Viết về Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, tôi chợt nhớ tới Đại tá Vũ Đình Nguyện, quê ở cửa Đông của thành nhà Hồ, anh Nguyện là sỹ quan Bộ đội Biên phòng đã nghỉ hưu. Là người đa tài, có khiếu văn hóa văn nghệ, khi vào bộ đội biên phòng sở trường văn nghệ của anh càng được phát huy. Hiện nay anh đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo của làng Đông Môn. Ngoài những chương trình phục vụ cho địa phương, câu lạc bộ của anh còn tham gia hội diễn ở các nơi trong tỉnh, thường xuyên phục vụ du khách đến tham quan Di sản thế giới - Thành nhà Hồ.
Tôi đến nhà anh vào dịp lễ Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Anh đúng là một sỹ quan chính trị, mến khách và sôi nổi. Gia đình anh, bốn thế hệ đang ở chung trong một căn nhà. Trong phòng khách bày biện đơn sơ nhưng cảm giác ấm cúng. Ấn tượng đầu tiên của tôi là trên tường phòng khách được treo rất nhiều tranh ảnh. Anh hào hứng giới thiệu cho tôi về những tấm ảnh, đây là ảnh bà nội, có thành tích nuôi quân, đã được gặp Bác Hồ trong dịp Bác về thăm Thanh Hóa năm 1961. Ảnh bố anh, chiến sỹ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến đấu tại đồi A1 năm xưa. Mẹ anh đã tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều nhất là ảnh của anh, những kỷ niệm gắn với cuộc đời binh nghiệp, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Xem qua các tấm ảnh, tôi thực sự ấn tượng với tấm ảnh cả nhà anh đang cấy lúa trên ruộng bậc thang với đồng bào dân tộc Thái ở xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Tôi ngỏ ý muốn anh kể cho nghe về sự kiện này, anh bồi hồi: “Đây là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời lính biên phòng, cũng là kỷ niệm chung của gia đình mình, trên miền biên viễn phía Tây Thanh Hóa”.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác biên phòng, trên tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, ngày 19 tháng 8 năm 1999, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đồn Biên phòng 495. Đồn được tái thành lập trên cơ sở tách ra từ Đồn Biên phòng 493 (Pù Nhi). Thiếu tá Vũ Đình Nguyện khi ấy đang làm trợ lý Thanh niên của Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, được điều động làm Đồn Phó Chính trị, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng 495 (nay là Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa).
Hiền Kiệt nơi các anh trấn nhậm là xã vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Thanh Hóa, có chung đường biên giới với cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; phía Bắc giáp xã Trung Lý, huyện Mường Lát; phía Nam giáp xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn. Diện tích đất tự nhiên xã Hiền Kiệt 6299,17ha; đất sản xuất nông nghiệp khoảng 468,25ha. Tổng dân số khi ấy mới là: 742 hộ/3751 nhân khẩu, có 2 dân tộc Kinh và Thái sống đan xen với nhau phân bố ở 07 bản, trong đó đồng bào Thái chiếm đa số. Địa hình của xã chủ yếu là đồi núi cao, nhiều đồi núi chia cắt tạo thành nhiều khe suối lớn nhỏ, dòng suối Khiết bắt nguồn từ Lào có khả năng bồi đắp và tưới tiêu. Đường tỉnh lộ 520 (nay là QL15), đi Tén Tằn, Mường Lát đang được tỉnh đầu tư mở rộng.
Bước đầu đơn vị, cả chỉ huy và chiến sỹ chỉ có 24 người, đa phần từ dưới xuôi chuyển lên. Chưa quen địa bàn, chưa hiểu biết nhiều về phong tục tập quán cũng như tiếng nói của đồng bào địa phương, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, anh em chiến sỹ trong đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, những người lính biên phòng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đặc biệt là sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiền Kiệt cùng các đơn vị đứng chân trên địa bàn, anh Nguyện cùng với Ban Chỉ huy đồn đã động viên cán bộ chiến sỹ đơn vị trong vòng 3 tháng vừa san đất làm nền nhà, vừa chặt gỗ, luồng, nứa các loại, tổ chức thi công; đơn vị đã có nơi ăn ở sinh hoạt, công tác ổn định cho bộ đội. Mọi cán bộ, chiến sỹ đơn vị đều yên tâm, phấn khởi, xác định trách nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc ổn định cơ sở vật chất của đồn, nâng cao đời sống của cán bộ chiến sỹ, đồn đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương. Qua khảo sát chung địa bàn toàn xã Hiền Kiệt, đồn nhận thấy đời sống kinh tế phát triển chậm, người dân chủ yếu làm nương rẫy, kỹ thuật gieo cấy lúa nước lạc hậu, năng suất thấp, rừng không còn là cứu cánh của bà con, bởi khai thác quá mức, nguồn tài nguyên đã cạn. Mùa màng thu hoạch bấp bênh, lương thực không đủ ăn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Một số gia đình đã rời bỏ quê hương vào các tỉnh Tây Nguyên để sinh sống. Nguyên nhân đồng bào nghèo đói thì nhiều, cái chính là do đất nước vừa trải qua chiến tranh, công cuộc đổi mới chưa được toàn diện, kinh nghiệm quản lý của chính quyền cơ sở hạn chế; nhận thức của đồng bào còn thấp; thiếu đói nhiều nên không có vốn để đầu tư sản xuất; các loại giống cây trồng cho năng suất cao còn xa lạ với đồng bào.
Đứng trước tình cảnh như vậy, Đồn Phó Chính trị Vũ Đình Nguyện cùng Chỉ huy đồn rất trăn trở: “Phải làm sao để đồng bào trên địa bàn do đơn vị quản lý, đủ lương thực, ổn định đời sống”. Trong một lần được về thăm gia đình, trông thấy sự thay đổi đột phá về năng suất của các loại giống lúa lai. Qua tìm hiểu, anh Nguyện nhận thấy giống lúa lai có tên là Nhị ưu 838, được gia đình anh và nhân dân tại quê hương gieo trồng nhiều nhất: Nhị ưu 838 là giống lúa lai 3 dòng của Trung Quốc, nhập vào Việt Nam từ năm 1995, tuy chất lượng gạo không ngon bằng các giống lúa truyền thống, nhưng cho năng suất cao, kháng bệnh, khả năng chịu rét, chịu nóng tốt, thích hợp trên tất cả các loại đất. Nếu gieo cấy chăm sóc đúng theo yêu cầu kỹ thuật thì tỷ lệ có thể đạt tới 4 tạ/sào Trung bộ (500m2), 8 tấn/ha. Giống lúa lai này đã thực sự là cứu cánh cho bà con nông dân thoát được cảnh thiếu lương thực triền miên.
Nhìn những cánh ruộng bậc thang của đồng bào miền núi biên giới, năng suất thấp, anh trăn trở, suy nghĩ, nảy ra ý tưởng: “Phải đưa giống cây trồng có năng suất cao, hướng dẫn cho bà con sản xuất thì mới thoát khỏi cảnh thiếu lương thực”. Anh đưa ý tưởng đó bàn bạc cùng Đồn trưởng Lưu Thế Hùng. Anh Hùng trầm ngâm: “Mình rất thương đồng bào, cũng đã nghĩ tới vấn đề này, nhưng phải có người thông thạo về nông nghiệp, trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho bà con thì mới thành công được”. Sau một hồi im lặng suy nghĩ, chợt ánh mắt Đồn trưởng Hùng sáng lên, anh cất giọng hào hứng:
- Mình vừa nghĩ ra một cách, có thể khả thi đó là hiện nay nhà nước và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có chủ trương “Khuyến khích cán bộ đang công tác ở vùng biên giới, hải đảo được đưa vợ con về địa bàn sinh sống, vừa hợp lý hóa gia đình, để cán bộ yên tâm công tác, lại vừa thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đơn vị đứng chân”. Chú về đưa gia đình lên đây ở, có điều kiện hướng dẫn cho bà con gieo cấy lúa lai, địa phương và đồn sẽ ủng hộ. Nghe đến đây Thiếu tá Nguyện sửng sốt: “Không được đâu anh ơi, vợ con em đang quen cảnh nông thôn đồng bằng, không chịu lên nơi biên viễn xa xôi, hẻo lánh này đâu”. Anh Hùng lại nói khích: Chú từng là đội quân “vận động quần chúng” mà, tôi tin là cô ấy và các cháu sẽ đồng ý lên đây với chúng ta!
Nhận lời miễn cưỡng với Đồn trưởng Hùng là vậy, nhưng trong lòng anh rất lo là vợ con anh sẽ không đồng ý. Anh về quê, dùng hết các “biện pháp nghiệp vụ” động viên vợ anh là chị Vũ Thị Diệp cùng các con lên biên giới làm nhiệm vụ “bám dân, bám bản”. Ban đầu vợ con anh cũng nhất mực không chịu đi, anh phải nhờ cả đến ông bà nội ngoại tác động, cuối cùng vợ con anh cũng đồng ý. Được chính quyền địa phương nơi đi cho phép và nơi đến tiếp nhận, giữa năm 2000 gia đình anh đã hoàn thành các thủ tục chuyển đến cư trú tại bản Poọng II (Hiền Kiệt). Sau một ngày vật vã, nôn mật xanh, mật vàng trên đường tỉnh 520 đang làm dở, chiều tối, chiếc xe tải chở “giang sơn” nhà Thiếu tá Nguyện, cũng đã lên tới nơi ở mới. Nhìn cảnh rừng núi âm u, suối chảy réo rắt, cả đêm không ngủ được, mấy mẹ con chị Diệp ôm nhau khóc thút thít vì nhớ nhà, nhớ quê, cậu con trai út cứ nằng nặc đòi mẹ cho con về nhà với ông bà nội.
Được sự cưu mang giúp đỡ của đồn và địa phương, các con anh tiếp tục theo học ở các điểm trường của xã. của huyện. Chị Diệp là người đảm đang tháo vát, giỏi việc nông nghiệp, chị đem giống cỏ voi từ dưới quê lên trồng bên bờ suối nuôi bò trong chuồng, tăng gia cây rau mầu, nuôi nhiều gia cầm, mở thêm dịch vụ, cuộc sống của gia đình anh chị dần ổn định và phát triển. Năm đầu tiên ăn tết tại nhà mới cùng với đồng bào dân tộc Thái và các chiến sỹ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, là một kỷ niệm đáng nhớ của gia đình anh Nguyện.
Anh Nguyện đến nhà chị Lộc Thị Ơi là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiền Kiệt, chồng là Lộc Văn Mênh - Trưởng bản Poọng II, đề nghị gieo trồng thử nghiệm giống lúa lai Nhị ưu 838 đầu tiên tại thửa ruộng của mình. Chị Ơi còn đang phân vân chưa trả lời, anh Mênh thì lắc đầu nguầy nguậy: “Không à, bản ta xưa nay đã quen cấy giống lúa của ông bà rồi. Nhà ta không làm giống lúa mới đâu, cán bộ Nguyện ơi, làm mà không được thu hoạch, bà con trong bản lại cười cho đấy”. Anh Nguyện kiên trì thuyết phục, lại đưa cả vợ anh đến để giải thích thêm thực tế cho chị Ơi, anh Mênh tin tưởng. Cuối cùng gia đình chị Lộc Thị Ơi đồng ý tiên phong trong việc gieo cấy lúa lai thử nghiệm. Chị Ơi vui vẻ: “Ồ nếu mà chú Nguyện cho vợ và con đến hướng dẫn làm giúp cho nhà mình thì còn gì bằng, vụ này mà được thì mình sẽ báo cáo với xã cho làm hết à”. Chị Vũ Thị Diệp cùng các con của anh chị tuy không có bằng cấp chuyên môn về kỹ thuật nông nghiệp nhưng bằng những kinh nghiệm đã làm, cùng với lòng nhiệt tình, sự chăm chỉ, cả gia đình tận tình hướng dẫn tỉ mỉ từng bước, từng khâu, từ làm đất, bón lót phân, xử lý đến ngâm ủ giống, gieo mạ, chăm sóc, nhổ mạ, đánh băng, hướng dẫn cấy theo đúng cự ly, mật độ khóm… bảo đảm tất cả các yếu tố kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh. Suốt quá trình làm thử nghiệm có sự tham gia, chứng kiến của cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng và đông đảo cán bộ, nhân dân trong bản, cây lúa phát triển trong sự thấp thỏm mong đợi, rồi ngày thành công cũng đã đến, ruộng lúa làm thí điểm của gia đình chị Ơi, anh Mênh nổi trội, những bông lúa vàng trên cánh đồng, hứa hẹn một niềm tin về cây lúa lai có thể thay thế giống lúa thuần cũ cho những mùa vụ tiếp theo. Năng suất thu hoạch đạt trên 300kg/sào (giống lúa thuần bản địa gieo trồng cùng cánh đồng chỉ đạt 150kg/sào).
Từ kết quả thí điểm gieo trồng cây lúa lai của gia đình chị Lộc Thị Ơi ở bản Poọng II. Tuy nhiên, để vận động nhân dân mạnh dạn đưa giống lúa lai vào sản xuất và thay thế các giống lúa thuần bản địa nhằm mục tiêu tăng năng suất, tăng sản lượng, xóa đói khi giáp hạt cũng không phải đơn giản một sớm một chiều. Cấp ủy, chi bộ và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 495 đã họp bàn và đi đến thống nhất: Đồn làm văn bản đề nghị Hội Nông dân và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thực hiện chương trình phối hợp, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND và Phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa. Trong đó, tập trung đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao lên ruộng bậc thang nhằm thay thế các giống lúa cũ năng suất thấp và hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nhiệm vụ quan trọng. Đồn biên phòng trực tiếp thực hiện mô hình thí điểm, trong đó có gia đình đồng chí Vũ Đình Nguyện tham gia cộng tác viên.
Được sự đồng ý của Hội Nông dân - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và lãnh đạo, chính quyền địa phương, vụ chiêm xuân năm 2001, đồn đã lập kế hoạch triển khai thực hiện khảo sát tình hình địa bàn, đoàn khảo sát đã xác định chọn mô hình sản xuất cây lúa lai Nhị ưu 838 ở bản Chiềng Căm với diện tích 1 héc ta của 19 hộ dân để làm điểm. Thành lập Ban chỉ đạo chương trình với đầy đủ các thành viên của địa phương, Đồn 495 là Phó ban. Ban chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư cho mô hình, đầy đủ các vật tư, chi phí: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ni lon chống rét cho mạ, in ấn tài liệu, tập huấn… Ban chỉ đạo đã dành riêng 500m2 của 1 hộ trong số 19 hộ dân tham gia làm mô hình trình diễn và cử một cán bộ Trung tâm khuyến nông hỗ trợ nông dân, cùng với cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng và cộng tác viên, trực tiếp thực hành tất cả các khâu để hướng dẫn cho bà con từ khâu làm đất - Bón lót - Xử lý hạt giống - Ngâm ủ mạ - Gieo mạ - Cấy lúa - Trừ cỏ - Bón thúc - Trừ sâu - Chăm sóc - Theo dõi tình hình phát triển của cây lúa cho đến khi thu hoạch.
Việc làm thí điểm cũng không phải là dễ dàng bởi đồng bào dân tộc đã quen với phương thức làm của mình, cho nên khi làm chung ở ruộng mô hình là vậy. Nhưng khi về làm phần ruộng nhà mình, bà con lại làm khác. Mạ Nhị ưu 838, Ban chỉ đạo hướng dẫn cho bà con chỉ cấy 1 đến 2 nhánh, nhiều bà con cho như vậy là quá ít, lại cấy nhiều cây lên, việc này khiến cho ban chỉ đạo lại phải động viên giải thích cho bà con về đặc tính của giống này là đẻ nhiều, nếu cứ cấy nhiều mạ thì lúa sẽ không đẻ nhánh, bông lúa nhỏ ít hạt, bà con lại phải mất công tỉa bớt ra. Việc cấy lúa thẳng hàng bà con nói vui thật thà với anh: “Phải mất công suy nghĩ và rối rắm lắm con Nguyện à!”
Sau hơn 4 tháng thực hiện mô hình, giống lúa mới phát triển tốt, bông dài, hạt mẩy, năng suất đạt 350kg/sào, ruộng của 19 hộ được đầu tư làm thí điểm cũng đạt 300kg/sào. Trong khi đó năng suất các giống lúa cũ của địa phương trên cùng cánh đồng, ruộng tốt nhất cũng chỉ đạt 170kg/sào. Sau tổng kết mô hình thí điểm, ban chỉ đạo đã tổ chức cho cán bộ, nhân dân trong xã thăm quan hội thảo đầu bờ.
Phát huy kết quả đạt được, Đồn Biên phòng 495 đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng tác viên thực hiện thành công 3 mô hình sản xuất lúa giống mới ở bản Poọng, bản Cháo, bản Ho. Một việc hy hữu mà sau anh Nguyện mới biết, sau dịp tổng kết mô hình ông Hà Văn Phên - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Hiền Kiệt, thấy giống lúa lai mới cho bông dài, hạt mẩy, cho năng suất chất lượng cao nên mặc dù đã được khuyến cáo “lúa lai vừa thu hoạch sẽ không làm giống gieo trồng cho vụ sau”, chỉ có các nhà khoa học chuyên môn mới tạo được giống rồi chuyển giao cho nông dân, vì chưa tin nên ông lại âm thầm tái sử dụng lúa mới thu hoạch để gieo trồng thử. Ông dành riêng cho một thửa ruộng khoảng 500m2 gần nhà, gần bản và thuận tiện cho việc chăm sóc nhất. Ông hướng dẫn cho vợ con áp dụng đầy đủ tất cả các bước, các khâu từ làm đất cho đến ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Lúa cũng phát triển rất tốt, gặp anh Nguyện, ông nói vui: “Con Nguyện thua bố thôi”, còn anh thì lại nói: “Tiếc công của gia đình bố quá”. Thời kỳ lúa làm đòng, trông thấy những bông đòng to ông rất vui và thông báo cho mọi người từng tuần. Đến một ngày nọ, khi lúa của đồng bào trổ bông chắc xanh cúi xuống báo hiệu một vụ mùa bội thu thì riêng ruộng lúa của nhà ông vẫn đứng im, bông cái nở ra không thụ phấn được, hạt lúa thâm đen không có nhân… Ông buồn bã nói: “Bố lại thua con Nguyện rồi”. Cũng từ đây trên nhiều diễn đàn hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, của chính quyền xã Hiền Kiệt, ông thường nhắc lại và nói “Cán bộ biên phòng nói cái gì cũng đúng, phải nghe lời cán bộ biên phòng thôi!”.
Trong quá trình làm đại trà, đồn liên tục cử cán bộ chiến sỹ xuống từng bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật cho đến khi thu hoạch. Khi làm được 2 đến 3 vụ, đồng bào quen rồi, các anh mới yên tâm. Với kết quả ban đầu của chương trình phối hợp đã góp phần giúp xã Hiền Kiệt và các xã trong cụm là: Hiền Chung, Thiên Phủ thay thế 100% các loại giống lúa cũ bị thoái hóa bằng các loại giống lúa, ngô, đậu cho năng suất, chất lượng cao. Chấm dứt hẳn nạn thiếu đói lương thực giai đoạn giáp hạt từng xảy ra trước đây. Vấn đề quan trọng nhất đó là những kiến thức cơ bản về sản xuất, gieo trồng cây lúa nước trên chân ruộng bậc thang đã từng bước đi vào cuộc sống của bà con nông dân. Đồng bào đã nhận thức rõ rằng: Chỉ có chuyển đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đời sống nông dân mới no đủ, mới có vốn để phát triển sản xuất, rừng được bảo vệ, cơ sở vật chất của gia đình được tăng lên. Đồng bào các bản ở xã Hiền Kiệt rất phấn khởi, gọi giống lúa lai Nhị ưu 838 bằng cái tên dễ nhớ mà lại thân thương là “Giống lúa chú Nguyện”, “lúa con Nguyện”.
Những việc làm của anh Nguyện và tập thể cán bộ chiến sỹ Đồn 495 được cấp trên và địa phương ghi nhận. Mặc dù khi đã chuyển công tác đến đơn vị khác, năm 2006, Trung tá Vũ Đình Nguyện vẫn được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa ủy nhiệm vinh dự đi dự hội nghị điển hình tiên tiến về công tác vận động quần chúng do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Anh thay mặt đồn trình bày báo cáo: “Đồn Biên phòng 495 Thanh Hóa đưa giống lúa lai lên biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc”. Bản tham luận bộc bạch thực tế từ tấm lòng: “Có thể nói miệt mài với công việc, lăn lộn với đồng ruộng để đưa giống lúa mới lên vùng cao biên giới đã khó, để nó phát triển tốt bền vững, đặc biệt là chuyển đổi được nhận thức của người dân mới là điều khó khăn hơn”.
Người ta vẫn nói rằng: “Phía sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Đối với anh Vũ Đình Nguyện cũng vậy, nếu vợ anh cùng các con không đồng ý lên vùng biên giới, cùng chia sẻ công việc ban đầu gieo trồng giống lúa lai, mở ra hướng sản xuất mới cho đồng bào dân tộc nơi đơn vị anh đứng chân, thì mọi việc triển khai sẽ rất lúng túng. Anh thầm cảm ơn người bạn đời, một nông dân thực thụ, tháo vát, đảm đang, không quản vất vả, để cho chồng yên tâm nơi công tác, anh thường nói với chị Diệp: “Tôi được thành tích là có công nhiều của mẹ nó”.
Gần 25 năm, một chặng đường xây dựng và trưởng thành, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, các thế hệ cán bộ chiến sỹ nối tiếp nhau, đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những người lính biên phòng đã viết nên biên niên sử truyền thống vẻ vang, vì một biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đời sống của nhân dân nơi biên giới ngày thêm no ấm. “Giống lúa chú Nguyện”, dù không còn hiện hữu trên cánh đồng nữa. Hiện nay đã có nhiều giống mới năng suất và chất lượng cao hơn, được đồng bào đưa vào sản xuất, nhưng tình cảm quân dân vẫn bền chặt. Những cán bộ chiến sỹ tiền nhiệm, khi về thăm đồn, thăm bản, đồng bào quý mến như những đứa con đi xa về. “Con Nguyện”, cán bộ chính quyền và nhân dân địa phương vẫn luôn nhắc tới.
Rời gia đình anh Nguyện vào cuối buổi chiều thu, hẹn có dịp sẽ cùng anh lên biên giới miền Tây Thanh Hóa. Tôi chợt nhớ tới lời thơ Bác Hồ tặng Công an vũ trang năm 1962: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu...”. Trong lòng tôi thầm cảm phục cán bộ chiến sỹ các thế hệ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt. Chúc mừng truyền thống của gia đình anh Nguyện, tre già măng mọc! Con trai anh là Vũ Hải Dương, năm xưa còn theo mẹ đi cấy lúa lai cùng các chú bộ đội biên phòng, giúp bà con dân bản, nay đã là thầy giáo trường Tiểu học Hiền Kiệt, tiếp bước ông cha, “bám dân, bám bản”, ngày tháng gieo trồng con chữ cho con em đồng bào dân tộc.
8-2023
N.H.M