Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Hành trình gieo con chữ nơi thượng nguồn sông Mã (Ký dự thi)
Hành trình gieo con chữ nơi thượng nguồn sông Mã (Ký dự thi)

Có lẽ cũng đã khá lâu tôi mới lại được “thưởng thức” cái nắng oi nồng buổi trưa của miền Tây xứ Thanh. Ngồi nghỉ tại quán nước ven đường, chiếc quạt cây được bác chủ quán cho chạy số lớn nhất, cánh quạt quay phần phật như muốn văng ra khỏi lồng mà mồ hôi vẫn ri rỉ dính vào quần áo. Sau hai ngày anh em Nhà văn hóa Bộ đội Biên phòng thực hiện các cảnh quay tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu và Đồn Biên phòng Tam Chung, ba anh em trong đoàn chúng tôi ai cũng đã thấm mệt. Phải công nhận rằng có trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ hết leo đèo lội suối tuần tra, có tham gia hành quân vào các bản vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, giúp dân mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ nơi miền biên ải xa xôi này. Dự rằng uống tạm ngụm trà, vào ăn cơm trưa tại Đồn Tam Chung, nghỉ ngơi một chút cho thoải mái rồi còn kịp chạy về thành phố trước khi trời tối. Chuông điện thoại của tôi rung lên. Giọng Đại tá Nguyễn Văn Đông - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa vang lên trong máy, khác với tông giọng trầm ấm mọi ngày, tôi đoán anh đang có điều gì vui lắm. Quả là vậy, sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc của anh em đoàn công tác, giọng anh phấn chấn: “Cậu biết Hơ Văn Di rồi chứ? Khá lắm, cậu Di khá lắm. Những điển hình thế này cần được nhân rộng…”. Anh Đông thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa họp giao ban và biểu dương Đồn Biên phòng Trung Lý về thực hiện tốt công tác dân vận, đặc biệt là những nỗ lực của Đại úy Hơ Văn Di trong việc mở lớp xóa mù chữ cho phụ nữ và người dân các bản đồng bào dân tộc Mông. Tôi hội ý với anh em về nội dung Thủ trưởng chỉ đạo để thống nhất lịch trình công việc tiếp theo. 
Đồn Biên phòng Trung Lý, hai giờ chiều, thời tiết vẫn còn hầm hập, nhưng xa xa đã có những vạt mây sa xuống núi, báo hiệu những cơn mưa rừng bất chợt. Thời tiết vùng cao là thế, ẩm ương đỏng đảnh như cô gái mới lớn đang tuổi yêu. Có lẽ chính vì những thất thường của mưa, nắng đã tạo cho các chiến sỹ biên phòng nơi đây có tác phong trong công việc cũng hối hả, lanh lẹ hơn. 
Chỉ chưa đầy hai mươi phút, từ việc hội ý chỉ huy đến họp đơn vị và phân công cụ thể từng người phục vụ cho đoàn làm phóng sự đã xong.
Thượng tá Cao Văn Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý, trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm, tìm hiểu cuộc sống của một số hộ dân trong bản Khằm 2, nơi cách đây hơn một tháng đơn vị đã tổ chức lớp xóa mù chữ cho gần bốn chục hội viên phụ nữ và người dân trong bản. Anh Long có giọng trầm ấm, cách nói chuyện nhẹ nhàng, khi nói về điều kiện, hoàn cảnh của bà con bản Mông này anh tâm tình như rót ra từ gan ruột. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân ở địa bàn đói nghèo, lạc hậu, không có kiến thức về khoa học kỹ thuật nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là do trình độ nhận thức chưa đồng đều. Thời gian gần đây, có một số công ty đến địa phương để tuyển lao động, tuy nhiên số bà con được tuyển dụng đang còn hạn chế, do không biết chữ. Đây là một thiệt thòi lớn của bà con. Đồn Biên phòng Trung Lý đã tham mưu và cùng địa phương triển khai nhiều giải pháp nhưng có lẽ về lâu, về dài, để đảm bảo bền vững thì việc nâng cao dân trí cho người dân vẫn là giải pháp hàng đầu. Nói về việc phân công giáo viên đứng lớp xóa mù, anh Long cho hay, đơn vị cũng có nhiều cán bộ để lựa chọn, Đại úy Hơ Văn Di là người xung phong đầu tiên. Vì theo Di, anh là người dân tộc Mông, ngoài sự gần gũi tình cảm, kinh nghiệm công tác, uy tín với bà con, còn một điều từ trong sâu thẳm, Di mong muốn làm được một việc gì đó thật ý nghĩa cho đồng bào quê hương mình. 
Cuối giờ chiều, anh Long cùng tôi đến làm việc với lãnh đạo xã Trung Lý. Chị Ngân Thị Vân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Lý tiếp chúng tôi tại phòng làm việc. Chị xởi lởi bắt tay, rót nước mời từng người. Qua câu chuyện, chị nói nhiều về sự gắn bó giữa địa phương với đồn biên phòng cùng những tâm huyết, những gửi gắm, tin tưởng vào các chiến sỹ quân hàm xanh. Chị cũng chia sẻ về khó khăn mà các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng biên phòng nơi đây phải đương đầu trong suốt những năm qua. Trung Lý có 15 bản thì có tới 11 bản đồng bào dân tộc Mông sống rải rác, không tập trung. Do tập quán lâu đời, bà con người Mông thường trú ngụ trên những đỉnh núi cao, vùng rừng sâu, sống tự cung, tự cấp. Một xã mà có đến 57% là hộ nghèo. Những năm gần đây, việc phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở địa bàn biên giới đã được ngành giáo dục quan tâm chăm lo. Song đang còn nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà chưa có điều kiện đến lớp hoặc quên cái chữ. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng bằng trách nhiệm, tình cảm của mình đã vào cuộc. Cũng từ những lớp xóa mù của đồn biên phòng mà cái tư tưởng, cái suy nghĩ của bà con cũng đã có nhiều thay đổi. Đồng bào đã biết học cách phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Nhiều chị em trước đây chỉ quen việc làm nương, làm rẫy, bây giờ biết cái chữ nên đã được nhận vào làm ở các công ty, công việc ổn định, đời sống gia đình được cải thiện trông thấy. 
Bữa cơm tại đồn được bố trí sớm hơn. Bàn ăn tinh tươm, thịnh soạn đủ đầy các món từ cây nhà, lá vườn. Nóng ruột vì muốn sớm đi Pa Búa thăm Di và tìm hiểu về lớp học, tôi tranh thủ ăn nhanh và đặt vấn đề nhờ anh Long cho người chở giúp tôi vào bản. Anh Long bảo tôi cứ từ từ, bây giờ có lên đến nơi cũng khó gặp Di vì khoảng thời gian ấy Di đang chuẩn bị lên lớp rồi. Nhưng thấy tôi nôn nóng muốn đi ngay nên anh cũng đành chiều theo ý tôi.
Người được phân công đi cùng tôi là Thiếu tá Triệu Văn Tý, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Trước khi đi anh Long cẩn thận dặn Tý phải đem theo quần áo mưa để phòng mưa dông dọc đường. Theo các anh, đường từ đồn vào Pa Búa khoảng gần 30 ki lô mét toàn đường cấp phối và đường đất, nhiều đoạn rất khó đi. Anh Long nhắc đi nhắc lại phải tuyệt đối giữ an toàn giao thông.
Chiếc xe máy Jupiter quăng quật, đánh võng trên cung đường khúc khuỷu ven sườn núi, thỉnh thoảng gặp ổ gà nhảy lên như muốn hất chúng tôi ra khỏi xe. Thiếu tá Tý đi chậm, trấn an tôi bằng những chuyện vui của cánh lính trong quá trình làm nhiệm vụ cắm bản. Tý cho biết thời tiết như hôm nay là thuận lợi vì trời động mà không mưa nên không có sương mù. Đường này mưa thì vất một nhẽ, nhưng nắng sương mù lấp lối đi thì cũng chỉ dám cài số thấp để di chuyển cho an toàn.
Mùa thu vùng cao mặt trời cũng xuống núi nhanh hơn. Sau hơn một giờ đồng hồ đánh đu trên đường, chúng tôi đến điểm trường Tiểu học bản Pa Búa vào lúc nhá nhem tối. Đang chuẩn bị phòng học, phát hiện ra tôi, Di hơi bất ngờ. Anh chạy ra gọi tên tôi rồi bắt tay, luôn miệng hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, gia đình... Câu chuyện anh em tôi tạm dừng khi những ánh đèn pin từ các ngã đường trong bản đã tập trung ở sân trường. Di nhìn đồng hồ rồi nói “Tối anh ở lại đây với em nhé. Anh và anh Tý về tổ công tác trước nghỉ ngơi một chút, lát nữa em về tiếp chuyện cùng anh”. Di thổi một hồi còi rồi cùng học sinh vào lớp. Tôi bảo Thiếu tá Tý về nghỉ trước rồi ngồi bên ngoài cửa sổ, có dịp ngắm lớp học xóa mù của Di. 
Biết qua truyền thông về các lớp xóa mù thì đã nhiều nhưng có lẽ đây là lớp học đặc biệt nhất mà tôi thấy. Lớp học diễn ra ban đêm, duy nhất có một người thầy. Lớp học không có tiếng trống, không có những tiếng cười đùa hồn nhiên của tuổi học trò. Học sinh ở đây không phải là những cô cậu học trò lên bảy, lên mười mà đó là các bà, các mẹ. Hơn ba chục người chủ yếu là phụ nữ, những người mà qua quan sát, tôi biết họ là lực lượng lao động chính trong gia đình.
Đại úy Hơ Văn Di, người đã cùng chúng tôi từng đồng cam cộng khổ trong những tháng ngày “Tuyên truyền đặc biệt” ở các bản vùng thượng nguồn sông Mã, bây giờ đã chững chạc hơn rất nhiều. Dáng người Di nhỏ gọn, chắc chắn, giọng nói vang mà ấm áp. Có lẽ sự gắn bó với công việc xóa mù đã tạo nên phong cách “Thầy Di”. Tôi cứ thế lặng yên mà ngắm anh lên lớp. Anh say sưa giảng bài. Anh đi đến từng chị, từng mẹ để nắn từng nét chữ. Có chị địu con đến lớp học. Mẹ học mà những chữ i, t cũng ngả nghiêng vào trong tiềm thức giấc ngủ con thơ. Thầy say sưa, trò say sưa. Thời gian, không gian như dừng lại, chỉ có tiếng chim rừng đi kiếm ăn khuya về lanh lảnh hót trên cao. Lòng tôi bỗng dạt dào bao cảm xúc. Tôi muốn đứng ngắm nhìn anh mãi bên lớp học đặc biệt này…
Lớp học dừng lại vào lúc mười giờ đêm. Dọn dẹp cẩn thận phòng học, Di rọi đèn pin cùng tôi đi bộ men theo con dốc về đầu bản, lấy xe máy đưa tôi về tổ công tác. Trời đêm biên giới chớm thu, sương mù, những cơn gió của thời tiết chuyển mùa khiến cả người tôi cảm giác gai gai lạnh. Tôi bám chặt áo Di. Đoán được cảm giác của tôi, Di động viên “Anh yên tâm, đường này em quen từng mét”. Nói vậy nhưng Di cũng giảm tay ga “chiều khách”. Chúng tôi về tới tổ công tác của Đồn Biên phòng Trung Lý đã gần nửa đêm.
Di mở cửa phòng, bật điện. Không gian phòng vừa vặn chiếc giường đơn, chiếc tủ đựng quần áo và bộ bàn ghế làm việc. Ga trải giường phẳng đét, chăn màn gấp gọn gàng góc cạnh vuông như viên gạch, giá ba lô, giá giày dép ngay ngắn, ngăn nắp. Tôi nhìn tấm ảnh Di đứng trên sân khấu nhận thưởng được anh đặt ở góc bàn làm việc. Di giải thích khi đọc được ý tôi “Em vừa được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao tặng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ảnh chụp ở Hội trường 25B, anh phóng viên báo Thanh Hóa chụp và kỷ niệm em đấy!”. 
Di pha ấm trà đặc để tiếp chuyện cùng tôi khi biết tôi cần tranh thủ thời gian cho chuyến công tác. Anh nói về cái duyên đến với những lớp xóa mù cứ liền mạch theo hương trà ướp thứ hoa rừng ngàn ngạt không dừng.
Di được điều động về Đồn Biên phòng Trung Lý năm 2006. Chỉ một thời gian ngắn anh xung phong vào bản Tà Cóm. Tà Cóm là nơi cư trú của một trăm phần trăm đồng bào người Mông. Thời điểm ấy Tà Cóm nhiều cái không. Không có điện, không có đường và cũng không có trường học. Cái nhiều nhất là người nghiện ma túy và hộ nghèo. Thứ đặc sản duy nhất nơi đây là mây và sương mù. Mùa hè sương sớm phủ kín rừng, còn vào tiết thu thì từ sáng đến chiều chỉ có một màu mây và sương âm u mịt mờ không phân định được thời gian. Người dân chỉ quen đốt cái nương, trĩa hạt lúa, hạt ngô. Lợn đẻ thì cho rau, gà nở thì cho gạo, còn lại tất tật “nhờ ông giời”. Đường từ trung tâm vào bản khoảng 50 ki lô mét chỉ là lối mòn, đi ven sông suối, gặp suối cạn thì lội, sông sâu thì đi bè, đồi núi dốc thì phải bám dây rừng leo lên. Cái ám ảnh nhất của Tà Cóm khi ấy là trong bản có quá nhiều người nghiện ma túy. Lợi dụng đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết hạn chế nên nhiều đối tượng đã lôi kéo bà con nghiện hút ma túy, thậm chí là tham gia vào đường dây buôn bán chất cấm này. Có thời điểm cao nhất Tà Cóm có trên 50 người nghiện ma túy, chiếm khoảng mười phần trăm dân số. Điều đáng buồn là có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện, có gia đình cả bố, con hoặc cả 3 anh em đều dính vào ma túy. Nghiện nên tài sản bị tiêu tán, họ không còn đủ sức để cầm con dao, cái cuốc phát nương làm rẫy. “Đến Tà Cóm lúc đó nhìn thấy con người xiêu vẹo, nhà cửa xiêu vẹo, cây ngô, cây lúa cũng xiêu vẹo mà xót xa...”, Di ví von như vậy.
Vào trung tuần tháng 6 năm 2008, đội công tác đặc biệt của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức họp tại Đồn Biên phòng Trung Lý, đồng chí Đinh Tiên Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Anh Phong đưa ra nhiều phương án để giải quyết dứt điểm hiện trạng tồn tại ở địa bàn Trung Lý, đặc biệt là hiểm họa do ma túy. Anh chỉ đạo Đồn Biên phòng Trung Lý tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Anh Phong cũng nhấn mạnh về việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. 
Thời tiết vùng cao thật khắc nghiệt, ban ngày oi bức ngột ngạt là thế, nhưng đêm xuống cái lạnh đã hiển hiện trong phòng. Đứng dậy khép cửa phòng, Di tiếp câu chuyện về những vất vả ngày đầu gieo chữ. “Lớp học xóa mù ở Tà Cóm là lớp tốn nhiều công sức, vô cùng vất vả và đã có lúc em lo là không hoàn thành được nhiệm vụ... Người dân vùng này đang rất xem nhẹ việc học, họ chẳng màng về tri thức”. 
Nhiều câu chuyện “như hài” của Đại úy Hơ Văn Di và cán bộ, chiến sỹ đơn vị trong những ngày đầu lặn lội đến từng hộ gia đình có người mù chữ để vận động bà con đi học. Thực tế ở các bản người mù chữ đều là những người lao động chính trong gia đình. Có không ít những câu trả lời rất vô tư, thật thà của bà con khiến anh day dứt, đại loại như “Ta đi học cái chữ thì ai đi làm nương rẫy, đi chăn con bò, con trâu cho ta”; “Cái chữ có đổi được xe máy không?, có đổi được gạo không?”. Khi đói cái ăn thì người ta tìm thức ăn, khi khát cái uống thì họ sẽ tìm nguồn nước, còn thiếu cái chữ thì thôi cũng được... Đúng là khi cái bụng còn chưa no thì dạ đâu để mà học. Nhưng anh và đồng đội không nản lòng. Ngày thì cùng anh em tổ công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, buổi tối tranh thủ dạy chữ. Đủ học viên, đủ điều kiện thì tham mưu mở lớp, còn lại anh kèm lẻ. Có người hoàn cảnh khó khăn không được học, người thì lâu rồi quên cái chữ anh dạy và cả những cháu học sinh dịp nghỉ hè cũng được Di dạy kèm.
Di nghiên cứu cho mình cách tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và sát thực tế. Gặp từng người, đến từng nhà nhỏ to tâm sự… Anh nói với mọi người rằng bây giờ mọi nơi đều đổi mới rồi, đồng bào mình cũng cần phải biết cái chữ. Biết chữ để không phải lo ăn từng ngày, để có điều kiện đủ ăn, đủ mặc. Biết chữ để trồng cây ngô, cây lúa không sâu bệnh, đạt năng suất cao, nuôi con trâu, con bò, con lợn nhanh lớn, để biết cách cho cây, cho con ăn cái thuốc nhanh khỏi bệnh. Biết chữ để nuôi dạy con cái tốt, để không bị kẻ xấu lừa gạt; muốn bán con gà, con vịt đúng cân, đúng lạng cũng phải biết chữ… Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, các lớp học hình thành. Bà con rủ nhau đến để học cái chữ với thầy Di ngày một đông… Di cho tôi xem loạt ảnh những cung đường, những nếp nhà sạch, đẹp anh mới chụp trong dịp anh cùng cán bộ, chiến sỹ đơn vị và đoàn làm từ thiện vào hỗ trợ bà con trong bản.
Câu chuyện về Tà Cóm với Di dường như không dứt, tôi đùa anh, ngoài việc dạy chữ ở Tà Cóm còn động lực nào để khiến cho dù đã xa Tà Cóm lâu rồi mà nhắc về nơi đó Di vẫn say sưa đến vậy. Di cười, “Có gì đâu anh, Tà Cóm là nơi đầu tiên ghi dấu ấn sự nghiệp làm Thầy của em, mà cái gì đầu tiên thì cũng nhớ lâu thôi”. Với chất giọng ấm, Di bộc bạch: “Không chỉ Tà Cóm đâu, các bản người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng em vẫn còn nhiều vất vả lắm anh ạ. Bà con mỗi người một hoàn cảnh nhưng cái nghèo, đói, cái lạc hậu thì gần như giống nhau”.
Suốt gần 20 năm công tác ở vùng biên Trung Lý là những chuyến đi, những bước chân không ngừng nghỉ của Di, hành trình với quyết tâm đưa ánh sáng tri thức về với đồng bào mình. Hết Tà Cóm, con chữ theo bước chân thầy Di đã đi qua bản Cá Giáng, Cánh Cộng rồi Khằm 1, Khằm 2… và bây giờ là bản Pa Búa, lớp học mà đầu tối vừa rồi tôi đã ghé thăm. Theo Di thì bây giờ cái sự học cũng được đồng bào quan tâm để trong cái bụng hơn rồi. Vì vậy mà chỉ trong hai năm 2022 và 2023 vừa qua, đơn vị phối hợp mở được hai lớp xóa mù chữ với tổng cộng 58 học viên. Kinh nghiệm đứng lớp của Di cũng đã được khẳng định. “Thời gian của mỗi lớp xóa mù là 3 tháng, nhưng mới chỉ tham gia học 2 tháng là chị em đã đọc thông, viết thạo rồi anh ạ!”, Di khoe, nhưng rồi giọng anh lại chùng xuống: “Chỉ sợ học xong không có người nhắc nhở, chị em mải mê lao động cái chữ nó lại đi theo con dao, cái cuốc, rơi theo những bước chân leo đồi thôi. Thực tế nhiều năm qua vẫn có những trường hợp như thế, học rồi quên, lại phải tái xóa mù”. Tôi hiểu, cái lo của Di cũng như nỗi trăn trở của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nơi đây. 
Vâng, danh xưng “Thầy Di Biên phòng”, nói thì dễ, nhưng không đơn giản mà có được. Đó là cả quá trình Di học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, vận động và chuyển tải. Phải làm thế nào để những người mù chữ hiểu được vai trò quan trọng của con chữ để họ dành thời gian đi học. Những người suốt ngày chỉ quần quật lao động trên nương đồi, quen với chăn trâu, chăn bò, chăn lợn, chăn gà, bàn tay chai sần vì lao động viết được cái chữ, cập nhật được kiến thức khoa học, hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo tiền đề, cơ hội cho cuộc sống của bà con tốt đẹp hơn.
Đêm đại ngàn vùng biên yên bình, tĩnh lặng. Đêm đã khuya lắm, vạn vật chìm vào giấc ngủ sâu, mà sao tôi không tài nào chợp mắt. Khó ngủ vì chén trà đặc hồi nãy hay còn vì lý do nào khác. Nhìn qua cửa sổ, khác hẳn với những sương mây vần vũ hồi chiều, bầu trời vùng biên đêm nay thật đẹp. Nhìn những vì sao lấp lánh, tôi quay sang Di đã ngon lành trong giấc ngủ. Bỗng tôi có một liên tưởng thật lạ. Ánh sao lấp lánh kia đẹp như trái tim hồn hậu của người chiến sỹ biên phòng này. Con chữ của Di là ánh sáng gieo vào cuộc sống của bà con nơi đây. Tôi như thấy nụ cười, tình yêu, niềm hy vọng sẽ bắt đầu bằng ánh sáng ấy. 
Xa xa đã có tiếng gà gáy đầu tiên. Một ngày mới lại bắt đầu.
    

  Mường Lát, đêm 15-9-2023
            QUỐC TOẢN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 266
 Hôm nay: 3642
 Tổng số truy cập: 9249553
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa