Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Đường vào Mường Mìn (Ký dự thi)
Đường vào Mường Mìn (Ký dự thi)

Mường Mìn là thung lũng nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, đó là xã vùng miền núi thuộc huyện Quan Sơn, gồm có 5 bản: Bản Chiềng, bản Mìn, bản Yên, bản Bơn, bản Luốc Làu. Những cái tên đều gợi về nơi xa xôi, hẻo lánh và hoang dã, gợi về con đường Tây Tiến trập trùng núi rừng trong ký ức của lịch sử. Mường Mìn xa xôi thật sự khi ở vị trí địa lý khá là hẻo lánh: phía Bắc giáp xã Sơn Thuỷ; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phía Đông giáp bản Tân Sơn và bản Xa Mang xã Sơn Điện; phía Tây giáp xã Na Mèo và Mường Xôi, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Địa hình Mường Mìn bị chia cắt mạnh bởi sông Luồng, các suối lớn và các dãy núi cao nêu trên. Độ cao trung bình từ 220-1.277m so với mực nước biển, thấp dần theo hướng từ Nam lên Bắc và từ Tây sang Đông. Độ dốc trung bình từ 25-30 độ, có nơi trên 35 độ. Nhìn chung địa hình cao dốc đứng cheo leo như vậy, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời cũng gây ra lũ quét, lũ ống mỗi khi mùa mưa tới.
Trên con đường vào Mường Mìn, Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa nói rất nhỏ đủ cho tôi nghe. “Chút nữa, chúng ta sẽ đi qua con suối mà nơi ấy, khi lũ quét đột ngột đổ về đã cuốn trôi hai chiến sĩ biên phòng khi đang đi công tác”. Anh ngậm ngùi kể, anh em bộ đội chỉ tìm thấy một thi thể liệt sĩ khi đã trôi cách khúc suối này rất xa, còn một thi thể chiến sĩ nữa thì đã không tìm thấy. Tôi nhìn ra cánh rừng nguyên sinh vững chãi như bức tường thành màu xanh và nghĩ, vậy là linh hồn và thể xác người chiến sĩ biên phòng ấy mãi mãi hòa tan vào màu xanh mượt mà của Mường Mìn. Cũng năm lũ ấy, các anh bộ đội biên phòng đã vớt được một chiếc chân người trên ngọn lũ suối, nhờ vết xăm mà biết đó là chiếc chân của người con gái ông Phó Chủ tịch huyện Sầm Tớ (Lào) bị lũ cuốn trôi vượt qua cả biên giới Việt - Lào, khi nhận về phần thi thể của con gái, gia đình đã vô cùng cảm động. 
Xã Mường Mìn thuộc vùng núi cao, có các dãy núi Pha Rùa cao 1.091m; Pha Hen 859m; Pù Pán 607m ở phía Bắc;  Pù Cút 1.125m; Pù Páo 1.111-1.277m ở phía Nam (giáp Lào); Pha Lon 1.129m; Dông Tác Lét 376m ở phía Đông; Kéo Len 734m; Nà Lường, Pù Vô ở phía Tây. Cho nên việc đi vào trung tâm xã Mường Mìn và Đồn Biên phòng Mường Mìn là không hề đơn giản. Tôi nghĩ rằng trong nghề viết văn tôi là người may mắn, bởi những chuyến đi về với bộ đội tôi luôn được góp mặt. Lần này, chúng tôi đi về Mường Mìn bằng sự giúp đỡ tận tình của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, mà trực tiếp đi cùng chúng tôi là Thượng tá Hồ Ngọc Thu.
Trung tâm xã Mường Mìn nằm ở cây số 66, quốc lộ 217, cách Đồn Biên phòng Na Mèo 22 cây số - tới Đồn Biên phòng Mường Mìn thì phải đi thêm khoảng hơn hai cây số nữa. Xe chúng tôi rời bỏ con đường bằng phẳng của quốc lộ đột ngột rẽ quặt vào một góc cua gập tay áo, và con dốc cao 15 độ. Trên xe, mọi người gần như nín thở, có vài tiếng nói nhỏ nhỏ đầy lo lắng, hay là chúng mình xuống đi bộ? Anh lính lái xe tên là Nam, người gầy gò, cao vống như cây sào, liền trấn an chúng tôi, các bác cứ ở trên xe. Chúng tôi im thít, cả xe gần 20 người, không ai nói lời nào, gần như nghe rõ cả tiếng thở. Thế rồi chúng tôi cũng thở phào, nhẹ nhõm khi thấy chiếc xe thả nhẹ xuống theo đường dốc đứng khi đã thoát khỏi vòng cua ngoặt gắt gao, căng thẳng. Đấy, vừa chớm đặt chân vào mà Mường Mìn đã đón chúng tôi bằng con dốc dữ dội không kém những con dốc cao ngất ngưởng và quanh co lên Đồng Văn, Hà Giang. 
Chưa hết, xe chúng tôi tiếp tục đi trên con đường gập ghềnh đá hộc, đá tảng, đá cuội, đá dăm và sỏi. Tất cả chúng tôi đều dồn mắt nhìn xuống đường và kinh ngạc tột độ, bởi vì ở thế kỷ XXI này rồi mà vẫn tồn tại con đường rải đá cấp phối như hồi thập niên 80 của thế kỷ XX? Tôi hỏi Thượng tá Hồ Ngọc Thu thì anh nói con đường vào Đồn Biên phòng Mường Mìn bây giờ là còn dễ đi lắm rồi đấy. Nghĩa là có thể đi được bằng xe máy, hoặc ô tô. Chứ 10 năm trước đây thì vào Đồn Biên phòng Mường Mìn chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Con đường hơn chục cây số trở nên xa xôi, thăm thẳm bởi luồn lách trong rừng, những khi mưa rừng lũ suối thì đi cả tuần mới tới nơi.
Vẫn chưa hết, khi còn cách đồn biên phòng khoảng 700 mét, tất cả chúng tôi, không ai bảo ai đồng loạt đòi lái xe dừng cho chúng tôi xuống xe ô tô để lội suối qua ngầm. Đơn giản là vì không ai có đủ can đảm ngồi trên xe, khi nhìn thấy con suối tuy rộng song mùa này chưa nhiều nước nhưng bờ suối cao nhầy nhụa bùn đất nhão nhoét trơn tuồn tuột. Tôi rùng mình nghĩ, nhỡ đâu mà cái bánh xe trơn trượt trôi tuột xuống lòng suối sâu và lởm chởm đá? Biết đâu được khi mà mọi chuyện đều có thể xảy ra ngoài dự đoán của con người? Khi vào tới Đồn Mường Mìn, đồng chí Chính trị viên Trần Văn Tuấn nói với chúng tôi, để đón đoàn, đã cho anh em ra đào đất vác đá chèn để ô tô có thể vượt qua được.
Câu chuyện về con đường còn dài, có thể kể nhiều chuyện như trong tiểu thuyết hư cấu. Khi tôi hỏi về con đường hơn chục cây số từ quốc lộ vào đến trung tâm bản Yên, ông Vi Văn Sơn sinh năm 1962, từng làm Chủ tịch xã Mường Mìn hào hứng kể. Đường vào bản ngày xưa khó khăn lắm, không có đường đâu. Dân bản ở trong này gần như cách biệt với thế giới ngoài kia. Hồi đó ông Sơn còn làm Trưởng bản Yên, đã biết suy nghĩ làm con đường cho bản Yên. Năm 1997, ông Sơn vận động dân bản bán 50 con trâu được 3 triệu đồng, sau đó dân bản góp sức vào bắt đầu đào đất bạt đồi để mở đường. Quá trình làm đường là vô cùng vất vả, bởi vì con đường đi qua 12 khúc suối. Tuy nhiên, thì vẫn chưa khó khăn bằng việc đánh đá, nổ mìn phá núi mở đường. Tất nhiên, những việc khó, dân bản phải nhờ đến bộ đội biên phòng. Khi con đường mở qua bản Na Pàng, là nơi có quả núi đá to nhất thì dân bản hết tiền, con đường có nguy cơ bị bỏ dở dang. 
Đúng lúc đang tưởng chừng bế tắc thì bên bộ đội biên phòng cho dân bản vay 21 triệu đồng. Dân bản và bộ đội biên phòng cùng góp sức tiếp tục phá đá mở đường thông vào tận trung tâm xã. Đó chính là con đường bây giờ mà mọi người vừa đi qua đấy.
Ông Sơn đưa mời chúng tôi chén rượu ngâm mật ngọt lịm và nói “Không có bộ đội biên phòng thì không có con đường này đâu. Nhờ có con đường, những xe tải lớn có thể đi vào chở lâm sản bà con khai thác trên rừng, mọi nhà có thu nhập, đời sống trở nên tốt hơn nhiều”. Là Chủ tịch xã, ông Sơn đã vận động bà con làm nứa nan bán lấy tiền trả nợ cho bộ đội. Ông Sơn cười vui vẻ “Bà con cả xã làm nứa nan hơn 2 năm mới trả hết nợ cho bộ đội đấy. Năm ngoái, Đồn 499 bộ đội biên phòng đã tiến hành khảo sát làm đường đi lại trong bản, cho nên bản Yên mới khang trang, sạch đẹp như thế này đấy. Từ hồi có đồn biên phòng, thì “điện, đường, trường, trạm” cái gì cũng có, hộ nghèo ở bản Yên này giảm xuống rồi”. 
Tôi nhìn ra con đường trải bê tông ngập trong nắng vàng cuối thu chớm sang đông, con đường mềm mại như lụa và nắng trải vàng óng như mật ong. Con đường rộng, hai xe ô tô tải tránh nhau thoải mái. Bà con trong bản vừa gặt lúa mùa, thóc phơi bên lề đường thơm hực dưới nắng ban trưa. Tôi chụp được bức ảnh người phụ nữ Thái đang mải miết dàn thóc phơi, dáng chị nghiêng nghiêng trong bóng nắng thu tròn trên đầu, một khung cảnh thanh bình, yên ả quá đỗi. Cuộc sống nơi đây vẫn chảy theo nhịp bình yên của núi rừng miền biên viễn.
Ông Sơn kể là các nhà trong bản Yên đều đang rộn rịp mời nhau ăn tết cơm mới, mọi nhà vẫn giữ nếp truyền thống, nhà nào gặt xong thì ăn tết cơm mới cúng lễ tổ tiên, thần linh cầu cho mùa vụ năm sau và mời bà con họ hàng, làng xóm thân thiết tới uống chén rượu gọi là mừng cho mùa màng bội thu. Trong nhà, bên bàn trà, câu chuyện về con đường càng trở nên rôm rả. Con đường có chiều dài đoạn đi qua xã Mường Mìn là đường hành lang nối các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tạo cho Mường Mìn có điều kiện thuận lợi giao lưu, buôn bán, huy động các nguồn lực với các vùng trong và ngoài khu vực để phát triển.
Ông Sơn lấy làm tiếc vì chúng tôi không thể ở lại ăn tết cơm mới ở nhà ông. Tôi đi ra đằng sau, bên bờ ao có mấy con vịt béo múp míp đang bơi. Tôi nghĩ nếu chúng tôi ở lại ăn cơm uống rượu, có khi mấy con vịt không còn được bơi lội thung thăng như thế này nữa đâu. 
Khi trở về đồn biên phòng, Thượng tá Trần Văn Tuấn nói với chúng tôi: “Tỉnh Thanh  Hóa và bộ đội biên phòng đã có dự án làm con đường từ quốc lộ vào đây, với số vốn dự kiến lên tới vài chục tỷ”. Anh cười hiền hậu và cởi mở, “có dự án rồi, có tiền vốn rồi, dân chúng sẽ nhiệt tình ủng hộ, có lẽ con đường sẽ nhanh chóng khởi công thôi, chắc chắn lần sau các anh chị tới đây, sẽ có con đường đẹp đẽ cho xe chạy thẳng lên đồn”. Mong ước của các anh cũng là mong ước của bà con dân bản, có đường sá lưu thông với miền xuôi là đẩy lùi đói nghèo, là có đời sống ấm no hơn. Ở miền núi, bà con đều hiểu một cách rõ ràng và đơn giản như vậy. Thực sự là Đồn Biên phòng Mường Mìn đã mở được con đường đi vào trái tim quần chúng nhân dân. Ở đâu cũng thế, khi được người dân ủng hộ, thì mọi việc khó đến đâu cũng trở nên thông suốt, nhẹ nhàng.
Anh Hà Văn Thi sinh năm 1984, làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, kể rằng, bộ đội biên phòng và dân kết hợp toàn diện trên mọi mặt. Bản Yên họp bàn vẫn đề gì cũng mời đồn biên phòng; Một đồng chí đảng viên của đồn biên phòng cùng sinh hoạt trong chi bộ bản Yên. Qua lời kể của anh Thi, tôi cảm nhận cuộc sống nơi này bình yên đúng như cái tên gọi bản Yên.
Trên mảnh sân gạch đầy nắng của nhà anh Thi, có một đống biển số nhà dồn góc sân. Khi tôi hỏi, anh Thi kể, đó là biển số nhà để chuẩn bị gắn cho tất cả các nhà trong bản Yên. Lập tức tôi hình dung, các ngôi nhà sàn xinh xắn được gắn biển số giống huy hiệu đeo trên ngực áo, mang vẻ tươi mới, tự nhiên và hãnh diện. Màu sắc phố phường đã hiện diện nơi rừng xanh núi đỏ xa xôi này, có sự đóng góp không ít trí tuệ và công sức của các chiến sĩ biên phòng.
Khi chúng tôi trở ra, vẫn qua con suối, tuy nước dâng đầy hơn hôm qua, nhưng hai bên bờ suối đã bằng phẳng hơn, bởi vì trên đồn biên phòng đã cử một tổ công tác ra vác đá kè lại bờ suối cho phẳng phiu hơn. Xe chúng tôi dễ dàng đi qua mà không có ai phải xuống lội qua suối. Có một nhóm chừng gần chục em bé, chắc vừa đi học về, cầm theo quả bóng, chúng lội xuống suối, chơi tung bóng và té nước làm rộn rã cả rừng chiều. Chúng tôi ra khỏi Mường Mìn, vẫn đi trên con đường gập ghềnh hôm qua, nhưng chúng tôi tin tưởng ngày mai sẽ có con đường mới đẹp như thảm lụa. Lần trở ra, chúng tôi mới có dịp ngắm thung lũng hai bên đường. Những tầng ruộng bậc thang phơi chân rạ vàng óng nắng chiều. Phóng viên Thanh Thư của Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa thốt lên “Đẹp quá, ruộng bậc thang đẹp quá, nếu chúng mình đến sớm hơn mười ngày thì đã được ngắm thảm lúa vàng lộng lẫy”. Thư nói khẳng định chắc nịch như bông lúa ngày mùa: “Nhất định mùa lúa chín sau em sẽ tới đây, có ai đi cùng em không?”. Tôi nghe Thư nói thầm nghĩ một cách tiếc nuối, chắc tôi khó có cơ hội trở lại Mường Mìn. Tôi tạm biệt Mường Mìn và giữ mãi hình ảnh vàng óng của nắng trải trên gốc rạ, của hạt lúa chắc mẩy phơi mình trong nắng thu miền biên cương.
          

  1-11-2023 
                                P.M.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 130
 Hôm nay: 2719
 Tổng số truy cập: 7559307
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa