Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Hành trình của bình yên... (Ký dự thi - Kỳ 1)
Hành trình của bình yên... (Ký dự thi - Kỳ 1)

Ba mươi lăm năm làm cán bộ xã, từ cán bộ phong trào rồi lên làm quản lí, Pù Nhi no đói, sướng khổ, thăng trầm thế nào ông rõ hết. Bản thân là người Mông, tính cách, nết ăn, lối nghĩ của người trong xã thế nào ông rất hiểu. Ấy thế mà đôi khi ông cũng phát mệt với họ, bởi vì “họ bảo thủ lắm”. 
Ngay như cái việc xóa bỏ cây anh túc thôi mà để chính quyền từ xã đến thôn bản nói rát cổ bỏng hầu nhưng một mực không chịu, cứ trồng, ai nói gì mặc. Ông biết rất rõ, cây anh túc với người Mông một thời đã từng được xem là cây thuốc quý, một loại thần dược chữa được bách bệnh cho cả con người và vật nuôi. Thời ấy, đã là người Mông ai cũng ít nhất một lần trong đời hút thuốc phiện, bởi trong người đau thứ gì chỉ cần hút một điếu bằng hạt đậu là khỏi. Bản thân ông cũng đã vài bận phải chạy chữa theo cách đó. Trừ những người bệnh nặng, ma bắt mang bệnh cả đời mới nghiện, vì ngày nào cũng bị ma làm cho đau, muốn hết đau là phải hút, hút nhiều thành nghiện. 
Chỉ từ khi có người bên ngoài vào mua, người Mông trồng nhiều hơn. Bán thuốc phiện được tiền, có tiền mua quần áo mới, có tiền đi chơi chợ, có tiền mua rượu uống… bà con hùa theo nhau trồng nhiều, nhựa cây anh túc từ đó trở thành hàng hóa mang lại nguồn thu nhập chính. Màu xanh của cây anh túc lan đến đâu màu xanh của rừng, của ngô, của lúa bị thu hẹp đi đến đó. Bao sức lực để làm ngô, làm lúa giờ dành cho phá rừng, tìm đất khai hoang để gieo thêm cây thuốc phiện. Cây ngô, cây lúa bị đẩy vào thế trồng trái vụ nên mất mùa liên miên, chẳng mấy chốc cái nghèo, cái đói ám vào đời sống người Mông khắp cả vùng Mường Lát, nhất là Pù Nhi, nơi được coi là vựa cây thuốc phiện. Cái xã mà ông là người đứng đầu, câu “Pù Nhi có nhiều người trồng anh túc, nhiều người nghiện thuốc phiện nhất” lần nào đi họp Hội đồng huyện ông cũng được xướng tên, mỗi lần như thế ông chỉ biết đưa tay vuốt tóc chữa thẹn chứ nói đi nói lại mãi cái lí do “Dân tôi họ lì. Dân tôi bảo thủ…” mãi cũng nhàm.
Pù Toong trước khi thành “vùng chuyên canh” cây thuốc phiện là những khu rừng rậm rạp, xanh mướt mát, đẹp tựa cô gái Mông đến tuổi cập kê, đầy sức hút. Tiếc một điều ngày đó người Mông ở Pù Nhi chưa biết nâng niu rừng, họ vẫn cưỡng bức rừng như tập tục bắt vợ, họ không cần biết người con gái đó có ưng mình hay không. Cái “vùng chuyên canh” ấy khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên, tốn bao công sức, tổn hao tâm trí mà vẫn không thể lay chuyển được cái tập tục trồng cây thuốc phiện đã ăn sâu bám rễ vào tư tưởng của người Pù Nhi. Biết bao lần ông đứng lặng như tờ trên đỉnh Pù Toong nhìn cảnh cây anh túc cứ thế mà lan ra, cứ thế mà hạ gục và chiếm hữu những khoảng rừng chẳng mảy may thương xót. Pù Toong thành làng, thành bản, thành nơi cất lều tạm bợ của người Mông ở tứ xứ đến. Những chiếc lều được làm từ gỗ rừng, những chiếc lều ứa máu rừng, những chiếc lều tăm tối. Đất Pù Toong hợp với cây thuốc phiện, nhưng đó là khi Pù Toong còn rừng, còn cây gỗ to tán lớn, đất còn tơi xốp, màu mỡ, khe núi, khe suối còn ẩm ướt quanh năm. Ngày ấy những người đầu tiên đặt chân tới đây họ trồng xen canh vào với rừng, khai khẩn đất trồng để vãi cây anh túc, họ không phá rừng. Người di cư đến ngày một đông, những chỗ đất trống cây rừng cũng hết, rừng bắt đầu bị chặt hạ vô tội vạ để lấy gỗ làm nhà, lấy chỗ trống để tăng thêm diện tích trồng cây anh túc. Dãy Pù Toong chả mấy chốc trở nên trọc lốc. Những sườn đồi ở Pù Toong nham nhở vì rừng bị chặt phá, những gốc cây gỗ lớn thâm nâu, trơ trọi hứng nắng mưa rồi thành mục mại. Vào độ cuối đông đầu xuân màu xanh rờn rợn của anh túc che lấp đi những vạt rừng loang máu. Những vết loang lổ vì mất rừng được thay bằng vẻ đẹp mơ màng bởi sắc tím của hoa anh túc trải thảm mỗi độ giêng, hai. Từ năm hộ trồng ban đầu, chỉ vài năm sau đó số hộ từ nơi khác di cư tới đã lên đến cả trăm. Người Mông từ Lốc Há, Pha Đén, Cá Tớp, Cá Nọi xuống, từ Pù Ngùa, Pù Quăn ra, từ bản Pá Hộc, bản Chim lên… Pù Toong bỗng dưng thành vùng “chuyên canh” cây anh túc, thành cái “dằm” gây nhức nhối cho ông Pó và chính quyền nơi đây. Khi Pù Toong hết rừng, đất Pù Toong không còn màu mỡ, cây anh túc không còn mập mạp, nhanh lớn, nhiều nhựa thì đó là lúc người ta lũ lượt kéo nhau đi. Họ bỏ lại những quả đồi, những ngọn núi trơ trốc, khô khốc rồi tiếp tục tìm đến những dãy núi cao hơn, sâu hơn, xa hơn, đất tốt hơn để chặt phá rừng và gieo mầm cây anh túc. Bao lần người đàn ông có thân hình nhỏ thó, khuôn mặt vuông với cái cằm bạnh, đôi lông mày sâu róm làm nổi lên ánh nhìn xoáy sâu vào những gốc cây mục ruỗng, những ngọn đồi chỉ toàn cỏ dại mà những người trồng cây thuốc phiện sau khi hút cạn máu rừng, máu đất đã bỏ đi. Không ai biết ông nghĩ gì, người ta chỉ thấy mỗi lần đến ông lại ngồi bệt xuống bóp nắm đất trên tay, giơ lên cho gió cuốn, với ánh mắt buồn rười rượi mỗi khi ra về.
Ở cái xã giáp biên này xét về độ chăm chỉ, chịu khó thì chả bản nào qua được người Pù Ngùa. Đất đai cằn cỗi là thế, nước nôi thiếu thốn là thế, nhưng chưa mùa nương nào họ để đất không. Bạt núi, xẻ đồi lấy chỗ dựng nhà làm chốn nương thân, ấy thế mà khi nghe hoa anh túc là thần hộ mệnh của người Mông, nhựa thuốc phiện mang tiền đến cho người Mông thì họ rời xa tất cả, bỏ bê tất cả để chạy theo một cách mù quáng. Họ bỏ nhà bỏ cửa đến nơi khác làm chòi, làm lều để ở và trồng cây anh túc. Chẳng màng xa xôi, khó nhọc, chẳng sợ rừng thiêng nước độc, cứ chỗ nào có bãi phẳng, cỏ tốt, gần suối, gần sông là khai hoang vãi hạt. Họ đi biền biệt từ tháng mười năm nay đến tháng tư năm sau, nhà cửa bỏ không cho chuột, cho sóc ở. Mỗi năm họ bỏ ra sáu tháng để theo đuổi cây anh túc; ngô, lúa, nương rẫy chẳng màng. Cuối cùng, khi bán chỗ nhựa cây thuốc phiện thu hoạch được thì chỉ đủ tiền mua sắn ăn chống đói mùa giáp hạt, đàn bà đi chơi chợ, mua vài bộ quần áo cho mấy đứa trẻ con và đàn ông trong nhà có tiền mua rượu uống. Họ đã để nhà mình thành những ngôi nhà hoang, trống huơ trống hoác chẳng mảy may của nả, mưa gió xô nghiêng.
Còn nhớ cái năm 1993, cả bản ngót chín trăm con người thì gần một nửa đi bản khác trồng cây thuốc phiện, đã có người có ngày đi mà chẳng có ngày về vì sốt rét rừng, vì ngã nước, vì đói khát, vì bệnh tật không có thuốc thang, đành nằm lại mãi mãi trong rừng sâu. Như người Mông Cổ ưa thích lối sống du mục, người Mông ở Pù Nhi trong những năm chín mươi vẫn mang bản tính du canh du cư, luôn luôn hướng cái tâm về những vùng đất mới. Họ phá tan hoang Pù Toong rồi phủi tay ra đi mà chẳng màng hậu quả. Từ đỉnh Pha Đén ngất ngưởng cao, trập trùng xa chạy xuống Pù Toong rồi lại mò mẫm vào tới tận bản Cơm heo hút. Đến bản Cơm có thể vì không còn chỗ đẹp hơn, sâu hơn, xa hơn để đi, mà cũng có thể đến được bản Cơm thì gối đã mỏi chân đã mòn nên đành ở lại gắn bó. Từ một vài luống nhỏ, sát mép suối, người bản Cơm trồng để làm thuốc. Khi họ di cư đến thì những nương ngô, nương sắn, những cánh đồng bậc thang xanh màu no ấm, những ngọn núi um tùm rừng già dần dần nhường chỗ cho cây anh túc, rồi cây thuốc phiện cũng trở thành cây trồng chính. Họ rủ rê nhau bằng tiền bạc, bằng bản sắc xa xưa của người Mông, những mộng mị, ấu trĩ và bảo thủ đã tàn phá đi cảnh yên ấm nơi này. Quá khứ rưng rức đau ám ảnh cả vào trong tiếng thở, giọng nói và ánh mắt rưng rưng của ông Pó khi kể chuyện tôi nghe.
Cá Nọi nghĩa là con cá nhỏ, ở đó có ngôi nhà gỗ cũ kỹ mà năm đời nhà ông Pó đã gắn bó. Cái bản mà đất trồng cây anh túc thì ít mà người trồng cây anh túc thì nhiều, cái bản mà một thời có nhiều người nghiện thuốc phiện nhất xã. Nơi đó có người đàn ông hằng đêm vẫn ngồi vẹt mòn bậc cửa, ông ngồi lặng người nhìn vào không gian vời vợi tối trước mặt. Ông cũng là người Mông, cũng có nguồn gốc tiên tổ với làng bản. Dẹp bỏ cây thuốc phiện là một hành động phản bội, một việc làm bị người Mông trù ẻo, ghét bỏ. Họ nói cũng có cái lí đúng của họ, ông là cán bộ phải lo cho dân, bảo vệ dân, bảo vệ phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào mới phải sao có thể phản bội dân tộc mình được. Đêm thì ngày một đen mà tóc ông thì mỗi ngày thêm bạc. Cuộc đấu tranh ngay trong tâm tưởng, ngay trong căn phòng tâm hồn chật chội của vị Bí thư Đảng ủy xã chưa đến hồi kết. Đã có khi tưởng như con đường xóa bỏ cây thuốc phiện ở Pù Nhi đi vào ngõ cụt vì sự phản đối điên cuồng của người dân. Vì đụng đến văn hóa của người Mông, đụng đến hệ tư tưởng sâu rễ gốc bền của người Mông, đụng đến tâm tính của đồng bào. Một thứ tập tục thuộc về văn hóa có lịch sử tồn tại cả trăm năm dù là hủ tục hay mĩ tục thì không phải cứ nói xóa là xóa, cứ bảo bỏ là bỏ ngay được. Càng khó hơn khi trình độ và nhận thức của đồng bào dân tộc ít người như đồng bào Mông còn ở mức hạn chế. Niềm tin và tín ngưỡng là một thứ thành trì khó phá vỡ nhất trong tâm thức của loài người. Người Mông cũng không nằm ngoài quy luật ấy, thậm chí ở một khía cạnh nào đó họ còn mãnh liệt hơn. Trong tín ngưỡng của họ ông trời, ma nhà, ma rừng và hệ thống các thần linh có vị trí tối quan trọng. Cây thuốc phiện gắn với sự ra đời của dân tộc Mông, gắn với đời sống tâm linh và đời sống thường nhật của họ. Vì vậy, bắt họ xóa bỏ không phải chuyện một sớm một chiều, không phải cứ đến nhà tuyên truyền dăm câu ba điều mà xong. Ông vẫn nhớ như in cái ngày lên phá bỏ cây thuốc phiện trên dãy Pha Phứng bị người ta đứng trên cao lăn đá xuống may mà né kịp không thì đã thành con ma rừng, một lần khác bị bao vây trên dãy Piền Liến, bởi mấy tay có súng kíp và dao. Lúc đấy bộ đội biên phòng không đến kịp thì giờ này không biết có còn sống để nghĩ ngợi chuyện cũ nhiều như thế này không. Suy cho cùng dù là người Mông, người Dao, người Mường, người Thái, người Kinh hay bất cứ người dân tộc nào thì bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa luôn là cách để khẳng định sự tồn tại của dân tộc mình. Để thay đổi một khía cạnh, một hình thức, một nội dung nào đó trong hệ thống tư tưởng, kho tàng văn hóa của họ thì dứt khoát phải là câu chuyện của dẫn dắt và tiên phong. Ai là người dẫn dắt? Ai là người tiên phong? Dẫn dắt thế nào đây, tiên phong thế nào đây? Những câu hỏi như dằm đâm đầu ngón tay, chạm thôi là kến, là buốt nhói sâu tận óc rồi. Không ai khác, bản thân ông phải trả lời những câu hỏi ấy, ông phải là người lấy ra cái dằm đang làm nung làm mủ, đang gây nhức buốt trong đầu ông hằng đêm suốt thời gian qua. Vì sao hơn ba năm nói bở hơi tai, sái quai hàm mà thuyết phục không nổi một phần ba số người ở Pù Nhi từ bỏ trồng cây thuốc phiện? Bao đêm ông đối thoại với chính mình. Bao mùa trăng ông lục vấn chính mình.
Hẳn ông Lâu Văn Trá, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và ông Hơ Nọ Tụa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ngày đó vẫn chưa quên cái đêm mưa gió rét mướt cuối năm 1996 ấy. Hãy còn nhớ như in tiếng chân ông Bí thư bước thình thịch vội vã đến gọi từng người lên ủy ban xã họp bàn kế hoạch dẹp bỏ cây anh túc. Trong căn nhà gỗ gió rít qua khe vách, bên đống lửa mới nhóm chưa đủ ấm, ba con người đứng đầu Pù Nhi quyết định tuyên chiến với cây anh túc, với hủ tục của người Mông. “Cán bộ, đảng viên cũng trồng mà không phá trước thì nói dân ai chịu theo”, ông nói lí với đồng chí của mình trước. Câu nói như vừa để đả thông tư tưởng cho anh em mà cũng có ý kêu gọi, tìm kiếm đồng minh, tìm kiếm một sự đồng tình, tìm kiếm một người dám tiên phong. Đại sự muốn thành thì trước nhất trên dưới phải thông suốt, dọc ngang phải đồng lòng, ông sẽ là người dẫn dắt, sẽ là người chỉ huy, vấn đề còn lại ai là người tiên phong thì đêm nay phải tỏ.
Sáng hôm ấy cả bản Cá Nọi xôn xao, ồn ào, gọi nhau như chợ vỡ. Cả chục người tay dao tay gậy kéo nhau đến nhà ông Chủ tịch và Phó Bí thư thường trực xã. Bà con hiếu kỳ tưởng có chuyện gì tày trời nên cũng rủ nhau đi theo. Lúc đầu còn tưởng anh em họ hàng, dòng tộc nhà mấy ông cán bộ bất hòa mà dẫn đến xích mích, đánh nhau. Lúc sau thì thấy đám người vác dao, vác gậy kéo nhau ra vườn anh túc vừa đập vừa chặt, vừa dẫm vừa đạp chả mấy chốc mà nát nhừ cả hecta cây anh túc lúc trước còn mơn mởn xanh, chi chít nụ. Một tuần sau thì Cá Nọi sạch bóng cây thuốc phiện. Điều này làm ông Pó bất ngờ. Ông không nghĩ lại nhanh đến thế. Theo dự liệu của ông với cái tính cố chấp của người Mông có nhanh thì cũng phải vài tháng mới có chuyển biến. Nhanh được như vậy chính là do ông Trá với ông Tụa thay nhau rời nhiệm sở lôi đám thanh niên trong xã cùng với công an và bộ đội biên phòng đến từng bản, từng nhà kêu gọi và tham gia phá bỏ cây thuốc phiện, vài hôm sau thì “người ta đi phá như đi hội…”. Thế mới nói người cởi nút là người thắt nút, người Mông tự cùm chân mình bằng những quan niệm ma mị, ấu trĩ thì chính họ là người mở những cái cùm ấy, vấn đề phải có người tiên phong, phải có người vượt lên được những mụ mị ấy khi đó mới có thể dẫn dắt đồng bào. Ông Pó và các cộng sự của mình đã tìm ra được chìa khóa do vậy vấn đề mở cùm chỉ là câu chuyện thời gian và cách thức mà thôi.
Nhưng cái việc ông Hơ, Trưởng bản Cá Nọi làm còn khiến ông Pó giật mình hơn. Vì ông không nghĩ ông Hơ lại mạnh bạo đến thế, gan lì đến thế. Ông Hơ đến Ủy ban xã xin cai nghiện cho hơn hai mươi con nghiện trong bản. Một ông đại biểu hội đồng xã, một trưởng bản đã bị cả bản ghét bỏ, trù ẻo vì tuyên truyền người ta phá bỏ cây thuốc phiện trước đó, mà chỉ vì câu nói “Cá Nọi có 22 con nghiện, là bản nhiều người nghiện thuốc phiện nhất xã” của ông Chủ tịch Hội đồng huyện mà quyết định biến nhà mình thành trại cai nghiện tập trung của bản thì bản lĩnh và trách nhiệm không hề nhỏ. Nhớ có lần lão bị con nghiện cầm gậy lùa cho chạy thục mạng đến nhà ông Pó lánh nạn nhưng ông Hơ không từ bỏ ý định vẫn quyết làm đến cùng. Cũng may về sau được bộ đội biên phòng và công an xã giúp đỡ nên mọi việc suôn sẻ, cai nghiện thành công cho cả hai mươi hai người.
Một năm sau 99% số hộ ở Pù Nhi đoạn tuyệt với việc trồng cây anh túc, 1% còn lại là các hộ trồng chấm trộm, vì trong nhà có người bị bệnh cần dùng đến thuốc mà phải trồng. Ông Pó đã hao tâm tổn trí để tìm đường hướng, đã tận tâm tìm người đồng hành như hành động của Lưu Bị ba lần đến lều cỏ tìm Gia Cát Lượng cùng mình mưu việc lớn. Có một điều không mấy người biết, chính cái tâm và cái tình của người đứng đầu xã đã mang lại cho ông những người quân sư tài tình, những người đã củng cố niềm tin và cho ông sức mạnh để quyết đánh và quyết thắng trong trận chiến với cây anh túc năm đó. Ông Pó cho rằng nếu không có bộ đội biên phòng thì có lẽ việc xóa bỏ cây thuốc phiện ở Pù Nhi khó mà làm được. Bởi từ công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng đến dân vận, tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ người dân ngay khi phá bỏ cây anh túc đều có sự đóng góp rất lớn của bộ đội biên phòng. Cây anh túc phá tới đâu, cây ngô lai được cấp giống gieo tới đó. Những thửa ruộng bậc thang được đưa nước về, đưa giống về, xuống đồng cấy lúa, lên đồi trồng rừng cùng bà con. Hỗ trợ trâu, bò, dê, gà, lợn, vịt giống rồi dạy luôn cho bà con cách nuôi, cách phòng chữa bệnh, cách nhân giống, nhân đàn. Ngày ra đồng, lên núi, tối vào nhà xóa mù chữ cho cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi năm dăm bảy lần khám chữa bệnh và cấp phát thuốc tại nhà… các anh đã gieo khát vọng thay đổi cuộc sống cho người dân Pù Nhi và những hạt mầm quân dân cũng nảy mầm, trưởng thành, ra hoa, đậu quả từ những ngày oanh liệt ấy.
Cuối năm 1997, sau khi thành trì của cây anh túc, vựa cây thuốc phiện của Mường Lát là Pù Nhi được giải quyết xong thì những xã khác cũng lần lượt xóa bỏ theo hiệu ứng Domino. Năm 1998, ông Hà Văn Hùng, khi đó là Bí thư huyện ủy đã mạnh dạn báo cáo với Tỉnh ủy rằng mười năm sau Mường Lát không còn người nghiện. Thế nhưng, điều ông Hùng không ngờ đến là chỉ hai năm sau đó số con nghiện ở Mường Lát đã lên tới 300 người, mà hầu hết người nghiện là thanh niên. Họ không trồng cây anh túc, không nghiện ma túy đen như thời trước mà họ nghiện Heroin, thứ thuốc trắng đem đến những cái chết trắng. Một cuộc chiến mới, một hành trình gian nan và dai dẳng mới xuất hiện, Pù Nhi hãy còn bộn bề, Mường Lát hãy còn bộn bề... khi ma túy vẫn còn, khi con nghiện vẫn còn, khi những kẻ khát tiền vẫn còn gieo rắc cái chết trắng thì Pù Nhi hãy còn vất vả, Mường Lát hãy còn vất vả, bộ đội biên phòng hãy còn vất vả… 
(Còn nữa)
          

   7-2023
               N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 202
 Hôm nay: 9231
 Tổng số truy cập: 12817646
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa