Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Bình yên bản Yên (Ghi chép dự thi)
Bình yên bản Yên (Ghi chép dự thi)

Buổi sáng cuối thu, đứng trên Đồn Mường Mìn nhìn ra xung quanh, những đám mây mỏng mảnh như tấm khăn voan của thiếu nữ vắt hờ hững lưng chừng núi, những ngọn núi sừng sững cao bao bọc lấy thung lũng, một vùng lòng chảo lớn. Trong cái chảo ấy có đầy đủ ruộng vườn, suối thác và những ngôi nhà sàn lặng lẽ bên con đường độc đạo dẫn vào bản Yên. Từ đây phóng tầm mắt thu trọn vào khung hình một bản Yên đẹp như tranh, bình yên và trầm mặc trong cảnh mờ sương, hư ảo.
Chúng tôi theo chân Thiếu tá Lang Văn Kéo, nhân viên Đội Hành chính, vào nhà anh Hà Văn Thi, Trưởng bản kiêm Bí thư chi bộ bản Yên. Anh Thi có vóc người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, anh trẻ hơn so với cái tuổi ba chín. Thiếu tá Lang Văn Kéo là người dân tộc Thái, với dân bản, anh như là người nhà. Sau màn chào hỏi, giới thiệu của Thiếu tá Kéo, gia chủ vui vẻ bắt tay mọi người và pha trà mời nước. Trà ở đây bà con tự trồng, hái và sao thủ công, cánh chè to, màu đen, uống thơm ngon và đậm vị.
Công việc Trưởng bản của anh Hà Văn Thi, như vợ anh nói là “Vác tù và hàng tổng”, tiền phụ cấp ít ỏi, mà việc bản thì nhiều, anh vắng nhà suốt. Vợ anh, người phụ nữ cũng bằng tuổi chồng, có khuôn mặt phúc hậu, dáng vóc tròn lẳn, chắc khỏe, trải lòng: “Em đi làm có mỗi mình, không có bạn, quen rồi”. Chị có vẻ bằng lòng, coi cái việc “vác tù và” của chồng là đương nhiên, không so đo bàn cãi. Nói rồi, chị tiếp tục công việc phơi lúa của mình. Dưới cái nắng cuối thu vàng ruộm, lúa được phơi dưới những tấm bạt lớn cũng vàng rực. Bản Yên vụ này lúa được mùa, lại đủ nắng phơi nên giòn tươm.
Ba chín tuổi, mười chín năm làm cán bộ, như vậy là thâm niên rồi, đi lên từ Bí thư chi đoàn, bây giờ là Trưởng bản kiêm Bí thư chi bộ bản. Đó là một trải nghiệm đáng quý đối với Thi. Từ thực tế công tác Thi chia sẻ với chúng tôi về sự không đồng đều trong nhận thức của người dân, vẫn có người chưa thông, chưa đồng tình. Nhất là khi triển khai những chủ trương mới của huyện, của xã. Rồi Thi nói về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giải thích, không chỉ một, hai mà phải giải thích rất nhiều lần và phải làm thường xuyên, liên tục thì người dân mới hiểu ra. Công việc phải tiến hành bài bản, họp chi bộ, ra Nghị quyết, được sự đồng thuận của bà con thì mới được thực hiện. Không được gượng ép, vì gượng ép người dân sẽ không phục. Anh chỉ vào đống biển số nhà đang xếp dở, như phân bua với chúng tôi: 
- Việc gắn biển số nhà cũng phải được sự đồng ý của người dân mới triển khai đấy các bác ạ! 
Tôi ngắm nhìn cơ ngơi của gia đình ông Trưởng bản trẻ. Ngôi nhà sàn khá kiên cố, rộng rãi, thoáng mát, gỗ thưng dày dặn, trên mái lợp bằng gỗ pơ mu. Pơ mu là một trong những loại gỗ quý, có độ giãn nở tốt, che nắng che mưa không kém gì ngói dưới xuôi. Và đặc biệt gỗ pơ mu còn tỏa mùi hương rất dễ chịu. Người ta hay nói “Sống cái nhà, già cái mồ”, ngôi nhà để con người quần tụ, sinh con đẻ cái, cũng là chốn đi về nương thân. Ở bản Yên, nhà nào cũng đẹp, chắc chắn, ấm áp và bình yên.
Ngoài cấy lúa lấy gạo ăn, người dân khai thác vầu và luồng, bán cho nhà xe dưới xuôi để phát triển kinh tế. Hằng ngày mỗi hộ có thể thu nhập bốn đến năm trăm nghìn đồng. Cũng theo lời anh Thi, cây vầu có đặc tính sinh trưởng rất nhanh, chỉ trong vòng đời hơn một năm là có thể thu hoạch được. Vầu cứ khai thác theo kiểu quay vòng, hết lứa này đến lứa khác, giúp người dân mưu sinh. Cây vầu có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần nâng cao đời sống dân bản. Hai bên đường, bà con đang tất bật phơi thóc cho kịp nắng, tiếng cười nói rổn rảng, gương mặt ai cũng sáng sủa, hồ hởi và lấm tấm mồ hôi.
Ở nhà anh Hà Văn Thi, chúng tôi vô tình gặp được ông Vi Văn Sơn 61 tuổi, người cao tuổi có uy tín của bản. Ông Sơn tính qua trao đổi chút ít công việc của bản với đồng chí Trưởng bản thì gặp chúng tôi nên cũng tham gia góp chuyện. Mặc dù ở cái tuổi lục tuần nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện lắm, dáng người cao ráo, đẹp lão. Hẳn là thời tuổi trẻ, ông đã hút hồn bao cô gái bản. Ông Sơn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con đường nội bản, con đường được tính từ mép đường 217 bây giờ, ngày trước nó cheo leo trên lưng chừng núi, nhọc nhằn và tốn công sức lắm mới men được vào bản. Một lối mòn nhỏ với hai bên lau lách rậm rạp, vực bên suối Yên hun hút, nhiều đèo dốc đứng và bị cắt ngang bởi hai nhánh chảy ầm ào của suối Yên, mùa mưa lũ thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, bản bị cô lập hoàn toàn. Bởi vậy mà năm lần bảy lượt ông đi hỏi vợ ở các bản khác cứ bị khước từ vì mỗi một lý do là đường vào bản vất quá. Bây giờ thì thuận tiện lắm rồi, đường đi lối lại thong dong, nói đến đây tôi nhác thấy đôi mắt ông lấp lánh vui. Ông Sơn vẫn nhớ như in cái ngày cả bản đồng lòng góp mỗi nhà một con trâu, đem bán lấy tiền, thuê máy móc, cộng với mỗi nhà cử thêm một nhân lực ra làm đường. Sau này, khi có Đồn Mường Mìn, có bộ đội và sự quan tâm của Nhà nước đầu tư người dân bản Yên đã có con đường phẳng phiu, rộng rãi như hôm nay.
Cách nhà anh Hà Văn Thi vài bước chân là tới nhà ông Hà Văn Chốn, người mà được cán bộ đồn biên phòng và dân bản gọi một cách thân mật là “Bố Chốn”. Ông Chốn năm nay 76 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trông ông còn nhanh nhẹn lắm. Ông Chốn là lính đỏ hẳn hoi, tham gia kháng chiến chống Mỹ và đời lính ông đã đi qua hai chiến dịch lớn là tết Mậu Thân năm 1968 và bảo vệ Thành cổ năm 1972 ở mặt trận Quảng Trị khốc liệt. Trở về từ chiến trường, quay trở lại với bản làng, với cuộc sống thường nhật, lập gia đình và sinh con như bao chàng trai bản Yên khác. Năm 1985 ông tự nguyện tham gia chăm sóc cột mốc tính đến nay cũng đã ngót bốn mươi năm. Khi hỏi về công việc chăm sóc cột mốc, ông cho đó là công việc bình thường như bao công việc hằng ngày ông muốn làm và cần phải làm. Ông nhớ rất rõ cái ngày cán bộ biên phòng đến nhà đặt vấn đề về việc chăm sóc cột mốc, chẳng mảy may chần chừ ông vui vẻ nhận lời ngay. Ông bảo “khi đó mình còn sức khỏe, giúp bộ đội cũng là trách nhiệm của mình thôi mà. Ai làm cũng được mà, chẳng riêng gì bố…”, câu nói thật thà và đơn giản như cách cây vầu cho măng, suối Yên cho cá, đồng lúa cho cơm thơm. Rồi ông kể từ hồi đồn chưa xây dựng trên đồi, hàng tháng có cán bộ trên Đồn Na Mèo xuống, các chú ở trọ nhà ông hàng tuần. Gia đình ăn cái gì, các chú cũng ăn cái ấy, như con cái trong nhà. Các chú cùng đi rừng, đi gặt lúa giúp bà con dân bản. Các chú còn nói cho dân nghe, dân hiểu về bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ đường biên cột mốc... Công việc chăm sóc cột mốc trước kia vô cùng vất vả. Vừa đi vừa về hết đứt một ngày. Trăm phần trăm cuốc bộ, leo núi, sẻ rừng, vượt suối thác, bám rông núi mà đi. Khi ấy, rừng còn rậm, nhiều thú dữ, cơm nắm muối trắng, dao quắm dắt lưng là lên đường, lên với mốc, lên với biên. Sau này, số cột mốc tăng lên 6 mốc (từ cột số 332 đến cột số 337), tổ bảo vệ chăm sóc cột mốc có thêm ba thanh niên là anh Toán, anh Thái, anh Ngoan, đường đi cũng dễ dàng, thuận tiện hơn, lại có phương tiện đi lại nên thời gian và số lượt thăm mốc cũng vì thế mà thường xuyên hơn. Bốn người cùng đi chuyện trò giúp cho không khí vui vẻ hơn, từ đó mà cảm thấy đường lên mốc như gần hơn, nhất là hỗ trợ nhau những lúc thời tiết xấu như mưa gió, lũ lụt...
- Vậy chăm sóc cột mốc, mọi người làm những gì ạ?
- Thì cũng đơn giản thôi mà, dùng dao quắm phát, dọn cỏ, cây leo sạch sẽ, lau rửa cột mốc cho sáng sủa, sờ lên mặt cột xem có bị sứt sẹo gì không? Chú ý vị trí cột có bị di chuyển hay thay đổi gì không sau đó về báo cáo lại tình hình với cán bộ đồn.
- Gần bốn mươi năm lên xuống, gắn bó với mốc, ông nhớ nhất là kỷ niệm nào - Tôi gợi chuyện.
- Đó là lần mưa to, to lắm, tưởng như trời có bao nhiêu nước đem về đây mà đổ, mà trút. Lâu rồi cũng chẳng nhớ rõ được là năm nào, nhưng khi đó mưa lút mặt người, nước dồn về suối dâng cao cắt mất đường về, bố cùng cán bộ đồn Thào Duy Linh và tổ tuần tra phải ở lại cột mốc cả đêm, gần cuối ngày hôm sau nước lũ rút mọi người mới về được. Còn một chuyện nữa mà đến khi chết chắc cũng chẳng quên được. Đó là vào khoảng năm 1995. Khi ấy, rừng còn rậm rạp, các loại muông thú còn nhiều. Trên cột mốc trở về, trời chiều, bóng nắng rãi vàng trên vạt cây ven rừng. Hôm ấy, cụ đem theo thằng cháu con người chị đi cùng cho vui. Cụ đi trước, thằng bé đi sau một đoạn. Bỗng thằng bé hét lên sợ hãi rồi leo tót lên chạc cây cao. Bố quay lại, thấy một con bò tót to cả tạ đang hung hãn tấn công vào cái cây mà cu cháu đang ngồi vắt vẻo trên đấy. Chẳng nghĩ nhiều, bố giương súng nhắm trúng giữa trán con bò rồi bóp cò. Phát đạn chính xác đã hạ gục con thú dữ, giải cứu cho thằng cháu. Về đến nơi bố lập tức lên báo với Trưởng bản. Bố biết việc bắn giết thú rừng là vi phạm pháp luật, nhưng trong trường hợp cấp bách để cứu người, buộc lòng mới phải hạ sát con thú hung hãn đó. Kể đến đây ánh mắt ông Chốn trở nên tư lự, phảng phất buồn.
Chăm sóc cột mốc, đâu chỉ là phát cỏ, lau chùi, dọn dẹp, sâu xa hơn, ý nghĩa hơn là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Hẳn rằng, ông Chốn và mọi người đều thấm thía điều đó. Những việc làm của ông Chốn và nhóm thanh niên chăm sóc bảo vệ cột mốc làm chúng tôi thực sự cảm động. Đó là công việc hoàn toàn tự nguyện và cũng thật tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày. Với bản chất kiệm lời, ông không nói nhiều nhưng việc làm của ông thì ai cũng biết: làm nhiều nói ít, cái tâm cái đức thật đáng trọng. Đến với Đồn Biên phòng Mường Mìn, được nghe các đồng chí lãnh đạo đồn báo cáo tình hình công tác của đồn trong những năm qua, xuống với dân bản gặp những người hết lòng vì công việc như anh Hà Văn Thi, ông Hà Văn Chốn và các thanh niên Toán, Thái, Ngoan, tôi nghĩ suy nhiều về ý nghĩa câu nói “Thế trận lòng dân”. Nơi vùng biên viễn của Tổ quốc, địa bàn rộng lớn, các chiến sĩ dù có tuần tra suốt đêm ngày, cũng không thể thấu tỏ hết các ngóc ngách. Chỉ có nhân dân bản địa, họ thuộc từng đường đi lối lại núi rừng, họ là tai mắt canh giữ dải đất biên cương. Những người có uy tín với dân bản sẽ là thủ lĩnh tinh thần cho mọi người cả trong đời sống thường nhật cũng như trong bảo vệ, giữ gìn và truyền nối tình yêu đường biên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong ngôi nhà sàn làm từ những năm 80 nhưng còn rất đẹp và chắc chắn, giấy khen treo từng hàng, ngay ngắn. Giấy khen của biên phòng tỉnh, của huyện, của xã, năm nào ông Chốn cũng được khen. Rồi hàng năm tết đến, xuân về, được đồn biên phòng mời, ông vẫn cùng bà con dân bản lên thăm đồn, dự tọa đàm, trò chuyện tâm tình với bộ đội. Theo đà câu chuyện, tôi hỏi ông Chốn thêm một vài chuyện về đời sống tinh thần, phong tục của dân bản, về ý nghĩa của cái tên Mường Mìn. Ông vẫn ân cần, từ tốn và chậm rãi nói tôi nghe về tên bản, tên xã, tên núi, tên suối, tên sông… câu chuyện nào cũng đầy ắp những mong muốn, ước mơ và tình yêu xứ sở của người bản Yên.
- Năm nay đã gần tám mươi tuổi và có gần bốn mươi năm gắn bó với cột mốc, đường biên. Ông sẽ tiếp tục công việc trông coi đường biên, cột mốc chứ?
- Bố năm nay cũng cao tuổi rồi nhưng vẫn còn ham đi mốc lắm, bố vẫn lội suối, leo núi được mà. Vài ba năm nữa, con trai bố đi làm trong Bình Dương về, bố sẽ xin bộ đội biên phòng cho nó được thay bố tiếp tục công việc trông coi, chăm sóc, giữ gìn cột mốc của Tổ quốc.
Trên đường trở về đồn, ngồi sau xe máy bộ đội Kéo, tôi hỏi anh thêm nhiều điều. Tôi muốn thu vào trí não mình thật nhiều dữ liệu về đất và người bản Yên, về cán bộ chiến sĩ Đồn Mường Mìn. Nơi biên cương hoang sơ và thơ mộng, hình ảnh những người dân bản hiền lành, chất phát; sắc áo xanh của những chiến sĩ biên phòng hòa lẫn trong màu xanh núi rừng... đọng lại trong tôi với những cảm xúc luyến lưu. Nhờ có chuyến đi thực tế này mà tôi đã gặp được những con người, nghe được những việc làm, và thấy được những thành quả của những người lính mang quân hàm xanh và người dân nơi đây. Nhờ những việc làm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng sự đồng hành, góp sức của người dân mà những bản làng nơi biên giới giữ được sự bình yên và ngày càng ấm no. Dưới ánh nắng thu vàng sóng sánh, bản Yên với những nếp nhà sàn nép mình sau tán lá, từng thửa ruộng bậc thang uốn lượn… gợi cảm giác bình yên đến lạ. Để rồi ai một lần đặt chân đến nơi đây, lòng bâng khuâng nhớ mãi.
            

25-10-2023
               L.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 301
 Hôm nay: 1042
 Tổng số truy cập: 9246953
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa