Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Tiền đồn bất khuất trấn lưng trời (Bút ký dự thi)
Tiền đồn bất khuất trấn lưng trời (Bút ký dự thi)

Xe chầm chậm leo lên những dốc khúc khuỷu, quanh co, lúc lên tận tầng mây, lúc xuống thung lũng bàng bạc làn khói đốt đồng sau vụ. Có những đoạn đường vầu, luồng men ra tận mép đường, tán giao nhau tạo thành một mái nhà xanh ngát khổng lồ. Rừng chạy theo xe, xe nương theo rừng. Quan Sơn như cõi thiên thai mộng mị khói sương, tưởng là chốn ẩn cư của những dật sĩ hải hồ, những võ hiệp trong các tiểu thuyết trường thiên. Nếu còn sử dụng trúc thư, ắt kẻ bút nghiên reo lên sung sướng. Đến địa phận xã Sơn Điện, một dòng nước xanh trong chảy len qua đá réo rắt tơ đồng. “Sông Luồng đấy!”, một người bạn đồng hành nói. Lên tới cửa khẩu Na Mèo mới biết đây chính là nơi bắt nguồn của con sông Luồng chúng tôi gặp một đoạn dưới kia. Từ hai dòng suối Xôi (Nặm Xôi) và suối Pùn (Nặm Pùn) bắt nguồn từ nước bạn Lào chảy vào địa phận xã Na Mèo thì hợp lại tại đó tạo thành sông Luồng, cư dân bản địa gọi là Nặm Luồng. Dư địa chí Quan Sơn cắt nghĩa chữ Luồng này vốn là “Tuộng”, nghĩa là chào trong tiếng Thái, qua năm tháng nói chệch đi là Tuồng, tiếng phổ thông gọi là Luồng. Sông Luồng có tên từ đó. Thật ngẫu nhiên làm sao, ở xứ của cây luồng lại có dòng sông mang tên Luồng cùng đồng hiện. Nhưng dù có tên gì thì dòng nước vẫn chảy qua biên giới hai nước, chảy từ Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo rồi đổ ra sông Mã tại hòn Đá Ngang (Cón hín khoáng) sộp Tuồng ngoài hang Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Con sông này có tổng chiều dài trên 106 ki lô mét, trong đó 46 ki lô mét chảy qua 4 xã huyện Quan Sơn và gần 60 ki lô mét chảy qua 3 xã của huyện Quan Hóa. Sông chảy theo hướng Tây - Đông, càng xuống hạ lưu thì lượng nước càng nhiều, sông càng rộng do nhiều con suối có nước đổ vào. Chuyến đi của chúng tôi qua hai Đồn Biên phòng Na Mèo và Mường Mìn ở Quan Sơn luôn có sự chào đón của dòng sông Luồng nên thơ ấy.
Được sự giới thiệu của Thượng tá Dương Thế Anh - Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo, chúng tôi được bố trí vào bản Cha Khót, một bản sát biên giới với nước bạn Lào, nơi có những người dân hết lòng chăm lo bảo vệ đường biên, cột mốc. Chúng tôi 4 người gồm tôi và 3 anh chị bên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa như chị Minh Quyên, anh Đăng Tuyển và bạn Thanh Thư. Đại úy Thao Văn Vư thuộc tổ công tác tại bản Cha Khót đèo tôi trên chiếc xe honda cùng nhóm đi vào Cha Khót. Vư cho biết anh sinh năm 1989, đã có vợ và hai con. Tôi hỏi Vư: “Vậy gia đình của cậu hiện ở quê hay sao?”. Vư trả lời: “Em đưa lên cả đây rồi anh ạ. Cả nhà cùng ra biên giới”. Vư cười. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2012, Vư lên công tác ở Mường Lát rồi về Na Mèo. Vư lập thất với một cô giáo, một mối tình chung thủy 4 năm xa cách và hai vợ chồng xác định gắn bó với vùng đất biên cương cho đến bây giờ. Vợ Vư làm giáo viên mầm non ở xã Na Mèo, mọi việc đều nhờ “hậu phương” lo liệu vì đặc thù công việc của lính biên phòng thường xuyên xa nhà. “Chúng em có với nhau hai cháu kháu khỉnh lắm anh ạ. Công việc trên biên giới dù khó khăn thế nào nhưng chỉ cần về nhà nghe tiếng bi bô cười nói của các con là em quên hết mệt nhọc”, Vư cười mỗi khi nhắc về những đứa trẻ. Đường vành đai biên giới cứ quanh co, dốc nối dốc, đèo nối đèo ngoạn mục. Chúng tôi đi dưới rừng xanh, đi trong sương trắng, qua suối qua khe cô liêu chảy dưới những vực núi sâu. Nói về bản Cha Khót, Vư cho biết bản hiện có 53 hộ, 214 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Bản giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, chúng tôi vào Cha Khót đi qua quãng đường 14 ki lô mét theo đường vành đai biên giới đã láng bê tông sạch đẹp. Bây giờ đường vào Cha Khót đã rất thuận tiện thay vì đường đất trước đó, chỉ độ nửa tiếng ngồi trên xe máy do Đại úy Thao Văn Vư chở tôi đã vào đến Cha Khót. Dọc đường, rất nhiều bà con đang chặt cây trông giống cây tre, cây luồng. Tôi thắc mắc hỏi đó là cây gì mới biết là cây vầu, bà con đang thu hoạch làm nan giữa đường. Cây vầu có trữ lượng chiếm khoảng 30% tổng trữ lượng vầu, nứa, bương, giang và cây họ tre trúc trong rừng tự nhiên ở Quan Sơn. Loại cây này vừa có lợi kinh tế vừa có lợi cho môi trường, góp phần tích cực trong việc tạo độ che phủ, độ tàn che, chống xói mòn, làm mát không khí. Tôi hỏi Vư giá vầu hiện nay khoảng bao nhiêu? Vư trả lời: “Bà con thu hoạch vầu bán cho thương lái giá tầm 140.000đ - 150.000đ/ 1 tạ. So với những năm trước dịch, giá thấp đi nhiều nên bà con nhiều người không mặn mà khai thác nữa”. Chiếc xe ì ì leo lên từng con dốc cao vút. Rừng xanh ngút ngàn, xanh lên non cao, xanh nhoài xuống suối vắng, xanh bao bản làng, xanh ôm nương lúa. Dường như núi rừng nhắn gửi ai về xuôi cho gửi chút màu xanh biên thùy trấn giữ vùng trời Tổ quốc bình yên. 
*
Nhóm chúng tôi theo chân Thiếu tá Lê Đình Tiến, tổ trưởng, Trung tá Nguyễn Tài Chung, Đại úy Thao Văn Vư ở chốt biên phòng 331 đổ dốc xuống bản Cha Khót thăm cụ Vi Văn Hợi, người đã gắn bó với công tác bảo vệ đường biên, cột mốc ngót nghét 45 năm. Thiếu tá Lê Đình Tiến, tổ trưởng, chia sẻ thêm thông tin về địa bàn. Bản Cha Khót phía Đông giáp bản Na Pọng, phía Tây giáp bản Láu Thông, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; phía Nam giáp bản Yên; phía Bắc giáp bản Sộp Cài. Bản Cha Khót có núi Pom Bấu, Pha Móng, núi Ná, lại có các hang động như hang Thắm, hang Dé, hang Thắm Quác và có con suối Cha Khót chảy qua bản. Khi tôi hỏi tình hình kinh tế - xã hội của bản hiện nay thế nào. Anh trả lời: Cha Khót còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu với nền kinh tế nông, lâm nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp rất ít chỉ có 4,3 héc ta, năng suất không cao so với đồng bằng. Bản hiện có 6 dòng họ cùng chung sống, làm ăn gắn bó bên nhau là các họ: Vi, Lò, Lữ, Hà, Lương. Cụ Vi Văn Hợi là người có uy tín của bản, đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc chia sẻ các công tác tại địa bàn với chốt, đồn nhất là công tác bảo vệ, đường biên, cột mốc. Cụ chia sẻ, trong gia đình cụ hiện tại có người con thứ ba là anh Vi Văn Tuấn (sinh năm 1975) nhận bảo vệ cột mốc 332, và người cháu họ là Vi Văn Sao (sinh năm 1968) sẽ đảm nhận công việc của cụ trong tương lai. Trong những năm qua được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, nhiều chương trình dự án đã được đầu tư làm cho đời sống vật chất, tinh thần người dân trong bản được nâng lên, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và quan trọng nhất là nghĩa đồng bào luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. 
Núi đồi nhấp nhô, mây sà nặng trĩu, bản êm đềm nằm ven dòng suối Cha Khót róc rách chảy trôi. Giữa tháng Mười muộn, ruộng vừa gặt xong, rạ trơ gốc, màu vàng xanh đẫm vùng hương cỏ. Có người tiếc nuối bức hình Cha Khót mùa lúa chín vàng, nhưng khung cảnh xa xa dưới kia cũng đã mộng mị như chốn biên cương này. Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà nhỏ, mái lợp lá cọ, bốn bề được che chắn bằng những tấm phên nứa đã bạc phếch theo năm tháng. Quanh nhà ba, bốn gốc đào cổ thụ đương chớm nụ hồng, bụi chuối mốc vừa chín tới vàng hươm cạnh ngõ. Cảnh trí giản dị và bình yên. Một cụ ông phương phi, tóc bạc trắng, người tầm thước vui vẻ bước ra cười chào chúng tôi. Trong nhà, trên bếp lửa ấm nước đương sôi, tiếng réo hòa cùng tiếng lợn, gà trong chuồng gần đó khiến lòng tôi chợt nhớ quê nhà thuở ấu thơ mỗi lần về thăm nội. Mùi của đất mục, khu vườn mùa thu, của ngôi nhà đơn sơ dậy lên nỗi hoài cảm xa xăm về những ngày cũ đã lạc trôi đâu đó trên bước chân xê dịch. Cơn mưa nhỏ khiến cây lá xôn xao đón những hạt nước nhỏ bay bay đầy trời. Khách đường xa chúng tôi dặn lòng đừng ngại mưa rơi chốn biên thùy còn bao cuộc lữ. Gió vi vu thổi nhẹ, rừng vầu trên núi Pom Bấu trước mặt lay động như đang hát ca. Dân bảo ngọn núi ấy nghĩa là báu vật, tương truyền xưa người ta đào ở trên đấy được một cái khuôn đúc bạc. Bên bếp lửa ấm ngày mưa, cụ Vi Văn Hợi rót nước chè xanh mà cụ gọi là khe phỏm rồi kể chuyện chúng tôi nghe về những ngày đầu lên Cha Khót, về kỷ niệm lần cắm cột mốc với nước bạn Lào và quá trình bảo vệ đường biên, cột mốc những năm tháng qua. Ngày ấy, Quan Sơn rừng núi âm u, dân cư thưa thớt như bao vùng núi cao phía Tây xứ Thanh. Cụ Vi Văn Hợi sinh năm 1946, năm nay 77 tuổi, vẫn hiên ngang, mạnh khỏe như cây pơ mu cổ thụ giữa đại ngàn. Gia đình cụ vốn sinh sống ở Yên Khương, huyện Lang Chánh. Năm 1951, để tránh cuộc chiến quay trở lại Đông Dương của thực dân Pháp nên di cư khỏi cố hương. Chiến tranh ác liệt quá, chỉ người đi còn bao nhiêu trâu bò, đồ đạc, ruộng nương đều bỏ lại hết. Bố mất, cụ cùng mẹ, tay nải một ít quần áo nay đây mai đó. “Gia đình tôi lên bản Xôi ở 3 tháng. Tôi nhớ là đến tận năm 1954, hòa bình lập lại, Chính phủ cụ Hồ kêu gọi nhân dân an cư lạc nghiệp, xây dựng đất nước. Quê nhà đã bị khói lửa chiến tranh tàn phá, chúng tôi quyết định về Na Mèo. Đến năm 1955, lại khăn đùm áo quấn lọc cọc kéo về sinh sống tại khu vực km79. Năm 1956, đường quốc lộ 217 được khai thông. Năm sau (1957), chúng tôi chính thức vào Cha Khót khai hoang, lập nghiệp”. Lúc đó chỉ mỗi một gia đình cụ vào đây, xem như là người khai canh Cha Khót. Rừng núi âm u, những thân cây gỗ to đùng đầy rẫy khắp đất Cha Khót. Gia đình cụ Hợi cứ đi men theo suối, tuyệt nhiên không có đường mòn để rồi chọn chốn yên bình bên dòng suối nhỏ. Mãi đến năm 1985, khi dân cư quần tụ đông đúc mới thành lập bản. Bà con nhân dân từ Trung Tính, Tam Lư, Tam Thanh, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Bá Thước… cùng kéo về đây làm ăn sinh sống. Tôi hỏi về suối Cha Khót này chảy như thế nào. Cụ bảo, suối Cha Khót do các suối nhỏ như Hin Lặp (suối đá mài), suối Pá (suối cá), suối Bum, suối Pọng hợp thành... Suối này bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào chảy qua bản Cha Khót, Na Pọng, Sộp Huối của Quan Sơn, đổ ra sông Luồng tại cầu Km 79, đường quốc lộ 217. Suối Cha Khót dài trên 20 ki lô mét lưu lượng nước tương đối lớn, có nhiều cá, là nguồn nước tưới tiêu cho ruộng lúa của dân bản. Tôi hỏi cụ Vi Văn Hợi: “Suối Cha Khót này đổ nước về đâu ạ?”. Cụ bảo: “Về sông Luồng cả đấy. Các cậu từ ngoài ấy vào chắc đã đi qua xã Sơn Thủy, vậy có biết vụng Voi Nước không?”. Tôi đáp: “Cụ kể cho chúng cháu nghe với”. Cụ Hợi đăm chiêu nghĩ ngợi rồi đáp: “Người Thái chúng tôi gọi vụng Voi Nước là Vằng chạng nặm, nước chỗ đó rộng và sâu lắm. Ngày xưa có hai con voi thường tắm mát ở vụng nước đó. Chúng rất khôn, mỗi khi bị người phát hiện, liền lặn xuống chỗ sâu nhất ở khu vực dòng nước sông Luồng va vào núi đá tạo thành vụng nước sâu trên 10 mét. Vậy là chỉ biết đứng nhìn thôi!”. Cụ Hợi kể rằng xưa vùng Cha Khót có nhiều gỗ như pơ mu, sến, táu, chò và vô vàn vầu, nứa, bương, giang, lá dong, song mây, dược liệu, lâm đặc sản khác... Hồi cụ mới lên đây trong rừng còn có bò tót, nai, hoẵng, lợn lòi, khỉ, vượn và nhiều loại chim. Vùng này được đám thợ săn khao khát vì bao giờ cũng bắn được nhiều chim, thú. Ngày nay thú đã hiếm, không còn cảnh ra suối uống nước những đêm trăng như trước nữa, nước Cha Khót cũng cạn hơn trước, nhiều gỗ quý hiếm, nhóm một dường như không còn. Cụ chợt trầm ngâm. Đến năm 1965, lúc ngót nghét 20 tuổi, cụ lập gia đình với bà Vi Thị Cương, người bản Son. Hai ông bà có với nhau 6 người con, ai cũng lập gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhà cụ cách đường biên giới chỉ 2 ki lô mét nên từ lâu cụ và gia đình đã gắn với công việc gìn giữ đường biên, cột mốc. Một chút nắng lóe lên. Mây đã tan, trời quang đãng. Chúng tôi vẫn nuôi ý định theo cụ một lần lên mốc 331. Chị Minh Quyên và ê kíp truyền hình nói chỉ có cơ hội lần này, mong cụ giúp. Dù bận công việc cưới xin của cháu, cụ vui vẻ chiều đoàn một lần. Vậy là cả đoàn lại lên xe đèo nhau về 331.
*
Từ đường vành đai, chúng tôi rẽ vào một con đường đất đỏ. Trời mới mưa xong, sình lầy rất khó đi, lại mang máy móc lỉnh kỉnh của các bạn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nên xe chạy chậm, thi thoảng nảy lên cao do những gò đất. Tôi ghì chặt chân máy, chị Minh Quyên ôm khư khư máy quay. Trên đường đi vào cột mốc 331, vầu mọc dày chen chúc, cây nhỏ, cây to, măng lớn, măng bé vươn lên hiên ngang giữa rừng. Nhìn từ xa, rừng vầu như một trận địa chông canh giữ biên cương Tổ quốc. Tôi hỏi cụ Vi Văn Hợi: “Cây vầu trong tiếng Thái gọi là gì ạ?”. Cụ trả lời: “Gọi là mạy quăn. Cậu biết không cây vầu là cây trời cho, tự nhiên mọc lên giữa rừng như thế, khác với cây luồng thường là do con người trồng. Cây vầu mọc thành từng bụi, tái sinh hạt sau chu kỳ khoảng 60 năm. Cứ quãng ấy, cây vầu ra hoa và quả một lần gọi là khuy. Hạt vầu già rụng xuống xung quanh gốc, rồi chim, chuột ăn, phát tán đi nơi khác nảy mầm thành bụi vầu mới”. Xem ra cây vầu cũng giống như con người, tròn trịa một lục thập hoa giáp 60 năm quay vòng, giữ đất, giữ nước, giữ biên thùy non xanh một dải vững bền. Ở Quan Sơn, cây vầu bị khuy (tái sinh hạt), năm 1976 đến nay đã 47 năm. Nếu đúng chu kỳ thì khoảng 13 năm nữa cây vầu sẽ ra hoa, quả và cây chết hàng loạt. Đây là mối lo không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn là mối lo cháy rừng xảy ra vì cây vầu chết khô hàng loạt tạo ra nhiều vật liệu dễ cháy làm nguy cơ cháy rừng càng cao. Tôi ngắm nhìn những cây vầu non có nhiều phấn trắng, như lớp áo mỏng chở che cho làn da xanh non bên trong. Vầu thường cho măng vào mùa mưa độ từ tháng 6, 7 là mùa cao điểm hái măng. Đến tháng 10 cây măng bắt đầu có lá ở ngọn đến tháng 12 thì cây măng đã trở thành cây vầu non có đủ cành lá có thể chẻ lạt gói bánh, buộc hàng được. Để sinh trưởng từ măng yếu ớt thành cây vầu mạnh mẽ, cây thay bẹ lần lượt từ gốc cho đến ngọn, cứ mỗi mắt có một bẹ bao bọc như áo giáp rồi tự rơi khi cây trưởng thành. Cây vầu cứng cáp từ năm thứ 3 trở đi, trở thành cây vầu già sau năm thứ 5. Thân vầu thành thục thường nhẵn, phấn trắng đã rụng hết. Những cây vầu có tuổi từ 1 - 3 tuổi là giai đoạn đẻ măng nhiều nhất. Do vậy bà con thường không chặt cây vầu dưới 3 năm tuổi để chúng sinh măng phát triển rừng. Tôi để ý những cây vầu mọc gần suối Cha Khót trên đất bãi bằng bồi tụ có kích thước rất to, đang tính khen cây to, khỏe, đẹp thì cụ Hợi bảo loại này tuy dài, to nhưng thường bị ốp, dễ bị mọt ăn, xơ nhiều thường không được chọn. 
Chúng tôi dừng xe bên bờ suối Cha Khót, từ đó lội qua dòng suối rộng tầm 10 mét. Nước buốt lạnh, đá sắc cạnh dưới chân. Cụ Hợi chỉ lên, “Cột mốc 331 trên ấy đấy, dốc gần 50 độ, nên các cậu đi cẩn thận nhé”. Nói rồi, cụ và Đại úy Thao Văn Vư vác dao thoăn thoắt đi lên phía trên, vừa đi vừa dọn đường. Còn chúng tôi, chầm chậm qua suối, nhọc nhằn leo lên con dốc. Chị Minh Quyên và Thanh Thư phải chặt gậy để chống lên, thi thoảng giúp nhau kéo tay chống chân lên những bậc cao. Anh Đình Tuyển vất vả với máy quay nặng đến cả chục kilogam cùng tôi chuyền nhau để leo lên. Lên đến nơi ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Cụ Vi Văn Hợi, Thiếu tá Lê Đình Tiến, Đại úy Thao Văn Vư đã lên đấy tự bao giờ. “Mốc 331 đây rồi”, chúng tôi vui mừng reo lên. Cột mốc hoa cương sừng sững giữa núi rừng, trên cột được khắc và sơn chữ đỏ 331, một bên tiếng Việt, một bên tiếng Lào. Những thiêng liêng dâng lên trong tôi, 331 mốc biên cương vững bền, 331 gió sương da thịt Tổ quốc. Tôi chạm vào cột mốc, lịch sử bày hiện, Việt Nam một dải vẹn toàn. Mọi người chia nhau chặt cây, quét dọn. Những cây vầu ngả nghiêng quanh cột mốc, cây dây leo, cây bụi xâm lấn vào vùng đổ bê tông, mái taluy... được chúng tôi phụ nhau dọn dẹp. 
Với cụ Hợi mốc 331 rất nhiều kỷ niệm. Cụ nhớ lại, thời điểm trước năm 1981 chưa có cột mốc ở khu vực này giữa hai nước Việt - Lào. Mãi đến mùa hè năm 1981, đường biên giới mới được Chính phủ Việt Nam, Lào đo đạc, cắm mốc. Thời điểm đó, đồng chí Lê Chí Anh, phụ trách Đồn Na Mèo, cho cán bộ xuống mời cụ đi theo vì không ai rành rẽ đường bằng cụ. Đoàn Việt Nam có anh Ngần đoàn trưởng, anh Thịnh đoàn phó. Phía Lào do Chủ tịch tỉnh Hủa Phăn dẫn đầu. Chính phủ hai nước cùng họp lại đi một đoàn lên khu vực giáp ranh. Hôm đó, cụ trèo đến Pha Mường, dốc cao, cây cối um tùm. Phía Việt Nam gùi cõng lương thực cho nước bạn, gồm cả bánh chưng, xôi cho các bạn Lào, đoàn công tác Việt Nam có cơm tẻ, cá mắm. Đêm đó nằm lại Pha Mường, sương giăng bốn bề, lạnh thấm da thịt. Kỷ niệm ấn tượng cụ nhớ là nhiều người ngủ không được. Đồ ăn toàn khô cả nên tối đến cả đoàn khát nước phải chặt gốc cây giang lấy nước uống. Sớm ra, cả đoàn đi theo suối, ngang dốc Pù Sê thì trượt xuống để xuống suối Cha Khót lúc bấy giờ toàn lau lách, cây cối rậm rạp. Hai bên làm việc và lấy đoạn xuống suối Hoa, Cha Khót chia đôi bằng cách đo từ ngã ba hai dòng suối ra tới cột mốc 331 hiện tại là 49 mét. Ba ngày sau, phía Lào huy động người dân bản Chía khuân đá sỏi cát, phía Việt Nam dân bản Cha Khót do cụ Hợi dẫn đầu gùi xi măng và lực lượng biên phòng phụ trách đưa ngựa thồ vật liệu vào điểm dựng mốc. Vị trí đặt mốc cây cối to đùng phải đến 3, 4 người ôm, hai bên phải dùng rìu hợp sức lại lần lượt chặt hết cây to. Sau đó hai Chính phủ làm việc, thống nhất cắm mốc. Trong dịp đó cụ Hợi có thêm một người bạn mới là ông Bon Si, Trưởng bản Chía của nước bạn Lào. Họ sau đó cùng nhau gìn giữ cột mốc. Cụ có tên có tuổi từ ngày đó, có việc gì về biên giới cán bộ đều tới trao đổi với cụ. Mốc dựng lên bằng bê tông, cốt thép được đặt tên là H3. Bên kia Lào, bên này Việt Nam. Sau này hai nước cấy dày thêm các mốc khác mới có 330, 331. Năm 2011, Chính phủ hai nước đã làm lại cột mốc bằng đá hoa cương cứng cáp, sáng rỡ dọc đường biên. Ngày nay, bản giáp biên giới của nước bạn Lào là bản Lan Thọn của người Mông, còn bản Chía của người Thái đã di cư sang nơi khác. Cụ Hợi cũng mất liên lạc với ông Bon Si. Mỗi năm 2 - 4 lần, cụ lên cột mốc để quét dọn. Trước chưa có trạm thì lên một mình, có khi dắt cả vợ con theo. Trang bị đi lên mốc của cụ là một con dao phát đường, tiếng Thái là mit, một bị xách đeo chéo trong có cơm nắm, đồ ăn. Từ nhà đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, mốc xa thì mất cả ngày. Lên đến mốc việc đầu tiên là phải phát quang cây cối, quét dọn và kiểm tra mốc có sứt mẻ gì không, nếu có vấn đề lập tức báo cho Đồn Na Mèo. Có năm nọ, cụ một mình lên mốc lúc trời chiều. Sau khi phát quang, dọn dẹp xong, tầm 5 giờ chiều, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã. Mưa trắng xóa, mưa mênh mông phủ lên đồi núi. Suối Cha Khót hiền lành bỗng trở nên hung hãn, nước từ đâu đổ về như thác lũ. Cụ biết không thể về được liền chặt cây che chắn làm chỗ ngủ. Đêm hôm đó, cụ ngủ lại ngay trên mốc, áo quần sũng nước, bụng đói cồn cào chờ trời sáng. Bốn giờ sáng, mưa tạnh, nước rút dần, cụ men theo bờ suối để về nhà. Về đến nhà, cụ Vi Thị Cương và con cái nhào ra ôm chầm lấy ông khóc như mưa, cứ tưởng hôm qua cụ gặp nạn rồi. Những chuyện về cột mốc, nhân chứng sống như cụ Hợi đã dựng xây sự thiêng liêng, hào hùng vùng trời biên giới. “Năm nay cụ 77 tuổi rồi, đi thế cụ có mệt không?”, tôi hỏi. Cụ Hợi cười đáp: “Đi này vẫn bình thường mà, đi mốc 330 mới khó. Nếu nước suối không dâng và các cháu có thời gian ở Cha Khót lâu ta có thể vào đấy”.
Qua trưa chúng tôi về chốt đóng trên lưng chừng núi Na. Chốt là một căn nhà dã chiến, mái lợp tôn, bốn bề cũng được tôn che chắn. Trong chốt có đủ giường, tivi, chỗ phơi áo quần, nhà vệ sinh và cả căn bếp xinh xinh. Bốn bề cây cối xanh mát, cây to, cây nhỏ, vầu nứa bao quanh. Bên phải chốt cả một rừng cây đều đặn như được ai trồng, lá xanh, thân trắng như cây bạch đàn, Vư nói đó là cây giàng giàng, tự nhiên mọc lên thành một rừng. Trước chốt, cây tẳng sấu đang độ ra hoa, màu tím phơn phớt trắng mơ màng trên tán xanh. Cây này gỗ không được tốt lắm nhưng có thể làm nhà vì gỗ không mọt, kiểu như gỗ xoan đào vậy, cụ Hợi nói với chúng tôi. Màu hoa xen lẫn những đám mây trắng trôi lững lờ phía trước, tưởng hoa là mây, mây cũng là hoa trên xứ núi. Chốt tiền tiêu, lính tiền đồn hào sảng kém gì đoàn binh Tây Tiến năm nào. Bữa cơm trưa dọn ra, chiếu trải nền đất, cả đoàn thân ái ngồi bên nhau. Ngoài trời mây sà xuống, hơi lạnh ấp ủ trong hơi men. 
*
Chúng tôi lên xe lúc trời đã nhá nhem, lòng còn vương vấn chốn biên thùy. Tạm biệt Na Mèo, tạm biệt những người lính biên phòng kiên cường, bất khuất, những đồng bào giàu lòng ái quốc, trách nhiệm giữ đất biên cương. Đất đã đến, người đã gặp, mốc đã chạm… nhưng nuối tiếc vẫn còn đây, muốn ngày tháng thật dài ra những ngày biên cương. “Muốn làm con trai bản/ Mang sắc áo cụ Hồ”, nhà thơ Lê Quang Sinh đã nói hộ ân tình còn đong đầy nơi chốn đây. Xe bắt đầu đổ dốc xa xăm, ngoài trời sương trôi, sông Luồng réo rắt những cung đàn vắng. Những vần thơ Lên Na Mèo chợt rung lên, vấn vít cùng sương mây:
Chiều bỗng dưng lựng gió
Tiếng khèn ai đổ đèo
Rượu tình men vừa ngấu
Tuột mất trời trong veo. 
Đêm ôm lấy đất Quan Sơn, chăn hồng ấp ủ kể nhau nghe tự ngày xửa ngày xưa nơi rừng thiêng ấy chuyện biên cương chưa cũ bao giờ. Đây tôi nghe mỗi dòng sông trong, ngọn núi mây mờ, rừng vầu, luồng xanh ngát, con đường đỏ in dáng hình đất nước. Đây bản yên từng giấc ngủ em thơ, bếp lửa hồng thắp từng năm tháng. Và màu xanh nhuộm sắc áo biên phòng buổi tuần tra biên giới, vai còn vương sợi nắng hồng chiều hoàng hôn la cà nơi góc núi còn đó, như vừa mới hôm qua.
        

Quan Sơn, mùa thu 2023
                  L.V.T.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 5173
 Tổng số truy cập: 7669910
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa