Hành trình của bình yên... - Kỳ 2 (Ký dự thi)
Tôi gặp Thiếu tá Lâu Văn Lâu lần đầu ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu, anh được chỉ huy đồn cất cử đi cùng tôi lên Mường Chanh. Dáng người thấp đậm và nhịp nói chậm rãi, trò chuyện qua lại mới biết anh là người Mông. Lần đầu gặp nhưng nhìn anh tôi có cảm giác quen lắm, giống với một người nào đó mà tôi đã từng gặp và khá ấn tượng, dọc đường tôi cố nhớ nhưng vẫn mơ hồ. Sau này, khi trở đi trở lại biên giới vài bận, có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau nhiều lần mới biết anh là cháu ông Lâu Gia Pó, người góp công lớn vào việc xóa bỏ cây thuốc phiện ở Pù Nhi, từ đó tạo ra cơn bão domino quét cây anh túc khỏi đất Mường Lát cuối những năm chín mươi. Và là con trai của Đại tá Lâu Văn Hơ, Phó Phòng trinh sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Nói nôm na anh là con nhà nòi, là người mang trong mình dòng máu khắc tinh với ma túy và bọn tội phạm ma túy. Từ năm 2003 đến nay cứ trở đi trở lại Pù Nhi rồi Quang Chiểu rồi lại Pù Nhi, đồn nào cũng nóng ran án ma túy, thành ra chuyện đánh đấm của anh Lâu và Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, đồn Pù Nhi cũng có nhiều điều thú vị lắm.
- Chuyện đánh đấm anh nhớ nhất vụ nào? Tôi tò mò.
- Chú đã bao giờ gồng người lên để ghì cho hai hàm răng khỏi đánh nhau vì rét chưa? Năm 2014, mình cùng anh em phục kích dưới Kéo Té của Nhi Sơn suốt ba ngày liền. Vào đúng mấy hôm rét sâu, nằm mật phục trong vùng giáp biên, rét đến nỗi ngồi cách nhau cả mét mà vẫn nghe tiếng răng va vào nhau pặp pặp dù áo trong, áo ngoài bốn năm lớp. Vừa sợ lộ, vừa sợ cắn phải lưỡi nên anh em gồng người, nghiến chắc hàm để giữ yên hai hàm răng. Hơn ba giờ sáng đối tượng mới xuất hiện, đánh úp được một thằng còn một thằng chạy thục mạng. Anh em cóng quá cố đuổi theo mà không kịp. May nó vấp gốc cây lăn xuống dốc núi. Anh em lăn theo mãi mới tóm lại được. Hôm đấy về đến đơn vị, ông nào cũng đói nhưng chả ông nào nhấc hàm lên ăn được vì bị cứng cơ hàm. Xoa bóp nguyên ngày mới trở lại bình thường. Giải chúng nó về đồn xong, anh em qua gặp thủ trưởng báo cáo, thấy anh em tai với mũi ông nào cũng đỏ ửng phổng rộp lên, thủ trưởng tưởng đánh nhau với hai thằng kia, nhưng anh em bảo xoa cả đêm để chống buồn ngủ.
Đội Phòng chống ma túy và tội phạm của Pù Nhi có bảy người, hơn hẳn các đồn khác tới tận ba biên chế. Sở dĩ có điều “thiên vị” này là vì địa bàn Pù Nhi phức tạp nên mới phải tăng cường, ngay chuyện lực lượng đã có sự khác biệt đủ hiểu vấn đề ma túy ở Pù Nhi nóng cỡ nào. Bảy người đảm bảo bám nắm tình hình trên 17 bản trải dài qua 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn. Anh Lâu bảo anh em trong đội hầu hết là chuyển công tác từ dưới xuôi lên nên gặp đôi chút khó khăn trong việc giao tiếp với bà con bằng tiếng Mông. Trong khi hai xã này người Mông chiếm tới hơn 80%, mà người Mông có một đặc điểm là rất hạn chế tiếp xúc với người dân tộc khác. Bản thân là người Mông, trước khi được cất nhắc lên làm Chính trị viên phó của đồn anh đã từng là nhân viên rồi lên làm Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, rồi Đội trưởng Đội Vận động quần chúng nên anh hiểu để gần với đồng bào và được đồng bào tin yêu thì đầu tiên phải giao tiếp được bằng tiếng Mông.
- Nhưng không biết tiếng thì dân không tiếp? Tôi có ý khơi chuyện.
- Dân không tiếp mình thì mình tiếp dân. Dân không gần mình thì mình chủ động gần dân. Tiếp bằng cây con giống, gần bằng ngày công lao động trên nương rẫy cùng bà con, tiếp bằng sửa chữa trường lớp, nhà cửa, gần bằng khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… thông qua cán bộ thôn bản mình sẽ học được tiếng, qua họ mình sẽ gần được dân, qua họ bộ đội sẽ thành người nhà, thành bạn bè, anh em thân thiết của đồng bào, từ đó mà gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, ở đồn có thời gian thì mình phụ đạo thêm cho anh em. Mình nghĩ chỉ là vấn đề thời gian thôi, qua thực tiễn công tác, cùng ăn, cùng ở, cùng làm thì chẳng mấy chốc mà anh em sẽ hiểu được, nói được tiếng Mông như người Mông.
Sáu tháng khép hồ sơ chín án ma túy, trong đó có hai chuyên án lớn là TH123 và TH423, điều đó không chỉ phản ánh lên năng lực phá án tuyệt vời của Đội Phòng chống ma túy và tội phạm mà còn cho thấy tình hình buôn bán, vận chuyển các chất ma túy trên địa bàn Pù Nhi nhiều và phức tạp như thế nào.
- Tội phạm ma túy luôn là những đối tượng manh động và liều lĩnh.
- Tội phạm trên này có một điểm chung là chúng nó đứa nào cũng mang theo dao và dùng dao rất giỏi. Dao găm của người Mông cực bén, loại này chỉ cần chạm thôi là đổ máu rồi. Nên xác định đánh là không cho chúng nó có cơ hội rút dao. Lãnh đạo đồn luôn luôn quán triệt rất rõ cho anh em trước khi đánh án là chắc thắng thì quyết đánh, chưa chắc thắng thì nhất quyết không đánh. Mà đã đánh thì phải thắng.
Theo như phân tích của anh Lâu thì sở dĩ Pù Nhi luôn nóng về ma túy là do các đối tượng từ nơi khác đến, còn người dân ở đây chỉ đóng vai trò vận chuyển thuê kiếm tiền công. Lũ con buôn đầu sỏ đã lợi dụng đặc điểm sinh hoạt dòng tộc và địa hình ở Pù Nhi để đưa hàng từ Khằm Nàng (Lào) vào nội địa Pù Nhi. Bọn chúng sẽ thuê người già, trẻ nhỏ, phụ nữ ở các bản giáp biên vận chuyển. Người bản địa được các đối tượng trùm sò mách nước đã lợi dụng việc sang thăm thân hoặc đi nương rẫy để mang hàng giúp cho chúng, sau mỗi chuyến bà con sẽ được trả tiền công từ vài trăm đến vài triệu đồng. Chúng nó còn tổ chức “huấn luyện” cho những người này cách thoát khỏi sự kiểm soát của bộ đội biên phòng, như vận chuyển từng đoạn, thay đổi cung đường, cách thức phi tang… Chúng còn trao đổi với các con nghiện trên địa bàn, nếu mang được hàng qua biên giới chúng sẽ cho thuốc dùng miễn phí. Với người nghiện chỉ cần có thuốc thì đổi cái gì cũng đổi, khiến cái gì cũng làm, thuốc phiện làm họ trở nên mụ mị và hung hăng. Một số bản như Pù Quăn, Pù Ngùa, Piềng Khạy, Kéo Hượn và Kéo Té được các con buôn coi là ngã ba trung chuyển, vì giáp ranh với Quang Chiểu, Tén Tằn và Khằm Nàng (Lào) là những địa bàn rất phức tạp về ma túy. Dù đã xác định được địa bàn nhưng không dễ ngăn chặn vì chúng nó hoạt động ngày càng tinh vi hơn, ma cô hơn, mặt khác số ít người dân vì hám lợi trước mắt đã làm tay sai cho chúng, tìm đủ mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng.
Trong bữa cơm tối, khi chúng tôi nói về những chuyên án lớn mà bộ đội Đồn Biên phòng Pù Nhi vừa đánh, Thiếu tá Lâu Văn Lâu trải lòng “Nói không áp lực là không đúng, nhưng nói sợ áp lực thì lính biên phòng không ai sợ áp lực. Áp lực càng lớn thì anh em càng đoàn kết, năng lực công tác của mỗi cá nhân càng có cơ hội được phát huy và bản lĩnh người lính biên phòng càng được tôi rèn, khẳng định. Thông qua mỗi sự vụ, sự việc, đặc biệt là mỗi lần đánh án ma túy anh em ngày càng dày dạn, trưởng thành hơn cả về nghiệp vụ, cả về bản lĩnh”. Nghĩa là “ngọc bất trác bất thành khí”, có trải qua thực tiễn khó khăn, phức tạp mới mài giũa nên những con người kiên cường, những viên ngọc sáng hơn, giá trị hơn, cao quý hơn.
Anh Lâu cho rằng đánh đấm là điều không mong muốn, và chỉ giải quyết bề nổi, phần ngọn của vấn đề. Tuyên truyền mới là công tác trước nhất, quan trọng nhất, bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh, tuyên truyền để người dân nhận thức được từ đó mà chủ động tránh xa ma túy mới là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề.
- Nhưng đi tuyên truyền mà các anh nói tiếng Kinh sợ đồng bào không hiểu?
- Để mấy ông già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản, người đứng đầu các dòng họ nói chứ. Mình hầu như chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giám sát.
Nghe đến đây tôi nhớ đến câu nói rất chân chất của bố Hơ Nhia Xúa, trưởng dòng họ Hơ trong bản Cơm. Ông ấy bảo “Đời các bố vì không được học hành nên làm nhiều việc sai trái với pháp luật. Bây giờ phải khuyến khích cho con cháu đi học để có hiểu biết mà làm những việc đúng, những việc có ích, từ đó bản mới phát triển được…”, đây phải chăng là kết quả của bao năm kiên trì thực hiện ba bám bốn cùng của bộ đội biên phòng? Câu nói ngắn gọn của một già làng đã nói lên nhiều điều, mà đáng mừng nhất là sự đổi thay trong tư tưởng người Mông ở bản Cơm, ở Pù Nhi, ở Mường Lát.
Đặc biệt, Đồn còn vận động những người đã từng lầm đường lạc lối làm tuyên truyền viên như trường hợp Sung Văn Lia ở bản Chim. Lão này vì vận chuyển ma túy thuê cho bọn trùm sò, nhận được vài triệu tiền công nhưng phải trả giá gần chục năm ngồi tù. Giờ mỗi khi anh em trên Đồn xuống nhà chơi lại cảm ơn, bảo may bị bắt mới có cơ hội để làm lại cuộc đời. Giờ Lia nắm rõ luật lắm, vận chuyển bao nhiêu ma túy thì phải thụ án bao nhiêu năm, chính lão bây giờ lại là người tuyên truyền nhiệt tình đến các đối tượng thanh thiếu niên trong bản. Lão cứ đem chuyện tù ra kể thôi, mà đội choai choai mới lớn vì tò mò nên thích nghe mấy chuyện trong đấy lắm. Thế là một công đôi việc, vừa nói cho chúng nó biết cái giá của tù tội, lại vừa khuyên răn chúng nó liệu hồn mà tránh cho xa ma túy. Các trường hợp như Lia trước đây ở Pù Nhi khá nhiều. Vì nghiện ma túy, không có tiền mua thuốc nên bị các đối tượng buôn hàng lợi dụng, bây giờ thì bản Chim không còn con nghiện, không còn người vận chuyển ma túy thuê, không còn người đi tù vì ma túy nên những câu chuyện cũ của Lia vẫn đắt khách và có tính giáo dục cao lắm.
Chuyến đi vào Na Tao cùng anh Lâu và mấy anh em của Đồn không có trong lịch trình, tôi tạm gọi là phát sinh. Cũng bởi nội dung cần cho bài viết cơ bản đã hòm hòm rồi nên tôi đánh liều đi chơi một chuyến, coi như là mở mang thêm. Chuyện bộ đội biên phòng hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình nghèo khó ở Pù Nhi thì không còn mới, cái này nằm trong hoạt động thường niên của đồn mấy năm nay rồi. Nhưng hỗ trợ cho các gia đình có người lầm đường lạc lối, vừa nghiện ma túy, vừa làm tay sai cho bọn trùm sò, vừa là điểm phân phối bán lẻ các chất ma túy… thì Pù Nhi hẳn là tiên phong. Khi các con nghiện đã lấy đến cái xoong, cái mâm, cái chảo cuối cùng trong nhà mang đi bán để lấy tiền mua thuốc thì gia đình đã khánh kiệt đến mức “cạp đất mà ăn” rồi. Con cái nheo nhóc, vợ chồng tan đàn xẻ nghé, không gia đình, không bạn bè anh em họ hàng, tra tay vào còng đi thụ án coi như xong một kiếp người. Đối với mấy người nghiện thuốc lại còn phạm pháp thì chả nghĩ nhiều, nhắm mắt đưa chân thôi. Có chăng là những người ở lại, những nạn nhân bị hành hạ, bị bóp nghẹt sự sống bởi con nghiện mới mệt mỏi, đau khổ, khốn cùng.
Nhìn thấy gia cảnh ông bà già cả, các cháu nhỏ bơ vơ giữa đói nghèo, cơ cực những người lính biên phòng lại không đành lòng. Thế là lại phải vừa giải quyết con nghiện, vừa giải quyết hậu quả đối tượng để lại. Như gia đình ông Vi Văn Heo và bà Hà Thị Phọn ở bản Na Tao đấy. Sinh được bốn đứa con trai, một đứa đã chết vì ma túy, một đang đi tù vì buôn bán, sử dụng ma túy; một đang đi cai nghiện ma túy tập trung tám tháng nữa mới được cho về. Còn cậu út thì đi làm ăn xa tận trong Đồng Nai, từ ngày Covid hoành hành đến nay chẳng thấy về. Hai ông bà già đang phải nuôi hai đứa cháu nhỏ ăn học. Đã ngấp nghé cái tuổi thất thập, đôi vợ chồng già vẫn phải mọ mẫm ở trong căn lều lá cọ bên sườn đồi vắng nơi cuối bản, đồi trước lơ phơ ít sắn, đồi sau lơ thơ ít ngô, ven suối cấy lúa, vãi rau… cuộc sống lay lắt tạm bợ, quanh quẩn trong cơn bĩ cực nghèo khó. Các anh đến bằng tình đồng bào, bằng lòng thương con trẻ. Từ quỹ lương góp lại, các anh mua vịt giống hỗ trợ, mua luôn cám và thuốc phòng bệnh. Rồi khi bánh kẹo, quần áo cho mấy đứa nhỏ. Khi cân gạo, nước mắm, mì chính, cá khô cho ông bà. Nỗi đau, tác hại của ma túy ông Heo là người thấm thía nhất, nghĩa tình quân dân ông cũng là người cảm nhận đủ đầy nhất, nên mỗi khi đi tuyên truyền theo kế hoạch của đồn biên phòng, ông sẽ kể cho bà con nghe, nói cho bà con hiểu bằng chính câu chuyện của gia đình mình. Đó là những câu chuyện thức tỉnh.
Đi Na Tao về tôi nhận ra đánh ma túy không phải chỉ có chuyện dao với súng, mà đánh bằng tình người, bằng lòng trắc ẩn, bằng trách nhiệm với cộng đồng có khi lại hiệu quả và bền vững hơn. Đặc biệt là không phải nằm rừng, núp bụi, không phải đối diện với chuyện nguy hiểm tính mạng như anh em trong Đội Phòng chống ma túy và tội phạm đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt. Và rõ ràng nhận định tuyên truyền là công tác trước nhất của Thiếu tá Lâu Văn Lâu là chí lí, đặc biệt khi dùng kế sách để chính họ tuyên truyền cho đồng bào của mình bằng chính câu chuyện của cuộc đời mình, của gia đình mình lại hiệu quả hơn cả trăm trang A4 soạn sẵn.
Ông Lâu Gia Pó và cộng sự đã tạo ra được hiệu ứng domino mạnh mẽ trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện ra khỏi đời sống đồng bào Mông, khép lại một hành trình gian nan và dai dẳng. Nhưng một hành trình khác lại mở ra, hành trình này cũng không kém phần cơ cực và đau đớn, thử thách cực đại cho những người hậu sinh trên mặt trận ngăn chặn cái chết trắng. Trên hành trình ấy không chỉ có đấu súng mà có cả đấu trí với bọn trùm sò ma cô, không chỉ giăng lưới mà còn cả dân vận, khai sáng. Hành trình đấu tranh ấy buộc những người mang quân hàm xanh vừa phải đi nhanh vừa phải đi xa. Những cá nhân xuất sắc sẽ là tiên phong, sẽ đảm đương vai trò dẫn lối để người khác tin theo. Những người như anh Lâu Văn Lâu, dòng dõi của ông Lâu Gia Pó sẽ tiếp tục hành trình đấu tranh với u mê, với lạc hậu, với bảo thủ và những dã tâm không trong sáng. Cái tâm và cái tầm của người làm công tác chính trị trưởng thành từ thực tiễn đã cho anh Lâu thấy được khó khăn của anh em trong hoạt động địa bàn, nguy hiểm trong công tác phá án. Từ đó mà luôn trăn trở về hành trình truy vét tội phạm ma túy, và làm sao để nâng cao hơn nhận thức của đồng bào mình về sức tàn phá khủng khiếp của ma túy. Trên con đường vừa phải đi xa vừa phải đi nhanh ấy tin chắc anh và anh em Đội Phòng chống ma túy và tội phạm nói riêng, người lính biên phòng nói chung không bao giờ đơn độc.
Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi, xe chúng tôi lướt êm ru đón những tia nắng đầu ngày ló rạng trên những đỉnh núi chon von cao, khép lại hành trình dọc dài miền biên viễn Mường Lát. Bao lần đến rồi đi, tạm biệt rồi gặp lại, bạn tôi bảo “mày có vẻ nhiều duyên nợ với vùng cao…”. Đúng thật. Hơn mười năm làm nghề, năm nào cũng ngược xuôi lên với vùng cao vài bận, nhưng cảm xúc thì luôn mới mẻ, đặc biệt lần nào cũng luyến lưu, lời hẹn trở lại cứ chất đầy ba lô nặng trĩu mỗi khi ra về. Chuyến đi nào tôi cũng mong cầu có được sự bình yên cho mình và những người chung quanh. Bất giác tôi tự hỏi vậy rốt cuộc bình yên là đích đến hay bình yên là hành trình? Có lẽ với tôi là đích đến nhưng với những người như anh Lâu là một hành trình. Trong hành trình đó vừa có mong cầu, là người dân, là đồng đội, là bản thân và gia đình mình luôn được bình yên trước sức cám dỗ và tàn phá ghê gớm của ma túy. Nhưng bình yên cũng vừa là hành trình từng ngày gom nhặt, xây đắp, gìn giữ bằng trí tuệ, sức lực, tình yêu thương đôi khi bằng cả máu và nước mắt để mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày đi qua luôn có bình yên hiện hữu. Đứng trên đỉnh dốc Pha Đén hít một hơi căng lồng ngực và cảm nhận non nước tươi đẹp, cảnh sắc hùng vĩ khi đó tôi thấy tâm mình bình yên. Đứng trước cánh đồng Na Tạ ngắt xanh màu no ấm trên đường vào bản Cơm, thoang thoảng mùi thơm lúa đương thì trổ đòng không mảy may ngái mùi nhựa thuốc phiện, khi đó tôi thấy lòng mình bình yên. Khi tôi đọc báo thấy đêm qua bộ đội biên phòng Pù Nhi vừa bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy, gọi điện chúc mừng được biết anh em về đủ quân số, vô sự, khỏe, thở phào nhẹ nhõm khi đó tôi thấy Pù Nhi bình yên.
7-2023
N.H