của Quang Dũng và tập di cảo xuất bản sau hơn 30 năm nhà thơ “Mắt người Sơn Tây” từ trần.
Lời của Thượng tá Hồ Ngọc Thu nhắc tôi một chỉ dấu. Vậy là tôi đang đi vào vùng đất mà cách đây đúng 600 năm về trước, Lê Lợi đang khởi sự những cuộc phản công chống lại quân Minh xâm lược. Chỉ bốn năm sau, cuối năm 1427 toàn cõi Đại Việt đã sạch bóng ngoại xâm. Lê Lợi lên ngôi xây dựng đế nghiệp. Tôi miên man nghĩ về điều này khi ngang qua đất Lam Kinh, huyện Thọ Xuân rồi qua Ngọc Lặc để vào sâu trong địa phận các huyện miền Tây Thanh Hóa. Đó quả là một trải nghiệm kỳ thú. Đi qua một vùng đất lịch sử và hình dung về nơi đây 600 năm về trước. Như thể trải nghiệm bởi kính thực tế ảo. Mơ hồ hơn nữa là một giấc mơ.
Qua Ngọc Lặc xứ của người Thái, người Mường đi sâu hơn vào miền Tây Thanh Hóa, đến non trưa thì qua Mường Ca Da, huyện Quan Hóa. Nơi này có lễ hội của cộng đồng người Thái diễn ra vào tháng tư âm lịch. Tôi đi và thấy nhiều vùng người Thái nhóm Tảy Thanh ở Nghệ An vẫn nhận mình có gốc từ Mường Ca Da. Người Thái ở Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) cũng có những huyền thoại về miền đất này. Quá trưa thì đến Hồi Xuân, trung tâm huyện Quan Hóa. Trong cuốn hồi ký về đoàn binh Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng có kể rằng, Đội tuyên truyền võ trang biên khu Lào - Việt hồi 1948 từ Hòa Bình vào Thanh Hóa có dừng lại ở Hồi Xuân diễn kịch tuyên truyền hẳn một tuần lễ. Sau đó đơn vị gồm 3 trung đội này đã vượt sông Mã và hành quân suốt nửa tháng trời đến Sài Khao, một địa danh đã trở nên nức tiếng qua thơ Quang Dũng.
*
Quãng đường mà Đoàn võ trang 75 năm về trước đi trong nửa tháng thì nay, chúng tôi chỉ mất vài giờ đồng hồ trên chiếc xe biển đỏ của biên phòng Thanh Hóa. Xe qua cổng trời Mường Lát, lướt qua những tán phượng đỏ như rực rỡ hơn dưới nắng hè. Tôi đồ rằng ngoài kia cũng đang rộn rực tiếng ve. Xe men theo dòng sông Mã lững lờ trôi, nước đục ngầu như hờn dỗi. Tôi lại nhớ về những trang viết của Quang Dũng năm nào. Hơn bảy thập niên về trước, quãng sông qua Mường Lát dưới ngòi bút của vị đại đội trưởng thật dữ dội, thác lũ gầm gào. Để vượt sông, Đoàn võ trang phải nhờ đến dân bản địa thạo sông nước kết những chiếc bè hai tầng mà đi qua. Những chiến binh từng quen sóng nước Hồng Hà cũng chỉ biết bấu chặt vào bè nứa. Qua sông rồi mới chắc chắn rằng mình đã sống sót. Ấy thế mà nay, qua cửa kính ô tô, dòng sông quá đỗi hiền lành. Tôi đã gặp sông Mã trong một hình hài, một tính nết có phần khác năm xưa khi Quang Dũng đi qua. Có lẽ ngày đó dòng sông còn trẻ tráng, sức vóc, nay có phần trầm tĩnh, già nua. Tôi nghe những cán bộ biên phòng ở Mường Lát cho hay do bị ngăn dòng xây dựng thủy điện từ thượng nguồn, phía CHDCND Lào, sông Mã giờ chỉ còn hung hãn mỗi khi lũ về.
Đôi khi những phận người cũng như dòng sông Mã vậy. Đầy những thăng trầm. Một suy nghĩ vụt hiện trong buổi chiều muộn khi tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn. Xã Tén Tằn nay đã sáp nhập với thị trấn Mường Lát. Nhưng tên gọi cũ vẫn được dùng như một thói quen chưa thể từ bỏ trong ngày một ngày hai. Trong buổi chiều muộn khi những chiến sỹ biên phòng đang chơi thể thao tôi để tâm đến một thiếu niên nhỏ bé đang chật vật với trái bóng chuyền trên tay. Trông em có vẻ hào hứng chứ không bẽn lẽn như bầy trẻ quen thuộc vẫn được vào đơn vị chơi lúc chiều về. Em thiếu niên là Ngân Minh Nghĩa trú Khối Chiềng Cồng, Thị trấn Mường Lát cũng là nơi đứng chân của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn. Nghĩa đang học lớp 7 trường nội trú huyện. Từ ba năm nay, em ăn ở cùng các chiến sỹ biên phòng. Em là một trong hàng trăm thiếu niên đang được nuôi dưỡng bởi những chiến sỹ biên phòng miền Tây Thanh Hóa cũng như các dải biên cương của Tổ quốc. Phong trào “Con nuôi biên phòng” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát huy tác dụng và được nhân rộng trong lực lượng vũ trang. Đâu đó đã xuất hiện phong trào con nuôi công an xã, con nuôi hội phụ nữ đều khởi phát từ lực lượng biên phòng. Minh Nghĩa nhỏ nhắn như một mầm măng rừng đang sinh trưởng trong vòng tay yêu thương của một gia đình lớn trong đơn vị bộ đội. Từ ngày có thêm một thành viên đặc biệt, gia đình lớn của các chiến sỹ biên phòng đồn Tén Tằn có bận bịu hơn. Ngày Nghĩa còn học cấp một, các anh cắt cử nhau đưa đón. Sáng cháu ngồi sau xe các chú đến trường. Chiều các chú lại đón về.
Tôi theo Nghĩa và một chiến sỹ biên phòng trẻ quê huyện Quan Hóa cách đơn vị đóng quân 60km đến thăm gia đình em. Căn nhà cách đơn vị biên phòng chỉ dăm phút đi bộ. Từ đây có thể nhìn thấy hàng rào và khuôn viên rợp bóng cây của đồn biên phòng. Căn nhà của Nghĩa nép mình ven đường cái nom khá khiêm tốn. Chị gái Nghĩa là Ngân Thị Hạnh - nữ sinh trường nội trú cũng đang ở nhà nghỉ hè. Một lúc sau bà Lô Thị Thu, bà nội của Nghĩa và Hạnh trở về. Nữ sinh lớp 11 tâm sự bản thân thích học văn và có ý định sẽ thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội để trở thành một giáo viên. Bà Thu không nói được tiếng Kinh nên tôi chuyển sang tiếng Thái để tiếp chuyện. Cũng may tiếng Thái khu vực Mường Lát chỉ khác quê tôi đôi chút phương ngữ nên cuộc chuyện trò diễn ra thoải mái. Bà Thu năm nay 59 tuổi, từ nhiều năm nay đã một mình nuôi nấng hai đứa cháu trong khi người chồng mất sớm. Năm Nghĩa lên 4 tuổi thì cha em mất, không lâu sau, người mẹ trẻ đi bước nữa để lại hai đứa cháu cho bà. “Nghĩa lên lớp 4 thì đồn biên phòng đưa về nuôi giúp. Con chị cũng được các chú, các bác cho tiền, mua quần áo cho ăn học. Thật là cảm ơn lắm” - Bà Thu xúc động.
Sau cuộc viếng thăm ngắn ngủi đến căn nhà nhỏ của Ngân Minh Nghĩa, tôi chợt nghĩ “Con nuôi biên phòng” đã không dừng lại ở một phong trào. Những hoạt động được thí điểm rồi nhân rộng để giúp trẻ em thiệt thòi khu vực biên giới, hải đảo bao lâu nay mang một ý nghĩa thực sự lớn. Phong trào đã giúp những em nhỏ neo đơn, côi cút như Nghĩa trở nên tự tin và đỡ đi nhiều những nỗi gian truân trong cuộc sống. Những người bà, người mẹ như bà Thu cũng đỡ đi rất nhiều gánh nặng phải lo cho cháu khi đã ở tuổi xế chiều. Những hoạt động này có lẽ đã thực sự mang lại niềm tin vững chắc trong quần chúng đối với lực lượng biên phòng đang ngày đêm bảo vệ tuyến biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có tuyến biên giới Mường Lát.
Nắng đã tắt và khép lại một ngày nữa trong chuyến hành trình dài dặc. Một trận mưa đến bất thần khiến tôi nhớ lại thông tin về đợt lũ cách đây vài năm đã tràn qua Mường Lát. Trận lũ đã khiến nhiều người mất chỗ ở. Một hình ảnh đã đi vào thơ của văn nghệ sỹ xứ Thanh khi những chiến sỹ biên phòng ở Tam Chung kết thành chiếc cầu người để bà con vịn vào mà vượt qua lũ dữ. Trong đêm mưa. Một nhà thơ nữ đọc lại bài thơ của mình nói về một sự kiện có thật và từng mang tính biểu tượng cho tình quân dân nơi biên viễn, cũng như tinh thần sẵn sàng xả thân vì cuộc sống bình yên của người dân nơi đây của lực lượng biên phòng Thanh Hóa.
Đêm muộn, tiếng ro ro đều đều của chiếc máy điều hòa nhiệt độ khiến tôi khó ngủ. Hình bóng của Ngân Minh Nghĩa, của bà Thu và Hạnh lại hiện ra trong tâm trí. Tôi nghĩ về phong trào nhận “con nuôi” của lực lượng biên phòng. Một chủ trương được phát động trong toàn lực lượng biên phòng tưởng như chỉ chung chung, giản dị như nhiều phong trào khác, nhưng khi về với các địa bàn biên giới khó khăn mới thấy được sự thiết thực mà một chủ trương đem lại. Nó như bàn tay chìa ra của những người cha dành cho các số phận không may như Minh Nghĩa, như Hạnh.
Ngày hôm sau tôi đến bản Sài Khao xã Trung Lý, một trong những địa bàn quản lý bởi Đồn Biên phòng Tam Chung. Ngồi sau xe máy của Thiếu tá Vi Minh Bình trèo trên con dốc dài 5km tôi hình dung quãng đường 75 năm trước được Quang Dũng kể lại qua thiên hồi ký, ngày xưa quãng này là những nương thuốc phiện. Từ lâu đã không còn bóng dáng của cây anh túc. Quãng dốc mà đoàn binh Tây Tiến mất mấy ngày trời để đi thì chúng tôi chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ ngồi xe máy. Đường sá vẫn gập ghềnh. Vừa đi, các anh lính biên phòng vẫn phải để ý ven đường vì vẫn còn những người dân sử dụng súng cồn, súng săn tự chế để săn thú. Dẫu đã tuyên truyền, đã vận động nhiều nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bản Sài Khao trong thơ Quang Dũng đẹp như một cơn mộng hiện ra khiêm nhường và lặng lẽ khi chúng tôi đặt chân đến. Có một ngôi trường tiểu học, một trường mầm non đứng chân nơi đầu bản, cách không xa là bức phù điêu kỷ niệm một trong những địa điểm hoạt động của đoàn binh Tây Tiến năm nào. Tiếng trẻ mầm non như đàn chim lảnh lót trong giờ ra chơi. Trong ngôi trường bên cạnh là tiếng đọc bài của học sinh cấp một. Đó là tất cả những điểm nhấn vui tươi của cuộc sống nơi đây. Đi qua các điểm trường, làng bản trở nên trầm mặc. Một ông lão trạc ngoài 60 cõng cháu đi chơi cười hồn nhiên trước ống kính của tôi. Bà lão Giàng Thị Ly 70 tuổi không nói được tiếng Kinh và tiếng Thái. Qua anh phiên dịch tôi biết bà đến từ Sơn La cách đây đã hơn ba chục mùa rẫy. Có lẽ là hơn 30 năm bà đến làm dâu. Ông chồng là thầy mo. Bà Ly có người con cũng làm cán bộ ở đâu đó. Trong buổi trưa vắng lắng, bản nhỏ Sài Khao với gần trăm nóc nhà của cộng đồng người Mông hiện lên có phần hiu hắt.
Rồi đây có lẽ cũng sẽ còn một vài người trong số những đứa trẻ đang bi bô đọc bài, đang vui chơi trên sân trường ngoài kia hay như em nhỏ ông nội địu đi chơi vừa lướt qua tôi biết đâu sẽ có lúc phải cần đến bàn tay những “người cha” biên phòng. Một chủ trương khi về đất này hệt như làn mưa qua rừng tre nứa. Đám măng non còi cọc vì khô hạn sẽ tự tin vươn lên và rồi một lớp tre khỏe khoắn đủ sức đương đầu trước gió bão cuộc đời.
*
Phong trào “Con nuôi biên phòng” có nhiều câu chuyện cảm động về các ông bố biên phòng và những đứa con nuôi của họ. Chuyện về hai cha con Đinh Anh Tuấn và Gia Ngọc Tuấn là một trong những điều như thế. Gần tuổi 50 Đinh Anh Tuấn nhận đỡ đầu một em học sinh mồ côi. Vị Trung tá là nhân viên phiên dịch của Đồn Biên phòng Pù Nhi (xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) vốn thiếu vắng tình thương của người cha từ tấm bé, nên rất thấu hiểu những người cùng cảnh ngộ.
Đinh Anh Tuấn sinh trưởng ở miền biển Hoằng Hóa. Từ nhỏ đã quen với những con sóng vỗ bờ. Lớn thêm một chút anh mong có ngày cưỡi sóng vươn khơi. Người lớn bảo rằng cha anh đang ở bờ biển bên kia, nơi cuộc sống đầy niềm vui và không ai phải cô độc trên đời. Trưởng thành hơn, nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công, anh hiểu được rằng cha anh là liệt sỹ, đã hy sinh thân mình cho sự toàn vẹn, thống nhất đất nước.
Tôi vẫn còn lưu giữ đoạn băng cuộc trò chuyện giữa Đinh Anh Tuấn và nhóm công tác. Giọng người lính biên phòng trở nên trầm tư khi nhắc đến người cha. “Cha tôi hy sinh hồi 1972. Gia đình chỉ biết là ở chiến trường phía Nam. Đã mấy lần đi tìm nhưng chưa thấy mộ phần…”. Từ nhỏ đã thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố, Đinh Anh Tuấn chọn con đường binh nghiệp như là cách để anh cảm nhận được hơi ấm người cha. Anh quyết định trở thành một người lính biên phòng. Đã lường trước những vất vả của người lính quân hàm xanh là phải luôn gắn bó với núi rừng, biển đảo. Dù đã quen tiếp xúc với những địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng mỗi lần gặp một đứa trẻ côi cút, trong anh lại cộn lên một niềm thương cảm mãnh liệt. Trong nhiều năm Đinh Anh Tuấn nhiệt thành hưởng ứng phong trào “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi biên phòng” điều mà anh cho rằng vừa là trách nhiệm của người lính vừa là niềm thương cảm với những thân phận mồ côi.
Rồi như một cơ duyên, anh trở thành bố nuôi của một chú bé mồ côi. Đó là em Gia Ngọc Tuấn ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Năm 2019, Gia Ngọc Tuấn đang học lớp 6 thì Đinh Anh Tuấn cũng chuyển đơn vị đến Đồn Biên phòng Pù Nhi. Trong ngày đầu anh đã nghe chuyện về Ngọc Tuấn, chú bé người H’Mông yếu ớt, nhỏ thó đang sống trong cảnh côi cút. Trước đó ít năm, anh Gia Bá Dính, sỹ quan biên phòng lâm bạo bệnh qua đời để lại hai con nhỏ. Không lâu sau cái chết của chồng, người vợ cũng tái giá đến Sơn La, tỉnh lân cận của Thanh Hóa. Tuy gần về ranh giới địa lý nhưng lại xa xôi về đường sá. Ngọc Tuấn và em gái là Ngọc Chi sống cùng ông bà nội đã cao tuổi ở một bản nhỏ trên núi cao. Bà mẹ trẻ thi thoảng cũng chỉ gọi điện thăm hỏi con. Phận gái đã tái giá phải lo toan nhà chồng, còn đâu thì giờ, tâm trí lo cho các con. Nhưng rồi các chiến sỹ biên phòng đã vào cuộc để giúp đỡ hai em nhỏ. Ngọc Tuấn trở thành con nuôi biên phòng. Cảm thương trước hoàn cảnh đáng thương của chú bé mồ côi lại đang mang trong mình bệnh thiếu máu bẩm sinh, Đinh Anh Tuấn đã nhận Ngọc Tuấn làm con nuôi. Hai thân phận cùng cảnh côi cút gặp nhau. Đinh Anh Tuấn như gặp lại những đứa con đang ở thành phố của mình. Ngoài công việc chuyên môn, anh cũng bận rộn như những người cha phải chăm sóc con cái khác. Sáng dậy đưa con tới trường. Chiều lại đón về. Gần đây, Ngọc Tuấn đã lớn hơn, em có thể đạp xe đi học nên người cha cũng đỡ khoản đưa đón. Căn phòng công vụ giờ như một gia đình nhỏ có bố, có con. Sớm hôm ríu rít. Đó cũng là niềm an ủi đối với một sỹ quan biên phòng sống xa nhà. Thời gian thấm thoát, giờ Ngọc Tuấn đã học xong lớp 9. Em như một cánh chim non sắp ra ràng, sắp phải xa bố nuôi. Em sẽ học lên và rời khỏi địa phương, cũng như những chàng trai, cô gái đất này. Lớn lên và rời khỏi vòng tay cha mẹ.
Trong suốt cuộc gặp gỡ, Gia Ngọc Tuấn khá kiệm lời. Em chỉ trả lời những gì được hỏi. Em kể trong những năm qua có hai lần về quê bố nuôi ở Hoằng Hóa. Ngày hè, cô chị là con gái đầu của Đinh Anh Tuấn về nghỉ quan tâm cậu em rất nhiều. Chị bỏ tiền dành dụm được dẫn em đi mua quần áo, đi chơi cho biết đó biết đây. Ngọc Tuấn cũng đã trải qua một cái tết ở quê bố nuôi. Tết ở đó khác nhiều so với bản em. Ngày tết, người dưới xuôi tập trung ăn uống nhiều hơn, còn ở bản chủ yếu là rong chơi từ nhà này qua nhà khác. Đi cho hết những ngày xuân.
Chúng tôi rời Mường Lát trong một chiều mùa hạ để về thành phố. Đây cũng là con đường Gia Ngọc Tuấn sẽ đi. Em tâm sự rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ không lên cấp ba mà chọn học một trường nghề ở huyện Ngọc Lặc. Em sẽ chọn con đường vào đời sớm hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa. Các bạn trẻ ngày nay có vẻ trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, hệt như những mầm măng gặp trời quang nắng, mưa thuận gió hòa. Những mầm măng không bị lãng quên dù có mọc ở chốn rừng sâu núi thẳm. Tôi lại qua vùng đất lịch sử, nơi 600 năm về trước, Lê Lợi bắt đầu cuộc phản công để làm nên đế nghiệp của một triều đại và củng cố nền độc lập của một quốc gia. Còn ngày nay, những người lính biên phòng như Hồ Ngọc Thu, Đình Anh Tuấn đang góp công sức giữ gìn nền độc lập ấy.
*
Thượng tá Hồ Ngọc Thu hầu như tư lự suốt chuyến trở về. Có thể anh mệt. Có thể cũng như tôi, anh đang nghĩ về những người đồng nghiệp của mình ở nơi biên viễn xa xôi kia. Tôi nhớ lại từng gương mặt đã gặp, những nét mặt cương nghị dẫn chúng tôi đi qua những đơn vị đang chốt giữ miền biên viễn Mường Lát. Đất này còn gian khó và cũng đẹp như trong thơ Quang Dũng. Tôi nhớ về những em bé Sài Khao, mới chỉ xa hai ngày mà đã nhớ. Nhớ về Ngân Minh Nghĩa, Gia Ngọc Tuấn và người bố nuôi của các em. Họ đã làm nên những mối thâm tình nơi biên giới Mường Lát và cả dải biên cương trải suốt rộng dài đất nước.
Khi tôi viết những dòng cuối của bài viết nhỏ nhoi này, trời đã sang thu. Có lẽ Ngân Minh Nghĩa, Gia Ngọc Tuấn và những em bé Sài Khao sắp vào một năm học mới. Những ngày hè tôi ở Mường Lát luôn náo nức tiếng ve. Tâm trí tôi giờ này vẫn vương vấn dàn nhạc ve ngày ấy.
H.V